Tranh chấp biển Đông Nam Á: Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế

pdf 151 trang phuongnguyen 2460
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tranh chấp biển Đông Nam Á: Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftranh_chap_bien_dong_nam_a_di_tim_giai_phap_hoa_binh_va_cong.pdf

Nội dung text: Tranh chấp biển Đông Nam Á: Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế

  1. Tài liệu Tranh chấp biển Đông Nam Á: Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế
  2. Tranh chấp biển Đông Nam Á: Đi tìm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế Tóm tắt phương pháp luận và kết quả chính của nghiên cứu Bài viết này không còn là bản nháp, nhưng vẫn chỉ có thể coi là bản đúc kết tạm trong quá trình nghiên cứu về một vấn đề rất phức tạp. Như bất cứ một nghiên cứu mang tính khoa học nào, nó dựa trên các thông tin hiện có và các sự kiện được giới chuyên gia đánh giá là đáng tin cậy, và như thế trong tương lai khi có thêm các thông tin được đánh giá là đáng tin cậy, các đúc kết tạm ở bài này có thể thay đổi. Bài viết này dựa trên quá trình nghiên cứu của tác giả được trình bày và trao đổi tại hai hội thảo về tranh chấp Biển Nam Trung Hoa (mà tác giả đề nghị nên gọi là biển Đông Nam Á), đã được trình bày ngày 18 tháng 11 năm 2009 tại Council on Southeast Asian Center, Yale University và ngày 25 tháng 3 năm 2010 tại Center for Vietnamese Philosophy, Culture, & Society, Temple University. Tác giả cám ơn Giáo Sư Ngô Vĩnh Long và Giáo sư Trần Hữu Dũng đã đóng góp nhiều ý kiến cũng như tham gia tổ chức các cuộc hội thảo trên. Thời gian sau hai Hội thảo trên, tác giả cũng nhận được nhiều ý kiến và thông tin mới từ nhiều người, đặc biệt là bạn Nguyễn Tuân ở Ý và Dương Danh Huy ở Anh, Hồ Bạch Thảo ở Mỹ, Nguyễn Ngọc Giao ở Pháp qua đó tác giả đã điều chỉnh lại những sai sót trước đây. Mới nhất tác giả cũng tiếp cận được thêm một vài nghiên cứu (chưa phải hết) của anh Phạm Hoàng Quân ở Việt Nam, và cố gắng đưa vào bài này. Cũng xin cám ơn cô Phương Loan ở Vietnamnet đã giúp dịch bài tiếng Anh mà tác giả trình bày ở Temple University để sử dụng trong bài viết này. Tuy vậy phải nói những đúc kết trong bài viết là ý kiến riêng của tác giả, không một ai trong những người được nêu tên ở trên có trách nhiệm gì về chúng, thậm chí có người còn không đồng ý.
  3. Bất cứ một cuộc tranh chấp nào mang tính quốc gia đều nhạy cảm. Người viết có thể chọn quan điểm của quốc gia mình để trình bày và diễn dịch sự kiện nhằm ủng hộ chủ quyền của nước mình và bác bỏ sự kiện và diễn dịch của nước khác. Cách tiếp cận này ở mức độ tốt nhất vừa đòi hỏi việc sưu tầm sự kiện chính xác, có nguồn gốc rõ ràng, vừa tìm cách sử dụng công pháp quốc tế nhằm thuyết phục người đọc, dư luận quốc tế, coi họ như những ông quan tòa có tri thức, sẵn sàng tìm hiểu sự việc và không thiên vị. Dù thế nào thì cách tiếp cận như vậy cũng không khách quan vì người viết sẽ chỉ trưng ra những cái có lợi cho mình và đào sâu vào những cái bất lợi cho địch. Cho đến nay, không có quyển sách nào vượt hơn được quyển sách Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands của bà luật sư Monique Chemillier-Gendreau, gồm nhiều tài liệu đáng tin cậy, lập luận chặt chẽ dựa vào công pháp quốc tế, có lợi cho Việt Nam. Bà Chemillier viết có thể dưới tư cách một người bạn Việt Nam, một người vì công lý hoặc cũng có thể coi là với tư cách một luật sư bảo vệ khách hàng của mình. Trước tòa án công lý, có thể bà ấy sẽ thắng nhiều điểm cho Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp hiện nay đâu chỉ liên quan đến luật, mà thực chất là cuộc tranh chấp quyền lực ngày càng đi dần đến bạo lực ở mức độ dữ dội hơn, làm mất an ninh của khu vực và có thể của thế giới, và trước tiên là an ninh của Việt Nam. Có cách tiếp cận khác mà tác giả đã chọn lựa khi nghiên cứu về cuộc tranh chấp này, đó là cố gắng tiếp cận vấn đề và tài liệu một cách khách quan, ít nhất là dưới nhãn quan của một người trong khu vực Đông Nam Á, với hy vọng là cuộc tranh chấp ở biển Đông Nam Á (ĐNA) được giải quyết hòa bình và hợp lý trên cơ sở chứng cứ lịch sử và công pháp quốc tế. Xin nói qua về nguyên tắc tác giả áp dụng khi nghiên cứu. Đó là việc dùng cùng một hệ tiêu chuấn để đánh giá yêu sách của mọi nước đối với đảo và biển ở biển ĐNA. Những tiêu chuẩn này, nếu được tòa án sử dụng để tài phán vấn đề tranh
  4. chấp, có thể gia giảm tùy theo điều kiện cụ thể đã xảy ra để đạt được sự công bằng, tuy vậy việc gia giảm này sẽ không được đề cập tới trong bài viết này. Hệ tiêu chuẩn đánh giá gồm mấy điểm sau: 1. Hành động xác định chủ quyền phải là hành động của nhà nước trung ương đại diện quyền lực quốc gia. 2. Chứng cứ lịch sử quan trọng nhất phải là chính sử, rồi mới đến sử liệu viết về hành động của nhà nước trung ương đại diện quyền lực quốc gia. Loại thứ hai dù đáng tin cậy cũng là chứng cứ thứ yếu. 3. Tất cả mọi sử liệu phải có nguồn gốc rõ ràng nhằm xác định độ tin cậy của chúng. Ba tiêu chuẩn trên là dựa trên các điểm chính sau của công pháp quốc tế: 1. Tuyên bố chủ quyền phải là hành động công khai của quốc gia đại diện bởi nhà nước trung ương. Chúng không thể chỉ là hành động của một chính quyền địa phương. 2. Chủ quyền phải thể hiện ý chí thực hiện chủ quyền và các hành động phô trương liên tục chủ quyền này. 3. Tuyên bố chủ quyền không bị nước khác phản đối vào thời điểm tuyên bố chủ quyền. 4. Chủ quyền không thể được xác lập bằng hành động xâm chiếm bạo lực hay đe dọa dùng võ lực. 5. Chủ quyền không thể vin vào cớ có sở hữu “biển lịch sử” vì điều này không tồn tại trong luật pháp quốc tế hiện đại.
  5. 6. Im lặng khi quốc gia khác tuyên bố chủ quyền có thể coi đồng nghĩa với đồng ý. Xin đưa ra vài thí dụ về cách tiếp cận trên. Một là chính sử Trung Quốc không nói gì về Hoàng Sa và Trường Sa, không những thế chính sử Trung Quốc cho đến Thanh Sử đều ghi cương vực Trung Quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam. Vậy thì Trung Quốc không thể kết luận rằng các quần đảo này thuộc Trung Quốc từ ngàn xưa. Cũng thế, tác giả phải xem xét chính sử Việt Nam theo cùng một tiêu chí. Chính sử Việt Nam chỉ nói rõ về Hoàng Sa (ở mức độ nhất định vì đi vào chi tiết lại phức tạp là Hoàng Sa gồm địa điểm nào). Có người cho rằng dưới con mắt người Việt, Hoàng Sa bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dù hai quần đảo này cách nhau trên 600km (dựa vào hai đảo nhỏ có khoảng cách gần nhất) và Trường Sa rất xa bờ biển Việt Nam (gần nhất là 460km, gần gấp đôi khoảng cách 250km, là khoảng cách gần nhất từ giữa đất liền và Hoàng Sa). Hai vùng này lại chỉ là những chấm cực nhỏ gồm phần nhiều là đá ngầm, bãi san hô rất nguy hiểm cho tàu bè trong một khu biển rộng lớn. Toàn diện tích đất đá ở Trường Sa cộng lại chỉ có 5km2 so với vùng biển mênh mông chúng chiếm vị trí, rộng ít ra cũng đến 640.000km2.[1] Điều khẳng định của Việt Nam về chủ quyền Trường Sa rõ ràng cần chứng minh. Bản đồ do Giám mục Taberd, người đã vẽ và xuất bản bản đồ Việt Nam năm 1838 một thời gian ngắn sau khi vua Gia Long tuyến bố chủ quyền năm 1816, cho thấy nó là một khu và rất có thể chỉ là Hoàng Sa. Nguồn tài liệu thứ hai là Phủ biên Tạp Lục (PBTL). Đây là tài liệu cổ nhất đáng tin cậy ghi lại hành động của chúa Nguyễn trước thời vua Gia Long, là tài liệu duy nhất nói về phía Nam (tất nhiên không kể những tài liệu lập lại ghi chép trong PBTL). Tài liệu này có nói hoạt động của Đội Hoàng Sa do chúa Nguyễn lập ra, gửi về phía nam, đến Côn Lôn và Bắc Hải. PBTL không phải chính sử, như vậy là chứng cứ thứ yếu so với chính sử. Kế đến ta phải xem xét PBTL viết gì. Côn Lôn không phải nằm
  6. trong khu Trường Sa. Bắc Hải thì không biết nó ở đâu. Vậy dù có dùng PBTL là chứng cứ thì phải xác định được thực sự PBTL có nói đến Trường Sa không. Có một số tài liệu khác mà tôi không nhắc đến ở đây vì cũng có vấn đề minh bạch nguồn gốc. Vì vậy mà tôi nói chứng cứ lịch sử trên chưa thể đưa kết luận là chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này có đến Trường Sa hay không và với một vùng mênh mông thế thì nhà Nguyễn đã đặt chân và kiểm soát tới đâu. Vạch ra như vậy để các sử gia Việt Nam làm rõ thêm hồ sơ chứng cớ. Thí dụ thứ hai là khi đánh giá giá trị hành động của một uy quyền thì phải xem xét tư cách của uy quyền đó. Năm 1909, không thể nói Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khi việc tuyên bố đó là hành động của một chính quyền cát cứ ở tỉnh Quảng Đông, lúc đó Trung Quốc chia năm xẻ bảy dù nhà Thanh vẫn tồn tại đến năm 1912. Cũng thế, không thể coi hoạt động từ năm 1921 và sau đó là tuyên bố chủ quyền của Toàn Quyền Đông Dương trên Hoàng Sa và Trường Sa là chính thống mà phải kể năm 1933 là thời điểm cơ sở khi nhà nước Pháp tuyên bố chủ quyền. Về Hoàng Sa Tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa) chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc và do đó hai nước cần ngồi lại thương thảo hoặc yêu cầu Tòa án Công Lý Quốc tế phân xử hay qua trọng tài quốc tế. Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn và thời vua Gia Long và Minh Mạng đã khẳng định chủ quyền ở đây, với đầy đủ bằng chứng lịch sử được ghi trong chính sử của nhà nước và được người phương tây sống cùng thời ghi nhận qua sách vở được xuất bản. Tuy nhiên vì lo chống Pháp, vua quan Việt Nam đã có thời bỏ lơ, không hành xử chủ quyền như trước. Khi Pháp chiếm Việt Nam, cũng có một thời gian Pháp lơ là không hành xử đúng mức để bảo đảm chủ quyền của Việt Nam ở đó. Thời gian lơ là này (ít nhất từ năm 1902 trở đi) đã để ngỏ đảo Woody (Phú Lâm) như đất vô chủ cho tư nhân người Hoa và người Nhật vào khai thác phốt phát vì có lẽ Pháp coi những hòn đảo này là không quan trọng. Khi chính quyền cát cứ ở Quảng Đông tuyên bố chủ
  7. quyền năm 1909. Pháp cũng không phản đối ngay vì có thể họ coi đó là hành động của chính quyền địa phương không đáng để ý. Sau đó năm 1932, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trong công hàm gửi Bộ Ngoại Giao Phápđã cho rằng Hoàng Sa là của Trung quốc dựa trên hai lập luận. Thứ nhất, họ cho rằng Hiệp định Pháp Thanh năm 1887 phân chia biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Bộ (Tonkin) trên cơ sở đảo đường kinh tuyến tây 105°43’ của Paris thuộc An Nam và đảo phía đông như Hoàng Sa là thuộc Trung Quốc. Thứ hai về mặt lịch sử họ cho rằng Việt Nam trước khi Pháp tới là chư hầu của Trung Quốc nên các đảo đó cũng thuộc Trung Quốc. Điểm thứ hai vô lý vì lúc đó Việt Nam thuộc Pháp, và trước đó Việt Nam cũng không chấp nhận là một phần của Trung Quốc. Điểm thứ nhất cũng không có cơ sở lý luận vì quần đảo Paracels nằm ở Trung Phần, không thuộc Bắc Bộ (Tonkin), không phải là khu vực nằm trong nội dung Hiệp ước Pháp Thanh.[2] Hiện nay Trung Quốc đã thay đổi cách lập luận so với năm 1932, có thể nói là phản lại nguyên tắc bất hồi tố. Lập luận đòi chủ quyền mới của Trung Quốc hoàn toàn dựa trên bằng chứng lịch sử mà chính quyền Trung Quốc và học giả Trung Quốc tìm đủ mọi cách chứng minh một cách không thuyết phục là cả ngàn năm Hoàng sa (Paracels) và cả Trường Sa (Spratlys) là đất Trung Quốc. Mãi đến năm 1933, chính phủ Pháp ở Paris mới chính thức tuyên bố chủ quyền do áp lực của dư luận ở thuộc địa Việt Nam gồm cả người Pháp lẫn người Việt. Tuy vậy Trung Quốc đã dùng bạo lực để chiếm cứ đảo Pattle (Hoàng Sa) vào năm 1974. Mặc dù có những vấn đề khúc mắc cần thương lượng giữa hai nước, việc Trung Quốc chiếm cứ bằng bạo lực đảo Pattle (Hoàng Sa) không những không được người Việt Nam chấp nhận mà công pháp quốc tế cũng không chấp nhận. Dù sao vấn đề Hoàng Sa là vấn đề cần thương thảo giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Cho đến nay Trung Quốc từ chối ngay cả đàm phán song phương, như họ đã từ chối đàm phán với pháp ba lần (1932, 1937, 1947). Chỉ có thể hiểu được là
  8. Trung Quốc không đủ bằng chứng nên sợ thua và việc chấp nhận một giải pháp hòa bình nào đó sẽ ngăn cản Trung Quốc tiếp tục dùng bạo lực để kiểm soát Biển ĐNA trong tương lai. Về Trường Sa (Spratlys) và một cái nhìn toàn cục Trường Sa là một vùng biển rộng lớn nhưng lại gồm toàn đá ngầm và một số đá nổi, bãi cát, và hòn đảo đá nhỏ bé. Lớn nhất là đảo Itu Aba (Ba Bình) cũng chỉ có diện tích 0,5km2. Vùng này không nằm trong hải trình thuyền bè ngày xưa đi lại vì được coi là vùng đá ngầm đáng khiếp sợ cần tránh xa. Đây cũng là vùng có rất ít người lui tới, nếu có thì đôi khi vài người đánh cá, nên trong quá khứ không ai coi là quan trọng. Trước chiến tranh thứ hai, đế quốc Nhật nhăm nhe dùng khu vực làm căn cứ hải quân nhằm kiểm soát vùng biển ĐNA nên năm 1933 Pháp mới quyết định tuyên bố chủ quyền trên cơ sở đây là vùng đất vô chủ chứ không trên cơ sở đây là vùng đất thuộc Việt Nam, Nhật là nước duy nhất phản đối. Trung Quốc im lặng trong 18 năm, coi như không phản đối. Trung Quốc chỉ chính thức yêu sách chủ quyền vào 15 tháng 8 năm 1951 qua tuyên bố của Ngoại trưởng Trung quốc Chu Ân Lai là Hoàng Sa và Trường Sa luôn luôn là lãnh thổ Trung Quốc.[3] Việc tuyên bố này có thể là nằm trong ý đồ của thế giới Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo lúc đó, muốn làm chủ Biển ĐNA, và do đó muốn Trung Quốc làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa. Chắc là có sự đồng ý giữa Liên Xô và Trung Quốc nên chỉ sau đó một tháng, vào ngày 19 tháng 9 năm1951,Ngoại trưởng Liên Xô đưa ra 13 đề nghị tu chính Hòa ước với Nhật đang được bàn thảo tại San Francisco, trong đó điểm đầu là đòi hỏi Nhật Bản thừa nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “đối với quần đảo Paracels và các quần đảo ở phía nam.” Tu chính này đã bị Hội nghị Quốc tế tại San Francisco bác bỏ với tỉ số phiếu 48-3.[4] Như vậy tuyên bố của Chu Ân Lai đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lên tiếng yêu sách về Trường Sa, 18 năm sau khi Pháp tuyên bố chủ quyền. Nói tóm lại nghiên cứu này cho thấy Trung Quốc không có cơ sở lịch
  9. sử hay pháp lý để yêu sách Trường Sa vì chính sử thời Minh và Thanh đều ghi lãnh thổ Trung quốc chấm dứt ở đảo Hải Nam. Những đảo mà Trung Quốc hiện đang chiếm giữ hoàn toàn là do dùng bạo lực, chiếm của Việt Nam hay của Phi Luật Tân, cũng ngược với công pháp quốc tế. Mới đây Trung Quốc lại dùng bản đồ chữ U trên Biển ĐNA do một viên chức của chính phủ Tưởng Giới Thạch tự vẽ năm 1947 để chính thức yêu sách 80% vùng biển Đông Nam Á và coi đó là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, là tương đương với Đài Loan và Tây Tạng, mà họ sẵn sàng dùng võ lực để bảo vệ nó.[5] Yêu sách này đi ngược với ước vọng hòa bình và hợp tác của các nước trong khu vực ĐNA và trên thế giới. Chính sự tranh chấp giữa các nước ĐNA trên vùng đảo Trường Sa với nhau mà thiếu đàm phán đa phương đã làm suy yếu tổ chức ASEAN trong việc bảo vệ hòa bình khu vực, nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc ở Biển ĐNA. Dù thế nào, Pháp tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Trường Sa đã tạo ra một số vấn đề rất phức tạp như sau: · Khu vực Trường Sa bao gồm có cả đảo đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo Luật biển Liên Hợp Quốc 1982. Đây là lý do Phi không thể chấp nhận tuyên bố của Pháp năm 1933. Thêm một lý do nữa là lúc Pháp tuyên bố chủ quyền, Phi, Mã Lai v.v. lại chưa phải là những nước độc lập để có tiếng nói. · Pháp lấy lý do Trường Sa là đất vô chủ để tuyên bố chủ quyền năm 1933 thì điều này không hoàn toàn đúng vì Anh là nước đã tuyên bố chủ quyền trước Pháp ở vài hòn đảo trước đó. Năm 1877, chính quyền thuộc địa Anh ở đảo Labuan (một đảo nhỏ, phía bắc Borneo, do Anh mua lại của Brunei năm 1846) đã cấp giấy phép cho một nhóm doanh nhân và cho phép họ cắm cờ Vương quốc Anh lên đảo Spratly (Trường Sa) và đảo Amboyna Cay (An Bang) để hoạt động thương mại. Hai đảo này đã được đăng ký là lãnh thổ Vương quốc Anh trong những hồ sơ chính
  10. thức.[6] Lúc đó Anh không chính thức phản đối Pháp vì nhu cầu chống Nhật. Điều viết ra ở đây chỉ nhằm nói tới sự phức tạp của vấn đề chứ không ảnh hưởng gì đến tính hợp pháp về tuyên bố chủ quyền của Pháp. · Pháp chỉ ghi có 6 đảo, đá ở Trường Sa trong tuyên bố chủ quyền năm 1933[7]. Thực chất là Trường Sa có đến khoảng 170 điểm tự nhiên, với 36 đảo, đá nhỏ tí nhô lên mặt nước, và các bãi cát, v.v.[8] nên ngay việc định nghĩa và xác định nơi cụ thể đã có vấn đề, và hiện nay các chuyên gia vẫn đưa ra các con số khác nhau về các điểm tự nhiên. Vậy chỉ một tuyên bố, liệu Pháp có quyền làm chủ cả những nơi họ chưa biết tới? · Pháp cũng không có đủ tài lực thực hiện chủ quyền trên một vùng biển rộng lớn như thế cho nên Pháp chỉ có thể kiểm soát được đảo Itu Aba là đảo lớn nhất vào năm 1938, sau đó đảo này bị Nhật chiếm, rồi được Nhật trao lại cho Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (bây giờ là Đài Loan). · Các đảo đá khác quá nhỏ (trừ Itu Aba) nên bỏ ngỏ. · Sau khi Pháp thua trận ở Điện Biên phủ, Việt Nam Cộng hòa được Pháp chính thức giao lại Hoàng Sa vào tháng 4 năm 1956. Còn Trường Sa cho đến nay Pháp vẫn chưa chính thức trao trả cho Việt Nam (coi nguồn thông tin ở Phụ Lục). Tuy nhiên Việt Nam Cộng Hòa coi mình có quyền tiếp nối chủ quyền của Pháp nên cùng thời gian trên gửi quân chiếm một số đảo ở Trường Sa. Các nước khác trong vùng ĐNA cũng tuyên bố chủ quyền và ra sức chiếm những nơi không người. · Trung Quốc là nước duy nhất dùng bạo lực để chiếm đảo của Việt Nam vào năm 1978. Vấn đề phức tạp nhất mà bất cứ một tòa án nào cũng phải xem xét ngoài thực tế phức tạp vừa nói trên còn là hai câu hỏi:
  11. · Liệu một đế quốc hùng mạnh như Pháp có sức đe dọa nhiều nước kém phát triển ở ĐNA đang bị nước ngoài chiếm đóng mà chỉ một câu tuyên bố chủ quyền ở một vùng đất vô chủ là có thể có quyền, dựa theo luật pháp quốc tế, làm chủ tất cả các hòn đảo ở Biển ĐNA, nhất là khi chính Pháp không đủ sức thực hiện quyền làm chủ chúng ở mọi nơi, và lại bị Nhật phản đối? · Lợi ích sẽ được định như thế nào trên một khu vực rộng lớn mà kết cấu hầu hết là đá? Ngay cả Itu Aba là “hòn đảo” to nhất cũng chưa chắc đã đủ tư cách pháp lý để được coi là đảo. Và dù được coi là đảo, dựa vào các tiền lệ xử án của Tòa án Quốc tế đảo này cũng có thể sẽ không có hoặc sẽ bị hạn chế quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vậy thì dù có chủ quyền, lợi ích có thể có ở các đảo đá này cũng có thể rất nhỏ. Và trước hết, lợi ích này cũng không thể thực hiện được khi chưa có giải pháp. Việt Nam có thể lập luận là có quyền thừa kế pháp lý các yêu sách chủ quyền của Chính phủ Pháp tuyên bố năm 1933, tuy nhiên điều này sẽ không bao giờ đưa đến một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Biển Đông vì sẽ không được các nước khu vực công nhận. Điều này dễ thấy trong bối cảnh phức tạp nêu trên. Trước tình hình tranh chấp giữa các nước ASEAN ở vùng Biển ĐNA, Trung Quốc là ngư ông thủ lợi, mua chuộc chia rẽ nội bộ Tổ chức ASEAN, từ đó dùng bạo lực tiến tới chiếm đoạt các đảo đá do Việt Nam rồi sau đó là đảo do Phi chiếm đóng. Đến nay thì rõ, Trung Quốc đâu chỉ muốn chiếm đoạt mấy hòn đảo, họ thật sự muốn thiết lập quyền kiểm soát trên toàn bộ Biển ĐNA kể cả bằng bạo lực. Vậy thì liệu tranh chấp các đảo giữa các nước ĐNA có ích gì? Các nước ĐNA, kể cả Việt Nam, có nắm được vài hòn đá cũng không thể khai thác tài nguyên chung quanh vì sự đe dọa bạo lực của Trung Quốc và chi phí bảo vệ để khỏi bị tấn công cũng là gánh nặng cho nền kinh tế các nước ASEAN liên quan. Hơn nữa các nước trong khối ASEAN đang chiếm đảo còn không thỏa hiệp được với nhau thì làm sao có được một lập trường chung của ASEAN?
  12. Tình hình Trường Sa phức tạp như vậy nên ngay cả khi đem vấn đề ra Tòa án Công lý, khi đạt được điều kiện là mọi nước có tranh chấp đều đồng ý, thì việc giải quyết hợp lý, công bằng cũng không đơn giản. Thí dụ dù tòa án có xét giao cho Việt Nam được tất cả các đảo ở Trường Sa thì tòa án may ra cũng chỉ cho phép một vài nơi được coi là đá chỉ có lãnh hải 12 dặm, không có vùng đặc quyền kinh tế. Được gọi là đảo khi nào tự nó có thể duy trì như nơi cư trú hay có đời sống kinh tế của con người ở thời điểm tuyên bố (tức là không phải thời điểm hiện nay, có thể tiếp tế từ xa). Rất nhiều đảo ở dạng tự nhiên thì chìm dưới nước khi nước thủy triều lên sẽ không được hưởng gì hết; luật pháp không chấp nhận các đảo nổi lên do công trình nhân tạo xây trên các điểm tự nhiên chìm dưới nước biển khi thủy triều lên. Đàm phán đa phương chỉ thực hiện được khi Trung Quốc bỏ yêu sách biển nằm trong đường chữ U. Cuộc đàm phán này sẽ không đòi hỏi các nước tham gia đàm phán phải chấp nhận một điều kiện gì khác hơn là Công ước Quốc tế về Luật biển Liên Hợp Quốc năm 1982 (LBLHQ). Việc bỏ qua quá khứ thực dân được nói đến ở trên hoàn toàn không phải là điều kiện. Tất nhiên cuộc đàm phán nào cũng phải xem xét đến hồ sơ của từng nước để đạt được công lý và công bình ở mức cao nhất. Có 3 bước để triển khai. Bước thứ nhất là phải quyết định tư cách của từng cơ cấu khi còn ở dạng tự nhiên trên Trường Sa, xem chúng là đảo, đá nổi, hay đá ngầm. Điều này sẽ giảm trừ vùng biển các nước có thể yêu sách. Bước thứ hai là xác định vùng không nằm trong khu tranh chấp để nước chủ quyền có thể khai thác. Bước thứ ba là xem xét ai có chủ quyền ở từng đảo, đá và giải quyết tranh chấp các vùng chống lấn giữa các nước có chủ quyền.
  13. Ba bước này vẫn không giải quyết được việc phân chia tài nguyên trong vùng nước quốc tế trên Biển ĐNA ở nơi không thuộc chủ quyền nước nào. Do đó mà có thể có một giải pháp khác, thay vì xác định chủ quyền trên từng hòn đảo, đá thì phân chia lợi ích biển cho các nước trên cơ sở biên giới đất liền tiếp giáp với Biển ĐNA. Hai giải pháp mới nói cũng có thể kết hợp để giải giải quyết vấn đề. Suy nghĩ của tác giả là: nếu mọi nước đều quyết tâm cho rằng các đảo ở Trường Sa là của mình tất thì không có thể giải pháp. Trường hợp này, Trung Quốc sẽ chọc sâu vào nội bộ từng nước và cả tổ chức ASEAN, gây thêm mâu thuẫn, thậm chí biến vài nước thành đồng minh của họ trong vụ tranh chấp; mà kết quả có thể là Việt Nam và các nước khác sẽ mất hết nếu như Trung Quốc mạnh đủ để làm chủ bằng bạo lực. Do đó cần đặt vấn đề tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa trong bối cảnh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Nam Á về dài lâu và tôn trọng công lý, chứ không phải chỉ tập trung giành dật mấy hòn đá. Nếu các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là các nước có lợi ích biển, có cùng một quan điểm giải quyết vấn đề thì chắc chắn sẽ được thế giới lên tiếng ủng hộ và như thế Trung Quốc sẽ không dễ dàng dùng sức mạnh quân sự hù dọa hay chiếm đoạt. Do đó cần quốc tế hóa tranh chấp. Quốc tế hóa có 3 ý nghĩa: Quốc tế hóa là đàm phán đa phương. Quốc tế hóa còn có nghĩa là các quốc gia bị Trung Quốc đe dọa cần lôi kéo dư luận quốc tế về phía mình, chứng tỏ rằng mình biết điều, sẵn sàng tìm kiếm giải pháp hợp lý. Quốc tế hóa có thể đi xa hơn thế: đó là quốc tế hóa cả biển và đảo để mọi người cùng chia sẻ, thay vì thuộc bất cứ nước nào. Về nghiên cứu và tài liệu
  14. Một thời gian rất dài, có lẽ mong muốn có hòa bình hoặc giải pháp với Trung Quốc nên nhà nước Việt Nam gần như cấm đoán nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa do đó việc tìm kiếm thông tin và huy động học giả trong nước nghiên cứu gần như không có, trừ quyển sách Cuộc tranh chấp Việt Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ông Lưu Văn Lợi chuyên gia Bộ Ngoại Giao Việt Nam được xuất bản khi quan hệ Trung Quốc và Việt Nam căng thẳng. Thời gian qua một số học giả trong và ngoài nước tự phát nghiên cứu. Một số công trình ở miền Nam trước đây như Tạp San Sử Địa in năm 1974 và nghiên cứu của ông Nguyễn Nhã cũng vừa mới được phổ biến, cung cấp thêm thông tin. Một số công trình, đặc biệt là về cổ sử Trung Quốc, của Hồ Bạch Thảo ở Mỹ và Phạm Hoàng Quân ở Việt Nam, kết hợp với nghiên cứu của các tác giả phương tây đã cho phép kết luận là Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử để khẳng định Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) là thuộc Trung Quốc. Có thể nói dựa vào bằng chứng lịch sử hiện có mà tác giả tham khảo được, ở Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn không có chứng cứ lịch sử nào để chứng minh Trường Sa là của họ. Còn những bằng chứng Việt Nam đưa ra để xác lập chủ quyền trên đảo Trường Sa, ở thời điểm này (tác giả nhấn mạnh), cũng chưa thể nói là "không thể tranh cãi được". Tất nhiên, kết luận này chỉ là kết luận tạm, và hi vọng rằng những luật gia, nhà sử học, nhà khảo cổ, sẽ tìm ra những bằng chứng rõ ràng hơn. Bài này viết ra trong tình thần cầu thị đó. Ngoài ra, lý luận rằng chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế vì quyền tiếp nhận chủ quyền của Pháp ở đó sau khi Pháp tuyên bố chiếm hữu vùng đất vô chủ này vào năm 1933 cũng là vấn đề không dễ được chấp nhận khi rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đã nêu ở bị bỏ qua, trong đó có một thực tế là các nước có quyền lợi ở đó đều bị thực dân đô hộ, và Pháp chỉ nêu tên 6 hòn đảo. Vả lại như đã nói, cuộc tranh chấp hiện nay đâu phải là cuộc đầu lý chỉ dựa trên sử liệu và luật pháp.
  15. Bài viết có Phần Phụ Lục là phần quan trọng. Nó bao gồm các thời điểm mà các sự kiện lịch sử quan trọng xảy ra để độc giả dễ theo dõi. Phụ lục cũng bao gồm nhiều phân tích quan trọng mà tác giả không thể đưa vào bài chính. Phần I Bối cảnh: Sự trỗi dậy của một cường quốc quân sự Sự quan trọng của Biển Đông Nam Á đối với khu vực và thế giới Không có gì có thể gây khó khăn cho sự phát triển một cách hòa bình của khu vực Đông Nam Á và toàn bộ lục địa châu Á hơn là sự can dự tích cực của quyền lực Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa. Vùng biển này có lẽ nên gọi là Biển Đông Nam Á (SEAS)[9] thì thích hợp hơn, vì nó là trung tâm của khu vực Đông Nam Á và các hoạt động hàng hải kết nối các nước trong khu vực Đông Nam Á, Bắc Á, ra biển Thái Bình Dương, các lục địa Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu. Phần lớn hoạt động thương mại toàn cầu (khoảng 90% khối lượng) qua vận chuyển bằng đường biển và đường biển trên biển ĐNA vô cùng quan trọng đối với các dòng chảy thương mại này. Eo biển Malacca giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì nó cung cấp các tuyến đường ngắn nhất giữa Ấn Độ Dương và biển ĐNA, và được sử dụng bởi hơn 70.000 tàu chở hàng năm, chuyên chở hơn 15 triệu thùng dầu trong năm 2006 và ước tính khoảng một phần ba thương mại thế giới. Biển ĐNA là rất quan trọng đối với mỗi quốc gia trong khu vực, đặc biệt đối với Nhật Bản, khi hơn 90% nhu cầu dầu của Nhật phải nhập khẩu và chủ yếu được vận chuyển qua biển ĐNA. Trung Quốc cũng phụ thuộc lớn vào việc vận chuyển qua biển ĐNA khi Trung Quốc nhập khẩu khoảng 43% nhu cầu năng lượng trong năm 2006 và năm 2020 này phụ thuộc được dự đoán sẽ tăng lên tới 60% hoặc thậm chí cao hơn.[10]
  16. Bây giờ, khi Chiến tranh Lạnh đã qua đi, Biển ĐNA đáng lẽ đã có thể mang lại một môi trường hòa bình cho tất cả các nước liên quan. Trên thực tế, các nước đều có thể đi lại tự do ở vùng biển này từ trước chiến tranh thế giới thứ II. Trong nghìn năm lịch sử cho đến khi Thế chiến thứ hai nổ ra, không quốc gia nào từng đưa ra một yêu sách chủ quyền với vùng biển trong khu vực biển ĐNA với tư cách vùng nước nội thủy hoặc vùng nước lịch sử hay cố gắng thu thuế, phí bảo vệ vùng biển hay yêu cầu các nhà hàng hải nộp đơn đề nghị sử dụng vùng biển này. Ngoài ra, cả ngàn năm trước khi thực dân xâm chiếm châu Á và trước Thế chiến thứ hai, không nước nào từng yêu sách chủ quyền, thiết lập chính quyền địa phương có hiệu quả, hoặc dự định dùng sức mạnh để bảo vệ chủ quyền của mình trên bất kỳ hòn đảo nào thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm mục đích kiểm soát chính biển ĐNA. Chỉ có một ngoại lệ và cũng chỉ dừng ở mức khai thác kinh tế, là ở vài hòn đảo nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa, nơi mà từ năm 1816 vua Gia Long và các Hoàng đế Việt Nam sau này coi là lãnh thổ Việt Nam, hàng năm đều gửi thủy thủ để thu thập những tài sản có giá trị còn lại từ các vụ đắm tàu. Hành động này là bình thường đối với bất kỳ một quốc gia, đã đến một vùng đất không có người ở – để khai thác nguồn tài nguyên, nhất là những hòn đảo này ở gần Việt Nam hơn là gần các nước khác. Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền trên biển Đông Nam Á Trung Quốc, ngay trong lúc năng lực hàng hải vào giai đoạn đỉnh cao ở thời nhà Minh, vào thế kỉ 15 đã gửi Trịnh Hòa (郑和, Zhenghe) với hàng nghìn tàu và hàng chục ngàn binh sĩ tiến hành cuộc thám hiểm qua biển ĐNA và Ấn Độ Dương để chứng minh sức mạnh quân sự của Trung Quốc và đưa các phái viên nước ngoài dọc theo tuyến đường biển tới Trung Quốc để biểu thị lòng tôn kính với hoàng đế Trung hoa và triều cống.
  17. Tuy nhiên, các cuộc thám hiểm này không nhằm mục đích chiếm đóng đất đai hoặc là kiểm soát vùng biển này. Từ những cuộc thám hiểm như thế này và các cuộc thám hiểm bé hơn đã là cơ sở để vẽ ra bản đồ Trung Quốc và bản đồ các vùng đất bên ngoài. Những bản đồ về “thế giới trong mắt Trung Quốc” không hề thể hiện là các vùng đất liền, hải đảo và đại dương này thuộc chủ quyền Trung Quốc, mặc dù chúng thường được diễn giải như vậy bởi Trung Quốc và các học giả Trung Quốc để hỗ trợ cho lập luận của nước này rằng quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, và 80% diện tích Biển ĐNA là vùng đất lịch sử và vùng biển của Trung Quốc.[11] Thế chiến thứ hai, đế quốc Nhật và ý đồ kiểm soát biển Đông Nam Á Sự bất ổn tại biển ĐNA chỉ xảy ra khi Nhật Bản, trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã cố gắng mở rộng quyền kiểm soát của họ trên Biển ĐNA.[12] Để chống lại sự mở rộng của Nhật Bản, và để bảo vệ các thuộc địa của họ, năm 1933 Pháp, một mình và đôi khi với sự khuyến khích của Anh, đã chính thức yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) ở vùng biển ĐNA. Trường hợp ngoại lệ là đảo Pratas (mà Trung Quốc gọi là Đông Sa) chỉ một mình Trung Quốc yêu sách chủ quyền và hiện nay đang kiểm soát đảo này. Trung Quốc từ ý đồ sở hữu Hoàng Sa và Trường Sa Kể từ sự sụp đổ của chủ nghĩa bành trướng Nhật Bản và chủ nghĩa thực dân phương Tây sau Thế chiến II, quá khứ đế quốc của Trung Quốc dường như đang trỗi dậy, có vẻ như đang cố gắng khôi phục lại vinh quang đã qua của mình. Ngay sau khi chiến tranh, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách gặm nhấm từng bước biển ĐNA. Quá trình này bắt đầu với tuyên bố của Chu Ân Lai về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1951, và tiếp tục với những bước đi thận trọng để chiếm các đảo này khi Trung Quốc cảm
  18. thấy đủ an toàn để làm như vậy. Trong tuyên bố năm 2000, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra các lý do sau đây để viện dẫn cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa:[13] Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với quần đảo Nam Sa [Trường Sa – tên gọi của Việt Nam] và các vùng nước lân cận. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện và đặt tên cho quần đảo là Nam Sa và là quốc gia đầu tiên thực hiện chủ quyền đối với quần đảo này. Chúng tôi có lịch sử phong phú và bằng chứng pháp lý để chứng minh điều đó và cộng đồng quốc từ lâu đã công nhận điều đó. Trong Thế chiến II, Nhật Bản phát động các cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc và chiếm phần lớn lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm cả quần đảo Nam Sa. Điều này đã được nêu rõ trong Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Potsdam và các văn bản quốc tế khác rằng tất cả các vùng lãnh thổ Nhật Bản đã bị đánh cắp từ Trung Quốc cần phải được giao lại cho Trung Quốc, và lẽ tự nhiên, chúng bao gồm quần đảo Nam Sa. Tháng 12 năm 1946, Chính phủ Trung Quốc sau đó đã gửi quan chức cao cấp đến quần đảo Nam Sa để khôi phục chủ quyền. Lễ tiếp quản đã được tổ chức trên quần đảo và một tượng đài đã được dựng lên trong dịp kỷ niệm đó, và các binh sĩ đã được gửi qua làm nhiệm vụ đồn trú. Năm 1952 Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố rằng Nhật Bản từ bỏ tất cả của nó "quyền, tên gọi và yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan, đảo Bành Hồ cũng như các quần đảo Nam Sa và Tây Sa", do đó chính thức trả lại quần đảo Nam Sa cho Trung Quốc. Tất cả các nước đều thấy rõ đây là một phần của nền lịch sử. Như một vấn đề của thực tế, Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa trong một loạt các hội nghị quốc tế và thông lệ quốc tế sau đó.
  19. Phần trích dẫn trên có nhiều tuyên bố sai so với sự thật. Hoàn toàn sai khi tuyên bố rằng Tuyên bố Cairo và Potsdam đã quyết định rằng quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) được trả lại Trung Quốc. Cũng hoàn toàn sai khi nói rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa. Đúng là Nhật Bản đã được yêu cầu phải từ bỏ tất cả các vùng đất mà họ đã chiếm đóng nhưng không có lệnh nào yêu cầu Nhật Bản trả Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Trên thực tế, đề nghị của Liên Xô về việc này đã bị bác bỏ.[14] Thật ra đề nghị của Liên Xô, chỉ sau tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa của Chu Ân Lai một tháng, là nhằm bành trướng khu vực kiểm soát cho khối cộng sản mà lúc đó Trung Quốc là một thành viên. (Các phân tích và tài liệu tham khảo với các sự kiện năm 1951 được liệt kê trong bảng phụ lục về biên niên sử các sự kiện liên quan đến biển ĐNA đã được kèm trong bài viết, và sẽ không được lặp lại ở đây). Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa bằng cách trích dẫn hai quyển tự điển do công ty tư nhân ở Mỹ vẽ và xuất bản thì quả thật là chuyện khôi hài. Chuyện khôi hài này vẫn còn trên mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.[15] Mỹ đứng ngoài tranh chấp? Trước khi Mỹ phát biểu ở Hà Nội vào tháng 7 năm 2010 khẳng định lần đầu sự quan tâm của Mỹ về hòa bình ở Biển ĐNA, về quyền tự do lưu thông trên biển, sẵn sàng hổ trợ việc đàm phán đa phương các tranh chấp giữa các nước, tức là gạt bỏ chính sách của Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương, cần phải chỉ ra một điều quan trọng là Hoa Kỳ đã không thể hiện bất kỳ mối quan tâm nào đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa kể từ năm 1950[16] cho đến năm 2010. Đây là lý do Trung Quốc tiếp tục tiến công vào Biển ĐNA, chiếm các đảo nằm trong tay Việt Nam, một nước được coi là thù địch với Mỹ, và hù dọa các nước khác. Chỉ gần đây, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố:
  20. “Hoa Kỳ luôn khẳng định chính sách cơ bản của chúng tôi liên quan đến yêu sách chủ quyền gây tranh cãi ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), gần đây nhất tại Đối thoại Shangri-La 2009, nơi Bộ trưởng Gates nói rằng Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền và ủng hộ một giải pháp hòa bình để đảm bảo quyền tự do hàng hải”[17] “Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi chính sách không đứng về bên nào trong tranh chấp yêu sách chủ quyền hợp pháp ở Biển Nam Trung Hoa. Nói cách khác, chúng tôi không đứng về bên nào trong tuyên bố về chủ quyền đối với các đảo cũng như các dải đất khác ở Biển Nam Trung Hoa, hoặc là miền biển (như vùng lãnh hải) có hiệu lực dựa trên cơ sở vùng đất lãnh thổ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ quan ngại về các yêu sách chủ quyền đối với “vùng lãnh hải” hoặc bất kỳ vùng biển nào không dựa trên cơ sở vùng đất lãnh thổ. Những tuyên bố về vùng biển như vậy không phù hợp với luật quốc tế, như đã được phản ánh trong Công ước Luật Biển của LHQ”[18] Gậm nhấm chờ thời của Trung Quốc Chính sách gặm nhấm của Trung Quốc đã được tính toán cẩn thận và căn thời điểm để tránh càng nhiều càng tốt bất kỳ phản ứng đáng kể nào của thế giới. Năm 1974, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) ở quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ do quân đội miền Nam Việt Nam quản lý ngay sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris 1972 về chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Việc này diễn ra đúng vào thời điểm miền Bắc Việt Nam, đồng minh của Trung Quốc đang phải tập trung nỗ lực vào cuộc chiến. Năm 1988, Trung Quốc một lần nữa hành động, sử dụng vũ lực chiếm đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa vốn thuộc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhằm đặt chân lên quần đảo Trường Sa. Việc này được thực hiện vào thời điểm hải quân Liên Xô ở Vịnh Cam Ranh, Việt Nam gần như không
  21. còn hoạt động do tình hình hỗn loạn ở Liên bang Xô Viết và đó cũng là lúc Việt Nam bị cô lập với quốc tế do vấn đề Campuchia. Việc giành quyền kiểm soát một cách lén lút của Trung Quốc đối với đảo Vành Khăn ở Trường Sa từ tay Philippines không được phát hiện cho đến năm 1994 và 1995, và nó đã được tính toán xảy ra đúng vào thời điểm Hoa Kỳ đã được chính phủ Philippines yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự ở nước này. Tuy nhiên, có một việc nằm ngoài kế hoạch của Trung Quốc là vào thời điểm này, Trung Quốc đang đối mặt với sự tẩy chay của cộng đồng quốc tế do việc đàn áp bạo lực tại quảng trưởng Thiên An Môn năm 1989. Thế nhưng, đó cũng có thể là hành động được Trung Quốc tính toán trước, như là một phép thử cần thiết về phản ứng đối với Trung Quốc một khi nước này có hành động đối với đồng minh thân cận của Mỹ. Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo này chỉ là một bước đi ban đầu để tiến đến mục tiêu tham vọng hơn nhiều là kiểm soát toàn bộ Biển ĐNA. Trung Quốc đã xuất bản bản đồ 9 đoạn hình chữ U hầu như bao trọn vùng nước đại dương thuộc biển ĐNA như lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra một tuyên bố rõ ràng và cung cấp các luận chứng cho tuyên bố của mình. [19] Từ chờ thời đến biểu dương sức mạnh quân sự Tuy nhiên, năm 2009, phản ứng trước việc Malaysia và Việt Nam đăng kí chung về thềm lục địa lên Ủy ban về ranh giới ngoài thềm lục địa của LHQ ngày 6/5/2009, Trung Quốc cũng đã trình lên Ủy ban này tuyên bố về vùng nước rộng lớn bao quanh “đường ranh giới” 9 đoạn mà Trung Quốc vẫn chưa xác định rõ trên bản đồ.
  22. Tuyên bố ngày 7/5/2009 viết, “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở biển Nam Hải và các vùng nước lân cận, và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và các tầng đất dưới bề mặt vùng biển đó (xem đính kèm)”. Vùng nước liên quan của Trung Quốc trên thực tế là “những tuyên bố về vùng lãnh hải hoặc bất kỳ vùng biển nào không dựa trên cơ sở vùng đất lãnh thổ”, mối quan ngại không chỉ của Mỹ mà tất cả các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bản đồ kèm theo (bản đồ số 1 dưới đây) là đường chữ U chín đoạn gãy, nhưng không có tọa độ chính xác rõ ràng, đã được Trung Quốc chính thức nộp cho Liên Hợp Quốc nhằm nói lên rằng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc gồm tới hơn 80% Biển ĐNA. Bản đồ số 2 tương tự như bản đồ số 1 được sử dụng để thể hiện không chỉ đòi hỏi của Trung Quốc mà còn mở rộng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn vào khu vực 200 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế của hầu hết các nước ở khu vực ĐNA, bao gồm Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
  23. Bản đồ 1: Lãnh hải trong khu đường gạch chữ U Trung Quốc nộp cho Ủy ban Giới hạn Thềm Lục địa của Liên Hợp Quốc (UN’s commission on the Limits of the Continental Shelf) Bản đồ 2: Nguồn: UNCLOS và CIA, trên BBC News: shtml Tuyên bố của Trung Quốc nếu được thực hiện sẽ cho phép Trung Quốc được toàn bộ Biển ĐNA và đẩy Mỹ và các cường quốc khác ra khỏi khu vực. Tuyên bố này đã làm thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lo ngại ở hai điểm. Trước tiên, quyền của các nước ASEAN đối với các khu dầu mỏ, quyền đánh bắt cá và khai thác tài nguyên dưới lòng đất khác sẽ bị hạn chế nghiêm trọng. Ví dụ, Việt Nam và Exxon Mobile hợp tác khai thác dầu khí ở giếng dầu Rồng Xanh (Blue Dragon) và bờ đá Vanguard nằm trong thềm lục địa Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nằm trong đường ranh giới chữ U của Trung Quốc. Hai là, như đã thể hiện rõ ở bản đồ 2, biển ĐNA sẽ là một hồ nước không thể chối cãi của Trung Quốc nếu đường ranh giới chữ U của Trung Quốc được chấp nhận. Chấp thuận
  24. yêu sách của Trung Quốc về quyền cấm tàu và máy bay quân sự nước ngoài đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc là chấp nhận rằng Trung Quốc có được quyền lực quân sự hiếm có để kiểm soát Biển ĐNA. Sau tuyên bố chính thức về đường chữ U, Trung Quốc thực hiện nhiều cuộc diễn tập Hải quân lớn và liên tục tại Biển Đông,[20] một phần để thử sức mình, nhưng phần lớn là nhằm hù dọa các nước về sực mạnh quân sự của mình. Sau khi không thấy phản ứng của các cường quốc, Trung Quốc tiến xa hơn, tuyên bố chính thức coi biển ĐNA là “lợi ích cốt lõi” của họ, giống như Đài Loan, Tây Tạng mà họ sẵn sàng dùng võ lực để bảo vệ.[21] Một sĩ quan Trung Quốc giấu tên ở Quảng Châu, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với giọng vừa hiếu chiến nhưng cũng khá thực tế là “vài hòn đảo ở Nam Sa và Tây Sa hiện bị các nước khác chiếm đóng Hiên nay, có vẻ như không có biện pháp giải quyết nào khác ngoài việc dùng vũ lực. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến các cuộc chiến tranh trường kỳ. Các đảo này nằm xa lục địa, nhiều cái không người ở, cho nên giả dụ chúng tôi chiếm lại được thì cũng khó bảo vệ.”[22] Chính sách của Đặng Tiểu Bình qua câu nói thao quang dưỡng hối [韬光养晦, tao quang yang hui], có nghĩa là dấu sáng, nuôi cơ hội, phải chăng đã lỗi thời? Cơ hội mới này phải chăng là khả năng làm bá chủ biển ĐNA hay bị thế giới lên án là một cường quốc hiếu chiến vô trách nhiệm? Điều này đẩy Mỹ phải thay đổi chính sách về Biển ĐNA. Trong Diễn Đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ở Hà Nội vào ngày 22 và 23 tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hellary Clinton đã khẳng định “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc tự do lưu thông hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển ở châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông". Mỹ cũng cho rằng tìm kiếm giải pháp tranh chấp lãnh thổ là “ưu tiên ngoai giao hàng đầu” và khẳng định Mỹ “ “sẵn sàng hổ trợ cho đàm phán đa phương nhằm giải quyết các yêu sách đối kháng về đảo.” và coi Calling the resolution of the territorial disputes "a leading diplomatic priority,"[23], [24] Bài diễn văn đã được 11 nước lớn khác tham dự ủng hộ.[25] Quan điểm mới của
  25. Mỹ là nhằm trả lời thách thức của Trung Quốc. Trung Quốc tỏ ra bất ngờ về thái độ của Mỹ. Dù sao đây là cuộc đối đầu dài lâu mang tính chiến lược vì an ninh kinh tế và quốc phòng của các nước phương Tây và các đồng minh của họ ở châu Á. Nó khác hẳn với cuộc chiến tranh ở Afghanistan chỉ mang tính cục bộ chống khủng bố. Cuộc đối đầu này có thể rất tốn kém cho Mỹ vì Mỹ phải tập trung không chỉ xây dựng sức mạnh hải quân mà cón sức mạnh quân sự ở đất liền. Cuộc đối đầu nhằm cân bằng sức mạnh mang tính phiêu lưu của Trung Quốc, dù mang tính chất gìn giữ hòa bình, sẽ khó thực hiện dài lâu nêu dân chúng thế giới, đặc biệt là dân chúng Mỹ và dân chúng ASEAN không ủng hộ. Thế của Mỹ sẽ yếu đi nếu các nước ASEAN không đạt được một thỏa thuận nào quan trọng nhằm chặn đứng hành động bạo lực của Trung Quốc, thí dụ như việc luật hóa được “Tuyên bố về Hành vi của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa” ra đời năm 2002.[26] Và đằng sau đề nghị hợp tác của Trung Quốc Để che giấu mối đe dọa đó, Trung Quốc luôn kêu gọi hợp tác trong việc khai thác chung các nguồn tài nguyên. Lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra đề nghị với Philippines mà sau đó Việt Nam cùng tham gia Thỏa thuận thăm dò địa chấn hải dương chung ở một số khu vực của biển Nam Trung Hoa, gọi tắt là JMSU 7/2005. Thỏa thuận ba bên này giữa Philippines, Trung Quốc và Việt Nam nhằm thăm dò trữ lượng dầu và khí ở Biển Nam Trung Hoa đã hết hiệu lực vào tháng 7/2007 và không được ký lại khi Chính phủ Philippines phải đối mặt với sự phản đối gay gắt từ phía Nghị viện và báo chí nước này.[27] Ai cũng có thể dễ thấy là không thể hợp tác trên cơ sở là các nước phải chấp nhận chủ quyền trên toàn Biển ĐNA của Trung Quốc. Tham vọng kiểm soát biển Đông Nam Á
  26. Với mục tiêu đảm bảo cho tham vọng kiểm soát biển ĐNA của Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc đã xây dựng căn cứ tàu ngầm tại đảo Hải Nam, có khả năng đáng kể trong việc gài mìn trong biển, chương trình chống tên lửa đạn đạo, và phát triển và đầu tư công nghệ quân sự được thiết kế để thách thức hải quân Mỹ tiếp cận vào vùng biển Đông Á, và có kế hoạch xây dựng các tàu sân bay.[28], [29] Chiến lược được Trung Quốc đưa ra rõ ràng nhằm bao quanh biển ĐNA như vùng lãnh thổ của Trung Quốc và ngăn chặn những lực lượng bên ngoài xâm nhập vào vùng nước được nước này yêu sách chủ quyền. Đồng thời, mục tiêu của chiến lược này là ngăn cấm các quốc gia như Việt Nam đánh bắt cá trong vùng hình chữ U, và trên thực tế Trung Quốc đã triển khai thực hiện từ tháng 5/2009. Đây là hành động chuẩn bị cơ sở cho việc khai thác tài nguyên tích cực trong đường ranh giới chữ U với sự bảo vệ của hải quân Trung Quốc. Cách diễn giải “độc đáo” luật biển quốc tế của Trung Quốc liên quan đến chính quyền của quốc gia ven biển nhằm hạn chế hoặc ngăn cấm các hoạt động quân sự nước ngoài ở vùng đặc quyền kinh tế là một phần trong kế hoạch nhắm tới của Trung Quốc là thực hiện độc quyền kiểm soát quân sự của Trung Quốc tại không gian biển bên trong đường chữ U. Sự kiểm soát này tương tự như sự kiểm soát để thực hiện chủ quyền đối với lãnh hải Trung Quốc” [30] Rõ ràng hơn, Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã nói về cuộc gặp gỡ Đô đốc Trung Quốc năm 2009 như sau: " khi chúng tôi – Trung Quốc xây dựng tàu sân bay, liệu chúng ta có thể đưa ra một thỏa thuận: Hoa Kỳ sẽ ở phía đông của Hawaii, chúng tôi sẽ ở lại phía tây của Hawaii và chúng tôi có thể giúp Mỹ tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc di chuyển tới tất cả các đường ở phía tây Thái Bình Dương. Các bạn sẽ cho chúng tôi biết điều gì đang diễn ra và các bạn đang ở đâu, và chúng tôi sẽ thông tin về
  27. những gì đang xảy ra và vị trí của chúng tôi. Tất cả mọi thứ sẽ thật tuyệt. Tôi đã từ chối lời đề nghị của ông ta.” [31] Thật khó để hình dung Trung Quốc, quốc gia đã phải chịu nhiều đau khổ từ chủ nghĩa đế quốc Nhật và phương Tây có thể sử dụng cách tiếp cận tương tự để đe dọa các quốc gia khác như cách Trung Quốc đã làm trước khi phương Tây đến châu Á. Sự khăng khăng được lặp lại nhiều lần của Trung Quốc rằng Trung Quốc có chủ quyền “không thể thương lượng” – “non-negotiable”[32] và “không thể tranh cãi” [33] đối với các quần đảo ở biển ĐNA không nhất quán với lời kêu gọi của Trung Quốc về việc khai thác chung ở vùng biển ĐNA với các bên tuyên bố khác, trừ khi điều Trung Quốc thực sự muốn là khu vực khai thác chung là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ĐNA, nơi mà vùng đặc quyền kinh tế của các nước này chồng lấn với đường ranh giới chữ U do Trung Quốc tuyên bố. Đường ranh giới chữ U không dựa trên cơ sở lịch sử cũng như pháp lý nào. Bài viết này sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề chính liên quan đến nội dung khái quát trên, nhằm đánh giá các yêu sách chủ quyền trên cơ sở các văn bản lịch sử và luật pháp quốc tế. Không có tài liệu lịch sử mới nào được giới thiệu trong bản nghiên cứu này. Tuy nhiên, một sự nghiên cứu kĩ lưỡng hơn đối với các văn bản có sẵn hiện nay có thể cung cấp những sự diễn giải mới mẻ. Cùng với việc nghiên cứu kĩ lưỡng luật pháp quốc tế, việc kiểm tra lại các văn bản lịch sử hi vọng sẽ mở ra những cuộc đàm phán nhiều bên một cách hợp lý hoặc đưa tới phân xử quốc tế dựa trên cơ sở thực tiễn, hơn là những hành động mang đậm chủ nghĩa dân tộc. Ít nhất, với các nước thành viên ASEAN, những quốc gia sẵn sàng đàm phán và những người không có động lực trong việc kiểm soát biển ĐNA, việc xem lại thực tế có liên quan hi vọng sẽ giúp dẫn tới một giải pháp công bằng và hợp lý.
  28. Phần II Xem xét lại những yêu sách dựa trên “chủ quyền lịch sử” Mục tiêu của phần II Phần này dựa trên các công trình nghiên cứu quan trọng, các tác phẩm được chấp nhận rộng rãi về lịch sử của một số tác giả bao gồm: nghiên cứu về khai thác và thương mại trên biển của Trung Quốc, của tác giả Marwyn S. Samuels mang tên Contest for the South China Sea[34] vai trò của các cường quốc phương tây ở biển ĐNA trong đầu thế kỉ 20, Stein Tonnesson mang tên The Age of European Decline,[35] Tạp chí Tạp San Sử Địa[36] (1974) bao gồm nhiều thông tin giá trị và các văn bản tiếng Việt viết bằng tiếng Hán và đã được dịch ra tiếng Việt. Bài viết cũng sử dụng các nghiên cứu gần đây như Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Nhã ở Việt Nam.[37] Rất quan trọng là việc xem xét lịch sử chính thống Trung Quốc của Hồ Bạch Thảo nhằm xác định xem Hoàng Sa và Trường Sa có bao giờ chính thức là đất Trung Quốc chưa. Để làm việc này, ông đã dịch các phần liên quan trong Minh Sử (Ming shi, 明史), Thanh Sử Cảo (Qing Shi Gao, 清史稿, Lịch sử vương triều Thanh), xem xét Đại Thanh Nhất thống Toàn đồ (Da Qing Yi Tong Quan Tu (大清一統全圖), bản đồ đầy đủ của vương triều Thanh).[38] Ngoài ra các bản dịch mới và chính xác hơn các văn bản chính thức bằng tiếng Hán của Việt Nam trong thời chúa và vua Nguyễn ở thế kỉ 18 của Hồ Bạch Thảo cũng được sử dụng ở đây. Cùng với các tài liệu trên là quyển sách nghiên cứu hết sức quan trọng về lịch sử tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển ĐNA giữa Pháp và Trung Quốc trên
  29. cơ sở diễn giải luật quốc tế: Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands của nhà luật học Monique Chemillier- Gendreau.[39] Về mặt lý luận pháp lý cụ thể, tác giả cũng đã tham khảo bài viết giá trị của Từ Đặng Minh Thu.[40] Một số tranh cãi pháp và diễn giải pháp lý cũng đã được viện dẫn từ bài viết thông minh và công bằng của Brice Clagett, “Competing Claims of Vietnam and China in the Vanguard Bank and the Blue Dragon Areas of the South China Sea.”[41] Chỉ một số vấn đề được thảo luận trong phần chính này, tuy nhiên, những phần còn lại không phải ít quan trọng hơn, đã được đưa vào trong biên niên biểu các sự kiện liên quan đến lịch sử và xung đột ở Biển ĐNA với nhận xét và/hoặc kết luận được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu khác. Biên niên biểu được kèm trong phụ lục ở cuối bài viết bao gồm không chỉ các sự kiện, thời gian quan trọng có liên quan đến tranh chấp ở Biển ĐNA được sưu tầm bởi các nghiên cứu đã nêu trên mà còn kèm theo các nhận xét và giải thích. A. Những yêu sách của Trung Quốc Trung Quốc đưa ra hai yêu sách riêng biệt và không liên quan với nhau: Yêu sách về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, và yêu sách về các vùng nước trong đường ranh giới 9 đoạn hình chữ U tại Biển ĐNA như là vùng nội thuỷ. Như vậy Trung Quốc đã yêu sách chủ quyền không chỉ tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong biển ĐNA cùng với các vùng liên quan như vùng nước lân cận, đáy biển và các tài sản thuộc các tấng đất mà còn yêu sách toàn bộ biển cùng với đáy và các tài sản thuộc tầng đất trong đường hình chữ U đã được trình lên Liên Hợp Quốc năm 2009 như đã được đề cập tới trong phần bối cảnh.
  30. Yêu sách đầu tiên về các hòn đảo và các khu vực lân cận, vùng nước dựa trên đất liền ít nhất cũng tương thích với luật quốc tế. Yêu sách thứ hai về chủ quyền đối với vùng biển không bắt nguồn từ đặc tính của đất liền có chủ quyền là không phù hợp với luật pháp quốc tế và không được hỗ trợ bởi các tài liệu lịch sử hay bởi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, hoặc tự nguyện hoặc hoàn toàn đồng ý. Yêu sách thứ hai về vùng nước trong đường hình chữ U chỉ hợp lý nếu biển ĐNA luôn được thế giới coi là vùng nước lịch sử của Trung Quốc và nếu Trung Quốc luôn có đủ khả năng kiểm soát nó và đã thuyết phục các quốc gia khác theo cách này hay cách khác chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc từ trước đến nay. Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát biển ĐNA và không ai chấp nhận điều này vì rõ ràng là các quốc gia khác luôn luôn có quyền tự do đi lại ở đây mà không phải xin phép ai. Yêu sách thứ hai cũng không phù hợp với Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc. Công ước Luật biển không chấp nhận khái niệm “vùng biển lịch sử”. Tuyên bố thứ hai cũng ngược với Tuyên bố về Lãnh hải của Trung Quốc năm 1958 (Declaration on China’s Territorial Sea of 1958) và Luật năm 1992 về Lãnh hải và Vùng Tiếp giáp (China’s 1992 Law on the Territorial Sea and the Contiguous Zone), trong đó đề cập tới vùng biển cả như một thứ để chia tách các hòn đảo, ví dụ như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khỏi đất liền và các đảo ven bờ. Điều 1 của Tuyên bố về vùng Lãnh hải của Trung Quốc viết như sau: Bề rộng của lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là mười hai hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Trung Quốc đại lục và các hòn đảo ven biển của nó, cũng như Đài Loan và các đảo lân cận của Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, Nam Sa (Trường Sa), và tất
  31. cả các hòn đảo khác thuộc Trung Quốc nằm cách đất liền và các đảo ven biển của Trung Quốc bởi các vùng biển cả.[42] Văn bản này tuyên bố rằng có vùng biển cả nằm giữa đại lục cùng vùng cao nguyên ven biển của đại lục và tất cả các hòn đảo khác. Vùng biển cả mà tuyên bố này đề cập tới không còn tồn tại khi Trung Quốc công bố đường chữ U. Luật năm 1992 về Lãnh hải và các Vùng Tiếp giáp của Trung Quốc đã làm cho yêu sách chủ quyền về “các vùng nước lịch sử” trở nên vô lý, thiếu nhất quán. Giống như Tuyên bố về Lãnh hải năm 1958, luật năm 1992 chỉ đưa ra tuyên bố lãnh hải 12 hải lý bao quanh đất liền mà nó yêu sách chủ quyền, cộng với vùng tiếp giáp 12 hải lý cho các mục đích hải quan và các mục đích tương tự như vậy. Luật này không nêu ra “vùng biển lịch sử” hoặc bất kỳ cơ sở nào cho các quyền về biển khác hơn là các vành đai biển thuộc về đất liền. Ông Brice M. Clagett viết như sau [43] “Không có ví dụ nào tồn tại trong luật pháp quốc tế hiện đại mà một nước đưa ra yêu sách chủ quyền – càng không có ví dụ nào mà nước đưa ra tuyên bố như vậy lại được các nước khác hay cộng đồng quốc tế cho phép hoặc công nhận – để nhằm mở rộng lãnh hải (và/hoặc đáy biển) vin vào cớ có sở hữu “lịch sử”. Thậm chí, nếu Trung Quốc có thể chỉ ra rằng từ thời xa xưa khi ngư dân Trung Quốc đánh bắt độc quyền ở các khu vực này thì Trung Quốc cũng không thể thiết lập sở hữu “lịch sử” đối với biển và/hay đáy biển. “No instance exists in modern international law in which a state has made a claim – much less in which a state has had such a claim allowed or recognized by other states or by the international community – to broad expanses of maritime space (and/or its seabed) on the basis of an alleged "historic" title. Even if China could show that from time immemorial its citizens exclusively had navigated and fished
  32. in the entire South China Sea, such a showing would not even begin to establish a "historic" title to the sea and/or seabed.” Bằng việc yêu sách chủ quyền đối với vùng nước, vùng nước mà không xuất phát từ đất liền và không tương xứng với luật quốc tế, Trung Quốc có thể sử dụng điều này như một lý do để ép các nước khác phải chấp nhận yêu cầu của họ. Mối đe doạ tiềm ẩn này đã tạo ra việc đẩy mạnh chạy đua xây dựng quốc phòng ở khu vực Đông Nam Á và có thể dẫn đến hậu quả khó lường khi tuyên bố của Trung Quốc không hợp pháp và bị phản đối về mặt đạo đức ở cấp độ quốc tế. 1. Bằng chứng phải là chính sử, tài liệu chính thức của nhà nước trung ương Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là dựa trên các tài liệu mà kẻ du hành và các nhà thám hiểm viết ra và dĩ nhiên, theo công pháp quốc tế, không phải là các tài liệu chính thức của chính phủ có thể dựa vào để chứng minh chủ quyền và sự kiểm soát chính thức của Trung Quốc ở các quần đảo này. Các bản đồ cổ mà các học giả Trung Quốc sử dụng cũng không phải là bản đồ chính thức. Thực tế, chúng là những bản đồ vẽ về thế giới, cái mà, dĩ nhiên, sẽ bao hàm cả Biển ĐNA cũng như các nước bị Trung Quốc coi là chư hầu và các nước nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc. Những nơi có tên trong những bản đồ ấy không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc chưa bao giờ coi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ của mình. Thậm chí cuối thế kỷ 19, Trung Quốc vẫn không coi Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này được đánh dấu bởi các sự kiện liên quan đến hai tàu La Bellona và Imeji Maru. Hai tàu này bị chìm gần quần đảo Paracels (Hoàng Sa), một tàu chìm năm 1895 và tàu còn lại chìm năm 1896. Các ngư dân từ đảo Hải Nam, Trung Quốc đã nhặt được đồng từ xác tàu vỡ đem bán lại cho các hãng tàu. Công ty bảo hiểm của hai con tàu này đã phản đối chính phủ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Khâm sai Quảng Đông rrả lời Công
  33. sứ Anh tại Băc Kinh rằng "Paracels là những hòn đảo vô chủ (nguyên văn: bỏ không) chẳng thuộc Trung Quốc cũng như chẳng thuộc An Nam, về mặt hành chính chúng không nằm trong địa phận của quận huyện nào ở Hải Nam và cũng không có cơ quan đặc trách nào lo việc cảnh sát ở đó cả."[44]. Sự kiện này tuy nhỏ nhưng cũng có thể giúp khẳng định là Trung Quốc không coi quần đảo này thuộc họ vào lúc đó. Chúng ta hãy xem Trung Quốc chứng minh và bảo vệ tuyên bố của họ như thế nào. Như đã được phản ánh trong quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và trong Tuyên bố năm 2000,[45] Trung Quốc viết như sau: Vấn đề (1) về phát hiện: Người Trung Quốc là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự phát hiện sớm nhất của người Trung Quốc về quần đảo Nam Sa (Trường Sa) có thể truy nguyên ngược về nhà Hán. Yang Fu thời Đông Hán (năm 23- 220 sau công nguyên) nói về quần đảo Trường Sa trong cuốn sách của ông ta với tựa đề Dị vật Chí (Yiwu Zhi), đọc là: Zhanghai Qitou, shui quian er duo cishi” (“Có các đảo nhỏ, cồn cát, bãi đá và các rạn san hô ở biển Nam Trung Hoa, vùng nước ở đây không sâu và đầy các đá hoặc sỏi có từ tích.” [46] Vấn đề (2) về ghi chú trong bản đồ: Trung Quốc cho rằng “Changsa” có nghĩa là Paracels (tên Việt là Hoàng Sa và “Shitang” (Thạch Đường) có nghĩa là Trường Sa va rằng chúng đã được ghi lại trong Bản đồ toàn lãnh thổ và Địa lý, thủ phủ thuộc các triều đại trước đã được in thời nhà Minh, và Bản đồ lộ trình cũng được in thời Minh, nhuận sắc và sử dụng thời Thanh, được sử dụng như “một hướng dẫn về phương hướng cho ngư dân Trung Quốc trong các chuyến đi của họ tới quần đảo Tây Sa và Nam Sa”. Ở các bản đồ này, có thể tìm thấy từ “Thạch Đường” thay cho từ Nam Sa được sủ dụng ngày nay. [Chú thích của tác giả: Các
  34. danh từ riêng về bản đồ ở trên viết bằng tiếng Anh, không có nguồn gốc tiếng Hán, nên không rõ tên và nguồn gốc thật của chúng.] Vấn đề (3) về hoạt động của dân chúng: Trung Quốc là nước đầu tiên phát triển quần đảo Trường Sa: “Hướng dẫn tới biển Nam Trung Hoa năm 1868 có ghi nhận các hoạt động của ngư dân Trung Quốc tại trong vùng biển Nam Sa. [Chú thích của tác giả: Các danh từ riêng về bản đồ ở trên viết bằng tiếng Anh, không có nguồn gốc tiếng Hán, nên không rõ tên và nguồn gốc thật của chúng.] Vấn đề (4) về thực hiện chủ quyền nhà nước: Trung Quốc là nước đầu tiên thực hiện thẩm quyền ở quần đảo Nam Sa. Điều này được thực hiện từ thời nhà Nguyên. Trong thời Nhà Thanh, Trường Sa được đánh dấu như là lãnh thổ của Trung Quốc trong nhiều bản đồ như: “Bản đồ về phân chia hành chính của toàn Trung Quốc trong bản đồ vẽ 1724 các tỉnh của vương triều nhà Thanh. Bản đồ phân chia hành chính của toàn Trung Quốc trong bản đồ vẽ năm 1755 các tỉnh vương triều nhà Thanh, Bản đồ 1767 Toàn Trung Quốc của Đại Thanh trong mười ngàn năm, và Bản đồ định vị vẽ năm 1810 Toàn Trung Quốc của Đại Thanh trong 10 nghìn năm, và Bản đồ vẽ 1817 Toàn Trung Quốc của Đại đế Thanh trong 10 nghìn năm ” .[Chú thích của tác giả: Các danh từ riêng về bản đồ ở trên viết bằng tiếng Anh, không có nguồn gốc tiếng Hán, nên không rõ tên và nguồn gốc thật của chúng.] Về vấn đề (1) về việc phát hiện, có thể đúng là Trung Quốc là nước đầu tiên viết về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi vì Trung Quốc đã phát triển hệ thống chữ viết vào thời gian đó. Tuy nhiên, có thể không đúng nếu như cho rằng người Trung Quốc là người đầu tiên phát hiện ra những quần đảo này. Rất có thể những người rất giỏi đi biển của Vương quốc Chăm ở miền Trung Việt Nam hiện nay đã phát hiện ra chúng từ lâu trước người Trung Quốc, nhưng những người này lúc đó chưa có chữ viết nên không thể viết ra được.
  35. Cần có sự phân biệt rõ ràng về mặt khái niệm giữa nhận thức về mặt địa lí và sự khám phá. Hiệu quả về mặt pháp lý của chúng cơ bản khác nhau. Thực tế trong trường hợp này không có tài liệu nào, ngoài việc cho phép chúng ta nhận biết về mặt địa lý các đảo hay biết tới những chuyến đi riêng lẻ của một số ngư dân, có thể cho phép chúng ta kết luận rằng Chính phủ Việt Nam hay Trung Quốc đã thực hiện các hành động, có thể coi là thực thi quyền sở hữu dù chỉ là một cách tượng trưng trước thế kỉ 18, trước khi Hoàng đế Gia Long của Việt Nam thực hiện quyền lực ở Hoàng Sa.[47] (Ý nghĩa của Hoàng Sa sẽ được thảo luận trong phần tuyên bố của Việt Nam). Tất nhiên đã có sự có mặt của dân quân chúa Nguyễn gửi ra đảo từ những năm 1760 và được ghi trong Phủ Biên Tạp lục của Lê Quí Đôn, nhưng việc Đàng Trong của chúa Nguyễn có phải là một quốc gia độc lập không là vấn đề có thể tranh cãi. Hơn nữa, trên cơ sở tiền lệ trong luật quốc tế, yêu sách chủ quyền dựa trên một vùng đất vô chủ (terra nullius) chỉ là sở hữu chưa hoàn chỉnh và mới là bước đầu/phôi thai; nó cần được chuyển thành một sở hữu thực tế thông qua việc thực thi quyền lực liên tục: sở hữu hiện thực, liên tục, không bị gián đoạn, của bên yêu sách chủ quyền trước khi yêu sách chủ quyền đó có hiệu lực. Bà Monique Chemillier Gendreau đã viết về học thuyết đã được phát triển giữa thế kỷ trước và đã được khẳng định trong các hành xử thực tế về ngoại giao và tiền lệ phân xử [48] qua quan điểm pháp lý quốc tế như sau: “Phát hiện đi kèm với sự khẳng định công khai về chủ quyền tạo ra, không hơn không kém, quyền sở hữu tạm, chưa hoàn chỉnh,có khả năng loại bỏ các nước thứ 3 khỏi lãnh thổ nơi quyền này áp dụng, trong một thời gian cần thiết cho sự phát triển của quyền sở hữu thông qua việc chiếm giữ, nhưng không phải vô hạn định, mà đủ thời gian để người sở hữu có thể bổ sung bằng việc chiếm hữu thực sự, việc phát hiện không thể thay thế cho việc chiếm hữu thực sự.”
  36. “Discovery accompanied by a public affirmation of sovereignty creates no more than an inchoate title capable of removing third States from the territory to which it applies, during the time necessary for its development through occupation, but not indefinitely, as it is enough to enable its possessor to supplement it by actual occupation, that cannot be a substitute for it.”[49] “ tuyên bố về chủ quyền không chỉ dựa trên một vài hành động hay sở hữu cụ thể như một hiệp ước nhượng lại mà còn dựa trên sự triển khai liên tục về quyền lực, liên quan đến hai yếu tố mà mỗi yếu tố ấy phải được thể hiện rõ sự tồn tại thực tế của: ý định và ý chí thực hiện chủ quyền, và một số hành động thực hiện cụ thể và hay triển khai phô trương quyền lực này.” “ a claim to sovereignty based not upon some particular act or title such as a treaty of cession but merely upon continued display of authority, involves two elements each of which must be shown to exist: the intention and will to act as sovereign, and some actual exercise or display of such authority.”[50] “Đối với yêu cầu giành chủ quyền thông qua việc cư trú, hành động chiếm hữu chủ động, liên tục, và không gián đoạn là đòi hỏi của các đạo luật từ thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 – một nguyên tắc luật mãi cho đến năm 1885 mới được công nhận tại Hội nghị Berlin. Những tuyên bố của hội nghị này không có giá trị hồi tố.” “For to require of the acquisition of sovereignty by occupation an active taking of possession, uninterrupted and permanent, is to apply to acts dating from the 18th century and the early 19th century a principle of law not proclaimed until 1885 by the Berlin Conference; the declarations of that Conference cannot have retroactive effect.”[51] Trung Quốc đáng lẽ có thể đã đạt được sở hữu tạm, không đầy đủ nhưng đã không đưa ra tuyên bố yêu sách chính thức về chủ quyền trong suốt hơn 1 ngàn năm. Sau này Trung Quốc tuyên bố chính thức thì lại đến sau khi Việt Nam đã tuyên bố
  37. chính thức và đã hoạt động ở trên những quần đảo Hoàng Sa trong một thời gian dài mà không có sự phản đối của bất cứ nước nào. Điều này sẽ được bàn cụ thể thêm ở phần sau. Các vấn đề (2), (3), và (4) về việc thực thi quyền sở hữu (ghi trên bản đồ, và sự hiện diện của người Trung Quốc), Trung Quốc và tất cả các học giả của họ đều dựa trên bản đồ phổ thông, do tư nhân thực hiện hoặc tài liệu du lịch, không phải tài liệu quốc gia chính thức, để chứng minh cho yêu sách chủ quyền của họ hoặc là cố tình phân tích sai. Tuy nhiên, theo thực tiễn luật quốc tế hiện nay, chỉ những yêu sách được đưa ra bởi nhà nước và được phản ánh bằng các hành động của chính quyền trung ương mới có thể có hiệu lực pháp lý (Vấn đề này sẽ được bàn thêm sau này). Không thể xác định các văn bản nêu trong Tuyên bố 2000 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vì không có tài liệu tham khảo. Bản đồ Lộ trìnhđề cập dường như chỉ là một tài liệu hướng dẫn chỉ đường cho các ngư dân. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kiểm tra một số tài liệu được các học giả Trung Quốc đề cập và sử dụng như là bằng chứng chứng minh quyền sở hữu của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một trong những văn bản quan trọng mà các học giả Trung Quốc viện dẫn là Mộng Lương Lục (Meng Liang Lu 梦梁录, Ghi chép giấc mơ về thủ đô) do Ngô Tự Mục (Wu Zimu (吴自牧) viết năm 1275. Nó miêu tả Hoàng Sa theo cách mà bây giờ chúng ta biết, gần tuyến đường vận chuyển từ Trung Quốc tới phương Nam, đi dọc theo bờ biển của Việt Nam: “Sau khi đi được 70 chang, họ đi vào Thất Châu Dương (Ch’i- Chou Yang) (biển 7 đảo) và tiến xa hơn tới biển K’n-lun (tức Poulo Condore), Sha-mo, She-lung, và Tao-chi, (họ đã gặp) những con sóng lớn cao tới thiên đàng. Hơn nữa, gần với các đảo và đá, biển rất nông và tàu của họ có khả năng bị đập tan. Họ hoàn toàn phụ
  38. thuộc vào kim chỉ nam, và chỉ cần lệch hướng một chút, họ sẽ trở thành mồi cho cá. Những người đi biển từ thời cổ xưa đã phải kêu lên rằng: “Đi ra, sợ Thất Châu, trở về sợ Côn Đảo.”[52] Thất Châu Dương, Ch’i-Chou Yang (七洲洋, Qi Zhou Yang, trong tiếng phiên âm mới thay vì kiểu Wade-Giles, là tên Trung Quốc gọi biển từ phía Hồng Kông đi theo phía đông và xuống phía nam đảo Hải Nam, tới khoảng miền trung Việt Nam và K’un-lun là Poulo Condore hay tên của hòn đảo Côn Đảo hiện nay đang nằm ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam. Những chuyến đi biển được mô tả ở đây, nếu là nhằm phục vụ mục đích thương mại, chắc chắn là không thể qua Trường Sa bởi chúng rất xa tuyến đường vận chuyển gần bờ biển Việt Nam. Marwyn S. Samuels khi xem xét tài liệu về đô đốc và cũng là nhà thám hiểm nổi tiếng đầu nhà Minh là Trịnh Hòa (Zheng He 郑和 hay phiên theo Wade-Giles của Samuels là Cheng Ho) (1371-1433) – người đã từng vượt biển ĐNA với 3 nghìn con tàu và hơn 20.000 lính – cho rằng hầu hết các báo cáo chính thức và những ghi chép/hồ sơ về các chuyến đi đã bị mất hoặc bị phá hủy do chính sách chống hàng hải sau này của nhà Minh. Những bản tường thuật còn sót lại viết bởi Mã Hoan (Ma Huan 馬歡) năm 1435 và được đặt tên là Doanh Nhai Thắng Lãm (瀛涯胜览Ying gai sheng lan, Triumphant Vision of the Ocean Shores) chỉ nhắc lại những gì đã từng được viết bởi Ngô Tự Mục (Wu Zimu). [53] Những tài liệu này không phải là chính sử. Vị trí của tuyến đường vận chuyển thường xuyên cho phép ta kết luận là người đi tàu thuyền có thể thấy Paracels (Hoàng Sa) và Macclesfield Bank (Trung Sa theo tên Trung Quốc gọi). Coi bản đồ Biển ĐNA ở dưới.
  39. Bản đồ 3. Biển ĐNA và vị trí đường hàng hải và địa danh thời cổ [54] Samuels kết luận: “ Cần phải lưu ý rằng cho tới nay không có các nguồn trích dẫn nào đề cập đến Trường Sa. Chắc chắn rằng, các tài liệu tham khảo mang tính chất mơ hồ chung chung liên quan đến Vạn lý Thạch Đường có thể bao gồm các rạn san hô, đá, những bờ cát và các đảo nhỏ của biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, giả định rằng Thất Châu Dương chính là vùng biển ngay vùng đông nam đảo Hải Nam, điều xác định dễ chấp nhận hơn là vạn lý thạch đường ở vị trí quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và Macclesfield Bank (Trung Sa).” Trịnh Hòa (Zhenghe) đã có thể cắm cờ Trung Quốc trên toàn bộ biển ĐNA và biến nó trở thành một cái hồ của Trung Quốc, nhưng ông ta đã không bao giờ làm như vậy, và cũng không có lý do hay chứng cứ rõ ràng là ông ta đã đi qua khu
  40. Trường Sa qua điều Ngô Tự Mục viết đã dẫn ở trên và qua điều Samuels diễn giải. Các nhà chức trách Trung Quốc chưa từng để mắt tới biển ĐNA mãi cho đến năm 1902 khi phái Lý Chuẩn ra đó xem xét lần thứ nhất và năm 1909 ra đó dựng cờ chủ quyền.[55] Ngay cả khi Trung Quốc chú ý tới biển ĐNA, họ quan tâm nhiều hơn tới các vùng đất có thể chiếm đóng hơn là vùng biển chỉ có những hòn đảo nhỏ bé và ít tài nguyên được thấy vào lúc đó, chẳng hạn lúc đầu chỉ để ý đến đảo Phú Lâm (Woody Islet) trong quần đảo Paracels (Hoàng Sa). Rất ngạc nhiên là nhiều học giả Trung Quốc như Teh-Kuang Chang[56] đã sử dụng những cuốn sách du lịch viết bởi hay viết lại sau khi nghe thủy thủ và các nhà thám hiểm Trung Quốc nói. Các sách mà mà ông ta đề cập tới trong bài là sách của người du lịch và thám hiểm, chỉ dẫn gồm: “Mộng Lương lục/ Meng Liang Lu (Record of a Day-Dreamer) thời nhà Tống, Đảo Di chí lược/ Dao Yi Zhi Lu (Beef Account of the Islands) thời nhà Nguyên, Đông Tây dương khảo/ Dong Xi Yang Kao (Studies on the Oceans East and West) và Thuận phong tương tống/ Shun Feng Xiang Song (Fair Winds for Escort) thời nhà Minh, Chỉ nam chính pháp/ Zhi Nan Zheng Fa (Compass Directions) và Hải Quốc văn kiến lục/ Hai Guo Wen Jian Lu (Records of Things Seen and Heard About the Coastal Regions) thời nhà Thanh (Qing dynasty) và Canh lộ bạc [bộ] / Geng Lu Bu (Manuals of Sea Routes) sách hướng dẫn cho dân chài của nhiều thế hệ.” Những tấm bản đồ về vùng đất bên ngoài cương vực Trung quốc (trong các bản đồ thế giới theo con mắt hạn hẹp của người Trung Quốc lúc đó) cũng được sử dụng để chứng minh rằng biển ĐNA là một cái hồ của Trung Quốc và để khẳng định những vị trí được đề cập tới như, “changsha, Trường Sa” cho quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và “shitang, Thạch Đường” cho quần đảo Spratlys (Trường Sa) là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.[57] Với học giả nước ngoài, không hiểu văn hóa Trung Quốc, không phân biệt nổi đâu là sách gì, thì việc làm của học giả Trung
  41. Quốc có ảnh hưởng nhất định, chính vì thế mà các bài viết của các tác giả trên mới đượcc xuất bản ở các tạp chí khoa học nước ngoài. Những vùng đất bên ngoài ở phía Đông Trung Quốc thường được gắn với di (Yi, 夷 chỉ những người man di ở phía Đông), chư phiên(zhufan, 諸番 chỉ tất cả những người man di hay người nước ngoài) hoặc lịch sự hơn là thiên hạ (tianxia, 天下) có nghĩa là thế giới. Những tấm bản đồ của các triều đại (ví dụ, 清 本 圖 – Qing ben tu, Thanh bản đồ, bản đồ trên cơ sở nhà Thanh, bao gồm cả các nước được đặt dưới sự thống trị của Trung Quốc hoặc được coi là chư hầu. Ví dụ, tác giả Jian Ming Shen, người đã tự nhận là có ảnh hưởng đến việc viết Tuyên bố năm 2000 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (nói đến ở trên), đã trích lời giáo sư Wu Fengbin của Đại học Hạ Môn, người đã dùng các bản đồ hay những cuốn sách sau như là chứng cứ: Thanh giáo quảng bị đồ (Shengjiao Guang beitu, 聲教廣被圖, Map of the Vast Reach of [China's Moral] Teaching, 1330), Dư địa đồ(Yudi Tu, 與地圖, Terrestrial Map-bản đồ vùng đất thêm vào, 1311-1320) do nhà đạo học Zhu Siben (朱思本) vẽ, Đông nam hải di đồ(Dongnan Hai Yi Tu, 東南海夷圖, Map of Barbarians in the Southeast Sea-bản đồ của người man di ở Biển Đông Nam Á), Tây nam hải di đồ, Xinan Hai Yi Tu, 西南海夷圖, Map of the barbarians in the Southwest Sea-bản đồ của người man di ở Biển Tây Nam Á). Ít nhất một số bản đồ này với chữ Yi (man di) là nói về người nước ngoài, bản đồ phát triển ảnh hưởng của đạo đức Trung Quốc hoặc về vùng đất thêm cũng là bản đồ nói về các nước ngoài cương vực Trung Quốc. Và tất cả những bản đồ nói đến ở trên được dùng làm chứng cứ là do cá nhân vẽ, không thuộc chính sử. Dạng bản đồ này được miêu tả khá kỹ lưỡng trên Wikipedia [58], có kết hợp một số công trình nghiên cứu quan trọng về các bản đồ Trung Quốc, có sự đóng góp quan trọng của giáo sư Richard J. Smith của Đại học Rice.[59] Tấm bản đồ Thanh giáo quảng bị đồ(Shengjiao Guang beitu) mà giáo sư Wu Fengbin (đã mất) đề cập
  42. đến là nguồn gốc của những tấm bản đồ khác về “thế giới” nhìn dưới quan điểm của một học giả Trung Quốc, không phải là một tấm bản đồ chính thức. Theo Giáo sư R. J. Smith, bản đồ này do Lý Trạch Dân (Li Zemin) vẽ năm 1330 dưới thời nhà Nguyên. Dự địa đồ (Yudi Tu) là do một nhà sư Đạo giáo tên là Châu Tư Bản (Zhu Siben, (朱思本) vẽ trong khoảng thời gian từ 1311-1320, dựa trên cơ sở chuyên khảo địa lý Trung Quốc có tên Cửu Vực Chí (Jiuyu Zhi, 九域志) của ông năm 1297, nhưng cũng đã bị thất lạc. Đông nam hải di đồ (Dongnan Hai Yi Tu) và Tây Nam hải di đồ (Xinan Hai Yi Tu) được xem là bản sao của một nửa phía Nam của Thanh giáo quảng bị đồ (Shengjiao Guang beitu) do La Hồn Tiên (Luo Hongxian, 羅洪先) vẽ năm 1555 nhưng tên của hầu hết những địa điểm này ngoại trừ khu vực duyên hải và các đảo đã bị lược bớt/không được nhắc đến. Tất cả những tấm bản đồ này xuất phát từ cùng một nguồn và là những tấm bản đồ của thế giới, từ “Yi” (夷) nói lên tất cả và hé lộ rằng không có gì là ngạc nhiên nếu như “changsa” chính là ‘Hoàng Sa’ và ‘shitang” là “Trường Sa.” Nó chỉ nói lên đó là địa danh nằm ngoài cương vực nước Trung Quốc. Monique Chemillier-Gendreau đã tóm lược đánh giá cô đọng của bà về một danh sách dài những văn bản của Trung Quốc mà các học giả nước này đã viện dẫn là ‘không có giá trị làm bằng chứng”, như sau: Trong một số tài liệu của Trung Quốc, trích dẫn từ các công trình nghiên cứu địa lý được dùng hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc đối với các hòn đảo. Và những hòn đảo này thực sự đã được đề cập và mô tả mặc dù đó là những công trình nghiên cứu các quốc gia khác chứ không phải mô tả Trung Quốc, chúng không có giá trị làm bằng chứng. Giống như tất cả các nhà địa lý học tìm kiếm các dữ liệu phổ quát, các nhà địa lý Trung Quốc và những người chép biên niên sử tập trung vào miêu tả tỉ mỉ các vùng lãnh thổ, mà không nhất thiết đặt dưới chủ quyền của Trung Quốc. [60]
  43. 2. Chứng cứ hành xử chiếm đóng thường trực, dài lâu trước Việt Nam? Rốt ráo, yêu sách chủ quyền là một vấn đề trong quan hệ luật pháp giữa các quốc gia dựa trên nguyên tắc “chiếm giữ, để tạo được yêu sách chủ quyền lãnh thổ, phải có hiệu lực, đó là, thực hiện một số bảo đảm nhất định đối với các quốc gia khác và công dân của họ.”[61] Trung quốc đã không đáp ứng được điều kiện pháp lý này, tức là khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa trước khi Gia Long, Hoàng đế Việt Nam làm điều này. Những tài liệu chính thức của Trung Quốc soạn bởi các sử gia hoàng gia dưới triều Minh và triều Thanh chưa từng đề cập tới quần đảo Hoàng sa và Trường Sa là những vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Hồ Bạch Thảo lập luận rằng Đài Loan, một hòn đảo rất lớn và rất gần với Trung Quốc đại lục mà nhà Minh không thâu tóm vào thành một bộ phận lãnh thổ Trung Quốc thì khó cho rằng họ xem Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Những cư dân đầu tiên trên đảo Đài Loan là người Austronesian, và năm 1624 bị Hà Lan chiếm làm thuộc địa. Chỉ sau đó, Đài Loan mới tiếp nhận một dòng người Hán Trung Quốc từ khu vực tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Với dân số Trung Quốc lớn, năm 1662, Zheng Cheng-gong, (郑成功, Trịnh Thành Công), một người trung thành với nhà Minh, đã đánh bại người Hà Lan và thành lập một cơ sở hoạt động trên hòn đảo này. Lực lượng của Zheng sau đó bị triều Thanh đánh bại năm 1683, từ đó Đài Loan thuộc Trung Quốc. Từ Hồ Bạch Thảo xem xét Minh Sử (Ming Shi, lịch sử triều Minh, 明史) [62] trong bài viết của ông. Đây là bộ lịch sử chính thức về triều Minh nhưng được chuẩn bị ở thời nhà Thanh, trong đó có viết về nước ngoài Trung Quốc từ quyển (卷) 320 tới quyển 325. Đài Loan được gọi là Kê Lung Sơn (Ji Long Shan, (雞籠山) được nhắc trong quyển 323, chuyện số 211 (列傳第Liezhuan Di 211), ngoại quốc số 4 (外國四, waiguo 4). Như vậy Đài Loan được coi là nước ngoài.
  44. Hãy xem ghi chép của vương triều nhà Thanh, cuốn Khâm định Đại Thanh Nhất Thống Chí (Qinding Da Thanh Yi Tong Zhi, (钦 定大清一统志).[63] Theo quyển số 1, sách đã được thực hiện theo yêu cầu của Vua Càn Long (乾隆) trong năm cầm quyền thứ 8 (1743) và gồm 424 quyển. Cuốn Khâm định Đại Thanh Nhất Thống Chí là tư liệu hoàng gia và do đó, phản ánh thực tế những vùng đất có chủ quyền của Trung Quốc. Nghiên cứu các văn bản này, Nguyễn Quang Ngọc[64] không tìm thấy bất kì tham khảo nào về bất kì cái tên nào tương ứng với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như Vạn lý Thạch Đường (Wanli Shitang, 萬里石塘), hay Thiên lý Trường Sa (Qianli Changsha, 千里長沙). Với những tài liệu sẵn có trên mạng như thế này của Trung Quốc, ta có thể dễ dàng kiểm chứng kết luận này. Hồ Bạch Thảo cũng xem xét cuốn Thanh Sử Cảo (Qing Shi Gao, 清史稿, Lịch sử vương triều nhà Thanh), tương tự như những cuốn sách về các vương triều khác của Trung Quốc, mất gần 10 năm soạn thảo thời Trung Hoa Dân Quốc va dựa vào các văn bản chính thức. Thanh Sử Cảo gồm 536 quyển. Chỉ riêng về địa lý, bộ này gồm 28 quyển, tuy nhiên, các tên về Hoàng Sa và Trường Sa như Vạn lý Thạch Đường (Wanli Shitang, 萬里石塘), Thiên lý Trường Sa (Qianli Changsha,(千里長沙) và những tên hiện tại như Tây Sa ( Xisha, (西沙) và Nam Sa (Nansha, 南沙) cũng không xuất hiện trong bất kỳ văn bản nào.[65] Theo Thanh Sử Cảo, tỉnh Quảng Đông được chia làm 6 đạo (道), Đảo Hải Nam nằm trong đạo Quỳnh Nhai (Qiong Ya dao (琼崖道). Đạo Quỳnh Nhai bao gồm phủ Quỳnh Châu (Qiong Zhou fu, 琼州府) và Nhai Châu (Ya Zhou, 崖州). Không hề có chỗ nào cái tên Hoàng Sa và Trường Sa hoặc biển ĐNA được nhắc tới. Cùng với việc kiểm tra Thanh Shi Gao, Hồ Bạch Thảo cũng kiểm tra Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ (Da Thanh yi tong quan tu, 大 清一 統全 圖, Bản đồ hoàn
  45. chỉnh của nhà Thanh). Đây là một bản đồ rất toàn diện của nhà Thanh và đem so với cuốn Thanh Sử Cảo, các vùng đất và tên gọi hoàn toàn trùng khớp. Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ (là bản đồ được thu thập ban đầu bởi London Missionary Society và hiện thuộc Thư viện Quốc gia của Australia. Phiên bản điện tử có thể dễ dàng kiểm chứng. [66] Ngày xuất bản bản đồ có thể dự tính ở khoảng 1800 – 1899 và tác giả của bản đồ này là khuyết danh. Tuy nhiên, vì bản đồ này đã chịu ảnh hưởng của công nghệ vẽ bản đồ phương Tây, do đó, nó phải được chuẩn bị trong giai đoạn vương triều Quang Tự (Guang Xu, 光緒) khoảng 1875 – 1908. Bản đồ gồm 20 phần. Phần 1 thể hiện toàn bộ đế chế nhà Thanh, và phần 12 thể hiện tỉnh Quảng Đông. Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ cũng tương thích hoàn toàn với bản đồ Đại Thanh được xuất bản bởi ĐH Oxford năm 1910.[67] Hai bản đồ này được sao chép lại phía dưới. Phần 12 lại đi vào chi tiết địa danh Đảo Hải Nam, cũng được sao chép lại ở dưới. Cũng tương tự như Hồ Bạch Thảo, Phạm Hoàng Quân đã nghiên cứu bản đồ chính thức của Quảng Đông thời nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc, và cho thấy rằng tỉnh Quảng đông chấm dứt ở Đảo Hải Nam, và không có các địa danh Tây Sa (Paracels), Nam Sa (Spratlys) hay các địa danh Thiên lý Trường Sa, Vạn Lý Thạch Đường. Bản đồ tỉnh Quảng Đông này được xuất bản trong toàn tập Quảng Châu lịch sử địa đồ tinh túy do Phòng Lưu trữ Hồ sơ Lịch sử số 1 thuộc Tổng cục Lưu Trữ Trung ương Trung Quốc phối hợp với Cục Lưu trữ thành phố Quảng Châu công bố năm 2003. Toàn tập tuyển chọn 97 bức, gồm bản đồ thế giới, địa đồ Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông, thành phố quẩn Châu và các phủ huyện do quan chức hành chính, quân sự soạn vẽ in trong triều Thanh và thời Trung Hoa Dân Quốc.[68] Không nghi ngờ gì rằng nhà Thanh kết thúc năm 1911 không bao giờ tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và biển ĐNA. Các năm 1902 và 1909, chính quyền Quảng Đông có một số hoạt động hướng tới quần đảo
  46. Hoàng Sa nhưng không có hành động nào của Chính phủ trung ương phản ánh sự hiện diện của Nhà nước và không có một tuyên bố chính thức nào được đưa ra. (Xem biên niên sử cùng với các tài liệu tham chiếu ở footnote). Năm 1951, Chu Ân Lai, ngoại trưởng Trung Quốc, lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa, tuyên bố này đi sau tuyên bố của Pháp năm 1933 là 18 năm. Bản đồ 4. Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, phần 12. Đảo nhỏ ở phía tay trái là Đảo Hải Nam. Gần đó là Giao Chỉ (Jiao Zhi, 交趾), tên Trung Quốc gọi nước Việt Nam và Lào (Lão Qua, 老挝). Đảo lớn hơn là Đài Loan
  47. Bản đồ 5. Đại Thanh Nhất Thống Toàn Đồ, phần 12, đi vào chi tiết Đảo Hải Nam. Bản đồ 6. Trung Quốc thời nhà Thanh chấm dứt ở Đảo Hải Nam, Đại Học Cambridge xuất bản năm 1910
  48. B. Yêu sách chủ quyền của Việt Nam Việt Nam hiện nay coi toàn bộ quần đảo Hoàng Sa gồm cả hai nhóm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) trong đó có đảo Hoàng Sa, và An Vĩnh (Amphitriet) trong đó có đảo Woody (Phú Lâm) là thuộc Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố “hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam.”[69] Tài liệu nội bộ mới nhất của Ban Biên Giới Bộ Ngoại giao cho rằng: “[H]ai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII”, và: Nhà nước Việt Nam trước kia là người đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và tiến hành quản lý, khai thác với danh nghĩa Nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là những quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia nào; việc chiếm hữu và thực hiện chủ quyền của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay đối với hai quần đảo là thực sự liên tục và hoà bình phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế đương thời và hiện đại. Quan điểm pháp lý này được coi là dựa trên tài liệu lịch sử, mà ở trên đã trình bày, là trước khi Việt Nam tuyên bố chủ quyền thì Trung Quốc chưa bao giờ coi Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) cũng như Biển ĐNA là lãnh thổ của họ. Phần này sẽ xem xét yêu sách của Việt Nam dựa chứng cứ lịch sử. Paracels và Spratlys sẽ được xem xét riêng biệt. Để khỏi lẫn lộn Quần đảo Hoàng Sa và đảo Hoàng Sa, tác giả sẽ dùng danh xưng quốc tế. 1. Yêu sách về quần đảo Paracels và chứng cứ lịch sử Liệu có khi nào Hoàng Sa bao gồm toàn bộ quần đảo Paracels (Hoàng Sa)? Liệu chủ quyền của Việt Nam có được thực hiện rõ ràng và liên tục ở toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa là câu hỏi cần được trả lời.
  49. Những ghi chép lịch sử quan trọng nhất ở Việt Nam là: 1. Phủ Biên Tạp Lục (府編雜錄) do Lê Quý Đôn soạn sau năm 1776 và trước khi ông mất năm 1784; 2. Đại Nam Thực lục Tiền Biên (大南寔錄先編, Veritable Records of Pre Đại Nam) [70] and Đại Nam Thực Lục Chính Biên (大南寔錄正編, Veritable Records of Đại Nam): Cả hai cuốn xuất bản năm 1848; và 3. Đại Nam Nhất Thống Chí (大南一统志, Complete Geography of Đại Nam) bắt đầu năm 1865, và kết thúc vào năm 1882 và được in năm 1910;[71] 4. Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (大南一 統全 圖, Complete Map of Đại Nam).[72] Đại Nam Nhất Thống Chí sẽ không được thảo luận sâu bởi nó cũng phản ánh những thông tin giống như các văn bản số (1) và số (2). Cũng có nhiều văn bản lịch sử cổ khác đề cập đến quần đảo Hoàng Sa (1686), như Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư [73], nhưng chúng tôi cũng bỏ qua trong bản nghiên cứu này bởi vì bản đồ Hoàng Sa còn giữ lại, được H. Maspero nghiên cứu và được G.Dumontier vẽ lại với nhiều chi tiết hơn trong Étude sur un Portulan Annamite du XV siècle vẫn không rõ nguồn gốc cũng như không phải là văn bản chính thức quốc gia. [74] Việc bỏ qua này không phủ nhận về tính thuyết phục và sức mạnh của tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đại Nam Thực lục Chính biên là bộ sử biên niên của triều Nguyễn, trong giai đoạn 1802 – 1948. Nó bao gồm 560 quyển và được chia làm 2 phần. Phần 1, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên ghi chép các hoạt động của Chúa Nguyễn trong thời kì vương triều nhà Lê, bắt đầu với việc Nguyễn Hoàng được cử để trấn ở Thuận Hóa (1558) cho đến khi gia đình họ Nguyễn thống nhất đất nước và trị vì Đại Nam như là một
  50. vương quốc. Phần này gồm 12 quyển được viết muộn hơn bởi nhà Nguyễn dựa vào trí nhớ của những người kế nhiệm. Phần thứ 2, Đại Nam Thực Lục Chính biên ghi chép các sử kiện bắt đầu với sự ra đời của triều vua Nguyễn khi đất nước thống nhất năm 1802 cho đến thời vua Khải Định (1925). Cuốn này bao gồm 7 tập và 548 quyển. Tập dày nhất là tập 2, về thời kì vua Minh Mạng với 222 quyển. Hai phần của Đại Nam Thực Lục bắt đầu soạn từ năm 1821 dưới thời vua Minh Mạng. Các cuốn này, theo phong tục, được viết sau khi nhà vua mất do đó sẽ bao gồm các nhận xét cả tích cực và tiêu cực về hoạt động củanhà Vua nhưng phải dựa trên những ghi chép hằng ngày cũng như các quyết định do nhà vua ký với con dấu của vua. Các ghi chép và quyết định hằng ngày được sao làm 3 bản, một được giữ tại Quốc Sử Quán (Quốc Sử Quán, 国史館). Hoàng Sa (黄沙) vàTrường Sa (長沙) được nhắc đến trong quyển 52 (1816) dưới thời vua Gia Long và nhắc 4 lần trong quyển 104 (1833), quyển 122 (1834), quyển 154 (1835) và quyển 165 (1835) soạn dưới thời vua Minh Mạng.[75] Những sự kiện được ghi chép này xem như là hoạt động chính thức của nhà nước. Phủ Biên Tạp lục– xem trong Hộp 1 – ghi chép là mỗi năm các chúa Nguyễn, ngay từ những năm 1770s đã gửi tàu thuyền và các thủy thủ tới Hoàng Sa (quần đảo Hoàng Sa). Họ có thể ở lại cao nhất là mỗi năm khoảng 6 tháng. Tác giả cuốn sách, Lê Quý Đôn đã chỉ rõ rằng Hoàng Sa gần đảo Hải Nam của Trung Quốc và thậm chí viết trên cơ sở ghi chép của hoàng gia cho hay chuyện các thủy thủ được chúa Nguyễn cử tới Hoàng Sa và thuyền của họ bị trôi dạt vào đảo Hải Nam, họ bị các quan chức Trung Quốc tiếp nhận và trả lại cho Việt Nam. Vua sai các quan chức Việt Nam viết thư cảm ơn các quan chức Trung Quốc. Không nghi ngờ gì nữa rằng các quan chức Trung Quốc đã nhận thức Hoàng Sa là
  51. đảo của Việt Nam. Nếu không, các thủy thủ Việt Nam có thể đã bị bắt giữ và trừng phạt vì đã xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc. Toán thủy quân hoàng gia lên tới 70 người tiếp tục được gửi tới Hoàng Sa thời vua Gia Long và sau đó là thời vua Minh Mạng đã được ghi chép trong Đại Nam Thực lục Chính biên (xem Hộp 2), bao gồm việc xây dựng miếu, trồng cây và vẽ bản đồ các đảo. Các vua Việt Nam rõ ràng Paracels là lãnh thổ của mình và do đó đã cố gắng chỉ đạo chặt chẽ hoạt động và ghi chép vào chính sử. Mỗi năm các hoàng đế đều cử các biệt đội tới đây. Vua Minh Mạng theo chính sử đã ra lệnh vẽ bản đồ cụm đảo, trồng cây và thậm chí xây dựng miếu (xem box 2). Từ thời nhà Nguyễn ở Đàng Trong cho đến năm 1938 mà chính sử còn viết lại, suốt 70 năm, Paracels thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam. Bài viết này cho in lại sáu đoạn trong cuốn Đại Nam Thực Lục đã được dịch ra tiếng Việt. Cũng có 5 đoạn bổ sung trong các văn bản chính thức khác nhưng sẽ không được đính kèm theo tại đây vì lí do đơn giản là chúng không đưa thêm các thông tin bổ sung nào mới so với các văn bản này. HỘP 1 Phủ Biên Tạp Lục (府編雜錄) tác giả Lê Qúi Đôn (1726-1784). Ngô Thời Sĩ đề lời bạt sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn có đoạn như sau : Mùa đông năm Giáp Ngọ [1774], phụng theo ý chí cương quyết của Thánh nhân [Trịnh Sâm], tự làm tướng cầm quân, đánh lấy được thành [Phú Xuân], thu lại cõi đất đã bị mất hẳn, lại thống nhất đất nước. Mùa xuân năm Bính Thân[1776] Tướng công Quế Ðường [Lê Quý Ðôn] ta vâng mệnh làm Hiệp trấn phủ, kiêm coi việc quân. Mùa thu năm ấy khi đã về triều, có đưa sách này cho tôi coi. Trong sách này viết về hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam chép đủ sông, núi, thành ấp,
  52. ngạch lính, lệ thuế má, nhân tài, sản vật, cùng là việc họ Nguyễn đời nọ nối đời kia, Phủ biên tạp lục Quyển thứ 2, trang 51 . Tại xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển lớn có đảo núi tên là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, xưa có cư dân là phường Tứ Chính khẩn đất, phải đi biển mất 4 canh mới ra tới đó. Phía ngoài đảo này là đảo có tên cũ Ðại Trường Sa, có nhiều sản vật biển và hàng hoá tại thuyền, nên lập đội Hoàng Sa để lấy. Phải đi 3 ngày đêm mới tới, xứ này gần Bắc Hải. Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ở gần biển. Ngoài biển phía đông bắc có nhiều đảo núi lớn nhỏ linh tinh có đến hơn 110. Các núi đảo tương cách nhau bởi biển; hoặc một ngày đường, hoặc một vài canh. Trên có khe nước ngọt, giữa đảo có bãi cát vàng dài khoảng hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong nhìn đến đáy, trên đảo tổ yến nhiều vô số ; chim có đến hàng ngàn, hàng vạn quây quần xung quanh không tránh người. Trên bờ các vật lạ rất nhiều như ốc hoa văn, có loại gọi là ốc tai tượng to bằng chiếc chiếu, bụng có hạt lớn bằng ngón tay màu đục, không bằng ngọc trai, vỏ có thể tạc ra làm [mộ] bia, lại có thể chế vôi xây nhà ; có loại tên là xà cừ có thể làm đồ trang sức, có các loại ốc hương có thể muối [làm thức ăn] ; đồi mồi có loại tên là hải ba tục gọi là trắng bông, tuy giống đồi mồi nhưng nhỏ ; vỏ mỏng bên ngoài có thể chế làm đồ trang sức, trứng bằng đầu ngón tay có thể dùng để muối ăn. Có loại hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội bên bờ ; bắt được chà xát qua vôi, bỏ ruột, rồi phơi khô ; lúc ăn ướp với tương cua, ăn cùng với tôm và thịt heo thì tốt. Tàu bè các nước gặp bão bị hư tại đảo này rất nhiều.
  53. Họ Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy người xã An Vĩnh luân phiên sung vào. Mỗi năm từ tháng giêng nhận lệnh đi, mang 6 tháng lương thực, dùng 5 chiếc thuyền đánh cá vượt biển 3 ngày 3 đêm thì tới nơi. Tại đó mặc tình bắt cá chim để ăn ; nhặt được các đồ trên thuyền gồm các thứ thuộc loại bạc thiệt [kim loại bạc] như ngựa kiếm bạc, hoa bạc, tiền tệ bằng bạc, vòng bạc ; đồ bằng đồng, thiếc khối, chì đen, súng, ngà voi, sáp vàng, chăn, đồ sành sứ. Lại lấy vỏ đồi mồi, hải sâm, ốc có hoa văn khá nhiều. Ðến tháng 8 trở về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân [Huế] nạp. Sau khi cân và xét nghiệm phân loại xong, hứa cho riêng bán các vật như ốc hoa văn, hải ba, hải sâm, lãnh bằng trở về. Những đồ vật lấy được nhiều ít không chừng, có khi về người không. [Ta] từng tra sổ bạ của viên Cai đội cũ Thuyên đức hầu, vào năm Nhâm Ngọ [1762] nhặt được 30 hốt bạc, năm Giáp Thân [1764] được 5100 cân thiếc, năm Ất Dậu [1765] được 126 hốt bạc ; từ năm Kỷ Sửu [1769] đến năm Quý Tỵ [1773] trong thời gian 5 năm, được mấy cân đồi mồi, hải sâm ; có lúc có thiếc khối, bát sứ cùng 2 khẩu súng đồng mà thôi. Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, số lượng không định, dùng người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương. Kẻ tình nguyện được cấp giấy đi miễn cho thuế sưu, thuế bến đò. Họ sử dụng thuyền câu nhỏ của tư nhân đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, cù lao Hà Tiên đánh bắt đồi mồi, hải ba, cá heo, bào ngư, hải sâm ; lệnh cho đội Hoàng Sa quản nhiếp. Bất quá họ chỉ thu thái được hải sản, còn các loại hàng hoá quan trọng như vàng bạc, ít khi bắt gặp. Bãi Hoàng Sa gần với Hải Nam, châu Liêm. Người trên thuyền thường gặp người phương Bắc [Trung Quốc] đánh cá ngoài biển, hỏi thăm thì được biết họ là người huyện Văn Xương, Quỳnh Châu. Quan Chính đường sưu tra công văn trong đó kể rằng vào tháng 7 năm Càn Long thứ 18 [1753], 10 người lính thuộc đội Cát Liêm, xã An Bình, huyện Chương Nghĩa (1) đến Vạn Lý Trường Sa 萬里長沙 thu thập các vật, 8 tên lính lên bờ thu thập, chỉ có 2 người lưu lại giữ thuyền. Chợt cuồng
  54. phong nổi lên, đẩy thuyền xa đến cảng Thanh Lan 青瀾港 (2)[Trung Quốc], viên quan tại đây điều tra sự thực bèn cho áp giải trở về. Nguyễn Phúc Chu sai Cai bạ Thuận Hoá Thức lượng hầu gửi thư phúc đáp. HỘP 2 Ðại Nam Thực Lục Chính Biên Kỷ thứ nhất, quyển 52. Thế Tổ Cao Hoàng đế [Gia Long] Thực Lục Năm Bính Tý [1816] Gia Long thứ 15, tháng giêng mùa xuân. Mệnh thuỷ quân cùng đội Hoàng Sa dùng thuyền đến Hoàng Sa thăm đo thuỷ trình Ðại Nam Thực Lục Chính Biên Kỷ thứ hai, quyển 104. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [ Minh Mệnh] Thực Lục Năm Quý Tỵ [1833], Minh Mệnh thứ 14, tháng 8 mùa thu Nhà vua bảo bộ Công rằng tại biển Quảng Ngãi có một dãy Hoàng Sa, nhìn xa trời nước một màu không phân biệt được nông sâu, từ trước tới nay thương thuyền thường bị hại. Nay nên chuẩn bị thuyền bè, đến năm sau đến đó xây miếu, lập bia và trồng nhiều cây. Chờ mai sau cây mỗi ngày một lớn tốt tươi để dễ nhận biết, ngõ hầu khỏi lầm chổ cạn; đó là điều lợi vạn năm vậy.
  55. Ðại Nam Thực Lục Chính Biên Kỷ thứ 2, quyển 122. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [Minh Mệnh] Thực Lục Năm Giáp Ngọ [1834] Minh Mệnh thứ 15, tháng 3 mùa xuân Sai Giám thành Ðội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng 20 thuỷ quân đáp thuyền đến xứ Hoàng Sa, Quảng Nghĩa vẽ bản đồ rồi về. Nhà vua hỏi về sản vật tại nơi này, Sĩ tâu xứ này bãi cát rộng lớn không có bến bờ, duy có người Thanh thường đi lại đánh cá bắt chim mà thôi ; nhân đem những đồ bắt được như chim chóc, cá, ba ba, ốc, sò dâng lên ; phần lớn là những vật lạ người ta ít khi được thấy. Vua triệu các Thị thần cho xem, cùng thưởng cho những người đi tiền bạc nén có sai biệt. Ðại Nam Thực Lục Chính Biên Kỷ thứ 2, quyển 154. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [Minh Mệnh] Thực Lục Năm Ất Mùi [1835] Minh Mệnh thứ 16, tháng 6 mùa hạ Xây đền thờ thần tại đảo Hoàng Sa, Quảng Nghĩa. Tại đảo Hoàng Sa, hải phận Quảng Nghĩa có một gò cát trắng, cây cối mọc rậm rạp, giữa có giếng, phía tây nam có cổ miếu và bia khắc 4 chữ “ Vạn Lý Ba Bình ” (Gò cát trắng chu vi 1070 trượng (1) [4,7 mét x 1070 = 5029 mét], xưa có tên là núi Phật Tự. Phía đông, tây, nam bao bọc nghiêng nghiêng bởi đá san hô ; mặt nước phía bắc tiếp với đá san hô đột nhô lên một gò chu vi 340 trượng [大4,7x 340 = 1598 m], cao 1 trượng 3 xích [ 4,7 m x 1,3 = 6,11 m], ngang với gò cát, gọi là đá Bàn Than). Năm trước vua định cho xây miếu, lập
  56. bia nơi này, nhưng vì gặp sóng gió nên chưa làm được, đến nay sai Cai đội Thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đốc suất lính thợ giám thành cùng phu thuyền 2 tỉnh Quảng Nghĩa, Bình Ðịnh chở vật liệu, xây miếu (vị trí cách miếu đá cũ 7 trượng [4,7 m x 7= 32,7 m]), bên trái dựng bia, phía trước có bình phong chắn ngang ; xây suốt tuần, hoàn tất rồi trở về. Ðại Nam Thực Lục Chính Biên Kỷ thứ 2, quyển 165. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế [Minh Mệnh] Thực Lục Năm Bính Thân [1836] Minh Mệnh thứ 17, ngày mồng một tháng giêng mùa xuân Bộ Công tâu rằng vùng biển Hoàng Sa nước ta rất hiểm yếu, trước đây đã cho vẽ bản đồ, nhưng hình thế rộng rãi, chỉ vẽ được một xứ mà cũng chưa thật rõ ràng, nên hàng năm thường sai phái đi thăm dò khắp để thuộc hải trình. Xin từ năm nay trở đi mỗi năm vào hạ tuần tháng giêng chọn sai lính thuỷ cùng giám thành đáp một chiếc thuyền ô đến thượng tuần tháng 2 đến Quảng Ngãi. Rồi do hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh điều mướn dân cùng 4 chiếc thuyền hàng hải đến xứ Hoàng Sa. Ðến nơi bất luận đảo hoặc bãi cát nào đều đo chiều dài, rộng, cao, chu vi; cùng giáp biển 4 phía nông sâu ; có hay không đá hoặc bãi cát ngầm, hình thế hiểm hoặc dễ ra sao ; ghi rõ cùng vẽ bản đồ. Lại xét ngày khởi hành tại cửa biển nào, ra biển đi theo phương hướng nào đến nơi đó, cứ theo thuỷ trình kế toán ước lượng bao nhiêu dặm ; lại từ xứ đó nhìn thẳng vào bờ biển thì đối diện với tỉnh hạt nào, hướng tà [xiên] giáp với tỉnh hạt nào, ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm, nhất nhất ghi rõ, mang về trình tiến.
  57. Nhà vua chấp nhận, sai Thuỷ quân Suất đội Phạm Hữu Nhật mang binh thuyền đi, cho mang theo 10 chiếc cột gỗ đến nơi dựng lên làm tiêu chí, cột dài 5 xích [5 x 0,47m = 2,35 mét], rộng 5 thốn [0,235 mét], dày 1 thốn [0,047 mét]) trên khắc các chữ “ Minh Mệnh thập thất niên, Bính Thân, Thuỷ quân Chánh Ðội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ, chí thử lưu chí ” [Năm Bính Thân [1836], Minh Mệnh thứ 17, Thuỷ quân Chánh Ðội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh đền Hoàng Sa đo đạc, lưu lời ghi tại đây) Bổ sung vào các ghi chép chính thức của nhà nước này là các ghi chép của các nhà quan sát phương Tây về việc thực thi chủ quyền quốc gia. Giám mục người Pháp, Jean Louis Taberd viết về việc vua Gia Long cắm cờ Việt Nam tại Hoàng Sa năm 1816 như sau trong cuốn sách Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes, xuất bản năm 1833: “Nous n’entrerons pas dans l’énumération des principales iles dépendantes de la Cochinchine; nous ferons seulement observer que depuis de 34 ans l’archipel des Paracels nommé par les Annami-tes Cát Vàng ou Hoàng Sa (sable jaune) véritable labyrinthe de petits ilôts de rocs et de bancs de sable justement redoutés des navigateurs a été occupé pas les Cochinchinois. “Nous ignorons s’ils y ont fondé un établissement, mais il est certain que l’empereur Gia Long a tenu à ajouter ce singulier fleuron à couronne, car il jugea à propos d’en aller prendre possession en personne, et ce fut en l’année 1816 qu’il y arbore solenellement le drapeau cochinchinois.” "Chúng tôi sẽ không liệt kê các đảo chính của Cochinchine [Taberd dùng tên Cochinchine tức là Đàng Trong thay vì dùng quốc hiệu chính thức là Việt Nam hay Đại Nam]; chúng tôi sẽ đơn giản lưu ý rằng từ 34 năm nay quần đảo Hoàng Sa được người An Nam gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa, đó là một mê cung thực sự
  58. với các đảo đá nhỏ, của các bãi cát đúng là khiến những người đi biển sợ hãi đã được người Cochinchine chiếm đóng. Chúng ta không biết họ đã thiết lập cơ sở gì ở đó, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng Hoàng đế Gia Long đã cài thêm một bông hoa đặc biệt trên vương miện của ông, bởi ông đánh giá đó là đúng thời điểm để chính ông thực hiện quyền sở hữu quần đảo, và năm1816, ông đã cắm lá cờ Cochinchine lên đảo này" Taberd cũng đã vẽ bản đồ với độ chuyên nghiệp cao; đó là Annam Đại Quốc Họa Đồ – Tabula Geographica Imperii Ananmitici (Map of Great Annam) bao gồm quần đảo Hoàng Sa và được in trong cuốn Từ điển Việt Nam – Latin.[76] Bản đồ 7. Annam Đại Quốc Họa Đồ – Tabula Geographica Imperii Ananmitici
  59. Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825), một thủy thủ hải quân và là nhà thám hiểm người Pháp còn viết sớm hơn, ít nhất là trước khi mất vào năm 1825 về sự kiện vua Gia Long chiếm hữu Hoàng Sa chỉ vài năm trước đó trong cuốn Memoire Sur La Cochinchine, nhưng được xuất bản 100 năm sau vào năm 1925 trên Bulletin Des Amis du Vieux Hue, no. 2, 4, 6 như sau: “Topographie: Division physique.- La Cochinchine don’t le sou-verain porte aujourd’hui le titre d’Empereur, comprend la Cochinchi-ne proprement dite, le Tonquin , quelques iles habitées peu éloignées de la côte et l’archipel de Paracels, composé d’ilôts, d’écueils et de ro-Chers inhabités. C’est seulement en 1816, que l’Empereur actuel a pris possession de de cet archipe.l” "Địa hình Cochinchine, nơi mà từ đó hoàng đế hiện tại cai trị vương quốc của ông, xứ Cochinchine (Đàng Trong) trước đây và Tonquin (Đàng Ngoài) và một vài hòn đảo có người ở gần bờ và quần đảo Hoàng Sa gồm nhiều đảo và đá không người ở. Ngày 1816, hoàng đế hiện nay đã thực hiện việc chiếm hữu quần đảo này".
  60. Bản đồ 8. Paracels (Hoàng Sa) với hai cụm Lưỡi Liềm (Crescent group) và cụm An Vĩnh (Amphitrite group). Source: CIA Fact Book. Hoàng Sa trong các văn bản hiện đại của Việt Nam phản ánh toàn bộ quần đảo Paracels bao gồm cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent group) trong đó có đảo Pattle (tên Việt là Hoàng Sa) và cụm đảo An Vĩnh (Amphitrite group) trong đó có đảo Woody (tên Việt là Phú Lâm). Cụm đảo Paracels bao gồm 7 đảo nhỏ và một số dải san hô. 5 đảo nhỏ chính là Pattle (Hoàng Sa), Money (Quang Ảnh), Robert (Hữu Nhật), Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond) and Triton. Đảo nhỏ Pattle hay tên tiếng Việt là đảo Hoàng Sa không phải là đảo lớn nhất nhưng về quân sự lại là đảo quan trọng nhất trong cụm đảo Crescent. Nó chỉ có
  61. diện tích là 0,3 km2 nhỏ hơn nhiều so với đảo Woody ở cụm Amphitrite, đảo có diện tích 2,5km2. Đảo Pattle gần đất liền Việt Nam và rất quan trọng cho quốc phòng của Việt Nam vì vài nguyên nhân. Đảo Hoàng Sa đã được sử dụng như trung tâm hành chính của Pháp và hải quân miền Nam Việt Nam. Trạm khí tượng cũng được Pháp xây dựng vào năm 1938. Đảo này có Miếu Bà.[77],[78] Ở đảo Woody (Phú Lâm, Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) Trung Quốc cũng tìm thấy Miếu Bà. Nên Miếu Bà mà vua Minh Mạng ra lệnh xây năm 1835 không biết là xây ở đâu. Do đó thông tin như thế chưa thể giúp cho việc xác định vua chúa Việt Nam có ra lệnh thủy thủ tới nơi nào trong hai đảo quan trọng trên không. Tác giả bài viết này trong bản thảo trước đây đã cho rằng điểm đến thường xuyên quân nhà Nguyễn tới phải là đảo Pattle (Hoàng Sa) trong khu Crescent (Lưỡi Liềm) vì nó gần đường hàng hải mà tàu bè thường qua lại dọc phía tây biển ĐNA, tức là cạnh khu Lưỡi Liềm (Crescent), và do đó là nơi tàu dễ gặp nạn và là nơi vua chúa Việt Nam ra lệnh thủy thủ hàng năm ra đó thu lượm những phẩm vật có giá trị còn lại từ các tàu đắm, điều đã được viết rất rõ trong Phủ biên tạp lục (xem Hộp 1). Các vật có giá trị bao gồm: "bạc như ngựa bạc và thanh kiếm, hoa, tiền xu ; bài đồng, các chất liệu chì, súng, ngà voi, vàng hộp, chăn và gốm và sứ. Họ cũng thu thập được rất nhiều kệ rùa biển, dưa biển (hải sâm), ốc với thiết kế trang trí". Đảo Tri Tôn cũng nằm trong cụm đảo Crescent được xác định là nơi người ta có thể tìm thấy nhiều Hải sâm và baba [79] và sự mô tả này hoàn toàn phù hợp với mô tả trong Đại Nam Thực lục. Các ghi chép lịch sử còn lại của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn hoàn toàn không đề cập rõ về hai cụm đảo của quần đảo Hoàng Sa. Không nghi ngờ gì khi các vua Nguyễn đều có nhận thức về toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nhưng nếu khu Lưỡi Liềm (Crescent) là nơi có nhiều tàu đắm và là nơi có thể thu lượn sản phẩm giá trị thì nó phải là nơi mà vua chúa Nguyễn cử thủy binh tới. Ở đây