Văn hóa Việt Nam đa tộc người

doc 8 trang phuongnguyen 2230
Bạn đang xem tài liệu "Văn hóa Việt Nam đa tộc người", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docvan_hoa_viet_nam_da_toc_nguoi.doc

Nội dung text: Văn hóa Việt Nam đa tộc người

  1. VĂN HÓA VIỆT NAM ĐA TỘC NGƯỜI Phần mở đầu: Văn hóa và văn hóa dân tộc, tộc người "Vì lẽ "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn". - Chủ tịch Hồ Chí Minh Đối tượng của Dân tộc học (hay Nhân học văn hóa - ĐNV) là dân tộc và văn hóa dân tộc, có thể dân tộc được hiểu bao gồm là nation và tộc người, ethnie và văn hóa của dân tộc và văn hóa tộc người. Trong cuốn sách này, tôi trình bày về khái niệm văn hóa được hiểu dưới góc độ Dân tộc học hay Nhân học văn hóa (Anthropologie culturelle), với sự chú ý ưu tiên những hiểu biết về văn hóa các tộc người thiểu số anh em, điều mà các tác giả từ Đào Duy Anh cho đến các công trình văn hóa Việt Nam gần đây thường ít đề cập đến nên người đọc dễ nhầm văn hóa Việt là văn hóa Việt Nam. Trong cuốn sách này, người đọc sẽ thấy được bước đầu tính thống nhất và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam đa tộc người, thấy được những đóng góp vô cùng to lớn của văn hóa các tộc người cùng chung sống vào công cuộc xây dựng nên một nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. 1. Văn hóa là gì? Ý kiến được nhiều tác giả trích dẫn để tham khảo là của F.B. Tylor trong tác phẩm Văn hóa nguyên thủy: "Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về Dân tộc học, là toàn bộ phức thể bao gồm những tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, những khả năng và tập quán khác nhau, mà con người có được với tư cách là thành viên của một xã hội". Định nghĩa này được đưa ra rất sớm trong một tác phẩm kinh điển xuất bản lần đầu tiên vào năm 1871, được tái bản nhiều lần bằng nhiều thứ tiếng. Định nghĩa
  2. này có nhược điểm là chưa phân biệt được rạch ròi hai khái niệm văn hóa và văn minh, cũng như chưa nêu được cụ thể văn hóa và văn minh có bao gồm toàn bộ các tri thức văn hóa vật chất, xã hội và tinh thần hay không. Từ đó, đối tượng văn hóa được nhiều tác giả nghiên cứu dưới nhiều góc độ của nhiều ngành khoa học khác nhau, rộng hẹp khác nhau, nên có đến hàng trăm định nghĩa về văn hóa, lần đầu tiên được hai nhà học giả Mỹ là A.L. Kroeber và C. Khuckohn tổng hợp lại trong tác phẩm Culture: A critical review of concepts and definitions, 1952. Vì vậy, có nhiều hiện tượng lẫn lộn, thậm chí trong một cuốn sách, tác giả đã dùng thuật ngữ văn hóa theo nhiều cách hiểu khác nhau. Hoặc có những lầm lẫn mặc nhiên chưa được sửa chữa như khi khai lí lịch, mọi người lại kê khai trình độ học vấn vào mục trình độ văn hóa, vì trên thực tế có người có học vấn cao lại ứng xử kém văn hóa và ngược lại. Đối với ngành Dân tộc học, văn hóa thường chỉ có thể hiểu theo hai nghĩa: 1 - Theo nghĩa hẹp như cách hiểu của đồng chí Trường Chinh trong tác phẩm nổi tiếng Chủ nghĩa Mác về vấn đề văn hóa "Văn hóa bao gồm cả văn học, nghệ thuật, khoa học, triết học, phong tục, tôn giáo " nghĩa là văn hóa tinh thần; 2 - Theo nghĩa đầy đủ của nó, văn hóa không chỉ bao gồm văn hóa tinh thần, mà cả văn hóa vật chất, theo như cách hiểu của Hồ Chí Minh. "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương tiện sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa". Định nghĩa thứ hai này đáp ứng với đối tượng của ngành Dân tộc học. Thuật ngữ văn hóa mà ta thường dùng không phải xuất phát từ thuật ngữ văn hóa của Trung Hoa cổ xưa, mà xuất phát từ thuật ngữ latinh cultura, nghĩa gốc là trồng trọt. Năm 45 trước CN, Cicéron, một chính trị gia nổi tiếng, trong tác phẩm Les Tusculanes mở rộng nội dung văn hóa theo hai nghĩa: 1 - Vẫn dùng theo nghĩa đen là trồng trọt các loại cây (cultura agri) 2 - Theo nghĩa bóng là trồng các linh hồn (cultura animi, animi là linh hồn - âme) tức là trồng trọt
  3. tinh thần, có thể nói như Chủ tịch Chí Minh là "trồng người". Từ đấy xuất hiện một định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nhất vào những thập niên 60 đến 80 của thế kỷ trước, ở nước ta được nhiều nhà nghiên cứu trích dẫn với những diễn đạt hơi khác nhau như: của Trần Từ, Nguyễn Hồng Phong, Trần Đình Hượu, Phan Ngọc, Trần Quốc Vượng và bản thân tác giả. Văn hóa là tất cả những gì Con người sáng tạo ra, là nhân hóa. Văn hóa là tất cả những gì không phải của tự nhiên. Văn hóa là cái phân biệt được con người với các sinh vật khác, là cái phần của môi trường do con người tạo ra. Văn hóa là đối lập với tự nhiên v.v Có thể nói văn hóa là những gì con người làm sống động tất cả các sự vật xung quanh mình, cho dù sự vật đó là do con người thuần dưỡng, chế tạo ra hay nó vẫn câm lặng như hòn đá, cây cỏ của tự nhiên. R. Bastide đã lưu ý các nhà Dân tộc học khi nghiên cứu trên thực địa: "Không chỉ bằng lòng với những lời nói của những con người, mà phải học cách làm sao cho tất cả các sự vật dù câm lặng cũng phải nói và biết cách hiểu được những lời nói đó", như thế có nghĩa là đã hiểu được đời sống của tất cả con người và sự vật tạo nên giá trị của đời sống văn hóa vật chất, xã hội, tinh thần của cộng đồng người mà ta đang nghiên cứu. Văn hóa gắn liền với dân tộc và tộc người. Nên ta có thể chấp nhận ý kiến của Feredico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO phát biểu trong buổi lễ phát động Thập niên thế giới phát triển văn hóa được tổ chức tại Paris ngày 21- 01- 1988: "Văn hoá phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt cuộc sống của con người đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó cấu thành nên một hệ thống các giá trị truyền thống, thẩm mỹ và lối sống, mà dựa vào đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình". "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác". Từng dân tộc hay từng tộc người cần khẳng định cái bản sắc của mình, cái ta phân biệt với cái khác ta, đó là điều mà bất kỳ thành viên nào trong cộng đồng đều tự cảm nhận. Có điều những cảm nhận của người dân thường dễ hiểu, đơn giản, lại rất chính xác, được toàn cộng đồng chấp nhận, nhưng lại thiếu cơ sở khoa học. Ví dụ: Người Tày phân biệt với người Nùng ở chỗ họ mặc áo dài, người Nùng mặc áo ngắn; con gái người Khơ Mú búi tóc ngược trên
  4. đỉnh đầu từ nhỏ, cho đến khi lấy chồng; người Thái Đen lại coi tục lệ búi tóc ngược để phân biệt gái có chồng, gái góa với gái tân. Các nhà Dân tộc học lại coi sự phân biệt khác ta đó là điều cần thiết bằng phương pháp nghiên cứu so sánh, nhưng nhiều khi lại khó hiểu đối với người dân thường và khó được người dân chấp nhận một cách dễ dàng. 2. Văn hóa và xã hội Như vậy, khi nói đến văn hóa ở đây là nói đến con người đã sản sinh ra nó, sử dụng nó và lại bị nó chi phối. ở đây, con người phải hiểu là con người xã hội, homo socius, con người của một tập thể, một cộng đồng dân tộc hay tộc người, con người đã khác các sinh vật, đã liên kết với nhau thành một tổ chức xã hội, một cộng đồng người ổn định: thị tộc, bộ lạc, dân tộc, tộc người, đã có một trình độ nhận thức nhất định. Họ sống không chỉ bằng bản năng mà đã có ngôn ngữ để giao tiếp, công cụ sản xuất, thiết chế xã hội, pháp luật, tập quán ăn ở, mặc, giải trí, tôn giáo, trình độ văn học, nghệ thuật để thích nghi với tự nhiên, nhằm duy trì và phát triển đời sống của xã hội và của bản thân. Phạm Văn Đồng có lý khi viết: "Văn hóa và xã hội gắn bó hữu cơ với nhau như hình với bóng. Có thể nói xã hội là bộ mặt của văn hóa, và văn hóa phải thông qua xã hội, làm nên môi trường xã hội, để tác động vào các lĩnh vực khác trong cuộc sống của con người và cộng đồng con người". ở đây, dưới góc độ Dân tộc học, không thể nói đến quan hệ văn hóa đối với một con người trừu tượng, hay với một cá nhân cụ thể, mà là nói đến văn hóa của một xã hội, một cộng đồng người nhất định. Cho nên Lê Thành Khôi có lý khi lưu ý tác giả của cuốn sách Tìm hiểu về bản sắc văn hóa Việt Nam: "Văn hóa là sản phẩm của một cộng đồng, chứ không phải của "con người": Con người là ai? Có thể tách rời với xã hội được không?", khi thấy tác giả cuốn sách đặt ngang hai định nghĩa văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của E. Herriot, mà ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý đến con người xã hội, còn E. Herriot lại chỉ thích hợp với một cá nhân; đồng thời định nghĩa của bản thân Trần Ngọc Thêm đưa ra cũng không rõ ràng, chỉ gắn liền văn hóa với con người không viết hoa.
  5. Cái xã hội mà ta lưu tâm đối với một cộng đồng người lại không phải thời đại nào cũng giống thời đại nào. Về phương diện thời gian mà nói, cái không gian xã hội mà cộng đồng người sinh sống thay đổi ngày một rộng lớn. Trong quá trình homo habilis hoá kéo dài hàng tỷ năm, những người vượn sống thành từng bày người nguyên thủy, tất nhiên cư trú trong một không gian xã hội rất hạn hẹp. Hiện nay, chưa có một công trình khoa học nào đoán định được cụ thể. Khi con người sống thành thị tộc, bộ lạc bắt đầu bước vào thời kỳ Cromagnon cách thời đại chúng ta đang sống từ 35000 - 10000 năm, với nền kinh tế hái lượm và săn bắt, lấy việc chiếm đoạt tự nhiên là chính. "Nhân loại" thời đó chỉ thu hẹp thành một vùng, như Iu.I. Semenov phỏng đoán giỏi lắm diện tích không quá 7000 km2 , cách nhau bởi những ranh giới tự nhiên khó vượt qua. Cái không gian đó được dần mở rộng nhờ sự phát triển của trình độ khoa học công nghệ, nhất là với thời kỳ đá mới và kim khí, khi nhân loại bước vào thời kỳ kinh tế sản xuất, sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, cách đây khoảng 8000 - 2000 năm. Các quốc gia dân tộc và các tộc người ra đời, tiếp theo xuất hiện các đế chế mang tính siêu quốc gia, những "thế giới" bao gồm các quốc gia và các tộc người ở từng khu vực như Trung Cận Đông, Địa Trung Hải, ấn Độ, Trung Hoa v.v có chung một nền văn hóa thống nhất nhưng đa dạng. Những thế giới đó thường bị chi phối bởi một trung tâm văn minh, ở đó các dân tộc và tộc người có những nét văn hóa giống nhau, cùng bị chi phối bởi một hoàn cảnh lịch sử do quá trình tiếp xúc giao lưu, đồng thời vẫn giữ lại được những yếu tố riêng biệt của bản thân, do tự sáng tạo và tiếp biến văn hóa. Chính trong khoảng thời gian này, sự đấu tranh sinh tồn của các quốc gia dân tộc và các tộc người diễn ra rất quyết liệt. Những cộng đồng người còn tồn tại đến ngày nay "đều có đằng sau mình một quá khứ đáng tự hào tương tự như nhau. Trải qua hàng chục, có thể hàng trăm ngàn năm, họ đều là những con người đã biết yêu, biết ghét, biết đau khổ, biết sáng tạo, biết đấu tranh. Trong thực tế, không có những dân tộc (peuple) thơ ấu, tất cả đều trưởng thành, cho dù có dân tộc không còn giữ trong ký ức của mình thời thơ ấu và trai trẻ".
  6. Trong xã hội tiền công nghiệp ở phương Đông, trong đó có Việt Nam, là xã hội mà M. Mauss đã lưu ý: "XÃ hội là một cái toàn bộ (un tout), hay nói đúng hơn, xã hội là cái toàn bộ duy nhất (un tout unique) mà mọi thứ đều phải có quan hệ với nó". Đó là một xã hội tổng thể, một xã hội mà ở đó mỗi con người chỉ tìm thấy hạnh phúc ở cộng đồng, đối lập với xã hội cá nhân phương Tây. M. Mauss trình bày cụ thể hơn: "Trong những hiện tượng xã hội tổng thể ấy (phénomènes sociaux totaux) như chúng tôi đề nghị gọi như vậy, biểu hiện cùng một lúc và ngay lập tức tất cả các loại thiết chế chính trị và gia đình; các thiết chế kinh tế - và các thiết chế này giả định phải có những hình thức đặc thù về sản xuất và tiêu thụ, hay đúng hơn là sự cống nạp và phân phối; chưa tính đến những hiện tượng thẩm mỹ, mà các sự kiện đó phải quy vào và những hiện tượng hình thái học mà các thiết chế đó thể hiện". Đối với xã hội Việt Nam đa tộc người ở thời kỳ chưa tiếp xúc với văn minh công nghiệp phương Tây, với phương thức sản xuất cống nạp và thiết chế tự quản của các làng xã, thời cái xã hội của M. Mauss quan niệm vẫn còn phù hợp, mặc dù đã không thích hợp với xã hội phong kiến châu Âu. Hiện nay, quốc gia dân tộc Việt Nam còn đến 80% cư dân sinh sống bằng nông nghiệp, nơi mà các đô thị xuất hiện muộn và kém phát triển, nơi mà đa số, nếu không nói là tất cả các tộc người thiểu số, qua quá trình lịch sử, chịu một tác động suy thoái toàn thể hay bộ phận, nơi mà toàn thể quốc gia dân tộc luôn cần sự đoàn kết thống nhất của cộng đồng, nhằm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống quân xâm lược, nơi mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định ở Đông Dương "về mặt cấu trúc kinh tế không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời cận đại", thì ta thấy ở đây, tính "tổng thể của xã hội" như M. Mauss quan niệm vẫn có giá trị quyết định, nhất là trong việc tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc và tộc người. Trên cơ sở của xã hội tiền công nghiệp này (bao gồm cả thời kỳ tiền nông nghiệp, nhưng chủ yếu là nông nghiệp), cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam và từng tộc người anh em khẳng định được đặc trưng văn hóa cổ truyền của bản thân, điều mà Trần Đình Hượu nhận xét: "Trong sự sáng tạo văn hóa, mỗi dân tộc hình như từ lâu đã có những thói quen, những ưa thích, những sở trường, những khuyết tật làm nên những đặc sắc của nó".
  7. Sang đến thời kỳ công nghiệp, thời kỳ mà các nước châu Âu vượt lên trước, thiết lập các Nhà nước tư bản chủ nghĩa, tạo nên những đế quốc đi bành trướng và xâm lược các nước ngoài châu Âu, một nhiệm vụ có tính lịch sử đã được thực hiện là chủ nghĩa tư bản đã nối kết được các khu vực, các trung tâm văn minh riêng rẽ, các không gian xã hội mang tính khu vực với nhau. Đây là một thời kỳ mà nhiều dân tộc, nhiều tộc người bị diệt vong, bị làm nô lệ hay lệ thuộc. Cuộc đấu tranh nhằm thực hiện khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái dường như chỉ dành cho một số người, một số dân tộc được hưởng. Một phong trào chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa tư bản được phát động. Thế kỷ thứ XX được đánh dấu bằng sự xuất hiện một số nước xã hội chủ nghĩa và chấm dứt chế độ thực dân cũ. Hầu hết nếu không nói là tất cả các quốc gia đã được độc lập và đang gắng sức xây dựng đất nước của mình. Vào những thập niên 70 - 80 thế kỷ trước, thời hậu công nghiệp bắt đầu tạo tiền đề cho quá trình toàn cầu hóa hoàn thành. Thời kỳ văn hóa trí tuệ thay thế dần thời kỳ văn hóa công nghiệp, biến nhân loại thành một không gian xã hội thống nhất trong sự đa dạng. Thế giới bị thu nhỏ lại như một cái làng. Đây là thời kỳ mà những xung đột giữa các quốc gia dân tộc, các tộc người lên đến cao độ, nhất là ở các nước đang phát triển, kết quả là nhiều quốc gia, nhiều tộc người bị đe dọa, bị phân biệt đối xử và nguy cơ bị đồng hóa. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc về mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa diễn ra gay gắt, nhiều khi bằng vũ trang. Văn hóa phương Tây phủ một lớp ngày càng dầy lên các nước ngoài châu Âu, với sức mạnh như vũ b•o của những thành tựu khoa học công nghệ. Ngôn ngữ, lối sống, tôn giáo, văn học, nghệ thuật qua tiếp xúc trên thực tế hay qua các phương tiện thông tin đại chúng, uy hiếp truyền thống văn hóa bản địa. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc trở nên thường trực, được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ toàn cầu, được Liên hiệp quốc cổ vũ. Đây là một thời kỳ chuyển tiếp có sự bung ra để tiến lên, rất quan trọng nhằm thực hiện quyền bình đẳng thực sự giữa các dân tộc, các tộc người trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, hữu nghị, văn minh. ở đây tính thống nhất được khẳng định trên phạm vi toàn cầu, phải được xây dựng trên tính đa dạng của từng khu vực, từng quốc gia dân tộc, từng tộc người.
  8. Thời kỳ đó đang mới bắt đầu, tạm thời với sự thắng thế của các thế lực bảo thủ, cũ kỹ, lỗi thời, đầy sức mạnh, với sự manh nha xuất hiện những thế lực tiến bộ, đổi mới, hợp quy luật, tuy còn yếu kém. Thế giới đại đồng cho dù là mong ước của Khổng Tử, của đức Giêsu hay của C. Mác rồi sẽ đến. Nhưng đến lúc đó, các dân tộc, các tộc người vẫn cứ còn tồn tại, vì toàn cầu không phải là một trại lính, không phải là đơn sắc, đơn hương, mà phải là một cộng đồng muôn sắc, muôn hương của nhiều dân tộc, nhiều tộc người được tự do phát triển. Bà I. Gandhi đã ví nhân loại sau này sẽ như một đại dương với một vị mặn. Nhưng trong vị mặn đó, mỗi con người phải cảm nhận được hương vị của những dòng sông quê hương chứa đầy đất phù sa của đất mẹ hợp thành. (còn tiếp) Nguồn: Văn hóa Việt Nam đa tộc người. Khảo cứu của Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn. NXB Văn học sắp xuất bản.