Vị thế của đình làng trong đời sống của người Việt

doc 8 trang phuongnguyen 2500
Bạn đang xem tài liệu "Vị thế của đình làng trong đời sống của người Việt", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docvi_the_cua_dinh_lang_trong_doi_song_cua_nguoi_viet.doc

Nội dung text: Vị thế của đình làng trong đời sống của người Việt

  1. VỊ THẾ CỦA ĐÌNH LÀNG TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT Thiết chế văn hoá của người Việt (Kinh) được hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trở thành kỷ cương, linh hồn và ngưỡng vọng của mỗi người dân. Một cơ sở vật chất của thiết chế văn hoá đó có đình làng là rất quan trọng, nó là ngôi nhà chung của cư dân mỗi làng xã người Việt, tương tự như nhà rông của đồng bào Tây Nguyên, hay nhà gơl của người Cà Tu (miền núi Trung bộ) Thông thường một tộc người, một đơn vị dân cư, một đơn vị hành chính cơ sở đều có một ngôi nhà chung để giải quyết những vấn đề luật tự, luật pháp, tín ngưỡng, tôn giáo và những nhu cầu văn hoá của cộng đồng. Buổi đầu có thể là ngôi nhà của thủ lĩnh, của tộc trưởng. Khi tín ngưỡng phát triển, luật pháp được đề cao, thì cơ sở vật chất của cộng đồng cư dân theo đơn vị hành chính thấp nhất (làng, bản, buôn, sóc ) dần tách khỏi sự ràng buộc của những cá nhân, để ngôi nhà chung hình thành. Đối với người Kinh đó là đình làng. Có thể nói, trong lịch sử, nơi nào có người Việt tụ cư thành làng xã, phố phường là ở đó có đình làng. Những thợ thủ công lên Thăng Long làm ăn đã xây đình tại phố, thờ vọng Thành hoàng làng, như thợ đóng giầy của Tam Lâm (gia tộc), thợ nhuộm Đan Loan, thợ Vàng bạc Châu Khê (Bình Giang) Làng, trước Cách mạng, trong văn bản pháp quy gọi là xã, đơn vị hành chính cơ sở. Dưới làng còn có thôn, xóm, trại ấp Đây là những đơn vị dân cư phụ thuộc, không có tổ chức hành chính riêng. Sau Cách mạng tháng Tám. Nhà nước tổ chức lại đơn vị hành chính cơ sở, thực hiện liên xã, nghĩa là góp nhiều làng cũ thành một xã mới, trong đó có một số xã cũ khá lớn được giữ nguyên, không phải hợp nhất, hoặc được chia tách trong CCRĐ. Trường hợp này không nhiều. Phần lớn xã hiện nay gồm 2-3 làng xã cũ hợp lại.
  2. Thông lệ, mỗi làng xưa có một đình, những làng lớn hoặc giầu có do nhiều lý do riêng mà có tới 2-3 đình. Làng Bồ Dương, Ninh Giang có hai đình lớn, gọi là đình Đông và đình Tây ở cùng một khuôn viên, nhưng cùng thờ một Thành Hoàng. Mỗi xã hiện nay có thể có từ 2-3 đình đã khá nhiều. Song qua chiến tranh mà phần lớn chỉ còn dưới phế tích hoặc mới khôi phục trong những năm gần đây. Theo quốc sử thì đình được ghi nhận muộn hơn so với đền, miếu, chùa, quán. năm Tân Mão, Kiến Trung thứ 7 (1231) “Thượng hoàng (Trần Thái Tông) xuống chiếu rằng, trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ. Trước đây, tục nước ta vì nóng bức nên làm nhiều đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng khi còn hàn vi từng nghỉ ở đó ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Như vậy đình ban đầu là đình trạm, nơi dừng chân của những người đi đường (thượng chí vua, hạ chí dân). Đình có thời mang chức năng như một nguôi chùa, đôi khi như một hành cung của nhà vua. Có lẽ vì thế mà hậu cung các đình sau này thường có bức đại tự: Thánh cung vạn tuế- Thánh thể muôn năm (Chữ cung ở đây có nghĩa là thân thể). Một dạng đình khác còn có nghĩa là nơi dừng chân để ngắm cảnh như: Vọng giang đình, lương đình. Ở Côn Sơn xưa có Đình Thấu Ngọc, một chiếc cầu có mái kiểu thượng gia hạ kiều, để người qua đó có thể dừng chân ngắm cảnh. Thời nhà Hán ở Trung Quốc, chia đất cứ 1 dặm vuông có một đình, 10 đình là một làng, người trông coi việc làng gọi là đình trưởngmột dạng như lý trưởng của làng xã Việt Nam. Đình ở đây còn là đơn vị hành chính, đơn vị dân cư. Khoảng từ thế kỷ XV, đình trở thành trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của làng xã người Việt. Ba yếu tố trên thường xuyên diễn ra ở đình làng, không dễ gì tách bạch ra từng yếu tố. Về mặt chính trị: Đình là trụ sở hành chính của làng xã, hầu hết công việc của chính quyền cơ sở giải quyết tại đây. Nó mang chức năng tương tự như trụ sở của UBND xã
  3. hiện nay. Sau Cách mạng Tháng Tám, phần lớn UBHC xã lập trụ sở tại đình. Về mặt văn hoá: Đình làng là một trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, giáo dục truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục. Khoảng từ thếkỷ XV, đình không còn chức năng thờ Phật như trong những thế kỷ trước, mà là nơi thờ Thành hoàng. Nó không phụ thuộc một tôn giáo nào. Thành hoàng có thể là những người có công với nước, với dân Thành hoàng làng cũng có thể là người có công đầu trong việc lập làng, hoặc khởi xướng một ngành nghề, tức các vị tổ nghề. Đôi khi Thành hoàng làng chỉ là những nhân vật huyền thoại. Đình cũng có thể thờ những anh hùng cái thế của dân tộc, từ vua chúa đến các danh nhân, các vị tổ các dòng họ có công lập làng và những người có nhiều công đức với làng tuy không được tôn làm Thành hoàng. Thành hoàng làng có thể có từ 1 đến 7 -8 vị. Thành hoàng làng được thờ đều có thần tích hay thần phả ghi tiểu sử và các tiết lệ tế lễ hàng năm. Tiểu sử chủ yếu do Bộ Lễ biên soạn, lưu ở trung ương và có bản sao cho các nơi thờ phụng. Thảng hoặc có nhân vật được tôn vinh làm Thành hoàng làng, khi còn đang sống, gọi là sinh phong, như trường hợp danh tướng Đinh Văn Tả ở thế kỷ XVII, quê tại Hàn Giang, nay thuộc thành phố Hải Dương. Dù là thiên thần hay nhân thần thì Thành hoàng làng vẫn biểu trưng cho thần quyền của cư dân của một làng xã. Các dòng họ, mọi thành viên trong làng đều phải phục tùng các hương ước, trong đó có việc tránh các tên huý và thực hiện một số luật tục hoặc lệ làng. Chính vì thế mà đình làng được xây dựng ở nơi trung tâm, cao ráo, thoáng đãng với quy mô bề thế nhất trong hệ thống cơ sở thiết chế văn hoá của làng xã. Đình thường được xây dựng ở vị trí trước chùa hoặc nhà thờ để xác định vị thế của thần quyền cũng như chính quyền ở làng xã trong mối quan hệ với các tôn giáo tín ngưỡng. Thành hoàng làng đều có ngày sinh, ngày hoá, ngày khánh hạ. Đây là những ngày lễ trọng. Đối với các tỉnh phía Bắc, dân chúng thường chọn một trong ba ngày đó, vào thời gian nông nhàn và mát mẻ để mở hội làng, thông thường là vào mùa xuân hoặc cuối thu sang đông. Trong những ngày hội, mọi trò diễn dân gian được dịp thăng hoa, tạo nên niềm tin và hy vọng cho một cộng đồng làng xã và cũng nhằm nuôi dưỡng và phát triển
  4. nền văn hoá truyền thống của dân tộc. Đêm giao thừa, mọi nhà đều có người đến đình làng để thắp hương lễ Thành hoàng làng hoặc ra chùa lễ Phật, khi về thường hái một cành lộc để lấy may. Các thành viên l àng xã, từ nhỏ, đã được cha dẫn đến đình để học lễ nghi, những thuần p hong mỹ tục, cấm kỵ những việc làm thất đức, hỗn xược Những việc làm như thế có tác dụng giáo dục rất lớn, nó quy định hành vi, tình cảm, nếp sống của cả cộng đồng. Về mặt xã hội: Đình làng là nơi giải quyết những vấn đề xã hội của làng xã. Giải quyết tốt các vấn đề về chính trị và văn hoá là đã giải quyết căn bản vấn đề xã hội, không những thế, đình làng còn là nơi hội họp, giải quyết mọi chuyện vui, buồn của xã thôn, hoà giải những bất đồng trong nội bộ cộng đồng. Chính vì vị thế của đình làng như vậy mà mọi thành viên trong làng đều có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ. Người ta giành cho đình làng cơ sở vật chất tốt nhất, những tài năng siêu việt nhất trong quá trình xây dựng, đồng thời cũng cung tiến cho đình những đồ tế tự quý báu nhất. đình Mộ Trạch (Bình Giang) bị tàn phá, năm Tân Mùi, Cảnh Hưng thứ 12 (1751), bà Nhữ Thị Nhuận, một phụ nữ tài danh đương thời đã cung tiến cho làng 3000 quan tiền để làm lại đình, lại bỏ 200 quan và 10 mẫu ruộng cho làng để đèn hương và bảo dưỡng ngôi đình lâu dài. Đây chỉ là một ví dụ trong muôn vàn trường hợp người dân tự nguyện đóng góp xây dựng đình trong lích ử. Buổi đầu đình làng có thể còn là ngôi nhà giản dị, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo mới có những ngôi đình to lớn mà một vài làng xã còn bảo tồn được đến nay. Có những ngôi đình được nhân dân đóng góp, tích luỹ hàng chục năm mới tiến hành xây dựng, như Đình Bảng (Bắc Ninh). Có thể nói, đình là công trình kiến trúc lớn nhất của làng xã. Nó là đặc điểm, là một hiện thân văn hoá của người Việt, ở đó văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần (mà nay chúng ta gọi là văn hoá phi vật thể) cùng tồn tại và phát triển. Tinh hoa văn hoá nơi thôn dã là một thứ văn hoá nền tảng, tạo nên bản sắc dân tộc, không chỉ được diễn tả, nâng cao bằng các trò diễn dân gian qua mỗi mùa hội làng mà nó còn kết tinh định hình ở các bức chạm trên các chi tiết của kiến trúc. Điêu khắc trang trí của đình làng phổ biến là: tứ linh, tứ quý, hoặc tách ra từng cá thể:
  5. long, ly, quy, phượng; thông, mai, cúc, trúc; đặc biệt là hình ảnh về hoạt cảnh dân gian, những hình ảnh thân thuộc ở làng quê. Ngoài những đề tài kinh điển, mỗi người thợ còn tuỳ theo nhận thức và khả năng diễn tả của mình mà chạm khắc những hình ảnh lấy ra từ hiện thực cuộc sống đương thời. Cùng một đề tài, một chi tiết trang trí như nhau, mỗi hiệp thợ lại có cách thể hiện riêng, tạo nên sự phong phú và đa dạng. Tài năng của nghệ nhân kiến trúc cổ nói chung ở chỗ: biến các chi tiết, các thành phần kết cấu vốn thực dụng chuyển sang mang dáng vẻ hấp dẫn, giảm đi cảm giác nặng nề, thô phác, mà trở thành những tác phẩm nghệ thuật dân dã, hồn nhiên và ý nhị. Trong số đó cũng không thiếu tác phẩm đạt tới trình độ điển hình của từng thời đại. Trong khuôn viên của đình thường có: sân đình, hồ nước, hoặc bến sông và chợ làng. Sân đình ngoài chức năng tạo sự bề thế thì còn là nơi diễn ra những trò diễn dân gian cũng như những việc chung của cộng đồng. Cây cối tượng trưng cho sự sung mãn và trường tồn, nó thu hút chim muông, tượng trưng cho sự phồn thịnh của một vùng quê, chúng như một chiếc máy điều hoà không khí, tạo nên một tiểu khí hậy mát mể. Nước là một nguồn sống quan trọng của cư dân. Hồ/giếng đặt ở nơi thiêng liêng sẽ được giữ gìn trong sạch hơn. Bến sông là đầu mối giao thông, một đặc điểm của vùng châu thổ, tạo nên mối giao lưu thuận tiện, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Chợ làng, nhất là chợ chiều là một thị trường không thể thiếu trong sinh hoạt của cư dân làng xã. Cây đa, giếng nước, bến sông, sân đình đã đi vào tâm khảm của biết bao thế hệ. Nó trở thành hoài niệm của những người con xa xứ. Nó nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước của cộng đồng người Việt. Những người xa quê dù một đời hay nhiều đời, khi trở về cố hương, đều có thể đến đình thắp hương, tưởng nhớ các bậc tiền bối và đèu có quyền tự hào về đình làng của mình. Đình làng giữ vai trò to lớn với người Việt, đến mức bất cứ một việc gì to lớn đều ví với đình: việc lớn tầy đình, lớn bằng cột đình Đình làng cũng đã đi vào thơ ca: Trúc xinh trúc mọc đầu đình, Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh.
  6. Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu. Những ngôi đình lớn và đẹp thường được xây dựng ở thế kỷ XVI - XVII - XVIII Đình Tây Đằng, Hoàng Xá, Chu Quyến (Hà Tây), Đình Bảng (Bắc Ninh), Đình Hàng Kênh (Hải Phòng), đình Trà Cổ (Quảng Ninh) là những ngôi đình tiêu biểu của đất nước. Đình Nhân lý (Nam Sách), Thạch Lỗi (Cẩm Giàng), Bồ Dương (Ninh Giang) tuy không còn được nguyên vẹn nhưng đều là những ngôi đình lớn và tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc ở Hải Dương mang niên đại vào thế kỷ XVII - XVIII. Đình Huề Trì (Kinh Môn, Hải Dương) có kiến trúc độc đáo, với bình diện vuông, nhìn bốn mặt đều thấy một mái dài rộng bề thế, là một trong những ngôi đình có diện tích lớn bậc nhất của đất nước, trên 620m2. Đình Chu Quyến (Hà Tây) với kiến trúc gỗ đồ sộ, đường kính cột gần 80cm. Chúng ta biết rằng, cách đây 3-4 thế kỷ, dân còn thưa, đời sống còn thấp kém mà mỗi làng xã đã tự dựng thành công một ngôi đình to lớn, xứng đáng là những công trình văn hoá. Năm 1900 làng Nhân Lý có số dân mới xấp xỉ 900 khẩu, trước đó hơn 2 thế kỷ hẳn số dân còn thấp hơn nhiều, trong làng chỉ có vài ba ngôi nhà ngói nhỏ và hẳn còn nhiều người đóng khố, cởi trần mà đã dựng thành công một ngôi đình lớn với nhiều bức chạm xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Đây là một bằng chứng hùng hồn về ý chí và sức mạnh của cộng đồng người Việt trong việc xây dựng làng xã, vươn tới những đỉnh cao văn hoá trong hoàn cảnh biết mấy khó khăn. Thiếu vắng những công trình như vậy lấy gì chứng minh cho nền văn minh của quá khứ tại các làng xã Việt. Có nhu cầu làm đình, tất phải có thợ làm đình, một công trình văn hoá to lớn như vậy, các làng xã khó có thể tự làm lấy được. Dựng một cái đình ít nhất phải có hai hiệp thợ chính và một số thợ thủ công khác liên kết lại để thực hiện, như: mộc, nề, ngoã, đá, chạm khảm, sơn tham gia liên tục hàng năm mới có thể hoàn thành, tuy vậy, phần chính vẫn thuộc về nghề mộc. Do đặc điểm và quy mô của công trình thợ làm đình tách khỏi nghề mộc thông thường, lập thành từng hiệp, như một tổ chức riêng, có khi thành làng nghề thủ công. ở đồng bằng Bắc bộ nhu cầu làm đình rất lớn nên đã hình thành những hiệp thợ
  7. của làng chuyên làm đình và sản phẩm là những công trình to lớn có bộ khung bằng gỗ từ những thế kỷ trước, Cúc Bồ thuộc Ninh Giang, Hải Dương là một làng như thế. Trải qua hai cuộc chiến tranh và những biến động xã hội, đình làng của chúng ta còn lại không nhiều. Cái hiện còn thường không đồng bộ, cái mất hậu cung, cái không còn tiền tế, cổ vật thì thưa vắng dần. Hơn 40 năm qua, thực hiện chủ trương của Nhà nước, một số ngôi đình tiêu biểu đã được xếp hạng, từng bước được trùng tu tôn tạo. Gần đây một số làng xã được nhân dân hưởng ứng đã làm lại đình trên nền cũ. Tai xã Yết Kiêu (Gia Lộc) có gia đình cung tiến hơn 100 triệu đồng để xây lại đình làng, Thông Đại Điền, xã Hồng Lạc (Thanh Hà) chỉ trong 5 tháng đã tái tạo một ngôi đình lớn bằng tiền công đức của nhân dân, nhất là những người xa quê. Như vậy, không chỉ ngày xưa mà nay việc làm đình nếu được chính quyền địa phương quan tâm vẫn được nhân daan hưởng ứng tích cực. Thật hạnh phúc cho một dân tộc khi tiềm thức về cội nguồn, về truyền thống văn hoá còn dạt dào trong mỗi người dân. Do hoàn cảnh hiện nay mà chất liệu có khác, nhưng kiểu dáng vẫn gữ được nét xưa. Hồ/giếng nước được tu bổ, dù không còn là nguồn nước ăn của làng thì cũng là chiếc gương soi của cố hương muôn thuở. Nội dung tín ngưỡng và sinh hoạt cũng phong phú và nhân văn hơn. Nhiều đình nay ngoài việc thờ Thành hoàng còn thờ các anh hùng liệt sĩ của quê hương, đồng thời là nơi hội họp của các tổ chức quần chúng. Xưa, phụ nữ không được vào hậu cung của đình làng, nay nam nữ bình đẳng, các cô, các bà có thể tham gia lễ bái như nam giới. Thuần phong, mỹ tục được phát huy những hủ tục từng bước bị loại bỏ. Đình làng là một biểu trưng tinh thần của làng xã Việt, ở đây lưu giữ tinh hoa văn hoá của nhân dân thuộc từng thời kỳ lịch sử, nhưng tiếc rằng số làng còn lưu giữ được đình có không nhiều. Hiện nay nhà nước đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc dựng lại nhà rông, nhà gươl để duy trì sinh hoạt văn hoá của đồng bào Tây Nguyên, qua đó mà góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá từng tộc người. Tin rằng ngôi đình làng của người Việt sẽ
  8. được quan tâm, phục hồi, phát huy và tồn tại cùng cộng đồng Việt, để mỗi khi xuân về, đình làng lại là nơi hội tụ những người con quê hương và của những người con xa xứ. Tăng Bá Hoành (Theo: Viet nam Cay da)