Luận văn Quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam hiện nay
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận văn Quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- luan_van_quyen_duoc_thong_tin_cua_cong_dan_o_viet_nam_hien_n.pdf
Nội dung text: Luận văn Quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam hiện nay
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH THÁI THỊ TUYẾT DUNG QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC TP.HỒ CHÍ MINH, NĂM 2014
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH THÁI THỊ TUYẾT DUNG QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY CHUYÊN NGÀNH: LUẬT HIẾN PHÁP VÀ LUẬT HÀNH CHÍNH MÃ SỐ: 62380102 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. TIẾN SĨ NGUYỄN ĐỨC CHÍNH 2. TIẾN SĨ ĐỖ MINH KHÔI TP.HỒ CHÍ MINH, NĂM 2014
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các thông tin nêu trong luận án là trung thực, chính xác. Các trích dẫn trong luận án đều được chú thích đầy đủ và chính xác. Các kết quả trình bày trong luận án chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án Thái Thị Tuyết Dung
- TỪ VIẾT TẮT QĐTT Quyền được thông tin Luật PCTN Luật Phòng, chống tham nhũng Pháp lệnh THDC Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn TTHC Thủ tục hành chính UBND Ủy ban nhân dân HĐND Hội đồng nhân dân
- MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1 1. Tính cấp thiết của đề tài 1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 3 2.1 Mục đích nghiên cứu 3 2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu 3 3. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu 3 3.1 Phạm vi nghiên cứu 3 3.2 Đối tượng nghiên cứu 4 4. Dự kiến kết quả nghiên cứu 4 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN 5 1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu 5 1.1.1 Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài 5 1.1.2 Tình hình nghiên cứu trong nước 8 1.2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 13 1.2.1 Cơ sở lý thuyết 13 1.2.2 Phương pháp nghiên cứu 15 CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN 16 2.1 Những vấn đề chung về quyền được thông tin của công dân 16 2.1.1 Khái niệm, đặc điểm và các hình thức thể hiện thông tin 16 2.1.2 Khái niệm, đặc điểm quyền được thông tin của công dân 21 2.1.3 Nội dung quyền được thông tin của công dân 28 2.1.4 Giới hạn của quyền được thông tin của công dân 34 2.1.5 Các biện pháp pháp lý bảo đảm quyền được thông tin của công dân 37 2.2. Các văn bản pháp luật quốc tế về quyền được thông tin của công dân 46 2.3 Vai trò và ý nghĩa của quyền được thông tin của công dân 49 2.3.1 Quyền được thông tin của công dân là điều kiện thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân khác 50 2.3.2 Quyền được thông tin của công dân có tác động mạnh mẽ đến sự ổn định của nền chính trị của các quốc gia 53 2.3.3 Quyền được thông tin của công dân đối với việc đảm bảo cho hoạt động của nhà nước công khai, minh bạch và đấu tranh phòng chống tham nhũng 57 2.3.4 Quyền được thông tin của công dân có mối quan hệ với chủ quyền nhân dân và việc phát triển nền dân chủ của các quốc gia 59
- 2.3.5 Quyền được thông tin của công dân với việc xây dựng nhà nước pháp quyền 60 2.4 Lịch sử phát triển quyền được thông tin của công dân 62 2.4.1 Quá trình phát triển quyền được thông tin của công dân ở các quốc gia 62 2.4.2 Quá trình phát triển quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam 66 KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 70 CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN VÀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 71 3.1 Thực trạng pháp luật về quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam hiện nay 72 3.1.1 Thực trạng pháp luật về quyền tìm kiếm thông tin của công dân 72 3.1.2 Thực trạng pháp luật về quyền tiếp nhận thông tin của công dân 78 3.1.3 Thực trạng pháp luật về các biện pháp bảo đảm quyền được thông tin của công dân 84 3.1.4 Đánh giá các quy định của pháp luật về quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam 91 3.2 Thực tiễn thực hiện quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam hiện nay 94 3.2.1 Thực tiễn thực hiện quyền tìm kiếm thông tin của công dân 94 3.2.2 Thực tiễn thực hiện quyền tiếp nhận thông tin của công dân 102 3.2.3 Thực tiễn thực hiện các biện pháp pháp lý bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân 116 3.2.4 Đánh giá về việc thực hiện quyền được thông tin của công dân 119 KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 122 CHƯƠNG 4: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 123 4.1 Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về quyền được thông tin của công dân và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân 123 4.1.1 Nhu cầu hoàn thiện pháp luật về quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam 123 4.1.2 Nhận thức của toàn xã hội về quyền được thông tin của công dân được nâng cao 123 4.1.3 Quá trình toàn cầu hóa đặt ra yêu cầu hoàn thiện pháp luật về quyền được thông tin của công dân 125 4.1.4 Sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự phát triển nhanh chóng các phương tiện truyền thông 127
- 4.2 Phương hướng hoàn thiện pháp luật về quyền được thông tin của công dân và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam 131 4.3. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam và một số ý kiến về dự thảo Luật 132 4.4. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật và các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam hiện nay 134 4.4.1 Hoàn thiện pháp luật về quyền được thông tin của công dân 134 4.4.2 Hoàn thiện các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân 138 KẾT LUẬN CHƯƠNG 4 143 KẾT LUẬN 145 NHỮNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ 148 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 149 PHẦN PHỤ LỤC PHỤ LỤC 1 PHỤ LỤC 2 PHỤ LỤC 3 PHỤ LỤC 4 PHỤ LỤC 5
- 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Thông tin có tầm quan trọng và dần được khẳng định qua lịch sử và quá trình phát triển của xã hội. Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, loài người bước sang một xã hội văn minh mới được gọi là xã hội thông tin. Thông tin đã ảnh hưởng sâu sắc trong mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đến việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người với nhiều hình thức hiện đại, đa chiều vì thông tin cung cấp cho người khác thì nó không mất đi mà lại tăng lên giá trị. Trong lĩnh vực chính trị - xã hội, thông tin cũng đóng vai trò then chốt trong việc đánh giá mức độ dân chủ, công bằng của một quốc gia. Quốc gia nào có sự trao đổi thông tin hai chiều giữa nhà nước và người dân càng nhiều, càng thực chất thì dân chủ được thực hiện càng hiệu quả và mang đến công bằng trong xã hội nhiều hơn. QĐTT của công dân là một trong các quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn thế giới về quyền con người1 năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham những mà nhà nước Việt Nam đã trân trọng ghi nhận và tham gia là thành viên. Thực tế cho thấy, QĐTT là một trong những công cụ pháp lý quan trọng để làm sạch và năng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, phòng chống tham nhũng và dân chủ hóa xã hội. Chính vì vậy, chỉ trong khoảng ba thập niên vừa qua, nhiều quốc gia đã ban hành các văn bản pháp luật riêng về quyền được thông tin, điều này cho thấy sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt rộng rãi của cộng đồng quốc tế về vấn đề này. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này tại các quốc gia trên thế giới có sự khác nhau. Đã có những quốc gia có sự phát triển QĐTT mạnh mẽ, cũng có những quốc gia còn trì trệ, thụ động. Đối với những quốc gia mà ở đó tiếp tục duy trì sự “bí mật” thông tin, tất yếu sẽ dẫn đến tham nhũng, bất bình đẳng xã hội. Nếu công dân trong một đất nước không biết những gì đang diễn ra trong xã hội thì họ không thể giám sát hay tham gia ý kiến, và đây sẽ không thể là tiền đề của một nền dân chủ. Với những đất nước mà nạn tham nhũng tràn lan, thì hạn chế QĐTT hay duy trì bí mật là một cứu cánh của những người có chức có quyền. Theo nhận định của Amartya Sen2, người đã đoạt giải Nobel về kinh tế năm 1998, thì hầu như không có tình trạng đói kém ở những quốc gia dân chủ và tự do thông tin. 1 Khoản 2 Điều 19 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người quy định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ". 2 The public’s right to know (1999), ARTICLE 19, London, tr.1.
- 2 Vì vậy, QĐTT đã trở thành một nhu cầu bức thiết trong xã hội hiện đại ngày nay. Một trong những cách thức hữu hiệu nhất mà lãnh đạo của nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để phát triển đất nước, cải thiện tình hình dân chủ trong xã hội là quy định về QĐTT trong các văn bản pháp luật, vì quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý để bảo vệ các quyền khác trong tiến trình xây dựng xã hội dân chủ. Bên cạnh những tác động tích cực trên, trong một chừng mực nào đó, QĐTT cũng tạo ra những ảnh hưởng bất lợi nhất định đối với sự ổn định và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước khi một số người lợi dụng quyền này để đưa ra các thông tin thiếu tính chính xác, không trung thực, vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và quyền riêng tư, và người tiếp nhận thông tin bị ảnh hưởng theo những thông tin đã tiếp nhận. Ở Việt Nam, QĐTT của công dân đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 đã khẳng định bảo đảm QĐTT của công dân. Thể chế hóa đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật” (Điều 69)3. Gần đây, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu ban hành Luật bảo đảm QĐTT của công dân và coi đây là một trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Trong thực tiễn, việc thực hiện QĐTT của công dân đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên xuất phát từ nhiều lý do khác nhau như thể chế chưa hoàn thiện, nhận thức của xã hội về QĐTT chưa được nâng cao, việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập do vậy việc thực hiện QĐTT ở nước ta chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến QĐTT của công dân và chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 2008 đến nay khi Luật Tiếp cận thông tin được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Những công trình này đã đề cập đến một số khía cạnh về QĐTT trên những phương diện và phạm vi khác nhau như thực trạng pháp luật về tiếp cận thông tin ở Việt Nam, những nội dung cơ bản QĐTT ở nước ngoài, những giới hạn của QĐTT, những kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện luật tiếp cận thông tin ở các quốc gia, tính cấp thiết của việc ban hành Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện và đầy đủ về cơ sở lý luận QĐTT, về pháp luật và thực tiễn thực hiện QĐTT, nhất là thực tiễn trong một số lĩnh vực của hoạt động quản lý nhà nước. Những vấn đề về QĐTT của công dân chưa được làm rõ như: thông tin, đặc điểm của thông tin do nhà nước quản lý; đặc điểm của QĐTT; nội hàm của QĐTT và mối quan hệ giữa các quyền cấu thành nội hàm; các biện pháp pháp lý 3 Trong Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tiếp cận thông tin ”
- 3 đảm bảo QĐTT, vai trò của QĐTT trong việc bảo vệ các quyền khác, trong nhà nước pháp quyền và nền dân chủ của các quốc gia; đánh giá thực tiễn thực hiện QĐTT; các yếu tố tác động đến sự cần thiết, định hướng hoàn thiện pháp luật và việc thực hiện QĐTT của công dân ở Việt Nam. Như vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một công trình khoa học nào ở cấp độ tiến sỹ nghiên cứu, đánh giá một cách có hệ thống và toàn diện về QĐTT của công dân ở Việt Nam hiện nay. Vì những lý do trên, việc nghiên cứu một cách có hệ thống và cơ bản về QĐTT của công dân là hoàn toàn cấp thiết, và đó là lý do tác giả quyết định lựa chọn đề tài: “QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY” làm luận án tiến sĩ. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài 2.1 Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận án là làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và thực trạng việc thực hiện QĐTT của công dân ở Việt Nam, từ đó đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và các biện pháp bảo đảm QĐTT trong điều kiện nước ta hiện nay. 2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt mục đích nghiên cứu trên, luận án có các nhiệm vụ cụ thể sau: - Đưa ra hệ thống cơ sở lý luận cơ bản về QĐTT của công dân, trên cơ sở phân tích khái niệm, đặc điểm và các biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện quyền này. - Khảo sát thực tiễn trong nước và một số nước khác, sau đó đánh giá, kết luận thực trạng pháp luật và việc thực hiện pháp luật về QĐTT của công dân ở nước ta với những ưu điểm và những tồn tại cần khắc phục. - Đề xuất các phương hướng, kiến nghị cụ thể hoàn thiện pháp luật về QĐTT của công dân trên cơ sở phân tích thực trạng, nhu cầu khách quan và quan điểm hoàn thiện. 3. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu 3.1 Phạm vi nghiên cứu QĐTT là đề tài liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau như công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch, tổ chức, tuy nhiên, trong phạm vi luận án này chỉ tập trung nghiên cứu QĐTT của công dân mà không đề cập đến QĐTT của các chủ thể khác. QĐTT là đề tài nghiên cứu rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tuy nhiên tác giả chỉ tập trung phân tích những nội dung cơ bản nhất về QĐTT của công dân trong một số lĩnh vực mà QĐTT thể hiện rõ nét nhất, đó là lĩnh vực thông tin
- 4 truyền thông; tài chính, ngân hàng; thương mại; tài nguyên, môi trường; thủ tục hành chính; và hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam QĐTT được quy định bởi các tuyên ngôn, điều ước quốc tế và khu vực, các văn kiện của Đảng, quy định pháp luật, tuy nhiên, Luận án chỉ tập trung nghiên cứu các quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện quyền này ở Việt Nam từ 1992 đến nay vì đây là giai đoạn mà QĐTT của công dân được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp 1992. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã sử dụng các nguồn tài liệu của một số nước để so sánh, đối chiếu như Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc Vì đây là những quốc gia mà QĐTT tương đối phát triển và ở nhiều thể chế chính trị khác nhau. 3.2 Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của Luận án là lý thuyết và thực tiễn thực hiện QĐTT của công dân ở Việt Nam, gồm những vấn đề sau: - Phân tích các quan điểm hiện nay về thông tin và QĐTT, đưa ra khái niệm, đặc điểm, nội dung và ý nghĩa của QĐTT của công dân; các thành tố tạo nên bảo các biện pháp pháp lý đảm bảo việc thực hiện các QĐTT của công dân; làm rõ mối quan hệ giữa QĐTT với các quyền tự do công dân khác. - Làm sáng tỏ luận điểm: QĐTT của công dân là quyền cơ bản của công dân, có vị trí quan trọng trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay; là một trong những lĩnh vực quyền thể hiện giá trị xã hội cao vì là cơ sở để bảo vệ các quyền công dân khác; là “công cụ” phòng chống tham nhũng hiệu quả. - Phân tích thực trạng pháp luật về QĐTT của công dân trong một số lĩnh vực, đánh giá các thành tựu cũng như những hạn chế trong việc thực hiện quyền này. - Xây dựng, củng cố quan điểm về bảo đảm QĐTT trong điều kiện phát huy dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam; đề xuất những giải pháp cụ thể trong hệ thống tăng cường hiệu quả bảo đảm QĐTT của công dân phù hợp với công cuộc đổi mới kinh tế, chính trị của đất nước và hội nhập quốc tế. Những kết luận trong luận án là những kiến nghị góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và pháp lý về QĐTT. 4. Dự kiến kết quả nghiên cứu Là một công trình nghiên cứu chuyên sâu, kết quả nghiên cứu sẽ là sự bổ sung quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn vào việc đáp ứng QĐTT của công dân ở Việt Nam hiện nay. Do đó, công trình có giá trị tham khảo đối với sinh viên đại học và cao học luật, phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy pháp luật cũng như một số chuyên ngành liên quan ở các trường đại học. Trong một chừng mực nhất định, luận án được dùng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy các môn học liên quan đến hoạt động của nhà nước, công dân và quyền tự do của công dân.
- 5 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN 1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu 1.1.1 Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Ở mức độ nghiên cứu khái quát, đã có nhiều công trình nghiên cứu có uy tín liên quan đến quyền được thông tin, quyền tự do thông tin Các công trình có giá trị trong việc cung cấp một cách nhìn tổng quan về QĐTT từ góc độ pháp luật quốc tế với các nội dung như khái niệm về QĐTT, về quyền tự do thông tin của các quốc gia, vai trò của quyền tự do thông tin trong mối quan hệ với các quyền khác của con người đã được quy định trong các điều ước quốc tế như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do xuất bản, quyền riêng tư; so sánh các quy định pháp luật về vấn đề này giữa các quốc gia; làm nổi bật vai trò, ý nghĩa của nó trong việc phòng chống tham nhũng, xây dựng nhà nước pháp quyền và đảm bảo thực hiện các quyền công dân và quyền con người; và đưa ra được luật mẫu về quyền tự do thông tin. Về quyền được thông tin có các công trình sau: (1) Public Access to Government – held information (Tiếp cận Thông tin của các Cơ quan nhà nước) của Noeman Marsh, Q.C, 1987. Cuốn sách này đề cập đến quyền tiếp cận thông tin do chính phủ quản lý tại Thụy Điển, trong đó có so sánh với một số quy định của các nước khác. (2) Right to Information: An Appropriate Tool against Corruption, (Quyền được thông tin – Một Công cụ thích hợp để chống tham nhũng) của Stefan Mentschel (2005). Cuốn sách đề cập đến vai trò của QĐTT trong việc chống tham nhũng ở Ấn Độ. (3) Access to information in EU – a comparative analysis of EC and member state legislation (Tiếp cận thông tin ở Liên minh Châu Âu - một phân tích so sánh giữa pháp luật Cộng đồng Châu Âu và các nước thành viên) của Herke Kranenb, Wim Voerm (2005). Đây là cuốn sách về phân tích so sánh QĐTT ở các nước trong Cộng đồng chung Châu Âu. (4) The Right to Know: Access to Information in Southeast Asia (Quyền được Biết: Tiếp cận thông tin ở Đông Nam Á) của Coranel, Sheila (2001). Cuốn sách đề cập đến QĐTT của các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. (5) Access to information: An instrusmental right for empowerment (2007), Artical 19, cuốn sách này đề cập đến vai trò của QĐTT như là một quyền thực hiện các quyền khác. Những tác phẩm này rất có giá trị trong việc cung cấp một cách nhìn về QĐTT từ góc độ pháp luật quốc tế về quyền con người, về quyền được thông tin ở Châu Âu
- 6 và các nước thành viên, các nước ở Đông Nam Á. Tuy nhiên các công trình này vẫn chưa phân tích cơ sở lý luận của QĐTT như đặc trưng của thông tin do nhà nước đang quản lý, nội hàm QĐTT tin bao gồm quyền tìm kiếm thông tin và quyền tiếp nhận thông tin, chưa đề cập mối quan hệ giữa QĐTT và quyền tự do thông tin, đặc điểm của quyền được thông tin, giới hạn của QĐTT. Về quyền tự do thông tin có các công trình nghiên cứu sau: (1) Freedom of Information: The Law, the Practice and the Ideal (Tự do Thông tin: Pháp luật, Thực tiễn và Ý tưởng) của Patrick Birkinshaw (1996, 2010). Cuốn sách này phân tích chi tiết pháp luật tự do thông tin của nước Anh và những quy định pháp luật về dữ liệu cá nhân, lịch sử phát triển của bí mật quốc gia, an ninh quốc gia và bối cảnh hiện tại. (2) Blackstone’s Guide to the Freedom of Information Act (Bình luận của Blackston về Đạo luật Tự do Thông tin) của John Wadham, Jonathan Griffiths và Kelly Marris (2002), là cuốn sách hướng dẫn ngắn gọn tổng quan kết hợp với bình luận và phân tích về ảnh hưởng của pháp luật của Luật Tự do thông tin 2000 của nước Anh, nhất là áp dụng nghĩa vụ công bố và cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước. (3) Freedom of Information: A Comparative Legal Survey, (Tự do Thông tin: Một khảo sát so sánh pháp lý), Toby Mendel UNESCO, 2003. Cuốn sách này cung cấp những nghiên cứu so sánh về tự do thông tin ở các quốc gia trên thế giới có luật hoặc có quy định về quyền tự do thông tin. (4) The Law of Freedom of Information (Luật Tự do Thông tin) của John MacDonald, Clive H. Jones (2003), Nhà xuất bản Oxford University Press. Cuốn sách phân tích và giải thích về các vấn đề liên quan đến Luật Tự do thông tin năm 2000, Quy định về môi trường năm 2004, và Đạo luật bảo vệ dữ liệu năm 1998 của nước Anh. Cuốn sách phân tích vấn đề tự do thông tin trong bối cảnh bảo vệ quyền riêng tư và các quyền cơ bản con người. (5) Freedom of information Handbook, (Sổ tay về Tự do thông tin) của Peter Carey và Marcus Turle (chủ biên), (2006, 2008, 2012). Cuốn sách đề cập đến quá trình ban hành Đạo luật Tự do thông tin 2000 của nước Anh và cuộc cách mạng tiếp cận thông tin và công khai thông tin cơ quan công quyền, đặc biệt là thông qua các quyết định của Ủy viên Thông tin, của Tòa án. (6) Bài báo Freedom of Information and Openness: Fundamental Human Right? (Tự do thông tin và công khai - Quyền Cơ bản của Con người?) của Patrick Birkinshaw (tạp chí Administrative Law Review, 2006)4 trình bày và phân tích sâu các quan điểm đa chiều của giới luật học về ưu điểm cũng như hạn chế của pháp luật về quyền tự do thông tin của một số quốc gia trên thế giới. 4 625140031 (Truy cập ngày 18.5.2012)
- 7 Những công trình này có giá trị tham khảo với đề tài vì quyền tự do thông tin bao gồm quyền tìm kiếm thông tin, quyền tiếp nhận thông tin, quyền phổ biến thông tin, còn QĐTT bao gồm quyền tìm kiếm thông tin và quyền tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, những công trình trên xác định quyền tự do thông tin với nội hàm rất rộng, và thông tin được tiếp cận không chỉ do nhà nước đang quản lý mà bao gồm cả thông tin do cá nhân, các tổ chức tư nhân nắm giữ. Về mối quan hệ giữa quyền được thông tin với các quyền tự do khác được thể hiện ở các công trình sau: (1) Freedom of Information Around the World 2006 - A Global Survey of Access to Government Information Laws, (Tự do thông tin trên thế giới năm 2006 – Một Nghiên cứu toàn cầu về các Luật Tiếp cận thông tin chính phủ) của David Banisar, Privacy International, 2006. Cuốn sách này cung cấp những nghiên cứu so sánh về pháp luật về quyền được thông tin công ở các quốc gia trên thế giới. (2) Secrecy and Liberty: National Security, Freedom of Expression and Access to Information (1999), (Bí mật và tự do: An ninh quốc gia, Tự do biểu hiện và Tiếp cận thông tin) của tập thể tác giả F.D’Souza, Sandra Coliver, Paul Hoffiman, Stephen Bowen, Joan Fitzpatrick. Cuốn sách này nói lên mối quan hệ đa chiều giữa an ninh quốc gia và tự do thông tin, tự do ngôn luận và thông tin vì nếu không có an ninh quốc gia, quyền cơ bản của con người luôn luôn có nguy cơ bị xâm phạm. Nhưng nếu đề cao an ninh quốc gia thì quyền tự do thông tin cũng bị hạn chế. Một sự cân bằng thích hợp giữa bí mật quốc gia và tự do thông tin đòi hỏi phải có một nền báo chí cảnh giác và tư pháp độc lập. Ở mức độ chuyên sâu hơn nữa trong lĩnh vực này có một số bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí luật học nước ngoài. Nội dung và các khía cạnh khác nhau của QĐTT được đề cập ở các hình thức nghiên cứu rất đa dạng và phong phú như bài viết Balancing Access to Government - Controlled Information5 (2006) (Cân bằng Tiếp cận thông tin do Chính phủ kiểm soát) của Alan B. Morrison, trình bày về vấn đề cân bằng trong QĐTT do nhà nước đang kiểm soát, trong đó nhấn mạnh sự cân bằng giữa QĐTT, quyền riêng tư và bảo vệ bí mật nhà nước. Giải quyết mối quan hệ này cần trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và Quốc hội là cơ quan quyết định. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ cũng đã xuất bản những tài liệu, hoặc sổ tay về QĐTT như: An Introduction to Openness and Access to Information (Giới thiệu về Công khai và tiếp cận thông tin) của Viện nghiên cứu nhân quyền Đan Mạch (2005) hay Access to Information, Practical Guidance Note (Hướng dẫn thực hiện tiếp cận 5www.brooklaw.edu/IntellectualLife/Health%20Science%20Policy%20Center/Science4Judges/~/media/CF17B3 0AF4234ECDB55030EF8584CA3D.ashx (Truy cập ngày 20.5.2012)
- 8 thông tin) của UNDP năm 2004. Các tài liệu này với cách thức dễ hiểu và nội dung tóm lược nhằm mục đích tuyên truyền QĐTT. Có thể nói, các tài liệu nghiên cứu về QĐTT trên thế giới rất đa dạng về hình thức nghiên cứu và có nội dung phong phú. Đó là những nguồn tài liệu cung cấp kiến thức lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn cho các nước đang đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai và hoàn thiện QĐTT như Việt Nam, tuy nhiên, chưa có tài liệu nào nghiên cứu đầy đủ về khái niệm, đặc điểm thông tin nhà nước quản lý và QĐTT của công dân, cơ chế đảm bảo QĐTT, về mối quan hệ giữa quyền tự do thông tin với QĐTT. 1.1.2 Tình hình nghiên cứu trong nước QĐTT của công dân ở Việt Nam là đề tài có tính bao quát cao và có thể được nghiên cứu bởi nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đây là một đề tài không mới nhưng khá nhạy cảm, vì vậy đến nay chưa có một công trình khoa học pháp lý nào nghiên cứu toàn diện về lý luận và thực tiễn. Việc nghiên cứu về QĐTT của công dân đã được đề cập ở nhiều góc độ khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp trong các cuộc hội thảo, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trong những năm gần đây. Có thể sắp xếp nhóm các công trình nghiên cứu có đề cập đến QĐTT của công dân đã được thực hiện ở Việt Nam trong thời gian qua như sau: Thứ nhất, các công trình nghiên cứu lý luận đã được công bố liên quan đến quyền được thông tin của công dân bao gồm: Các bài viết của các tác giả: Đào Trí Úc (2011), Tự do thông tin trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 4; Trần Ngọc Đường, 2008, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với quyền được tiếp cận thông tin, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 01 (112+114), Vũ Văn Nhiêm (2010), QĐTT từ góc độ bảo đảm quyền con người và liên hệ với dự luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam (Nghiên cứu lập pháp số 9 (170); Nguyễn Công Hồng và Hoàng Thị Ngân (2010), Nhà nước pháp quyền và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân, Tạp chí Dân chủ và pháp luật số chuyên đề, Lê Thị Hồng Nhung (2011), “Quyền tiếp cận thông tin dưới góc độ quyền con người”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (5) đã đề cập đến cơ sở lý luận của QĐTT. Tất cả những bài này, ở những khía cạnh và cấp độ khác nhau, đều phân tích những tiền đề lý luận chung về pháp luật và thực tiễn QĐTT, về nhà nước pháp quyền, và vai trò, ý nghĩa của QĐTT trong một xã hội ngày nay. Tuy nhiên, các công trình này chỉ nêu lên những vấn đề chung về QĐTT bao gồm cả QĐTT của các cơ quan, tổ chức, chưa nghiên cứu toàn diện về QĐTT của công dân. Thứ hai, các công trình nghiên cứu so sánh về QĐTT đã được công bố là cuốn sách: “Các văn kiện quốc tế và luật của một số nước về tiếp cận thông tin” (2007) do Viện nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức dịch và biên soạn, Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành. Cuốn
- 9 sách này đã dịch toàn văn và trích dịch các văn kiện quốc tế liên quan đến quyền tiếp cận thông tin như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền 1948, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966, Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1989, Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003, Chương trình hành động chống tham nhũng dành cho châu Á và khu vực châu Á, Thái Bình Dương năm 2001. Cuốn sách này cũng đã dịch nguyên văn và trích dịch các luật về tiếp cận thông tin, tự do thông tin của nhiều nước trên thế giới như Anbani, Ấn Độ, Ba Lan, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Na Uy, Nga, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc, Úc, Anh Cuốn sách này có giá trị tham khảo khi so sánh với các quy định về QĐTT của công dân ở Việt Nam. Sau đó, cuốn sách Tiếp cận thông tin: Pháp luật và thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam (2011), của tập thể tác giả Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội về các vấn đề lý luận cơ bản, khuôn khổ pháp luật, thực tiễn và những bài học kinh nghiệm tốt không chỉ ở cấp độ quốc tế, khu vực, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sách này cũng tập hợp một số bài viết và báo cáo nghiên cứu về các vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn của việc xây dựng luật và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam. Ngoài ra, có một luận văn Thạc sỹ cũng liên quan đến nghiên cứu so sánh QĐTT là Luật tiếp cận thông tin một số nước - những kinh nghiệm kế thừa, phát triển, hoàn thiện pháp luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam của Lương Chí Công, 2011 (Đại học Luật Hà Nội). Luận văn này đề cập về Luật tiếp cận thông tin của một số quốc gia, sau đó tóm tắt những kinh nghiệm kế thừa để hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin ở Việt Nam. Luận văn chưa đề cập nhiều về vấn đề lý luận, về khái niệm thông tin, quyền tiếp cận thông tin. Về bài viết đăng tạp chí, có rất nhiều bài viết có liên quan đến luận án trong lĩnh vực nghiên cứu so sánh như: Tường Duy Kiên (2008), Quyền tiếp cận thông tin: quy định quốc tế và đặc điểm chung của luật một số nước, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 01 (112+114); Hoàng Thị Ngân (2009), Nội dung quyền tiếp cận thông tin theo pháp luật một số nước, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 10; Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao (2011), Dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam: phân tích so sánh với luật mẫu của Article 19 và luật của một số nước trên thế giới, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 2; Trương Thị Hồng Hà (2010), Luật về công bố thông tin của các cơ quan chính quyền Hàn quốc, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9 (170); Nguyễn Thị Kim Thoa (2009), Nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin một số nước, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số chuyên đề về quyền tiếp cận thông tin số 17 (154); Nguyễn Quỳnh Liên (2009), Quyền tiếp cận thông tin trong các văn kiện quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số chuyên đề 17 (154). Riêng Tạp chí Dân chủ và pháp luật số chuyên đề “Xây dựng Luật tiếp cận thông tin” 2010 có những bài viết liên quan đến kinh nghiệm của các quốc gia về QĐTT như: Nguyễn Thị Kim Thoa (2010), Những
- 10 vấn đề cơ bản được giải quyết trong Luật tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới; Thoa Huế (2010), Cơ quan cung cấp thông tin – Kinh nghiệm quốc tế và hướng quy định trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam; Nguyễn Quỳnh Liên (2010), Kinh nghiệm xây dựng Luật tiếp cận thông tin của một số nước trên thế giới; Nguyễn Thị Thu Vân (2010), Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị về cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận thông tin trong dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam Bên cạnh các công trình nghiên cứu trên còn có các hội thảo với nội dung về nghiên cứu so sánh về QĐTT, như: Hội thảo quốc tế về Quyền tiếp cận thông tin: thực tiễn ở Việt Nam, Đan Mạch và quốc tế (tháng 10 năm 2006) và Hội thảo Quyền được thông tin: thực tiễn ở Việt Nam, kinh nghiệm của Vương quốc Anh (tháng 10 năm 2007), Hội thảo quốc tế về Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin tại Việt Nam (tháng 5 năm 2009), Hội thảo về lấy ý kiến Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin: Bảo vệ quyền được thông tin của công dân (tháng 7 năm 2009), Hội thảo quốc tế: “Luật tiếp cận thông tin – kinh nghiệm một số nước trên thế giới” với sự phối hợp tổ chức và tài trợ của Trung tâm nhân quyền Na Uy, Hội Luật gia Việt Nam (tháng 8.2009). Các hội thảo trên đã nhận được rất nhiều bài tham luận về đề tài này, đáng chú ý là các tham luận sau: Nguyễn Chí Dũng – Quyền tiếp cận thông tin: Yêu cầu của quản lý nhà nước hiệu quả, vì phát triển; Tường Duy Kiên – Hoàng Mai Hương – Chu Thuý Hằng – Tìm hiểu pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về quyền được đảm bảo thông tin của Việt Nam; PGS.TS Vũ Văn Phúc – Công tác tuyên giáo với việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; TS.Đinh Văn Minh – Bảo đảm quyền thông tin, góp phần đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam; ThS. Vũ Công Giao – Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan ở Việt Nam, Tony Mendel, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Article 19 - Tầm quan trọng của Quyền tiếp cận thông tin: Xu hướng, Địa vị và Đặc điểm; TS. Hoàng Thị Ngân - Kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về Luật tiếp cận thông tin của một số quốc gia trên thế giới; GS.TS Nguyễn Đăng Dung - Kết quả khảo sát thực tiễn tại địa phương về thực thi quyền được thông tin; GS.TSKH Đào Trí Úc - Tổng quan về Luật tiếp cận thông tin và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở các nước trên thế giới; PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin, Luật báo chí và Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước. Lĩnh vực nghiên cứu so sánh này có nhiều công trình nhất, các nghiên cứu trên đã đề cập chuyên sâu hơn về một khía cạnh nào đó về QĐTT của công dân, về pháp luật của một số nước về quyền này, về mối quan hệ với các văn bản có liên quan. Dù gián tiếp hay trực tiếp, các bài viết đều là những thành tựu nghiên cứu về QĐTT của công dân và rất có ý nghĩa trong việc kế thừa và phát triển nghiên cứu về QĐTT cũng như các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia về các biện pháp bảo đảm thực hiện QĐTT của công dân.
- 11 Thứ ba, nhóm các công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến QĐTT của công dân ở Việt Nam hiện nay như: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Cơ sở lý luận pháp luật và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin phục vụ xây dựng luật tiếp cận thông tin” do PGS.TS Thái Vĩnh Thắng làm Chủ nhiệm đề tài (đã nghiệm thu 2011), là một trong những đề tài chuyên sâu về quyền được thông tin. Mục đích nghiên cứu của đề tài là làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay phục vụ việc xây dựng Luật tiếp cận thông tin. Luận văn Thạc sỹ Quyền tiếp cận thông tin của công dân của Phạm Quang Hòa 2010, (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), luận văn đã giải quyết một số vấn đề cơ bản về quyền tiếp cận thông tin, tuy nhiên chưa đưa ra định nghĩa, đặc điểm của quyền này, các quan điểm về nội hàm và chưa thật hợp lý khi cho rằng quyền tiếp cận thông tin bao gồm quyền tìm kiếm, quyền yêu cầu cung cấp và quyền phổ biến thông tin. Tiếp đến là Luận văn Thạc sỹ Pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân trong quản lý nhà nước của Vũ Thị Tố Chinh, 2012, (Trường Đại học Luật TPHCM) đề cập đến pháp luật về quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước. Luận văn này giải quyết được nhiều vấn đề như xác định chính xác nội hàm quyền tiếp cận thông tin, các biện pháp pháp lý đảm bảo quyền được thực hiện. Tuy nhiên, luận văn chỉ đề cập quyền tiếp cận thông tin trong quản lý nhà nước và chưa đưa ra được những đặc điểm, sự tác động, ảnh hưởng của quyền tiếp cận thông tin trong thời đại thông tin hiện nay. Do tính chất quan trọng của QĐTT nên một số tạp chí khoa học có riêng một số chuyên đề tập trung đề cập đến QĐTT ở Việt Nam, cụ thể: Số chuyên đề về quyền tiếp cận thông của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp 17 (154) bao gồm các bài viết: Thái Vĩnh Thắng (2009), Quyền tiếp cận thông tin - Điều kiện thực hiện các quyền con người và quyền công dân; Dương Thị Bình (2009), Thực trạng quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam; Nguyễn Thị Hạnh (2009), Sự cần thiết ban hành luật tiếp cận thông tin; Mai Thị Kim Huế (2009), Phạm vi chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin; Chu Thị Thái Hà (2009), Thông tin được tiếp cận và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin; Nguyễn Thị Thu Vân (2009), Cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Và số chuyên đề: “Xây dựng Luật tiếp cận thông tin” 2010 của Tạp chí Dân chủ và pháp luật với các bài viết của các tác giả: Nguyễn Đăng Dung - Một số vấn đề về đảm bảo quyền được thông tin của công dân; Hạnh Bình - Thực tiễn về tiếp cận thông tin của các bộ, ngành, địa phương; Hoàng Thị Ngân - Quyền tiếp cận thông tin và việc xây dựng chính phủ mở; Dương Thị Bình - Thực trạng và kiến nghị về thực hiện quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam; Mai Nguyễn – Cung cấp thông tin theo yêu cầu – Cơ chế hữu hiệu bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Các bài viết này đã cung cấp những góc nhìn khác nhau về QĐTT của công dân cũng như thực trạng, xu hướng thực hiện quyền này trong thực tiễn.
- 12 1.2.3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu Qua tìm hiểu về tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài “Quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam hiện nay” mà nghiên cứu sinh tiếp cận được, xin đưa ra đánh giá bước đầu như sau: Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến khi Hiến pháp 1992 được ban hành, vấn đề QĐTT của công dân chưa được quan tâm nghiên cứu. Hiến pháp 1992 ghi nhận quyền này trong Điều 69 thì cũng mới chỉ là ghi nhận chứ chưa được triển khai nghiên cứu cũng như thực hiện trong thực tiễn. Sau đó, có nhiều chủ trương, định hướng về QĐTT trong các văn kiện của Đảng, nhưng đến Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (2006) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã chính thức đề ra chủ trương: “Nghiên cứu ban hành Luật về bảo đảm QĐTT của công dân”. Bắt đầu từ chủ trương này, giới nghiên cứu đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu liên quan đến QĐTT của công dân và chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 2008 đến nay khi Luật Tiếp cận thông tin được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Trong một thời gian ngắn số lượng sách, bài viết đăng trên các tạp chí, hội thảo được tổ chức rất nhiều chứng tỏ QĐTT có sức thu hút rất lớn về mặt khoa học. Những bài viết trên đây đề cập đến một số khía cạnh về QĐTT trên những phương diện và phạm vi khác nhau như thực trạng pháp luật về quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam, những nội dung cơ bản QĐTT ở nước ngoài, những giới hạn của QĐTT, những kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện luật tiếp cận thông tin ở các quốc gia, tầm quan trọng của QĐTT trong đời sống hàng ngày của mỗi quốc gia, mối quan hệ giữa việc xây dựng nhà nước pháp quyền và việc đảm bảo QĐTT của cá nhân, tính cấp thiết của việc ban hành Luật tiếp cận thông tin ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, các bài viết trên cũng thể hiện những quan điểm khác nhau cũng như chưa có sự thống nhất cao về khái niệm cũng như nội hàm của QĐTT của công dân. Các công trình nghiên cứu nên trên đã giúp cho tác giả có cách nhìn tổng quan về QĐTT cũng như cung cấp cho tác giả nhiều tư liệu và các luận điểm khoa học quan trọng, giúp cho tác giả trong việc kế thừa và phát triển đề tài này. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này chủ yếu chỉ dừng lại ở những cách tiếp cận khác nhau về QĐTT của công dân; hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện và đầy đủ về pháp luật và thực tiễn thực hiện QĐTT, nhất là thực tiễn trong một số lĩnh vực của hoạt động quản lý nhà nước. Những vấn đề về QĐTT của công dân chưa được làm rõ là: i) thông tin, đặc điểm của thông tin do nhà nước quản lý, ii) đặc điểm của QĐTT, tại sao QĐTT là quyền tự do cơ bản của công dân, iii) nội hàm của QĐTT và mối quan hệ giữa các quyền cấu thành nội hàm; iv) các biện pháp pháp lý đảm bảo QĐTT, v) vai trò của QĐTT trong việc bảo vệ các quyền khác, trong nhà nước pháp quyền và nền dân chủ của các quốc gia; vi) các yếu tố tác động đến sự cần thiết, định hướng hoàn thiện pháp luật và việc thực hiện QĐTT của công dân ở
- 13 Việt Nam; vii) phải làm gì để hoàn thiện pháp luật và việc thực hiện QĐTT của công dân ở Việt Nam hiện nay. Như vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một công trình khoa học nào ở cấp độ tiến sỹ nghiên cứu, đánh giá một cách có hệ thống và toàn diện về QĐTT của công dân ở Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, việc tiếp tục phát triển các kết quả nghiên cứu về QĐTT của công dân ở góc độ lý luận, đánh giá thực trạng của pháp luật, thực tiễn thực hiện và đề xuất những giải pháp hoàn thiện là cần thiết và không trùng lặp với bất kỳ công trình nghiên cứu nào đã thực hiện trước đây. Đề tài “Quyền được thông tin của công dân ở Việt Nam hiện nay” là công trình khoa học đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này trong tổng thể của vấn đề lớn hơn và rất bức thiết trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. 1.2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 1.2.1 Cơ sở lý thuyết 1.2.1.1 Câu hỏi nghiên cứu Thứ nhất, thông tin là gì? QĐTT của công dân là gì? Đặc điểm của QĐTT và ý nghĩa của QĐTT của công dân? QĐTT của công dân có nội hàm như thế nào; quyền phổ biến thông tin có thuộc nội hàm QĐTT hay không; QĐTT, quyền tự do thông tin, quyền được thông tin giống nhau hay khác nhau? Thứ hai, QĐTT của công dân được quy định như thế nào trong quốc tế và pháp luật Việt Nam; các biện pháp pháp lý bảo đảm thực hiện quyền như thế nào? Thứ ba, vị trí và vai trò của QĐTT trong thời đại ngày nay như thế nào? Thứ tư, việc triển khai thực hiện QĐTT của công dân trong thực tiễn như thế nào; các biện pháp pháp lý bảo đảm được triển khai thực hiện như thế nào? Thứ năm, ý thức pháp luật và năng lực thực hiện QĐTT của công dân, cán bộ nhà nước như thế nào trong thực tiễn? Thứ sáu, các yếu tố nào tác động đến việc hoàn thiện QĐTT của công dân? Thứ bảy, việc hoàn thiện pháp luật và cơ chế đảm bảo QĐTT ở Việt Nam theo hướng nào; các biện pháp hoàn thiện là gì? 1.2.1.2 Lý thuyết nghiên cứu Cơ sở phương pháp luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng các quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. 1.2.1.3 Các giả thuyết nghiên cứu Trên cơ sở nền tảng các nghiên cứu về QĐTT của công dân được quy định trong
- 14 pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế, tác giả xác định luận án cần phải hướng vào trình bày một số giả thuyết khoa học sau: Thứ nhất, quyền được thông tin của công dân là khái niệm được sử dụng để nói đến quyền của công dân được tìm kiếm thông tin, tiếp nhận thông tin do nhà nước đang quản lý, theo các cách thức trực tiếp lẫn gián tiếp nhằm thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận; đồng thời quy định nghĩa vụ của nhà nước phải bảo đảm cho tất cả mọi người được tiếp cận các nguồn thông tin mà trước tiên là thông tin do chính bản thân các cơ quan nhà nước đang nắm giữ hoặc quản lý. Thứ hai, QĐTT đã được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và nhiều quốc gia. Nhà nước có vai trò quyết định và tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện QĐTT của công dân, vì QĐTT của công dân chỉ được thực hiện khi nhà nước chủ động cung cấp thông tin và đưa ra các biện pháp pháp lý đảm bảo thực hiện quyền này theo đúng quy định pháp luật, vì nếu không có các biện pháp bảo đảm thì các cơ quan nhà nước sẽ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền này, đồng thời cũng khó ngăn chặn tình trạng một số chủ thể lạm quyền hoặc lợi dụng QĐTT của công dân để xâm phạm lợi ích của các chủ thể khác. Không có đảm bảo vật chất của nhà nước, các quyền con người nói chung, QĐTT nói riêng chỉ là những lời tuyên bố mà không được thực hiện trong thực tiễn. Thứ ba, quyền được thông tin của công dân có vai trò rất quan trọng trong thời đại ngày nay, là quyền để bảo vệ các quyền công dân khác, đảm bảo cho nhà nước công khai, minh bạch, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, góp phần phát triển nền dân chủ của các quốc gia, xây dựng nhà nước pháp quyền. Thứ tư, quyền được thông tin của công dân và cơ chế bảo đảm quyền này được thể hiện ngày càng cao trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Có nhiều văn bản quy định về QĐTT và các nội dung liên quan nhưng chưa có cơ chế đảm bảo thực hiện trong thực tiễn; nhiều văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thực sự theo kịp sự phát triển xã hội. Thứ năm, ý thức pháp luật và năng lực thực hiện QĐTT của công dân, cán bộ nhà nước còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng thông tin. Thứ sáu, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, Nhà nước Việt Nam trong những năm qua đã nhanh chóng xây dựng được cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, góp phần đảm bảo việc thực hiện QĐTT của công dân, tạo điều kiện cho công dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận lợi và kịp thời hơn. Tuy nhiên, năng lực bảo đảm và điều kiện vật chất bảo đảm QĐTT vẫn còn nhiều hạn chế nên nhiều quy định chưa thể triển khai trong thực tế. Thứ bảy, hoàn thiện pháp luật và những bảo đảm pháp lý cho việc thực hiện QĐTT của công dân phải được tiến hành trong tổng thể của cơ chế bảo đảm quyền con
- 15 người và các quyền cơ bản khác của công dân, với nhận thức của cả xã hội về vị trí, vai trò của QĐTT trong mối tương quan chặt chẽ với các quyền công dân khác. 1.2.2 Phương pháp nghiên cứu Để làm rõ các vấn đề nghiên cứu, luận án vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác–Lênin. Đây là phương pháp luận khoa học được vận dụng nghiên cứu trong toàn bộ luận án để đánh giá khách quan QĐTT của công dân ở nước ta hiện nay. Luận án cũng được nghiên cứu dựa trên đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhà nước ta. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận án là phân tích, tổng hợp, luật học so sánh, xã hội học cụ thể, thống kê; kết hợp lý luận và thực tiễn để đưa ra các kết luận, đánh giá nhằm giải quyết các nội dung liên quan đến pháp luật và việc thực hiện pháp luật về QĐTT của công dân ở Việt Nam. Để hoàn thành mục đích nghiên cứu tác giả kết hợp nhiều phương pháp trong từng phần của luận án, phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp được sử dụng nhiều nhất trong luận án. Đối với mỗi mục thì có một số phương pháp nghiên cứu chủ đạo để làm rõ mục đích nghiên cứu. Cụ thể là: Ở chương 2, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp thống kê để đưa ra những vấn đề lý luận cơ bản của pháp luật về QĐTT của công dân, nội hàm, đặc điểm, ý nghĩa của QĐTT của công dân. Ở chương 3, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp luật học so sánh và phương pháp thống kê để làm rõ các quy định của pháp luật hiện hành về QĐTT, các biện pháp pháp lý đảm bảo và thực tiễn thực hiện QĐTT ở nước ta. Ở chương 4, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp hệ thống, phương pháp đối chiếu để đề ra phương hướng và giải pháp cho việc hoàn thiện pháp luật và các biện pháp đảm bảo QĐTT ở Việt Nam.
- 16 CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN ĐƯỢC THÔNG TIN CỦA CÔNG DÂN 2.1 Những vấn đề chung về quyền được thông tin của công dân 2.1.1 Khái niệm, đặc điểm và các hình thức thể hiện thông tin 2.1.1.1 Khái niệm thông tin Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, con người thường xuyên cần đến thông tin. Ngày nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin thì thông tin trở thành một trong những nhu cầu sống còn của con người, là nền tảng cho tất cả các hoạt động của xã hội. Vì vậy, mọi người phải có cơ hội được tham gia và không ai bị loại ra khỏi lợi ích của xã hội thông tin6 và khái niệm "thông tin" đang trở thành khái niệm cơ bản, chung cho nhiều ngành khoa học. Trong Từ điển Tiếng Việt có hai cách định nghĩa về thông tin: (1)“thông tin là điều hoặc tin được truyền đi cho biết, sự truyền đạt, sự phản ánh tri thức dưới các hình thức khác nhau, cho biết về thế giới xung quanh và những quá trình xảy ra trong nó”7 và (2) “thông tin là tin tức được truyền đi cho biết hoặc tin tức về các sự kiện diễn ra trong thế giới xung quanh”8. Những nhà triết học định nghĩa: "Thông tin là cái đa dạng được phản ánh"9, hoặc "Thông tin là nội dung thế giới bên ngoài được thể hiện trong sự nhận thức của con người" (N.Viner)10. Dưới góc độ khoa học tin học thì: “Thông tin là tập hợp các dữ liệu sau khi được xử lí cho ta những hiểu biết về một vấn đề nào đó. Thông tin là những dữ liệu có thể làm thay đổi tình trạng kiến thức của một người (những gì mà người đó biết) và đại diện vật chất cho những gì trừu tượng có thể tạo ra được sự thay đổi này”11. Đối với các quốc gia có luật về QĐTT, thì định nghĩa thông tin theo nhiều cách khác nhau. Như Luật về công khai thông tin của các cơ quan chính quyền Hàn Quốc được thông qua năm 1996 quy định: “thông tin có nghĩa là các tin tức được soạn thảo, sở hữu và quản lý bởi các cơ quan chính quyền trong khi họ thi hành nhiệm vụ của mình”12. Luật Tự do thông tin của Vương quốc Anh ban hành năm 2000, quy định 6 Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin thông qua tại Geneva tháng 12.2003. Xem , (Truy cập ngày 10.7.2012) 7 Trung tâm Từ điển học (2011), Từ điển Tiếng Việt Đà Nẵng, Hà Nội, tr. 1226. 8 Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1998), Đại từ điển Tiếng Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin, Hà Nội. 9 A.Đ. Urơxum (1975), Vấn đề thông tin trong khoa học hiện đại, NXB. Khoa học Mátxcơva , tr. 25 (tiếng Nga). 10 Tập bài giảng tin học (1996), t.1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bộ môn Tin học, tr. 8. 11 Như trên. 12 (Truy cập ngày 22.5.2012)
- 17 thông tin một cách đơn giản là: “những tin tức, dữ liệu, tài liệu được ghi lại dưới bất kỳ hình thức nào. Và thông tin này do cơ quan công quyền nắm giữ tại thời điểm nhận được yêu cầu”13 (Điều 1). Luật về QĐTT của Ấn Độ năm 2005 quy định14 “thông tin có nghĩa là bất kỳ hình thức nào, bao gồm các hồ sơ, tài liệu, bản ghi nhớ, thư điện tử, các quan điểm, các lời tư vấn, các thông cáo báo chí, thông tư, sắc lệnh, sổ hồ sơ, hợp đồng, báo cáo, bài thuyết trình, vật mẫu, mô hình, tư liệu lưu giữ dưới dạng điện tử và bất kỳ thông tin nào liên quan đến bất kỳ chủ thể tư nhân nào mà có liên quan đến hành chính, các hoạt động hoặc các quyết định của một cơ quan hành chính nào đó, có thể phải tiếp cận bởi một nhà chức trách công cộng theo như quy định trong bất kỳ luật nào khác đang có hiệu lực” (Điều 2). Pháp lệnh của Trung Quốc về công khai thông tin của chính quyền quy định: “thông tin của chính quyền được nêu trong Pháp lệnh này được hiểu là bất cứ thông tin nào được tạo ra hoặc thu được trong quá trình thực thi chức năng nhiệm vụ chính thức của các cơ quan công quyền, mà được ghi chép hoặc lưu giữ dưới bất kỳ hình thức nào” (Điều 2)15. Hiến pháp và Luật thông tin chính thức Thái Lan quy định: “Người dân có QĐTT công của các cơ quan, công ty nhà nước hoặc tổ chức chính quyền địa phương trừ khi việc tiết lộ đó ảnh hưởng tới bí mật và an ninh quốc gia cũng như lợi ích hợp pháp của cá nhân khác”. Ở Việt Nam, pháp luật có quy định về QĐTT nhưng chưa xác định cụ thể thông tin là những nội dung nào. Chỉ có văn bản có liên quan đến việc xác định hình thức chứa thông tin là tài liệu được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Lưu trữ 2011. Như vậy, mỗi một lĩnh vực khác nhau thì có định nghĩa khác nhau về thông tin. Các khái niệm, quan điểm về thông tin nêu trên rất đa dạng và đều phù hợp theo từng lĩnh vực nghiên cứu. Trong phạm vi đề tài chỉ đề cập đến thông tin mà công dân có thể tiếp cận do nhà nước đang nắm giữ. Khái niệm thông tin trong QĐTT của công dân QĐTT của công dân được áp dụng đối với thông tin do nhà nước đang nắm giữ, vì đây là loại thông tin được đánh giá là quan trọng nhất và đại diện cho loại thông tin mà các công dân bình thường đều cần đến khi thực hiện các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hơn nữa, các cơ quan nhà nước nắm giữ các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích công cộng đã in sâu vào suy nghĩ của mọi người trên khắp thế giới16. Nói cách khác, cơ quan nhà nước không phải lưu giữ thông 13 (Truy cập ngày 20.5.2012) 14 (Truy cập ngày 04.5.2012) 15 Regulations of the People’s Republic of China on Open Government Information, 2007, effective May 1, 2008 (Pháp lệnh Công khai thông tin chính phủ của Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) (Truy cập ngày 20.5.2012) 16 Tony Mendel, “Báo cáo đánh giá so sánh pháp luật về tiếp cận thông tin”, “Hội thảo quốc tế xây dựng Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam”, Hà Nội ngày 6-7/5/2009, tr. 4.
- 18 tin thay mặt chính họ, mà là thay mặt của tất cả các thành viên trong xã hội để bảo đảm lợi ích cho cả cộng đồng. Vì thế, về mặt nguyên tắc, tất cả những thông tin liên quan đến lợi ích công cộng là có thể tiếp cận được, đó có thể là những thông tin về các vấn đề khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội về các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, về các quyền và sự tự do của công dân. Như thế, lợi ích công cộng dường như là lý do để giải thích cho sự tồn tại của quyền được thông tin và những thông tin có thể tiếp cận được. Xuất phát từ đặc điểm và trình độ phát triển của mình, các nước có cách nhìn nhận và quy định khác nhau về thông tin do nhà nước quản lý. Phạm vi các vấn đề, lĩnh vực cần phải được công khai theo luật của mỗi nước phản ánh đặc điểm lịch sử cụ thể, sự phát triển kinh tế – xã hội, sự đa dạng về văn hóa cũng như mối quan tâm khác nhau của công chúng đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, dù là các nước quy định trong luật theo cách thức nào thì cũng vẫn tuân thủ nghĩa vụ phải chủ động công bố của các cơ quan nhà nước. Những thông tin chính cần cung cấp gồm: - Thông tin về hoạt động, chức năng, cơ cấu tổ chức, mục tiêu, ngân sách, thông tin kiểm toán, kết quả đạt được, - Thông tin hướng dẫn thủ tục, quy trình. Người dân có thể áp dụng để sử dụng dịch vụ công do cơ quan cung cấp hay để tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, hoặc đề xuất xây dựng luật pháp; - Các thông tin khác do cơ quan nhà nước nắm giữ; - Chủ thể yêu cầu thông tin có thể yêu cầu thông tin về bản thân họ từ các cơ quan nhà nước đang nắm giữ thông tin cá nhân17. Ngoài ra, một số nước như Thụy Điển, Anbani, sử dụng thuật ngữ tiếp cận "tài liệu chính thức" không bao gồm các tài liệu đang trong quá trình chuẩn bị hoặc dự thảo không được sử dụng để ban hành quyết định cuối cùng. Riêng thông tin qua truyền miệng (như thông tin được thảo luận, kết luận trong các cuộc họp) thì hầu như chưa pháp luật nước nào quy định. Thông tin có thể được chia thành nhiều loại như: (1) Căn cứ vào nội dung, thông tin gồm: thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật ; (2) Căn cứ vào người sở hữu, tạo ra, thông tin gồm: thông tin của nhà nước, thông tin của cá nhân, thông tin của tổ chức Như vậy, khái niệm “thông tin” trong QĐTT của công dân được định nghĩa như sau: “Thông tin là hệ thống những tin tức, dữ liệu, tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang được các cơ quan nhà nước nắm giữ, được thể hiện qua các văn bản của cơ quan nhà nước, dự án, bản vẽ thiết kế, bản đồ, công trình nghiên cứu, sổ sách, biểu thống kê; âm bản, dương bản phim, ảnh, vi phim; băng, đĩa ghi âm, ghi hình; tài liệu điện tử”. 17 Chu Thị Thái Hà (2009), Thông tin được tiếp cận và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 154, tháng 9.2009.
- 19 2.1.1.2 Đặc điểm và các hình thức thể hiện thông tin Thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ có những đặc điểm sau: - Thông tin của các cơ quan nhà nước đang nắm giữ thuộc quyền quản lý của các cơ quan nhà nước, nhưng không phải chỉ do các cơ quan nhà nước tạo ra, mà còn do tất cả các cá nhân, tổ chức chịu sự quản lý của nhà nước tạo ra, bao gồm: (1) thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra là thông tin do chính cơ quan nhà nước đó xác lập trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; và (2) thông tin nhận được là thông tin mà cơ quan nhà nước có được từ các nguồn khác trong quá trình phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. - Nội dung thông tin bao trùm toàn bộ hoạt động của nhà nước, là cơ sở pháp lý để các đối tượng chịu sự quản lý thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định. So với các loại thông tin khác chỉ đề cập đến một hoặc một số nội dung, thông tin do nhà nước quản lý luôn có nội dung đa dạng, liên quan đến tất cả hoạt động của nhà nước, từ lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường đến chính sách đối ngoại, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền và nghĩa vụ của công dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước - Thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước là thông tin mang tính chính thức, được sử dụng làm cơ sở pháp lý trong hoạt động quản lý nhà nước, luôn được ghi trong hồ sơ lưu của các cơ quan. Vì thông tin do cơ quan nhà nước quản lý được giới hạn trong mối quan hệ hai chiều giữa nhà nước và người dân nên các thông tin này có giá trị pháp lý nhằm để các cơ quan nhà nước quản lý xã hội và người dân thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Còn các loại thông tin khác không mang tính chính thức, thông tin không được sử dụng như là cơ sở pháp lý. - Thông tin trong hoạt động nhà nước gắn liền với quyền lực nhà nước, nhiều thông tin ảnh hưởng rất lớn đến quyền tự do cơ bản của công dân hoặc thông tin có giá trị kinh tế, nên nhiều chủ thể luôn mong muốn có cơ hội để tiếp cận các thông tin này. - Thông tin do nhà nước quản lý được xem như công cụ để thực hiện các quyền của cá nhân và việc có thông tin là biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền khác của chính chủ thể đó vì lợi ích và đời sống của đại bộ phận nhân dân và nhằm tác động tích cực đến tình hình kinh tế, xã hội18. Ví dụ các thông tin về chính sách đất đai, về thuế thu nhập, về bảo hiểm y tế do cơ quan nhà nước ban hành tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân. - Việc tạo ra, tìm kiếm, xử lý, sắp xếp, lưu trữ, và phổ biến thông tin phải tuân theo quy trình được pháp luật quy định. Đây là điểm khác biệt với các loại thông tin 18 Xem thêm Điều 1 Pháp lệnh về công khai thông tin của chính quyền Trung Quốc quy định: “ mục đích của Pháp lệnh là thúc đẩy thực thi triệt để chức năng dịch vụ thông tin của chính quyền vì lợi ích và đời sống của đại bộ phận nhân dân và nhằm tác động tích cực đến tình hình kinh tế, xã hội”.
- 20 khác về tính chính thức, vì những thông tin do các cá nhân, tổ chức khác, thậm chí là một số thông tin từ báo chí, truyền thông không được mang tính chính thức nên thường ít chính xác hơn và việc xử lý thông tin cũng không theo quy trình phức tạp như thông tin do nhà nước nắm giữ. - Các loại thông tin do nhà nước quản lý rất đa dạng, nhiều trường hợp xung đột nhau nhau khi xác định quyền được biết thông tin đó do liên quan đến lợi ích “công” và “tư” tức là bảo vệ bí mật nhà nước và bảo vệ quyền riêng tư, đây cũng đang là vấn đề phổ biến ở nhiều quốc gia. Ví dụ, một số loại thông tin do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nắm giữ như chiến lược kinh doanh, bí mật kinh doanh, thông tin cá nhân thì nhà nước không có quyền quản lý; tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhà nước vẫn có quyền quản lý và nắm giữ các thông tin này như thông tin về lý lịch tư pháp của công dân, thông tin về hoạt động kinh doanh, thuế của doanh nghiệp. Hiện nay, việc tái cấu trúc khu vực công và quá trình tư nhân hóa, xã hội hóa các dịch vụ công dẫn đến nguy cơ QĐTT của công dân bị xâm phạm do có một lượng thông tin liên quan đến công dân được quản lý bởi các công ty có cổ phần nhà nước, các tổ chức thực hiện dịch vụ công như Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại, Công ty về bưu chính, viễn thông. Có rất ít sự thống nhất trong việc giải quyết vấn đề này cho dù một số tổ chức và các cơ sở chính sách công đã triển khai một số hoạt động liên quan đến quyền về thông tin. - Thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại. Vì con người luôn có nhu cầu cho và nhận kiến thức để làm giàu đời sống vật chất và tinh thần nên khi bị tước QĐTT sẽ dẫn đến cuộc sống nghèo khó. Hơn nữa, thông tin, nhất là thông tin về tri thức nhân loại, có ý nghĩa thiết thực giúp người có quyền truy cập thông tin thực hiện các kế hoạch hoặc mục tiêu trong cuộc sống và bảo vệ quyền lợi khác của họ. Hình thức thể hiện của thông tin Hình thức thể hiện của thông tin là các dạng vật chất cụ thể mà thông tin được lưu kể từ ngày hình thành thông tin, bao gồm tất cả các nguồn thông tin, các bản lưu do cơ quan nhà nước nắm giữ dưới bất kể hình thức nào. Các hình thức thể hiện của thông tin do nhà nước nắm bao gồm: biên bản, tài liệu, hồ sơ, dự thảo văn kiện được truyền đạt bằng miệng trong các cuộc họp hoặc từ những người lãnh đạo của cơ quan nhà nước, thông tin lưu trong đĩa mềm, thẻ nhớ, băng ghi âm, băng hình hoặc bất kỳ dạng thiết bị điện tử nào khác hoặc thông qua các việc in ra các tài liệu ở những nơi lưu trữ tư liệu bằng máy vi tính hoặc bằng các thiết bị khác. Hình thức nào được thừa nhận tùy thuộc vào pháp luật ở mỗi quốc gia. Hiện nay, nhiều quốc gia ghi nhận QĐTT chỉ có giá trị đối với các thông tin nhà nước dưới dạng hồ sơ không phân biệt hình thức lưu giữ (tài liệu, băng, lưu trữ điện tử và cả các hình thức khác nữa) và thời điểm mà chúng được tạo ra.
- 21 Hiện nay, pháp luật chưa quy định hình thức thể hiện của thông tin nhưng dưới góc độ khoa học pháp lý ở Việt Nam đã xác định thông tin được biết là tin tức, dữ liệu có trong hồ sơ, tài liệu do cơ quan nhà nước tạo ra hoặc nhận được trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và đang được các cơ quan này nắm giữ. Hồ sơ, tài liệu gồm bản viết, bản in trên giấy, bản chiếu, tranh, bản vẽ, hình ảnh, ảnh chụp, băng hình, băng ghi âm, đĩa mềm, thẻ nhớ hoặc bất kỳ một dạng vật chất nào có chứa tin tức, dữ liệu19 Tóm lại, thông tin có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Con người luôn cần có thông tin, nhất là những thông tin tác động trực tiếp đến đời sống của họ; từ sự ra đời của bản tin thời tiết, đến sự ra đời và lớn mạnh của ngành tình báo đã minh chứng mạnh mẽ cho vai trò của thông tin đối với đời sống không chỉ mỗi cá nhân mà còn với cả cộng đồng, dân tộc20. Vấn đề cơ bản khi nghiên cứu về thông tin trong QĐTT là nội dung thông tin quan trọng hơn hình thức chứa đựng thông tin, vì vậy người dân có thể đưa ra yêu cầu cần biết một thông tin nào đó và cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp các nguồn thông tin mà mình đang nắm giữ chứa đựng thông tin đó cho người có yêu cầu. 2.1.2 Khái niệm, đặc điểm quyền được thông tin của công dân 2.1.2.1 Khái niệm quyền được thông tin của công dân Khi tiếp cận với các khái niệm trên thế giới về “quyền được thông tin”, hầu hết các khái niệm đều đề cập một cách trực tiếp và ghi nhận đó là một quyền pháp lý, là một trong những quyền hợp pháp và quan trọng của con người. Nội dung các khái niệm cũng đồng thời đề cập đến sự tiếp cận một loại thông tin - thông tin nhà nước đang nắm giữ, mà ít đề cập đến việc tiếp cận các loại thông tin khác. Trong khoa học pháp lý quốc tế hiện nay cũng như trong thực tiễn ban hành và thực hiện pháp luật về QĐTT, dường như không có nhiều sự tranh luận về khái niệm QĐTT mặc dù, về tên gọi, quyền này có thể được thể hiện trong các văn kiện pháp lý quốc tế cũng như quốc gia không hoàn toàn giống nhau. QĐTT của công dân được xem xét theo những khía cạnh sau: QĐTT của công dân là khả năng xử sự và lựa chọn xử sự của công dân trong những điều kiện cụ thể được pháp luật quy định nhằm có được thông tin mà các cơ quan nhà nước đang nắm giữ. QĐTT của công dân có những biểu hiện sau: (1) công dân có quyền được tiếp nhận thông tin từ các cơ quan nhà nước hoặc có quyền tìm kiếm thông tin để thực hiện quyền chủ thể của mình; (2) công dân có khả năng yêu cầu 19 Xem Điều 3 dự thảo Luật Tiếp cận thông tin do Bộ Tư pháp soạn thảo. (Tra cứu ngày 09.2.2012). 20 Lê Thị Hồng Nhung (2011), Quyền tiếp cận thông tin từ góc độ xã hội học quyền con người, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24.
- 22 các chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin thực hiện nghĩa vụ phải cung cấp thông tin khi có yêu cầu hoặc yêu cầu họ chấm dứt các hành vi cản trở như từ chối cung cấp thông tin nhằm đáp ứng quyền được có các thông tin nhà nước của mình; (3) công dân có khả năng yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp hoặc áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để bảo vệ quyền của mình khi bị vi phạm như trường hợp quyền khiếu nại, khởi kiện khi việc cản trở cung cấp thông tin gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong khi đó, một số nhà khoa học đưa ra định nghĩa QĐTT là quyền của công dân được tiếp cận với các thông tin được nhà nước nắm giữ thông qua việc đưa ra yêu cầu và nhà nước có nghĩa vụ thực hiện việc cung cấp thông tin này21, (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về việc miễn trừ nghĩa vụ cung cấp thông tin). Hoặc trong báo cáo năm 1998 và 2000, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Tự do ý kiến và ngôn luận cũng đã khẳng định rằng: “QĐTT là một quyền con người độc lập nằm trong ngoại diên của tự do ngôn luận được các văn kiện quốc tế về quyền con người bảo hộ. QĐTT quy định nghĩa vụ của nhà nước phải bảo đảm cho tất cả mọi người được tiếp cận các nguồn thông tin mà trước tiên là thông tin do chính bản thân các cơ quan nhà nước đang nắm giữ hoặc quản lý dưới hình thức này hay hình thức khác”22. QĐTT của công dân chỉ được thực hiện trong mối tương tác của việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa một bên là nhà nước, một bên là người dân và gắn liền với trách nhiệm bảo đảm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người dân có quyền yêu cầu được tiếp cận thông tin nào đó do các cơ quan nhà nước đang nắm giữ và các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải đáp ứng các yêu cầu đó. Vì vậy, quyền này được hiểu và được thực hiện như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chủ động cung cấp thông tin. QĐTT của công dân bao gồm quyền chủ động và quyền thụ động thực hiện. Quyền chủ động thể hiện công dân chủ động tiếp nhận thông tin từ việc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, điều này dẫn đến trách nhiệm tôn trọng và thực hiện của cơ quan nhà nước. Quyền thụ động được thể hiện qua việc công dân không bị ngăn cản, không bị xâm hại của bất kỳ chủ thể nào thể hiện tương ứng với trách nhiệm đảm bảo của nhà nước. Ở Việt Nam, QĐTT của công dân được quy định trong Hiến pháp 1992, nhưng đến nay chưa có một định nghĩa chính thức nào về quyền này trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, nhiều văn bản cũng đã đề cập đến quyền này một cách trực tiếp như Luật Phòng chống tham nhũng, hoặc gián tiếp như Luật Báo chí, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. 21 Toby Mendel (2003), Tự do thông tin: Một khảo sát so sánh pháp lý (Freedom of Information: A Comparative Legal Survey), UNESCO, tr.v. 22 Văn kiện Liên hợp quốc mã số E/CN.4/1998/40, đoạn 14-16; Văn kiện Liên hợp quốc mã số E/CN.4/2000/63, đoạn 41-43.
- 23 Quyền được thông tin và quyền tiếp cận thông tin Thực tiễn những thuật ngữ này sử dụng tương đương với nhau. Trong nhiều tài liệu về quyền con người, quyền công dân thì hai thuật ngữ này được sử dụng thay thế cho nhau và không có sự phân biệt đáng kể nào. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ QĐTT vẫn còn một số ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng QĐTT thể hiện sự thụ động được cung cấp thông tin mà không thể hiện được sự chủ động yêu cầu cung cấp thông tin hay tìm kiếm thông tin23. Cách đề cập này cũng có điểm hợp lý, tuy nhiên, quan điểm này mới chỉ xem xét cụm từ “QĐTT” ở góc độ hẹp của khái niệm. “Được thông tin” phải hiểu ở góc độ kết quả thụ hưởng cuối cùng. Sự thụ hưởng ở đây có thể là hiển nhiên (do người khác chủ động cung cấp) cũng có thể là không hiển nhiên. Để được thông tin, các chủ thể thụ hưởng cần phải có những hành động tác động nhất định (yêu cầu cung cấp thông tin) đến chủ thể nắm giữ thông tin. Được thông tin có thể hiểu là kết quả của hành vi chủ động thông tin từ phía chủ thể nắm giữ thông tin tới chủ thể tiếp nhận, tức là chủ thể nắm giữ thông tin chủ động công khai thông tin và chủ thể tiếp cận thu nhận thông tin một cách bị động. Được thông tin ở đây cũng có thể hiểu là việc chủ thể nắm giữ thông tin đáp ứng các yêu cầu (yêu sách) đòi được cung cấp thông tin của chủ thể tiếp nhận thông tin, tức là chủ thể nắm giữ thông tin cung cấp thông tin một cách bị động theo các yêu cầu cụ thể của chủ thể tiếp nhận thông tin24. QĐTT chính là quyền có được thông tin theo cách trực tiếp lẫn gián tiếp và mục tiêu cuối cùng là có thông tin. QĐTT được sử dụng phù hợp với quy định tại Điều 69 của Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền được thông tin”. Mặt khác, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã chỉ rõ việc nghiên cứu và ban hành Luật Bảo đảm QĐTT của công dân. Đến Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 quy định tại Điều 25 là “công dân có quyền tiếp cận thông tin” càng khẳng định thêm hai quyền này là tương đương về mặt nội hàm. Quyền tiếp cận thông tin cũng bao gồm quyền tìm kiếm thông tin và quyền tiếp nhận thông tin, nên cả hai thuật ngữ “quyền tiếp cận thông tin” và “quyền được thông tin” đều đề cập đến quyền của chủ thể được tự do tìm kiếm và tiếp nhận thông tin. Từ đây cho thấy, nội hàm của QĐTT và quyền tiếp cận thông tin là đồng nhất. Quyền được thông tin và quyền tự do thông tin 23 Ngô Đức Mạnh (2008), Quyền tiếp cận thông tin (Sách tham khảo phục vụ nghiên cứu và giảng dạy), Viện Nghiên cứu Quyền con người, Hà Nội, tr. 56. 24 Lê Thị Hồng Nhung (2011), “Tiếp cận quyền tiếp cận thông tin dưới góc độ quyền con người”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (5), tr. 22-27. 10
- 24 Hiện nay thuật ngữ “quyền được thông tin” (Right to information) được sử dụng phổ biến, tuy nhiên trong các văn kiện của Liên hợp quốc từ sau năm 1945 sử dụng thuật ngữ “Tự do thông tin” (Freedom of information). Khi đó, thuật ngữ “tự do thông tin” hàm chứa một nội hàm rộng với nghĩa là công nhận và bảo hộ quyền của con người được tự do tiếp nhận, trao đổi thông tin dưới tất cả các hình thức khác nhau với bất kỳ người nào khác. Mục đích của việc bảo hộ tự do thông tin này là tạo ra sự lưu thông thông tin trong xã hội một cách tự do mà không phải chịu một rào cản bất hợp lý nào. Vì các quy định pháp luật quốc tế hiện nay cũng như thực tiễn ở Việt Nam vẫn có sự đồng nhất hai quyền này, nên việc xem xét mối quan hệ sẽ làm sáng tỏ nội dung của hai quyền này, nên khi nghiên cứu về khái niệm QĐTT thì không thể không đề cập đến quyền tự do thông tin. QĐTT chính và quyền tự do thông tin có mối quan hệ với nhau, điều này thể hiện: + Quyền tự do thông tin rộng hơn QĐTT vì chú trọng tới việc tạo ra sự lưu thông thông tin một cách tự do giữa tất cả các đối tượng trong xã hội. Nhà nước không có quyền ngăn cản và có nghĩa vụ phải tạo điều kiện cho sự lưu thông thông tin tự do này. Trong khi đó, QĐTT chỉ tập trung vào việc làm thế nào để người dân tiếp cận được, tức là bao gồm việc biết được, có được và được sử dụng, các thông tin về hoạt động của các nhà nước hoặc các thông tin đang do các cơ quan nhà nước nắm giữ. + Mục đích trực tiếp của quyền tự do thông tin là tạo ra một xã hội thông tin trong đó thông tin được lưu thông tự do, còn QĐTT lại có mục đích trực tiếp là làm cho hoạt động mọi mặt của nhà nước và các cơ quan nhà nước minh bạch đối với người dân. Với những mục đích khác nhau như vậy, khách thể của quyền tự do thông tin là bản thân thông tin dưới tất cả các hình thức và sự phân loại khác nhau trong xã hội. Các thông tin đó có thể do các cá nhân hay các tổ chức, đoàn thể hoặc bản thân cơ quan nhà nước nắm giữ. Trong khi đó QĐTT nhắm tới khách thể trực tiếp là thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước hay đang do các cơ quan nhà nước nắm giữ. Như vậy, xét một cách tổng quát, QĐTT của công dân là khái niệm được sử dụng để nói đến khả năng của công dân được tìm kiếm thông tin, tiếp nhận thông tin do nhà nước đang quản lý, theo các cách thức trực tiếp lẫn gián tiếp nhằm thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền năng khác đã được pháp luật ghi nhận25; đồng thời quy định nghĩa vụ của nhà nước phải bảo đảm cho tất cả mọi người được tiếp cận các nguồn thông tin mà trước tiên là thông tin do chính bản thân các cơ quan nhà nước đang nắm giữ hoặc quản lý. 2.1.2.2 Đặc điểm của quyền được thông tin của công dân Một là, QĐTT của công dân là một trong những quyền cơ bản của công dân. 25 Kỷ yếu đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ xây dựng luật tiếp cận thông tin” (2010), đề tài khoa học cấp Bộ do trường ĐH Luật Hà Nội, tr. 34.
- 25 Quyền cơ bản của công dân là một phạm trù mang tính luật học, nội hàm bao gồm quyền công dân và quyền con người. Quyền cơ bản là quyền Hiến định, xác lập mối quan hệ cơ bản giữa nhà nước và công dân, vì vậy, đồng nghĩa với việc Hiến pháp phải quy định trách nhiệm pháp lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền cơ bản của con người. Quyền cơ bản có hiệu lực trực tiếp, ràng buộc lập pháp, hành pháp và tư pháp phải bảo đảm. Quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ nhà nước nào. Quyền con người đã được mô tả như là quyền có được những nguồn lực và hoàn cảnh cần thiết để sống một cuộc sống tốt tối thiểu26. Quyền con người phải được bảo đảm pháp lý toàn cầu nhằm bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người27. Tuy có nhiều khái niệm, cách hiểu khác nhau nhưng, nhìn chung, quyền con người là giá trị chung của nhân loại, được cộng đồng quốc tế công nhận và bảo vệ. So với khái niệm quyền con người, khái niệm quyền công dân có phạm vi hẹp hơn và xác định hơn, thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Quyền công dân là khả năng công dân được thực hiện những hành vi nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích của bản thân theo quy định của pháp luật. Quyền liên quan đến thông tin bao gồm nhiều quyền tạo ra và truyền đạt thông tin (ví dụ, quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội), quyền kiểm soát truy cập thông tin của người khác (ví dụ, quyền riêng tư và sở hữu trí tuệ), và QĐTT. Một số QĐTT đã được công nhận là quyền con người trong văn kiện quốc tế (ví dụ như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Tuyên bố về quyền trẻ em, Tuyên bố về quyền của người bản địa). Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền liệt kê một số quyền liên quan đến quyền truy cập và kiểm soát thông tin (xem Điều 18, 19, 25, và 26)28. QĐTT của công dân là quyền cơ bản của con người, của công dân vì những lý do sau: - QĐTT là quyền cơ bản của con người vì nó thực sự cần thiết cho con người nhằm có thể sống một "cuộc sống tốt tối thiểu” trong ba phương diện sau: (1) con người là chủ thể có năng lực và luôn mong muốn nhận được thông tin và kiến thức; (2) kiến thức luôn thực sự cần thiết cho những người muốn truy cập thông tin nhằm hỗ trợ họ có khả năng thực hiện các quyền con người khác của họ. Trong ý nghĩa này, kiến thức là những gì gọi là "tốt nhất", luôn hữu ích cho bất cứ ai, bất cứ điều gì hoặc kế hoạch của mình trong cuộc sống; (3) để cho mọi người thực hiện và bảo vệ quyền và 26 Nickel, J. 2007. Human rights. The Stanford Encyclopedia of Philosophy. E. N. Zalta, (ed.), (Truy cập ngày 10.6.2012). 27 (Truy cập ngày 20.6.2012). 28 United Nations 1948. Universal Declaration of Human Rights. (Truy cập ngày 10.6.2012)
- 26 lợi ích của mình một cách hiệu quả, họ cần phải được tiếp cận thông tin. - QĐTT là quyền cơ bản của công dân vì được pháp luật các nước ghi nhận trong hiến pháp, được các văn bản pháp luật khác cụ thể hóa. Chủ thể của QĐTT luôn là các cá nhân đặt trong mối quan hệ với nhà nước, và nhà nước là một bên bảo đảm thực hiện quyền này bằng pháp luật dựa trên mối liên hệ pháp lý cơ bản giữa mỗi cá nhân công dân với một nhà nước cụ thể29. QĐTT tồn tại đối với công dân, ngay cả trong trường hợp họ sống ở nước ngoài, còn những người không phải là công dân (người không có quốc tịch, người nước ngoài) có thể sẽ không có được hoặc chỉ có các QĐTT ở mức độ hạn chế của nước sở tại. - QĐTT được ghi nhận là quyền cơ bản của con người và công dân trong điều ước quốc tế. QĐTT là một phần trong quyền tự do thông tin (thuộc nhóm quyền chính trị), được ghi nhận là quyền tự do cơ bản của con người trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966. Liên hợp quốc xem việc bảo đảm QĐTT như là tiêu chuẩn của sự tự do của con người. Hai là, QĐTT là biểu hiện của sự tự do. Tự do là được làm mọi cái mà pháp luật không cấm30. Trong trạng thái tự nhiên, tự do của người này có thể làm hạn chế tự do của người khác, sự cho phép hay cấm đoán của pháp luật là thước đo của tự do về mặt pháp lý. Sự biểu hiện tự do của QĐTT là công dân có quyền chủ động tìm kiếm, tiếp nhận thông tin hoặc nếu không muốn thì không tiếp nhận, đồng thời cũng không được làm gì ảnh hưởng đến quyền tự do tiếp cận, tìm kiếm của người khác vì xã hội, nhà nước và cá nhân khác cũng có tự do của mình. Nhà nước có nghĩa vụ xác định phạm vi cụ thể của các quyền tự do đó cũng như ngăn cản ý định của cá nhân sử dụng tự do để gây thiệt hại cho xã hội và các cá nhân khác. QĐTT còn biểu hiện của sự “tự do” qua việc ngăn cấm sự vi phạm từ bất kỳ chủ thể nào bằng cách yêu cầu nhà nước bảo vệ tự do của mình trước sự xâm phạm từ bất kỳ ai. Ba là, QĐTT của công dân thể hiện mối quan hệ cơ bản và thường xuyên giữa nhà nước và công dân của nhà nước đó, vì nhà nước luôn là một bên chủ thể trong việc thực hiện quyền này, công dân có QĐTT dưới các hình thức khác nhau mà nhà nước đang nắm giữ và nhà nước có nghĩa vụ phải bảo đảm cho sự tiếp cận này. Trong khi một số quyền tự do của công dân khác như quyền tự do thân thể, quyền bí mật đời tư, quyền về chỗ ở, tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện mối quan hệ thường xuyên chủ yếu là giữa các công dân với nhau, sau đó là công dân với nhà nước. Bốn là, QĐTT của công dân có mức độ phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm bảo đảm, tôn trọng, bảo vệ từ phía nhà nước. Điều này xuất phát từ tính chất của QĐTT so với các quyền con người, quyền công dân khác, đó là tự mỗi công dân không thể thực hiện mà phụ thuộc vào trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Nếu như những quyền 29 Trần Văn Bách (2002), Luận án tiến sĩ “Sự phát triển chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân qua lịch sử lập hiến Việt Nam”, Viện Nhà nước và pháp luật, tr.20. 30 Nguyễn Thanh Bình (2004), Tự do và Pháp luật, Nghiên cứu lập pháp, số 9.
- 27 tự do cá nhân như quyền nhân thân, quyền tự do đi lại phản ánh nhu cầu tự nhiên của cá nhân con người, gắn bó với từng cá nhân ngay từ khi sinh ra thì QĐTT gắn với một cấp độ phát triển xã hội cao hơn, gắn với sự đấu tranh giai cấp và ý thức hệ. QĐTT mang tính chính trị kể từ khi xã hội xuất hiện sự cai trị của nhà nước, liên quan đến sự tham gia của công dân vào việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Trong khoa học và thực tiễn pháp lý, khía cạnh trách nhiệm của nhà nước trong nội hàm của QĐTT thường được nhấn mạnh, đôi khi gây ra cho người ta cảm giác rằng chính bản thân khía cạnh nghĩa vụ của nhà nước làm nên toàn bộ nội hàm của QĐTT của công dân. Điều này không phải là vô căn cứ bởi vì trong một mối quan hệ bất cân bằng về thế và lực như mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân, nếu nghĩa vụ của nhà nước không được nhấn mạnh và bảo đảm thực thi thì tất yếu quyền của cá nhân sẽ không được bảo đảm31. Hơn nữa, các cơ quan nhà nước nắm giữ các thông tin không phải cho chính bản thân họ mà là cho lợi ích của cộng đồng. Hiểu theo cách thông thường thì các thông tin này phải được các thành viên của cộng đồng tiếp cận và nắm rõ nếu họ có mong muốn, trừ khi có một lợi ích công cộng khác quan trọng hơn buộc chúng phải được giữ bí mật. Mặc dù một số lãnh đạo của các quốc gia vẫn đang tìm cách không công khai các thông tin liên quan đến hoạt động nhà nước, hoặc duy trì “bí mật nhà nước” để bảo vệ sự cai trị của mình, thậm chí ngăn cản sự thừa nhận của pháp luật nhưng giá trị của QĐTT đã lan tỏa và ngày càng được các quốc gia bảo đảm thực hiện. Do đó, để đảm bảo thực hiện QĐTT của công dân, nhà nước phải thực hiện trách nhiệm xây dựng các biện pháp bảo đảm quyền này. Đây là trách nhiệm hay nghĩa vụ gián tiếp của nhà nước vì nó không trực tiếp mang lại thông tin cho công dân nhưng tạo ra các điều kiện thuận lợi để công dân được tìm kiếm, tiếp nhận các thông tin mình quan tâm. Năm là, QĐTT của công dân phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, vào điều kiện lịch sử, địa lý, tôn giáo của mỗi quốc gia nên QĐTT có nội dung khác nhau tùy thuộc vào ý chí của mỗi nhà nước. Mặc dù QĐTT hiện nay đang là giá trị xã hội bắt đầu phổ biến, phản ánh sự phát triển và mang đặc điểm xã hội, song QĐTT của mỗi công dân thể hiện như thế nào tùy thuộc vào khả năng và ý chí của công dân. QĐTT phát triển theo sự phát triển của nền kinh tế, theo tiến trình lịch . Yếu tố lịch sử, địa lý, tôn giáo làm cho nhu cầu QĐTT ở những cá nhân, công đồng khác nhau sẽ khác nhau vì trong cùng một môi trường tự nhiên và xã hội, ở cùng một quốc gia tồn tại các cá nhân cũng nhận thức và tư duy32 khác nhau nên tồn tại những quan điểm, những quy định khác nhau về QĐTT. 31 Tô Văn Hòa (2010), Những nguyên tắc cơ bản của dự luật tiếp cận thông tin. Chuyên đề trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ xây dựng luật tiếp cận thông tin. 32 Hồ Văn Thôn (1990), Triết học với sự nghiệp đổi mới, trang 70, NXB Sự thật, Hà Nội.
- 28 Sáu là, QĐTT của công dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác. Mối quan hệ giữa QĐTT với các quyền con người, quyền công dân khác là mối quan hệ tương hỗ, việc thực hiện quyền này sẽ thúc đẩy việc thực hiện các quyền còn lại. Việc bảo đảm QĐTT giúp con người biết được các quyền, nghĩa vụ cơ bản của mình, đồng thời, có những thông tin quan trọng, cần thiết để thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác. Các thông tin dù rất nhỏ nhưng đều có thể là tiền đề để thực hiện quyền con người, quyền công dân vì thông tin là một phần quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống. Ví dụ, thực hiện quyền kinh doanh thì phải có thông tin về điều kiện kinh doanh, thủ tục đăng ký kinh doanh; chính sách thuế Ngoài ra, thông tin còn mang lại kiến thức, sự hiểu biết cho con người, giúp họ có cách xử sự, hành vi thích hợp như việc tiếp cận thông tin đối với hồ sơ bệnh án có thể giúp các cá nhân quyết định về phương pháp điều trị, kế hoạch tài chính; đặc biệt, có những thông tin còn mang lại lợi ích cho người sở hữu nó, nếu họ biết cách tận dụng thông tin đó. Ngược lại, việc thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác cũng góp phần bảo đảm việc thực hiện QĐTT. Ví dụ như quyền được học tập của công dân có tác dụng tích cực đến QĐTT vì khi trình độ dân trí của người dân được nâng cao thì cũng là lúc thực hiện QĐTT hiệu quả nhất. Ngoài ra, họ phải được tự do đi lại, tự do cư trú, tự do ngôn luận, tự do báo chí để có điều kiện nói lên, phản ánh yêu cầu của mình cũng như tiếp xúc với các thông tin do cơ quan nhà nước công bố công khai. Do đó, việc công nhận, thực hiện, bảo vệ QĐTT của công dân phải gắn liền với các quyền dân sự, chính trị khác. Bảy là, QĐTT của công dân luôn có sự liên hệ chặt chẽ với các các vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước và quyền riêng tư. Sự liên hệ chặt chẽ thể hiện ở chỗ sự miễn trừ của QĐTT chính là bảo vệ bí mật nhà nước và bảo vệ quyền riêng tư. Ở trong sự liên hệ này luôn có sự giằng co giữa các quan điểm cần có một chính quyền công khai và giữa các quan điểm bảo vệ bí mật nhà nước và quyền riêng tư rất gay gắt. Bất kỳ quốc gia nào cũng có những bí mật nhà nước, tuy nhiên, thông tin được tiếp cận càng nhiều thì bí mật nhà nước bị hạn chế, và ngược lại. Trong thời đại ngày nay, từ khi có cơ sở dữ liệu điện tử thì hầu như không một nhà nước nào có thể giữ kín toàn bộ thông tin bí mật nhà nước, cũng như không có một ai trong xã hội lại có thể hoàn toàn giữ kín nhiều sự kiện riêng về mình. Vì vậy, giải quyết hài hòa các mối quan hệ này là một vấn đề hết sức khó khăn đối với các cơ quan ban hành pháp luật và luôn tìm ẩn các nguy cơ xung đột trong việc thực hiện các quyền này. 2.1.3 Nội dung quyền được thông tin của công dân Hiện nay có hai quan điểm khác nhau về nội dung của QĐTT của công dân, cụ thể:
- 29 Quan điểm thứ nhất, QĐTT của công dân bao gồm ba quyền: quyền tiếp nhận thông tin, quyền tìm kiếm thông tin và quyền phổ biến thông tin33. Theo đó, truyền bá hay phổ biến thông tin có nghĩa là cá nhân, công dân có thông tin được quyền truyền đạt, chia sẻ quan điểm, thông tin mà mình đang nắm giữ cho mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về ranh giới hay các hình thức đưa tin34. Tuy nhiên, việc truyền bá hay phổ biến thông tin là một nội dung gắn với quyền tự do thông tin, một khái nhiệm có phạm vi khác so với khái niệm QĐTT. (Ở nước ta đến thời điểm hiện nay chưa quy định về quyền tự do thông tin). Quan điểm thứ hai, nội hàm QĐTT chỉ bao gồm quyền tiếp nhận thông tin và quyền tìm kiếm thông tin35, còn hoạt động phổ biến thông tin nằm trong một khái niệm rộng hơn, đó là quyền tự do thông tin. Quyền tìm kiếm thông tin, tiếp nhận thông tin và phổ biến thông tin có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có thể hỗ trợ nhau. Trong xã hội công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay, hoạt động phổ biến thông tin rộng rãi cũng góp phần bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin của công dân. Ngược lại, nhờ bảo đảm quyền tìm kiếm thông tin và tiếp nhận thông tin mà cá nhân, công dân có được thông tin và truyền đạt, phổ biến lại cho những người khác. Tuy nhiên, quyền phổ biến thông tin lại liên quan chặt chẽ và là một phần của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Từ những phân tích trên, tác giả nghiên cứu QĐTT với nội hàm gồm: quyền tìm kiếm thông tin và tiếp nhận thông tin. Có thể khái quát các quyền trên theo mô hình sau: Quyền tiếp nhận thông tin Quyền tìm kiếm thông tin Quyền tự do thông tin Quyền được thông tin Vòng tròn ngoài là quyền tự do thông tin, vòng tròn trong là QĐTT, trong QĐTT được chia thành hai quyền cấu thành là quyền tìm kiếm thông tin và quyền tiếp nhận thông tin. 33 Chu Thị Thái Hà (2009), “Thông tin được tiếp cận và nội hàm của quyền tiếp cận thông tin”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (17), tr. 31- 37. 34 TS.Ttường Duy Kiên, (2008), Quyền tiếp cận thông tin: qui định quốc tế và đặc điểm chung của luật một số nước, Hiến kế lập pháp, số 01 (112+114) . 35 Lê Thị Hồng Nhung (2011), “Tiếp cận quyền tiếp cận thông tin dưới góc độ quyền con người”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (5), tr. 22-27.
- 30 2.1.3.1 Quyền tìm kiếm thông tin của công dân Quyền tìm kiếm thông tin của công dân chính là khả năng của công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin, tiếp xúc các thông tin, tài liệu do cơ quan nhà nước đang nắm giữ mà mình cần hoặc quan tâm trong phạm vi pháp luật cho phép. Về phía chủ thể quyền, việc thực hiện quyền này mang tính chủ động, về phía chủ thể có nghĩa vụ, việc bảo đảm quyền này cơ bản mang tính bị động. Một trong những nội dung cơ bản của quyền được thông tin là quyền được có các thông tin đang được quản lý hoặc kiểm soát bởi các cơ quan nhà nước. Để có được các thông tin này, chủ thể của quyền được thông tin có quyền thực hiện việc chủ động tìm kiếm, thu thập thông tin theo đúng trình tự, thủ tục những thông tin cần thiết mà người đó quan tâm. Quyền tìm kiếm thông tin được xem là một trong những điều kiện để bảo đảm cho việc tiếp nhận thông tin. Sở dĩ như vậy vì, ngoài những thông tin được công khai theo thủ tục pháp luật quy định, nhiều thông tin sẽ chỉ được cung cấp khi có yêu cầu của cá nhân và tổ chức vì thông tin đó có thể chỉ liên quan đến quyền và lợi ích của một hoặc một nhóm người như thông tin về tình trạng bệnh tật của người bệnh, thông tin về doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản, thông tin về đánh giá tác động môi trường của một khu vực nào đó Trong những trường hợp như vậy, chủ thể của quyền được thông tin chỉ có thể tìm kiếm, thu thập thông tin khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu giữ thông tin đó cung cấp. Quyền tìm kiếm thông tin của người dân đòi hỏi một nghĩa vụ tương ứng từ phía các cơ quan nhà nước nắm giữ các thông tin. Đó là nghĩa vụ cung cấp thông tin. Như đã nói ở trên, QĐTT của người dân có thể bị hạn chế bằng các hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các rào cản kỹ thuật và pháp lý để hạn chế khả năng có được thông tin của người dân. Vì thế, để bảo đảm quyền tìm kiếm thông tin, nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, và cá nhân có thể thực hiện được quyền này. Chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin: Hầu hết các quốc gia đều công nhận chủ thể có quyền yêu cầu cung cấp thông tin trước hết là công dân, tuy nhiên, một số nước cho phép người nước ngoài, người không có quốc tịch cũng được quyền yêu cầu cung cấp thông tin nhưng với phạm vi hạn chế hơn. Pháp luật một số nước cũng quy định điều kiện đối với chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin là phải nêu rõ lý do hoặc chứng minh mối quan hệ với thông tin yêu cầu cung cấp; nộp đơn yêu cầu đến đúng cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trả phí cung cấp thông tin và tuân thủ những trình tự, thủ tục luật định. Chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin bao gồm: cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các cơ quan, tổ chức khác có sử dụng ngân sách nhà nước,
- 31 thậm chí Nam Phi còn quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin của chủ thể tư nhân trong một số trường hợp. Hình thức tìm kiếm thông tin của công dân: công dân có quyền xem, đọc, nghe các tác phẩm, hồ sơ, tài liệu chứa đựng các thông tin được các cơ quan nhà nước quản lý hoặc kiểm soát; ghi chép, trích dẫn, sao chụp các thông tin đó dưới các hình thức khác nhau và bằng những phương tiện khác nhau; có quyền có các bản sao có chứng thực các tài liệu chứa đựng các thông tin; thu thập thông tin bằng việc sao chép các thông tin đó vào các thiết bị điện tử hoặc bằng việc in các tài liệu đó trực tiếp từ những nơi lưu giữ chúng bằng máy vi tính hoặc bằng các thiết bị khác; trả lời trực tiếp bằng lời nói qua điện thoại hoặc trả lời trực tiếp tại trụ sở cơ quan” và cung cấp thông tin qua mạng điện tử. Tại một số quốc gia, hình thức yêu cầu cung cấp thông tin chủ yếu bằng văn bản và gửi trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền hoặc gửi qua đường bưu điện, fax, thư điện tử. Một số nước quy định yêu cầu cung cấp thông tin phải thể hiện dưới dạng văn bản (Úc, Canada ) thậm chí một số nước cho phép người dân yêu cầu cung cấp thông tin bằng miệng, điện thoại như Luật Thúc đẩy tiếp cận thông tin của Nam Phi quy định yêu cầu cung cấp thông tin bằng miệng được thực hiện như sau: “cán bộ, quan chức thông tin của một chủ thể công cộng phải biên soạn lại lời yêu cầu bằng miệng theo hình thức văn bản và phải cung cấp cho người yêu cầu một bản sao của văn bản đó”36. Thông tin được yêu cầu cung cấp là những thông tin đáp ứng các điều kiện sau đây: (1) do cơ quan nhà nước ban hành hoặc tiếp nhận; (2) không phải là những thông tin có sẵn (thông tin đã được cơ quan hành chính nhà nước công bố công khai, có thể tìm thấy dễ dàng thông qua mạng internet, sách, báo ); và (3) không thuộc trường hợp miễn trừ cung cấp thông tin. 2.1.3.2 Quyền tiếp nhận thông tin của công dân Quyền tiếp nhận thông tin của công dân là khả năng công dân nhận được những thông tin, tài liệu do cơ quan nhà nước tạo ra, nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua các kênh truyền thông công khai, sẵn có mà không cần phải yêu cầu. Về phía chủ thể quyền, việc thực hiện quyền này vừa mang tính chủ động, vừa mang tính bị động. Về phía chủ thể của nghĩa vụ, việc đảm bảo quyền này cơ bản mang tính chủ động. Quyền tiếp nhận thông tin của công dân thể hiện công dân có quyền tiếp nhận những thông tin đúng, đủ, kịp thời và dễ tiếp cận. Thông tin đúng đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải công khai thông tin chính xác, không được đưa tin định hướng dư luận khác với sự thật; thông tin đủ đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải công khai đầy đủ nội 36 Viện nghiên cứu quyền con người (2007), Các văn kiện quốc tế và luật của một số nước về tiếp cận thông tin, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 218.
- 32 dung, hiệu lực của thông tin, không được công khai một phần thông tin; thông tin kịp thời đòi hỏi các thông tin phải công khai ngay khi có thể để phù hợp với những vấn đề quản lý nhà nước đang diễn ra, không được chậm trễ; thông tin dễ tiếp nhận đòi hỏi việc công khai thông tin phải có nhiều cách thức khác nhau phù hợp với từng nhóm chủ thể khác nhau như ở nông thôn việc công khai thông tin nếu chỉ thông qua trang thông tin điện tử thì sẽ không phù hợp với điều kiện của người dân chưa có Internet. Quyền tiếp nhận thông tin đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm công bố thông tin cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận thông tin. Thiếu các cơ chế để bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin đồng nghĩa với việc không bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Hậu quả của việc thiếu cơ chế bảo đảm quyền tiếp nhận thông tin của người dân là tình trạng đặc quyền, đặc lợi của những người có điều kiện, vị trí công tác dễ dàng tiếp cận thông tin, gây nên sự bất bình đẳng, bất công bằng trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh. Vì vậy, quyền tiếp nhận thông tin cũng gắn liền với quyền yêu cầu nhà nước có trách nhiệm bảo đảm rằng các loại thông tin cần thiết liên quan đến lợi ích của cộng đồng phải luôn sẵn sàng cho việc tiếp cận. Chủ thể có quyền tiếp nhận thông tin rất rộng, bao gồm: cá nhân (công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch), cơ quan, tổ chức Thông thường, pháp luật không quy định giới hạn cũng như điều kiện đối với chủ thể tiếp nhận thông tin. Ngược lại, trong quyền tìm kiếm thông tin, nhà nước có thể đặt ra giới hạn, điều kiện đối với chủ thể yêu cầu cung cấp thông tin như: người yêu cầu cung cấp thông tin phải là công dân; có liên quan đến thông tin yêu cầu cung cấp; trình bày mục đích yêu cầu cung cấp Trong quyền tiếp nhận thông tin, chủ thể tiếp nhận thông tin tương đối bị động và không đóng vai trò quan trọng vì dù họ có nhu cầu hay không thì cơ quan nhà nước vẫn phải công khai thông tin rộng rãi đến mọi chủ thể bằng những hình thức phù hợp. Chủ thể có trách nhiệm công khai thông tin là cơ quan nhà nước đã tạo ra thông tin hoặc có được thông tin trong quá trình hoạt động của mình. Về nguyên tắc, tất cả các cơ quan nhà nước đều phải công khai thông tin, trừ một số trường hợp ngoại lệ liên quan đến thông tin mật, thông tin thuộc trường hợp miễn trừ. Hình thức và thủ tục công khai thông tin khá đa dạng, bao gồm: thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên trang thông tin điện tử, báo, tạp chí, ấn phẩm, niêm yết tại trụ sở của cơ quan, đơn vị, thông báo trong các cuộc họp. Thông tin được nhà nước công khai thường là những thông tin có sẵn, do cơ quan nắm giữ hoặc tạo ra, có liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích của công dân mà pháp luật quy định nhà nước phải công bố công khai. Thông tin không thuộc trường hợp nhà nước công khai là những thông tin này công dân không thể tiếp nhận, bao gồm ba nhóm: thông tin không được cung cấp, thông tin chỉ được cung cấp theo yêu cầu, và thông tin được cung cấp hạn chế.
- 33 Thông tin công khai đầu tiên là các văn bản quy phạm pháp luật vì các văn bản này thường tác động đến các lợi ích đa dạng, một cách thuận lợi hay bất lợi tùy theo mục tiêu của từng người như việc thông qua một dự án quy hoạch đối với một vùng đất mang lại cơ hội làm ăn cho nhà đầu tư nhưng cũng đồng thời đặt người dân ở vùng giải tỏa trước bài toán thay đổi chỗ ở và sinh kế, việc điều chỉnh giá xăng dầu có thể có lợi hoặc bất lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy, thông tin về các văn bản pháp luật, chính sách và hoạt động của các cơ quan nhà nước phải được coi là yếu tố cốt lõi trong mọi hoạt động của một xã hội được quản lý, vận hành theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Công khai minh bạch trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng là việc thực hiện các cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Sau đó là các thông tin có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân; thông tin về việc thành lập, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước; các TTHC; chương trình, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, sức khỏe, môi trường, việc làm; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và những thông tin khác cần có sự tham gia, đóng góp ý kiến của công dân. 2.1.3.3 Mối quan hệ giữa quyền tìm kiếm thông tin và quyền tiếp nhận thông tin Quyền tìm kiếm thông tin và quyền tiếp nhận thông tin có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau thể hiện: Việc đảm bảo thực hiện tốt quyền tiếp nhận thông tin là đảm bảo thực hiện quyền tìm kiếm thông tin vì khi thông tin được công bố công khai rộng rãi để mọi người được biết thì không cần thiết phải yêu cầu cung cấp thông tin nữa. Lúc đó người dân chủ động tiếp nhận thông tin mà không cần phải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tìm kiếm thông tin. Ngược lại, việc thực hiện quyền tìm kiếm thông tin trong một số trường hợp giúp việc hoàn thiện quyền tiếp nhận thông tin, vì trong quá trình tìm kiếm thông tin nếu người dân phát hiện những thông tin này phải được các cơ quan nhà nước công khai nhưng lại không công khai, nên có quyền yêu cầu các cơ quan này phải thực hiện việc công khai, góp phần đảm bảo thực hiện quyền tiếp nhận thông tin của mình. Tuy nhiên, giữa quyền tìm kiếm thông tin và quyền tiếp nhận thông tin có những điểm khác biệt, cụ thể: Một là, về tính chủ động, bị động của các chủ thể trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Trong quyền tìm kiếm, thu thập thông tin, người tìm kiếm thông tin phải chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước nắm giữ thông tin cung cấp thông tin còn cơ quan nhà nước ở vị trí bị động, có nghĩa vụ cung cấp thông tin khi có yêu cầu. Ngược lại, trong quyền tiếp nhận thông tin, cơ quan nhà nước phải chủ động công bố
- 34 công khai thông tin ra công chúng còn người tiếp nhận thông tin chỉ tiếp nhận thông tin một cách bị động dù có nhu cầu hay không. Hai là, sự khác biệt về nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong quyền tìm kiếm thông tin và quyền tiếp nhận thông tin. Trong quyền yêu cầu cung cấp, cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khác nhau nhằm công khai thông tin đến công chúng (xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư công nghệ thông tin, xây dựng danh mục thông tin phải công khai, ). Các biện pháp này rất chung chung, không tác động trực tiếp lên chủ thể tiếp nhận thông tin. Ngược lại, quyền tìm kiếm thông tin thể hiện nghĩa vụ trực tiếp của cơ quan nhà nước, nghĩa là khi công dân yêu cầu cung cấp thông tin thì cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin cho công dân đó, nếu không cung cấp thì phải đưa ra lý do. Ba là, thông tin trong quyền tiếp nhận thông tin chủ yếu phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước nói chung, có thể liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội. Ngược lại, thông tin trong quyền tìm kiếm thông tin thông thường liên quan đến hoạt động của cá nhân đó, do vậy, trong một số trường hợp chủ thể phải chứng minh mối quan hệ với thông tin yêu cầu cung cấp. 2.1.4 Giới hạn của quyền được thông tin của công dân QĐTT là một quyền có giới hạn, giới hạn này chính là phạm vi những thông tin mà công dân không thể tiếp nhận hoặc không thể yêu cầu cung cấp thông tin. QĐTT của công dân cho phép công dân được tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của cơ quan nhà nước nhưng không phải bất kỳ loại hồ sơ, tài liệu nào cũng được phép tiếp cận. Hiểu theo cách thông thường thì các thông tin này phải có khả năng tiếp cận đối với các thành viên của cộng đồng trừ khi có một lợi ích công cộng, lợi ích cá nhân khác quan trọng hơn đòi hỏi những thông tin đó phải được giữ bí mật37. Vấn đề được đặt ra là cần phải có đầy đủ các cơ sở pháp lý để giải quyết được mối quan hệ giữa thông tin có thể tiếp cận và thông tin không thể tiếp cận được. Mỗi quốc gia đều đặt ra các trường hợp ngoại lệ hay trường hợp miễn trừ mà khi rơi vào trường hợp này thì cơ quan nhà nước có quyền không công khai hoặc từ chối cung cấp thông tin. Việc quy định các ngoại lệ cho thấy QĐTT chỉ bị giới hạn trong những trường hợp do pháp luật quy định, cơ quan nhà nước không được quyền không công bố hoặc từ chối cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng. Trong các loại thông tin thuộc phạm vi miễn trừ cung cấp, các nước đều xếp an ninh quốc gia (quốc phòng, an ninh), hay bí mật đời tư, các thông tin về hoạch định chính sách phát triển khoa học, các lợi ích kinh tế của quốc gia thuộc mức độ bảo vệ cao nhất, cụ thể các loại thông tin sau: 37 Tony Mendel (2009), Báo cáo đánh giá so sánh pháp luật về tiếp cận thông tin, Hội thảo quốc tế xây dựng Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam”, Hà Nội , tr. 4.