Những đứa trẻ hoang dã và vấn đề bản chất con người

doc 8 trang phuongnguyen 1840
Bạn đang xem tài liệu "Những đứa trẻ hoang dã và vấn đề bản chất con người", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docnhung_dua_tre_hoang_da_va_van_de_ban_chat_con_nguoi.doc

Nội dung text: Những đứa trẻ hoang dã và vấn đề bản chất con người

  1. NHỮNG ĐỨA TRẺ HOANG DÃ VÀ VẤN ĐỀ BẢN CHẤT CON NGƯỜI Sự xuất hiện những đứa trẻ hoang dã bao giờ cũng gây ra một mối quan tâm lớn trong công chúng và các nhà khoa học. Đằng sau những chuyện kể kỳ lạ về những đứa trẻ bị vứt bỏ, có một vấn đề đặt ra là bản chất sinh học và văn hóa trong sự phát triển của con người. Tháng bảy 1799, những người thợ săn bắt được trong khu rừng Lacaune, ở Aveyron, một đứa trẻ chừng mười hai tuổi, trần truồng, câm, dữ tợn. Họ đem nó về làng, cho mặc áo quần, dạy nó ăn khoai tây luộc (trước đó nó thường ăn sống). Những thức ăn khác, nó ngửi và vứt đi. Tám ngày sau, nó trốn mất. Nhưng không được lâu. Ngày 8-1- 1800, một người thợ nhuộm ở Saint Sernin tìm thấy nó ngồi trước một đống lửa. Có lẽ cái lạnh làm cho nó biết từ bỏ cuộc sống hoang dã. Việc phát hiện ra nó là một chuyện giật gân. Hội những nhà quan sát con người, gồm một số thầy thuốc, các nhà tự nhiên học, các nhà triết học, đòi giữ nó vì lợi ích của khoa học, nhằm "tìm hiểu xem thân phận của một kẻ bị vứt bỏ cho chính nó có hoàn toàn trái ngược với sự phát triển của trí tuệ hay không". Lúc nó đến Pairs, ngày 6-8, Hội giao cho ba thành viên của mình chăm sóc và xem xét nó, trong đó có thầy thuốc Philippe Pinel, tác giả cuốn sách mới xuất bản với tiếng vang lớn, Bàn về những chứng bệnh tinh thần. Ông nêu lên những sự giống nhau ông tìm thấy giữa ứng xử của kẻ hoang dã với ứng xử của những đứa trẻ ngu ngốc mà ông đã quan sát. Sáu tháng sau, ông kết luận rằng phải xếp nó vào "những đứa trẻ mắc chứng ngu ngốc và sa sút trí tuệ". Trong số cử tọa có một thầy thuốc trẻ, Jean Marc Itard, học trò và người hâm mộ Ph.Pinel, lại không đồng ý với ông. Theo anh, đứa trẻ "bị mất đi mọi sự giáo dục", nó đã sống "hoàn toàn cách biệt với những người thuộc loài mình", và điều đó đủ giải thích chứng ngu ngốc bề ngoài của nó. Nếu "những thói quen chống xã hội, một sự hờ hững bướng bỉnh, và một cảm tính bị bào mòn của nó" là do cuộc sống hoang dã gây ra "một cách đột xuất", "thì hoàn cảnh của nó đã trở thành một trường hợp thuần túy y học", và 1
  2. người ta có thể hy vọng chữa khỏi bằng một liệu pháp tinh thần theo kiểu những người đương thời, Jean Etienne Dominique Esquirol và Ph.Pinel, đề xướng đối với những người điên. Được bổ nhiệm làm thầy thuốc ở Trường câm điếc, J.M.Itard xin nhận đứa trẻ hoang dã kia, với sự giúp đỡ của bà Guérin. Chính anh đặt tên cho nó là Victor. Liệu pháp tinh thần do anh thực hiện - mà sau này chúng ta gọi chương trình tâm lý sư phạm - tập trung trước hết vào sự phát triển cảm giác, phỏng theo các lý thuyết của Etienne de Condillac. Sự cải thiện về xúc giác, thính giác, thị giác, được dùng làm bàn đạp cho sự phát triển của ngôn ngữ, tư duy, ý thức đạo đức. Tháng 9-1801, J.M.Itard công bố một biên bản khiến anh nổi tiếng và ngay lập tức được dịch ra tiếng Anh. Anh còn công bố hai biên bản khác (đã bị mất), rồi năm 1806, công bố một tổng kết đầy đủ đánh dấu sự kết thúc của cuộc thí nghiệm. Anh liệt kê phương pháp và những kết quả của mình đạt được thành ba lĩnh vực: các chức năng cảm giác, các chức năng trí tuệ, các chức năng xúc cảm. Anh báo cáo những tiến bộ của đứa trẻ học trò mình: những tri giác của nó (trừ thính giác) đã trở nên tinh tế hơn; nó hiểu được những khái niệm trừu tượng như sự khác nhau giữa toàn thể và các bộ phận; nó gắn bó với những người chăm sóc nó và bắt đầu hiểu được ý nghĩa của sự công bằng Nhưng những tiến bộ ấy là "chậm chạp và tốn nhiều công sức". Và J.M.Itard thừa nhận gặp ba thất bại: Victor không phải bao giờ cũng nói; "về căn bản, nó vẫn vị kỷ" và tuổi dậy thì đã gây ra ở nó "những ham muốn cực kỳ hung dữ", nhưng không có những tình cảm đi kèm. Năm 1810, vì cho rằng người thầy thuốc trẻ tuổi này sẽ không thể đi xa hơn, ban quản trị yêu cầu anh rời khỏi Trường câm điếc. Anh cùng với bà Guérin sống ở ngõ Feuillantines, sát gần ngôi nhà mà Victor Hugo, lúc lên 9 tuổi, đã ở hai năm sau đó J.M.Itard mất tại đây năm 1828 trong sự lãng quên của mọi người (1). Một cuộc tranh luận triết học Câu chuyện Victor nằm trong một khuôn khổ rộng lớn hơn tâm lý học trẻ em: khuôn khổ của một cuộc tranh luận về bản chất con người. Theo quan điểm tôn giáo "con người được tạo nên theo hình ảnh Thượng đế". 2
  3. Những nhà tư tưởng tự do TK XVIII đã đem đối lập quan điểm của mình về con người như một sinh vật trong số những sinh vật khác với quan điểm tôn giáo. Nhưng, con người khác với động vật ở chỗ nào? Nó là như thế nào trong "trạng thái tự nhiên", khi chưa bị một dấu ấn nào của văn minh? Một số người, cùng với Jean Jacques Rousseau, cho rằng cứ để phó mặc cho bản năng thì con người là tốt nhất, chính xã hội đã làm cho nó hư hỏng; những người khác, cùng với người Anh Thomas Hobbes, lại cho rằng như thế con người sẽ là một kẻ tàn ác. Nhưng đó chỉ là những sự tư biện, trong khi người ta thích đem những sự kiện làm chỗ dựa cho những sự tư biện ấy. Các nhà triết học thoạt tiên hướng tới những dân "hoang dã", nhưng như chính J.M.Itard đã viết, "trong cái bầy đàn hoang dã lang thang thì con người chỉ là cái được người ta tạo ra mà thôi; được đồng loại nuôi dưỡng một cách tất yếu, nó đã ký với nhau bản khế ước về tập quán và nhu cầu". Rõ rệt hơn là những trường hợp trẻ em sống cách biệt: chúng thật sự là "hoang dã" vì không chịu ảnh hưởng của một xã hội nào cả. Nhà tự nhiên học Thụy Điển Carl von Liné đã coi đó là một loài khác, homo ferus, nhưng ông chỉ kiếm được 9 ví dụ mô tả rất ngắn gọn. Vì thế mà đứa trẻ ở Aveyron đánh thức niềm hứng thú: rốt cuộc người ta cũng đã có thể quan sát một cách khoa học về thân phận con người bị phó mặc cho chính nó ở một kẻ đương thời. Nhưng xin đừng ngộ nhận, những đám đông chen chúc khi đứa trẻ bị vứt bỏ - số này rất đông: 60 000 năm 1801, theo ước lượng - mà là do một sự thích thú say mê đối với cuộc tranh luận về bản chất người. Những đứa trẻ hoang dã ấy là ai? Năm 1964, Lucien Malson (2) thống kê được 52, chia thành ba loại: Những đứa trẻ được thú vật nuôi; nhất là chó sói, nhưng cũng có cả gấu, báo, lợn cái Trường hợp nổi tiếng nhất là của hai em gái Ấn Độ, Amala và Kamala, được linh mục Singh tìm thấy năm 1920 giữa những con chó sói. Ông đã nuôi hai đứa bé này trong trường mồ côi của mình. Ông đã ghi lại những quan sát vào nhật ký của mình, do một nhà nhân học Mỹ, Ts Robert Zingg (3) công bố. Những đứa trẻ cô đơn, Victor là một nguyên mẫu, nhưng người ta còn biết tới những đứa trẻ khác, như Peter ở Hamelin, hoặc cô con gái của Sogny ở Champagne; 3
  4. Những đứa trẻ ẩn cư, chúng bị bố mẹ hung dữ, loạn tâm giam giữ. Có tiếng hơn cả là Gaspar Hauser, nhưng có ích nhất về mặt khoa học là một trường hợp đương thời, Genie. Tháng 11-1970, một người đàn bà đến trình diện tại một cơ quan phục vụ xã hội của Temple City, ở Californie. Bà ta đến xin giúp đỡ - bà ta gần như bị mù - nhưng điều khiến cho một nhân viên ở đó ngạc nhiên là dáng đi của đứa bé gái đi theo bà ta. Người nữ nhân viên báo cho thủ trưởng của mình. Genie - đó là một biệt danh - đã 13 tuổi nhưng trông chỉ lên 6 hay 7. Từ khi mới 20 tháng, đứa bé gái bị giam giữ, bị trói cả ngày lẫn đêm, theo lệnh của một ông bố loạn tâm, ông ta đánh nó nếu nó kêu to. Nó bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Người ta không nói với nó và cũng chẳng nghe nó nói. Có một sự giống nhau lạ lùng giữa Victor và Genie. Vào đúng lúc những nhà nghiên cứu họp lại để hoàn chỉnh chương trình dạy cho "trường hợp Genie", cuốn phim thứ nhất của Francois Truffaut về Victor, đứa trẻ hoang dã, được đem chiếu ở rạp chiếu bóng gần đó, và tất cả những người dự họp đều xem. Từ Victor ở Aveyron đến Genie Giống như Victor, Genie có một lối ứng xử và những phản ứng hoàn toàn không bình thường. Giống như Victor, nó gây ra một sự quan tâm mạnh mẽ ở các nhà khoa học cũng như trong công luận: "Genie sẽ trở thành đứa trẻ được trắc nghiệm nhiều nhất trong lịch sử", bác sĩ tâm thần Thierry Gineste viết (4). Giống như Victor, nó xuất hiện đúng lúc như để giúp giải quyết một cuộc tranh luận khoa học quan trọng: bản chất con người ở Victor và bản chất ngôn ngữ đối với Genie. Ngay vào năm sinh của nó (1957), tác phẩm Các cấu trúc cú pháp của Noam Chomsky ra đời (5), trong đó ông bảo vệ luận điểm về tính bẩm sinh của các qui tắc cú pháp - một luận điểm bị các học trò của Burrhus F.Skinner cũng như của Jean Piaget chống lại kịch liệt. Đối với những người chỉ có thể xảy ra trong một “thời kỳ gay go” từ 2 đến 12 tuổi, như nhà tâm lý học thần kinh Eric Lenneberg nêu ra năm 1967. Một nữ sinh viên ngôn ngữ học Susan Curtiss, tập trung nghiên cứu ngôn ngữ của Genie. Câu chuyện sau đó giống với câu chuyện của Victor. Báo cáo đầu tiên tỏ ra lạc quan, báo cáo thứ hai ít lạc quan hơn. Cuối cùng, mẹ của Genie giành lấy con mình từ tay những nhà nghiên cứu mà bà buộc tội họ trước tòa án là đã làm 4
  5. quá nhiều trắc nghiệm trên con gái mình, “trong một bối cảnh cưỡng bức và nô dịch”. Từ 1986, người ta không thấy dấu vết của nó nữa. Người ta chỉ biết rằng nó đang sống tại một trường học dành cho những trẻ chậm tiến về tinh thần (6). Ngay cả sự tồn tại của những đứa trẻ hoang dã cũng bị phản bác, nhất là sự tồn tại của những đứa trẻ được thú vật nuôi. Chẳng hạn, Bergen Evans chế nhạo chuyện những đứa trẻ này khi quay sang những trường hợp của Amala và Kamla (7). Một sự hoài nghi mà L.Malson cho là quá đáng. Thật vậy, một số chi tiết do linh mục Singh đưa ra có vẻ không đúng: hai con mắt ánh lên trong đêm tối “với một ánh sáng màu xanh kỳ lạ”, “những cái tai lớn phẳng phiu” đổi màu khi bị kích động Và người ta cho B.Evans là có lý vì linh mục là một tay chụp ảnh tồi và cũng là một người quan sát khoa học tồi. Nhưng ngay cả những sự vụng về trong lời kể của ông, những điểm ông mô tả giống với những sự mô tả của người khác về những đứa trẻ hóa thành động vật, lại làm cho ông khả tín. Một luận cứ khác được đưa ra về Vitor và thường được lấy lại; những đứa trẻ ấy bị thoái hóa không phải vì chúng bị vứt bỏ, mà chúng bị vứt bỏ vì chúng chậm phát triển (đó là luận điểm của Franz Joseph de Gall và Johann Caspar Spurzheim, của Ph.Pinel, J.E.D. d’Esquirol, được Dennis và Claude Lévi Srauss lấy lại) hoặc vì chúng mắc chứng tự kỷ (đó là giả thuyết của Bruno Bettelheim, của Uta Frith (9). J.M.Itard, L.Malson và Roger Shattuck (10) đã gạt bỏ luận điểm về chứng ngu ngốc. Kamala, Victor, Genie, Gaspard tỏ ra hiếu kỳ, khao khát học. Hầu hết những đứa trẻ ấy có những tiến bộ mà người ta không thấy có ở những đứa ngu đần thật. Còn về chứng tự kỷ, chính bà U.Frith cũng chuẩn đoán Victor như vậy (11) nhưng gạt bỏ điều đó ở Gaspard và Genie. T.Gineste cho rằng như vậy là đi quá xa, ông bác bỏ sự chẩn đoán về chứng tự kỷ. Ngày nay cuộc tranh luận chủ yếu là về tâm lý học: khi nghiên cứu những đứa trẻ ấy, người ta tìm cách xác định xem những cái thiếu của môi trường đã có những hệ quả nào, và chúng có thể được đảo ngược lại ở mức nào (12). Còn về những cái thiếu ấy, người ta nhận xét giống nhau. Các chứng dị thường vận động (anomalies motrices): những đứa trẻ hóa thành động vật đi bốn chân, những đứa trẻ khác thì đi lại khá khó khăn 5
  6. (Anna, Genie, anh em sinh đôi ở Koloucheva). Các chứng dị thường về tri giác cảm giác: lúc đầu người ta tưởng Victor bị điếc, Anna mù và điếc; Gaspar, Kamala nhìn rất rõ ban đêm; tất cả những “đứa trẻ động vật” và cả Genie và Victor đều không có cảm giác về nóng và lạnh. Và nhất là hoàn toàn không có hay gần như không có ngôn ngữ. Về trí tuệ, theo David Skuse, nó luôn luôn bị thiếu hụt, nhưng trí tuệ nói bị yếu kém hơn trí tuệ không gian. Như vậy, bị mất đi sự tiếp xúc của con người, những đứa trẻ ấy thoái hóa đi cho đến khi có vẻ bị mắc chứng ngu ngốc, thậm chí ứng xử như thú vật. Nhưng tính co dãn này có diễn ra theo hai hướng không. Câu trả lời là: có, nhưng Có vì rất hiếm thấy những đứa trẻ nào, khi được nhặt về, lại không có tiến bộ, thậm chí có những trường hợp phục hồi hoàn toàn: bé gái Sogny, Gaspard và 6 trên 9 trường hợp được D.Skuse nghiên cứu. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, có sự phục hồi từng phần, với một sơ đồ bất biến: những tiến bộ nhanh chóng, rồi đạt tới trần, nhất là trong việc học ngôn ngữ. Tại sao? D.Skuse thử nhận biết các nhân tố thuận lợi và bất lợi. Trong số các yếu tố bất lợi, ông dẫn ra tình trạng thiếu ăn, nhất là khi bị thiếu ăn sớm và kéo dài (Genie, Anna), và có lẽ cả tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng - nhưng không rõ rệt lắm. Trong số các nhân tố thuận lợi, có việc bị cô lập không hoàn toàn: bé gái Sogny, hai cặp sinh đôi được D.Skuse dẫn ra; và khi hết bị cô lập, đã “hình thành ra một sự gắn bó chặt chẽ với riêng một người trưởng thành”. Những đứa trẻ hoang dã dạy cho chúng ta cái gì? Một vấn đề trung tâm đặt ra: những khả năng tập luyện có bị giới hạn không, khi bước qua một tuổi nào đó, như những người chủ trương “thời kỳ nhạy cảm” nghĩ? Có thể, ít ra là những gì do trường hợp Genie gợi ra. Biên bản đầu tiên về ngôn ngữ của nó sau một năm thật khích lệ: bé đã tiếp thụ được những khái niệm ngữ pháp, đã biết đặt những câu theo quy tắc, một điều then chốt đối với các nhà ngôn ngữ học. Người ta đã tưởng rằng đó là những luận điểm của E.Lenneberg được đẩy sâu hơn Than ôi, thay vì bùng phát như ở những đứa trẻ bình thường, ngôn ngữ của Genie chỉ tiến bộ rất chậm. Chẳng hạn bé không bao giờ đặt đúng những câu hỏi. Khi làm những trắc nghiệm thần 6
  7. kinh học ở bé, S.Curtis đã có một sự khám phá: bán cầu trái, thường cai quản ngôn ngữ, ít được sử dụng, dường như kém phát triển hơn bán cầu kia. Do đó, các nhà ngôn ngữ học đưa ra một giả thuyết: nếu bộ não cấu trúc ra ngôn ngữ, thì điều ngược lại cũng đúng; do thiếu một sự kích thích bằng ngôn ngữ vào một thời điểm thích hợp, bộ não không phát triển các cấu trúc thích hợp, và một sự tập luyện ngôn ngữ bình thường trở nên không thể được. Dựa vào giả thuyết này, người ta có thể dẫn ra những thí nghiệm trên động vật. Người ta đã vạch ra (13) rằng, ở những con chuột nuôi trong một môi trường phong phú hơn, thì có vỏ não nặng hơn, dày hơn ở những con chuột khác; rằng chim thường cất giữ thức ăn cho mùa đông và cần tới một trí nhớ lớn để tìm thấy lại thức ăn đó, một cấu trúc não - dưới đồi (hipocampe) phát triển nhiều - nhưng điều này không xảy ra khi người ta ngăn cản chúng giấu đi (14). Đúng là thế. Nhưng ở con người, thí nghiệm ấy bị cấm (15) và một sự khái quát hóa chỉ từ một sự quan sát những đứa trẻ hoang dã phải thật thận trọng, do sự khác nhau của các trường hợp và do thiếu những dữ kiện. Thử nêu ra một điều: những đứa trẻ hoang dã cho thấy một sức bền va đập (rélience) nổi bật (16). Điều này đã được việc nghiên cứu những đứa con nuôi muốn xác nhận, khiến cho các nhà nghiên cứu như hai vợ chồng Clarke bị phản đối (17) vì đã chống lại định đề nổi tiếng: “Tất cả đều xảy ra trước 6 tuổi”. VIỆT CHUNG dịch ___ 1. T.Gineste, Victor ở Aveyron. Đứa trẻ hoang dã cuối cùng, đứa trẻ điên đầu tiên, Hachette, 1993. Cuốn sách này chứa đựng toàn bộ những văn kiện đã biết về trường hợp này: hai báo cáo của Itard, các bài báo thời đó, các hồi ký khoa học 2. L.Malson, Les enfant sauvages, 10/18,1964. 3. R.Zing, L’ Homme en friche. De l’enfant - loup a Gaspar Hauser, Complexe, 1980. Cuốn sách này cũng chứa toàn văn bản thảo Feuerbach về Gaspar Hauser. 4. T.Gineste, Genie, Annales de l’Université populaire du Sud- Rouergue, 1994. 5. Seuil, 1979 (xuất bản lần đầu năm 1957) 7
  8. 6. R.Rymer, Genie: histoire d’ une enfant victime de son pere et de la science. Laffont, 1993. 7. B.Evans, Histoire naturelle des sottises, Plon, 1961. 8. B.Bettelheim, Laforteresse vide, Gallimard, 1969. 9. U.Frith, L’Enigme de l’autisme, Odile Jacob, 1989. 10. R.Shattuck, The Forbiden Experiment, the story of wild boy of Aveyron, Washington Square press, 1980. 11. Ông phản bác từng điểm một trong các luận cứ của Howard Lane, tác giả một cuốn sách cổ điển khác về Victor, The Wild boy of Aveyron, Harvard University Press, 1976. 12. D.Skuse, Extreme deprivation in early childhood, Journal of psychology and psychiatry, Vo.25, no 4, 1984. 13. M.R.Rosnzweig , Brain changes in response to experience, Scientific American, 226, no 2, 1972. 14. J.R.Krebs , The ecolgy of the avian brain , như trên, no 138, 1996. 15. Những thí nghiệm như vậy đã được tiến hành với những thời gian không được tính vào cuộc đời con người: người ta đã thử ba lần cô lập những đứa trẻ sơ sinh, không để cho ai nói chuyện với chúng, với hy vọng khám phá “ngôn ngữ tự nhiên” của con người 16. Đối với nhà tâm lý học Mỹ E.Wermer, đó chính là khả năng của một số trẻ em chống lại stress của những hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một cách thật nghịch lý, chúng lại tỏ ra cởi mở, dễ hòa đồng, dễ sống Về sức bền va đập, xem B.Cyrulnik, Un merveilleux malheur, Odile Jacob, 1999. 17. A.M và A.D.B. Clarke, Early experience: Myth and evidence, Open books, 1976. Nguồn: Tạp chí VHNT số 310, tháng 4-2010 Tác giả: Claude Bert 8