Phác thảo yếu tố biển trong văn hoá Việt Nam

pdf 6 trang phuongnguyen 2250
Bạn đang xem tài liệu "Phác thảo yếu tố biển trong văn hoá Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphac_thao_yeu_to_bien_trong_van_hoa_viet_nam.pdf

Nội dung text: Phác thảo yếu tố biển trong văn hoá Việt Nam

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(41).2010 PHÁC THẢO YẾU TỐ BIỂN TRONG VĂN HOÁ VIỆT NAM AN OVERVIEW OF SEA FACTORS IN VIETNAMESE CULTURE Trần Thị Mai An Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Trong các yếu tố cấu thành nên văn hoá Việt, yếu tố biển tuy không phải là yếu tố hàng đầu hình thành nên văn hoá bản địa nhưng vai trò và vị trí của “mảng” văn hoá này lại chiếm một phần quan trọng trong văn hoá Việt, càng ngày càng được bộc lộ đậm nét. Từ những hình thức kinh tế nông nghiệp đầu tiên như trồng khoai lang trên bãi cát đến các mảnh vỡ ‘dân tộc học” trong dòng tri thức dân gian, hay các dấu ấn đã từng thịnh vượng của các cảng thị/thương cảng Việt xưa như Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An Bức tranh văn hoá biển Việt Nam ngày càng lộ diện và không thể không được nhắc đến trong các yếu tố cấu thành văn hoá Việt. Bài viết này muốn phác thảo một số dấu tích của văn hoá biển trong đời sống con người Việt Nam. ABSTRACT Of the components of Vietnamese culture, sea factors are not the leading factors in the formation of a native culture, but its roles and positions play an important part in the Vietnamese culture which is being revealed boldly and significantly. With its first forms of agricultural economy ranging from the planting of sweet potatoes on sandy soil to the fragments “ethnology” in the line of folklores or the “footprints” of formerly commercial ports / Vietnamese ancient ports such as Vandon, Phohien, Hoian The sea picture of Vietnam culture is increasingly manifested and can not be ignored in the forming components of this culture. This article deals with an overview of vestiges of the “sea culture” in the life of Vietnamese people. 1. Quan niệm về văn hóa biển Văn hoá - xét cho cùng là hệ quả của việc từng cộng đồng thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội quanh mình để tồn tại. Văn hoá Việt Nam là hệ quả của rất nhiều năm dựng xây và bồi đắp các giá trị tinh thần/vật chất của các thế hệ Việt Nam. Nền văn hoá ấy đã kịp vươn ra ngoài lãnh thổ Việt để khẳng định vị trí “tôi” trong cộng đồng thế giới, và với thời gian, sự khẳng định mạnh mẽ đó chính là “bản lĩnh” dẫn dắt Việt Nam đi qua nhiều đổi thay của thời đại. Khi nói đến các yếu tố cấu thành nên “cái tôi” trong hằng số Việt, các nhà nghiên cứu đã chú ý rất nhiều đến những yếu tố văn hoá đồng bằng, văn hoá núi mà dường như không chú ý nhiều đến văn hoá biển. Phải chăng vì ngay từ buổi “bình minh” của quốc gia độc lập đầu tiên, sự xâm nhập của cây lúa cùng nền văn hoá lúa nước đã làm biến đổi mạnh mẽ đời sống vật chất và tinh thần của dân Việt, làm cho những yếu tố văn hoá biển bị lu mờ. Và hơn thế nữa, từ các chủ nhân đầu tiên của cơ tầng Mon- Khome để hình thành nên người Việt cổ, yếu tố núi đã nghiễm nhiên được nằm song song với yếu tố nông nghiệp trong sự cấu thành văn hoá Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, văn hoá bản địa của những cộng đồng Việt đầu tiên chịu sự chi phối và mang các đặc 90
  2. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(41).2010 điểm chung của cơ tầng văn minh Đông Nam Á. Đó là một nền văn minh nông nghiệp lúa nước với một phức thể văn hoá gồm 3 yếu tố: Văn hoá đồng bằng, văn hoá núi và văn hoá biển. Các biểu hiện của 3 yếu tố ấy không phải xuất hiện cùng một lúc mà có cái trước, cái sau, và đan cài vào nhau trong quá trình tồn tại, phát triển. Như vậy, nghiên cứu văn hoá Việt Nam không thể không khẳng định rằng nền văn hoá nông nghiệp lúa nước là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu hình thành nên văn hoá bản địa, nhưng những yếu tố văn hoá biển - vốn là kết quả ứng xử của cư dân nông nghiệp khi họ từ các cửa sông vươn ra biển cũng là những cơ sở hình thành tính cách độc đáo của con người Việt Nam: tính cách thâm trầm, kín đáo, quyết liệt ở bên trong mà ôn nhu, mềm dẻo, đôn hậu với bên ngoài. Bài viết này, vì vậy, muốn phác thảo một số dấu tích của văn hoá biển trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam. 2. Các yếu tố cội nguồn văn hóa biển Sẽ là không đầy đủ nếu không nói về nguồn gốc yếu tố biển trong cộng đồng người Việt. Theo GS. Ngô Đức Thịnh, người Việt không có nguồn gốc biển mà cơ bản là cư dân sống ở vùng trước núi (gồm cả trung du) tràn xuống khai thác đồng bằng lẫy trũng, rồi lấn biển và khai thác biển. Có cái gì tạm gọi là truyền thống biển ở người Việt là do, hoặc là giao tiếp, tiếp thu từ các tộc láng giềng (cư dân nam Đảo) hay hình thành nên trong quá trình khai thác và lấn biển sau này. Nghiên cứu và tìm hiểu nguồn gốc yếu tố biển trong văn hoá người Việt đang là một đề tài thách thức các nhà khảo cổ học, ngôn ngữ học, lịch sử hay nhân học Có ý kiến cho rằng từ cách đây khoảng 3000 - 4000 năm, cùng đồng thời với văn hoá khảo cổ tiền Đông Sơn và Đông Sơn, trên cơ tầng Mon-Khơme, một trong những chủ nhân quan trọng của các nền văn hoá bấy giờ, cư trú ở Bắc khu IV cũ đã tiếp xúc với cư dân nói ngôn ngữ Tày - Thái cổ ở phía Bắc và cư dân Nam Đảo ở ven biển phía Đông (có thể là tổ tiên người Hạ Long, Hoa Lộc). Kết quả của quá trình giao tiếp đó đã hình thành người Việt cổ. Họ - chủ nhân văn hoá Đông Sơn đã đạt tới trình độ văn minh hình thành nhà nước, sau khi tiếp xúc với người Hán và văn minh Trung Hoa; từ đó định hình tộc người Việt hiện đại và đạt tới đỉnh cao (thể hiện qua văn hoá Lý Trần rực rỡ, mở đầu nền văn minh Đại Việt) [4, 21]. Đi theo giả thiết này các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm tòi những yếu tố biển mà người Việt cổ đã tiếp thu từ cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo láng giềng, qua các địa danh từ vựng, huyền thoại và cũng như vậy tìm hiểu những ảnh hưởng của Tày- Thái cổ trong người Việt cổ. Tuy nhiên dù có giao tiếp và ảnh hưởng đến đâu thì người Việt cổ, chủ nhân văn hoá Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng và sông Mã vẫn cơ bản là cư dân nông nghiệp. Văn minh Đông Sơn về cơ bản vẫn là văn minh nông nghiệp. Đó là một nền văn hoá - văn minh mang đậm yếu tố sông nước chứ không phải yếu tố biển. Và trong quá trình phát triển, nhất là khi “lấn biển” và “nam tiến” thì “chất biển” trong văn hoá người Việt được tăng lên. Nguyên nhân thứ nhất là vì, họ từ trung du xuống khai thác đồng bằng lầy trũng sông Hồng rồi tiến ra lấn biển làm nông nghiệp và khai thác biển, nhân tố đó đặt họ ở thế “đứng trước biển”. Và vì thế, “quai đê lấn biển” nhằm khai phá những vùng sình lầy, phù sa ven biển đã trở thành truyền thống 91
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(41).2010 của người Việt cổ. Tác giả Từ Chi và Phạm Đức Dương trong bài nghiên cứu của mình [1, 15] đã nhấn mạnh đến hình thức trồng khoai lang trên bãi cát là một dạng trồng trọt nông nghiệp khá đặc thù ở miền duyên hải. Ở đây khoai trở thành lương thực chính, có năng suất cao, vì người trồng đã biết kết hợp một cách khéo léo sự xử lý các yếu tố kỹ thuật của một không gian đồng bằng vào không gian biển trong cách trồng trọt. Và bên cạnh đó, các tác giả còn nhấn mạnh đến một sản phẩm nông nghiệp rất có giá trị được trồng trong các vùng sình lầy do phù sa của sông đổ ra là cây Cói. Đây là loại cây chứng minh cho sự “quai đê lấn biển” để trồng trọt của người Việt. Thứ hai, người Việt đã tiếp nhận truyền thống biển từ người Chăm và không loại trừ một bộ phận không nhỏ người Chăm từ sau thế kỷ XI trở đi, đã bị Việt hoá, tức người Việt gốc Chăm. Điển hình của sự trao nhận này được thể hiện nhiều ở kỹ thuật đóng thuyền, mà cụ thể là thông qua chiếc chiếc ghe bầu ở Quảng Nam - Đà Nẵng, ở tri thức dân gian về các hiện tượng thiên nhiên của biển, về các loài cá và kỹ thuật đánh bắt hải sản, ở các phong tục, tín ngưỡng và lễ nghi của cộng đồng những người đi biển 3. Hình tượng cơ bản của yếu tố biển trong tri thức dân gian Trước khi dòng tri thức bác học ra đời gắn với hệ thống chữ viết, trong dòng tri thức dân gian, các nhà nghiên cứu đã chú ý đến những chi tiết truyện cổ, truyền thuyết mang dấu ấn vùng biển. Việc tìm hiểu, thờ phụng Chử Đồng Tử trong biểu tượng Tứ bất tử ở Việt Nam là một trong những chi tiết đáng chú ý nhất. Cho đến nay người ta vẫn chưa rõ quan niệm và tên gọi “Tứ bất tử” có từ bao giờ, do ai đặt ra và ngay trong con số bốn vị thánh bất tử ấy thì cũng chưa thật thống nhất. Nhưng nhìn chung hình tượng của Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh được xem là Tứ thánh bất tử phổ biến ở Việt Nam. Trong đó Thánh Tản Viên là sự biểu trưng cho sức mạnh cố kết cộng đồng và khẳng định sức mạnh ấy trước tự nhiên, chống lại các yếu tố mưa, gió, lũ lụt, bảo vệ và mở rộng lãnh thổ cộng đồng. Thánh Gióng là biểu tuợng cho sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ và quyền sống của dân tộc. Chử Đồng Tử, biểu tượng cho ước muốn xây dựng một xã hội ổn định, cân bằng, khoan hoà trong những mối quan hệ xã hội mà trong đó con người trở về với những trạng thái tự nhiên ban đầu của nó trong tình yêu, hôn nhân, đối nhân xử thế, cứu độ chúng sinh, đảm bảo sự trường tồn của cộng đồng trong quá trình chinh phục đồng bằng lầy trũng, phát triển ngành nghề, giao lưu buôn bán, mang lại phồn vinh cho cộng đồng. Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hình ảnh của một vị thần linh gần gũi với đời sống trần tục, trong đó chứa đựng khát vọng sống của con người, nhất là người phụ nữ thoát khỏi những ràng buộc khắc nghiệt của xã hội Nho giáo, đạt tới ước mơ hạnh phúc gia đình. [3, 14] Ở đây, chúng tôi muốn bàn đến hình ảnh của Thánh Chử Đồng Tử trong Tứ bất tử. Bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp của chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và Tiên Dung - con gái yêu của vua Hùng thứ 18. Câu chuyện thể hiện ước nguyện mãnh liệt và bất diệt của con người muốn chiến thắng số phận. Tình yêu của họ đã vượt qua ranh giới rào cản của tầng lớp giàu nghèo trong xã hội. Tuy thấm nhuần triết lý vô vi 92
  4. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(41).2010 của Đạo Lão, cuộc đời Chử Đồng Tử và Tiên Dung toát lên tính nhân bản sâu sắc, gần gũi với đời thường, họ là thần tiên nhưng không cách biệt với nhân gian con người. Một cách cư xử trong cộng đồng đầy tính nhân hậu và tự nhiên nhất. Theo lời Gs Ngô Đức Thịnh, sự gặp gỡ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử dường như là sự “gặp gỡ” của 2 cách sống, 2 luồng văn hoá nông nghiệp trên đồng ruộng và chài lưới trên sông nước [4, 12]. Hình ảnh Chử Đồng Tử dường như là hình ảnh của một chàng trai thoát thai từ hình tượng của cá, rắn, thuồng luồng của thế giới sông nước như nhiều dân tộc bản địa Đông Nam Á, kết duyên với Nàng Tiên mang biểu tượng núi, đất liền [2, 36]. Và phải chăng câu chuyện này cũng là sự thể hiện và mang màu sắc lịch sử của quy luật kết hợp giữa rồng và Tiên của tộc Việt xa xưa. Trong thực tế, những chi tiết được nhắc tới trong câu truyện Tiên Dung - Chử Đồng Tử gợi nhắc mọi người nghĩ đến môi trường sinh thái dọc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng: Chử Xá (Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội), Tự Nhiên (Hồng Châu, Thường Tín, Hà Tây), Đa Hoà (Bình Minh, Châu Giang, Hưng Yên), Dạ Trạch (Yên Vĩnh, Châu Giang, Hưng Yên) , nơi vùng trũng nhiều đầm hồ ở gần cửa sông Hồng. Ở đây tiềm ẩn bên dưới sự hiện hữu lớp văn hoá sông nước của các làng thuỷ cơ và đâu đó là các dấu lớp văn hoá biển biểu hiện qua tục lệ thờ Càn Hải Đại Vương, Tứ Vị Thánh Nương (tích vết xa xưa của nó có thể là tục thờ cá Voi , thờ thần biển). 4. Hình thức sinh kế biển sơ khai của dân tộc Việt Như vậy, “Quai đê lấn biển” là cách ứng xử đầu tiên của người Việt khi từ vùng trung du xuống khai phá những vùng sình lầy, phù sa ven biển nhưng vẫn mang trong mình các tố chất của một cư dân nông nghiệp, cần cù, sáng tạo, khôn khéo. Và cách ứng xử thứ hai là trong khi áp dụng mô hình nông nghiệp vào vùng duyên hải, người Việt đã nhận ra giá trị của biển nên đã dần mở rộng không gian của một làng nông nghiệp đồng bằng thành một không gian gồm nhiều làng và có sự đan xen sản xuất nông nghiệp, phát triển nghề đánh bắt cá, nghề làm muối ; trong tổ chức đời sống xã hội tạo đuợc những “hội” của những người đi biển bên cạnh cơ cấu xã hội nông nghiệp cổ truyền Và như vậy, cho dù sinh hoạt trên đất liền và hướng về mô hình nông nghiệp truyền thống, nhưng những cư dân sống ở vùng đồng bằng lầy trũng đã và vẫn mang tư tưởng “khai thác biển” trong sinh kế của mình. Và dĩ nhiên, trong tâm tưởng họ, biển là nguồn tài nguyên vô giá về các loài cá, là sự đại diện cho một thế lực siêu nhiên huyền bí mà con người vừa muốn chinh phục lại vừa sợ hãi. Do đó trong tâm thức người Việt, song song với những chuyến đi khai thác biển, là sự hình thành và phát triển hệ thống tín ngưỡng thờ thần Biển rất phong phú. Phổ quát nhất có lẽ là hình ảnh thờ cá Ông (cá Voi), Tứ Vị Thánh Nương (Thần Độc Cước, Dương Không Lộ, Long Vương, Thuỷ thần) của ngư dân ven biển. Cá Voi là hình ảnh của một vị thần hiển linh của biển cả, luôn gần gũi giúp đỡ con người trước sự huyền bí của đại dương. Vì thế với cư dân nghề biển, cá Voi không những đuợc kính trọng trong tâm tưởng mà khi chết còn được cư dân cải táng một cách trang trọng, bài bản với các lễ tiết kéo dài và nghiêm trang. 93
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(41).2010 Tục thờ cá Voi được nhắc đến khá nhiều trong các ghi chép cổ ở Việt Nam như Đại Nam Nhất Thống Chí, hay trong nghiên cứu về ngư dân Nguồn Sơn của Linh mục L. Cadiere Khi gặp cá còn sống, ngư dân phải nghiêng mình kính cẩn lạy tạ, xin Đức Ngài cho đánh được tôm cá, ra khơi yên ổn bình an. Còn khi cá Voi chết tấp vào bờ phải tổ chức lễ tang cho Cá. Lễ chôn cất cá Ông có một điểm giống nhau trong mọi địa phương là người thấy xác cá Ông đầu tiên trên bãi biển, trong đám tang phải mặc tang phục như một trưởng nam và trong lúc đưa đám phải đi lùi trước linh cữu. Cá Voi thường được chôn sau miếu thờ Đức ngư, nơi giống như một nghĩa trang với kích thước ngôi mộ khoảng từ 15- 20cm, rộng 5m và cao 3m. Cũng giống như lễ tang con người, việc chôn cá Voi cung theo trình tự lễ chôn, lễ mở cửa mả một cách trọng thể. Như vậy, những cư dân nghề biển, họ không những tôn sùng cá Voi như một vị thần linh mà còn là một “con người” có thật. “Con người” ấy biết sống bao dung nhân ái, và giúp đỡ cộng đồng khi gặp hoạn nạn. Kiểu quan niệm đó dường như đã làm cho mối quan hệ giữa người và thần gần gũi hơn và quan điểm huyền bí của họ cũng được lý giải một cách hiện thực hơn. Sự tôn sùng và chôn cất xác cá Ông được tấp vào bờ dường như là một sự trả ơn mang màu sắc huyền bí nhưng đồng thời cũng phù hợp với đạo lý “nhớ ơn” của người Việt. Tục thờ cá Ông quả thật là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng dân gian độc đáo không thể thiếu được trong đời sống của ngư dân ven biển Việt Nam. 5. Các yếu tố “đô thị” biển trong lịch sử Một dấu vết khác của yếu tố biển trong văn hoá Việt Nam biểu hiện qua sự xuất hiện của các đô thị xưa, mà cụ thể là Vân Đồn, phố Hiến, Hội An, Vân Đồn là thành phố đảo ngoại thương lớn nhất nước ta vào cuối thế kỷ XIII (Vân Đồn nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Từ thế kỷ XV cho đến thế kỷ XVII, Vân Đồn là một trong những trung tâm thương mại, mậu dịch nổi tiếng ở vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Đồ gốm sứ, trầm hương, ngọc trai, ngà voi, gỗ lim, tơ lụa từ Việt Nam đã xuất cảng sang Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Philippines Phố Hiến là đô thị phát triển cực thịnh thời nhà Lê, thế kỷ XV. Câu nói dân gian được phổ biến lúc bấy giờ là "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến" Phố Hiến (nay thuộc tỉnh Hưng Yên ) là một thành phố thương mại lớn nằm ở đồng bằng Bắc bộ, nơi thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, thường xuyên lui tới. Hội An là thương cảng lớn vào loại bật nhất ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á vào đầu thế kỷ XVII. Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam) nằm ở cửa sông Thu Bồn, nơi tiếp giáp với biển Đông và một thương cảng đông đúc người Hoa, người Nhật, người phương Tây. Chúng ta vẫn còn tiếp tục kể thêm nhiều phố cảng như Thanh Hà, Bao Vinh ở Thừa Thiên - Huế, Nước Mặn (Bình Định) nhưng một vài phố cảng nêu ở trên cũng đủ minh chứng rằng người Việt từ rất sớm đã biết hướng ra biển để mở rộng giao lưu buôn bán với bên ngoài. 94
  6. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(41).2010 PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã có lý khi nêu lên con đường phát triển đô thị ở nước ta thời trung cổ đại là từ kinh kỳ xuôi về biển: Kẻ Chợ (Kinh Kỳ - Hà Nội), Phố Hiến (cảng Thị, cửa ngõ của Kinh kỳ) và Doméa (cảng biển ở vùng cửa ngõ trấn giữ biển Đông). Rõ ràng người Việt hướng ra biển, tiếp nhận sự mặn mòi của biển không chỉ về nguồn lợi hải sản, mà còn nguồn lợi về giao lưu buôn bán, về tầm nhìn và quan hệ thông thương với thế giới bên ngoài. 6. Kết luận Như vậy, với một vài phác thảo về yếu tố biển trong chân dung văn hóa Việt Nam ở trên, chúng ta thấy biển tuy không nổi bật, không lấn lướt các yếu tố núi và đồng bằng, nhưng rõ ràng sự hiện hữu của nó là điều khẳng định. Người Việt luôn hướng và tiến ra biển để ngọn gió trong lành của nó mang đến những điều tốt đẹp cho con người: lấn biển mở đồng bằng, nguồn lợi cá tôm, nguồn lợi giao lưu buôn bán và nguồn lợi về một tầm nhìn thoáng mở Cho nên, việc nghiên cứu yếu tố biển trong dải tầng của văn hóa Việt Nam càng lý thú, cần thiết. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Từ Chi - Phạm Đức Dương, Vài nhận xét về cách ứng xử của người Việt trước biển, Tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ, Số 1. 1996, Viện Văn hóa dân gian. [2] Vũ Ngọc Khánh - Ngô Đức Thịnh (1990), Tứ Bất tử, NXB Văn hoá Dân tộc. Hà Nội. [3] Ngô Đức Thịnh, Phụng thờ Chử Đồng Tử trong biểu tượng Tứ bất tử Việt Nam, T/c Văn hóa dân gian số 2 (70)/2000. [4] Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian (2000), Văn hoá dân gian làng ven biển, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội. 95