Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Gatsby vĩ đại của F. Scott Fitzgerald

pdf 8 trang phuongnguyen 300
Bạn đang xem tài liệu "Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Gatsby vĩ đại của F. Scott Fitzgerald", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnghe_thuat_cham_biem_trong_tieu_thuyet_gatsby_vi_dai_cua_f_s.pdf

Nội dung text: Nghệ thuật châm biếm trong tiểu thuyết Gatsby vĩ đại của F. Scott Fitzgerald

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 3(32).2009 NGHỆ THUẬT CHÂM BIẾM TRONG TIỂU THUYẾT GATSBY VĨ ĐẠI CỦA F. SCOTT FITZGERALD THE IRONY IN “THE GREAT GATSBY “ BY F. SCOTT FITZGERALD Nguyễn Phương Khánh Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Mãi đến khi từ giã đời vào năm 1940, Francis S. Fitzgerald vẫn cho rằng cả cuộc đời ông chỉ là một thất bại lớn. Nhưng cuối cùng, Fitzgerald vẫn được công nhận thuộc hàng ngũ những nhà văn lớn, nhiều cao vọng của Hoa Kỳ. Và tác phẩm Gatsby vĩ đại xuất bản năm 1925 của ông chính là đỉnh điểm thành công trong chinh phục người đọc. Tác phẩm nói lên sự tan vỡ của giấc mộng Mỹ này đã được tán thưởng như là một chuẩn mực của tiểu thuyết cổ điển Mỹ. Trữ tình và châm biếm là hai bút pháp cơ bản của tiểu thuyết Gatsby vĩ đại. Trong đó tính châm biếm nổi rõ hơn và gần như chiếm vị trí chủ đạo. Nó khiến cho việc xây dựng cốt truyện, mô tả các chi tiết đến việc khắc hoạ chân dung tính cách từng nhân vật cũng như giọng điệu trần thuật của tác giả mang một nét châm biếm độc đáo, vừa hài hước nhẹ nhàng vừa gai góc cao độ. Vì vậy tác phẩm không chỉ thể hiện tài năng của tác giả mà còn có giá trị tố cáo mãnh liệt một thời đại vật chất làm tiêu hủy tình người. ABSTRACT Francis Scott Fitzgerald died believing himself a failure in 1940. However, by 1960 he had achieved a secure place among America’s enduring writers. The Great Gatsby, published in 1925, was considered Scott's masterpiece. The work that seriously examines the theme of aspiration in an American setting defines the American classic novel. Lyrics and irony are two essential characteristics in The Great Gatsby. Nevertheless, the irony is the salient feature and has a remakable signification in this novel. It affects literary elements including plot, characterization, narration, and points of view with a light humour and satirical implication. Therefore, The Great Gatsby not only shows the author’s talent but also conveys the deep meaning about “the Jazz Age” that destroyed humanity. Francis S. Fitzgerald (1896-1940) đã gọi thời đại nước Mỹ mà mình đang sống là kỷ nguyên nhạc Jazz với định nghĩa: “Kỷ nguyên này là kỷ nguyên của thế hệ mới, lớn lên để thấy tất cả thần minh đã chết, tất cả cuộc chiến tranh đã kết thúc, tất cả các tín ngưỡng trong con người đều bị khuynh đảo” (dẫn theo Hữu Ngọc - Hồ sơ văn hoá Mỹ. NXB Thế giới, 2000). Giai điệu thâm trầm mà náo động, êm ái mà cuồng nhiệt của Jazz chính là tinh thần của thời đại, nơi ông đã sống với những thành công rực rỡ của tài năng văn chương và cả cuộc vật lộn với mưu sinh, với cõi người vô tình, phù phiếm. Mọi thứ ở thời đại ấy đã khuấy đảo, không còn bình yên, trộn lẫn cả những đỉnh cao và sự vỡ mộng đau đớn, những ước ao và thực tại phũ phàng. Bằng sự chiêm nghiệm của đời mình, Fitzgerald đã khắc hoạ sâu sắc bức chân dung thời đại mất mát, phát hiện bản chất của giấc mơ Mỹ đang tan vỡ trong lòng nền văn minh vật chất ngự trị. Tiểu thuyết 1
  2. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 3(32).2009 Gatsby vĩ đại của ông là tiếng kêu thương của giấc mộng đẹp, thái độ tố cáo trực diện vào một thời đại, một xã hội thực dụng, tôn thờ vật chất và sự lạnh lùng, giả dối; hay lời mai mỉa chua xót cho những con người mơ mộng, muốn vươn lên nhưng chưa đủ tàn nhẫn, ích kỷ và tỉnh táo, lại ảo tưởng về một tình yêu và hạnh phúc trong biệt thự, tiệc tùng, phô trương tiền của Tác phẩm thực sự khẳng định tài năng của nhà văn Fitzgerald, dẫu rằng mãi gần 20 năm sau khi nó ra đời (cuốn sách xuất bản năm 1925), tức là lúc nhà văn đã mất đi trong mệt mỏi, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, người ta mới ý thức và đánh giá một cách đầy đủ. Câu chuyện về chàng Gatsby cố ngoi lên xã hội thượng lưu, kể cả bằng hoạt động phi pháp, lại mơ mộng giành được tình yêu đã mất bằng chính những thứ anh ta cho là tượng trưng cho hạnh phúc: ngôi biệt thự khổng lồ, những buổi tiệc tùng xa hoa, đông đúc, các chồng áo sơ mi nhiều màu, nhiều kiểu đắt tiền được đặt trong một hình thức tiểu thuyết có sự cách tân mới mẻ. Cốt truyện không diễn biến tuần tự biên niên mà có xáo trộn thời gian, điểm nhìn cơ bản được giao cho nhân vật Nick nhưng đan xen cũng có điểm nhìn của chính tác giả và một số nhân vật khác. Đặc biệt trong cấu trúc tác phẩm nổi bật lên hai bình diện nghệ thuật và cũng là hai bút pháp chủ yếu, đó là bình diện trữ tình và bình diện châm biếm. Hai bình diện này hoà quyện gắn kết với nhau, song hành trong lối kể chuyện, miêu tả, khắc hoạ tâm lý nhân vật. Tuy nhiên, chất châm biếm luôn có xu hướng lấn át tính trữ tình, châm biếm nổi rõ hơn tạo nên một giọng điệu, một cách thức miêu tả độc đáo của riêng Fitzgerald. Người đọc có thể nhận rõ những chi tiết đầy chất trữ tình khi tác giả miêu tả thiên nhiên, những đêm êm ái trời sao, cảm xúc của nhân vật Nick về miền Trung Tây, đặc biệt là ở những mơ mộng của Gatsby, ngọn đèn xanh xa tít nơi nhà Daisy luôn thu hút tâm trí và gợi những suy tư mơ tưởng trong Gatsby, đêm thu lãng mạn với cuộc hẹn hò dưới trăng cùng bao lời hứa hẹn, cái nhìn say đắm và nụ hôn nồng nàn Nhưng tất cả khung cảnh trữ tình đều tương phản với bao cảnh tượng phù phiếm, giả dối và vô nghĩa khiến chúng dường như đánh mất đi cảm xúc lãng mạn, và ở một số hoàn cảnh chúng còn chuyển hoá thành bình diện châm biếm và bi kịch. Vậy có thể nói cơ bản trong tác phẩm Gatsby vĩ đại là âm hưởng châm biếm, nhà văn khai thác sâu sắc bình diện hài hước, giễu nhại để phản ánh những âm thanh hỗn loạn xô bồ của xã hội với những con người mà giọng nói chứa đầy tiền bạc. Thành ra, ở nơi ấy, “Gatsby là một nhân vật của một truyện hoang đường lạc vào một cuốn tiểu thuyết, một thanh niên điển hình ở dưới tỉnh lên mà muốn trở thành ông thị trưởng, và muốn đánh thức Hằng Nga ngủ trong rừng bằng một cái hôn” (Charles E. Shain- Những bậc thầy văn chương thế giới. NXB Lao động 2006). Nhà văn đã dùng lối tương phản trên nhiều hình tượng, trong cách xây dựng tình huống truyện, khắc hoạ nhân vật, so sánh, cường điệu hoá một số hình ảnh, chi tiết với một giọng trần thuật trầm tĩnh khách quan pha lẫn hài hước mai mỉa. Nghệ thuật châm biếm đặc sắc của Fitzgerald đóng góp rất nhiều trong sự thành công của tác phẩm và làm tăng thêm sức mạnh tố cáo, phơi trần thực trạng xã hội, phản ánh sâu sắc quá trình tự tiêu huỷ của một 2
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 3(32).2009 thời đại. 1. Bình diện châm biếm trên những mặt tương phản Bao trùm lên các hình tượng trong tiểu thuyết Gatsby vĩ đại là một bức tranh với hai mặt tương phản rõ rệt của sáng - tối, trữ tình mộng mơ và lố bịch trơ trẽn, đối lập từ hình thức bên ngoài đến đời sống tâm hồn các nhân vật, đối lập giữa giấc mơ đẹp và thực tại dang dở, bi kịch. Tính chất tương phản trên nhiều hình tượng, chi tiết làm nổi bật lên sự phù phiếm giả dối, vô nghĩa của nhiều con người và trong khi ai đó bay bổng với những ảo tưởng lãng mạn thì vẫn có nhiều người phải ngụp lặn trong bụi đời khổ ải. Sự tương phản ấy có thể thấy từ hai vùng đất hình quả trứng ở Long Island. Có một sự “tương phản kỳ quặc và khá bi thảm giữa hai nơi” : Toà nhà đồ sộ giá cho thuê 12 đến 15 nghìn đô cho một vụ nghỉ mát của Gatsby, biệt thự lộng lẫy của Tom và Daisy và căn nhà của Nick 80 đô một tháng. Anh chàng Nick đã khá hài hước khi tự nhủ: “được cái an ủi là sống cạnh những bậc triệu phú”. Một khu giàu có kinh khủng, đặc biệt hơn nữa là sự xuất hiện của Gatsby cùng những bữa dạ tiệc linh đình ở căn nhà khổng lồ của anh ta như là minh chứng cho sự xa hoa không thể tả, trong khi đó đối lập một cách xa lạ là thung lũng tro bụi trên con đường đi đến New York: “cả một vùng thung lũng này bị chìm ngập dưới một lớp bụi dầy xám như tro, trông chẳng khác nào một trang trại quái đản, nơi tro mọc lên như lúa mì, thành gò, thành đống, thành những vườn tược kỳ quái, nơi tro mang hình những ngôi nhà, những ống khói lò sưởi và cả làn khói toả ra từ những ống khói ấy, và cuối cùng với một cố gắng vượt bậc, nó mang hình những con người xám ngoét lờ mờ di dộng hoặc chỉ chực khuỵu ngã trong một bầu không khí mù mịt”. Vùng đất đựng đầy tro hỏa táng với những đám mây hình thù kỳ dị, những con người nhợt nhạt, chìm trong tro bụi, hình ảnh cửa hiệu sửa xe nghèo nàn xơ xác của Wilson và cái vẻ nhu nhược, xanh rớt, yếu đuối của anh ta tương phản rõ rệt với những ngôi biệt thự lộng lẫy, những chiếc Roll Roice được dùng như xe buýt đưa đón khách đến dự tiệc suốt ngày đêm, đèn đuốc sáng trưng, âm thanh rộn rã, và bao quý ông quý bà sang trọng, khoẻ mạnh. Một gã Tom 30 tuổi, lực lưỡng, ngạo mạn và hung hăng “Đôi mắt long lên xấc xược áp đảo cả khuôn mặt hai bắp chân Tôm nhét chật căng đôi ủng bóng loáng đến mức gần làm đứt tung cả dây buộc, và có thể nhìn thấy những bắp thịt cuồn cuộn nổi lên từng múi mỗi khi Tôm cử động đôi vai dưới chiếc áo vét tông mỏng. Đây là một cơ thể có sức khoẻ ghê gớm, một tấm thân tàn bạo”. Một Daisy, Baker xinh đẹp, nhàn hạ, sung sướng đến nỗi cảm thấy vô vị, không biết phải làm gì cho hết thời gian, không biết phải nói chuyện về cái gì nên chú ý cái mũi của người hầu phòng. Một Gatsby giàu có và phung phí, có quá khứ gây nhiều dư luận, trong đó có việc anh ta buôn lậu Chất châm biếm ở đây hiện lên trên bình diện rộng, tạo nên hai thế giới riêng biệt, đối lập, nhưng ẩn sâu bên trong, bản chất của hai nơi ấy cũng không khác nhau. Gia đình ngoại tình, con người đối xử với nhau giả tạo, ích kỷ, thậm chí khinh rẻ, chà đạp lên nhau. Cái đích mai mỉa của tác giả dẫu đặt vào nhân vật Nick tạo vẻ khách quan nhưng vẫn nổi rõ thái độ, giọng hài hước giễu nhại không hề cay cú, gay gắt mà vẫn 3
  4. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 3(32).2009 sắc sảo, gan góc. Câu chuyện nói lên sự vỡ mộng đau đớn của một lớp người muốn vươn đến hạnh phúc qua phương tiện vật chất. Vì vậy đối lập giữa những giấc mơ đẹp, lãng mạn là một thực tại cay đắng. Gatsby mơ mộng luôn ảo tưởng về tình yêu của nàng Daisy, nghĩ rằng sẽ chiếm lại nàng bằng những gì đã khiến anh mất nàng. Những ảo tưởng đẹp đẽ trong tâm tưởng Gatsby lại xa lạ hoàn toàn với đời thực. Ngay cả khi anh công phu tìm mọi cách để gặp lại Daisy, anh xúc động luống cuống khi gặp nàng thì cái cảnh cố nhân hội ngộ tưởng sẽ vô cùng trữ tình lại đầy vẻ hài hước, giễu cợt. Nàng Daisy xinh đẹp duyên dáng với nụ cười giả tạo, cảm động vờ vĩnh, cuối cùng chỉ nức nở nghẹn ngào trong chồng áo sơ mi đắt tiền của Gatsby. Giấc mơ của Gatsby như vậy khác nào Myrtle - người tình của Tom. Bà ta cũng mong đổi đời, thoát khỏi anh chồng nghèo yếu đuối mà bà ta khinh bỉ nhưng rốt cuộc Myrtle cũng chỉ là đồ chơi trong tay Tom. Chuyến đi lên New York tưởng vui vẻ, hạnh phúc, ai ngờ lại kết thúc bằng cú đánh tàn bạo. Ảo tưởng và vỡ mộng, hai tuyến đối lập ấy song song nhau chính là phương diện cơ bản của ý nghĩa truyện. Nó phản ánh một xã hội thực dụng, chạy theo kim tiền và tính bi kịch của thân phận con người. Ngoài ra, trong tác phẩm còn tạo dựng một số hình ảnh tương phản như: trời sao yên tĩnh, cảnh đêm diễm lệ và thơ mộng nơi vườn nhà Gatsby với âm thanh hỗn độn, hình người ngả nghiêng trong các buổi dạ tiệc linh đình; sự ồn ào, đông đúc của khách khứa, ngập tràn thức ăn, bia rượu, các trò chơi với sự trống rỗng ùa ra từ cửa sổ, cửa lớn của toà nhà và hình bóng trơ trọi của Gatsby lúc tiệc đã tàn. Hay cái cảnh chàng Gatsby đáng thương đứng canh gác “cho cái hư không” với cảnh vợ chồng Tom ngồi bên nhau bàn tính, trước mặt là một đĩa gà rán nguội và hai chai bia mạnh sau khi Daisy lái xe đâm chết Myrtle Có thể nói, thủ pháp tương phản đã mang lại cho tác phẩm một sức mạnh châm biếm và tố cáo mãnh liệt. Nó chứng tỏ tài năng của Fitzgerald như đã được John Peale Bishop mô tả: “Tài năng hiếm có của một người vừa sống qua những cảm xúc lãng mạn và ngay thật, nhưng chỉ nửa giờ sau đã có thể nhìn lại những cảm xúc ấy bằng con mắt sáng suốt và mỉa mai nữa” (dẫn theo Charles E. Shain- Những bậc thầy văn chương thế giới. NXB Lao động 2006). 2. Thủ pháp liên tưởng so sánh, cường điệu hoá; giọng điệu châm biếm, giễu nhại Fitzgerald sử dụng khá nhiều thủ pháp so sánh, khoảng gần 100 lần, với một kiểu hài hước đặt biệt. Trong kể chuyện, miêu tả với giọng trầm tĩnh, khách quan, nhà văn hay chen vào vài lời nhận xét hóm hỉnh, những so sánh liên tưởng buồn cười. Chẳng hạn Myrtle thô lỗ, ẽo ợt, kênh kiệu “giọng cười, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của Miếctơn mỗi lúc một vênh váo hơn và con người bà ta càng nở to ra thì gian phòng càng co nhỏ lại xung quanh bà ta cho đến khi dường như bà ta quay xung quanh một cái trục kêu kẽo kẹt om sòm trong bầu không khí mù mịt khói”, Baker “nằm duỗi dài ở một đầu đi văng, hoàn toàn bất động, cằm hơi hếch lên một chút như thể đang đỡ ở chóp cằm một vật gì lăm le chực rơi ”.v.v Nhà văn còn khai thác nghệ thuật cường 4
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 3(32).2009 điệu hoá để làm tăng thêm tính lố bịch, phù phiếm giả dối của con người và xã hội. Cảnh tượng tiệc tùng nhộn nhịp, xa xỉ với bao nhiêu các vị khách sang trọng đáng kính, đến đây để thoả mãn thú ăn chơi, hay cơ hội để tán tỉnh, bàn chuyện làm ăn Đa số là những vị khách không mời: “cư xử theo phép xử sự ở một công viên giải trí”, “Khách có khi đến rồi về mà chẳng hề gặp chủ nhân. Họ đến dự cuộc vui với sự hồn nhiên được coi là giấy vào cửa”. Hình ảnh khá hài hước của cô ca sĩ vừa hát vừa khóc “những giọt nước mắt lăn xuống má nhưng không chảy thành dòng vì khi chạm phải hai hàng mi tô chì rất đậm thì chúng ngả sang màu mực rồi chảy tiếp từ từ thành những rãnh nhỏ đen đen”, các cô gái hay các quý bà giả vờ ngã vào vòng tay người khác hay vị khách mắt cú vọ say khước trong thư viện ngạc nhiên về những chồng sách thật, không phải giấy bồi. “anh chàng này là một nhà dàn cảnh ngoại hạng. Không chê vào đâu được! Trông giống thật biết bao” lột tả hết tính chất giả tạo, rỗng tuếch, bát nháo khiến chúng ta liên tưởng đến những con người và xã hội vô nghĩa lý của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng dường như hai nhà văn của chúng ta đã gặp nhau ở một cách nhìn và cách thể hiện thời đại. Đám tang của Gatsby ảm đạm, vắng vẻ, không vị khách nào đã từng ăn chơi ở nhà anh (trừ ông mắt cú), kẻ làm ăn với anh, cả người tình yêu dấu trong mộng của anh đến đưa tang hay gửi lời chia buồn, liệu có khác gì đâu đám ma cụ tổ đông đúc, ồn ào, phô trương nhưng toàn là giọt nước mắt thuê mướn, nỗi đau đóng kịch, cơ hội khoe của, khoe áo sống, cười tình, chim chuột lẫn nhau trong Số đỏ. Fitzgerald cũng cường điệu tính nhẫn tâm, cạn kiệt tình người ở một cái đám tang anh chàng Gatsby hào phóng, hy sinh cho tình yêu, để rồi người yêu dấu không thèm đoái hoài đến cái chết của anh, sau khi anh chết một thời gian vẫn có những chiếc xe thỉnh thoảng chạy qua vì tưởng cuộc vui chưa tàn. Chi tiết cuộc điện thoại bất ngờ tưởng để chia buồn nhưng chỉ với mục đích nhờ gửi đôi giày tennis để kịp đi cắm trại của một vị khách nào đó từng ăn dầm ngủ dề tại nhà Gatsby càng tô đậm thêm tính châm biếm, giễu cợt và cả sự chua xót, bi kịch của thân phận con người. Giọng châm biếm của Fitzgerald tỏ ra khá trầm tĩnh, khách quan. Nhân vật Nick đóng vai trò quan sát, nhận định và cả tham gia vào câu chuyện nên lời kể của anh vừa như ở ngoài lại cả ở trong, là một vai hành động cuốn theo cuộc sống cùng với những nhân vật khác, nhưng lại có thể tách ra, ngẫm nghĩ suy tư và bình phẩm. Cách nói mỉa mai một cách dửng dưng và ý nhị, tạo tính hài hước nhẹ nhàng mà rất sâu cay kiểu “hai ông khách tỉnh táo một cách đáng trách”, “Tôm đã chịu chiếu cố đến ý kiến của những người dân Íxt Ếch có thể đi cùng chuyến tàu”, “hầu như mọi biểu thị cao độ của tính tự mãn đều làm tôi sững sờ khâm phục”, những người đã chấp nhận lòng hiếu khách của Gatsby “đền đáp lại anh một cách tế nhị là tuyệt nhiên không thèm biết tí gì về anh”.v.v 3. Những chi tiết và hình tượng châm biếm nổi bật Nghệ thuật châm biếm trong Gatsby vĩ đại mở ra trên một bình diện rất rộng, từ cách xây dựng nhân vật đến ngôn ngữ, việc tô đậm một số chi tiết mang tính hình tượng. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết được khắc hoạ từ vẻ ngoài đến tính cách, và 5
  6. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 3(32).2009 thường nhà văn chúng ta gắn chặt một hình ảnh đặc trưng cho từng người để qua đó làm toát lên đời sống tâm hồn và bản chất thực của con người đó. Chẳng hạn như Tom Buchonan với vẻ lực lưỡng, ngạo mạn và tàn nhẫn hiện lên qua khoé miệng, đôi mắt và dáng người to khoẻ, thớ thịt chật căng. Daisy xinh đẹp thì được tập trung chú ý qua điệu cười hồn nhiên vờ vĩnh, giọng nói uốn lượn “trong trẻo và giả tạo”, “chứa đầy tiền bạc” của nàng. Ông Wolfsheim nhỏ bé, mũi tẹt, đầu to, mắt ti hí được miêu tả gắn với cái mũi: “nhìn tôi với hai túm lông mũi thò ra quá dài”, “hếch cái mũi biểu cảm”, “cái mũi của ông Vôsim bắn vào tôi những tia giận dữ”, “hai cánh mũi của ông ta quay sang tôi ra chiều quan tâm”, “cái mũi bi thảm của ông run run”.v.v Toàn là những chân dung hài hước, châm biếm. Trong đó, dường như hầu hết các nhân vật trong cuốn sách đều thể hiện cái nhìn thiếu thiện cảm ngay từ đầu của Nick (mà cũng là của tác giả), riêng cảm xúc về Gatsby lại thay đổi qua từng diễn biến, và từ xa lạ, ngờ vực, khinh thường đến đồng cảm, thương xót, chia sẻ và thậm chí là cảm tình đề cao anh chàng Gatsby nhiều ảo tưởng qua lời Nick: “Bọn họ chỉ là một lũ không ra gì. Mình anh còn đáng giá bằng mấy lũ ấy gộp lại”. Cho nên đối với các nhân vật khác, nhà văn không ngần ngại giễu cợt, mai mỉa, bực bội, còn ở Gatsby bình diện trữ tình hoà với châm biếm, nhưng có xu hướng chuyển thành châm biếm rồi dẫn tới bi kịch. Chủ yếu ở Gatsby là bi kịch. Con đường vươn lên và những khát vọng của anh, cho đến cái chết vô nghĩa lý, tất cả phản ánh một bi kịch lớn của thời đại, của giấc mộng Hoa Kỳ đang sụp đổ trước phát đại bác của nền văn minh vật chất. Nhiều chi tiết nghệ thuật mang tính châm biếm đặc sắc như sự giễu nhại về tầm tri thức của anh Tom to khoẻ khi nói chuyện về một cuốn sách và tỏ ra “vô cùng bi quan về tình thế”, “nền văn minh sắp bị phá tan tành rồi”, nhà văn không ngần ngại mỉa mai “có cái gì đó làm anh ta phải đớp lấy những tư tưởng cũ rích như thể cái tấm thân ích kỷ lực lưỡng của anh không còn nuôi nổi quả tim hống hách bên trong nó nữa”. Hay cái chi tiết bà bạn của Myrtle tự hào về 127 lần ông chồng chụp hình mình (kiểu như 1024 lần câu nói của cụ cố Hồng: “Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!”). Cả cái danh sách các vị khách, sự nhấn mạnh mấy lần của Nick khi sang dự tiệc nhà Gatsby : “Tôi thì đã chính thức được mời”, mấy khuy áo của Nick, chồng áo sơ mi sặc sỡ đủ màu, đủ kiểu và đủ chất liệu của Gatsby với cảnh: “Daisy gục đầu trên đống sơmi, nước mắt chứa chan. - Ôi , những chiếc áo mới đẹp làm sao!- nàng nức nở, giọng nghẹt lại trong những nếp vải dày - Em buồn vì nghĩ mình chưa bao giờ được thấy những chiếc sơmi đẹp như thế này” , Tất cả hoà lẫn vào nhau tạo nên một chất châm biếm đặc sắc cho cuốn sách tuyệt vời này. Nhà văn Fitzgerald đã tài tình trong việc miêu tả vừa rất cụ thể lại khái quát, làm nổi bật vẻ riêng của từng nhân vật. Lúc khắc hoạ nhân vật đám đông, ông cũng tạo được ấn tượng chung bao trùm về những đám thực khách đến rồi đi như những con bướm đêm, đồng thời quay ống kính cận cảnh từng bàn tiệc, từng góc khuất, từng gương mặt Vì vậy bức tranh toàn cảnh trở nên sắc nét, bình diện châm biếm vì vậy vừa trải rộng vừa đi vào chiều sâu, khai thác được nhiều biểu hiện độc đáo. 6
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 3(32).2009 Đặc biệt, trong tác phẩm này, nhà văn đã tạo dựng những chi tiết nghệ thuật có tính tượng trưng sâu sắc, làm trung tâm cho bình diện châm biếm của Gatsby vĩ đại. Nổi bật nhất có thể nói đến hình tượng đôi mắt kính khổng lồ dựng lên lừng lững ở thung lũng tro bụi. Đó là biến quảng cáo kính mát với hai con mắt của bác sĩ T.J. Ekleberg “xanh lơ khổng lồ, nhìn mọi người qua một cặp kính vàng kếch sù đặt trên một cái mũi khuyết đăm chiêu nhìn xuống bãi đổ tro hoả táng mênh mông này”. Đôi mắt khổng lồ ấy đặt trong mối liên hệ với hàng loạt đôi mắt thịt người trần nhỏ bé của các nhân vật trong tác phẩm như: Đôi mắt trống rỗng không chứa đựng một ham muốn nào của Daisy, đôi mắt xám mệt mỏi của Baker, đôi mắt xấc xược của Tom, đôi mắt trợn trừng vì lòng ghen của Myrtle, đôi mắt xanh nhạt đờ đẫn của Wilson, đôi mắt mơ mộng của Gatsby Cái cửa sổ tâm hồn phần nào soi chiếu được bản chất từng con người một. Nhưng đôi mắt vĩ đại kia giữa một vùng tro bụi chết chóc, ngự trị ở miền hư vô như một đôi mắt Chúa. Chúa nhìn thấy hết mọi diễn biến đời sống, nhận rõ cảnh tượng tương phản của những khung cảnh sang - hèn, những con người đầy dẫy dục vọng và tàn nhẫn; nhưng Chúa vẫn dửng dưng, xa lạ. Đôi mắt ấy đăm chiêu nhìn thơ ơ vào khoảng không vô dịnh, mặc con người với những lầm lạc của mình phiêu dạt trong cõi hư vô. Nhân vật Wilson cũng trân trân nhìn về nó trong ý nghĩ đấy là đôi mắt Chúa nhìn thấu mọi tội lỗi, mọi sự thật và hình ảnh gầy gò, xanh mướt, vô hồn như thần Chết của Wilson bên xác vợ gây một ấn tượng châm biếm đau đớn đặc biệt khó quên. Cảnh đám tang Gatsby cũng là một cảnh tượng bi hài lẫn lộn. Một cái chết gây tò mò rồi thôi, chẳng ai nghĩ đến việc chia sẻ nỗi đau hay tiễn người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Lý do cái chết hơi vô nghĩa lý của Gatsby cùng với thực tế rỗng không tình người mang lại chất mỉa mai pha lẫn bi kịch. Việc Nick cố gắng báo tin cho từng người với hy vọng có ai đó bên cạnh Gatsby khi anh đã nằm xuống, Wolfsheim từ chối đến dự đám tang vì sợ liên luỵ, Daisy đã biến mất cùng chồng, chi tiết cuộc điện thoại ngớ ngẩn, người bố già quê mùa của Gatsby và sự xuất hiện bất ngờ của vị khách say khướt mắt cú hôm nào càng tô đậm hình tượng châm biếm này. Truyện vì thế ông có tính chất sầu thảm mặc dù có kết cục bi đát. Tiếng nói cao cả cuổi cùng của tác phẩm vẫn là bộc lộ bản chất xã hội trong sự mai mỉa một cách cao cả. Tác phẩm đã thành công khi nói lên “hình ảnh cái bản ngã Hoa Kỳ đã bị xoá bỏ” (Charles E. Shain- Những bậc thầy văn chương thế giới. NXB Lao động 2006) qua một số phận con người với giấc mơ tình - tiền lẫn lộn. Lúc còn sống, tài năng của F. S. Fitzgerald không được đánh giá một cách đầy đủ và xứng đáng. Kể cả tiểu thuyết Gatsby vĩ đại. Nhưng ngày nay cùng với việc công nhận tài năng lớn của nhà văn, tác phẩm này cũng xếp vào truyền thống văn chương nhân loại, được ca ngợi không chỉ vì nội dung sâu sắc của nó mà còn bằng nghệ thuật thể hiện độc đáo, có tính cách tân mới mẻ. Trong lời giới thiệu tiểu thuyết Gatxbi vĩ đại, dịch giả Hoàng Cường đã nhận định: “Cùng với Fốcnơ, Fitgiêrơn là nhà văn duy nhất trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới mà tiếng nói được các nhà văn lớp sau lắng nghe. Có lẽ đó là vì hơn ai hết, Fitgiêrơn đã thể hiện niềm u hoài và nỗi cô đơn chứa chất ở đáy tâm hồn người Mỹ. Nhưng có lẽ còn vì ông là một trong những nhà 7
  8. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 3(32).2009 văn của thời kỳ này, ngoài nội dung còn chăm lo đến văn phong, luôn chú trọng đến hình thức và cấu trúc tác phẩm” (Hoàng Cường - Lời giới thiệu Gatxbi vĩ đại- NXB Tpm, 1985). Với cuốn sách này, Fitzgerald đã phản ánh tâm trạng u hoài, chán chường ở đáy sâu tâm hồn những thế hệ con người những năm 20, 30 của thế kỷ XX bằng một nghệ thuật châm biếm - trữ tình đặc sắc. Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn đam mê câu chuyện chàng Gatsby, bởi giấc mơ và ý chí lãng mạn của Gatsby phải chăng cũng có chút gì đó trong ta. Chẳng qua, ở mỗi thời đại, nó lại biểu hiện theo những cách khác nhau, thực ra ai trong chúng ta mà không có chút giấc mộng Gatsby? TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Huy Bắc, Văn học Mỹ, NXB ĐH Sư phạm, 2003. [2] Lê Đình Cúc, Tác gia văn học Mỹ thế kỷ XVIII- XIX, NXB Khoa học xã hội, 2004. [3] F.S. Fitzgerald, Gatxbi vĩ đại, Hoàng Cường dịch, NXB Tp HCM, 1985. [4] Hữu Ngọc, Hồ sơ văn hoá Mỹ, NXB Thế giới, 2000. [5] Charles E. Shain, Những bậc thầy văn chương thế giới, NXB Lao động, 2006. [6] F. Scott Fitzgerald, www.wikipedia, the free encyclopedia. [7] Bryant Mangum, "The Great Gatsby", Encyclopedia of the Novel, ed. Paul Schellinger, London and Chicago: Fitzroy-Dearborn, 1998, pp. 514-515. 8