Một số vấn đề lý luận về bản sắc văn hóa dân tộc - Hoàng Thị Hương

doc 9 trang phuongnguyen 2040
Bạn đang xem tài liệu "Một số vấn đề lý luận về bản sắc văn hóa dân tộc - Hoàng Thị Hương", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docmot_so_van_de_ly_luan_ve_ban_sac_van_hoa_dan_toc_hoang_thi_h.doc

Nội dung text: Một số vấn đề lý luận về bản sắc văn hóa dân tộc - Hoàng Thị Hương

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC Hoàng Thị Hương Trong thời đại ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho thế giới dường như nhỏ lại trước sự truyền dẫn thông tin mạnh mẽ và nhanh chóng. Cùng với sự thông suốt về thông tin trên phạm vi toàn cầu là sự giao lưu, tác động, trao đổi lẫn nhau giữa các quốc gia trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội được thực hiện dễ dàng hơn. Xu thế đó đem lại nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng chứa đựng không ít thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó đặt ra một yêu cầu bức thiết cho mỗi quốc gia dân tộc là phải có chính sách hữu hiệu để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển. Chính vì thế, thời gian gần đây vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc được giới nghiên cứu ngày càng quan tâm. Tuy nhiên, việc xác định bản sắc văn hoá dân tộc là gì và cái gì là bản sắc văn hóa của một dân tộc thì lại là một vấn đề không đơn giản. Nếu không xem xét một cách toàn diện, nhiều chiều thì thật khó lý giải thấu đáo để có nhận thức đúng đắn về bản sắc văn hoá dân tộc. Theo chúng tôi, để định hướng cho việc nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc và đề ra được phương thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc một cách đúng đắn thì cần phải làm rõ một số vấn đề lý luận liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc. 1. Khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc Theo Từ điển tiếng Việt(1), thuật ngữ "bản sắc" dùng để chỉ tính chất, màu sắc riêng tạo thành phẩm chất đặc biệt của một sự vật tức là nói tới sắc thái, đặc tính, đặc thù riêng của sự vật đó. Trong thực tế, khi nói "bản sắc" thường là nói tới cái riêng, cái rất riêng của một sự vật để phân biệt nó với các sự vật khác trong thế giới khách quan. Quan niệm này cũng gần với một phương pháp định nghĩa trong Lôgic học là định nghĩa "qua giống gần gũi để chỉ ra sự khác biệt về loài". Cách định nghĩa này có phần nhấn mạnh cái riêng, cái đặc thù, cái biểu hiện ra bên ngoài của bản chất sự vật.
  2. "Bản sắc" là từ một ghép có gốc Hán - Việt nên có một cách tiếp cận khác là phân tích trên ngữ nghĩa của hai từ "bản" và "sắc". Theo đó, "bản" là cái gốc, cái căn bản, cái cốt lõi, cái hạt nhân của một sự vật; "sắc" là sự biểu hiện cái căn bản, cái cốt lõi, cái hạt nhân đó ra ngoài. Cách tiếp cận thứ hai này có tính hợp lý hơn bởi khái niệm "bản sắc" được nhận thức trên cả 2 mặt: mặt bản chất bên trong và mặt biểu hiện bên ngoài và giữa hai mặt đó có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, mặt bên trong phản ánh tính đồng nhất, bản chất của một lớp đối tượng sự vật nhất định và mặt bên ngoài phản ánh những dấu hiệu, những sắc thái riêng của sự vật để làm cơ sở phân biệt sự khác nhau giữa sự vật này với sự vật khác. Thuật ngữ bản sắc thường được sử dụng gắn với văn hóa và dân tộc. Nói đến dân tộc là nói đến văn hoá, bản sắc văn hoá và nói đến văn hoá là nói đến dân tộc, bản sắc dân tộc. Có thể hiểu bản sắc văn hoá là hệ thống các giá trị đặc trưng bản chất của một nền văn hoá được xác lập, tồn tại, phát triển trong lịch sử và được biểu hiện thông qua nhiều sắc thái văn hóa. Trong bản sắc văn hóa, các giá trị đặc trưng bản chất là cái trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững; còn các sắc thái biểu hiện của nó có tính tương đối cụ thể, bộc lộ và biến đổi hơn. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây thì khái niệm bản sắc văn hóa vẫn là một khái niệm vô định, vì nói tới văn hóa là nói tới con người và nói tới những dân tộc cụ thể đã sinh ra, duy trì và phát triển nó. Vì vậy, chỉ khi tiếp cận đến bản sắc văn hóa của dân tộc thì ý nghĩa của nó mới được thể hiện một cách trọn vẹn. Nếu tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng nhất, bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử thì bản sắc văn hoá dân tộc là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần được dân tộc sáng tạo ra trong lịch sử, là những nét độc đáo rất riêng của dân tộc này so với dân tộc khác. Xét về bản chất, bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần, linh hồn, cốt cách, bản lĩnh của một dân tộc. Đây được coi là “dấu hiệu khác biệt về chất” giữa dân tộc này với dân tộc khác. Tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp ở Venise, F.Mayor - nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã đưa ra một định nghĩa khái niệm văn hóa trên cơ sở nhấn mạnh tính đặc thù của bản sắc văn hoá dân tộc: “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục
  3. tập quán, lối sống và lao động”(2). Trong quan hệ quốc tế, bản sắc văn hóa dân tộc được xem như cái “thẻ căn cước”, là cốt cách của mỗi dân tộc thể hiện trên mọi phương diện quan hệ ngoại giao về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trong quá trình tồn tại và phát triển, bản sắc văn hoá là yếu tố mang sức mạnh tinh thần dân tộc, giúp dân tộc vượt qua những thử thách của lịch sử, bởi vì “bản sắc dân tộc là tổng thể những phẩm chất, tính cách, khuynh hướng cơ bản thuộc sức mạnh tiềm tàng và sức sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc đó, giúp cho dân tộc đó giữ vững được tính duy nhất, tính thống nhất, tính nhất quán so với bản thân mình trong quá trình phát triển”(3). Chính vì vậy, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đã và đang được nhiều quốc gia dân tộc coi trọng và có những giải pháp cụ thể trong quá trình phát triển. 2. Kết cấu bản sắc văn hóa dân tộc Bản sắc văn hóa dân tộc là một hiện tượng phức tạp, biểu hiện phong phú, đa dạng. Để có nhận thức đầy đủ hơn thì ngoài việc định nghĩa, còn có thể sử dụng phương pháp phân tích kết cấu của bản sắc văn hóa dân tộc qua mô hình hóa cấu trúc phương thức biểu hiện của nó (theo chiều dọc và chiều ngang). Hình 1. Cấu trúc phương thức biểu hiện của bản sắc văn hoá dân tộc (theo chiều dọc) Với kiểu mô hình hóa theo chiều dọc như ở hình 1, kết cấu của bản sắc văn hóa dân tộc được biểu đạt thông qua 3 tầng diện của cấu trúc phương thức biểu hiện.
  4. Tầng diện 1 – Đây là tầng diện sâu nhất, mang tính bản chất và tương đối ổn định so với các tầng diện khác trong toàn bộ hệ thống cấu trúc. Bản sắc văn hóa dân tộc nằm ở tầng diện này mang vai trò "kép": một mặt, giữ vai trò là hạt nhân chi phối toàn bộ hệ thống và quyết định biểu hiện của các yếu tố ở tất cả các tầng diện; mặt khác, nó chính là cái ẩn sâu bên trong các yếu tố trong hệ thống hay nói cách khác, phương thức biểu hiện sự tồn tại của nó là phải thông qua các yếu tố, trước hết ở tầng diện 1- qua thế giới quan và nhân sinh quan. Qua đó, những đặc trưng lớn, những hệ giá trị căn bản của bản sắc văn hoá dân tộc được biểu hiện như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của mỗi dân tộc. Tầng diện 2 - Cách thức tư duy, lối sống, lý tưởng thẩm mỹ. Đây là tầng nấc trung gian để từng bước hiện thực hoá thế giới quan, nhân sinh quan mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống xã hội. ở tầng diện này, quá khứ và hiện tại kết nối với nhau bởi các mối liên hệ lịch sử và lôgíc. Nếu ở tầng diện 1 bản sắc văn hóa dân tộc biểu hiện có tính cô đọng, phổ quát cao và mang tính ổn định tương đối, thì ở tầng diện 2 nó được biểu hiện có tính cụ thể, đa dạng, phong phú và biến đổi hơn. Tầng diện 3 – Ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, lễ nghi, kiến trúc, kho tàng văn học nghệ thuật dân gian là những biểu hiện vô cùng phong phú và đa dạng của bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống xã hội. ở cấp độ biểu hiện này, một mặt, nó phản ánh sự tiếp nối của lịch sử dân tộc; mặt khác, nó là cái hiện hữu cụ thể của đời sống dân tộc đang được diễn ra. Tính cụ thể, biến đổi, phong phú, đa dạng được thể hiện rõ nét nhất ở tầng diện này, bởi nó chịu sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ của nhiều yếu tố khách quan, như sự thay đổi về kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên. Nếu ở tầng diện sâu hơn có tính ổn định hơn và chịu sự tác động mạnh hơn của yếu tố chủ quan thì ở tầng diện này, nó có tính biến đổi nhiều hơn và chịu sự tác động mạnh hơn của những yếu tố khách quan. Có thể diễn đạt rõ hơn sự biến đối của bản sắc văn hóa dân tộc qua mô hình cấu trúc phương thức biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc theo chiều ngang (hình 2).
  5. Hình 2. Cấu trúc phương thức biểu hiện của bản sắc văn hoá (chiều ngang) Việc mô hình hóa kết cấu bản sắc văn hoá dân tộc thể hiện qua 3 tầng diện biểu hiện theo chiều dọc và chiều ngang nhằm làm rõ hơn bản chất, xu hướng biến đổi của nó trong lịch sử; từ đó, có nhận thức đúng đắn trong quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là làm sáng tỏ hơn về mặt khái niệm và kết cấu của bản sắc văn hóa dân tộc còn để có cơ sở nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn về nó cần tiếp tục phân tích trên một số vấn đề lý luận khái quát từ thực tiễn lịch sử xã hội để định hướng cho quá trình nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc. 3. Một số vấn đề có tính định hướng trong nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc Thứ nhất, xét trong mối quan hệ giữa các nền văn hoá dân tộc, bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc bao giờ cũng thể hiện tính hai mặt: tính thống nhất và tính đa dạng. Tính thống nhất phản ánh những nét chung của nền văn hoá xét ở các cấp độ khác nhau, như văn hóa vùng, văn hóa quốc gia, văn hoá khu vực hay văn hoá thế giới. Tính đa dạng phản ánh những sắc thái riêng, đặc thù, đặc sắc giàu bản sắc của mỗi nền văn hoá dân tộc. Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc là tìm đến cái riêng, cái đặc thù của một dân tộc. Tuy nhiên, quan niệm thế nào là cái riêng, cái đặc thù? Nó là cái "độc đáo" hay là cái "dị biệt"? Mối quan hệ giữa cái riêng, cái đặc thù với cái chung như thế nào? Đó là những vấn đề không đơn giản. Trong thực tế, từ nhiều nền văn hóa của các cộng đồng dân tộc đã tạo nên những giá trị chung, như lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên Có ý kiến cho rằng, " chẳng phải chỉ ở Việt Nam mới có, mới biết tình cảm và ơn nghĩa, mới lo đạo và đời, có điều với hoàn cảnh đất nước và tập tính cộng đồng,
  6. những phẩm chất ấy trội nổi và bám rễ sâu xa, trở thành những giá trị đặc sắc không thể bỏ qua hoặc trộn lẫn trên gương mặt dân tộc"(4). Có nhà nghiên cứu lại nhấn mạnh, cùng những giá trị ấy nhưng các dân tộc có sự lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên khác nhau, hoặc mỗi dân tộc có sắc thái biểu hiện một cách khác nhau mà thôi. Vì thế, cần có thái độ đúng mực, trân trọng đối với các nền văn hóa trong cộng đồng các dân tộc trên mọi phương diện quốc gia (nation) hay quốc tế (international), tránh đề cao nền văn hóa dân tộc này mà xem nhẹ, coi thường nền văn hóa của dân tộc khác, cộng đồng dân tộc khác. Đó là sự thừa nhận cả tính thống nhất (cái chung) lẫn tính đa dạng, giàu bản sắc (cái riêng, cái đặc thù) trong bản sắc văn hóa dân tộc. Thừa nhận tính đa dạng của văn hóa là thừa nhận cái riêng, cái đặc thù trong quan hệ biện chứng với cái chung. Đó là sự đa dạng trong thống nhất, thống nhất mà đa dạng, nó được biểu hiện như một khuynh hướng chung. Nghiên cứu trong không gian và thời gian càng rộng thì bản sắc văn hoá dân tộc càng được bộc lộ rõ hơn. Hơn nữa, bản sắc văn hóa dân tộc chỉ được biểu hiện và có ý nghĩa khi đặt nó trong mối quan hệ với văn hoá các dân tộc khác. Chẳng hạn, bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam qua trang phục áo dài sẽ được nhận diện rõ hơn khi đặt bên cạnh trang phục của các dân tộc khác trên thế giới, như áo kimônô của Nhật Bản, áo hanbok của Hàn Quốc (4) Tôn trọng sự phong phú, đa dạng của các nền văn hóa trong sự thống nhất là một điều cần thiết. Nhận thức này giúp tránh được sự tuyệt đối hoá ranh giới giữa cái chung và cái riêng trong bản sắc văn hoá dân tộc, tách rời tuyệt đối những giá trị nhân văn mang tính nhân loại với những giá trị mang tính bản sắc văn hoá dân tộc, dẫn đến nhận thức lệch lạc: ca tụng nhiệt liệt mọi sự độc đáo của một cộng đồng dân tộc mà ít quan tâm đến giá trị chung mang tính nhân loại trong bản sắc văn hóa dân tộc hoặc ngược lại, đề cao cái nhân loại mà quên đi cái bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Cả hai quan điểm này đều dẫn đến cách ứng xử cực đoan: hoặc đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài, hoặc mở cửa một cách không kiểm soát trước những luồng gió văn hóa từ bên ngoài kể cả trong lành hay độc hại. Cả hai cách đó đều không có lợi cho sự phát triển của một dân tộc, bởi một dân tộc không thể phát triển khi đánh mất bản sắc, cốt cách riêng của dân tộc hoặc không kế thừa, tiếp thu biện chứng những giá trị tích cực của văn hóa nhân loại. Đã
  7. có thời kỳ chúng ta cho rằng kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, là nền kinh tế không thể dung hợp với chủ nghĩa xã hội, nên đã không đánh giá đúng về nó như là sản phẩm của sự phát triển tất yếu của nhân loại. Nhưng từ khi kinh tế thị trường được chúng ta nhận thức đúng và tiếp nhận một cách sáng tạo, biện chứng, vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước - xây dựng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế nước ta đã có nhiều khởi sắc, trở thành một nền kinh tế năng động, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Thứ hai, xét trong sự vận động và phát triển, bản sắc văn hoá dân tộc có tính hai mặt: vừa mang tính ổn định, vừa mang tính biến đổi. Tính ổn định của nó thể hiện ở những giá trị được hình thành, phát triển, định hình trong lịch sử lâu dài của dân tộc, trở thành cốt cách riêng của dân tộc. Đồng thời, bản sắc văn hoá dân tộc không phải là một thực thể “nhất thành, bất biến”, mà nó vận động, biến đổi không ngừng. Nó tồn tại, biến đổi trong không gian và thời gian thông qua sự kế thừa biện chứng vô tận. Lọc bỏ - giữ lại - bổ sung là quy luật tất yếu của sự phát triển văn hoá trong dòng chảy của thời gian. Trong quá trình đó có những giá trị cũ, lỗi thời bị xoá bỏ; có những yếu tố đặc trưng, cốt lõi của dân tộc được giữ lại, duy trì, phát huy dưới những hình thức mới và có những giá trị mới, tiến bộ không ngừng được bổ sung tạo nên sức sống mới cho văn hoá dân tộc. Vì vậy, có thể nói, bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ thể hiện quá trình tồn tại, mà còn thể hiện quá trình trưởng thành và phát triển của một dân tộc. Nhận thức đó giúp chúng ta có cách nhìn biện chứng hơn về sự biến đổi của những giá trị văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại. Những thay đổi của đời sống xã hội trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội đã dẫn đến nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị va đập, thử thách dữ dội. Cuộc sống đô thị và nhịp sống công nghiệp đang làm cho biểu hiện của những giá trị về lòng hiếu thảo với cha mẹ, phẩm chất "công, dung, ngôn, hạnh" của người phụ nữ, tình làng nghĩa xóm "sớm lửa tối đèn có nhau" có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề này như thế nào cho đúng, có phải những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã bị phá bỏ bởi đời sống hiện đại? Thực sự thì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn còn sống mãi trong đời sống xã hội,
  8. bởi nó là linh hồn, cốt cách của một dân tộc nhưng có điều chúng ta phải chấp nhận những sắc thái biểu hiện khác, thậm chí có nhiều cách biểu hiện khác nhau của cái "bản", cái "cốt" đó mà thôi. Đây là một tất yếu, không thể dùng ý chí để duy trì những cái không còn phù hợp với đời sống hiện đại. Nên chăng cần chấp nhận có sự thay đổi về cách biểu hiện và phải nâng cao bản lĩnh, đề ra những biện pháp hữu hiệu để không làm mất đi cái cốt cách, linh hồn của những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Thứ ba, xét về mặt giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc, có quan điểm cho rằng trong bản sắc văn hoá không tồn tại cái không có giá trị, nhưng có quan điểm lại cho rằng trong bản sắc văn hoá có cả cái có giá trị lẫn cái không có giá trị. Thực chất, bản sắc văn hoá dân tộc là một phạm trù lịch sử nên vấn đề giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc cần được xem xét theo quan điểm lịch sử cụ thể. Những giá trị bản sắc văn hoá của dân tộc có quá trình hình thành và phát triển trong những điều kiện lịch sử cụ thể gắn với quá trình hình thành, phát triển của mỗi dân tộc. ở các cộng đồng dân tộc khác nhau trong những không gian, thời gian khác nhau thì văn hoá sẽ mang những diện mạo khác nhau, không thể áp đặt một khuôn mẫu chung cho mọi nền văn hoá và cho mọi thời đại. Có thể có sắc thái này là có giá trị với dân tộc này nhưng không được đánh giá như thế với dân tộc khác. Có thể có sắc thái biểu hiện trong thời kỳ này là đỉnh cao về giá trị nhưng ở thời kỳ lịch sử khác nó không được coi là như vậy. Nếu giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc không được xem xét trên quan điểm duy vật lịch sử dễ dẫn đến thái độ cực đoan: hoặc là sự tự ti dân tộc dẫn đến phủ nhận truyền thống, tuyệt đối hoá cái mới, cái hiện đại, hoặc là sự tự tôn thái quá dẫn đến bảo thủ, khép kín. Cả hai quan điểm đó đều phiến diện, kìm hãm sự phát triển hoặc dẫn đến đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Tóm lại, trên bình diện khái quát, nói tới bản sắc văn hoá dân tộc là nói tới tính hai mặt của nó, một mặt, là những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân của một nền văn hoá dân tộc; mặt khác, là những sắc thái biểu hiện đặc sắc của mỗi dân tộc được thể hiện qua tính đa dạng và thống nhất, truyền thống và hiện đại, tự tôn dân tộc và hoà hợp dân tộc. === (1) Từ điển tiếng Việt. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977 (In lần thứ 2).
  9. (2) Từ điển Bách khoa Việt Nam, t.4. Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.798. (3) Trần Văn Bính. Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.77- 78. (4) Về các giá trị dân tộc. Nxb Văn hóa dân tộc, tr.22. Nguồn: