Tiếng Việt - Văn học và phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học

pdf 297 trang phuongnguyen 3781
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tiếng Việt - Văn học và phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftieng_viet_van_hoc_va_phuong_phap_day_hoc_tieng_viet_o_tieu.pdf

Nội dung text: Tiếng Việt - Văn học và phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo Dự án phát triển giáo viên Tiểu học Văn học Giáo trình đào tạo giáo viên Tiểu học Hệ Cao đẳng Sư phạm Biên soạn: Cao Đức Tiến (Chủ biên) Dương Thị Hương Hà Nội – 2005 Lời nói đầu 1
  2. Để góp phần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiểu học, Dự án phát triển giáo viên tiểu học đã tổ chức biên soạn các môđun đào tạo theo chương trình Cao đẳng sư phạm và chương trình liên thông từ Trung học sư phạm lên Cao đẳng sư phạm; biên soạn các môđun bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật những đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục tiểu học theo chương trình, sách giáo khoa tiểu học mới. Điểm mới của tài liệu viết theo môđun là thiết kế các hoạt động, nhằm tích cực hoá các hoạt động của người học, kích thích óc sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, tự giám sát và đánh giá kết quả học tập của người học; chú trọng sử dụng nhiều phương tiện truyền đạt khác nhau (tài liệu in, băng hình ) giúp người học dễ học, dễ hiểu và gây được hứng thú học tập. Môđun Tiếng Việt - Văn học và phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học, do nhóm tác giả trường Đại học sư phạm Hà Nội biên soạn. Mục đích biên soạn môđun Tiếng Việt - Văn học và phương pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học là giúp sinh viên Cao đẳng sư phạm có những kiến thức và kĩ năng cơ bản về Tiếng Việt, Văn học và Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở tiểu học, để họ có thể thực hành nghề nghiệp của mình một cách có hiệu quả ở bậc tiểu học. Môđun Tiếng Việt - Văn học và phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học có thời lượng là 210 tiết, gồm 14 đơn vị học trình (ĐVHT) = 5 Học phần. Cụ thể như sau: 1. Văn học (75 tiết = 5 ĐVHT) 2. Tiếng Việt (120 tiết = 8 ĐVHT) 3. Tiếng Việt thực hành (45 tiết = 3 ĐVHT) 4. Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học (90 tiết = 6 ĐVHT) 2
  3. 5. Phần gợi ý nội dung các chuyên đề tự chọn gồm 5 Chuyên đề (a. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Tiếng Việt ở tiểu học; b. Dạy học phát huy tính tích cực của học sinh tiểu học; c. Dạy học theo hướng tích hợp trong môn Tiếng Việt ở tiểu học; d. Ngữ pháp chức năng; e. Từ Hán – Việt). Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của sinh viên, mỗi học phần được biên soạn thành một cuốn sách riêng. Đây là học phần Văn học, gồm 75 tiết, thuộc môđun Tiếng Việt - Văn học và phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học. Học phần này gồm có các Chủ đề sau: + Chủ đề 1: Hệ thống hoá kiến thức về văn học Việt Nam đã học ở Trung học phổ thông (15 tiết) + Chủ đề 2: Lí luận văn học (15 tiết) + Chủ đề 3: Văn học dân gian Việt Nam (15 tiết) + Chủ đề 4: Văn học thiếu nhi Việt Nam (15 tiết) + Chủ đề 5: Văn học nước ngoài trong chương trình tiểu học (15 tiết). Lần đầu tiên, tài liệu được biên soạn theo chương trình và phương pháp mới, chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Ban điều phối Dự án rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của bạn đọc, đặc biệt là của đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường Sư phạm và giáo viên tiểu học trong cả nước. Xin trân trọng cám ơn. Dự án phát triển giáo viên tiểu học Chủ đề 1 Hệ thống hoá kiến thức về văn học Việt nam 3
  4. đã học ở trung học phổ thông (15 tiết: 8 tiết lí thuyết, 7 tiết bài tập) mục tiêu 1. Về kiến thức: + Trình bày được những đặc điểm và thành tựu của Văn học Việt Nam qua các thời kì phát triển. + Phân tích được những đặc điểm và thành tựu cơ bản của Văn học viết Việt Nam, 2. Về kĩ năng: + Cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học. + Sử dụng được các kiến thức văn học để thiết kế các bài giảng ở tiểu học theo tinh thần tích hợp. + Khái quát hoá và hệ thống hoá các hiện tượng văn học; nhận ra các qui luật phát triển của văn học Việt Nam. 3. Về thái độ: + Có tinh thần chủ động và sáng tạo trong việc sử dụng các kiến thức và kĩ năng văn học vào hoạt động dạy học tiếng Việt ở tiểu học. + Có ý thức trau dồi khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn chương và vận dụng vào dạy học Tiếng Việt ở tiểu học. II. Giới thiệu về chủ đề 1 Trong chủ đề này gồm có các tiểu chủ đề sau: A. Khái quát về những đặc điểm và thành tựu của văn học viết Việt Nam (6 tiết) 1. Thời kì từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX (1, 5 tiết) + Đặc điểm: Những nét tiêu biểu của thi pháp văn học trung đại. + Thành tựu: Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. 2. Thời kì từ đầu thế kỉ XX đến 1945 (1,5 tiết) 4
  5. + Đặc điểm: Các xu hướng, trào lưu văn học. + Thành tựu: Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. 3. Thời kì từ 1945 đến 1975 (1,5 tiết) + Đặc điểm: Các xu hướng, trào lưu văn học. + Thành tựu: Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. 4. Thời kì từ 1975 đến nay (1,5 tiết) + Đặc điểm: Các xu hướng, trào lưu văn học. + Thành tựu: Các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. B. Văn học Việt Nam trong chương trình tiểu học (2 tiết) 1. Giới thiệu và nhận xét cách tuyển chọn, sắp xếp và gợi ý hướng dẫn học tác phẩm văn học Việt Nam trong chương trình và sách giáo khoa tiểu học. 2. Hướng dẫn sinh viên tự nghiên cứu, học tập, tích luỹ các kiến thức về văn học Việt Nam để có điều kiện dạy học thật tốt ở trường tiểu học. C. Tập phân tích một số tác phẩm văn học Việt Nam, chú trọng các bài được lựa chọn trong chương trình tiểu học (6 tiết) 1. Côn Sơn ca (Nguyễn Trãi) 2. Ngày xuân (Trích Truyện Kiều của nguyễn Du) 3. Mùa thu câu cá (Nguyễn Khuyến) 4. Về thăm bà (Thạch Lam) 5. Rằm tháng giêng (Hồ Chí Minh) 6. Việt Bắc (Trích Việt Bắc của Tố Hữu). *Kiểm tra: (1 tiết) III. Điều kiện cần thiết để học tập chủ đề 1 1. Các tài liệu tham khảo cần thiết nhất về văn học Việt Nam (Sẽ được chỉ dẫn cụ thể cho việc học từng bài mục). 2. Băng hình, tranh ảnh (Nếu có). 5
  6. IV. Nội dung Như đã giới thiệu ở trên, chủ đề này có ba nội dung chính bạn cần tìm hiểu. Dưới đây là từng nội dung cụ thể của từng tiểu chủ đề. Tiểu chủ đề 1: Khái quát về những đặc điểm và thành tựu của văn học viết Việt Nam (6 tiết) Hoạt động 1: Xác định các kiến thức cơ bản về văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (1,5 tiết) Thông tin cơ bản cho hoạt động 1 Để tìm hiểu một cách khái quát về những đặc điểm và thành tựu của văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, Bạn cần có những tài liệu cơ bản dưới đây: 1. Văn học Việt Nam, Từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XVIII, Do các giả Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Sĩ Cẩn, Hoàng Ngọc Trì biên soạn, NXB Giáo dục, 1989. Trong tài liệu này, Bạn cần đọc kĩ các chương sau: Chương I. Đại cương những vấn đề thiết yếu để tìm hiểu văn học viết Việt Nam dưới thời phong kiến. Trong chương này, cần chú ý tới hai vấn đề lớn là: 1). Một số vấn đề về hệ ý thức thời phong kiến; 2). Quan hệ giữa ý thức bảo vệ, bồi dưỡng bản lĩnh, bản sắc dân tộc và khả năng tiếp chuyển tinh hoa ngoại lai qua nền văn học viết của ta dưới thời phong kiến. Tìm hiểu các vấn đề trên từ trang 31 đến trang 92. Chương II. Văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV. Trong chương này, cần chú ý tới một số điểm như sau: 1). Tình hình đất nước và văn hoá xã hội từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV; 2). Văn học thời Lí; 3).Văn học thời Trần. Tìm hiểu các vấn đề trên từ trang 93 đến trang 137. 6
  7. Chương III. Văn học thế kỉ XV. Chú ý các vấn đề sau: 1) Tình hình đất nước phục hưng sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi; 2). Đặc điểm của văn học viết thế kỉ XV. Tìm hiểu các vấn đề trên từ trang 141 đến trang 177. Chương VI. Văn học từ thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XVIII. Trong chương này, cần tìm hiểu các vấn đề sau: 1). Tình hình đất nước từ thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XVIII và đặc điểm văn học thời kì này; 2). Văn học thế kỉ XVI, hay văn học thời Lê - Mạc xung đột; 3). Văn học thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XVIII, hay văn học thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Tìm hiểu các vấn đề nêu trên từ trang 263 đến trang 302. 2. Văn học Việt Nam, Nửa cuối thế kỉ XVIII, Nửa đầu thế kỉ XIX, Do các tác giả Đặng Thanh Lê, Hoàng Hữu Yên, Phạm Luận biên soạn, NXB Giáo dục, 1990. Trong tài liệu này, Bạn cần đọc Chương I: Khái quát văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX. Đọc chương này, Bạn cần chú ý tới những điểm sau: 1).Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá tư tưởng; 2). Tình hình văn học. Tìm hiểu các vấn đề trên từ trang 5 đến trang 46. 3. Văn học Việt Nam (Từ thế kỉ X đến thế kỉ XX), Do Nguyễn Phạm Hùng biên soạn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2001. Trong tài liệu này, Bạn cần đọc Chương V: Văn học thời Nguyễn (Nửa cuối thế kỉ XIX) và chú ý tới các vấn đề sau đây: 1). Những vấn đề chung; 2). Các loại hình văn học chính. Tìm hiểu các vấn đề trên từ trang 191 đến trang 212. 4. Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Lê Trí Viễn, NXB Khoa học xã hội, 1996. 7
  8. Trong tài liệu này, Bạn cần đọc các chương sau: Chương IV: Đặc trưng văn học Việt Nam – Cao nhã; Chương V: Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam – Vô ngã và hữu ngã; Chương VI: Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam – Quy phạm và bất qui phạm. Tìm hiểu các vấn đề trên từ trang 139 đến trang 270. Nhiệm vụ + Nhiệm vụ 1: Tìm các tài liệu đã nêu ở trên (Từ nguồn sách của thư viện, của cá nhân, ) Nhiệm vụ 2: a). Đọc các tài liệu nguồn số 1, 2, 3, 4 theo những chỉ dẫn cụ thể đã nêu đối với từng tài liệu. b). Khi đọc, Bạn hãy ghi chép, hệ thống hoá các kiến thức cơ bản về văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX. Đánh giá hoạt động 1 Bạn hãy tự đánh giá về mức độ hoàn thành Hoạt động 1 của mình bằng việc trả lời các câu hỏi dưới đây: a). Những điểm nổi bật về các điều kiện lịch sử xã hội và môi trường văn hoá, tư tưởng của nền văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX là gì? b). Sự phát triển của văn học trung đại trải qua các giai đoạn như thế nào? Trong mỗi giai đoạn, những điểm nổi bật về nội dung và hình thức là gì? Bạn hãy nêu ra những nét lớn của sự vận động văn học trong nội dung và hình thức và nêu các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. c). Vì sao có thể nói nội dung yêu nước và nhân đạo là hai nội dung nổi bật và như sợi chỉ đỏ xuyên suốt nền văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX ? 8
  9. d).Bạn hiểu như thế nào về tính qui phạm trong văn học viết Việt Nam thời trung đại? Giải thích do đâu mà có những qui phạm ấy từ các điều kiện lịch sử, xã hội, văn hoá, tư tưởng của chế độ phong kiến thời trung đại. Nêu ra những dẫn chứng để thấy rằng sự vận động của nền văn học trung đại Việt Nam một mặt bị chi phối bởi tính qui phạm và mặt khác là quá trình phá vỡ những qui phạm ấy e). Bạn hãy chỉ ra những thể loại chính trong văn học viết Việt Nam thời trung đại. Chỉ rõ những thể loại nào được vay mượn từ văn học Trung Quốc và những thể loại nào là thuần tuý dân tộc. Hãy chỉ ra những tác phẩm quen thuộc về các thể loại ấy. g). Văn hoá, văn học Trung Quốc đã có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học viết Việt Nam thời trung đại như thế nào và vì sao các tác phẩm viết bằng chữ Hán trong thời kì này vẫn được coi là tác phẩm của nền văn học viết Việt Nam? Hãy chứng minh rằng xu thế dân tộc hoá là một xu thế vận động chủ yếu để phát triển của văn học trung đại Việt Nam. h). Những nhận xét và kết luận của bạn đã đầy đủ chưa? i). Bạn hãy đề xuất những vấn đề còn có vướng mắc để tổ chức sêmina dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Ví dụ: Vì sao thời kì văn học từ giữa thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX lại phát triển rực rỡ? Vì sao người phụ nữ được coi là nhân vật nổi bật trong văn học thời kì này? Hoạt động 2: Xác định những kiến thức cơ bản về văn học viết Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 (1,5 tiết) 9
  10. Thông tin cơ bản cho hoạt động 2 Để xác định được những kiến thức cơ bản về văn học viết Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945, Bạn cần có những tài liệu dưới đây: 1. Đại cương văn học, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phạm Thị Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001. Đọc ở tài liệu này phần “Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng Tháng Tám 1945”, từ trang 63 đến trang 78. 2. Văn học Việt Nam (Từ thế kỉ X đến thế kỉ XX), Nguyễn Phạm Hùng, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2001. Đọc trong tài liệu này phần “Văn học cận đại Việt Nam”, từ trang 213 đến trang 257. 3. Văn học, Lớp 11, Tập I, Phần Văn học Việt Nam, Nguyễn Đình Chú – Trần Hữu Tá (Chủ biên), Nguyễn Hoành Khung, Đặng Thanh Lê, Nguyễn Lộc, Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000 (Tái bản lần thứ tư), NXB Giáo dục, 2004. Đọc phần ba: “Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng Tháng Tám 1945”, từ trang 63 đến trang 82. Những cuốn sách nói trên được coi như tài liệu nguồn giúp Bạn tìm hiểu những nội dung của bài học này. Để giải quyết từng nội dung của bài học, Bạn cần lần lượt hoàn thành các hoạt động với những nhiệm vụ tương ứng. Bây giờ, Bạn hãy làm rõ từng khía cạnh của nội dung bài học theo các hoạt động và các nhiệm vụ gợi ý cho Bạn. Nhiệm vụ 10
  11. Để hoàn thành Hoạt động 2, Bạn cần tiến hành các Nhiệm vụ sau: Nhi•m v• 1: Hãy tìm các tài liệu đã nói ở trên (Từ nguồn sách của thư viện, của cá nhân, ). Nhiệm vụ 2: a). Đọc các tài liệu nguồn số 1,2,3. b). Khi đọc, Bạn hãy ghi chép, khái quát hoá các kiến thức cơ bản về văn học viết Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Nhiệm vụ 3: Sau khi đọc và ghi chép, Bạn hãy nêu rõ những đặc điểm của văn học viết Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Bạn cần tập trung vào những khía cạnh sau đây: + Một số điểm chung - Thời kì văn học này diễn ra chỉ gần nửa thế kỉ, nhưng có một vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Xã hội Việt Nam lúc này có nhiều thay đổi lớn dẫn đến sự thay đổi về ý thức và tâm lí con người. Đây cũng là lúc nền văn học mới ra đời, nó phát triển theo hướng hiện đại hoá, dần dần rời xa những ảnh hưởng của văn học Trung Quốc và chịu ảnh hưởng của văn học Pháp. Những xung đột giữa cái mới và cái cũ, giữa ý thức cá nhân đối với thực tại là cơ sở để tạo nên những xung đột trong sáng tác văn học. - Quá trình hiện đại hoá của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng Tháng Tám 1945 có thể nhận ra ở ba chặng như sau: * Từ đầu đầu thế kỉ XX đến khoảng 1920 (Nền văn học được hiện đại hoá bắt đầu bằng sự hình thành các thể văn xuôi quốc ngữ); * Từ những năm 20 đến khoảng 1930 (Nền văn học được hiện đại hoá đã đạt được nhiều thành tựu); 11
  12. * Từ đầu những năm 30 đến 1945 (Nền văn học được hiện đại hoá đã tiến tới một bước mới bằng nhiều cuộc cách tân sâu sắc trên các thể loại). Thời kì văn học này có những điểm cần lưu ý như sau: - Các sáng tác văn học lấy chữ quốc ngữ làm chất liệu sáng tác nghệ thuật. - Những nội dung mới do thời đại mạng lại (những tư tưởng, quan điểm thẩm mĩ, cảm xúc mới). - Những hình thức thể hiện mới (ngôn ngữ và thể loại văn học). + Các loại hình văn học Đây là thời kì nền văn học viết bằng chữ quốc ngữ đã có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội Một số thể loại cũ vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng sự xuất hiện của nhiều thể loại mới như: báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, nghiên cứu, phê bình, nghị luận đã tạo nên sự trưởng thành vượt bậc của văn học Việt Nam thời kì này. Đánh giá hoạt động 2 Bạn hãy tự đánh giá về mức độ hoàn thành Hoạt động 2 của mình bằng việc trả lời các câu hỏi sau đây: a). Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 đã được nảy sinh và phát triển trong bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá như thế nào? b). Việc hiện đại hoá nền văn học Việt Nam đã trải qua các giai đoạn nào? Hãy nêu các nội dung hiện đại hoá của mỗi giai đoạn; những thay đổi quan niệm nghệ thuật và hệ thống thi pháp; đổi mới về các thể loại văn học, ngôn ngữ , chữ viết và đội ngũ nhà văn. c). Bạn hãy nêu và phân tích những đặc điểm chính của giai đoạn văn học từ đầu thế kỉ XX đến 1945. 12
  13. d). Hãy nêu những nét tiêu biểu của các khuynh lãng mạn và hiện thực với những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của các khuynh hướng này. e). Hãy nêu các giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam thời kì từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Những thành tựu tiểu biểu của từng giai đoạn là gì? g). Văn học thời kì từ đầu thế kỉ XX đến 1945 có vị trí và ý nghĩa như thế nào trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam? Hoạt động 3: Xác định những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam từ cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975 (1,5 tiết) Thông tin cơ bản cho hoạt động 3 Để xác định được những kiến thức cơ bản của văn học Việt Nam từ cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975, Bạn cần có những tài liệu chính dưới đây: 1. Văn học Việt Nam 1945 – 1975, Tập I, Do các giả Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác, Trần Hữu Tá biên soạn, NXB Giáo dục, 1983. Trong cuốn này cần đọc: Chương I – Nền văn học mới, từ trang 3 đến trang 36; Chương II – Văn học giai đoạn 1945 – 1954, từ trang 38 đến trang 89; Chương III – Văn học giai đoạn 1955 – 1975, từ trang 91 đến trang 170. 2. Văn học, Lớp 12, Tập I, Phần Văn học Việt Nam, Hoàng Như Mai – Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên), Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá, Sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000 (Tái bản lần thứ năm), NXB Giáo dục, 2005. Trong cuốn này cần đọc Phần bốn – Văn học Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975 (Bài khái quát), từ trang 38 đến trang 55. Những cuốn sách nói trên được coi là tài liệu nguồn giúp Bạn tìm hiểu những nội dung của bài học này. 13
  14. Để tìm hiểu từng nội dung của phần này, Bạn cần lần lượt hoàn thành các hoạt động với những nhiệm vụ tương ứng. Bây giờ, Bạn hãy làm rõ từng vấn đề của nội dung bài học theo các hoạt động và các nhiệm vụ được gợi ý dưới đây. Nhiệm vụ Để thực hiện Hoạt động 3, Bạn cần tiến hành các Nhiệm vụ sau: + Nhiệm vụ 1: Tìm những cuốn sách đã thống kê ở trên (Từ nguồn sách của thư viện, của cá nhân, ). + Nhiệm vụ 2: a). Đọc các cuốn sách số 1 và 2 đã giới thiệu ở trên. b). Khi đọc, Bạn hãy ghi chép, khái quát hoá những kiến thức cơ bản về Văn học Việt Nam từ cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975. + Nhiệm vụ 3: Sau khi đọc và ghi chép, Bạn hãy khái quát những điểm chủ yếu của văn học Việt Nam từ cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975 theo những vấn đề dưới đây: + Những chặng đường phát triển của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 và những thành tựu nổi bật của mỗi chặng phát triển. + Những đặc điểm chính của văn học Việt Nam từ 1945 đến1975. + Tính đại chúng và tính nhân dân của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975. + Sự kế thừa và phát huy những tư tưởng của truyền thống văn học dân tộc trong văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975. Đánh giá Hoạt động 3 14
  15. Bạn hãy tự đánh giá về mức độ hoàn thành Hoạt động 3 của mình bằng việc trả lời các câu hỏi hoặc các vấn đề dưới đây: a). Hãy nêu rõ những chặng phát triển của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 và những thành tựu nổi bật của mỗi chặng phát triển. b). Hãy phân tích những đặc điểm chính của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 và chỉ ra mối quan hệ giữa những đặc điểm ấy. c). Tìm những dẫn chứng từ các tác phẩm đã học ở chương trình Văn học trung học phổ thông để làm sáng tỏ một đặc điểm của Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 là hướng về đại chúng và mang đậm tính nhân dân. d). Hãy chỉ rõ văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 đã kế thừa và phát huy những tư tưởng nào của truyền thống văn học dân tộc. Hoạt động 4: Xác định những kiến thức cơ bản về văn học viết Việt Nam từ 1975 đến nay (1,5 tiết) Thông tin cơ bản cho hoạt động 4 Để xác định được những kiến thức cơ bản về văn học viết Việt Nam từ 1975 đến nay, Bạn cần có những tài liệu chính dưới đây: 1. Văn học Việt Nam (Từ thế kỉ X đến thế kỉ XX), Phạm Mạnh Hùng biên soạn, NXB Đại học quốc gia Hà Nội – 2001. Trong cuốn này cần đọc Phần bốn – Vài nét về văn học Việt Nam đương đại (1975 – 1995), từ trang 335 đến trang 349. 2. Đại cương văn học, Nguyễn Văn Long- Nguyễn Thị Tuyết Nhung -Phạm Thị Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001. Trong cuốn này cần đọc Bài 4 - Những nội dung tư tưởng cơ bản của văn học viết Việt Nam, từ trang 97 đến trang 115. Những cuốn sách nói trên được coi là tài liệu nguồn giúp Bạn tìm hiểu những nội dung của bài học này. 15
  16. Để tìm hiểu từng nội dung của phần này, Bạn cần lần lượt hoàn thành các hoạt động với những nhiệm vụ tương ứng. Bây giờ, Bạn hãy làm rõ từng vấn đề của nội dung bài học theo các hoạt động và các nhiệm vụ được gợi ý dưới đây. Nhiệm vụ Để thực hiện Hoạt động 4, Bạn cần tiến hành các Nhiệm vụ sau: + Nhiệm vụ 1: Tìm những cuốn sách đã thống kê ở trên (Từ nguồn sách, của thư viện, của cá nhân; tìm thêm trên các báo, tạp chí, các bài viết tại các hội nghị, hội thảo về văn học Việt Nam trong thời ki đổi mới ). + Nhiệm vụ 2: a). Đọc các cuốn sách, tài liệu đã tìm được. b). Khi đọc, Bạn hãy ghi chép, hệ thống hoá những kiến thức cơ bản về Văn học Việt Nam từ 1975 đến nay. c). Thảo luận nhóm và chuẩn bị cho cuộc sêmina của lớp dưới sự hướng dẫn của giảng viên: Về những đặc điểm của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. + Nhiệm vụ 3: Sau sêmina, Bạn hãy khái quát những điểm chủ yếu của văn học Việt Nam từ 1975 đến nay theo những vấn đề dưới đây: a). Các giai đoạn phát triển và những thành tựu chính của mỗi giai đoạn. b). Những đặc điểm chính của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. c). Những ưu điểm và những hạn chế của văn học thời kì đổi mới. Đánh giá hoạt động 4 16
  17. Bạn hãy tự đánh giá về mức độ hoàn thành Hoạt động 4 của mình bằng việc trả lời các câu hỏi hoặc các vấn đề dưới đây: a). Hãy nêu rõ những chặng phát triển của văn học Việt Nam từ 1975 đến nay. b). Hãy nêu những đặc điểm chính của văn học Việt Nam từ 1975 đến nay và chỉ ra mối quan hệ giữa những đặc điểm ấy. c). Hãy chỉ rõ văn học Việt Nam từ 1975 đến nay đã kế thừa và phát huy những tư tưởng nào của truyền thống văn học dân tộc. d). Những ưu điểm và hạn chế của văn học Việt Nam sau 1975 là gì? Thông tin phản hồi cho các hoạt động Thông tin phản hồi cho Hoạt động 1 Những nét cơ bản của văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX a). Về văn học thời Lí - Trần Văn học Lí – Trần kéo dài từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV. Trong giai đoạn này cần chú ý những điểm như sau: + Một số điểm chung: - Đây là nền văn học viết đầu tiên của nước nhà. Nền văn học này được hình thành và phát triển trong bối cảnh vừa thoát khỏi hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Đây là thời kì nhà nước phong kiến Việt Nam hình thành và phát triển, vừa có những nét mang bản sắc riêng, vừa những nét mô phỏng phong kiến phương Bắc. Nền văn học này đã có nhiều đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược và xây dựng đất nước. - Văn học và xã hội thời Lí có sự khác nhau so với thời Trần. Con người, xã hội và văn học thời Lí chủ yếu là con người, xã hội và văn học Phật giáo. Sang thời Trần, xã hội chuyển từ xã hội Phật giáo sang xã hội 17
  18. Nho giáo, nho sĩ đã thay thế tu sĩ, văn học nhà chùa được thay bằng văn học của nhà Nho. Văn học thời Trần phát triển khá phong phú, đa dạng. - Văn học Lí – Trần chủ yếu được viết bằng chữ Hán. Đến cuối đời Trần chữ Nôm ra đời. Văn học thời kì này thường sử dụng ngôn ngữ mang tính tượng trưng, ước lệ và quy phạm. - Thể loại văn học được tiếp thu của Trung Quốc đã dần dần được dân tộc hoá để diễn tả đời sống tinh thần của người Việt. + Các loại hình văn học: Có thể phân chia các thể loại văn học thời Lí – Trần như sau: - Thơ ca : Thơ sấm, thơ suy lí (thơ Thiền), thơ trữ tình, thơ tự sự; - Biền văn: Phú, hịch, cáo, chiếu chế, biểu, tấu; - Tản văn: Văn bình luận, thư tín, ngữ lục; - Tạp văn: Luận thuyết tôn giáo; - Truyện kể: Truyện, sử, văn bia; Tuy nhiên, phải nói rằng thành tựu đạt được nhiều hơn cả là ở Thơ Thiền, Văn chiếu, Thơ trữ tình, Văn hịch, Văn phú và Truyện. b). Về Văn học thế kỉ XV Giai đoạn văn học này còn được gọi là Văn học thời Lê sơ. Cần chú ý những điểm sau: + Một số điểm chung: - Đây là một thời kì văn học phát triển rực rỡ, là sự kế tục và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của văn học thời Lí – Trần cả về cảm hứng và nghệ thuật phản ánh. - Về tư tưởng xã hội, thế kỉ XV bước vào thời kì của “Nho học độc tôn”. Nho giáo giữ địa vị bá chủ trong đời sống tinh thần của con người. - Văn học có ba khuynh hướng chính: * Văn học yêu nước; 18
  19. * Văn học thù tạc, ca tụng chế độ; * Văn học bất mãn với thời thế. + Các loại hình văn học: Cần khẳng định rằng: ở giai đoạn này, những thành tựu của các thể loại văn học thời Lí – Trần vẫn được tiếp tục phát triển. Một số thể loại văn học cũ mất dần vai trò; một số thể loại mới xuất hiện và khá nổi bật là Văn luận chiến bang giao, Cáo và Thơ Nôm thất ngôn xen lục ngôn. c). Về văn học thế kỉ XVI – nửa đầu thế kỉ XVIII Đến thế kỉ XVI, Văn học trung đại Việt Nam bước vào giai đoạn mới, có những điểm cần chú ý như sau: + Một số điểm chung: - Văn học thời kì thế kỉ XVI – nửa đầu thế kỉ XVIII tồn tại trong bối cảnh phức tạp của chế độ phong kiến Việt Nam. Sau khi vua Lê Thánh Tông qua đời (1479), xã hội phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Đất nước bắt đầu đi vào thời kì rối loạn từ các triều Lê Uy Mục, Lê Tương Dực Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều kéo dài gần 50 năm (1546 – 1592), rồi cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh cũng kéo dài gần nửa thế kỉ (1627 –1672). - Mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XIX là mâu thuẫn giai cấp. Đó là mâu thuẫn giữa các tầng lớp bị trị với các tầng lớp thống trị. Nếu ở giai đoạn trước, vấn đề số phận dân tộc được đặt lên hàng đầu, thì ở giai đoạn này, vấn đề số phận con người là vấn đề nổi bật. Văn học đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong việc đấu tranh và bênh vực cho con người bé nhỏ thoát khỏi những bất công của xã hội. - Nho giáo chiếm địa vị độc tôn, trở thành công cụ của giai cấp thống trị để quản lí xã hội và kìm hãm con người. Cũng do vậy, một tất yếu 19
  20. phải xảy ra là sự xuất hiện những tư tưởng chống đối của các tầng lớp bình dân và nhân dân lao động. + Các loại hình văn học Trong thời kì này, có các thể loại văn học đáng được chú ý là: Thơ Nôm giáo huấn, Truyện truyền kì, Phú Nôm và Diễn ca lịch sử. d). Văn học từ giữa thế kỉ XVIII - đến giữa thế kỉ XIX + Một số điểm chung: + Đây là thời kì rực rỡ nhất của lịch sử văn học cổ trung đại nước nhà, từ giữa thế kỉ XVIII đến hết nửa đầu thế kỉ XIX, tức là từ triều Lê Vĩnh Thịnh (1705 – 1719) đến trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858). Đây cũng là thời kì khủng hoảng trầm trọng nhất của chế độ phong kiến Việt Nam, được bộc lộ qua những xung đột dữ dội giữa các tập đoàn phong kiến Trịnh và Nguyễn, qua phong trào nông dân khởi nghĩa với đỉnh cao là khởi nghĩa Tây Sơn. Từ năm 1790, Nguyễn ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn, khôi phục quyền bính, thống nhất thiên hạ và thiết lập chế độ phong kiến hà khắc(1802). - Điểm đặc biệt nổi bật của giai đoạn này là: Chế độ phong kiến lung lay, rạn vỡ trước sức mạnh vùng dậy của quần chúng bị áp bức; những con người bị trị có điều kiện bộc lộ và khẳng định bản thân mình, và do vậy, đã xuất hiện những con người cá nhân với những đặc điểm lịch sử cụ thể. - Văn học chữ Nôm phát triển, đạt tới đỉnh cao nhất trong việc diễn tả thế giới nội tâm của con người. Văn học chữ Hán tiếp tục được phát triển trong điều kiện mới, theo hướng miêu tả đời sống con người với những cá tính cụ thể. - Nhân vật trong văn học thời kì này chủ yếu là người phụ nữ. Cuộc đời và số phận của người phụ nữ được khắc hoạ khá sinh động, sâu sắc và trở thành nhân vật chính của văn học thời kì này. 20
  21. - Cảm hứng chủ đạo của văn học từ thế kỉ XVI, đặc biệt là văn học thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX là phê phán, tố cáo chế độ chính trị đương thời. Còn những con người bé nhỏ, những số phận cá nhân tách khỏi trật tự xã hội đương thời thì được ca ngợi. + Các loại hình văn học Thời kì này có sự thành công rất đáng kể của các thể loại có tính dân tộc, cụ thể là: Truyện thơ Nôm, Khúc ngâm trữ tình, Hát nói, Phú Nôm, Thơ Nôm trữ tình – trào phúng, Tiểu thuyết chương hồi và Văn tế. e). Về văn học nửa cuối thế kỉ XIX + Một số điểm chung + Đây là thời kì kết thúc nền văn học cổ trung đại Việt Nam. Sau cuộc xâm lăng năm 1858, thực dân Pháp tiến hành công việc bình định trên toàn cõi Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn bất lực. Đời sống xã hội bị xáo trộn. Đó chính là những cơ sở của sự phân hoá ra các khuynh hướng tư tưởng khác nhau trong văn học như: Văn học yêu nước; văn học phê phán, tố cáo xã hội; văn học nhàn tản, thoát li; văn học yếm thế, bất lực; văn học bám gót bọn thực dân xâm lược và bè lũ bán nước. Trong các khuynh hướng nói trên thì bộ phận văn học yêu nước chống Pháp, đề cao tinh thần dân tộc và chủ nghĩa anh hùng là đáng chú ý hơn cả. + Các loại hình văn học Có nhiều thể loại đạt được những thành tựu nghệ thuật cao, tạo thành những mốc lớn trong lịch sử văn học nước nhà. Cụ thể là: Truyện thơ Nôm, Kịch bản tuồng, Thơ Nôm trữ tình và trào phúng, và Văn tế. Sau khi tự đánh giá về mức độ hoàn thành Hoạt động 1, Bạn hãy đối chiếu với những nội dung có tính chất phản hồi dưới đây để kiểm tra việc hoàn thành Hoạt động 1 của mình đã đạt được ở mức độ nào. Các nội dung phản hồi cơ bản như sau: 21
  22. 2.1.1. Những điểm nổi bật về môi trường lịch sử, xã hội, văn hoá trong giai đoạn văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX a). Về môi trường lịch sử, xã hội + Văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX tồn tại trong những điều kiện của xã hội phong kiến trung đại. Nền văn học này đã trải qua nhiều triều đại phong kiến với những giai đoạn khác nhau, song những nét chung về môi trường xã hội, văn hoá vẫn mang đậm tính chất của xã hội phong kiến trung đại cùng những đặc điểm lịch sử của thời kì Đại Việt. + Trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, đến thế kỉ thứ X, dân tộc ta đã tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập. Chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng (Năm 938) là một thắng lợi có tính quyết định. Tiếp đó là việc Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế đã mở ra một thời kì mới của nước Đại Việt. + Các triều đại phong kiến tiếp nối sau đó đều có một hướng đi chung là ra sức củng cố nền độc lập và xây dựng nhà nước theo hướng tập quyền. Cụ thể là: - Triều Lí (từ 1010 đến 1225) và triều Trần (từ 1225 đến 1400) đều tích cực xây dựng và phát triển nhà nước phong kiến độc lập, hùng mạnh, đủ sức đánh bại những cuộc xâm lăng của nhà Tống và nhà Nguyên. - Triều Hậu Lê ở thế kỉ XV, bằng cuộc kháng chiến chống nhà Minh thắng lợi, đã đạt tới đỉnh cao cực thịnh của nhà nước phong kiến Việt Nam với sự trỗi dậy mạnh mẽ của tinh thần dân tộc. + Tuy nhiên, từ thế kỉ thứ XVI trở đi, nhà nước phong kiến đã bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt. Quyền lợi của giai cấp phong kiến và các tầng lớp nhân dân không thống nhất trong những mục tiêu chung của dân tộc như trước đây nữa, mà đi dần tới sự khủng hoảng. Những mâu thuẫn giữa các tập 22
  23. đoàn phong kiến và giữa nông dân với địa chủ càng trở nên gay gắt hơn, hậu quả là: - Tình trạng cát cứ, phân tranh kéo dài suốt mấy trăm năm từ Lê – Mạc đến Trịnh – Nguyễn, đã chia cắt đất nước thành vương triều Đàng trong và vương triều Đàng ngoài. - Các cuộc khởi nghĩa của nông dân liên tiếp nổ ra mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã lật đổ tất cả mấy vương triều ở Đàng trong và Đàng ngoài, thu giang sơn về một mối và đánh tan các cuộc xâm lăng cả ở phía Bắc và phía Nam. - Triều Nguyễn đã thay thế nhà Tây Sơn, cố gắng củng cố chế độ phong kiến tập quyền, nhưng không trụ nổi trước cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Cuối cùng, đã đi đến thất bại và đầu hàng. - Vào cuối thế kỉ XIX, nước ta đã trở thành thuộc địa của Pháp và xã hội nước ta đã chuyển sang chế độ thực dân nửa phong kiến. Như vậy, chế độ phong kiến Việt Nam đã tồn tại suốt mười thế kỉ, đã trải qua những giai đoạn khác nhau nhưng vẫn không vượt ra khỏi xã hội phong kiến trung đại phương Đông. b). Về môi trường văn hoá Nền văn học trong xã hội phong kiến trung đại được coi là một bộ phận trong đời sống văn hoá tinh thần của thời ấy, nó cũng chịu sự chi phối của văn hoá, tư tưởng và tín ngưỡng của cả dân tộc trong chế độ ấy. Văn hoá Việt Nam trong giai đoạn này là một hệ thống đa dạng, bao gồm cả những yếu tố nội sinh và ngoại nhập, được thể hiện ở các phương diện: Con người trong quan niệm đạo đức, nhân sinh; tôn giáo và tín ngưỡng; quan niệm thẩm mĩ; các sinh hoạt văn hoá, phong tục tập quán, 2.1.2. Các giai đoạn phát triển Có ba giai đoạn phát triển. 23
  24. • Giai đoạn thứ nhất: từ thế kỉ X đến thế kỉ XV Giai đoạn này có những điểm đáng chú ý như sau: + Về lịch sử: Nước ta thoát khỏi hơn một nghìn năm Bắc thuộc, bước vào thời kì độc lập, tự chủ dưới chế độ phong kiến. Sức mạnh của dân tộc được thể hiện rất mãnh liệt trong xây dựng đất nước và trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở đời Lí, đời Trần và đời Lê. + Về văn học: Nền văn học viết ra đời là một bước ngoặt lớn trong tiến trình lịch sử văn học của dân tộc. Chữ Hán được sử dụng cho sáng tác văn học viết ở thời kì đầu, đến cuối thế kỉ XIII thì có thêm chữ Nôm. Những người sáng tác văn chương là vua, quan, nhà nho, nhà sư. Ban đầu, các thể loại của văn học viết được tiếp thu từ nền văn học của Trung Quốc, về sau có thêm một số thể loại mang nguồn gốc dân tộc như thơ lục bát, song thất lục bát, Các tác giả, tác phẩm tiểu biểu của giai đoạn này là: Vận nước (Quốc Tộ) của nhà sư Đỗ Pháp Thuận (915-990), Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) viết năm 1010 của vua Lí Thái Tổ, Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) tương truyền là của Lí Thường Kiệt. Đây là những tác phẩm mở đầu cho dòng văn học yêu nước trong văn học viết của nước nhà. Dòng thơ Thiền đời Lí có những bài đáng chú ý là: Có bệnh bảo mọi người (Cáo tật thị chúng) của sư Mãn Giác, Tỏ lòng (Ngôn hoài) của sư Không Lộ, Đến thời Trần, dòng thơ yêu nước tiếp tục phát triển. Tác phẩm tiêu biểu có Hịch tướng sĩ văn của Trần Hưng Đạo, Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) của Trần Quang Khải, Vào cuối thế kỉ XIII, Hàn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố đã dùng chữ Nôm để sáng tác văn học. Cũng ở giai đoạn này đã xuất hiện những tác phẩm văn xuôi bằng chữ Hán như Những chuyện linh thiêng ở đất Việt ( Việt điện u linh) của Lí Tế Xuyên, Những chuyện quái lạ ở đất Lĩnh Nam (Lĩnh Nam chích quái) của Trần Thế Pháp, 24
  25. Sang thế kỉ XV, nền văn học viết tiếp tục phát triển và có những thành tựu rất đáng kể là: Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn. Thơ văn Nguyễn Trãi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, được coi là tiêu biểu nhất của thế kỉ XV. • Giai đoạn thứ hai: từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII + Về lịch sử: Giai đoạn hơn hai thế kỉ này đất nước không bị ngoại xâm đe doạ, nhưng sự tranh giành quyền lực bằng những cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến Lê - Mạc và sau đó là Trịnh – Nguyễn đã làm cho đất nước bị phân xẻ và cũng làm suy yếu dần chế độ phong kiến tập quyền. + Về văn học: Thời kì này vẫn tiếp tục phát triển với cảm hứng yêu nước nhưng thiên về khai thác lịch sử dân tộc. Tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến là Thiên Nam ngữ lục - một bản diễn ca về lịch sử đất nước bằng thơ lục bát; Truyền kì mạn lục (Ghi chép tản mạn về những truyện lạ được lưu truyền) của Nguyễn Dữ. Tác giả tiêu biểu của giai đoạn này phải kể đến là Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông được coi là “cây cao bóng cả” của thế kỉ XVI với sự tổng hợp cao của Nho giáo, Đạo giáo và văn hoá dân tộc trong các sáng tác văn học. • Giai đoạn thứ ba: từ giữa thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX + Về lịch sử: Đây là giai đoạn chế độ phong kiến Việt Nam đã rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Các sự kiện liên tiếp xảy ra là: các tàu buôn phương Tây mang theo tư tưởng tư bản chủ nghĩa và đạo Thiên Chúa vào nước ta; nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ mà tiểu biểu là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã dẹp yên các tập đoàn phong kiến, thống nhất đất nước, quét sạch quân xâm lược Mãn Thanh, đem lại một tương lai xán lạn cho đất nước. Nhưng nhà Tây Sơn đã nhanh chóng thất bại. Nhà Nguyễn lên nắm quyền và thiết lập một chế độ phong kiến cực kì bảo thủ. 25
  26. + Về văn học: Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất trong mười thế kỉ của văn học trung đại nước ta. Thơ văn viết bằng chữ Hán, viết bằng chữ Nôm đều rất phát triển và đều đạt được những thành tựu to lớn. Nội dung văn học khá phong phú, đa dạng. Cảm hứng về đất nước, về dân tộc và đặc biệt là cảm hứng nhân đạo đều được chú trọng khai thác. Hình tượng người phụ nữ nổi bật trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn. Các thể loại văn học khá đa dạng. ở loại hình tự sự viết bằng chữ Hán có các thể tuỳ bút, kí sự và đặc biệt phải kể đến bộ tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái. Truyện thơ Nôm bình dân và bác học đều phát triển mạnh, mà tiêu biểu nhất là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du – được coi là “tập đại thành” của cả nền văn học dân gian và bác học nước nhà. Trong loại hình trữ tình, thơ Đường luật và cổ phong vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng đến đây có sự phát triển mạnh của thể ngâm khúc, thường được viết bằng thơ song thất lục bát, một thể thơ thuần tuý của dân tộc, với nhiều tác phẩm đạt đến trình độ cao về nghệ thuật. Giai đoạn này có điểm rất đáng ghi nhận nữa là việc sáng tạo ra thể hát nói – một thể thơ mà về sau được các nhà thơ mới sử dụng để tạo thành thể thơ tám chữ rất có giá trị. Tóm lại, đây là thế kỉ có nhiều tác giả, tác phẩm tiêu biểu, có nhiều tài năng và phong cách độc đáo và có nhiều sáng tạo đặc biệt cho văn học nước nhà. • Giai đoạn thứ tư: Nửa sau thế kỉ XIX + Về lịch sử: Ngày 31-6-1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, chính thức xâm lược nước ta. Nhà Nguyễn bạc nhược, không tập hợp được lực lượng của toàn dân để chống ngoại xâm, đã nhanh chóng thoả hiệp rồi đi đến đầu hàng. Các nhà nho yêu nước đã dấy lên phong trào chống Pháp xâm lược trên khắp đất nước và được nhân dân hưởng ứng sôi nổi. Nhưng những cuộc chiến đấu không cân sức đều tạm thời bị thất bại. Cuộc 26
  27. giao tranh giữa hai nền văn hoá Đông – Tây diễn ra một cách trực tiếp. Về cơ bản, xã hội Việt Nam lúc này vẫn là xã hội phong kiến. Nhưng cùng với sự đô hộ của thực dân Pháp, xã hội phong kiến Việt Nam đã chuyển dần sang chế độ thực dân nửa phong kiến, bắt đầu là ở Nam kì. + Về văn học: Những biến động của lịch sử đã tác động mạnh mẽ tới văn học. Đã xuất hiện văn học viết bằng chữ quốc ngữ ở Nam kì, nhưng nhìn chung trong cả nước thì văn học viết bằng chữ Hán và chữ Nôm vẫn chiếm phần lớn và vẫn theo những thể loại, những thi pháp vốn có. Cảm hứng yêu nước, chống ngoại xâm được khơi dậy mạnh mẽ và thoát dần ra khỏi ý thức trung quân. Văn học lúc này có ba thái độ của người sáng tác trước vấn đề số phận của dân tộc. - Văn học của những người yêu nước gồm: văn học của những người trực tiếp chống Pháp như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Tôn Thất Thuyết; văn học của những người không chống Pháp nhưng muốn cứu nước bằng con đường duy tân, cải cách như Nguyễn Trường Tộ; và văn học của những người yêu nước nhưng chỉ còn biết sử dụng văn chương, sử dụng tiếng cười làm phương tiện châm biếm, đả kích như Nguyễn Khuyến, Tú Xương - Văn học của những người không có thái độ gì đáng kể trước vận mệnh của dân tộc: Đó là văn chương cử tử, văn chương của một bộ phận trong tầng lớp quí tộc nhà Nguyễn, văn chương về đạo lí thông thường và truyền thống, văn chương thoát li lãng mạn. - Văn học của những người ít nhiều có quan hệ với đường lối văn hoá của thực dân Pháp như Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải Riêng Trương Vĩnh Kí thì khá phức tạp: Ông gắn bó mật thiết với thực dân Pháp nhưng chính ông lại là người có công lớn trong việc hiện đại hoá nền văn hoá Việt Nam. 27
  28. Tóm lại, nền văn học Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX có ba tác giả tiêu biểu nhất là Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Văn chương của các tác giả này là những dấu son đậm nét trong lịch sử văn học nước nhà. 2.1.3. Một số đặc điểm lớn về nội dung và hình thức Trong suốt mười thế kỉ, nền văn học Việt Nam đã có nhiều sự biến đổi về nội dung và hình thức, nhưng nhìn chung, các giai đoạn phát triển của văn học nước nhà vẫn có sự thống nhất căn bản về nội dung và hình thức nghệ thuật. Những điểm thống nhất đó có thể tóm tắt như sau: a). Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo là những nội dung nổi bật, nó như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả quá trình phát triển của lịch sử văn học Việt Nam. - Chủ nghĩa yêu nước vốn đã được hình thành và phát triển từ trong văn học dân gian; khi đất nước đã giành được độc lập, chủ nghĩa yêu nước càng có điều kiện để phát triển, nó vừa ra sức tự cường, vừa phải đương đầu với nạn ngoại xâm luôn luôn đe doạ. Chủ nghĩa yêu nước được biểu hiện ở ý thức tự cường, tự tôn dân tộc, nhất là khi Tổ quốc bị xâm lăng, nó được thể hiện ở lòng yêu nước, căm thù giặc và ý chí quyết chiến để giữ gìn độc lập dân tộc. Trong văn học Lí – Trần và văn học Lê sơ, chủ nghĩa yêu nước đã phát triển khá rực rỡ. Điều này được thể hiện rõ từ Chiếu dời đô của Lí Thái Tổ (1010) đến Bài thơ thần của Lí Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Phú Bạch Đằng giang của Trương Hán Siêu, Trảm xà kiếm phú của Sử Hi Nhan, Quân trung từ mệnh tập và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái - Chủ nghĩa nhân đạo có nội dung cơ bản là đạo lí làm người, đạo lí ấy được xây dựng trên cơ sở tâm lí cộng đồng xã hội và dân tộc. Trong văn học Lí – Trần, chủ nghĩa nhân đạo vốn có của dân tộc đã kết hợp với chủ nghĩa nhân ái của nhà Phật cũng đang được dân tộc hoá. 28
  29. Vua Trần Thái Tông là người theo đạo Phật, có tác phẩm Thiền tông chỉ nam tự đã nói nhiều về lòng nhân ái đối với dân, muốn được sống gần dân. Trong văn học Lê sơ, lúc Nho giáo đã trở thành quốc giáo thì chủ nghĩa nhân đạo vốn có của dân tộc đã kết hợp với học thuyết nhân nghĩa của Nho giáo và được cải hoá theo tinh thần đạo lí của dân tộc Việt Nam. Văn chương Nguyễn Trãi là tiêu biểu nhất cho tinh thần này. Sang thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX, một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trỗi dậy khá mạnh mẽ và mang tính lịch sử cụ thể rõ rệt. Đó là trào lưu nhân đạo chủ nghĩa chống phong kiến, đòi quyền sống cho con người. Nhiều tiếng nói đòi quyền sống với những khía cạnh khác nhau được thể hiện trong các tác phẩm tiểu biểu như: Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Hoa tiên truyện , các truyện Nôm khuyết danh, thơ của Cao Bá Quát, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (viết trước khi thực dân Pháp xâm lược). ở nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa nhân đạo trong văn học đã nhường chỗ cho chủ nghĩa yêu nước chống xâm lược, hay nói cách khác, chủ nghĩa yêu nước chống xâm lược là chủ nghĩa nhân đạo được tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm. Tinh thần này được thể hiện trong các phẩm của Tùng Thiện Vương, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương b). Về thể loại văn học: Văn học trung đại Việt Nam có một hệ thống thể loại khá phong phú, bao gồm những thể có nguồn gốc từ Trung Quốc và những thể thuần tuý dân tộc. Về văn có các thể văn vần, văn xuôi và biền văn. Về thơ, bên cạnh các thể có nguồn gốc Trung Quốc như thơ cổ phong, thơ Đường luật được dùng rất phổ biến với những biến thể của nó như thơ lục ngôn, còn có những thể thơ thuần tuý dân tộc như thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói. Văn biền ngẫu được sử dụng nhiều trong các thể phú, văn tế và đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng cho văn học trung đại nước nhà. Các thể thơ lục bát, song thất lục bát thường được sử dụng vào việc viết 29
  30. các tác phẩm dài, cả tự sự và trữ tình. Hầu hết văn xuôi trong văn học Việt Nam trung đại đều được viết bằng chữ Hán, gồm các thể truyện (truyện lịch sử, truyện truyền kì), các thể kí (kí sự, tuỳ bút, bút kí). Bên cạnh các thể thuộc loại hình tự sự và trữ tình, các thể văn hành chính – công vụ như chiếu, biểu, hịch, cáo cũng giữ một vị trí quan trọng trong văn học trung đại. Các thể văn này cũng mang nhiều sắc thái thẩm mĩ và nhiều tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật, được coi là những kiệt tác của văn học dân tộc như Hịch tướng sĩ văn của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Sự vận động về mặt thể loại trong mười thế kỉ của văn học trung đại Việt Nam là luôn hướng tới sự phong phú và hoàn thiện của các thể loại, đồng thời phát triển theo hướng dân tộc hoá, nhất là các thể thuần tuý dân tộc ở bộ phận văn học viết bằng chữ Nôm và giảm thiểu tính qui phạm của các thể loại có nguồn gốc nước ngoài. c). Về tính qui phạm và sự phá vỡ tính qui phạm trong nội dung và hình thức của văn học trung đại - Văn học trung đại tồn tại và phát triển trong môi trường xã hội và văn hoá phong kiến mang đậm tính qui phạm, nên bản thân nó cũng được hình thành những qui phạm rất chặt chẽ về cả nội dung và hình thức. Tính qui phạm được thể hiện ở các khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như nói đến con người thì trước tiên phải là minh quân, hiền thần, quân tử, kẻ sĩ với lí tưởng trung quân ái quốc, với đạo lí quân thần, phụ tử; nói đến phụ nữ thì phải là công - dung - ngôn - hạnh, hoặc là những tấm gương liệt nữ, những mối tình của các bậc tài tử, giai nhân; nói về thiên nhiên thì bao giờ cũng phải có tùng – cúc – trúc – mai. Tính qui phạm cũng gắn liền với tính trang nhã, tính ước lệ qua những ngôn ngữ, hình ảnh, cách thức so sánh, biểu hiện. Văn học trung đại không chú trọng miêu tả một cách thật chính xác những sự vật, hiện tượng, mà chú trọng tới những vấn đề được biểu thị bằng các sự vât, hiện tượng đó. Vì vậy, muốn hiểu được văn học trung đại, cần phải biết 30
  31. rõ những qui phạm và những ước lệ để nắm được những ý nghĩa bao hàm trong đó. Tính qui phạm còn được thể hiện rất chặt chẽ về mặt hình thức và thể loại. Trong mỗi thể thơ, văn đều có những qui định rất khe khắt về cấu trúc, luật lệ, nhất là ở các thể thơ Đường và phú. - Mặc dù văn học trung đại Việt Nam bị chi phối rất mạnh bởi tính qui phạm, nhưng bản thân nó lại có những cố gắng để phá vỡ từng mặt của tính qui phạm đó. Điều này được thấy khá rõ trong thơ của các nhà sư thời Lí – Trần. Thơ của họ vừa chứa đựng những giáo lí của nhà Phật, lại vừa ghi nhận được những tình cảm hướng về thiên nhiên và con người. Trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi, của Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn, của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên cạnh những đề tài trang trọng, cao quí, còn có những đề tài, những hình ảnh rất bình dị, dân dã, gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của nhân dân. - Bộ phận văn học viết bằng chữ Nôm đã thể hiện khá rõ xu hướng dân tộc hoá và cũng phá vỡ nhiều phương diện thuộc tính qui phạm của văn học trung đại. Thơ Đường luật vốn rất thanh cao, trang trọng, nhưng thể thơ này khi được “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương sử dụng thì nhiều sắc thái cảm xúc từ trào lộng đến trữ tình, tả thực đều được thể hiện bằng những ngôn từ rất gần gũi với lời ăn, tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Như vậy, văn học trung đại Việt Nam phát triển khá rực rỡ với nhiều cây bút nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương Nhiều phương diện qui phạm của văn học trung đại đã bị phá vỡ, không còn đủ sức ngăn cản sự sáng tạo vô cùng phong phú, đa dạng của những người cầm bút. d). Về những ảnh hưởng của văn hoá, văn học của Trung Hoa và yêu cầu dân tộc hoá hình thức văn học 31
  32. - Trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc và suốt cả mười thế kỉ tự chủ, mối quan hệ giao lưu về văn hoá, văn học của ta chủ yếu là với Trung Quốc. Chính vì vậy, văn học trung đại Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá, văn học Trung Quốc ngày từ khi ra đời và trong cả quá trình trưởng thành, phát triển. Sự ảnh hưởng có thể nhận thấy rất rõ là từ thi liệu, văn liệu đến các hình thức thể loại; từ những điển tích, điển cố, các hình ảnh ước lệ đến cả các đề tài, cốt truyện như ở các truyện thơ Lâm tuyền kì ngộ, Truyện Kiều, Nhị độ mai đều được mượn từ văn học Trung Quốc. Sự tiếp nhận như vậy được coi là một qui luật phổ biến trong các nền văn học trung đại của thế giới. Nhưng cần lưu ý rằng, sự tiếp nhận các yếu tố Hán của cha ông ta đã có sự lựa chọn, cải biến cho phù hợp với những nét riêng của đời sống tinh thần dân tộc. Điều này có thể thấy rất rõ trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi (Vịnh cây tùng), Nguyễn Du (Truyện Kiều), Đặng Trần Côn (Chinh phụ ngâm khúc) Các tác phẩm ấy tuy là mượn đề tài của Trung Hoa, nhưng đều thể hiện một cách sâu sắc tâm hồn dân tộc. Việc tiếp thu và sử dụng các yếu tố Hán cũng đi liền với nhu cầu dân tộc hoá ngày càng mạnh mẽ trong tiến trình phát triển của nền văn học dân tộc. Kể từ thế kỉ XIII, bên cạnh những tác phẩm viết bằng chữ Hán đã xuất hiện những tác phẩm viết bằng chữ Nôm. Càng về sau, những tác phẩm viết bằng chữ Nôm càng thêm phong phú về số lượng và cũng đa dạng về thể loại. - Song song với việc sử dụng các thể loại có nguồn gốc Trung Hoa, cha ông chúng ta cũng đã sáng tạo ra các thể loại riêng có nguồn gốc từ nền văn học dân gian của dân tộc kết hợp với các yếu tố của văn chương bác học. Đó là các thể lục bát dùng để viết diễn ca va truyện thơ; song thất lục bát dùng để viết các khúc ngâm; và các thể hát nói, hát ả đào. Văn học Nôm phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngôn ngữ văn học tiếng Việt phát 32
  33. triển, ngày càng trở nên tinh tế, có đủ khả năng thể hiện mọi khía cạnh, mọi trạng thái trong đời sống tinh thần người Việt. Tóm lại, trải qua mười thế kỉ hình thành và phát triển, nền văn học trung đại Việt Nam đã có một bước tiến dài và vững chắc. Tuy có chịu ảnh hưởng khá nhiều của văn hoá và văn học Trung Hoa, nhưng với ý thức tự lập, tự cường, nền văn học trung đại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ theo hướng dân tộc hoá và đã có được nhưng thành tựu đáng kể cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Những thành tựu đó đã trở thành di sản bất hủ của dân tộc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và tạo nên bản sắc riêng của văn học Việt Nam. Từ giữa thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX, nền văn học trung đại Việt Nam đã phát triển rực rỡ với nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng đã là nguồn vốn quí báu chuẩn bị cho bước ngoặt phát triển của nền văn học nước nhà bước vào thời kì văn học hiện đại trong thế kỉ XX. 2.2. Thông tin phản hồi cho Hoạt động 2 Sau khi tự đánh giá về mức độ hoàn thành Hoạt động 2, Bạn hãy đối chiếu với những nội dung có tính chất phản hồi dưới đây để kiểm tra việc hoàn thành Hoạt động 2 của mình đã đạt được ở mức độ nào. Các nội dung phản hồi chủ yếu cho Hoạt động 2 như sau: 2.2.1. Về hoàn cảnh cảnh lịch sử, xã hội và văn hoá Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng Tháng Tám 1945 đã phát triển trong trong hoàn cảnh lịch sử mới, đã chuyển dần từ nền văn học trung đại sang nền văn học hiện đại. Thực dân Pháp chính thức xâm lược nước ta bằng việc nổ súng vào Đà Nẵng năm 1858, nhưng phải đến cuối thế kỉ XIX, chúng mới dẹp được phong trào Cần Vương và bắt tay vào việc khai thác thuộc địa một cách có bài bản. Trải qua hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp (từ 1897 33
  34. đến 1913 và từ 1918 đến 1929), xã hội nước ta đã chuyển dần từ chế độ phong kiến trung đại sang chế độ thực dân nửa phong kiến. Thực dân Pháp thi hành một chế độ thống trị rất nghiệt ngã. Chính sách bóc lột của bộ máy cai trị thực dân và phong kiến tay sai đã làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến ngày càng trở nên căng thẳng. Nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta nổ ra, dù có bị chính quyền thực dân, phong kiến dìm trong biển máu, nhưng không thể dập tắt được ý chí đánh đuổi ngoại xâm và lật đổ chế độ phong kiến của toàn dân tộc. Đến năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, thì phong trào cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh của nhân dân ta, tuy có phải trải qua không ít những gian nan và thất bại, nhưng đã vượt qua mọi thử thách, hi sinh để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc bằng cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á. Về phương diện văn hoá, thời kì này được gọi là “mưa Âu, gió Mĩ”diễn ra trên đất nước ta. Việc thi cử bằng chữ Hán đã bị bãi bỏ, Nho giáo đã mất dần vị thế vốn có. Văn hoá phương Tây, chủ yếu là văn hoá Pháp, đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Tầng lớp trí thức tân học chịu ảnh hưởng của nền văn hoá hiện đại đã dần dần thay thế các nhà nho ngày trước. ở gia đình và ngoài xã hội đều có sự thay đổi quan trọng với sự xung đột giữa cái cũ và cái mới về tư tưởng và về lối sống. Những cái mới đã tỏ ra thắng thế, đặc biệt là với lớp thanh niên ở các đô thị. Việc sử dụng chữ quốc ngữ với các hoạt động báo chí, xuất bản đã đóng góp một phần quan trọng vào việc làm thay đổi đời sống văn hoá tinh thần và sự phát triển văn học ở thời kì này. 2.2.2. Về sự đổi mới của văn học theo hướng hiện đại hoá 34
  35. Kể từ đầu thế kỉ XX, nền văn học nước ta đã bắt đầu một cuộc đổi mới khá mạnh mẽ chuyển từ nền văn học trung đại sang nền văn học hiện đại. Có thể nhận thấy từ đầu thế kỉ XX đến 1945, sự đổi mới của văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hoá được diễn ra với những giai đoạn như sau: Giai đoạn thứ nhất: Khoảng hai mươi năm đầu thế kỉ XX. Nhìn chung, văn học giai đoạn này vẫn còn nhiều ảnh hưởng của văn học trung đại về các phương diện quan điểm thẩm mĩ, hệ thống thể loại và thi pháp. ở giai đoạn giao thời này, những người cầm bút chủ yếu vẫn là các nhà nho, nhưng đã tiếp nhận tư tưởng dân chủ. Tiếng nói của họ đã mang một lí tưởng mới, thể hiện sức trỗi dậy của một dân tộc sau những tổn thất nặng nề của phong trào Cần Vương chống Pháp hồi cuối thế kỉ XIX. Cả ở Nam kì và Bắc kì đã xuất hiện văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ. Đây cũng được coi là những dấu hiệu đầu tiên của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thành tựu văn học trong hai thập kỉ này đáng ghi nhận nhất là sự ra đời, phát triển của dòng văn học yêu nước và cách mạng, nó được sinh sôi và lớn mạnh trong các phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục với những tên tuổi như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế Giai đoạn thứ hai là những năm hai mươi. Công cuộc đổi mới văn học đã có nhiều thành tựu. Phong trào sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn bằng chữ quốc ngữ có những cây bút tiêu biểu như Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Hoàng Ngọc Phách Tác phẩm của họ thực sự là những thành tựu đáng ghi nhận ở buổi ban đầu của văn xuôi hiện đại nước nhà. Thơ của Tản Đà, Trần Tuấn Khải đã mang được những sắc thái mới trong cảm xúc trữ tình, trong giọng điệu và trong ngôn ngữ. Đặc biệt, trong giai đoạn này đã xuất hiện một thể loại văn học mới là kịch nói. Đây là thể 35
  36. loại mang tính hiện đại khá rõ nét, do tiếp nhận từ văn học phương Tây, nhất là văn học Pháp. Giai đoạn thứ ba: Kể từ đầu những năm 30 đến cách mạng Tháng Tám 1945. Đến giai đoạn này, nền văn học Việt Nam hiện đại đã phát triển khá mạnh mẽ, phong phú và có những thành tựu rất đáng kể. Văn xuôi đã có một đội ngũ tác giả tương đối đông đảo, sáng tác phát triển mạnh ở cả hai khuynh hướng hiện thực và lãng mạn với nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, tuỳ bút Phong trào “Thơ mới” (1932 – 1945) đã mang lại một cuộc cách mạng trong thơ ca với nhiều nhà thơ nổi tiếng có phong cách độc đáo trên thi đàn Việt Nam Thế kỉ XX. Bên cạnh những thành tựu về sáng tác, ở giai đoạn này còn có những thành tựu về lí luận, phê bình, nghên cứu. Các cuộc tranh luận về thơ mới – thơ cũ (1932), nghệ thuật vị nghệ thuật – nghệ thuật vị nhân sinh (1935), và những cuốn sách như Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan là những bằng chứng nói lên sự trưởng thành một cách tự giác, có hệ thống lí luận mà trước đây chưa từng có trong văn học nước nhà. Đây được coi là kết quả của quá trình phát triển, đồng thời cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến quá trình hiện đại hoá nền văn học nước nhà. Tóm lại, những điều trình bầy trên đây là những nét khái quát về quá trình hiện đại hoá nền văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945. 2.2.3. Về một vài đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng Tháng Tám 1945 a). Văn học phát triển theo hướng hiện đại với nhịp độ nhanh Nhịp độ phát triển nhanh thể hiện khá rõ, nhất là ở giai đoạn thứ ba (từ đầu những năm 30 đến 1945), đó là lúc nền văn học hiện đại của ta đã có được nhiều thành tựu về các phương diện: thể loại, khuynh hướng sáng tác 36
  37. với nhiều tác giả và tác phẩm xuất sắc. Đúng như Vũ Ngọc Phan đã khẳng định: “ở nước ta, một năm đã có thể kể như 30 năm của người” (Nhà văn hiện đại, 1942). Có được những thành tựu như vậy là do sức sống tinh thần mãnh liệt và sâu xa từ cội nguồn văn hoá của dân tộc đã tiếp cận được với luồng ánh sáng tươi mới của thời đại làm cho nền văn học của ta như được lột xác, bứt ra khỏi phạm trù trung đại để vươn tới sự phát triển theo xu thế chung của thế giới. b). Văn học hợp pháp và bất hợp pháp song song tồn tại Trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra vô cùng khốc liệt, đời sống xã hội có nhiều biến động, thì văn học không thể dứng ngoài cuộc. Các nhà văn cũng có sự phân hoá theo quan điểm chính trị và vị trí của họ trong cuộc đấu tranh này. Nhìn chung, có thể chia thành hài dòng (bộ phận) chính là hợp pháp và bất hợp pháp trong văn học từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Dòng văn học hợp pháp với nghĩa là được lưu hành công khai, hợp pháp trên văn đàn thời đó, nhưng bị đặt dưới chế độ kiểm duyệt của chính quyền thực dân. Dòng văn học này, mặc dù vẫn giữ được tinh thần dân tộc, dân chủ, nhưng không thể chống lại chế độ thực dân một cách công khai, không thể bộc lộ tinh thần yêu nước và cách mạng một cách quyết liệt, đấy là chưa kể đến những trường hợp còn bị hạn chế về lập trường chính trị và quan điểm xã hội. Những đóng góp của dòng văn học này lại rất đáng lưu tâm, đó là việc nó rất chú trọng đầu tư cho nghệ thuật và chú ý tới những nét độc đáo của mỗi nhà văn. Phải nói rằng, dòng văn học này đã có những đóng góp quan trọng vào việc hiện đại hoá nền văn học nước nhà ở thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng Tháng Tám 1945. 37
  38. Nhưng có điều đáng lưu ý là dòng văn học hợp pháp lại có sự phân hoá khá phức tạp vì có sự khác biệt về quan điểm thẩm mĩ và khuynh hướng nghệ thuật. Sự khác biệt đó tạo nên nhiều khuynh hướng khác nhau mà tiêu biểu là hai khuynh hướng lãng mạn và hiện thực. Khuynh hướng lãng mạn chú trọng thể hiện cái tôi cá nhân trong đời sống tình cảm của mỗi con người. Cái tôi cá nhân được đề cao nhưng lại bất lực trước hiện thực xã hội, vì thế trí tưởng tượng thường được khai thác ở mức độ cao nhằm đáp ứng những khát vọng của đời sống mỗi con người. Khuynh hướng lãng mạn vốn đã có từ những năm 20 với những Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Đông Hồ, Tương Phố và đến những năm 30 được tiếp nối với Thơ mới và Tự lực văn đoàn, rồi là những sáng tác của Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng Khuynh hướng hiện thực thì ngược lại, rất chú trọng việc quan sát, khám phá, phân tích, lí giải các hiện tượng, sự việc trong đời sống xã hội bằng cách xây dựng các điển hình về con người và sự việc. Khuynh hướng hiện thực đã gặt hái được nhiều thành tựu trong văn xuôi với những cây bút tiêu biểu như Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài Dòng văn học bất hợp pháp với nghĩa là không được công khai lưu hành. Đó là dòng văn học yờu nu?c và cách mạng mà những người cầm bút lại chính là các chiến sĩ cộng sản và quần chúng đã được giác ngộ cách mạng trong các cuộc đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản và cách mạng vô sản. Dòng văn học này bị chính quyền thực dân cấm ngặt, chỉ lưu hành bí mật, tuy cũng có lúc lưu hành nửa hợp pháp (thời Đông Kinh nghĩa thục và thời Mặt trận Dân chủ 1936 –1939). Chính vì vậy mà dòng văn học bất hợp pháp khó có điều kiện để trau dồi về nghệ thuật. Tác phẩm của dòng văn học này thường ngắn và chủ yếu là thơ ca. 38
  39. Do lưu hành bí mật, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền thực dân nên dòng văn học cách mạng có lợi thế là trực tiếp bóc trần tội ác của chủ nghĩa thực dân và bọn phong kiến tay sai, đồng thời cũng trực tiếp phát động tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp và tuyên truyền lí tưởng cộng sản. Dòng văn học cách mạng mang trong mình lòng yêu nước, tinh thần sục sôi chiến đấu, chủ nghĩa anh hùng cao cả với những tấm gương đầy sức hấp dẫn và tràn đầy niềm tin là những người chiến sĩ cách mạng. Những cây bút tiêu biểu cho dòng văn học này có thể kể đến như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, truyện kí hồi những năm 20 của Nguyễn ái Quốc, thơ văn trong tù, thơ văn thời kì Mặt trận Dân chủ và Mặt trận Việt Minh với thơ của Hồ Chí Minh và thơ của Tố Hữu. Cần lưu ý rằng, việc phân chia thành hai khuynh hướng lãng mạn và hiện thực như trên chỉ có ý nghĩa tương đối, không có ranh giới tuyệt đối. Giữa hai khuynh hướng này có mối quan hệ qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau, đấu tranh với nhau, cũng có khi thâm nhập chuyển hoá lẫn nhau để cùng tồn tại và cùng phát triển. Có thể nói rằng, thời kì văn học từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng Tháng Tám 1945 chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà. Nói được như vậy bởi vì thời kì văn học này đã kế thừa và phát huy được những truyền thống tốt đẹp của văn học dân tộc về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng mở cửa đón nhận những luồng ánh sáng mới về tư tưởng và nghệ thuật để đưa nền văn học nước nhà từ mười thế kỉ văn học trung đại bước vào một thời đại mới – thời đại của văn học hiện đại. Nền văn học Việt nam từ đầu thế kỉ XX đến cách mạng Tháng Tám 1945 thực sự đã mở ra một trang mới cho lịch sử văn học nước nhà. Sự phát triển nhanh với nhiều thành tựu ở đủ các phương diện thơ, truyện, kí, kịch, lí 39
  40. luận phê bình với nhiều phong cách khác nhau là những điểm rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bước đường đi lên và trưởng thành ấy, nền văn học thời kì này cũng không tránh khỏi những hạn chế do gặp phải không ít những khó khăn và những ảnh hưởng khác nhau của thời đại chi phối. Song, tất cả những gì còn lại của thời kì văn học này sau sự sàng lọc của thời gian đều trở thành tài sản vô giá cho lịch sử văn học nước nhà và là nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển của văn học dân tộc sau này. 2.3. Thông tin phản hồi cho Hoạt động 3 Cách mạng Tháng Tám thành công là một mốc son của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời cũng mở ra một chặng đường mới đầy triển vọng cho nền văn học nước nhà. Trên chặng đường này (từ 1945 đến 1975), nền văn học mới kế thừa những thành quả của văn học cách mạng và tiếp tục phát triển trong hoàn cảnh nhân dân ta phải tiến hành hai cuộc chiến tranh giải phóng vô cùng khốc liệt. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, nền văn học cũng mang những đặc điểm phát triển riêng, có những thành tựu mới phản ánh công cuộc kháng chiến thần kì của dân tộc và cũng là những đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà. 2.3.1. Về hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá Trong thời gian 30 năm (từ 1945 đến 1975) có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng xảy ra trên đất nước ta, làm thay đổi hẳn cơ cấu xã hội và đời sống con người. Cuộc cách mạng Tháng Tám đã chấm dứt ách thống trị hơn 80 năm bằng việc đánh Pháp đuổi Nhật, đồng thời cũng lật đổ chế độ phong kiến thối nát và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam á. Sự kiện trọng đại này đã đưa đất nước sang một trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình. 40
  41. Thực dân Pháp chiếm lại nước ta. Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm của nhân dân ta được kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5- 1954). Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được kí kết, hoà bình được lập lại, nhưng nước ta tạm bị chia làm hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam còn phải chịu sự thống trị của đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai. Toàn dân tộc lại phải tiếp tục cuộc chiến đấu trong hơn 20 năm để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cuộc chiến đấu gian nan và khốc liệt với nhiều hi sinh của chiến sĩ và đồng bào cả nước đã kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Mĩ phải cút và Nguỵ phải nhào, miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, giang sơn thu về một mối. Trải qua hai cuộc chiến tranh b?o v? n?n d?c l?p dõn t?c và th?ng nh?t T? qu?c, quần chúng cách mạng, mà chủ yếu là giai cấp nông dân được giác ngộ, đã trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng nước nhà. Hệ tư tưởng Mác – Lênin giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của toàn xã hội. Cũng do đất nước phải trải qua hai cuộc chiến tranh, nên điều kiện giao lưu văn hoá, văn học nghệ thuật với thế giới chưa được rộng mở. Trong hoàn cảch đó, cái nhìn ra thế giới chủ yếu chỉ là với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là với Liên Xô (cũ) và Trung Quốc. 2.3.2. Các giai đoạn phát triển của văn học + Giai đoạn 1945 - 1954 Đây là giai đoạn văn học tập trung phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến, thể hiện hình ảnh Công – Nông – Binh trong sản xuất và chiến đấu. Văn học giai đoạn này đã theo sát từng nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra. Các tác phẩm đều hào hứng ca ngợi cuộc sống mới (1945 – 1946), cổ vũ kháng chiến, theo sát từng chiến dịch, biểu dương các thành tích đánh giặc 41
  42. lập công, phục vụ cải cách ruộng đất (1947 – 1954). Giai đoạn này, thành tựu về thơ là rất đáng kể. Các nhà thơ Trần Mai Ninh, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi đều có những cố gắng đi tìm tiếng nói mới và để lại những dấu ấn đậm nét cho thơ kháng chiến. Tố Hữu với nhiều bài thơ từ sau chiến thắng Việt Bắc (Thu - Đông 1947) mà tiêu biểu là tập “Việt Bắc”đã mở ra hướng đại chúng hoá cho thơ, được đông đảo các nhà thơ hưởng ứng và trở thành hướng phát triển chính của thơ ca kháng chiến. Những cây bút xuất hiện từ phong trào sáng tác quần chúng như: Hồng Nguyên, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn là lực lượng đáng kể tăng cường cho đội ngũ những người làm thơ phục vụ kháng chiến. Những nhà thơ lớp trước như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Tế Hanh, Anh Thơ đã đi theo kháng chiến với những tìm tòi mới theo hướng đại chúng hoá. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều bài thơ viết ở giai đoạn này và giữ một vị trí đặc biệt trong thơ ca kháng chiến. Cùng với những thành công của thơ còn có những thành công của các thể loại khác như truyện ngắn và kí. Các tác phẩm tiểu biểu có thể kể tới là: Đôi mắt của Nam Cao, Làng của Kim Lân, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Gặp gỡ của Bùi Hiển Sau này, vào những năm 1950 – 1951 có một số truyện vừa và tiểu thuyết ra đời như: Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Mường Giơn của Tô Hoài + Giai đoạn 1955 – 1975 Đây là giai đoạn văn học cách mạng phát triển rất mạnh mẽ, tập trung thể hiện những mặt sau đây: Ca ngợi những thành tựu khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tập trung thể hiện những người lao động mới trong lao động sáng tạo và đi lên chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, văn 42
  43. học giai đoạn này cũng phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 – 1974), khơi sâu những tình cảm ruột thịt Bắc - Nam trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt và khẳng định niềm tin vào ngày thống nhất đất nước. Đặc biệt, văn học giai đoạn này đã cổ vũ rất mạnh mẽ cho cao trào chống Mĩ cứu nước trên phạm vi toàn quốc (1965 – 1975), nêu cao tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ ý chí quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc. Điều đáng ghi nhận là văn học giai đoạn này đã xây dựng được những hình tượng đẹp đẽ, cao cả về Đất nước và Con người Việt Nam, về những người anh hùng, về thế hệ trẻ sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Có lẽ chưa bao giơ đội ngũ những người sáng tác lại đông đảo như ở giai đoạn này. Các nhà văn, nhà thơ thuộc các thế hệ khác nhau từ thời trước cách mạng đến thời chống Pháp đều ra trận. Đặc biệt, trong những năm chống Mĩ đã có thêm nhiều cây bút trẻ, đem lại sức sống mới cho văn học. Các thể loại từ thơ đến truyện, kí, kịch, lí luận phê bình đều phát triển khá mạnh. Mỗi thể loại đều có thể ghi nhận hàng loạt những tên tuổi rất sáng giá với những phong cách rất đa dạng. Chẳng hạn về thơ có: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh là những nhà thơ thuộc thời trước cách mạng Tháng Tám; Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu là những nhà thơ thuộc thời kháng chiến chống Pháp; và thời chống Mĩ cứu nước thì rất đông đảo với những Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Khánh Chi Đội ngũ những người viết truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết cũng không kém phần đông đảo. Chẳng hạn, về truyện ngắn có Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Đỗ Chu, Nguyễn 43
  44. Thành Long; về tiểu thuyết có Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Chu Văn Đặc biệt, các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng đều có những tiểu thuyết dài hơi, phản ánh được nhiều vấn đề của đất nước, của xã hội trong những thời kì lịch sử khác nhau của dân tộc. Trong những năm chống Mĩ cứu nước, thể kí đã xung trận. Với lợi thế nhanh nhạy, sắc bén kí đã kịp thời biểu dương những sự việc, những con người trong sản xuất và trong chiến đấu. Cây bút Nguyễn Tuân vẫn giữ được những nét đặc sắc về phong cách của mình ở thể loại này. 2.3.3. Một vài đặc điểm của văn học Việt Nam 1945 – 1975 Nhìn chung, nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 có mấy đặc điểm cơ bản dưới đây: a). Nền văn học được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Tổ quốc và Nhân dân. Đường lối văn nghệ của Đảng coi văn nghệ là vũ khí tư tưởng, có sức mạnh to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này đã được thể hiện rõ trong Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam (1948) của đồng chí Trường Chinh: mặt trận văn nghệ nằm trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong Thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói rõ: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”. Dưới ánh sáng tư tưởng ấy của Đảng, các văn nghệ sĩ đã đem hết tài năng và trí tuệ của mình phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kì. Văn học luôn bám sát những nhiệm vụ lớn của từng giai đoạn cách mạng, đã kịp thời cổ vũ, động viên chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân, đã 44
  45. góp một phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của toàn dân tộc. Chính vì vậy, nền văn học này đã được Đảng đánh giá rất cao: “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học chống chủ nghĩa đế quốc trong thời đại ngày nay” (Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ IV của Đảng – 1976). b). Nền văn học phản ánh hiện thực cách mạng với nhiệt tình của chủ nghĩa yêu nước và lí tưởng chủ nghĩa xã hội. Nền văn học cách mạng thực sự gắn bó với vận mệnh của Tổ quốc và Nhân dân, coi hiện thực cách mạng là đối tượng để phản ánh, khám phá và sáng tạo. Nhiệt tình phản ánh, khám phá và sáng tạo luôn được tập trung vào những chủ đề có ý nghĩa lớn, những sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc. Nền văn học này đã xây dựng được nhiều hình tượng kì vĩ về Đất nước và Con người Việt Nam trong 30 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất, làm sáng ngời thêm truyền thống nhân nghĩa, thuỷ chung của dân tộc trong một giai đoạn đầy khó khăn gian khổ. Nhiệt tình của chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ hồng xuyên suốt cả giai đoạn văn học này. Đây là nét đẹp truyền thống của đời sống dân tộc và cũng là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của văn học nước nhà. Lòng yêu nước được biểu lộ ở mọi phương diện của đời sống con người, đồng thời cũng gắn liền với tinh thần thời đại mới khi nhân dân làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của dân tộc mình. Lí tưởng xã hội chủ nghĩa cũng là một nguồn cảm hứng lớn cho văn văn học ở giai đoạn này. Sau thắng lợi chống thực dân Pháp, một nửa đất nước đi vào công cuộc xây dựng xã hội mới với tinh thần phấn khởi, hào hứng, những cũng không kém phần gay go, phức tạp. Từ những năm 1955 – 1965, văn học đã có nhiều cố gắng trong việc phản ánh mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người và những cuộc đấu tranh gay gắt cho sự thắng thế của lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong những năm chống Mĩ cứu nước (từ 1965 đến 45
  46. 1975), quyết tâm thống nhất đất nước luôn gắn liền với lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là nhiệm vụ trọng đại của dân tộc và cũng là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho văn học hoàn thành nhiệm vụ ở giai đoạn này. c). Nền văn học hướng về đại chúng, chủ yếu là công – nông – binh và mang đậm tính nhân dân Quần chúng nhân dân được cách mạng giải phóng và trở thành lực lượng hùng hậu của cách mạng. Lấy đối tượng là quần chúng nhân dân, mà chủ yếu là công – nông – binh, để nhận thức, khám phá và sáng tạo gần như là tâm nguyện của mỗi cây bút đi theo cách mạng và kháng chiến. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhiều hình ảnh cá nhân và tập thể đã đi vào thơ ca, truyện, kí. Trong hoà bình xây dựng, hình ảnh những người lao đông làm chủ đã được lưu dấu trong nhiều tác phẩm văn học. Và trong những năm chống Mĩ cứu nước, văn học đã thể hiện một cách chân thực và hùng hồn chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được bộc lộ trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở thế hệ trẻ - thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nền văn học mang đậm tính nhân dân được thể hiện ở hai phương diện khá căn bản. Thứ nhất là miêu tả, phản ánh một cách chân thực về quần chúng cách mạng với những tư tưởng, tình cảm và khát vọng về quốc gia, dân tộc của họ; và thứ hai, coi quần chúng nhân dân là đối tượng chủ yếu để phục vụ, đồng thời cũng coi quần chúng nhân dân là người thưởng thức, bình giá văn học và là nguồn bổ sung dồi dào những tài năng mới cho đội ngũ những người cầm bút. Tóm lại, trong thời gian 30 năm (1945 – 1975 ), nền văn học hiện đại Việt Nam đã phục vụ một cách đắc lực và có hiệu quả cho hai cuộc kháng chiến trường kì giải phóng dân tộc, đã góp phần tích cực vào việc làm phong phú tâm hồn, tình cảm và phát triển nhân cách con người Việt Nam, đồng thời cũng tạo nền móng cho sự tiếp nối về sau. 46
  47. 2.4. Thông tin phản hồi cho Hoạt động 4 2.4.1. Sự đổi mới trong văn học Việt Nam từ 1975 đến nay Cần làm rõ hai điểm trong văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Một là “Thời kì đổi mới” trong văn học Việt Nam được bắt đầu từ bao giờ? Hai là Có thể chia thời kì đổi mới thành mấy giai đoạn, mỗi giai đoạn có gì đặc biệt? Trên thực tế, “thời kì đổi mới” ở nước ta được tính từ năm 1986, tức là lúc diễn ra Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI. Chính ở Đại hội này, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố “cởi trói”, “nhìn thẳng vào sự thật”, “đổi mới tư duy”, “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Cũng chính từ đây, nước ta khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Đó là về phương diện lịch sử. Văn học là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm. Trong khoảng mười năm, từ 1975 đến 1986, đã có nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, kịch, thơ xuất hiện, đề cập tới những vấn đề đổi mới trong xã hội và cũng là những đổi mới trong đời sống văn học nghệ thuật. Truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu viết năm 1975 có thể coi là sự khởi đầu. Năm 1975 được giới nghiên cứu lấy làm mốc để phân kì lịch sử văn học: Văn học trước năm 1975 (1945 – 1975) là văn học thời kì chiến tranh; văn học sau 1975 là văn học thời kì đổi mới. Công cuộc đổi mới của văn học Việt Nam có thể hình dung theo ba giai đoạn phát triển nhưa sau: 1975 – 1985; 1986 – 1991 và từ 1992 đến nay. các giai đoạn được phân chia như trên cũng chỉ mang tính chất tương đối. a) .Giai đoạn 1975 – 1985: Giai đoạn khởi động của văn học thời kì đổi mới. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước thống nhất, lịch sử dân tộc chuyển sang một thời đại mới, nhưng ở lĩnh vực văn học nghệ thuật thì vẫn có chiều hướng vận động theo đà của văn học thời chiến. Mảng đề tài về 47
  48. chiến tranh và người lính vẫn chiếm nhiều trang viết. Tuy vậy, trên thực tế thì sự đổi mới của văn học đã bắt đầu được khởi động từ mảng văn học dịch. Nói được như vậy, vì trước năm 1975, độc giả Việt Nam chủ yếu được làm quen với các tác phẩm dịch của Lỗ Tấn (Trung Quốc), Gorki, Sôlôkhôv, Maiacôvski (Nga), mà ít được tiếp cận với các tác phẩm của các nhà văn đương đại ở Châu Mĩ và Tây Âu. Nhưng sau năm 1975, văn học Âu-Mĩ được tổ chức dịch khá nhiều. Những tác phẩm được giải Nôbel, những tác phẩm của nhiều tác gia nổi tiếng thuộc các trường phái khác nhau như siêu thực, tượng trưng, hiện sinh, trường phái hiện đại , hậu hiện đại đều được dịch ra tiếng Việt và có mặt ở tất cả các cửa hàng sách. Một số tác phẩm của các tác giả thuộc các nước xã hội chủ nghĩa vốn từng bị cấm ở ta, như thơ của Akhmatôva, tiểu thuyết Bác sĩ Givagô của Pasternac, Trái tim chó của Bungacôv cũng được dịch. Mảng văn học dịch này đã có tác động mạnh mẽ tới quá trình đổi mới của văn học hiện đại nước ta. Tác động đó làm thay đổi thị hiếu nghệ thuật của các thế hệ độc giả. Các nhà văn như chợt nhận ra rằng nếu cứ sáng tác theo lối cũ, thì họ sẽ không còn người đọc. Và như thế, rõ ràng là văn học dịch đã góp phần làm cho các nhà văn Việt Nam phải nghĩ đến việc đổi mới cách sáng tác. Tuy nhiên, trong những năm từ 1975 đến 1986, việc đổi mới trong lĩnh vực sáng tác chưa có gì đáng kể. Có một vài nhà văn được coi là đi đầu trong công cuộc đổi mới văn học ở giai đoạn này là Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu. Đây là những tác giả đã thành danh từ trước 1975. Trong thời kì đổi mới này, họ đã đem đến cho văn học những tác phẩm đáng kể như: Bến quê, tập truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Mùa lá rụng trong vườn tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Thời xa vắng tiểu thuyết của Lê Lựu. Đó có thể coi là những đóng góp đầu tiên cho thời kì đổi mới văn học. 48
  49. b). Giai đoạn 1986 – 1991: Giai đoạn sôi động nhất trong đời sống văn học nghệ thuật thời kì đổi mới. Không khí đổi mới được diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực văn học, hội hoạ, âm nhạc, ssân khấu, điện ảnh Bộ phận văn học dịch vẫn tiếp tục phát huy vai trò của mình. Nhưng đến lúc này, các hoạt động của lí luận, phê bình và sáng tác đã giữ vai trò chủ công trong đổi mới văn học. Việc đổi mới văn học, suy cho cùng là đổi mới quan niệm: quan niệm về con người, về đời sống và quan niệm về chính bản thân văn học nghệ thuật. Vì vậy, ở nửa cuối của những năm 80, lí luận phê bình gần như vượt lên phía trước, giữ vị thế của yếu tố mở đường. Nghị quyết 05 về phê bình văn học của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào lúc đó đã khai thông mọi ách tắc, được giới văn học nghệ thuật đón nhận rất nồng nhiệt. Lúc đó, trên báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Minh Châu cho in bài phát biểu gây chấn động dư luận: Hãy đọc lời ai điếu cho một thời văn chương minh hoạ. Bài báo này như là tuyên ngôn, thể hiện tinh thần đổi mới một cách triệt để của giới sáng tác. Nhiều cuộc toạ đàm, hội nghị, hội thảo khoa học về những vấn đề lí luận văn học được tổ chức liên tiếp ở giai đoạn này. Nhưng có hai cuộc hội thảo lớn được cả giới sáng tác và giới nghiên cứu phê bình tham gia rất đông đảo. Cuộc hội thảo thứ nhất bàn về chủ đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Cuộc hội thảo thứ hai bàn về chủ đề văn học phản ánh hiện thực. Văn học phải phản ánh hiện thực như thế nào? Chủ thể sáng tạo của người nghệ sĩ có vị trí ra sao trong việc phản ánh hiện thực? Văn học phục vụ chính trị như thế nào? Đặc trưng của văn học là gì? Vì sao văn học cần đổi mới? Đó là hàng loạt những vấn đề lí luận và thực tiễn sáng tác có liên quan trực tiếp tới hai chủ đề nói trên. Những vấn đề nêu trên tưởng như đã được giải quyết từ lâu rồi, nhưng nay lại được phân tích và giải quyết dưới ánh sáng của tinh thần đổi mới. 49
  50. Cũng vào nửa cuối những năm 80, nhiều cuộc tranh luận về văn học Việt Nam diễn ra rất sôi nổi, vì lúc ấy người ta như được ăn nói, được bộc lộ chính kiến, được hít thở một bầu không khí dân chủ, thoải mái. Bầu không khí ấy đã đem lại sự khởi sắc prong sáng tác văn học. Ban đầu là sự xuất hiện của nhiều tác phẩm kí được dư luận rất lưu tâm. Đó là những tác phẩm dũng cảm đề cập đến những sự thật đau lòng trong đời sống xã hội như Tiếng đất của Hoàng Hữu Các, Người đàn bà quỳ của Xuân Ba, Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Lời khai của bị can của Trần Huy Quang Những tác phẩm ấy sẽ còn mãi trong kí ức người đọc và cũng lưu lại trong lịch sử văn học nước nhà. Cùng với thể loại kí là kịch cũng có những dấu ấn đáng ghi nhận. Vào thời gian ấy, có nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ được công diễn, đặc biệt là vở Hồn Trương Ba da hàng thịt, đã tạo nên một sự kiện nghệ thuật làm chấn động dư luận xã hội. Nhưng thành tựu của văn học Việt Nam ở giai đoạn này phải kể đến truyện ngắn và tiểu thuyết. Tiếp bước những nhà văn lớp trước như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Lê Lựu , người ta thấy có nhiều cấy bút trẻ xuất hiện. Những tên tuổi của các cây bút trẻ như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập, Nhật Tuấn, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh, Ngô Ngọc Bội, Lê Thị Minh Khuê đã vượt khỏi biên giới nước nhà ra ngoài thế giới. c). Giai đoạn từ 1992 đến nay: Giai đoạn tiếp tục đổi mới nhưng đã có phần lắng xuống. ở giai đoạn này, người ta thấy vẫn có những tên tuổi mới xuất hiện và họ vẫn cho ra đời những tác phẩm gây được sự chú ý của dư luận. Đó là những cuốn Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh và tên tuổi của hai nhà 50
  51. văn nữ rất được công chúng mến mộ là Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Thị Thu Huệ. Mấy năm gần đây, dư luận có chú ý đến cuộc nổi loạn trong thơ của cây bút trẻ Vi Thuỳ Linh. Song nhìn chung, bước vào những năm 90 của thế kỉ XX, cao trào đổi mới của văn học Việt Nam đã có phần lắng xuống. Có lẽ, nền văn học hiện đại nước nhà như đang âm ỉ tìm đường để tiến tới một sự khởi phát mới 2.4.2. Thực chất của sự đổi mới trong văn học Việt Nam từ 1975 đến nay a). Sự thay đổi cách nhìn nhận thực tại Đổi mới văn học chính là đổi mới quan niệm, đổi mới cách nhìn nhận đối với thực tại. Văn học Việt Nam trước năm 1975 thường nhìn nhận đời sống bằng cái nhìn vĩ mô mang tính chính thống. Nhưng sau 1975, văn học nhìn nhận hiện thực bằng cái nhìn vi mô mang quan điểm cá nhân và tinh thần nhân bản. Nếu nhìn lại những sáng tác trước năm 1975, thì ta thấy văn học Việt Nam dường như chỉ tập trung vào hai mảng đề tài lớn: Đề tài đấu tranh xoá bỏ chế độ cũ, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đề tài chiến tranh giải phóng đất nước khỏi nạn ngoại xâm. Để thể hiện hai đề tài ấy, lẽ tất nhiên, văn học thường miêu tả các nhân vật từ góc độ chính trị. Nhân vật lí tưởng trong văn học thời kì này là những người chiến sĩ luôn hành động vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc và của chế độ mới. Văn học ở thời kì ấy cũng đề cập tới đời sống tình cảm của con người, nhưng thường né tránh những đề tài về tình yêu đôi lứa, mà chú ý nhiều tới tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, tình đồng chí, đồng đội trong khó khăn gian khổ, trong chiến đấu Đó là cái nhìn chính thống, luôn luôn ở tầm vĩ mô của văn học thời kì trước 1975. Cái nhìn đó có tính phân cực, chia cuộc sống thành hai phần trái ngược nhau: “ta - địch”, “sống – chết”, “mới – cũ”, “cách mạng – phản động”, “tiến bộ – lạc hậu”. 51
  52. Thời kì sau 1975 vẫn có nhưng tác phẩm viết về chủ đề chính trị như Bên kia bờ ảo vọng , Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Nhưng xu hướng chung, văn học Việt Nam sau 1975 thường đề cập tới những vấn đề luân lí, đạo đức. Nhiều sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đã phản ánh tình trạng xuống cấp của phong hoá, đạo đức xã hội. Đề tài được chú ý nhiều của văn học Việt Nam sau 1975 là tình yêu nam nữ và cuộc sống thường ngày của con người. Điều đáng chú ý ở văn học thời kì sau 1975 là, dù viết về chủ đề chính trị hay chủ đề tình yêu nam nữ, các nhà văn thường miêu tả các nhân vật của mình từ góc nhìn nhân bản. Từ góc nhìn nhân bản, văn học Việt Nam sau 1975 đã miêu tả những bi kịch rất riêng tư của mỗi cá nhân, nó xoá đi cái nhìn giản đơn về đời sống và con người. Truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Phạm Thị Hoài là những ví dụ khá rõ nét cho những điểm nêu trên. 1. Sự phê phán thực tại Điều dễ nhận thấy là văn học Việt Nam trước năm 1975 luôn thể hiện nhiệt tình khẳng định sự tốt đẹp, tính hợp lí của đời sống thực tại. Thực tại đời sống của dân tộc được miêu tả luôn ở mức lí tưởng, không gì có thể sánh được. Xã hội cũ với những áp bức, bất công đã bị xã hội mới xoá bỏ. Những con người xây dựng xã hội ấy được miêu tả như những người đi tiên phong, ưu tú nhất. Vì thế, con người được miêu tả trong văn học luôn mang tầm vóc lớn lao, phi thường. Chị Trần Thị Lí, một con người có thật trong bài thơ Người con gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu hiện lên như một con người của huyền thoại. Thời kì sau 1975, văn học Việt Nam không thiên về giọng điệu ngợi ca thực tại như trước nữa, mà dám nhìn thẳng vào sự thật để phản ánh và phê phán. Thể loại kí đã phản ánh khá nhạy bén về bệnh cửa quyền, tệ tham nhũng, thói nịnh trên nạt dưới, sự tha hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên 52
  53. và cuộc sống lam lũ của những người dân thấp cổ bé họng. Nguyễn Minh Châu được coi là cây bút đi đầu trong việc đưa văn học Việt Nam phát triển theo hướng đổi mới. Vào những năm 80 của thế kỉ XX, Nguyễn Minh Châu đã có khá nhiều truyện ngắn mang tính luận đề. Có thể kể đến hai truyện ngắn hay nhất của ông là Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát. Đây là hai tác phẩm thể hiện một tư tưởng thực sự mới mẻ về thân phận của người nông dân trong xã hội hiện đại. Tính luận đề, tinh thần tự phân tích, tự phê phán trở thành cảm hứng chủ đạo trong văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Nói về văn học thời kì này, những tác phẩm thường được nhắc tới như Thời xa vắng của Lê Lựu; Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không giấy giá thú của Ma Văn Kháng; Bên kia bờ ảo vọng của Dương Thu Hương; Thân phận tình yêu của Bảo Ninh; Tướng về hưu, Không có vua, Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp Đọc những tác phẩm văn học thời kì đổi mới, người ta thấy trong cuộc sống hiện tại có những mảng tối, mà trong đó có biết bao sự tà nguỵ, ma quái. Trong cơ chế thị trường và không khí thời mở cửa, khi cái quyền uy gia trưởng phần nào đã bị xoá bỏ, tư tưởng phần nào đã được giải phóng, con người có thể làm những việc rất tệ hại, chà đạp lên cả đạo lí truyền thống của dân tộc. Truyện Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp là một ví dụ khá điển hình. Truyện kể về một gia đình đông con có bố đang ốm nặng. Người anh cả họp gia đình để bàn việc chữa bệnh cho bố, nhưng mỗi người đều có ý kiến riêng. Người anh cả phải quyết định lấy biểu quyết để thống nhất ý kiến. Anh ta thản nhiên hỏi các em: “Ai đồng ý để bố chết, giơ tay”. Phải khẳng định rằng, văn học sau năm 1975 không phải là nền văn học bi quan, mà đây là nền văn học thực sự thương yêu, trân trọng con người. Chính vì lẽ đó mà văn học viết về con người một cách nghiệt ngã, nhưng đằng sau sự nghiệt ngã ấy, văn học sau 1975 vẫn làm sáng lên vẻ đẹp bất diệt của Chân – Thiện – Mĩ và không làm cho người ta mất đi niềm tin 53
  54. vào con người. Song, không thể phủ nhận được rằng, những tác phẩm xuất sắc nhất trong giai đoạn này đã để lại cho chúng ta một nỗi buồn sâu lắng với nhiều điều để suy ngẫm. 2. Sự đối thoại, đa thanh Mỗi thời đại, văn học đều phát ngôn cho tư tưởng theo một cách thức riêng. Tiếng nói phát ngôn trong văn học Việt Nam trước năm 1975 là tiếng nói độc thoại, một giọng. Điều này có thể nhận thấy qua mối quan hệ của hệ thống nhân vật và kết cấu của tác phẩm văn học. Cùng trong một tác phẩm văn học, các nhân vật thường được đặt vào những bảng giá trị cao – thấp rất khác nhau và được phân chia thành hai tuyến đối lập: mới – cũ, địch - ta khá rõ rệt. Những gì thuộc về cái cũ, về phía địch thường là xấu xa, phản động; còn những cái gì là mới, thuộc về phía ta thì đều là tốt đẹp, chính nghĩa. Tâm thế trần thuật trong tác phẩm văn học là tâm thế của sự thành kính và trang trọng. Quyền phát ngôn tư tưởng dường như đã dành hẳn cho một phía. Cũng vì thế, mỗi lời phát ngôn của tác phẩm văn học đều được coi như lời tiên tri, khẳng định mọi sự đã an bài trong đời sống với một chân lí duy nhất. Thời kì sau 1975, tác phẩm văn học thường đặt tất cả các nhân vật với cùng một mặt bằng giá trị, không có sự phân chia thứ bậc thấp – cao. Người kể chuyện có thể kể về các nhân vật của mình một cách thân mật, có khi rất suồng sã. Nhân vật trong tác phẩm thường cũng không có sự phân tuyến thành chính diện hay phản diện. Các nhân vật dường như được bình đẳng với nhau, bình đẳng cả với tác giả và người kể chuyện trong việc phát ngôn tư tưởng. Chính vì vậy, khi đọc tác phẩm văn học, người ta như được nghe nhiều giọng nói. Các giọng nói ấy như đang bàn bạc, đối thoại, tranh luận với nhau, làm cho tiếng nói trong tác tác phẩm trở nên đa thanh, đa giọng điệu. Có những tác phẩm kết thúc bằng bi kịch hoặc kết thúc theo kiểu bỏ 54
  55. ngỏ. Truyện ngắn Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp có tới ba cái kết luận. Cách kết cấu này để cho người đọc nghĩ rằng cuộc sống trong tác phẩm văn học là một thực thể vẫn đang tiếp diễn, chưa có gì được hoàn tất. Không thể đưa ra một tiếng nói cuối cùng hay một lời tiên tri nào khi mà mọi sự còn đang tiếp diễn, còn đang dang dở như vậy. Lúc này, mỗi tác phẩm văn học cũng chỉ là một tiếng nói, một ý kiến được đưa ra để đối thoại, tranh luận với các ý kiến khác. Tinh thần dân chủ như vậy trong văn học Việt Nam trước năm 1975 chưa thể có được. Tóm lại, quá trình đổi mới của văn học Việt Nam sau 1975 thực chất là quá trình phát triển theo hướng hiện đại hoá của mình. Nền văn học đó đã chuyển dần sang một thời kì mới với những đặc điểm mới, nó ngày càng đi sát hơn với đời sống, mở rộng và đi sâu khám phá về con người và xã hội. Cuộc sống và con người được thể hiện trong tính đa dạng và chân thực, trong những cái thường nhật và những sự kiện lịch sử, trong cái chung và cái riêng, trong ánh sáng và bóng tối còn rơi rớt Tinh thần nhân đạo truyền thống của dân tộc vẫn được phát huy mạnh mẽ trong cảm hứng nhân bản: hướng về con người, khám phá và thể hiện con người trong nhiều mối quan hệ khác nhau, coi trọng sự tự ý thức của mỗi cá nhân nhằm hướng tới sự hoàn thiện con người. ý thức cá nhân được thức tỉnh gắn liền với tinh thần dân chủ cũng được coi là một nét nổi bật của văn học Việt Nam sau năm 1975, nó phù hợp với xu hướng dân chủ hoá của đời sống con người và xã hội. Các nhà văn có ý thức đầy đủ hơn về tư tưởng riêng và cá tính sáng tạo, lưu tâm nhiều hơn đến phong cách sáng tác, mạnh dạn tìm tòi và thể nghiệm trong phương thức nghệ thuật. Các thể loại văn học, đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn, đều có sự biến đổi và có được những thành tựu đáng kể. Các nhà văn trẻ xuất 55
  56. hiện nhiều. Các nhà văn đã thành danh từ trước năm 1975 đều có sự chuyển biến và đổi mới rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, vẫn phải nói rằng, văn học Việt Nam sau 1975 cũng mang trong mình tính phức tạp, bởi lẽ đồng thời với những tìm tòi, sáng tạo đúng đắn cũng không hiếm những hiện tượng lệch lạc, những khuynh hướng thiếu lành mạnh, đặc biệt là luồng văn học thương mại hoá, bị tác động tiêu cực của thị trường, đánh mất đi cái giá trị tư tưởng và nghệ thuật cần phải có của văn học. Tiểu chủ đề 2: Văn học Việt Nam trong chương trình tiểu học (2 tiết) Hoạt động 1: Xác định mục tiêu của việc tìm hiểu văn học Việt Nam trong Chương tình và Sách giáo khoa tiểu học Thông tin cơ bản cho hoạt động 1 Để xác định mục tiêu của việc tìm hiểu về văn học Việt Nam trong chương trình và Sách giáo khoa tiểu học, bạn cần có những tài liệu sau: 1. Chương trình tiểu học được ban hành theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 9 tháng 11 năm 2001. 2. Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt (bộ mới) từ lớp 1 đến lớp 5 do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Nhiệm vụ Để thực hiện Hoạt động 1, Bạn cần hoàn thành các Nhiệm vụ sau: Nhiệm vụ 1: a). Hãy đọc hai tài liệu đã ghi ở trên. b). Khi đọc, Bạn hãy ghi chép những ý cần thiết cho việc xác định mục tiêu tìm hiểu văn học Việt Nam trong Chương trình và Sách giáo khoa tiểu học. Nhiệm vụ 2: 56
  57. Bạn hãy viết mục tiêu về Kiến thức, về Kĩ năng và về Thái độ của việc tìm hiểu văn học Việt Nam trong Chương trình và Sách giáo khoa tiểu học. Đánh giá Hoạt động 1 Bạn hãy tự đánh giá mức độ đã hoàn thành các Nhiệm vụ trong Hoạt động 1 bằng việc trả lời các câu hỏi dưới đây: a). Các mục tiêu về Kiến thức, Kĩ năng và Thái độ của việc tìm hiểu văn học Việt Nam trong Chương trình và sách giáo khoa tiểu học đã xác định đúng chưa? b). Các từ ngữ dùng để viết mục tiêu đã chính xác chưa? Hoạt động 2: Tìm hiểu Chương trình và Sách giáo khoa Tiếng Viêt dùng cho bậc tiểu học tiểu học Thông tin cho Hoạt động 2 Để tìm hiểu Chương trình và Sách giáo khoa Tiếng Việt dùng cho bậc tiểu học tiểu học, Bạn cần đọc kĩ 2 tài liệu đã nêu ở Hoạt động 1. Nhiệm vụ Nhiệm vụ 1: a). Đọc kĩ Chương trình và Sách giáo khoa Tiếng Việt dùng cho bậc tiểu học. b). Thống kê và phân loại các câu, các đoạn trích thuộc văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại. Nhiệm vụ 2: a). Hãy đưa ra nhận xét về các mảng văn học Việt Nam được chọn lựa để đưa vào Chương trình và Sách giáo khoa tiểu học. 57
  58. b). Hãy nêu ý kiến của Bạn về những ưu điểm và nhược điểm của các mảng văn học được chọn lựa đưa vào Chương trình và Sách giáo khoa tiểu học. Đánh giá Hoạt động 2 Bạn hãy tự đánh giá mức độ đã hoàn thành các Nhiệm vụ trong Hoạt động 2 bằng việc trả lời các câu hỏi dưới đây: a). Bạn có nhận xét gì sau khi thống kê, phân loại các mảng văn học để dùng làm ngữ liệu cho việc dạy học tiếng Việt? b). Các mảng văn học Việt Nam được lựa chọn đưa vào Chương trình và Sách giáo khoa tiểu học có phục vụ cho việc dạy học tích hợp hay không? Thông tin phản hồi cho các hoạt động Thông tin phản hồi cho Hoạt động 1 Mục tiêu của việc tìm hiểu về văn học Việt Nam trong chương trình và Sách giáo khoa tiểu học có thể được xác định như sau: a).Về kiến thức: + Có được những hiểu biết về cách tuyển chọn, sắp xếp và gợi ý hướng dẫn học tác phẩm văn học Việt Nam trong Chương trình và Sách giáo khoa tiểu học. + Phân tích được tính hợp lí của cách tuyển chọn, sắp xếp và gợi ý hướng dẫn học tác phẩm văn học Việt Nam trong chương trình và Sách giáo khoa tiểu học. b). Về kĩ năng: + Cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học (ở dưới dạng các đoạn trích) được đưa vào chương trình và Sách giáo khoa tiểu học. + Sử dụng được các kiến thức văn học để thiết kế các bài giảng ở tiểu học theo hướng tích hợp. 58
  59. c).Về thái độ: + Có tinh thần chủ động và sáng tạo trong việc sử dụng các kiến thức và kĩ năng văn học vào việc dạy học tiếng Việt ở tiểu học. + Có ý thức tự học, tự nghiên cứu, tích luỹ các kiến thức về văn học Việt Nam để có điều kiện dạy học thật tốt ở trường tiểu học. Thông tin phản hồi cho Hoạt động 2 Về Chương trình và Sách giáo khoa Tiếng Việt dùng cho bậc tiểu học có thể nêu một số điểm cơ bản như sau: a). Chương trình Tiếng Việt ở bậc tiểu học có vị trí hết sức quan trọng. Điều này được thể hiện rất rõ ở việc bố trí tổng thời lượng cao nhất cho môn Tiếng Việt. Cụ thể là: - Lớp 1: 11 tiết/tuần - Lớp 2: 10 tiết /tuần - Lớp 3: 9 tiết /tuần - Lớp 4: 8 tiết /tuần - Lớp 5: 8 tiết /tuần. Trong khi đó, môn Toán được xếp ở vị trí thứ hai, cũng chỉ có từ 4 tiết/tuần ở Lớp 1, đến 5 tiết/tuần ở các Lớp 2, 3, 4, 5. Các môn khác thì càng ít hơn. b). Trong mục tiêu của môn Tiếng Việt có nêu rõ: Cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về Tiếng Việt, và những hiểu biểt sơ giản về xã hội, tự nhiên, và con người, về văn hoá, văn học của Việt Nam và nước ngoài. c). Về Văn, được bố trí cho học sinh tiếp cận từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp. Cụ thể như sau: - Lớp 1: Làm quen với các dạng bài văn vần, văn xuôi. Về ngữ liệu được chia thành 2 giai đoạn: 59
  60. + Giai đoạn học chữ: Là những từ, ngữ, câu ngắn, đoạn ngắn, các thành ngữ, tục ngữ, ca dao phù hợp với yêu cầu học chữ và rèn kĩ năng. Ngữ liệu phù hợp với lứa tuổi học sinh, có tác dung giáo dục và mở rộng sự hiểu biết. + Giai đoạn sau học chữ: Là những câu, đoạn nói về thiên nhiên, gia đình, trường học, thiếu nhi. Ngữ liệu có cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, có tác dụng giáo dục giá trị nhân văn và cung cấp cho học sinh những hiểu biết về cuộc sống. Chú ý thích đáng đến các văn bản phản ánh đặc điểm (thiên nhiên, đời sống văn hoá, xã hội ) của các địa phương trên đất nước ta. - Lớp 2: . Nhận biết văn xuôi, văn vần, . Nhận biết nhân vật trong truyện, . Nhận biết đoạn văn, khổ thơ. Ngữ liệu gồm 2 loại: + Văn bản văn học: Là những đoạn trích (có thể biên soạn lại) từ các tác phẩm trong kho tàng văn học Việt Nam và văn học thế giới có nội dung giới thiệu thiên nhiên, cuộc sống xã hội, đặc biệt là cuộc sống của trẻ em ở gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. + Các văn bản khác: Là những văn bản thuộc phong cách báo chí, khoa học, hành chính có nội dung nói về thiên nhiên, môi trường, văn hoá, khoa học phù hợp với học sinh lớp 2. Chú ý thích đáng đến các văn bản phản ánh đặc điểm (thiên nhiên, đời sống văn hoá, xã hội ) của các địa phương trên đất nước ta. - Lớp 3: . Nhận biết bố cục của bài văn (mở đầu, thân bài, kết thúc), . Nhận biết về vần trong thơ. Ngữ liệu gồm: + Văn bản văn học: Tương tự như ở lớp 2, nhưng dài hơn. 60
  61. + Các văn bản khác: Tương tự như đã nêu ở lớp 2. Có thể thêm một số bài để học sinh làm quen với các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội ở nước ta. - Lớp 4: . Thơ 4 chữ, thơ 5 chữ, . Sơ lược về lời người kể chuyện, lời nhân vật. Ngữ liệu gồm: + Văn bản văn học: (Trích tuyển hoặc chỉnh biên) từ các tác phẩm có giá trị trong kho tàng văn học Việt Nam và văn học thế giới, nhằm giáo dục các giá trị nhân văn, tinh thần hướng thiện, yêu thích cái đẹp. + Các văn bản khác: (Trích tuyển hoặc chỉnh biên) từ các tác phẩm có phong cách chính luận, khoa học, hành chính nhằm giới thiệu cho học sinh một số vấn đề xã hội như: những nghề nghiệp phổ biến, an toàn giao thông; những đặc điểm chính về văn hoá và đất nước Việt Nam. - Lớp 5: . Thể thơ lục bát, . Sơ lược về cốt truyện và nhân vật. Ngữ liệu: Là các văn bản văn học và các văn bản khác dùng để học tiếng Việt cho lớp 5 có nội dung như nội dung ngữ liệu đã nêu ở lớp 4. Chú ý có thêm một số bài thuộc các đề tài về trẻ em và quyền trẻ em, bảo vệ môi trường, giáo dục dân số, tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Tóm lại, việc dạy học tiếng Việt ở tiểu học được vận dụng theo quan điểm tích hợp, kết hợp dạy tiếng Việt với dạy văn hoá và dạy văn. Ngữ liệu để dạy tiếng Việt là các văn bản dùng trong đời sống, là các tác phẩm hoặc trích đoạn tác phẩm văn chương tiêu biểu. Thông qua những ngữ liệu này, học sinh vừa được học đọc, viết, nghe, nói, vừa được mở rộng hiểu biết về tự nhiên, xã hội, văn hoá và văn học. 61
  62. d) Những định hướng trong chương trình nói trên đã được quán triệt một cách khá triệt để vào việc tuyển chọn các loại văn bản để đưa vào sách giáo khoa, tạo được sự thống nhất cao giữa chương trình và sách giáo khoa. Tiểu chủ đề 3: Tập phân tích một số tác phẩm văn học Việt Nam (Chú trọng các bài được lựa chọn trong chương trình tiểu học) (6 tiết) I. Gợi ý mô hình phân tích Mục đích của phần này nhằm giúp Bạn tập phân tích một số tác phẩm văn học (nguyên tác hoặc trích đoạn) được đưa vào sách giáo khoa tiểu học. Cụ thể là: Mùa thu câu cá (Nguyễn Khuyến), Lớp 3, Tập 1; Về thăm bà (Thạch Lam), Lớp 4, Tập 1; Việt Bắc (Tố Hữu), Lớp 4, Tập 2; Bài ca Côn Sơn (Nguyễn Trãi), Lớp 5, Tập 1; Rằm tháng giêng ( Hồ Chí Minh), Lớp 5, Tập 2. Việc phân tích một số tác phẩm văn học cũng sẽ giúp Bạn có thêm những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho việc dạy học. Muốn phân tích, Bạn cần tìm hiểu từng tác phẩm thật kĩ càng, sau đó, Bạn cần tiến hành việc soạn từng bài theo một thiết kế nhất định để có thể trình bày về nội dung và nghệ thuật của mỗi tác phẩm một cách mạch lạc, sao cho có sức thuyết phục. Dưới đây là một mô hình thiết kế có thể gợi ý để Bạn làm theo. Đó là thiết kế theo mô hình G.I.P.O. 1. G.I.P.O là gì? Đó là viết tắt của các chữ sau: • Goal: Mục tiêu (Nêu các mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ). • Input: Nguồn (hoặc đầu vào) (Đưa ra các tài liệu cần thiết cho người học). 62