Truyền thuyết Bà Rịa và địa danh Bà Rịa

pdf 13 trang phuongnguyen 4230
Bạn đang xem tài liệu "Truyền thuyết Bà Rịa và địa danh Bà Rịa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftruyen_thuyet_ba_ria_va_dia_danh_ba_ria.pdf

Nội dung text: Truyền thuyết Bà Rịa và địa danh Bà Rịa

  1. Truyền thuyết Bà Rịa và địa danh Bà Rịa “Bà Rịa ở địa đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ phía Bắc có câu ngạn rằng, “cơm Nai Rịa – cá Rí Rang” ấy là lấy xứ Đồng Nai mà Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ vậy”. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đã chép như vậy. Gần đây, tin tức về những hoạt động thiết thực kỷ niệm 300 năm Đồng Nai – Biên Hòa, 300 năm Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh khiến các độc giả Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thảo luận thật sôi nổi một vấn đề: lịch sử hình thành vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu và nguồn gốc địa danh Bà Rịa. Sau cuộc tranh luận hết sức sôi động suốt một ngày ròng tại cuộc Hội thảo khoa học ngày 25-9-1998 do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức về Nhân vật chí tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi lại được tham dự cuộc hội thảo rất thú vị về ngôi mộ bà Nguyễn Thị Rịa do huyện ủy Long Đất tổ chức ngày 7-10-1998 tại xã Tam An, truyền rằng đó là nơi bà có công khai hoang, lập làng và bà mất ở đấy. Và quả là ít có một nhân vật lại có trong nhiềutruyền thuyết như Bà Rịa. 1. Truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Rịa: Cuộc Hội thảo ngày 7-10-1998 tại Tam An do Huyện ủy Long Đất chủ trì, bàn về ngôi mộ và việc trùng tu ngôi mộ Bà Rịa. Đây là ý nguyện của các bậc lão làng đã đề xuất với các cấp lãnh đạo nhiều năm nay mà chưa có điều kiện giải quyết. Một trong những trở ngại lớn là là có khá nhiều truyền thuyết về Bà Rịa, về ngôi mộ Bà Rịa, các truyền thuyết có nhiều chỗ khác nhau, có chỗ như thực như ảo, kể cả sự hiện hữu của ngôi mộ Bà Rịa cũng như có, như không
  2. Cuộc Hội thảo lần này, Huyện ủy Long Đất đã mời các vị bô lão trong làng, các ban ngành trong huyện, trong tỉnh và một số nhà nghiên cứu. Hơn mười vị bô lão đã về dự, các cụ đều sinh ra ở các làng Phước Hưng, Tam Phước, Hắt Lăng, An Ngãi, Long Điền , trung tâm của huyện lỵ Phước An xưa, một trong những bến đậu đầu tiên của cộng đồng người Việt vào khai phá và lập nghiệp ở xứ Đồng Nai. Nhiều tuổi nhất là các cụ Võ Văn Phát (86 tuổi ở làng Phước Hưng, Tam An), cụ Trương Vạn (86 tuổi ở làng Hắt Lăng, Tam An), ít tuổi hơn cả là cụ Huỳnh Văn Bộ, 66 tuổi, ở làng Hắt Lăng, nay thuộc xã Tam An. Dù đã cao niên, các cụ còn khoẻ, minh mẫn, say sưa với những truyền thuyết mà các bậc tiền nhân truyền lại. Các cụ đều thừa nhận rằng, so với truyền thuyết về Bà Rịa thì các cụ chỉ là hậu sinh, nghe lại; về ngôi mộ Bà Rịa, các cụ cũng không ai chứng kiến thực hư, chỉ nghe vậy, biết vậy. Truyền thuyết về Bà Rịa được trình bày khá kỹ trong phát biểu của cụ Huỳnh Văn Bộ, 66 tuổi, ở làng Hắt Lăng (Tam An). Chuyện này cụ chép lại ngày 6 tháng ba âm lịch năm Giáp Tý (1984) từ bản chép tay của cụ Tư Phò, người cùng làng, nay đã mất. Chúng tôi lược ghi lại đây, theo bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ: “Vì là thứ dân nên sử sách không ghi chép, hoặc đã quá lâu nên lạc mất cũng nên. “Trong dân gian, ít ai hiểu biết đời tư của Bà “Văn kiện để lại, thời vua Minh Mạng, năm thứ 12, là Bà Rịa quê ở Phú Yên, gia đình nghèo, theo cha mẹ vào Nam năm 15 tuổi, đời chúa Nguyễn Phúc Tần, Bà về lập thân tại Long Lập (xã Long Phước ngày nay) và chết ở làng Phước Liễu (nay thuộc xã Tam An), nơi bà có công sáng lập. “Bà sống trọn đời độc thân, không chồng không con, bà thọ 94 tuổi, nhắm khoảng năm 1759, thời vua Lê Hiếu Tông, niên hiệu Cảnh Hưng và chúa Nguyễn Phúc Khoát, nghĩa là bà về Nam khoảng năm 1680, chết 1759. “Bởi không biết rõ họ nên người đời tục gọi là Bà Rịa. Hiện ngôi mộ Bà còn lại ở Tam Phước, cách 100m cạnh hương lộ Long Điền – Long Mỹ. “Vì là thứ dân, bà chết trong thầm lặng, ngôi mộ bà không ai để ý. Năm 1936, tên tuổi bà mới có cơ được nhắc nhở,ngôi mộ bà mới được trùng tu sửa chữa. Nguyên do có cuộc tranh chấp đấu giá công điền tỉnh Bà Rịa, xét sổ bộ xã Tam Phước, quận Long Điền là (ruộng công) nhiều hơn hết, thuộc phần di sản của tiền nhân là Bà Rịa khi xưa để lại mới cho phép nông dân trong quận được đấu giá 2/3 công điền xã Tam Phước. “Quận trưởng Long Điền là Nguyễn Ngọc Tương đích thân xuống tại Tam Phước tìm mộ Bà Rịa cho sửa sang, lệnh cho Tam Phước trích sổ tiền công nho của xã dành đặc biệt cho việc cúng kiếng, thờ phượng gọi là nhớ ơn.
  3. “Năm 1945 (ngôi mộ) lại hoang phế, thành một khối đá đen sì, loang lổ nằm lẻ loi trên một khoảng đất hoang phế lạnh. “Năm 1972, sửa lại lần thứ hai, khởi sự đưa thờ bà trong đình thần Phước An (xã Tam Phước), chờ ngày đất nước hòa bình sẽ lập đền thờ bà. Về công đức của bà, bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ chép lại: “Ban đầu (bà) khai phá Mô Xoài, Đông Bắc dinh Phủ 5km, tức là phần ruộng Đồng Xoài thuộc Long Điền, Long Kiên, kế đến Mỹ Khê, gần 10.000 thước về phía Đông, nằm sát Kho Vua, Bưng Bạc. “Khi ấy Mỹ Khê đồng lầy, lau sậy mù mịt, đầy ma thiêng chướng khí, tiền nhân chưa xây dựng làng mạc mà chỉ khai phá gần 300 mẫu ruộng vườn. Đó là Đợt I (khai phá) mà Bà Rịa là trẻ nhất trong đoàn, dự một phần đắc lực ở Mỹ Khê. “Do địa thế bất lợi, bệnh tật chết chóc hàng loạt ở Mỹ Khê, tiền nhân bỏ Mỹ Khê lui về Long Điền, Long Lập, Gò Dầu (An Nhất) Phước Thiện (An Ngãi), thì Bà Rịa theo cha mẹ về Long Lập sinh sống. “Đợt (khai phá thứ) II (1698-1700), Bà Rịa một lần nữa xung phong hướng dẫn đoàn người khai phá tiếp phần đất trống Mỹ Khê trên 300 mẫu ruộng, chạy dài về Đông Nam hơn 10.000 thước, phỏng độ hai đợt gần 1.500 mẫu ruộng vườn. Bà có công khai khẩn, tự lực tự cường, tăng phần lương thực nuôi quân, công cao đức dày, trọn đời hi sinh cho đất nước, chẳng màng danh lợi . “Vua Minh Mạng ngưỡng mộ tài đức của bà, cho bà giữ nguyên họ vua, ghi thêm hai chữ sương phụ Nguyễn Thị Rịa. Cũng năm 1831, nhà vua đem tên bà vào lịch sử, đặt tên đầu tỉnh (tỉnh Bà Rịa) là cốt yếu đề cao một phụ nữ thuộc hàng ngũ dân dã Về sự thờ cúng bà, bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ chép: “Việc làm của vua Minh Mạng trong chế độ phong kiến thật là một vấn đề bình dân. Năm 1972, nhân có phong trào phục hưng xứ sở, (xem lại việc thờ cúng, thấy) Long hải thờ Nguyễnh Huỳnh Đức, Phước Tỉnh thờ Võ Tánh, Tam Phước thờ Châu Văn Tiếp và Nguyễn Hữu Dực, người địa phương mới nhớ ơn bà, góp của góp công trùng tu ngôi mộ (và khởi sự đưa thờ bà trong đình thần Phước An (xã Tam Phước) 2. Truyền thuyết Bà Rịa, đôi điều đáng bàn: Truyền thuyết về Bà Rịa đã có nhiều sách chép, có nhiều chỗ khác nhau. Trong một số cuốn sách đã xuất bản có nói về nguồn gốc địa danh Bà Rịa đặt ra là để tưởng nhớ công đức bà Nguyễn Thị Rịa. Cuốn Châu Thành đấu tranh và xây dựn (1945-1985) viết: ” “Địa danh Bà Rịa có từ lúc nào ? Theo thư tịch cổ, Bà Rịa người gốc Phú Yên theo gia đình vào Nam tìm đất sống từ năm 1680. Gia đình bà vào tại làng Mỹ Khê (Tam Phước, Long Đất). Bà Rịa cùng với nhân dân đã khai phá rừng rậm lập ruộng
  4. vườn, xây dựng làng xóm. Năm 1698, Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) được chúa Nguyễn Phúc Chu cử kinh lý đất phía Nam khi quân đổ bộ lên Phước Lễ, lúc đó vừa bị một trận lụt lớn các cầu đều bị trôi, đường đi lại bị hư hỏng. Bà Rịa đã huy động nhân dân trong vùng tu sửa đường sá, bắc lại các cây cầu để quân chúa Nguyễn qua sông; cảm kích công trạng này chúa Nguyễn đã ra sắc phong cho Bà Rịa “Hàm Nghè” danh dự và cho bà được mang họ Chúa (!) (tức họ Nguyễn). Từ đó bà được nhân dân quý trọng, tiếng vang khắp vùng. Năm 1759 Bà Rịa qua đời, bà không có con cái, 300 mẫu ruộng của bà được sung vào công điền và chia cho người nghèo. Dân làng nhớ ơn góp sức lập miếu thờ bà bên đường, nay thuộc địa phận xã Tam Phước, huyện Long Đất “ Chúng tôi đã gặp gỡ các tác giả tham gia biên soạn cuốn sách này (Lê Phải, Trần Toản) thì được biết, “theo thư tịch cổ”là các bạn đã dẫn theo một số cuốn sách viết trước đó, nhưng cũng không biết chắc là cuốn sách nào. Về cơ bản, năm sinh, năm mất và công đức của bà được trình bày trong cuốn Châu Thành đấu tranh và xây dựng giống như bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ. Nhưng về xuất xứ, bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ chép là “theo văn kiện, năm Minh Mệnh thứ 12” thì không có cơ sở. Sử sách triều Nguyễn không có chỗ nào ghi như vậy. Việc vua Minh Mạng “ năm 1831, nhà vua đem tên bà vào lịch sử, đặt tên đầu tỉnh (tỉnh Bà Rịa) như bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ cũng là phi lịch sử. Thời Minh Mạng, Bà Rịa chưa có tên trên bản đồ. Từ năm 1698, vùng đất Bà Rịa ngày nay bao gồm cả Vũng Tàu còn là tổng Phước An thuộc dinh Trấn Biên. Năm 1806 dinh Trấn Biên đổi làm trấn Biên Hoà, tổng Phước An thăng làm huyện. Thời Minh Mạng, năm 1832, nhà Nguyễn thành lập đơn vị hành chính mới, Trấn Biên Hoà đổi thành tỉnh Biên Hòa, là một trong sáu tỉnh của xứ Nam Kỳ. Năm 1837, nhà Nguyễn đặt phủ Phước Tuy coi hai huyện Long Thành và Phước An. Huyện lỵ Phước An đặt ở An Điền (Long Điền), coi 4 tổng: An Phú Thượng (12 làng), An Phú Hạ (8 làng), Phước Hưng Thượng (8 làng), Phước Hưng Hạ (8 làng). Địa bàn huyện Phước An gần giống như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Sở lỵ Phước Tuy đặt tại Phước Lễ (tức thị xã Bà Rịa bây giờ). Năm 1865, thực dân Pháp chia toàn cõi Nam Kỳ thành 13 sở tham biện. Phủ Phước Tuy của nhà Nguyễn bấy giờ được mang tên là sở tham biện Bà Rịa. Ngày 5-1-1876, thực dân Pháp chia ba tỉnh Biên Hoà. Phủ Phước Tuy chính thức mang tên là tỉnh Bà Rịa. 3. Địa danh Bà Rịa: sự nhầm lẫn giữa tên đất & tên người, giữa truyền thuyết và thư tịch: Về vấn đề này, các tác giả cuốn Châu Thành đấu tranh và xây dựng (1945-1985) đã có sự nhầm lẫn giữatruyền thuyết và thư tịch cổ. Nhiều người sau đó cũng dẫn theo các tác giả Địa chí Bà Rịa 1902 và nhiều cuốn địa chí sau đó mà nói rằng theo thư tịch cổ.
  5. Trước khi người Pháp lấy tên Bà Rịa đặt cho vùng đất này thì chưa có một thư tịch nào, một học giả nào, một công trình nghiên cứu nào của người Việt Nam, của lịch sử Việt Nam,văn hóa Việt Nam nói về truyền thuyết Bà Rịa, nói về Bà Rịa như một nhân danh. Ai là người đầu tiên chép lại truyền thuyết về Bà Rịa? Các tài liệu có niên đại sớm hơn cả hiện còn lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cho biết: đó là các học giả người Pháp. Tạm coi cuốn sách xuất bản sớm nhất viết về nhân vật bà Rịa là cuốn Địa chí tỉnh Bà Rịa và Thành phố Cap Saint-Jacques, in năm 190 thì cũng chưa thể nói về truyền thuyết Bà Rịa là “theo thư tịch cổ” được. Các tác giả Địa chí Bà Rịa 1902 viết về cơ bản không khác gì một truyền thuyết dân gian trong vùng, tuy có đôi chỗ khác biệt về niên đại. Ai đã xây ngôi mộ Bà Rịa? Theo tài liệu đã dẫn trên thì bà Rịa vào khẩn hoang lập làng Phước Liễu năm 1789, và mất năm Gia Long thứ 2 (1803). Mộ Bà Rịa do Trường Viễn Đông bác cổ học viện (E.F.E.O) xây, hiện còn ở cạnh hương lộ từ An Ngãi đi Phước Hải Vậy thì có phải người Pháp hiểu lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam hơn người Việt Nam không? Chắc là không phải như vậy. Họ có thể có kiến thức giỏi về nhiều ngành khoa học, nhưng về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam và đặc biệt là truyền thuyết địa phương thì không thể nói như vậy được. Một khả năng khác đặt ra là có phải người Pháp quan tâm đến lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và truyền thuyết của người Việt Nam hơn người Việt Nam không? Họ có quan tâm, vì mục đích cai trị, nhưng không thể hiểu hơn, vì điều đó là máu thịt, là bản thân cuộc sống của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà tất cả những tên đế quốc của các thời đại trước đây đã thất bại trên đất nước này. Người ta cũng có thể đặt ra một khả năng khác là không phải nhân dân quên, truyền thuyết quên, lịch sử lãng quên mà chính là các nhà viết sách quên, hoặc giả vì những quan điểm hạn chế đương thời. Khả năng này không thể loại trừ. Bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ đã từng ngờ vực điều này: “Vì là thứ dân nên sử sách không ghi chép, hoặc đã quá lâu nên lạc mất cũng nên”, nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Sử sách đương thời, và cả những công trình đã dẫn trong chuyên khảo này đều đề cập đến những nhân vật rất bình thường như một Ông Từ đánh cọp; về những phụ nữ tiết phụ khả phong như Hồ Thị Phân, viết về người khai hoang lập ấp mà chưa thành như Bà Trao, viết về những nhân vật pha trộn giữa truyền thuyết và hiện thực như Lê Nicô (Thị Vãi), về những con người truyền thuyết như Lê Thị Hồng Thủy (Dinh Cô) Những nhân vật ấy về công đức chưa thể sánh với Bà Rịa (như truyền thuyết) được. Điều đó có nghĩa là: truyền thuyết Bà Rịa chưa từng có, chưa từng được ghi trong sử
  6. sách nước nhà, ít nhất là cho đến thời điểm ấy. Điều này có lẽ phù hợp với nhận xét được ghi trong bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ đã dẫn trên: “Trong dân gian, ít ai hiểu biết đời tư của Bà ” Tuy nhiên, nói vậy thật không thỏa đáng về công đức của Bà được ghi trong truyền thuyết, thật không phải với các bậc tiền nhân cùng thời với Bà, thật không phải với các thế hệ con cháu được hưởng lộc của Bà, từ 300 mẫu ruộng vườn ở Mỹ Khê đến 300 mẫu ruộng công của làng Phước Liễu Vậy mà ít ai biết, ít ai nhớ, không ai thờ và không ai xây ngôi mộ Bà Ai là người đầu tiên chủ trương thờ cúng Bà Rịa? Theo bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ thì đó là khi mà chính các quan Pháp tổ chức việc xây mộ Bà (1936), để rồi một ông quan dưới quyền các quan Pháp, “Quận trưởng Long Điền là Nguyễn Ngọc Tương đích thân xuống tại Tam Phước tìm mộ Bà Rịa cho sửa sang, lệnh cho Tam Phước trích sổ tiền công nho của xã dành đặc biệt cho việc cúng kiếng, thờ phượng gọi là nhớ ơn” (?). Người chép truyền thuyết đầu tiên về Bà là các học giả Pháp. Trước khi đó thì các quan Pháp đã lần đầu tiên lấy tên Bà Rịa đặt cho cả một tỉnh (1876); Theo dòng lịch sử được phản ánh qua truyền thuyết mà bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ đã chép lại, một lần nữa, truyền thuyết về Bà và ngôi mộ Bà lại rơi vào quên lãng: “Năm 1945 (ngôi mộ) lại hoang phế, thành một khối đá đen sì, loang lổ nằm lẻ loi trên một khoảng đất hoang phế lạnh .” Cứ như những tài liệu và sự kiện đã dẫn thì truyền thuyết và ngôi mộ Bà sống trong chữ nghĩa và tâm tưởng của người Pháp hơn là với dân làng. Vậy thì vì sao mà người Pháp có được truyền thuyết ấy, vì sao họ lấy tên Bà Rịa đặt cho vùng đất này? Đương nhiên là họ cũng nghe lại, chép lại, nhưng trong bối cảnh mà ngay cả những quan chức thực dân đương thời cũng phải thừa nhận là từ quan lại, trí thức, đến những người dân bình thường có tâm huyết với dân tộc đều không hợp tác với thực dân Pháp. Qua bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ, chúng ta cũng được biết rằng, sau khi kết thúc hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, không chỉ ngôi mộ hoang phế mà ngay cả việc thờ phượng cũng rơi vào quên lãng. Mãi cho đến năm 1972, nhân có phong trào phục hưng xứ sở, xem lại việc thờ cúng mới thấy xứ mình thờ những người ở đâu đâu (Châu Văn Tiếp, Nguyễn Hữu Dực ) bèn góp công góp của trùng tu mộ, và “khởi sự đưa thờ bà trong đình thần Phước An”. Trong lời phát biểu, cụ còn cho biết, những năm gần đây, tục cúng Bà vẫn còn. Vì không ai biết ngày mất của Bà nên cúng vào tiết Thanh Minh. Ai có lòng thì góp tiền vào cúng. Năm rồi được 15 người, mỗi người góp 50.000đ, mua xôi thịt về cúng
  7. 4. Có một truyền thuyết khác về Bà Rịa: Rốt cuộc, có thể có một người phụ nữ tên là Rịa, nhưng không phải là người như trong truyền thuyết mà người Pháp đã ghi. Có một truyền thuyết về bà Rịa, nhưng truyền thuyết không phải như vậy. Có thể có một ngôi mộ bà Rịa, nhưng không hẳn là ngôi mộ ấy. Có một truyền thuyết khác, của các bô lão trong làng, được lưu truyền qua nhiều thời chống Pháp, chống Mỹ đến thế hệ này. Nhiều người biết truyền thuyết này, họ từng làm Bí thư, chủ tịch, Trưởng công an xã và giữ những cương vị chủ chốt ở nhiều huyện, thị xã, thành phố hiện nay. “Truyền thuyết truyền rằng, người Pháp xây một ngôi mộ, gọi là mộ Bà Rịa, nhưng thực ra là mộ một người hành khất, không rõ đàn ông hay đàn bà, không biết người già hay người trẻ. Đó là một nấm mộ không tên, không người thừa nhận. “Truyền thuyết truyền rằng, chuyện về bà Rịa, chẳng ai biết thực hư ra sao, chỉ nghe nói thế, nghe nói có liên quan đến việc tranh chấp đất công của làng với người Pháp, rồi quan Pháp về, quan Pháp khảo, khảo về bà Rịa, khảo gốc tích, gia phả, gia tộc, phần mộ, tôn miếu không ai biết gì cả. Quan khảo riết, rồi mỗi người một phách, người nói gốc Bình Định, người nói gốc Phú Yên, rồi chuyện không chồng, không con, không đền, không miếu Nhưng đến chuyện phần mộ mà cũng không nữa thì thật phiền toái, đành phải chỉ một ngôi mộ như thế; thế rồi quan Pháp xây; cũng chẳng sao, chúng nó ngu thì ông Hồ Đắc Thăng chửi. Làng chỉ cần giữ được đất công, dân cần có ruộng cày ruộng cấy
  8. Truyền thuyết này là có thật, nó vẫn lưu truyền cho đến tận bây giờ, trong những con người sinh ra ở chính nơi ấy, công tác ở tại nơi ấy. Về mặt truyền thuyết, nó chả thua kém gì truyền thuyết mà các quan Tây đã chép. Chỉ có một điều, đó là truyền thuyết của làng, để truyền cho con cháu làng biết, chứ không kể cho quan Tây ghi. Các quan Tây, làng đã kể cho nghe truyền thuyết kia rồi ” Điều đó cũng góp phần lý giải về nhận xét của nhiều người khi nói về sự hớp tớp, thiếu chín chắn của người Pháp khi lấy tên Bà Rịa đặt cho vùng đất này gắn với truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Rịa và xây mộ Bà Rịa vào những năm 1930 của thế kỷ này. Trong cuộc hội thảo (ngày 7-10-1998 tại Tam An), cụ Phạm Văn Của, 75 tuổi, người làng Tam Phước (Tam An) cho biết, khi cụ 15 tuổi (1938), đã thấy ngôi mộ ở đấy rồi. Cụ Võ Hiền Thọ, 79 tuổi, người làng Long Điền thì cho biết, cụ biết đến ngôi mộ vào năm 1947, khi ấy ông chủ tịch quận Long Điền là Hai Đạt cho nhập ba xã Phước Trinh, Phước An (Phước Liễu và An Thới) lại, khi ấy, khu ấy không có nhà cửa gì, chỉ có một ngôi mộ trên một khoảnh đất hoang rộng chừng một mẫu, gần một cây cầu Cụ Phạm Văn Kẹp, 80 tuổi, ấp 2 xã Tam An cũng cho biết, chuyện cụ nghe lại, cũng có hai tuyến dư luận về truyền thuyết, về ngôi mộ, ấy là do hai làng tranh chấp với nhau, có cụ làng này, làng kia chỉ lộn ngôi mộ. Theo như lời cụ Phạm Văn Kẹp thì cho đến khi mà người Pháp xây ngôi mộ này (1936), các cụ già làng cũng không ai biết rõ thực hư về ngôi mộ và truyền thuyết về bà Rịa. 5. Bà Rịa có thể không phải là tên người mà là một tộc danh: Một trong những hướng nghiên cứu đáng chú ý xưa nay là địa danh Bà Rịa, có nguồn gốc từ một bộ tộc. Điều này sau được cụ Vương Hồng Sển trình bày khá rõ trong cuốn Tự vị tiếng Việt miền Nam (xuất bản năm 1993) “ không rõ bà gốc Chàm, thổ dân sơn cước hay Cơ Me. Duy biết chắc Thổ gọi Iéay Ria (đọc là “Vây Ria”), vây là mụ, là bà lão, Ria là tên tộc. Tương truyền bà là tiền hiền có công khai thác” (sđd, tr. 738,). Trong truyền thuyết, thường là có một phần sự thật nào đó và được thăng hoa, cải biên trong quá trình truyền miệng của nhân dân. Truyền thuyết sẽ đọng lại trong một chừng mực hợp lý, tương đối phù hợp với những kiến giải đương thời. Nếu lấy mốc cuốn sách xuất bản sớm nhất có viết về nhân vật bà Rịa là cuốn Địa chí tỉnh Bà Rịa và Thành phố Cap Saint-Jacques, in năm 1902 thì có thể tạm coi là truyền thuyết về Bà Rịa xuất hiện trước đó, hoặc cùng thời với bối cảnh thực dân Pháp xâm lược và đặt chế độ cai trị vùng đất này. Song, theo như truyền thuyết được chép lại thì Bà Rịa cũng chưa thuộc lớp người đầu tiên tới khai phá vùng đất Mô Xoài. Bà Rịa xưa vốn là vùng đất của người bản địa Châuro, Châumạ, Xtiêng sinh sống. Tài liệu của các giáo sỹ người Pháp cho biết, người Việt đã vào đây lập nghiệp từ thế kỷ
  9. XV-XVI, cho đến khi Chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (dinh Trấn Biên) lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (dinh Phiên Trấn), vùng Sài Gòn, Đồng Nai đã có 40 ngàn hộ, ước tính 200 ngàn dân. Khi ấy, theo truyền thuyết, một người có tên là Rịa mới vào khai khẩn ở làng Phước Liễu (thuộc phủ Phước An, sau đổi thành huyện Phước An). Nếu có một Bà Rịa như truyền thuyết người Pháp đã ghi lại thì công đức của bà chưa sánh bằng một Bà Trao khai phá không thành một ấp ở Long Sơn; chưa truyền thuyết bằng một bà vãi họ Lê ở núi Thị Vãi, chưa tín ngưỡng bằng một cô gái truyền thuyết được lập miếu thờ ở Dinh Cô, để các nhà làm sách, chép sử ghi lại. Nhiều lắm, bà chỉ là một trong những người có công khai phá làng Phước Liễu. Bà Rịa, với tư cách là một địa danh chỉ là một trong sáu xứ của làng Phước Liễu, mà cả làng có 06 xứ, 24 sở chủ với tổng số 117 mẫu, 7 sào, 6 thước, 1 tấc Điền tô điền như địa bạ triều Nguyễn đã ghi. Địa bạ lập ra sau khi Bà Rịa qua đời hơn 70 năm (theo truyền thuyết), nhưng phản ánh đúng thực trạng khai phá, quản lý và sử dụng đất đai thời ấy. Ít ra, cũng không giống như truyền thuyết mà nhiều sách đã chép rằng: sau khi bà qua đời, vì không có con, bà đã sung toàn bộ (hơn 300 mẫu đất) vào công điền. Các vị cao tuổi trong vùng vẫn thường nói rằng theo người xưa kể lại, không đâu có nhiều đất công Long Điền hơn 300 mẫu đất công trong vùng có được là nhờ công lao của Bà Rịa. Điều này không có cơ sở. Quốc sử quán của triều Nguyễn đã chép về 300 mẫu đất công của Long Điền. Đây là sự kiện lịch sử có thật, nhưng vào thời mà Bà Rịa (theo truyền thuyết) đã qua đời được ngót 80 năm, theo như bút tích của cụ Huỳnh Văn Bộ hoặc ít nhất cũng hơn 30 năm theo sách Địa chí tỉnh Bà Rịa 1902 của các học giả Pháp. 300 mẫu đất công đó có tên tuổi, của người khai sáng rõ ràng. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển XXVII, Tỉnh Biên Hòa, mục Núi Sông chép rằng: “Sông Xích Lam: ở cách huyện Phước An 31 dặm về phía đông, đoạn giữa qua sông có cầu dài 70 trượng 5 thước là chỗ đường bộ đi qua: ở hạ lưu cầu, sông chảy ngoặt sang phía nam 3 dặm làm hải cảng Xích Lam Ở bờ phía Đông trước kia bị úng hủy, không tiện cho việc nông, năm Minh Mệnh thứ 19 mới khơi cho nước úng theo sông mà tiêu, khẩn được hơn 300 mẫu ruộng hoang làm rộng công cho các xã thôn phụ cận.” Theo mô tả của Đại Nam Nhất Thống Chí thì sông Xích Lam là Sông Ray mà hạ lưu phía đông của nó bao gồm các xã vùng Long Điền, Đất Đỏ. Khu vực này xưa nhiều bàu trũng với câu ca trao duyên “Bao giờ Bưng Bạc hết sình, Bàu Thành hết nước chúng mình hết thương”. Khu vực này đã được cải tạo thành cánh đồng lúa và tập trung 300 mẫu đất công ở đây.
  10. Trong mục Từ Miếu (đền miếu), Đại Nam Nhất Thống Chí còn cho biết rõ ông Hộ phủ Phạm Duy Hinh là người đào sông Xính Lam (khơi úng hủy). Ở đấy, còn dấu tích là ngôi đền Hiên Ngọc hầu thuộc địa phận thôn Phước Bảo Tây, huyện Phước An, thờ Tổng binh Hồ Văn Hiên, thời đầu Trung hưng, theo cha là tổng binh Hồ Văn Qúy tập chức đồn binh ở đạo Nục Giang, sau mất ở đấy, được hiển linh, thôn dân cầu khẩn việc gì đều linh ứng. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), Hộ phủ Phạm Duy Trinh khơi úng sông Xích Lam, đêm nằm mơ thấy, nên lập đền thờ ở đấy. Việc ấy, vùng ấy, còn dấu tích một làng mang tên Bờ Đập, còn dấu tích một con đập được tu bổ và củng cố thường kỳ trong nhiều thập kỷ sau. Chứng tích ấy còn xác đáng hơn nhiều so với ngôi mộ bà Rịa ở làng Tam An do người Pháp xây vào thập niên 30. Biển Bà Rịa 6. Bà Rịa – trước hết là tên một vùng đất: Vấn đề này đã được nhiều sách báo, nhiều công trình nghiên cứu đề cập tới, chúng tôi xin đề cập vắn tắt lịch sử nghiên cứu vấn đề: Bà Rịa, xưa là nước Bà Lợi, Bà Lỵ, Bà Lịa. Đó là cách giải thích của Trịnh Hoài Đức, một học giả hàng đầu nghiên cứu về Lục tỉnh Nam Kỳ. Ông viết: ”Bà Rịa là ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng( ) Tân Đường thư nói: Bà Lỵ ở ngay phía Đông Nam Chiêm Thành, từ Giao Châu đi ghe theo biển, trải qua các nước Xích Thố, Đan Đan rồi đến Đại địa châu Đà Mã (cũng gọi là Mã Lễ, quốc tục xỏ tai, đeo hoa, lấy một bức vải quấn ngang lưng) ( ) Chữ Lợi âm là lục địa thiết âm là “lịa” vậy nghi chữ Bà Rịa tức nước Bà Lợi thuở xưa ”.
  11. Trịnh Hoài Đức sinh trưởng tại Trấn Biên, học rộng tài cao, am hiểu sâu sắc về vùng đất Nam Bộ nên các nhà nghiên cứu sau này đều trân trọng. Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, được biên soạn trong 17 năm, (từ 1865 đến 1882), các tác giả có quan điểm gần với Trịnh Hoài Đức: Bà Rịa là tên núi, còn gọi là núi Bà Địa: “Núi Bà Địa ở Đông Nam huyện Phước An 8 dặm, núi đá lởm chởm ngó xuống chợ Long Thạnh, có đường lớn ngang qua ” Trong mục Thị Điếm (chợ quán), Đại Nam Nhất Thống Chí nói rõ hơn: “Chợ Hắc Lăng: ở thôn Hắc Lăng, huyện Phước An, gần đó có núi Bà Rịa, có tên là chợ Bà Rịa”.[11] Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (Imprimerie Rey, Couriol, Sài Gòn 1895): cũng giải thích tương tự:“Bà Rịa: tên xứ ở tại Hắc Lăng, bây giờ là tiếng kêu chung của cả hạt Phước Tuy” (SĐD, Tome 2, tr 256). Các tác giả bộ “Địa chí văn hoá thành phốỵ Hồ Chí Minh” [12] khi viết về vùng đất này đã rất trân trọng và đồng kiến giải với Trịnh Hoài Đức trong sách Gia Định Thành thông chí: Bà Rịa = tên một vùng đất, một vương quốc, một bộ tộc; Bà Rịa = Bà Lỵ = Bà Lịa = Bà Địa. Các tác giả tập sách Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển (Nhà xuất bản Đồng Nai 1998) vừa ra mắt bạn đọc khi đề cập đến địa danh Bà Rịa cũng nghiêng về kiến giải của Trịnh Hoài Đức: Bà Rịa = Bà Lịa = tên một vương quốc; Bà Rịa = tên chợ (SĐD, tr 10; 12). Ở một đoạn khác, đề cập đến địa danh Bà Rịa, lần đầu tiên trở thành tên một Sở tham biện (1865 Soái phủ Nam Kỳ chia ba tỉnh miền Đông thành 13 Sở Tham biện: Biên Hòa Thủ dầu Một, Bà Rịa, Long Thành, Bảo Chánh = đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh), các tác giả sách Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển đã nhận xét:“bên cạnh các địa danh Hán – Việt, có hai địa danh chữ Nôm: Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Nhà chức trách Pháp đặt địa danh tùy tiện như vậy vì các người có học không cộng tác với địch.” (SĐD, tr 25). Các tác giả Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển đã dẫn những tư liệu trong luận án tiến sỹ quốc gia Khoa học chính trị Đại học Paris của Cao Huy Thuần mang tên Đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam để minh chứng cho nhận xét trên. Theo lời của Đại tá Bernard viết trong thư gửi về Bộ Hải ngoại và thuộc địa Pháp như Cao Huy Thuần đã dẫn trong Luận án tiến sỹ thì các quan lại, các sỹ phu, các nhà nho đồng loạt không hợp tác với thực dân Pháp nên trong buổi đầu thiết lập nền cai trị, người Pháp phải “tuyển mộ toàn bộ những nhân viên cần thiết cho sự cai trị hay cho việc nhà từ đám chủ yếu là culy, bồi, tùy phái và những người thông dịch, sao chép, họ đã được huấn luyện sơ sài trong các trường của Hội truyền giáo( .) Họ đến với chúng ta (Pháp) là những kẻ lang thang, vì đói khổ hay vì phạm tội mà phải bỏ làng, họ rất quỵ lụy và chỉ thèm được sống, không nghĩ gì đến cuộc chiến đấu của dân tộc( .) Các Pháp kiều hay công chức (Pháp) vừa cập bến được biết về dân tộc Annam qua sự tiếp xúc với những kẻ ti tiện đó ”
  12. Tư liệu trên đây có thể cắt nghĩa phần nào về sự hiểu biết và quyết định nông nổi của người Pháp khi lấy tên Bà Rịa đặt cho vùng đất này gắn với truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Rịa mà các tác giả tập sách Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển đã nhắc tới. Theo lời của một số vị bô lão ở Bà Rịa thì giáo sư Hồ Đắc Thăng ở Bà Rịa đã viết thư cho một người bạn học (người Pháp) ở Viện Viễn Đông Bác cổ (Hà Nội), nói về sự hớp tớp và thiếu chín chắn của người Pháp trong việc lấy tên bà Rịa đặt cho vùng đất này gắn với truyền thuyết về bà Nguyễn Thị Rịa và xây mộ bà Rịa. 7. Bà Rịa trước hết là một địa danh (không phải nhân danh): Điều này không chỉ khẳng định lại những quan điểm của các nhà nghiên cứu hàng đầu về Lục tỉnh Nam Kỳ trong các tác phẩm đã dẫn, mà ngay đối với các giáo sỹ, các quan chức thực dân Pháp, họ biết đến Bà Rịa trước hết là một địa danh. Nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu đã dẫn tài liệu của một giáo sỹ Pháp về Các họ đạo của xứ Đồng Nai từ 1747 để kết luận rằng:” Tác giả Địa chí Bà Rịa 1902 đã sai lầm khi nói đất Bà Rịa mới có hơn trăm năm nay, “một bà tên là Rịa tới lập làng Phước Liễu rồi mất vào năm Gia Long thứ 2 tức 1803” ( ) Sự sai nhầm về “Bà Rịa mới lập làng Phước Liễu từ 1789” được đính chính mạnh nhất khi tìm thấy địa danh Bà Rịa và Đất Đỏ đã được ghi vào danh mục “các họ đạo của xứ Đồng Nai từ 1747”. Trong danh mục ấy còn ghi rõ Bà Rịa có 140 giáo dân và Đất Đỏ có 350 người theo đạo công giáo”. Tiến sỹ Cao Huy Thuần, trong Luận án của mình cũng dẫn bức thư của Đô đốc Charner gửi cho vị giám mục Pháp cai quản địa phận Sài Gòn về “Vụ Bà Rịa” (việc nhà Nguyễn đàn áp giáo dân ở xứ Bà Rịa 1-1862, sau khi một nhóm giáo dân vũ trang đã làm lực lượng xung kích cho thực dân Pháp đánh thành Biên Hòa cuối năm 1861). Bà Rịa vốn là địa danh, một vùng đất nhỏ, một trong 6 xứ rất nhỏ thuộc địa phận làng Phước Liễu, là tên một ngọn núi nhỏ thuộc địa phận Long Điền, là tên một cái chợ thuộc làng Hắt Lăng, được người Pháp gọi thành một xứ rộng hơn, xứ đạo Bà Rịa (thực ra là họ đạo Bà Rịa lúc ấy còn nhỏ hơn họ đạo Đất Đỏ) nhân vụ rắc rối về tôn giáo, sau được một số quan chức Pháp gọi một xứ rộng hơn của các bộ tộc ít người sinh sống ở vùng núi Chứa Chan với tên gọi chung là Mọi Bà Rịa. Và sau cùng, được người Pháp đặt thành tên một tỉnh, kèm theo một truyền thuyết về Bà Nguyễn Thị Rịa. Nhà nghiên cứu Nguyễn Linh xác nhận rằng chính người Pháp đã sửa chữa sai lầm cho cuốn Địa chí Bà Rịa 1902. Nhà khảo cổ học người Pháp, ông L.Malleret, Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Hà Nội đã đính chính cho sự “hớp tớp” của các đồng nghiệp của ông trước đó rằng: “Địa danh Bà Rịa bắt nguồn từ tên gọi Khơme của một cái bàu gần Long Điền là Bà Rày hay Bà Rey, chuyển sang âm Việt chệch đi thành Bà Rịa. Cái Bàu đó sau đã mang một cái tên Việt ngữ là Bàu Thành.“Nguyễn Linh cho rằng, ý
  13. kiến của L.Malleret đã giải quyết một cách xác đáng hướng nghiên cứu về nguồn gốc địa danh Bà Rịa từ góc độ địa danh học. Cùng một hướng nghiên cứu với Nguyễn Linh, Phó tiến sỹ sử học Đinh Văn Hạnh cho rằng: “Cách giải thích địa danh hiện nay dùng để chỉ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nguồn gốc sâu xa, bắt nguồn từ tên một “nước” Bà Lỵ (Bà Lịa) là có cơ sở hơn. Tên nước này đã được thư tịch cổ của Trung Quốc đời Đường ghi lại, kèm theo những sự kiện về sự hưng khởi của Chân Lạp – một sự kiện lịch sử có thật. Chính sự ổn định tương đối của thực thể địa lý đó (chưa nói đến sự tồn tại lịch sử của “nước Bà Lỵ”) đã khiến cho những địa danh, tộc danh, thuỷ danh liên quan đến từ “Bà Rịa” có sức sống trường kỳ.” Anh cũng đưa ra một giả thuyết đáng đáng lưu ý: Bà Rịa vốn là tên đất (Bàu Rày, Bà Rey), tên một vương quốc (Bà Lợi, Bà Lỵ, Bà Lịa), tên một tộc người (Bà Rịa man) và rất có thể trùng tên với một người có công, xuất hiện sau này (là bà Nguyễn Thị Rịa). Có một điều đáng bàn thêm là dự kiến trùng tu ngôi mộ Bà Rịa nếu không được cân nhắc và suy xét kỹ, sẽ khó tránh khỏi rơi vào tình trạng nông nổi và bế tắc như các quan Tây mà ngày xửa ngày xưa, các già làng đã từng chê trách. Chúng tôi hiểu rằng, những cố gắng của các cấp các ngành trong việc tìm kiếm giải pháp và kinh phí trùng tu mộ bà Rịa cũng như cố gắng của nhiều tác giả trong và ngoài địa phương nhằm khai thác những giá trị truyền thống từ truyền thuyết là điều đáng qúy. Nhưng điều đó chỉ trở nên quý khi nó khai thác được đúng giá trị, khơi được đúng mạch nguồn. Đương nhiên là không thể khai thác những giá trị không tồn tại. Trọng các bậc tiền nhân có công khai phá, chúng ta có thể lập đền thờ Hộ phủ Phạm Duy Trinh ngay tại Bờ Đập, nơi ông chỉ huy cuộc khơi dòng khẩn hoang, thờ tất cả các bậc tiền nhân đã đến trước, đã cùng ông khẩn hoang 300 mẫu đất công cho làng (vào năm 1838). Nếu tín ngưỡng, chúng ta thờ cả Hiên Ngọc hầu (Tổng binh Hồ Văn Hiên) đã cùng cha vào trấn ải, ứng mộng phù hộ cho công cuộc khai khẩn. Dù không có đền đài thì lòng ngưỡng mộ vẫn tồn tại trong nhân dân về tất cả những bậc tiền hiền có công đức từ buổi đầu khai phá. Song những đền đài, lăng miếu chúng ta xây dựng lại hôm nay phải là những giá trị đích thực của làng chứ không phải là tôn tạo những truyền thuyết xa rời thực tế lịch sử mà các quan Tây chép lại.