Vấn đề chuẩn hóa ngành thông tin thư viện Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Vấn đề chuẩn hóa ngành thông tin thư viện Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- van_de_chuan_hoa_nganh_thong_tin_thu_vien_viet_nam.doc
Nội dung text: Vấn đề chuẩn hóa ngành thông tin thư viện Việt Nam
- 1 VẤN ĐỀ CHUẨN HÓA NGÀNH THÔNG TIN THƯ VIỆN VIỆT NAM NGUYỄN MINH HIỆP, BA., MS. GĐ. Thư viện ĐH. Khoa học Tự nhiên ĐHQG TP. Hồ Chí Minh Tại những hội nghị quốc tế về thông tin thư viện (TTTV) trong khoảng thời gian mười năm trở lại đây, người ta thường đánh giá rằng hệ thống thư viện thếgiới nói chung và thư viện đại học nói riêng đang phát triển với một tốc độ nhanh chưa từng có – Đây là một nhận định tự nhiên ai cũng nhìn thấy khi ngành công nghệ thông tin (CNTT) đang phát triển với một tốc độ chóng mặt mà ngành TTTV thì ngày càng gắn liền với công nghệ thông tin (CNTT). Những người chuyên nghiệp thì có một cái nhìn rõ nét hơn: hệ thống thư viện thế giới phát triển nhanh chóng là do ngoài tác động của công nghệ ra còn có sự chuẩn hóa cao độ. Hệ thống thư viện Việt Nam suốt một thời gian dài đứng ở bên lề của "sựphát triển" đó hiện nay đang bắt đầu tiếp cận với chuẩn hóa. Thế thì chúng ta phải quan niệm chuẩn hóa như thế nào và thực hiện ra làm sao để vượt qua cái “ngưỡng” lạc hậu và nhanh chóng hội nhập với cộng đồng thế giới? Ngày nay nói đến thư viện là nói đến một mạng lưới thư viện. Thuật ngữthư viện – libraries thường ở dạng số nhiều để chỉ một hệ thống thư viện – library system hay một liên hiệp thư viện – consortium bao gồm nhiều thư viện liên thông với nhau thông qua mạng liên kết toàn cầu Internet; ngay cả trong một thư viện đơn lẻ, Internet vẫn là một hoạt động không thể thiếu trong toàn bộ những hoạt động thông tin bình thường. Lượng thông tin điện tử phong phú ngày càng trở nên quan trọng trong những hoạt động thông tin đó. Hàng ngày người cán bộ TTTV phải đối mặt với những công việc: − Truy hồi thông tin trên Internet; − Thiết kế và bảo trì trang web; − Trình bày thông tin và xuất bản điện tử; − Biên mục trên web; − Xây dựng những bộ sưu tập số; − Phổ biến thông tin có chọn lọc cho người sử dụng; − Tái đóng gói thông tin phục vụ công tác tham khảo; − vv Để thực hiện những công việc trên, người cán bộ TTTV phải sử dụng Công nghệ web – Công nghệ dựa vào giao thức Internet (IP-based). Công nghệ này sửdụng HTTP để chuyển tải thông tin và HTML/XML để đóng gói thông tin; ngoài ra công nghệ web giúp định vị thông tin trên Internet bằng cách sử dụng các siêu liên kết – hypertext link. Đối tượng chủ yếu trong hoạt động thông tin ngày nay trong các cơ quan thông tin mà tiêu biểu là thư viện là thông tin điện tử hay thông tin số và công nghệ web là công nghệ đóng gói thông tin để lưu trữ, trình bày và chuyển tải trong môi trường số. Do đó web là công nghệ của ngành TTTV trong hiện tại và tương lai. Quan niệm chuẩn hóa Một sản phẩm hay một công việc được xem như đảm bảo chất lượng hay mang tính đồng nhất đều phải đạt một tiêu chuẩn định sẵn. Tiêu chuẩn là những gì được thiết lập nên và có thẩm quyền như một qui tắc để đo lường số lượng, trọng lượng, độ dài hay đánh giá giá trị và chất lượng.
- Trong ngành TTTV, những tiêu chuẩn chính là những qui tắc do những tổ chức quốc gia hay quốc tế thiết lập, chẳng hạn như chuẩn ISBN (International Standard Book Number), để mô tả thư tịch tổng hợp đồng nhất ta dùng chuẩn ISBD (International Standard Bibliographic Description), trong biên mục mô tả ta dùng chuẩn AACR2 (Anglo-American Cataloging Rules, 2 nd edition), với dạng thức trao đổi biểu ghi thư tịch ta dùng chuẩn MARC (MAchine Readable Cataloging), trong môi trường điện tử ta dùng chuẩn Dublin Core, và nhiều tiêu chuẩn khác về tổ chức quản lý thông tin, hệ thống thông tin, dịch vụ thông tin, vv . Cũng cần có những chỉ dẫn riêng cho những loại hình thư viện khác nhau (thư viện đại học, thư viện trường học, thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành). Quá trình thiết kế và thực thi những tiêu chuẩn gọi là chuẩn hóa. Quá trình này mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện dần nhằm được chấp nhận rộng rãi. Do đó chuẩn hóa được định nghĩa như là một bước quá độ từ ý tưởng cá nhân đến ý tưởng chung, từ sự lộn xộn đến một trật tự, và từ tùy hứng đến qui luật. Quan niệm chuẩn hóa dần dần được thay đổi sao cho ngày càng có nhiều thư viện cùng theo chuẩn chung. Quá trình thay đổi này được tiến hóa theo tiến trình phát triển của ngành TTTV trên thế giới: đi từ quản lý tài liệu, quản lý thông tin và nay đang quá độ sang quản lý tri thức. Quan niệm chuẩn hóa ngày nay đang có khuynh hướng trên phạm vi toàn cầu vì có sự bùng nổ thông tin và vì nhu cầu và lợi ích của việc chia sẻ tài nguyên thông tin, đặc biệt là thông tin điện tử. Việc ứng dụng triệt để thành quả của CNTT và viễn thông đã khiến cho ngành TTTV nhanh chóng phát triển, đồng thời quan niệm chuẩn hóa cũng nhanh chóng được đồng nhất dần dần từ phạm vi quốc gia, khu vực và tiến đến phạm vi toàn cầu. Chúng ta cần phải bắt kịp nhịp phát triển với đồng nghiệp trong cộng đồng thế giới. Do đó chuẩn hóa là nhu cầu hết sức bức bách của thư viện Việt Nam hiện nay. Chúng ta cần phải quán triệt quan điểm biện chứng: "Chuẩn hóa - Hội nhập – 3 Phát triển" để thấy rằng con đường tất yếu của chúng ta là chuẩn hóa để vượt qua cái "ngưỡng" lạc hậu, nhằm hội nhập cùng đồng nghiệp trên thế giới, chỉ có cách đó chúng ta mới có cơ hội phát triển. Về chuẩn hóa công tác thư viện, chúng ta cần lưu ý trước tiên là chuẩn thư tịch hay kiểm soát thư tịch, đó là chuẩn cơ bản về nghiệp vụ thư viện được tạo lập dựa trên quá trình nghiên cứu lâu dài hoạt động TTTV và đã được chấp nhận rộng rãi nhằm đảm bảo tính có thể chuyển đổi của dữ liệu, cho phép chia sẻ tài nguyên thông tin trên phạm vi toàn cầu. Trong khi chuẩn thư tịch đảm bảo tính nhất quán trong việc xử lý nghiệp vụ TTTV thì chuẩn kỹ thuật phục vụ công nghệ giao tiếp và truy hồi thông tin trong liên thông thư viện. Muốn thực hiện công việc chuẩn hóa một cách triệt để đòi hỏi người cán bộ thư viện ngày nay phải: – Sẳn sàng từ bỏ những giá trị cũ; và – Hình thành tư duy công nghệ mới. Tại sao phải từ bỏ những giá trị cũ? Theo nhà thư viện học người Nga, V.V. Xcvortxov thì thư viện thế giới sau giai đoạn tách đôi vào thế kỷ XX giữa nền thư viện học xã hội chủ nghĩa nặng vềlý thuyết và nền thư viện học tư bản chủ nghĩa thiên về thực hành, thì nay vào thế kỷ XXI là giai đoạn hợp nhất dựa trên cơ sở phương pháp luận duy nhất và chuyển đổi thành một khoa học gắn liền với công nghệ thông tin. Đối với những hệ thống thư viện đã từng thuộc nền thư viện học xã hội chủ nghĩa như chúng ta thì việc chuyển đổi đi đến hợp nhất này là không những dựa trên cơ sở phương pháp luận mới mẻ của những giá trị nhân loại mà còn đòi hỏi đánh giá lại nhiều luận thuyết, định đề trước đây được coi như là chân lý vĩnh cửu. Có nghĩa là để tạo cơ sở cho việc áp dụng những tiêu chuẩn mới
- thì chúng ta phải thay đổi, mặc dù thay đổi là khó khăn nhưng nó là chìa khóa vào tương lai (Burger Leslie, 2006). Tư duy công nghệ mới Cụm từ “công nghệ mới” đã trở thành thuật ngữ của thời đại ngày nay, khi mà cuộc sống con người hoàn toàn bị chi phối bởi công nghệ và công nghệ mới hầu như xuất hiện hằng ngày và ai cũng có thể sử dụng những công nghệ mới đó ngay khi nó được phân phối. Một xe hơi đời mới, một máy chụp hình kỹ thuật số, một điện thoại di động đa năng, một TV siêu mỏng, vv đó là những sản phẩm thông dụng mà công nghệ mới mang lại tiện ích cho con người. Công nghệ mới nâng cao năng lực tìm tin và phổ biến tin trong hoạt động thông tin nhằm phục vụ người sử dụng tốt nhất. Do đó thư viện luôn luôn phải đổi mới. Người hoạt động trong ngành TTTV, ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, đều phải được trang bị tư duy công nghệ mới. Tư duy công nghệ mới là nền tảng của người cán bộ thư viện ngày nay. Người cán bộ thư viện với tư duy công nghệ mới là người làm việc với tác phong công nghiệp và có ý thức học tập suốt đời. Luôn đổi mới để cải tiến công việc cho phù hợp với công nghệ mới. Những thay đổi quan niệm chuẩn hóa cơ bản Chúng ta đã đề cập đến năm giai đoạn phát triển của thư viện học thế giới; đến nay (thế kỉ XXI) là giai đoạn hợp nhất. Trong quá trình phát triển có một sốgiá trị mà chúng ta cần phải thay đổi cho phù hợp với xu thế hợp nhất đó; cũng như thay đổi một số công việc theo tinh thần tư duy công nghệ mới: Vai trò thưviện không thay đổi, nhưng làm thế nào để thực hiện vai trò đó thì thay đổi(Varaprasad, 2008). Một số thay đổi cơ bản như sau: 1. Loại hình thư viện Loại hình thư viện nói lên tính đặc thù trong công tác thư viện và hoạt động thông tin của cơ quan thông tin nhằm phục vụ cho một loại đối tượng cụ thể nào đó. Việc phân chia loại hình thư viện cũng cần được chuẩn hóa để thống nhất vềmặt nghiệp vụ cho mỗi loại hình. Trên thế giới, người ta chia hệ thống thư viện thành năm loại hình, được Hiệp hội thư viện thế giới – IFLA thừa nhận như sau: 1. Thư viện quốc gia – National Library; 2. Thư viện đại học – Academic Library; 3. Thư viện chuyên ngành – Special Library; 4. Thư viện công cộng – Public Library ; 5. Thư viện trường học – School Library. TV Quốc gia Thư viện đại học Thư viện Chuyên ngành Thư viện Công cộng Thư viện Trường học (Phổ thông) Sơ đồ năm loại hình thư viện Trong đó thư viện quốc gia, thư viện đại học, và thư viện chuyên ngành là loại hình thư viện mang tính chất học thuật (academic) và nghiên cứu (study); trong khi đó thư viện công cộng và thư viện trường học mang tính chất phổ thông (popular) và công cộng (public). Ngoài ra sơ đồ trên còn cho thấy sự tăng dần vềsố lượng thư viện trong năm loại hình theo thứ tự từ đỉnh xuống đáy, trong đó thưviện quốc gia ở vị trí đỉnh là duy nhất. Vị trí đó cũng cho chúng ta thấy vai trò nổi bật và chủ đạo của thư viện quốc gia. Sự phân chia nầy cũng hiện hữu trong tất cảcác giáo trình giảng dạy TTTV ở khắp nơi trên thế giới.
- Hệ thống thư viện Việt Nam được phân chia thành các loại hình như sau: (1) Thư viện công cộng bao gồm: − Thư viện quốc gia Việt Nam; − Thư viện do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập. (2) Thư viện chuyên ngành, đa ngành bao gồm: − Thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học; − Thư viện của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác; − Thư viện của đơn vị vũ trang; − Thư viện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sựnghiệp. Cách phân chia này tiện lợi cho việc quản lý nhà nước, tuy nhiên để phù hợp với nghiệp vụ TTTV nhằm phát triển ngành nghề và tuân theo tiêu chuẩn chung trên thế giới để tiện việc liên kết hợp tác trên phạm vi toàn cầu thì ta nên sửdụng cách phân chia theo năm loại hình thư viện như được trình bày ở trên. 2. Công tác kỹ thuật – Technical services Ngày nay bộ phận công tác kỹ thuật trong thư viện thường chú trọng đến CNTT và công nghệ web. Những chuẩn kỹ thuật của CNTT được áp dụng trong việc truy cập, truy hồi, chuyển tải, lưu trữ, trao đổi, trình bày, và phổ biến thông tin được áp dụng một cách có chọn lọc trong công tác thư viện và hoạt động thông tin trong một cơ quan thông tin hay hệ thống thư viện. Một số chuẩn cơ bản như: – TCP/IP: Bao gồm TCP – Transmission Control Protocol và IP – Internet Protocol, thường được kết hợp là TCP/IP. TCP phân chia và tích hợp các gói thông tin; IP bảo đảm các gói thông tin được đến đúng địa chỉ. Internet dùng TCP/IP cho nên được gọi là “mạng chuyển gói”. – Z39.50: Giao thức khách-chủ (client-server) trao đổi dữ liệu giữa các thư viện qua mạng Internet. – HTTP: HyperText Transfer Protocol là giao thức truyền thông thông tin trên web. – HTML: HyperText Markup Language là ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản được dùng để tạo lập văn bản trên web. – Ngoài ra còn nhiều chuẩn trình bày thông tin và lưu trữ mở trên mạng Internet cũng như tiêu chuẩn chọn lựa phần mềm nguồn mở cho việc xây dựng thư viện số. Những chuẩn thư tịch truyền thống mà ngày nay đã được tuân thủ trên phạm vi toàn cầu bao gồm: – ISBD: International Standard Bibliographic Description là những tiêu chuẩn quốc tế về mô tả thư tịch. – AACR2: Anglo-American Cataloging Rules-2nd Edition là những qui tắc biên mục Anh-Mỹ. – MARC21: MAchine Readable Cataloging là biên mục máy đọc được, cơ sở cho việc trình bày và trao đổi dữ liệu thư tịch đồng nhất. – DDC và LCC: Dewey Decimal Classification là Phân loại thập phân Dewey dùng để phân loại tài liệu trong thư viện vừa và nhỏ; còn Library of Congress Classification là Phân loại Quốc hội Hoa Kỳ dùng cho thưviện lớn (trên một triệu ấn bản sách). – LCSH: Library of Congress Subject Headings là Khung tiêu đề đề mục (TĐĐM) của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ được sử dụng hoặc dựa vào để biên soạn Khung TĐĐM quốc gia. Dùng trong việc ấn định tiêu đề đềmục để tạo lập hệ thống Mục lục đề mục phục vụ truy cập theo chủ đề. – OPAC: Online Public Access Catalog là hệ thống mục lục trực tuyến tuân thủ đầy đủ những chuẩn thư tịch và chuẩn kỹ thuật nêu ở trên. Ngày nay chuẩn thư tịch được cập nhật những tiêu chuẩn mới trong môi trường điện tử như:
- – Dublin Core: Chuẩn biên mục gồm 15 thành phần được dùng chủ yếu cho việc biên mục tài nguyên điện tử. – Siêu dữ liệu thư tịch – Bibliographic Metadata: Do cán bộ biên mục tạo lập là dữ liệu có cấu trúc trình bày lý lịch của tài liệu (nhan đề, tác giả, năm xuất bản, vv ) được xem như là phiếu mục lục trong môi trường điện tử. 3. Dịch vụ thông tin – Information services Vai trò mang thông tin đến cho người sử dụng của người cán bộ thư viện không thay đổi, nhưng làm thế nào để thực hiện công việc này thì thay đổi theo theo từng giai đoạn phát triển. Trước đây, người ta quan niệm rằng công tác thông tin thư mục với căn bản lý luận và phương pháp dựa vào Thư mục học là công việc nghiệp vụ quan trọng nhất trong dịch vụ thông tin. Ngày nay, công tác thông tin thư mục phải được thay thế bằng dịch vụ tham khảo – reference services (Không phải là tra cứu, vì tra cứu chỉ là một phần nhỏ trong Dịch vụ tham khảo). Đây là một công việc quan trọng nhất trong dịch vụ thông tin phối hợp giữa kỹnăng kỹ thuật của người cán bộ tham khảo chuyên nghiệp với công nghệ mới của thư viện ngày nay. Dịch vụ tham khảo cần phải được tổ chức tốt để trở thành nơi sử dụng công nghệ chuyển câu hỏi thành câu trả lời. Đây là sự thay đổi quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với ngành TTTV ởnước ta, vì không những là chúng ta chỉ thay đổi một phương thức phục vụ để hội nhập mà là thay đổi cả một quan điểm về công tác TTTV. Điều này có tác động lớn đến vấn đề đào tạo. 4. Vấn đề đào tạo chuẩn hóa Cũng như cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hay những cuộc cách mạng mang tính toàn cầu khác, cuộc cách mạng thông tin đã làm thay đổi bộ mặt xã hội – một "xã hội thông tin" ra đời mà tác động sâu rộng nhất chính là việc đổi mới giáo dục, trong đó vai trò thư viện là vô cùng quan trọng. Do đó để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục cũng như đối phó với tác động phát triển nhanh chóng của CNTT, trong thập niên cuối của thế kỷ XX, hệ thống thư viện đại học trên thế giới đã nhanh chóng phát triển và đồng nhất. Bước vào thiên niên kỉ mới, tiến trình đổi mới giáo dục sẽ triệt để hơn khi quan niệm giáo dục đào tạo được biết là sẽ chú trọng đến việc đào tạo mọi người hình thành tri thức đời thường chứ không phải chỉ một nhóm người có trí thức uyên bác. Việc học dần dần sẽ định hình: học từ xa, tự học, học liên tục, và học suốt đời. Trong đó thư viện chính là môi trường cung cấp dữ liệu, thông tin, công nghệ và tích cực hơn thư viện nói chung và thư viện đại học nói riêng sẽ đóng vai trò không nhỏ trong tiến trình biến thông tin, dữ liệu thành tri thức cho mọi người. Hay nói cách khác, thư viện sẽ và phải đóng vai trò rất tích cực trong vấn đề đổi mới giáo dục. Do đó vấn đề đào tạo ngành TTTV để cung ứng đội ngũ quản lý thông tin hiện nay và quản lý tri thức sau này là hết sức quan trọng. Xét về góc độ đổi mới giáo dục thì vấn đề đào tạo ngành TTTV chịu tác động bởi hai áp lực: 1. Bản thân sự đổi mới giáo dục đào tạo; 2. Thư viện phải là trung tâm chuyển giao tri thức bằng CNTT để từng bước đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Đây là xu hướng chung trên phạm vi toàn cầu. Trong xã hội thông tin, bất kỳ một quốc gia nào cũng chịu tác động bởi xu hướng đó. Ngành TTTV Việt Nam cũng phải có những chuyển biến tích cực theo hướng chuẩn hóa, hội nhập để đi đến hoàn toàn liên thông; nhằm biến thư viện từ kho chứa sách thành trung tâm hình thành tri thức và học tập để hỗ trợ tích cực cho việc giáo dục đào tạo theo xu hướng mới.
- Ảnh hưởng của phương pháp giáo dục "lấy thầy làm trung tâm", ở nước tavai trò thư viện trở nên mờ nhạt trong nhiều thập niên qua, đồng thời xã hội cũng xem thường ngành thư viện và không quan tâm đến vấn đề đào tạo ngành TTTV. Mọi việc thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây, vai trò thư viện dần dần được khẳng định. Sự cần thiết phát triển thư viện đại học nói riêng và ngành TTTV Việt Nam nói chung, cùng với tác động của CNTT vào công việc phát triển đó đã đặt ra cho xã hội một yêu cầu bức thiết: cần phải nhanh chóng hiện đại hóa thư viện và phát triển ngành TTTV nước ta nhằm bắt kịp nhịp phát triển chung trong khu vực và trên thế giới. Việc đào tạo cần phải được đổi mới triệt để theo hướng chuẩn hóa – hội nhập với việc chú trọng ứng dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ nghiệp vụ cao để có thể tổ chức và quản lý những tòa nhà thư viện, biến chúng thành những trung tâm hình thành tri thức và học tập. Để thực hiện được điều này, chương trình và phương pháp đào tạo phải hướng đến mục tiêu: – đào tạo con người không những chỉ đáp ứng nhu cầu; – mà quan trọng hơn là làm thay đổi nhu cầu của học viên (đồng nghĩa với việc thay đổi nhu cầu của xã hội) – đội ngũ sẽ đổi mới ngành TTTV nước nhà trong tương lai. Kết luận Chúng ta phải quán triệt quan điểm biện chứng chuẩn hóa để hội nhập, hội nhập để phát triển và muốn phát triển thì phải hội nhập, muốn hội nhập thì phải chuẩn hóa. Để quán triệt điều này đòi hỏi người cán bộ thư viện phải hình thành tư duy công nghệ mới về ngành nghề của mình. Trong thời đại công nghệ này nay, tư duy công nghệ mới đã và đang trở thành quán tính cho sinh hoạt xã hội bình thường của tất cả mọi người. Một điều đáng tiếc là chúng ta chưa đưa vào giảng dạy ngành TTTV về tư duy công nghệ mới, khiến cho sinh viên TTTV am hiểu về tư duy công nghệ mới đời thường, nhưng công nghệ mới đối với ngành học của mình thì lại hạn chế. Đổi mới một cách triệt để việc giảng dạy và đào tạo ngành TTTV là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc CHUẨN HÓA – HỘI NHẬP – PHÁT TRIỂN ngành TTTV nước ta. Tham khảo 1. NGUYỄN MINH HIỆP. – Cơ sở khoa học thông tin và thư viện. – TP. Hồ Chí Minh: Giáo dục, 2008. 2. XCVORTXOV, V.V. – Thư viện học đại cương: Phần 1: Những cơ sở lý thuyết của thư viện học / Nguyễn Thị Thư dịch. – Hà Nội: Khoa học xã hội, 2004.