Sông, biển với văn hóa Việt Nam - Phạm Ngọc Trung

doc 8 trang phuongnguyen 2080
Bạn đang xem tài liệu "Sông, biển với văn hóa Việt Nam - Phạm Ngọc Trung", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docsong_bien_voi_van_hoa_viet_nam_pham_ngoc_trung.doc

Nội dung text: Sông, biển với văn hóa Việt Nam - Phạm Ngọc Trung

  1. SÔNG, BIỂN VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM Phạm Ngọc Trung Hệ thống sông ngòi và biển đảo Việt Nam, trải qua hàng ngàn năm, không chỉ gắn bó và trở thành môi trường sống của người Việt mà còn là những con đường chuyên chở văn hóa, văn minh tạo nên dấu ấn của văn hóa sông biển trong văn hóa Việt Nam. 1. Sông, biển - môi trường sống, môi trường lao động sản xuất Từ trong văn hóa thời đại đồ đá mới, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những cồn sò điệp ven biển ở di chỉ Hạ Long (Quảng Ninh), Đa Bút (Thanh Hóa), Quỳnh Văn (Nghệ An), Bàu Tró (Quảng Bình) Từ thời nguyên thủy xa xưa đó, biển đã trở thành môi trường sống, cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho người Hòa Bình - Bắc Sơn. Cũng từ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, làng xóm sơ khai ven sông, ven biển đã hình thành, để rồi sau đó đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn làng xóm được hội tụ đông đúc hơn, với quy mô ngày càng to lớn, tập trung ở những vùng ven sông, ven biển (di chỉ Làng Cả, Làng Vạc ). Từ thời Hùng Vương dựng nước, người Việt cổ đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm khai phá đầm lầy, dựng nên những xóm làng trù phú dọc theo các con sông, ven biển và trên những hòn đảo Quan Lạn, Cát Bà, Lý Sơn. Những xóm làng trù mật đã trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Việt thông qua các hình thức lao động sản xuất: trồng lúa nước, nghề chài lưới đánh bắt thủy hải sản và nghề làm muối của những làng diêm dân dọc theo bờ biển Bắc Bộ và Trung Bộ Để biến những vùng đầm lầy ven sông, ven biển thành xóm làng với những cánh đồng lúa bát ngát, từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên ta đã đắp hàng nghìn cây số đê ngăn nước sông, chặn nước biển. Những con đê là thành quả lao động kiên trì, bền bỉ của biết bao thế hệ, là kết tinh của ý chí, tài năng, sự sáng tạo và cố kết cộng đồng chặt chẽ trên bước đường thống nhất, hội tụ văn hóa văn minh, tạo lập quốc gia, dân tộc. Nền tảng vững chắc của văn hóa Đông Sơn, hào quang rực rỡ từ văn minh sông Hồng với truyền thống nông
  2. nghiệp lúa nước kết hợp với nghề biển và nghề rừng đã tạo nên bản sắc độc đáo trong văn hóa Việt Nam. Sông, biển không chỉ cung cấp nguồn nước để trồng lúa và ngư trường để đánh bắt cá tôm, mà còn là môi trường sinh sống của nhiều thế hệ người Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ đã nói đến 50 người con theo cha lên rừng, 50 người con theo mẹ xuống biển để lập nghiệp. Nhờ sự tiến bộ của kỹ thuật đóng thuyền và nhờ kinh nghiệm sống trên sông biển được tích lũy ngày càng nhiều hơn mà nhiều vạn chài ra đời, cư dân vạn chài bám sông, bám biển suốt ngày đêm, mọi sinh hoạt của họ diễn ra trên con thuyền nhỏ bé từ lúc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Mạng lưới sông ngòi dày đặc từ Bắc vào Nam đều đổ ra biển Đông, tạo thành môi trường giao thông đường thủy thuận lợi. Trừ thời gian có bão lũ lớn, sông, biển Việt Nam luôn là những tuyến huyết mạch quan trọng để người dân đi lại, để chuyên chở, buôn bán hàng hóa, trao đổi sản phẩm giữa các vùng miền và với các quốc gia bên ngoài. Đường thủy là tuyến giao thông thuận tiện, vừa nhanh chóng, vừa rẻ mà lại an toàn và thông dụng. Dọc bờ biển Việt Nam đã xuất hiện nhiều thương cảng nổi tiếng sầm uất như Vân Đồn (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam) Đó là nơi hội tụ các thương gia quốc tế và là địa điểm để các sản phẩm gốm sứ, lúa gạo, vải lụa, mắm muối của Việt Nam tỏa ra khắp các quốc gia. Từ TK XVII - XVIII, khi bắt đầu phát triển nền kinh tế hàng hóa và bắt đầu cuộc giao lưu văn hóa Việt Nam với các nước phương Tây thì phố Hiến (Hưng Yên) đã trở thành trung tâm ngoại thương lớn nhất nhì ở khu vực Đàng Ngoài. Ở đó có nhiều thương điếm của các hãng buôn lớn từ Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản Dòng sông đã trở thành nơi neo đậu những tàu buôn lớn và cũng hình thành chợ nổi trên sông. Chính vì thế mà ở Đàng Ngoài cách đây 3 thế kỷ có hai trung tâm kinh tế, văn hóa nổi tiếng thế giới, thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến. Ngày nay vẫn còn những vạn chài trên các dòng sông Cầu, Đáy, Châu Giang, Hương và đặc biệt ở vùng Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ) vẫn còn lưu giữ những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của vùng sông nước. Những khu chợ nổi Cái Răng - Phong Điền - Ngã Bảy đã trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp nơi đến tham quan và trải nghiệm.
  3. Chợ nổi trên sông nước Nam Bộ là nơi hội tụ con người và sản phẩm hàng hóa (lúa gạo, khoai sắn, hoa quả, rau đậu, cá tôm ) từ khắp các miệt vườn, các vạn chài trên sông, trên biển. Đến đó, chúng ta sẽ cảm nhận được một nét văn hóa đặc trưng, hết sức thanh bình và hấp dẫn của mảnh đất phương Nam. 2. Sông biển tạo nên phong tục, tập quán độc đáo của người Việt Ẩm thực truyền thống tiêu biểu của người Việt mang đậm nét yếu tố thực vật, yếu tố sông biển. Khác với các tộc người phương Bắc sống ở xứ lạnh, quen ăn các món ăn thịt - trứng - sữa, cơ cấu bữa ăn của người Việt là: cơm - rau - cá. Để trồng lúa nước ở các vùng đầm lầy ven suối, ven sông, người vùng núi đã biết chế tạo những guồng tát nước tự động bằng tre, nứa, gỗ để đưa nước suối lên ruộng cạn. Họ cũng chế tạo ra những cối giã gạo tự động chạy bằng sức nước để tiết kiệm sức lao động. Có thể năng suất lao động của những dụng cụ, máy móc kia chưa cao, nhưng đó là cách tiếp cận sản xuất nông nghiệp văn hóa cao vì họ đã biết sử dụng nguồn năng lượng sạch, tự nhiên, có sẵn ngay trong địa bàn cư trú. Bên cạnh nghề trồng trọt và chăn nuôi, người nông dân đất Việt còn biết một số nghề phụ như: mộc, đan lát, đi rừng, đánh bắt cá tôm, làm đồ gốm, luyện kim Tùy từng vùng, từng địa phương mà có sự phát triển nghề phụ cho phù hợp, nhưng nhìn chung đa số đàn ông phải biết nghề mộc để có thể cùng với anh em, họ mạc dựng lên căn nhà cho gia đình mình. Từ xa xưa, người Việt cổ trong văn hóa Đông Sơn đã biết lựa chọn loại hình nhà sàn để cư trú. Trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ đã thấy môtip trang trí nhà sàn. Đây là một loại hình kiến trúc độc đáo, thích nghi với vùng sông nước, bão lũ thường xuyên. Cấu trúc nhà sàn đơn giản, nhưng tiện lợi và chắc chắn: các cột nhà được liên kết với các xà qua hệ thống mộng (vuông, tròn, chữ nhật, mang cá, kín, hở ), nên có thể dỡ nhà di chuyển đi chỗ khác khi cần thiết. Nhà sàn thường có hai tầng chính và một tầng phụ trên mái. Tầng trệt sát đất là nơi để dụng cụ lao động, khung dệt vải và diễn ra một số sinh hoạt gia đình, nhưng không vây kín xung quanh mà vẫn để thông thoáng cho nước chảy qua khi có mưa lũ lớn. Tầng hai là nơi ở, thờ cúng, sinh hoạt hàng ngày. Tầng phụ là kho chứa ngô, thóc
  4. giống, lương thực dự trữ. Với lối kiến trúc nhà sàn truyền thống, người Việt đã tạo ra một không gian cư trú an toàn, thích ứng với vùng rừng núi có nhiều thú dữ và vùng trung du, đồng bằng ẩm thấp, lầy lội. Đến TK XVII - XVIII, môtip nhà sàn mái cong hình con thuyền với những thành phần kiến trúc mang tên quá giang quá hải được thể hiện trong các đình làng (Tây Đằng, Đình Bảng ) là gạch nối chứng tỏ dấu ấn sông nước còn in đậm trong kiến trúc đình làng cổ kính ở vùng Bắc Bộ. Ở Nam Bộ, nghề đóng thuyền, ghe liên hệ khăng khít với mùa nước nổi. Nếu đến tháng 9, tháng 10 mà mực nước sông Tiền, sông Hậu dâng cao thì ruộng đồng Nam Bộ được phủ một lớp phù sa màu mỡ và nhiều cá tôm. Các chủ đóng thuyền ba lá, năm lá hoặc ghe lớn, nhỏ sẽ bán được nhiều sản phẩm. Có cơ sở bán được 700-800 chiếc một năm nếu mùa nước nổi đạt đến độ cao 2 - 3 mét, nếu năm nào chỉ 1 - 1,5 mét thì lượng thuyền ghe bán ra giảm đi một nửa vì nhu cầu sử dụng không nhiều. Cư dân ven sông, biển có kinh nghiệm và truyền thống đánh bắt cá, tôm, ngao, sò, hến bằng nhiều hình thức khác nhau bơi lội, lặn ngụp và dùng tay trần) theo từng mùa để tăng thêm nguồn dinh dưỡng và nguồn hàng hóa để buôn bán, trao đổi. Trong sách Hậu Hán thư và Giao Châu ngoại vực ký của Trung Hoa có viết về tục xăm mình của cư dân Việt cổ ở vùng sông nước. Xăm mình không chỉ để trang trí cho đẹp mà còn là cách họ hòa mình vào môi trường tự nhiên, cộng sinh với các loài thủy quái (thằn lằn, ba ba, nam nam, con dải ) để tránh hiểm nguy khi phải ngâm mình khai thác vùng đầm lầy ven sông, ven biển. Từ xa xưa, người nông dân Việt Nam rất thạo việc đan lát làm ra các dụng cụ đánh bắt cá tôm. Trong các di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn ven biển, người ta đã phát hiện được các loại chì lưới làm bằng đất nung. Người ta có thể dệt những tấm lưới to nhỏ và tạo nên những dụng cụ đánh bắt cá tôm khác nhau, đó là: chài, vó và lưới. Ở những vùng đầm, phá, sông hồ ven biển và một số vùng biển đảo, ngư dân còn có thói quen dùng lưỡi câu để câu cá, mực, tôm , hoặc dùng đinh ba, mũi nhọn có ngạnh để xiên cá vào ngày trở trời cá nổi trên mặt nước. Dụng cụ đánh bắt cá phổ biến và hiệu quả nhất là các loại được đan bằng tre, nứa, giang,
  5. mây. Tùy theo từng vùng sông nước mà người nông dân đã sáng tạo ra các loại đó, lờ, dặm để đánh bắt tôm, cá sống ở cánh đồng lúa hoặc trên sông ngòi, kênh rạch. Nghề đan lát các dụng cụ sinh hoạt gia đình, đánh bắt cá, tôm trở thành một nét văn hóa độc đáo của cư dân sông nước Việt Nam. Dọc theo bờ biển nước ta, không chỉ có những cánh đồng muối ở Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định mà còn xuất hiện nhiều làng chài lưới ven biển có nghề chế biến thủy hải sản làm mắm tôm, mắm tép, mắm chua. Những loại mắm với những hương vị khác nhau đó đã làm cho bữa ăn thêm đậm đà và nó cũng trở thành một nét sinh hoạt độc đáo, một dấu ấn không thể nào phai trong tâm hồn con dân đất Việt. Nhiều người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài luôn nhớ về đất mẹ, nhớ những bữa ăn dân dã, đạm bạc với các món ăn dưa cà, mắm, muối rất đỗi thân thương. Môi trường sông nước, biển đảo mênh mông không chỉ tác động đến sinh hoạt văn hóa vật chất, mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân đất Việt. Từ trong sâu thẳm tâm linh, họ không bao giờ quên hình ảnh quê hương, đất nước. Yếu tố sông nước, biển cả đã trở thành một phần thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam, con người Việt Nam. Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh và nạn hồng thủy đã phản ánh tinh thần dũng cảm, bền bỉ chinh phục tự nhiên của người Việt cổ. Trong thế giới tâm linh của người Việt, tín ngưỡng cầu mưa, thờ thủy thần là đậm nét hơn cả. Từ hàng ngàn năm trước, trên trống đồng Đông Sơn đã gắn tượng cóc. Khi thời vụ nông nghiệp đến, cây lúa cần nước để phát triển, thủ lĩnh các bộ lạc đã đánh trống đồng để cầu mưa. Tín ngưỡng dân gian thờ sông nước đã được thần thánh hóa thành các nghi lễ thờ hà bá, diêm vương, cá ông của các cư dân vùng sông, biển. Thậm chí, khi truyền bá vào nước ta, những triết lý và hình thức thờ cúng của đạo Phật cũng được biến đổi cho phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt. Tứ pháp là bốn hiện tượng tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp trong tín ngưỡng dân gian người Việt được Phật hóa và được thờ ở 4 ngôi chùa ở khu vực Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay. Tín ngưỡng thờ nước, cầu mưa còn được thể hiện với hình tượng rồng thời Lý - Trần
  6. trong bố cục uyển chuyển, mình không có vẩy, đầu có mào lửa rất gần với hình tượng kết tinh của mây, mưa, sấm, chớp. Cư dân sống ở vùng sông biển, hàng năm có tổ chức lễ hội đua thuyền để cầu mong trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm cá, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, truyền thống cố kết cộng đồng chặt chẽ, cầu mong sức khỏe dồi dào, cuộc sống ấm no. Yếu tố sông nước cũng ảnh hưởng đến thế giới tâm linh của người Việt trong nghi lễ thủy táng và sử dụng quan tài hình thuyền để chôn người chết (người cổ Việt Khê trong văn hóa Hạ Long). Khi còn sống thì sông biển là môi trường sinh hoạt, là nguồn cung cấp cá tôm, nước tưới cho đồng ruộng. Khi chết đi, họ mong được về nơi chín suối, với khát vọng, ước mơ của những con người gắn bó với biển cả, thuộc về những dòng sông. 3. Sông, biển tác động đến văn hóa quân sự Trong lịch sử quân sự Việt Nam, thủy quân và các trận thủy chiến có vị trí vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, khi xây dựng kinh đô, đồn lũy và bày binh bố trận, chúng ta thường mượn dòng sông, bãi biển để thực hiện kế hoạch quân sự hết sức thần kỳ, độc đáo, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ và không thể nào chống đỡ. Khi xây dựng kinh thành, kinh đô từ Cổ Loa (Hà Nội), đến Hoa Lư (Ninh Bình), và Thăng Long (Hà Nội), hoặc Phú Xuân (Huế), các kiến trúc sư Việt Nam luôn luôn xây dựng thành cao hào sâu để ngăn cản sức tiến công của quân địch. Hào sâu đó có thể là sông đào và cũng có thể là những con sông tự nhiên. Thành Cổ Loa được xây dựng ba lớp đều có hào nước sâu thông với sông Hoàng để thủy quân tiến, thoái, di chuyển thuận lợi. Kinh đô Hoa Lư được xây dựng ở một vùng hiểm yếu, có nhiều dãy núi và hang động đá vôi xen kẽ nhau. Sông Hoàng Long là một phần không thể thiếu của kinh đô Hoa Lư. Thủy quân có thể đi lại, di chuyển nhanh chóng bằng đường thủy, cho thuyền luồn qua những hang ngầm để thoắt ẩn, thoắt hiện tấn công quân địch. Kinh đô Thăng Long và kinh đô Huế cũng được xây dựng theo nguyên tắc kết hợp chặt
  7. chẽ và linh hoạt giữa thành cao với hào sâu để thủy quân có thể vận động, tiến thoái nhanh chóng ra sông Hồng hoặc sông Hương để tiến ra biển. Nhiều trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc được diễn ra trên sông biển. Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Năm 1075, Thái úy Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) ngăn chặn cuộc tấn công xâm lược của quân Tống vào đất Thăng Long. Đến TK XIII, giặc Nguyên Mông 3 lần xâm lược nước ta (1258, 1285, 1288). Những trận thủy chiến oanh liệt ở cửa Hàm Tử, bến Chương Dương, bến Bạch Đằng giành thắng lợi đã phá tan những đạo quân lớn của tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi. 4. Nghệ thuật Việt Nam mang đậm nét yếu tố sông, biển Nước non sông biển là đề tài muôn thuở cho các nghệ sĩ dân gian sáng tác nên những điệu hò, điệu ví truyền tụng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những điệuhò bá trạo, hò kéo thuyền của cư dân vùng sông Mã đã tạo nên những nét đặc sắc của ngư dân vùng Thanh Hóa. Trước cảnh sông nước mênh mông của vùng đồng bằng sông nước Nam Bộ, người dân nơi đây đã sáng tác nên những điệu hò, điệu lý thể hiện tình yêu với non sông đất nước và thể hiện tình yêu lứa đôi giữa sóng nước, mây trời bao la. Hình ảnh cây đa, bến nước, con đò đã trở nên hết sức gần gũi, thân thương với người dân đất Việt. Và dòng sông quê hương là nơi lưu giữ kỷ niệm, nơi hội tụ, lắng đọng những nét đẹp văn hóa của các làng quê Việt. Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam có múa rối nước, một loại hình nghệ thuật hết sức độc đáo. Con rối được đẽo gọt từ những khúc tre, đoạn gỗ ngay trong vườn nhà, sau đó được các nghệ nhân tô màu, vẽ mặt thành hình chú tễu, cô thôn nữ, người nông dân đang cày ruộng, những con thú, con rồng, phượng trong các truyền thuyết, thần thoại dân gian. Ở nhiều làng quê Bắc Bộ có xây thủy đình giữa ao làng và đó là sân khấu trình diễn của các nghệ nhân dân gian. Dù phải ngâm mình trong nước giá lạnh nhưng tình yêu nghệ thuật và niềm cảm hứng sáng tạo đã giúp họ trình diễn thành công những vở kịch rối mang đậm hồn quê, chứa đựng triết lý giáo dục, khuyên con người sống có đạo lý, có tình
  8. nghĩa trước sau. Dòng sông Cầu, sông Thương ở vùng Kinh Bắc là nơi diễn ra các buổi diễn quan họ của các liền anh, liền chị trong mùa lễ hội đầu xuân. Trên dòng sông hiền hòa, các con thuyền sóng đôi và tiếng hát lời ca quấn quít, hòa quyện, lan tỏa trên dòng sông quê hương thơ mộng. Những làn điệu dân ca quan họ da diết, tinh tế đã dệt nên một bức tranh quê tuyệt đẹp, khiến chúng ta dù đang phiêu bạt ở nơi chân trời góc biển nào cũng muốn trở về quê hương để thỏa nỗi niềm mong nhớ. Dòng sông và biển cả quê hương là cái nôi nuôi dưỡng mỗi chúng ta khôn lớn, là nơi để chúng ta nhớ thương và cảm nhận về tình yêu và số phận con người. Trong mỗi trái tim và khối óc của chúng ta luôn có sóng và gió của sông biển quê hương, luôn có những cảm nhận về thời gian và không gian qua mỗi mùa nước nổi tràn bờ Nguồn: Tạp chí VHNT số 333, tháng 3-2012 Phạm Ngọc Trung