Một kiến giải về nguồn gốc ngôi đình làng Việt Nam - Trần Thị Kim Anh

doc 10 trang phuongnguyen 2160
Bạn đang xem tài liệu "Một kiến giải về nguồn gốc ngôi đình làng Việt Nam - Trần Thị Kim Anh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docmot_kien_giai_ve_nguon_goc_ngoi_dinh_lang_viet_nam_tran_thi.doc

Nội dung text: Một kiến giải về nguồn gốc ngôi đình làng Việt Nam - Trần Thị Kim Anh

  1. MỘT KIẾN GIẢI VỀ NGUỒN GỐC NGÔI ĐÌNH LÀNG VIỆT NAM Trần Thị Kim Anh Vấn đề nguồn gốc và thời điểm xuất hiện ngôi đình làng từ lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa để tâm tìm hiểu. Mở đầu là nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên, trong một công trình nghiên cứu công phu về thành hoàng Lý Phục Man vào năm 1938, ông đưa ra giả thuyết: Đình vốn là hành cung của vua rồi sau mới thành đình làng. Vào năm 1998, trong tập sách ảnh Đình Việt Nam[1] của Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự, ở mục Nguồn gốc, các tác giả cho rằng “có chứng cứ về ngôi đình từ thời Lê Sơ”, và qua một số chứng lý cùng việc so sánh ngôi đình với ngôi nhà rông, họ đi đến kết luận: “Mặc dù còn thiếu chứng cứ, ta tin rằng Đình – ngôi nhà chung của làng xã đã xuất hiện từ lâu đời, nếu không phải là thời tiền sử thì cũng là thời sơ sử của dân tộc. Tất nhiên là ở thời đó chưa được gọi là Đình - một từ vay mượn của Trung Hoa”. Ngoài ra các tác giả còn khẳng định, đình làng có hai chức năng: thờ thành hoàng làng (tôn giáo) và hội họp, giải quyết các công việc của làng xã (hành chính), tuy nhiên không phải ngay khi mới xuất hiện ngôi đình đã hội đủ cả hai chức năng đó cùng một lúc. Gần đây nhất là nghiên cứu của Đinh Khắc Thuân (ĐKT). Trong sách Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia (2001)[2], ở mục Nguồn gốc ngôi đình, qua phân tích một số chứng lý, ông đi đến kết luận: Đình làng xuất hiện sớm nhất là vào thời Lê sơ thế kỷ XV, khi làng xã đã phát triển và định hình là một đơn vị hành chính độc lập, để đáp ứng nhu cầu thờ cúng thần linh và hội hè đình đám của làng xã. Cho đến nay, cách lý giải của ĐKT được coi là có tính thuyết phục hơn cả. Tuy nhiên, trong khi thời điểm ra đời của ngôi đình làng là vào thời Lê sơ nhận được sự đồng thuận ý kiến của hầu hết giới nghiên cứu thì vấn đề nguồn gốc ngôi đình làng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Để góp phần tiếp tục tìm hiểu nguồn gốc của ngôi đình làng, trong bài viết này chúng tôi xin được đưa thêm một kiến giải khác. Ngôi đình làng như chúng ta đã biết, là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của làng xã trong thời trung cận đại. Đây là nơi thờ Thành hoàng làng để cầu mong
  2. được chở che, ngăn tai giáng phúc, là nơi diễn ra lễ hội Nhập tịch Tàng câu của làng, nơi kỳ lão chức sắc hội họp bàn bạc và giải quyết việc làng, nơi tất cả đinh nam trong làng cùng thực hiện lễ Hương ẩm tửu mỗi khi có việc tế tự cầu cúng. Nơi tiếp đón quan lại triều đình khi có việc công hoặc khách khứa của làng Điều này cho thấy ngôi đình làng là một địa điểm công cộng quan trọng không thể thiếu của cộng đồng làng xã xưa kia. Tuy nhiên nó lại đặt ra một câu hỏi: nếu đình làng chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ XV thì trước đó trong các ngôi làng Việt, đã có những hoạt động như vậy hay chưa, và nếu có thì người ta thực hiện tất các công việc đó ở đâu? Địa điểm và một số hoạt động cộng đồng làng xã trước khi ngôi đình xuất hiện. Từ trước đến nay đã có nhiều nghiên cứu chứng minh trước khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, các tín ngưỡng dân gian ngự trị trong đời sống tinh thần người Việt. Cũng như nhiều dân tộc bộ lạc khác trên thế giới, để chấn an mình trước những hiện tượng tự nhiên không thể lý giải, để được che chở, để có cuộc sống bình yên, người Việt cổ từ lâu đời đã thờ cúng các vị Nhiên thần như các thần núi sông, cây đá, đặc biệt, do là vùng đất nhiều sông nước, người dân sống bám dọc theo các triền sông nên thủy thần là vị thần được thờ phụng khắp nơi[3]. Việc thờ cúng ban đầu diễn ra ngoài trời, ngay tại gốc cây, bờ nước, về sau khuynh hướng nhân hóa thần linh phát triển, người chết có những biểu hiện thiêng bắt đầu được thờ cúng, nhiều vị đã trở thành phúc thần bảo hộ cho cộng đồng, người ta đã dựng lên những ngôi miếu ngôi đền nhỏ để thờ. Dần dần những nơi này trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng, không chỉ cầu cúng xin được chở che, đừng gây tai giáng họa mà các hoạt động khác trong cộng đồng như xử lý các vi phạm luật lệ của cộng đồng, ăn thề, xử các vụ tranh chấp nhỏ cũng diễn ra tại đây trước sự chứng kiến của thần linh và dân làng. Sau khi Phật giáo du nhập và phát triển, các ngôi chùa cũng là nơi diễn ra một số hoạt động cộng đồng. Kể cả thời kỳ đầu, khi ngôi chùa làng chưa phổ biến như từ thời Trung hưng về sau, thời kỳ này, tại những địa phương có chùa, sân chùa cũng là một địa điểm dành cho hoạt động cộng đồng, nhưng chủ yếu là lễ hội vui chơi hát xướng vào các
  3. dịp lễ tiết. Cho đến nay ở những ngôi chùa cổ vùng Kinh Bắc vẫn còn dấu vết về các hoạt động này như chùa Dâu, chùa Nành Vào đầu công nguyên, khi bị nhà Hán xâm lược, văn hóa Hán dần xâm nhập vào nước ta, tín ngưỡng thờ Xã thần du nhập theo chân các cư dân Hán. Các đàn thờ xã thần (xã đàn) được lập lên tại các làng xóm. Xã ban đầu chỉ là một cái nền đất đắp cao, xung quanh trồng một số loài cây làm biểu tượng cho sự no đủ[4]. Hàng năm vào các tháng trọng xuân và trọng thu, người ta tổ chức cúng tế tại đây để báo đáp công sinh dưỡng vạn vật của đất đai. Về sau tín ngưỡng xã thần diễn biến dần, chuyển hóa thành tín ngưỡng thờ thần đất (thần thổ địa) – vị thần có quyền lực chở che coi sóc cho một địa phương, mang nhiều chức năng xã hội hơn. Dần dần miếu thờ Thổ địa được dựng lên thay thế Xã đàn. Cùng với những miếu thờ thần linh bản địa khác, miếu Thổ địa trở thành một trong những địa điểm sinh hoạt cộng đồng của làng. Vào các dịp lễ tết, dân chúng tụ tập đến trước những đền miếu này làm lễ tế thần, ca hát vui chơi. Bài từ của Tôn Quang Hiến người thời Đường với những câu: “Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu / Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu / Đồng cổ dữ Man ca / Nam nhân kỳ trại đa“ [Hoa gạo ánh lên bên ngôi đền nhỏ/ Chim Việt líu lo trong nắng xuân / Tiếng trống đồng hòa cùng bài hát Man / Người Nam cầu cúng nhiều] có thể là minh chứng cho các hoạt động cộng đồng và địa điểm diễn ra các hoạt động này của người Việt thời xa xưa. Cùng với tín ngưỡng thờ thổ địa, vào thời Bắc thuộc, một số nghi lễ phương Bắc cũng được du nhập vào nước ta . Như đã nói trên, đình làng sau này là nơi diễn ra lễ Nhập tịch Tàng câu – một lễ hội thường niên quan trọng của hầu hết các làng xã Bắc bộ và Bắc trung bộ cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên trước thế kỷ XV hầu như chưa tìm được tài liệu nào ghi nhận về lễ này ngoài một chiếu chỉ ban lệnh bãi trò chơi Tàng câu và cỗ bàn khao mừng vào mùa xuân tháng Giêng năm Đinh Dậu niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 (1117 - thời Lý)[5]. Nội dung chiếu chỉ này cho thấy lễ Nhập tịch Tàng câu đương thời được tổ chức như một trò chơi và cùng với nó là cỗ bàn khao mừng đầu xuân. Lễ Nhập tịch Tàng câu theo chúng tôi, nguyên là nghi thức triều đình vua tôi cùng vui uống rượu đầu xuân có từ thời Hán, về sau du nhập vào nước ta và dần được chuyển hóa vào nghi thức hội làng cùng uống rượu. Tuy nhiên, Sách khảo giáo phường thức lại
  4. giải thích về lễ này đại để như sau: Đời đời truyền kể rằng, khi Pháp môn tề tập hội họp tụng kinh Phật, bị rất nhiều quỷ thần quấy rối, không thể lập đàn tụng kinh được, do đó mới xin đức Phật lập Địa tạng đàn, nhập tịch tàng câu, cùng quỷ thần vui chơi mới tụng kinh được. Từ đó về sau tự cổ chí kim, dùng lễ này để cầu phúc cầu thần cho được dài quốc mạch, xin thần bảo hộ làng xóm đất nước nhân dân[6] Như vậy phải chăng lễ hội này còn có thể có nguồn gốc từ Phật giáo? (Đáng tiếc cho đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu sâu sắc đầy đủ về các diễn biến của lễ hội này). Theo đó có thể thấy lễ này đã tồn tại trước khi có sự xuất hiện của ngôi đình làng, và hẳn là khi chưa có ngôi đình, nó đã được thực hiện tại sân miếu hoặc sân chùa. Đầu thế kỷ XV, tục thờ Thành hoàng làng cũng bắt đầu phát triển. Trên thực tế, tín ngưỡng Thành hoàng đã được truyền đến nước ta vào thời Đường - Tống, tuy nhiên cho đến thế kỷ XIV, vẫn chỉ có Đô thành hoàng, chưa có Thành hoàng làng. Để tín ngưỡng Thành hoàng trở thành tục thờ Thành hoàng làng đậm màu sắc Việt thì phải tính từ thế kỷ XV sau khi nhà Minh chiếm được nước ta. Với mưu đồ nhanh chóng đồng hóa Đại Việt, nhà Minh đưa vào nhiều chế độ chính sách về văn hóa nhằm cải đổi tập tục của người Việt. Một số chính sách về thờ cúng tế tự được ban hành, trong đó mệnh lệnh lập thêm Thành hoàng ở các phủ châu huyện được thực thi, kể từ đó tín ngưỡng Thành hoàng phát triển mạnh ở nước ta và đây chính là thời kỳ Thổ địa và Phúc thần địa phương được nâng cấp thành Thành hoàng làng. Như vậy vào đầu thế kỷ XV, tín ngưỡng Thành hoàng của Trung Quốc bắt đầu được diễn biến thành tục thờ Thành hoàng làng ở Việt Nam[7]. Vậy là cho đến trước khi có dấu vết tồn tại của ngôi đình (cuối thế kỷ XV), lễ Nhập tịch Tàng câu, tục thờ thành hoàng và các sinh hoạt cộng đồng khác của người Việt như xử lý việc làng, bao gồm xử các tranh chấp kiện cáo nhỏ trong làng, các hành vi vi phạm lệ làng, giải quyết các vấn đề về thuế má quan dịch, và đương nhiên cả việc tập họp dân làng để nghe các lệnh lệ của triều đình đều đã tồn tại và được thực hiện từ lâu đời tại các địa điểm công cộng của làng như các đền miếu thờ thần linh thổ địa và sân chùa, trên thực tế, nhu cầu về một địa điểm dành cho tất cả các hoạt động này không đến mức buộc phải có. Vậy điều gì thúc đẩy sự xuất hiện của ngôi đình làng?
  5. Mô hình Thân minh đình thời thuộc Minh và Lê sơ Vào cuối thế kỷ XV, qua ghi nhận trong bài Đại nghĩ Bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao ta được biết, lễ Nhập tịch Tàng câu vào giai đoạn này đã là một lễ hội thường niên ở đình làng: Xuân nhật tảo khai gia cát hội Hạ đình thông xướng Thái bình âm Tàng câu mở tiệc năm năm Miếu chu đối việt chăm chăm tấc thành. Và theo nội dung bài ca cho biết, ở lễ hội này, người ta tế thần, chúc tụng, vui chơi, hát xướng, yến hưởng Tóm lại là hầu hết các hoạt động vốn có trong cộng đồng thường được thực hiện ở đền miếu trước khi có sự xuất hiện của ngôi đình thì nay, vào cuối thế kỷ XV đã được diễn ra tại đình làng. Điều đó có nghĩa là trước thời Lê chưa thấy sự xuất hiện của ngôi đình, nhưng chỉ sau vài chục năm, ngôi đình đã hiện diện tại hầu khắp các làng xã và mang trong nó rất nhiều chức năng xã hội quan trọng. Điều này cho phép suy luận, có thể đình làng được diễn biến từ một hiện tượng văn hóa hoặc được ra đời theo một mệnh lệnh nào đó ở thời kỳ này? Trong quá trình nghiên cứu và dịch thuật các văn bản điển chế và pháp luật thời trung đại, chúng tôi lưu ý đến một sự kiện lịch sử của Trung Quốc, đó là vào niên hiệu Hồng Vũ (1368 – 1398), nhà Minh đã ban lệnh xây dựng Thân minh đình tại khắp các châu huyện trên toàn quốc . Thân minh đình - như tên gọi của nó - là một ngôi đình nhỏ được dựng lên tại các thôn làng để mỗi khi có lệnh lệ của nhà nước ban xuống, chức dịch phải tập trung dân làng tại đó để bố cáo giải thích tường tận (thân minh) cho họ về các lệnh lệ đó. Cùng với Thân minh đình, lễ Hương ẩm tửu với quy tắc “Quý tiện minh, long sái biện” [Sang hèn phân biệt, lớn bé rõ ràng] cũng được đưa vào thực hiện. Tại Thân minh đình, khi đến nghe giảng luật lệnh và thực hiện lễ Hương ẩm tửu, theo quy định, dân làng phải phân biệt chỗ ngồi theo thứ hạng. Các điều đã thân minh mà dân không thực hiện cũng sẽ bị đưa ra Thân minh đình để xử lý, dân có điều gì cảm thấy chưa thỏa
  6. đáng cũng tới Thân minh đình kêu, Thân minh đình đồng thời cũng là nơi để treo dán các cáo thị của triều đình, bêu tên tuổi những người vi phạm luật lệ, làm các điều trái với đạo lý. Sau khi bị nhà Minh xâm lược và đặt thành quận huyện lệ thuộc, từ năm 1407, nước ta lại bị áp đặt chế độ cai trị chung theo chế độ cai trị của nhà Minh. Vậy phải chăng, vào thời kỳ này, cùng với sách vở trường học, nhà Minh cũng đã cho thực hiện việc dựng các Thân minh đình tại các thôn làng ở nước ta như ở các quận huyện khác của Trung quốc để ban bố và giải thích các giáo điều đặng cải hóa dân tục nhằm mục đích đồng hóa. Trên thực tế, hình thức Thân minh đình có thực sự được thực thi ở nước ta hay không thì hiện chưa tìm thấy tài liệu nào ghi lại cụ thể. Tuy nhiên, dấu vết của đình Thân minh còn được chứng minh gián tiếp qua hàng loạt các lệnh lệ trong luật pháp điển chế thời Lê được gọi là Thân minh lệnh. Đồng thời hình thức tập trung dân để giảng giải về các điều giáo hóa cũng được lưu lại qua các điều luật ở thời kỳ này. Chẳng hạn niên hiệu Cảnh Trị thứ nhất (1663) ban hành 47 điều giáo hóa bắt phải giảng rõ cho dân, lệnh ban như sau: “Các điều răn dạy trên đây các quan hai ty Thừa - Hiến phải bắt các quan châu phủ huyện chuyển tống đến các phường xã thôn trưởng để vào ngày Kỳ phúc Xã nhật đầu năm, bắt trai gái lớn nhỏ đến tập trung giảng đi giảng lại, dẫn dụ rõ ràng để các hạng ngu phu ngu phụ, con trẻ đều thấu hiểu rõ ràng.”. Đặc biệt sự hiện diện của Thân minh đình còn được chứng minh bởi một tư liệu khác, đó là điều luật về tội Phá hủy Thân minh đình được đưa vào Bộ luật Gia Long ban hành ở thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX trong mục Tạp phạm chương Hình luật. Nội dung điều luật này như sau: Phàm kẻ nào phá hủy nhà cửa của đình Thân minh và phá hỏng bảng gỗ trong đình thì bị phạt đánh 100 trượng lưu đầy 3000 dặm (vẫn bắt tu sửa lại). Giải thích: Các làng trong châu huyện đều dựng Thân minh đình, dân có kẻ nào bất hiếu trộm cắp gian dâm thì đều ghi rõ họ tên tội trạng của kẻ làm điều xấu đó lên bảng gỗ để tỏ rõ sự trừng phạt răn dậy khiến kẻ đó cảm thấy xấu hổ nhục nhã, nếu biết hối cải sửa lỗi thì sẽ xóa bỏ đi. Các việc nhỏ như hôn nhân, điền thổ, cho lão làng khuyên bảo, giải hòa tranh
  7. chấp tại đây, đấy là quy chế làm rõ việc răn dậy vậy. Nếu kẻ nào dám phá hủy tức là loạn dân không tuân theo giáo hóa vậy, cho nên giữ nghiêm phép nước phạt đánh 100 trượng, lưu đầy 3000 dặm, và bắt đưa đi thật xa. Điều lệ: Phàm sắc dụ giáo hóa dân của triều đình, các doanh trấn phải đốc thúc thuộc viên viết rõ hoặc khắc lên bảng gỗ kính cẩn treo ở đình Thân minh để dậy bảo dân chúng Điều luật này đã cho thấy đầu thời Nguyễn có tồn tại Thân minh đình. Tuy nhiên theo chúng tôi, điều luật này chỉ áp dụng với những nơi có Thân minh đình, tức là những vùng đất mới ở phía Nam, bởi ở phía Bắc, từ thế kỷ XVII ngôi đình đã tồn tại vững chắc tại các làng xã với đầy đủ chức năng xã hội được quy định với Thân minh đình. Có thể trong quá trình Nam tiến, ngay từ thế kỷ XVI, ở những làng xóm thuộc vùng đất mới khai mở, các chúa Nguyễn đã đưa hình thức Thân minh đình vốn có ở phía Bắc vào các làng xã mới lập ở phía Nam để giáo hóa dân, và cho đến đầu thế kỷ XIX, ở phía Nam, tại một số nơi, khi ngôi đình bền vững theo kiểu phía Bắc còn chưa đủ điều kiện để hình thành, chính quyền vẫn cho sử dụng hình thức này trong mục đích giáo hóa. Ngoài ra điều luật này cũng cho biết rất rõ chức năng của Thân minh đình bao gồm: bêu danh kẻ xấu nhằm mục đích răn đe, xử lý các tranh chấp nhỏ trong làng, ban bố các sắc dụ của triều đình. Sự có mặt của ngôi Thân minh đình ở thời Nguyễn đã gián tiếp cho chúng ta biết đến sự hiện diện của ngôi Thân minh đình ở thời Lê. Như vậy giả thiết đưa hình thức Thân minh đình vào nước ta để giáo hóa dân của nhà Minh là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Cùng với Thân minh đình, lễ Hương ẩm tửu cũng được nhà Minh đưa vào làm công cụ quản lý hành chính và giáo hóa nhân dân. Theo quy định, lễ này được cử hành vào lễ tế Xã (lễ Kỳ Phúc) vào mùa xuân và mùa thu, phải có nghi thức đọc luật lệnh. Đọc luật lệnh xong lại tuyên đọc các văn thư hữu quan khác và các lời giáo huấn của bộ Hình biên phát. Dân làng đến tiệc phải chia làm ba hạng. Phàm những người tuổi cao có đức không phạm lỗi công tư gì là bậc thượng. Những người mắc lỗi chậm trễ trong việc sưu sai thuế má hoặc phạm các tội roi trượng, từng bị gọi lên quan là một bậc. Những người từng phạm tội gian dâm trộm cắp, dối trá, lừa đảo, sâu dân mọt nước, bày kế hãm hại quan trưởng, từng có trọng tội bị phạt trượng đồ lưu, là một bậc. Con em của ba hạng đó cũng tự phân
  8. biệt thành ba bậc theo thứ tự mà ngồi, không được lẫn lộn, nếu không ngồi đúng thứ bậc sẽ xử tội Vi chế[8]. Thời Lê sơ, để xây dựng một nhà nước hướng Nho, các điển lễ của Nho gia được luật hóa để đưa vào đời sống xã hội. Trong quá trình các điển lễ thâm nhập vào đời sống, khi vấp phải các yếu tố bản địa đã nảy sinh không ít phiền phức, nhất là với những nghi lễ mang tính xã hội rộng rãi như hôn lễ, tang lễ. Vả lại những điều luật đó lại được chuyển tải thông qua các văn bản chữ Hán, do đó để dân chúng hiểu được những lý lẽ phức tạp trong các văn bản đó không thể không cho quan lại địa phương giảng giải cặn kẽ cho dân. Vì vậy sau khi nhà Lê nắm quyền, để tiện cho việc quản lý và giáo hóa của nhà nước, mô hình Thân minh đình với lễ Hương ẩm tửu vẫn được tiếp tục duy trì. Vậy là ngoài một số địa điểm sinh hoạt cộng đồng như miếu đền thờ thần linh Thành hoàng thổ địa vốn đã tồn tại trong các cộng đồng dân cư, cho đến thời Lê sơ, với những chức năng xã hội quan trọng như đã nói trên, Thân minh đình đã trở thành một địa điểm sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu trong các làng xã. Từ Thân minh đình đến ngôi đình làng. Theo Đinh Khắc Thuân, kiến trúc ngôi đình thế kỷ XVI khá giản đơn, chỉ có một tòa nhà ba gian hai chái nằm ngang kiểu chữ “Nhất” với sân đình phía trước và trước sân có giếng, chưa có hậu cung, cũng chưa có tòa tiền tế để cúng thờ Thành hoàng. Rõ ràng là ngôi đình thế kỷ 16 được dựng lên chưa có chức năng thờ Thành hoàng, bởi thần đã có miếu để thờ, điều đó cũng có nghĩa là ở thời Mạc ngôi đình chưa mang chức năng tôn giáo. Cũng theo ĐKT, thực tế ngôi đình ở thời kỳ mới xuất hiện (thế kỷ XV - XVI) chỉ dùng làm nơi thực hiện lễ Kỳ phúc hàng năm và để tổ chức lễ hội, đồng thời, việc phân ngôi thứ để thụ lộc và hội họp đã xuất hiện ở đình làng từ thời kỳ này. Theo chúng tôi khi chỉ mang những chức năng hành chính, ngôi Thân minh đình đương nhiên chỉ được làm đơn giản, điều này lý giải về kiến trúc đơn giản của ngôi đìnhthời Mạc. Nhiều văn bia cũng cho biết, trước khi dựng ngôi đình kiên cố, ngôi đình cũ chỉ bằng tranh tre nứa lá. Đồng thời những nhận xét của ĐKT về lễ Kỳ phúc cũng như việc phân ngôi thứ để thụ lộc và hội họp ở ngôi đình thời Mạc đều hoàn toàn khớp với
  9. những gì diễn ra tại Thân minh đình với lễ Hương ẩm tửu thời thuộc Minh và Lê sơ như đã trình bày ở trên. Do mỗi lần có việc, cả làng tụ họp rất đông, vì vậy Thân minh đình thường được dựng lên ở những nơi rộng rãi và thuận tiện qua lại. Về sau để lấy bóng mát, người ta cho trồng các loại cây lớn như cây đa, cây muỗm, sau nhiều năm tháng, cây đa dần trở thành một bộ phận gắn bó với ngôi đình. Khi Thân minh đình đã trở thành một địa điểm quen thuộc của làng, dần dần để tiện gọi, Thân minh đình chỉ còn được gọi ngắn gọn là “đình”. Về sau mỗi khi làng vào đám (Nhập tịch Tàng câu), người ta rước Thành hoàng làng đến đây làm lễ tế, rồi nhiều làng để thuận tiện cho việc cúng tế, để ngôi đình trở nên uy nghiêm hơn đã cho nhập hẳn miếu Thành hoàng vào đình, mở thêm phần hậu cung làm chỗ thờ thần. Như vậy qua nhiều diễn biến của phong tục, tập quán, ngôi đình làng mới dần mang thêm chức năng tôn giáo. Vào thế kỷ XVII - XVIII, cùng với sự phát triển mạnh của kinh tế văn hóa, tại hầu khắp các làng xã, người ta đua nhau xây dựng đình làng với kiến trúc to lớn vững chãi. Kể từ giai đoạn này, ngôi đình làng mới thực sự hoàn thiện cả về kiến trúc cũng như các chức năng xã hội của nó, trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc của làng xã Việt Nam.
  10. [1] Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Cự: Đình Việt Nam. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 1998. [2]Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia. Nxb. KHXH. Hà Nội, 2001. [3] Trong thời kỳ khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đi sưu tầm văn bia tại các làng dọc sông Đáy, chúng tôi còn bắt gặp hầu hết các làng ở đây đều có miếu thờ thủy thần. [4] Có lẽ vì vậy ở Việt Nam, người Việt chọn trồng cây gạo, loại cây có tên gọi đồng âm với từ “Gạo” để cầu mong sự no đủ. Điều đó có thể lý giải cho việc cây gạo thường được trồng cạnh các cầu, điếm ngoài cánh đồng ở khắp các làng xã vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. [5] Đại Việt sử ký toàn thư. [6] Khảo giáo phường thức, ký hiệu VHv.1812, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. [7] Đọc thêm Nguyễn Duy Hinh: Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1996. [8] Đọc thêm Trần Thị Kim Anh: Lệ Hương ẩm – diễn biến lễ Hương ẩm tửu của Nho gia ở Việt Nam. Bài đã in Tạp chí Hán Nôm, đăng lại trên Văn hóa Nghệ An – trang mạng.