Tây Nam Bộ với tư cách là một vùng văn hóa và các tiểu vùng của nó

doc 9 trang phuongnguyen 3090
Bạn đang xem tài liệu "Tây Nam Bộ với tư cách là một vùng văn hóa và các tiểu vùng của nó", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • doctay_nam_bo_voi_tu_cach_la_mot_vung_van_hoa_va_cac_tieu_vung.doc

Nội dung text: Tây Nam Bộ với tư cách là một vùng văn hóa và các tiểu vùng của nó

  1. TÂY NAM BỘ VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT VÙNG VĂN HÓA VÀ CÁC TIỂU VÙNG CỦA NÓ Đinh Thị Dung DẪN NHẬP Văn hoá thống nhất trong đa dạng. Đặc trưng này thể hiện ngay trong một nền văn hoá. Chính vì vậy, phân vùng là một trong những yêu cầu có tính phương pháp luận trong nghiên cứu văn hoá. Hiện có khá nhiều quan niệm về vùng văn hoá, trong đó quan niệm của Trần Quốc Vượng đảm bảo được tính ngắn gọn của một định nghĩa, thể hiện rõ quan điểm tiếp cận, đồng thời nêu bật được đặc trưng cơ bản của một vùng văn hoá: “Một vùng văn hóa là một tổng thể - hệ thống một không gian văn hóa (cutural space) với một cấu trúc - hệ thống (structure- system) bao gồm các hệ dưới - hay tiểu hệ (sub- system) theo lối tiếp cận hệ thống (system-analysis)” [Trần Quốc Vượng 1998, tr. 401]. Quả vậy, nói đến vùng văn hoá trước hết là nói đến tính hệ thống – tổng thể của một không gian văn hoá với những đặc trưng chung có thể tạo nên nét khác biệt trong so sánh với các vùng văn hoá khác. Về mặt không gian, Việt Nam có địa bàn hẹp nhưng lại trải dài từ bắc vào nam với bờ biển dài trên 3.000 km, đa dạng về địa hình, điều kiện khí hậu lẫn về tộc người và phân bố tộc người. Về mặt thời gian, Việt Nam có quá trình phát triển lâu đời, trong đó từ rất sớm đã có xu hướng phát triển dần vào phương nam tạo nên sự đa dạng văn hoá giữa các vùng đất cũ và vùng đất mới, nhất là trong quá trình phát triển vào nam, cư dân Việt luôn sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới trên cơ sở ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội mới của mình. Do vậy, từ trước khi có những nghiên cứu khoa học về văn hoá và vùng văn hoá, người Việt đã cảm nhận được những khác biệt giữa các xứ, các vùng văn hoá. Trong Việt Nam văn hoá sử cương (1938) – được coi là công trình nghiên cứu có tính hệ thống đầu tiên về văn hoá Việt Nam, tuy không sử dụng khái niệm vùng văn hoá nhưng Đào Duy
  2. Anh đã rất chú ý đến tính đa dạng của văn hoá Việt Nam khi xem xét sự khác biệt về hoàn cảnh sinh hoạt của cư dân ở những địa vực khác nhau trong nội bộ nền văn hoá Việt Nam [Đào Duy Anh 2000: 16 –23]. Từ những thập niên cuối thế kỷ XX, việc phân vùng văn hoá Việt Nam được đặc biệt chú trọng và có nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu tính đa dạng của văn hoá Việt Nam cùng những biểu hiện đặc trưng của mỗi vùng văn hoá. Nhìn chung, có nhiều quan niệm và nhiều cách phân vùng văn hoá Việt Nam. Ngô Đức Thịnh (1993, 2004) phân văn hoá Việt Nam thành 7 vùng, Huỳnh Khái Vinh và Nguyễn Thanh Tuấn (1995) phân thành 8, Đinh Gia Khánh và Cù Huy Cận (1995) phân thành 9, trong khi Trần Quốc Vượng (1996, 2003) và Chu Xuân Diên đều chia thành 6 vùng với đôi chút khác biệt. Hầu hết các cách chia nêu trên đều xem Nam Bộ là một vùng văn hoá, trong đó Ngô Đức Thịnh (1993, 2004) xem Đồng bằng sông Cửu Long là một tiểu vùng thuộc vùng văn hoá Nam Bộ cùng với tiểu vùng sông Đồng Nai và tiểu vùng Sài Gòn – Gia Định. VÙNG VĂN HOÁ TÂY NAM BỘ Xem Nam Bộ là một vùng văn hoá có cơ sở của nó. Nam Bộ là vùng đất cuối cùng của đất nước về phía nam, nằm gọn trong lưu vực của 2 con sông Đồng Nai và Cửu Long, và là vùng đất cửa sông giáp biển. Nam Bộ có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô, vòng quay thiên nhiên đã tạo ra vòng quay mùa vụ ở đây với những nét khác biệt so với các vùng khác, vì thế nó cũng tạo ra đặc trưng văn hóa tiêu biểu. Nam Bộ còn là vùng đất mới. Khi vùng đất này thuộc về Việt Nam, đặc biệt là vào thế kỷ XVII lúc người Việt vào đây làm ăn sinh sống, vùng đất này mới dần dần phồn vinh, cùng với người Việt là người Hoa, người Khme, người Chăm, người Mạ, Xtiêng, Chơro, Mơnông đã tạo cho vùng này một bức tranh văn hóa đa dạng với cấu trúc chủ thể đa tộc người. Tuy nhiên xét kỹ về không gian và thời gian văn hoá, có thể thấy Nam Bộ có hai vùng văn hoá rõ rệt: vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nam Bộ. Trong số các nhà nghiên
  3. cứu phân vùng văn hoá Việt Nam kể trên, Huỳnh Khái Vinh và Nguyễn Thanh Tuấn đã xem “Tây Nam Bộ” là một vùng văn hoá với tên gọi là Vùng văn hoá Cửu Long hay vùng Văn hoá Đồng bằng sông Cửu Long; còn vùng chúng tôi hay gọi là Đông Nam Bộ thì Huỳnh Khái Vinh và Nguyễn Thanh Tuấn gọi là vùng Đồng Nai – Gia Định. Đây là cách phân có cơ sở khoa học và có đóng góp. Tuy nhiên, Huỳnh Khái Vinh và Huỳnh Thanh Tuấn chỉ xem việc phân vùng của mình để giúp cho việc “hình dung đại thể”, “một cách trực quan cảm tính” [Huỳnh Khái Vinh – Nguyễn Thanh Tuấn 1995: 91], chưa có nêu rõ tiêu chí, đặc điểm Vùng văn hoá Cửu Long và các tiểu vùng của nó. Thực ra, về mặt cảm tính, vẫn có thể thấy Tây Nam Bộ được nhìn nhận khá sớm thể hiện qua tên gọi trong so sánh với Đông Nam Bộ như Đồng bằng sông Cửu Long, Châu thổ sông Mê Kông, hoặc ngắn gọn là miền Tây Nam Bộ (southwestern region) hay ngắn gọn hơn là miền Tây. Trong thời Pháp thuộc, chúng ta thấy người Pháp cũng nhận thức đây là một vùng riêng biệt (theo Địa- hành chính). Họ gọi vùng châu thổ sông Mekong, là Miền Dưới của Nam Kỳ (Low Cochinchina - Basse Cochinchine), Miền Tây Nam Kỳ (Western Cochinchina, Cochinchine occidentale), Miền Quá sông Bassac (Transbassac), Miền Chưa Tới sông Bassac (Cisbassac) với những ý niệm về “Văn minh sông nước” [Pascal Bourdeaux: www.gio-0.com]. Về mặt khoa học, có thể thấy Tây Nam Bộ có những đặc điểm nổi bật so với vùng Đông Nam Bộ với tư cách là một vùng văn hoá. Tây Nam Bộ trước hết là một không gian địa lý liền kề liên tục. Đây là vùng đồng bằng (sông Cửu Long) cùng một vài dãy núi thấp ở miền Tây An Giang, Kiên Giang, phía bắc giáp vùng Đông Nam bộ, phía tây giáp Campuchia, phía nam giáp vịnh Thái Lan, phía đông giáp Biển Đông, hiện gồm 13 tỉnh thành sau: Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang. Tây Nam Bộ có diện tích khoảng 40.000 km vuông, được hình thành từ những trầm tích phù sa và được bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, và qua từng giai đoạn kéo theo sự hình thành những giồng cát dọc theo bờ biển của miền Tây Nam Bộ. Gió mùa cận xích đạo: nóng, nhiệt độ cao và ổn định. Tây Nam Bộ có 2 mùa: mưa và kiệt, toàn vùng là một hệ thống mở biến nhịp với
  4. chế độ thuỷ văn. Hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành nên dạng hình đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông và dọc theo một số giồng cát ven biển, có cả đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Từ mối quan hệ giữa góc nhìn địa - văn hóa (quan hệ giữa môi trường tự nhiên với các hoạt động sáng tạo của con người), với các cách tiếp cận khác chúng ta sẽ thấy Tây Nam Bộ hiện diện với tư cách là một vùng văn hóa, với những đặc trưng văn hóa khác biệt vô cùng đặc sắc. Trước hết, Tây Nam Bộ là vùng văn hóa có sự thống nhất cao độ về môi trường tự nhiên, đặc trưng sinh thái. Nếu như Đông Nam Bộ là vùng phù sa cổ đệm giữa cao nguyên đất đỏ và châu thổ sông Cửu Long thì vùng Tây Nam Bộ là vùng bình nguyên thấp hơn nhiều so với vùng Đông Nam Bộ và là vùng phù sa mới trầm tích qua nhiều năm tháng đổi thay của mực nước biển. Tây Nam Bộ được đặc trưng bởi những giồng cát chạy dọc ven biển, ven sông; riêng vùng trũng thấp thì đất phèn và trầm tích đầm mặn do ảnh hưởng của môi trường biển và nước lợ, thực vật rừng ngập mặn dày đặc cũng tạo nên sắc thái nổi bật. Như vậy, vùng Tây Nam Bộ có hệ sinh thái đa dạng: ngọt, lợ, mặn đan xen. Đây là vùng đồng bằng, địa hình khá bằng phẳng cao độ không lớn so với mực nước biển, nhưng lại có cảnh quan rừng đa dạng với rừng ngập mặn ven biển, rừng nguyên sinh (Phú Quốc), rừng Tràm (Đồng Tháp Mười), rừng nhiệt đới lá rộng (Hải đảo, Bảy Núi, Phú Quốc, Côn Đảo). Đặc biệt là Tây Nam Bộ có cảnh quan sông nước với một hệ thống thuỷ đạo, sông, rạch, lạch gắn với điều kiện tự nhiên và tạo nên một vùng văn hoá sông nước. Chính cấu trúc cảnh quan môi trường/môi trường sinh thái của vùng đã quyết định các loại hình khai thác kinh tế nông, ngư, lâm nghiệp, và qui định nên các phương pháp khai thác tác động vào thiên nhiên của con người, góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa vùng. Những nơi đất phèn, có nước ngọt trồng lúa 2 - 3 vụ, còn nơi đất mặn ven biển thì 1 vụ đều tạo ra kiểu canh tác lúa ngập nước hay nước nổi. Ngoài ra, có một số nơi như U Minh là tiểu / tiểu vùng văn hóa lúa nước điển hình với việc nhờ vào nước mưa để canh tác
  5. (văn hóa tận dụng tài nguyên nước, điều này dễ nhận thấy ở những vùng mặn phèn vùng giồng duyên hải và vùng bán đảo Cà Mau). Đặc trưng địa văn hóa dễ nhận diện nhất ở vùng Tây Nam Bộ là thái độ và sự ứng xử của chủ thể với nguồn nước trong một vùng sông nước khá độc đáo: Tận dụng nguồn nước mưa tạo nên quỹ nước. Tận dụng mùa nước nổi để dành nước cho mùa kiệt và với sự linh hoạt đó người dân Tây Nam Bộ giữ được mức thủy cấp, ém phèn và tạo ra vi khí hậu - một sự thích ứng tuyệt vời của con người trong bất kỳ hoàn cảnh tự nhiên nào. Tây Nam Bộ là vùng sông nước, người dân nơi này không chặn nước mà tháo nước. Vùng này không hề có đê như đồng bằng Bắc Bộ mà dựa vào chế độ thủy triều, hệ thống thủy lợi đưa nước ngọt từ sông lớn vào sông nhỏ, vào kênh rạch rồi lên mương, lên vườn, có kênh xuôi theo dòng một lạch triều, kênh xuôi theo dòng một lạch triều nối với đuôi một lạch đối diện (kênh Xà No, Lái Hiếu, Cán Gáo ) kênh thẳng góc với 2 lạch triều, cắt ngang dòng chảy đưa nước vào nội địa như kênh Gành Hào, kênh Hộ Phòng, kênh chợ Hội, kênh Huyện Sử , kênh nối trục tứ giác Long Xuyên với vịnh Thái Lan, kênh đổ ra sông Vàm Cỏ [Dẫn theo GS TS Nguyễn Ngọc Trân 1990, tr. 181-182] ĐBSCL Tài nguyên- Môi trường - Phát triển, HN- TP.HCM- ĐBSCL, 1990 tr 181-182.] Cũng từ môi trường tự nhiên đặc thù của vùng mà nơi đây hệ văn hóa làng nghề độc đáo cũng xuất hiện như làng nghề dừa, làm đay, làm cói (những loại cây của vùng đất bùn). Sinh thái thủy vực dẫn đến nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản như nghề cá ven sông, nghề cá dùng đáy, lưới Rừng ở Tây Nam Bộ cũng mang một diện mạo riêng. Không như rừng Tây Nguyên, hay rừng Trung Bộ, rừng ở đây là rừng tràm đặc thù, rừng ngập mặn Rừng tràm là một hệ sinh thái cực kỳ ổn định của vùng trũng ngập nội địa. Chính môi trường sinh thái này đã đưa tới một sắc thái địa - văn hóa tiêu biểu của vùng Tây Nam Bộ. Đó là văn hóa hồ - rừng, người dân đã dùng rừng làm hồ chứa nước (U Minh hạ, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên ) để canh tác vào mùa khô. Rõ ràng môi trường tự nhiên, hệ sinh thái của vùng Tây Nam Bộ có những nét tiêu biểu đặc trưng, trong môi trường đó cư dân Tây Nam Bộ đã đã thích ứng và tác động để
  6. tạo dựng nên môi trường sống cho mình, tạo nên những tập quán canh tác, sản xuất đặc thù cũng như các phong tục phù hợp cho cộng đồng. Tây Nam Bộ là vùng văn hóa được sáp nhập cuối cùng vào văn hóa Việt Nam, xét về thời gian văn hóa, đây là vùng đất trẻ, mới và tiếp nhận nhiều tộc người khác nhau đến làm ăn sinh sống. Do vậy trên vùng đất này đã diễn biến tự nhiên một quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người, từ đó những thành tựu văn hóa ở đây phản ánh thành tựu của quá trình giao lưu và biến đổi văn hóa rõ nét. Đặc trưng văn hóa Tây Nam Bộ đó là sự dung hợp văn hóa của nhiều tộc người (Việt- Hoa –Chăm - Khmer ). Theo Ngô Văn Lệ, “Nam Bộ - mà cụ thể là đồng bằng sông Cửu Long – là nơi duy nhất có các tộc người thiểu số sinh sống bên cạnh người Việt” [Ngô Văn Lệ 2000: 106]. Ngoài ra, với vị thế ba mặt tiếp giáp biển, với tổng chiều dài trên 700 km Tây Nam Bộ có một ưu điểm mà khó có vùng nào có, đó là môi trường giao lưu rộng mở, rất thuận lợi cho tiếp xúc và giao lưu văn hóa – phát triển kinh tế. CÁC TIỂU VÙNG CỦA VÙNG VĂN HOÁ TÂY NAM BỘ Xét các tiêu chí cơ bản, Tây Nam Bộ là một vùng văn hoá vì đảm bảo được tính liền kề, thống nhất về mặt không gian văn hoá và không gian này mang những đặc trưng chung xét trên bình diện môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trong so sánh với vùng văn hoá khác, cụ thể là với vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, như các vùng văn hoá khác, Tây Nam Bộ là vùng văn hoá thống nhất trong đa dạng. Phân chia và nhận diện đặc điểm các tiểu vùng của vùng văn hoá Tây Nam Bộ là một việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nhưng cũng là công việc hết sức phức tạp. Trong khuôn khổ bài viết này, từ góc nhìn địa – văn hoá, chúng tôi đề xuất chia Tây Nam Bộ ra làm 5 tiểu vùng: 1. Tiểu vùng Đồng lũ kín (Đồng Tháp Mười): Gồm phần lớn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Long An và một phần Tiền Giang. Đây là vùng đất có địa hình đồng trũng, là đồng lũ kín, thường ngập nước. Vì vậy, môi trường sinh thái nổi bật là đầm, đồng nước, thích hợp với các loại cây chịu đất phèn trũng có khả năng chịu mặn như lau sây, lác (cói), năng
  7. Đây là tiểu vùng được đặc trưng bởi cảnh quan sinh thái của tràm chim, của canh tác lúa nổi, của các nghề thủ công gắn với vật liệu tự nhiên của tiểu vùng như nghề đan lác, đương đệm, chằm lá dừa , của việc đi lại vùng sông nước với chiếc xuồng là chân đi. 2. Tiểu vùng Đồng lũ hở (Tứ giác Long Xuyên): Theo quan niệm cũ, Tứ giác Long Xuyên gồm Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ với các cạnh của nó là biên giới Việt Nam – Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu (Bassac). Tuy nhiên, trong không gian này chúng tôi thấy có hai “tiểu vùng” khá rõ rệt, đó là “Tứ giác Long Xuyên” nhưng chỉ bao gồm các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Long Xuyên, Châu Phú, Thoại Sơn, Châu Thành của tỉnh An Giang và một phần tỉnh Kiên Giang (thị xã Rạch Giá, các huyện Kiên Lương, Hòn đất, ); phần còn lại thuộc tiểu vùng Phù Sa. Đây là tiểu vùng có địa hình nhìn chung là thấp trũng, tương đối bằng phẳng (đồng bằng phù sa ven biển Tây). Đây là vùng Đồng lũ hở: kênh đào song song đổ ra vịnh Thái Lan, khi xổ lũ lại đem triều mặn vào, thích hợp cho dừa nước và bạch đàn phát triển. Trên vùng đồng lũ này người dân đã canh tác một giống lúa đặc biệt là lúa sạ, một giống lúa nổi, đồng thời phát triển nghề làm mắm cá đồng, làm đường (thốt nốt), nuôi cá bè (nhà bè). 3. Tiểu vùng Phù sa ngọt: Gồm tỉnh Cần Thơ, một phần Đồng Tháp, một phần An Giang, một phần Kiên Giang và một phần Hậu Giang. Đây là vùng đất có địa hình bằng phẳng, đặc trưng bởi sinh thái phù sa ngọt, có thể trồng được nhiều loại cây, tạo nên văn minh miệt vườn và cũng thể hiện rõ văn hoá sông nước với chợ nổi, nhà sàn ven sông, cầu khỉ 4. Tiểu vùng Giồng duyên hải : Gồm Sóc Trăng, Trà Vinh và một phần Tiền Giang, một phần Bến Tre và một phần Bạc Liêu. Đây là vùng sinh thái tiếp biển, hình thành địa hình giồng ven biển (đồng bằng ven biển) chịu ảnh hưởng nhật triều với hiện tượng độc đáo là lúc con nước chưa xuống hết thì lại bắt đầu lên lại, người dân gọi là con nước lửng. Đây vốn là vùng ngập mặn nên
  8. dân làm ruộng mùa mưa và hạn đối với họ có ảnh hưởng lớn thường được gọi là hạn bà chằn 5. Tiểu vùng ngập mặn (Bán đảo Cà Mau): Gồm Cà Mau, một phần Bạc Liêu, một phần Kiên Giang, một phần Cần Thơ. Đây là vùng đất thấp, địa hình cao ở phía biển (Biển Đông và Biển Tây), thấp dần về phía nội địa, tạo thành các vùng trũng, các đầm lầy ở phần giữa, 3 mặt đều giáp biển. Đây là vùng đất phèn mặn, nổi bật với đặc trưng sinh thái hồ - rừng độc đáo, nhất là ở vùng U Minh. Đây cũng là vùng kết hợp kinh tế biển – rừng với đặc trưng được ghi nhận là đất biết sinh, rừng biết đi. Đất “sinh nở” đến đâu cây rừng theo chân giữ đất đến đó. Chính vì vậy mà cây đước, rừng đước là biểu tượng của vùng đất này. * * * Tây Nam Bộ là một vùng văn hoá với các tiêu chí khá rõ. Tuy nhiên phân tiểu vùng của vùng văn hoá Tây Nam Bộ là việc làm đòi hỏi nhiều công phu với nhiều tư liệu và kiến thức liên ngành. Cách phân tiểu vùng của chúng tôi chủ yếu dựa trên cảnh quan sinh thái từ góc nhìn địa – văn hoá và cũng chỉ xem đây là những đề xuất bước đầu. . TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa văn hóa, Nxb Văn Hoá Dân Tộc, HN, 1998 2. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương (xuất bản lần đầu năm 1938), NXB Văn hoá – Thông tin, HN, 2000. 3. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hoá Việt Nam , Nxb ĐHQG TP HCM, 2002. 4. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Trẻ, 2004. 5. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2004.
  9. 6. Trần Quốc Vượng, Môi trường con người và văn hóa, Nxb Văn hóa-TT và Viện văn hóa, HN, 2005. 7. Huỳnh Khái Vinh (CB), Chấn hưng các vùng và tiểu vùng văn hóa ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị QG, HN, 1995. 8. Vũ Minh Chi, Nhân học văn hóa con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên, Nxb CTQG, H, 2004. 9. Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận (cb), Các vùng văn hóa Việt Nam, nxb Văn hóa, H, 1995. 10. Nguyễn Xuân Kính, Con người môi trường và văn hóa , Nxb KHXH, H, 2003. 11. Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu, Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, H, 1998. 12. Nguyễn Ngọc Trân (cb), Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên – Môi trường – Phát triển, Hà Nội - TP HCM - ĐBSCL, 1990. 13. Pascal Bourdeaux, “Văn minh sông nước miền Nam” (Ngô Bắc dịch), www.gio- o.com Nguồn: Tác giả