Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975

pdf 12 trang phuongnguyen 3180
Bạn đang xem tài liệu "Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfmay_nhan_xet_ve_van_de_tu_tri_trong_cac_vien_dai_hoc_o_mien.pdf

Nội dung text: Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 2 (2016) MẤY NHẬN XÉT VỀ VẤN ĐỀ TỰ TRỊ TRONG CÁC VIỆN ĐẠI HỌC Ở MIỀN NAM VIỆT NAM THỜI KỲ 1954-1975 Phạm Ngọc Bảo Liêm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Email: pnbliem@gmail.com TÓM TẮT Giáo dục đại học là một trong những vấn đề văn hóa xã hội nổi bật ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975. Nghiên cứu hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời gian này, dễ nhận thấy rằng vấn đề tự trị trong các cơ sở giáo dục đại học được chính quyền cũng như các viện đại học hết sức coi trọng. Với cách tiếp cận ấy, hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam đã luôn được chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về tổ chức cũng như hoạt động sao cho sự tự trị luôn được bảo đảm ở mức cao nhất (về tổ chức, quản trị viện đại học; tự chủ trong quá trình đào tạo và vấn đề tự do học thuật; ngân sách hoạt động của các viện đại học). Nét đặc sắc đó đã góp phần làm nên dấu ấn và vị thế của giáo dục đại học trong đời sống xã hội ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975. Từ khóa: 1954-1975, giáo dục đại học, miền Nam Việt Nam, tự trị đại học. 1. Chính sách đối với giáo dục đại học của Chính quyền Sài Gòn sau Hiệp định Geneva (7- 1954) Hiệp định Geneva được ký kết giữa Việt Nam và Pháp ngày 21-7-1954 đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Theo tinh thần Hiệp định, vĩ tuyến 170 được lấy làm giới tuyến quân sự tạm thời, đến tháng 7-1956 các bên liên quan sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Việt Nam. Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam, được sự hậu thuẫn của Mỹ về chính trị, viện trợ về kinh tế - quân sự, Ngô Ðình Diệm đã dùng nhiều biện pháp để gạt dần ảnh hưởng của thực dân Pháp, từng bước xác lập và củng cố vị thế chính trị, quân sự của mình. Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, Ngô Đình Diệm đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại của Quốc gia Việt Nam để lên làm Tổng thống. Đến tháng 3- 1956, một cuộc bầu cử Quốc hội riêng rẽ được tiến hành và đến ngày 26-10-1956, Chính quyền Ngô Đình Diệm cho công bố Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa, tuyên bố không tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp định Geneva, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành một “quốc gia riêng biệt”. Việt Nam lúc này tạm phải chia làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Sự thay đổi về chính trị ở cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam sau Hiệp định Geneva đã nhanh chóng dẫn đến những sự thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong xu thế đó, lĩnh vực giáo dục - nhất là giáo dục đại học - cũng có những xáo trộn với những biểu hiện ngày càng rõ 107
  2. Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 nét. Sau khi tạm ổn định mọi mặt ở miền Nam, bên cạnh việc ra sức củng cố sức mạnh quân sự, hệ thống chính trị, tái thiết kinh tế Chính quyền Ngô Ðình Diệm cũng chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa, giáo dục. Trong bối cảnh ấy, việc phát triển hệ thống giáo dục đại học đã thu hút sự được chú ý của chính quyền nhằm giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực bậc cao phục vụ “quốc gia”. Đó là tiền đề cho sự hình thành hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam sau năm 1954. Tháng 01-1957, chính quyền miền Nam tổ chức Đại hội Văn hóa toàn quốc. Đây được xem là diễn đàn để chính quyền trình bày những chính sách bước đầu của mình về văn hóa, giáo dục, trong đó có giáo dục đại học. Tuy thế, “những ý tưởng giáo dục mới” vẫn đang trong giai đoạn “bàn cãi rất nhiều”. Phải đến Hội thảo giáo dục toàn quốc năm 1958, ba nguyên tắc chỉ đạo cho nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa mới được xác định, đó là: “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng” [12, tr. 136]. Đại hội Giáo dục toàn quốc được tổ chức từ ngày 10-10-1964 đến 22-10-1964 tiếp tục khẳng định lại các mục tiêu “nhân bản”, “dân tộc” và “khai phóng” trước đó một cách mạnh mẽ và cụ thể hơn (Quyết nghị số 1, Kỷ yếu Hội đồng Quốc gia Giáo dục) [5, tr. 110]. Về việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học cho miền Nam, ngay từ rất sớm, chính quyền Sài Gòn đã dành những ưu tiên đáng kể trong việc tiếp nhận các cơ sở của Viện Đại học Đông Dương chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn, duy trì, cải biến các viện đại học này đồng thời, thiết lập thêm các viện đại học mới 1. 2. Khái quát hệ thống giáo dục đại học và vấn đề tự trị trong các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 2.1. Hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 Hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 về căn bản được tổ chức với hai loại hình chính: đại học công lập (public college) bao gồm các viện đại học quốc gia, các viện đại học cộng đồng địa phương (community college) và đại học tư thục (private college). Các viện đại học quốc gia là thiết chế giáo dục công lập hiện diện sớm nhất trong hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam. Trên cơ sở tái cấu trúc Viện Đại học Đông Dương của người Pháp sau năm 1954, Viện Đại học Quốc gia Việt Nam sớm được thiết lập (đến năm 1957 đổi thành Viện Đại học Sài Gòn). Tiếp đó là sự ra đời của Viện Đại học Huế (1957), Viện Đại học Cần Thơ (1966). Ngoài ra, ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 còn 1 Xem thêm [10, tr. 89-100]. 108
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 2 (2016) có một số cơ sở giáo dục đại học khác 2 gồm: Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ 3 và Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức 4. Đây là hai trường chuyên môn đào tạo kỹ sư các ngành cho toàn miền Nam. Các viện đại học cộng đồng tiêu biểu ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 có thể kể đến Viện Đại học cộng đồng Tiền Giang (đóng tại Mỹ Tho, tỉnh Định Tường - nay là Tiền Giang) và Viện Đại học cộng đồng Duyên Hải (đóng tại Nha Trang), cả hai đều được thành lập năm 1971 [12, tr. 149]; Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà (đóng tại Đà Nẵng), Học viện Regina Pacis (viện đại học tư thục Công giáo được tổ chức theo mô hình cộng đồng ở Sài Gòn dành cho nữ sinh thành lập năm 1973) 5 [7, tr. 154; 9, tr. 55]. Tiếp sau sự ra đời của các viện đại học công lập, các viện đại học tư thục cũng được xúc tiến hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của xã hội miền Nam. Đây là các cơ sở đào tạo bậc đại học hình thành dựa trên căn bản sự hỗ trợ về tài chính của các tổ chức và cá nhân. Ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975, các trường đại học tư thục lớn chủ yếu nằm dưới sự bảo trợ của các tổ chức tôn giáo, tiêu biểu là các viện đại học: Viện Đại học Đà Lạt (1957), Viện Đại học Vạn Hạnh (1964), Viện Đại học Phương Nam (1967), Viện Đại học Minh Đức (1970), Viện Đại học Cao Đài (1971), Viện Đại học Hòa Hảo (1971), Đại học Cửu Long (1973) [6, tr. 3; 11, tr. 77) 6. 2.2. Vấn đề tự trị trong các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 Về vấn đề tự trị trong các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam, Điều 10 Hiến pháp 1967 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa quy định: “Quốc gia công nhận quyền tự do giáo dục” (Khoản 1) và “Nền giáo dục đại học được tự trị” (Khoản 3). Vấn đề đầu tư cho văn hóa, giáo dục cũng được đề cập rõ trong Hiến pháp: “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng 2 Ở miền Nam Việt Nam thời gian này còn có các cơ sở giáo dục bậc cao không thuộc quản lý của Bộ Giáo dục như Trường Quốc gia Hành chánh (thuộc Phủ Thủ tướng), Trường Quốc gia Bưu điện (thuộc Bộ Giao thông Công chánh), Trường Quốc gia Nông - Lâm - Mục (thuộc Bộ Canh nông), Trường Cán sự Điều dưỡng, Trường Nữ hộ sinh Quốc gia (thuộc Bộ Y tế) 3 Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ: (còn gọi là trường Kỹ thuật Phú Thọ) được thành lập ngày 29-6- 1957 theo sắc lệnh số 213-GD của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa gồm 04 trường thành viên: Trường Cao đẳng Công chánh, Trường Cao đẳng Điện học, Trường Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, Trường Việt Nam Hàng hải 4 Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức: (Thu Duc Polytechnic University) được thành lập ngày 29-3-1973 (đi vào hoạt động năm 1974); là một viện đại học quốc gia đa khoa (multidisciplinary) chuyên về khoa học - kỹ thuật, Viện đại học này có các trường (phân khoa) sau: Trường Đại học Kỹ thuật (Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ cũ), Trường Đại học Nông nghiệp (vốn là Trung tâm Quốc gia Nông Lâm Mục được thiết lập từ năm 1955), Đại học Giáo dục Kỹ thuật (được thiết lập năm 1974), Trường Đại học Kinh thương, Trường Đại học Khoa học căn bản, Trường Đại học Thiết kế thị thôn, Trường Đại học Cao cấp (College of Graduate Studies). 5 Năm 1975, Đại học Cộng đồng tại Tây Nguyên cũng được xúc tiến thành lập ở Đắc Lắc. 6 Ngoài ra còn có những đại học tư ở Sài Gòn đang được xúc tiến thành lập nhưng chưa được sự chuẩn y của chính quyền như: Viện Đại học Phương Lâm (của Phật giáo), Viện Đại học Tri Hành 109
  4. Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản”; và “Một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn hóa giáo dục” (Điều 11, Hiến pháp 1967) [3, tr. 491-492]. Trước đó, Đại hội Giáo dục toàn quốc tổ chức tháng 10-1964 cũng đã thông qua Quyết nghị số 6 khẳng định “Đại học cần được tự trị về tài chánh và hành chính” (Quyết nghị số 6, Kỷ yếu Hội đồng Quốc gia Giáo dục) [5, tr. 115]. Riêng đối với các đại học tư nhân, việc thiết lập đại học được khuyến khích, miễn là đảm bảo được các điều kiện cần thiết: a. Các tư nhân hay đoàn thể có thể xin mở đại học tư thục miễn là: - Điều kiện ghi danh của sinh viên tương đương như tại các đại học công lập. - Trình độ của giáo sư tương đương như trình độ của giáo sư đại học công lập (thí dụ: văn bằng như nhau ). b. Các đại học tư thục được quyền tự do ấn định chương trình học, phương pháp giảng dạy và chương trình thi; nhưng muốn được giá trị tương đương về học trình cũng như bằng cấp (équivalence de scolarité ou de diplôme) về phương diện khoa cử hay hành chánh với các đại học công lập thì phải được sự thỏa thuận của các khoa liên hệ. c. Các sinh viên được tự do ghi tên tại đại học tư thục và đại học công lập, miễn là hai viện đại học phải cùng ở một địa điểm (Quyết nghị số 6, Kỷ yếu Hội đồng Quốc gia Giáo dục) [5, tr. 116]. Nhằm tạo những chuyển biến tích cực cho nền giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam, các cuộc thảo luận về giáo dục đại học cũng đã được tổ chức. Tháng 9-1968, cuộc Hội thảo về giáo dục đại học được tổ chức ở Nha Trang với sự tham gia của các viện đại học đã quyết nghị một số vấn đề về tự trị đại học, về học chế, nhân sự và ngân sách [5, tr. 23-24]. Năm 1972 hội thảo về Kế hoạch giáo dục đại học được tổ chức tại Sài Gòn (từ 10-3 đến 14-3-1972). Kết quả là một Ủy ban Liên viện ra đời (với 10 thành viên là đại diện của các viện đại học) có nhiệm vụ thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của các viện đại học. Qua các đợt hội thảo, vấn đề tự trị của các đại học ngày càng được khẳng định. Dưới đây chúng tôi xin trình bày các biểu hiện của tự trị đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 thông qua khảo sát một số viện đại học tồn tại trong thời gian này. + Về quản trị đại học Vấn đề tự chủ trong quá trình quản trị các viện đại học được xem là một trong những điểm nổi bật của giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam. Điều 10 của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) nêu rõ: “Nền giáo dục đại học được tự trị”. Bộ Giáo dục có một thứ trưởng đặc trách giáo dục đại học nhưng công việc của vị này chủ yếu là lo thực thi những chính sách về giáo dục đại học. Còn về học vụ và điều hành nội bộ, các cơ sở giáo dục đại học được tự trị [4]. Các hội đồng ở cấp viện đại học và cấp trường đại học (hay phân khoa) có quyền thảo luận và quyết định mà không phải trình báo hay xin chỉ thị từ bất cứ ai. 110
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 2 (2016) Chẳng hạn về tổ chức quản trị, Viện Đại học Sài Gòn thời kỳ mới thành lập được đặt dưới quyền điều hành của một viện trưởng và một Hội đồng đại học. Đứng đầu mỗi phân khoa thành viên (tương đương với một trường hiện nay) là một Khoa trưởng - người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc điều hành hoạt động của phân khoa. Cộng tác với Khoa trưởng để xử lý mọi công việc liên quan có Hội đồng khoa, 01 Ban hành chính và 01 Ban giảng huấn. Ở Viện Đại học Huế, đứng đầu viện là Viện trưởng do sắc lệnh của Tổng thống bổ nhiệm. Giúp việc cho Viện trưởng có Sở Hành chính, tài chính và văn hóa giải quyết các công việc trong toàn viện. Sở này do một Tổng thư ký được Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm điều hành. Viện Đại học Huế còn có Hội đồng Đại học với thành phần gồm Viện trưởng (Chủ tịch Hội đồng), các Khoa trưởng, Giám đốc và các thành viên Hội đồng gồm Phụ tá Khoa trưởng và Phó giám đốc, các giáo sư (mỗi trường một người do Hội đồng khoa của trường đó đề cử trong 01 năm). Tổng thư ký Viện đại học là thư ký của Hội đồng. Chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ công việc ở các trường (phân khoa) là Khoa trưởng và các phụ tá chuyên trách các mảng công việc gồm: Giám đốc Học vụ, Giám đốc Sinh viên vụ và Thư ký Ðại học đường phụ trách hành chính, kế toán. Mỗi trường có một Hội đồng khoa 7. Ngoài ra, mỗi trường còn có các ban chuyên môn, văn phòng, thư viện. Viện Đại học Đà Lạt được thiết lập từ niên khóa 1958 - 1959 theo Nghị định số 67/BNV/P5/1957 được coi là một điển hình về sự hợp tác của tư nhân và tổ chức trong việc thành lập một thiết chế giáo dục tư thục ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975. Là một cơ sở giáo dục Công giáo nên về tổ chức, Viện Đại học Đà Lạt chịu sự quản lý của Hội đồng Giám mục Việt Nam thông qua Hội Đại học Đà Lạt. Hội đồng Giám mục cử một Ban quản trị của hội này và một Chưởng ấn để theo dõi công việc của viện. Viện trưởng với sự cộng tác của Hội đồng viện chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ hoạt động của viện. Viện Đại học Đà Lạt được tổ chức với 2 cấp chính là viện và trường (các phân khoa) với 2 Hội đồng chính là Hội đồng viện và Hội đồng khoa (phân khoa). Như vậy, có thể thấy rằng, vấn đề tự trị trong các viện đại học là một điểm khá nổi bật của giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Các viện đại học được thiết lập ở miền Nam chủ yếu được tổ chức theo mô hình của các trường đại học Mỹ. Viện gồm nhiều trường (phân khoa) hợp thành, hoạt động độc lập và tự chủ về nhiều mặt. Các trường - nhất là các trường đại học công lập - chỉ phụ thuộc về tài chính (ngân sách phụ thuộc vào ngân sách quốc gia dành cho giáo dục và phải được Quốc hội thông qua theo từng năm tài khóa), nhân sự chủ chốt (tuỳ giai đoạn mà viện trưởng viện đại học phải được Quốc hội thông qua, sắc lệnh của Tổng thống bổ nhiệm ), nhân viên hành chính các cấp, nhân viên giảng huấn các ngạch là công chức do phủ Tổng ủy công vụ quản lý (tuyển dụng, bổ nhiệm ). Còn về các mặt tổ chức 7 Thành phần Hội đồng khoa gồm Khoa trưởng (Chủ tịch Hội đồng), Phụ tá Khoa trưởng và các nhân viên giảng huấn từ giáo sư trở lên (thành viên Hội đồng). Trường hợp Hội đồng không đủ 05 người (kể cả Khoa trưởng), các giảng sư và giảng nghiệm viên, tùy theo thâm niên sẽ tham dự Hội đồng để đảm bảo đủ số lượng 05 người nói trên [1, tr. 112]. 111
  6. Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 khác như học vụ (quản lý đào tạo), chương trình học, nội dung giảng dạy, bộ máy tổ chức điều hành và nhân sự nội bộ của các trường đều do các viện đại học quyết định dựa trên các quy định chung. Ở cấp trường (phân khoa), Hội đồng khoa của mỗi trường gồm khoa trưởng (tương đương Hiệu trưởng hiện nay - là chủ tịch Hội đồng), phó khoa trưởng, trưởng các ban (tương đương cấp khoa hiện nay), các giáo sư lâu năm và một số nhân sự chủ chốt khác của trường. Hội đồng khoa có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược phát triển, chương trình đào tạo của phân khoa mình, đề ra các nguyên tắc đánh giá điểm học, điểm thi, giải quyết các vấn đề liên quan đến hành chính và các vấn đề khác thuộc quyền hạn của mỗi khoa. Các trường hoạt động theo cơ chế tập thể lãnh đạo (Hội đồng khoa) và cá nhân phụ trách (Khoa trưởng). Khoa trưởng của các trường (phân khoa) thành viên hợp thành Hội đồng viện. Hội đồng viện chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động đào tạo giữa các phân khoa trong viện, đề ra phương hướng hoạt động và quyết định những vấn đề chung của toàn viện đại học. + Tự chủ trong quá trình đào tạo và vấn đề tự do học thuật Các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 không có quy định thống nhất về phương thức tuyển sinh, việc tuyển sinh tùy thuộc vào quy định của mỗi viện đại học 8. Đây là một biểu hiện khác của sự tự trị/tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời gian này. Phần lớn các viện đại học ở miền Nam thực hiện việc tuyển sinh theo năm học với hình thức chủ yếu là ghi danh. Việc ghi danh được quy định chặt chẽ, chi tiết và được thông báo rộng rãi. Thông thường, trước khi năm học mới bắt đầu, các viện đại học cho phát hành Chỉ nam sinh viên để những người có ý định ghi danh có thể nắm bắt thông tin về việc đăng ký theo học một ngành nào đó. Các thông tin trong Chỉ nam sinh viên rất đầy đủ và cụ thể (giới thiệu cơ cấu tổ chức của trường, đội ngũ giảng viên, nội dung chương trình đào tạo, văn bằng chứng chỉ, các thông tin về học bổng, các thủ tục cần thiết để đăng ký nhập học ) Việc mở các ngành, số lượng sinh viên dự định tuyển căn cứ vào số lượng giảng viên và tình hình thực tế của các trường. Đó là một biểu hiện của sự tự chủ khá độc đáo của các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975. Nhìn chung, không có một quy chuẩn thống nhất trong việc tổ chức tuyển sinh và quản lý quá trình đào tạo của các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975. Công tác này thường được dành cho các viện tự do quyết định. Tuy có sự khác biệt giữa các viện đại học nhưng về căn bản, việc tuyển sinh và quản lý quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải bảo đảm sự tương đồng nhờ sự điều tiết thông qua các quy định của Bộ Giáo dục. Đây là một trong những ưu điểm đáng chú ý trong phương thức tổ chức đào tạo của các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 bởi việc ghi danh nhập học hoặc thi tuyển không 8 Về cơ bản, các viện đại học ở miền Nam trước năm 1975 tuyển sinh theo ba cách: Ghi danh theo học; Ghi danh theo học có điều kiện; Tổ chức thi tuyển. 112
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 2 (2016) quá phức tạp đã hạn chế những căng thẳng mệt mỏi không cần thiết của các kỳ thi, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người học trong việc tiếp cận với giáo dục đại học. Học chế (chế độ đào tạo) của các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 cũng không có sự thống nhất giữa các viện đại học, mà được tổ chức theo các phương thức gồm cả chứng chỉ, niên chế lẫn tín chỉ 9. Tuy nhiên, dấu ấn đậm nét trong việc tổ chức quá trình đào tạo của các viện đại học ở miền Nam Việt Nam là việc sớm đưa mô hình đào tạo theo chứng chỉ làm chuẩn mực và phổ biến trong hầu hết các viện đại học lớn ở miền Nam. Theo phương thức này, sinh viên muốn tốt nghiệp một văn bằng nào đó phải tích lũy đủ số chứng chỉ quy định. Có thể thấy rằng, việc quản trị quá trình đào tạo của các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 nổi bật lên sự tự trị/tự chủ và tính linh hoạt trong quy trình đào tạo. Sự linh hoạt đó nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sinh viên 10 cũng như các đối tượng khác trong xã hội (quân nhân, những người đã đi làm) có thể theo học đại học để nâng cao trình độ. Sự đa dạng về học chế với nhiều hình thức (chứng chỉ, niên chế, tín chỉ) là một biểu hiện của tính tự trị trong các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam trước năm 1975 (nhưng cũng chính nó ít nhiều cũng gây khó khăn cho sinh viên trong việc chuyển tiếp giữa các trường, viện đại học vì chương trình học không thống nhất). Trong các đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ này, vấn đề tự do học thuật (academic freedom) cũng được chính quyền coi trọng. Điều đó được thể hiện qua việc chính quyền cố gắng không tạo ra sự can thiệp vào các sinh hoạt học thuật của các viện đại học, của các giáo sư và sinh viên nếu đó là các sinh hoạt học thuật thuần túy. Theo đó, giảng viên trong các viện đại học ở miền Nam có quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo cũng như trình bày các kết quả nghiên cứu của mình một cách rộng rãi; sinh viên được thoải mái học hỏi và tìm hiểu mà không bị kiểm 9 - Chế độ chứng chỉ (certificat): là phương thức đào tạo phổ biến ở hầu hết các viện đại học ở miền Nam trước năm 1975. Về cơ bản, mỗi chứng chỉ (tương đương với chương trình học của 1 học kỳ, mỗi năm học sinh viên có thể hoàn tất 2 chứng chỉ) gồm 1 số môn có nội dung liên quan được quy định trước. - Chế độ niên chế: các môn học được bố trí cho từng năm học (hoặc theo học kỳ - 2 học kỳ mỗi năm). Cuối năm sinh viên thi lên lớp (hoặc thi hết học kỳ). Hoàn tất năm cuối cùng của chương trình học (có thể có thêm kỳ thi tốt nghiệp tùy mỗi trường) và không nợ môn học nào, sinh viên sẽ được cấp bằng tốt nghiệp. - Chế độ tín chỉ (credit): chế độ tín chỉ chia các môn học thành số giờ nhất định. Sinh viên hoàn thành các yêu cầu của một môn học nào đó thì được công nhận học xong một tín chỉ. Sinh viên muốn tốt nghiệp văn bằng nào thì phải hoàn thành đủ số tín chỉ theo quy định của văn bằng đó. 10 Có thể nhận thấy rằng, sự tự trị/tự chủ trong hoạt động của hầu hết các viện đại học ở miền Nam đều được vận dụng tối đa nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng tiếp nhận số lượng sinh viên đang gia tăng nhanh chóng trong xã hội miền Nam. Cùng với quá trình leo thang chiến tranh của Mỹ, nạn quân dịch ngày càng trở nên gay gắt. Trong lúc đó, điều kiện ghi danh của các viện đại học là tương đối dễ dàng. Con đường tối ưu nhất đối với thanh niên để tránh phải gia nhập quân đội là cố gắng theo học một trường đại học nào đó. Số lượng sinh viên đăng ký theo học tại các viện đại học ở miền Nam do vậy mà tăng lên nhanh chóng. Niên khóa 1971-1972, số sinh viên đại học của miền Nam đã là 68.649 sinh viên, tăng 454% so với niên khóa 1961-1962 (chỉ có 15.105 sinh viên) [3, tr. 165]. 113
  8. Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 duyệt, chi phối bởi chính quyền hay các tác nhân bên ngoài nhà trường. Như nhận xét của Giáo sư Lê Xuân Khoa: “Một đặc điểm khác của tinh thần khai phóng là quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo và giảng dạy của các giáo sư. Các chứng chỉ, văn bằng và các môn học vẫn phải được Bộ Giáo dục duyệt y, nhưng nội dung các môn học và phương pháp giảng dạy đều do mỗi giáo sư tự ý quyết định” [8, tr. 545]. + Về ngân sách của các viện đại học Một trong những vấn đề quan trọng tác động đến sự tự trị/tự chủ của các viện đại học đó là nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Đối với các viện đại học công lập ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, nguồn tài chính chủ yếu để duy trì hoạt động là từ ngân sách quốc gia, tuy nhiên do hoàn cảnh chiến tranh nên ngân sách của chính quyền dành cho giáo dục đại học chiếm một tỉ lệ khá khiêm tốn. Năm 1960 ngân sách chung dành cho giáo dục là 1.012.400.000 đồng (chiếm tỉ lệ 11,3% tổng số ngân sách dân sự); năm 1970 tăng lên 8.078.100.000 đồng (chiếm tỉ lệ 17,9% tổng số ngân sách dân sự) [2, tr. 25]. Riêng với hệ thống các viện đại học tư thục, nguồn kinh phí chủ yếu phục vụ cho các cơ sở giáo dục này là của tư nhân và sự viện trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Sự hỗ trợ tài chính của chính quyền là rất hạn chế. Chẳng hạn trong niên khóa 1974 - 1975, mức tài trợ của chính quyền cho 05 viện đại học tư thục ở miền Nam Việt Nam là 200 triệu đồng (tiền miền Nam). Số tiền tài trợ của chính quyền cho các đại học tư thục vốn đã khiêm tốn lại càng ít ỏi hơn do tình trạng tham nhũng trong xã hội miền Nam. Hẳn nhiên là các viện đại học tư thục hoạt động theo quy chế của chính quyền, song với sự hỗ trợ tài chính yếu ớt như vậy của chính phủ thì rõ ràng nó không đủ sức để tạo ra sự tác động đối với quá trình hoạt động của các viện đại học này. Và như vậy các viện đại học tư thục lại càng có môi trường thuận lợi để tồn tại độc lập. Chẳng hạn, Viện Đại học Đà Lạt được thành lập trên cơ sở sự vận động và đầu tư của Hội Đại học Đà Lạt (của Giáo hội Công giáo) và Hội Việt Nam viện trợ giáo dục cao đẳng. Các nguồn kinh phí hỗ trợ khác cho viện cũng tương đối đa dạng như: nguồn thu học phí của sinh viên, trợ cấp của các chính phủ, tổ chức kinh doanh, tôn giáo, các tổ chức văn hóa giáo dục nước ngoài (Chính phủ Canada và Pháp, Cơ quan văn hóa Á Châu, Phái bộ Viện trợ Hoa Kỳ (USAID) ) 3. Mấy nhận định và liên hệ với vấn đề trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay Trên cơ sở những tìm hiểu của chúng tôi về vấn đề tự trị trong các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975, chúng tôi xin được mạnh dạn đưa ra một số nhận định và liên hệ mang tính gợi mở liên quan đến vấn đề trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay với hy vọng rằng, những kinh nghiệm từ quá khứ sẽ hữu ích cho việc đề ra các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. 114
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 2 (2016) Khảo sát các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975, chúng tôi nhận thấy rằng, sự tự trị của các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam thời gian này được thể hiện chủ yếu trên các mặt: quản trị đại học; tự chủ trong quá trình đào tạo và vấn đề tự do học thuật; ngân sách phục vụ các viện đại học. Sự tương tác của các yếu tố đó dưới tác động của chính sách của chính quyền đối với giáo dục nói chung đã tạo ra các mức độ tự trị/tự chủ khác nhau của các viện đại học mà biểu hiện rõ nét nhất đó là sự tự trị/tự chủ của các viện đại học tư thục có phần nổi trội hơn so với các viện đại học công lập. Theo đó, do bị chi phối bởi ngân sách, sự ràng buộc chặt chẽ hơn về nhân sự, nên các viện đại học công lập ít có sự tự trị hơn so với các viện đại học tư thục trong quá trình quản trị đại học. Thứ nhất, trong phương thức tổ chức hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam thời kỳ 1954 -1975, cần khẳng định rằng vấn đề tự trị đại học là điểm khá nổi trội. Đây cũng là điều đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1967 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, việc quản trị của các viện đại học ở miền Nam trên thực tế vẫn đang trong quá trình hướng tới sự tự trị bởi sự chuyển đổi mô hình từ mô hình giáo dục đại học Pháp nặng tính hàn lâm sang mô hình giáo dục đại học Mỹ đề cao tính tự trị và thực dụng là một quá trình lâu dài cần có thời gian và những bước đệm chuyển tiếp phù hợp. Chẳng hạn, Viện Đại học Huế được tổ chức gồm nhiều trường (phân khoa) hợp thành, hoạt động độc lập trên nhiều mặt. Tuy vậy, Viện vẫn phải phụ thuộc về tài chính (ngân sách phụ thuộc vào ngân sách quốc gia) và nhân sự chủ chốt (Viện trưởng phải được Quốc hội thông qua, sắc lệnh của Tổng thống bổ nhiệm), nhân viên hành chính các cấp, nhân viên giảng huấn các ngạch là công chức do phủ Tổng ủy công vụ quản lý (tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển); còn các mặt khác về điều hành nội bộ của các trường thành viên đều do Viện tự quyết định. Thứ hai, sự chủ động về ngân sách - chính xác hơn là sự “dễ dãi”, tạo điều kiện trong các thủ tục hành chính liên quan đến ngân sách, tài chính đối với các viện đại học, sự tự chủ trong quản trị nội bộ, trong việc điều hành quá trình đào tạo, sự tự do học thuật đã tạo nên môi trường thuận lợi cho giáo dục đại học (công lập cũng như tư thục) ở miền Nam Việt Nam thời kỳ này có điều kiện phát triển mạnh. Sự tương tác của các yếu tố này theo chiều hướng ngày càng có lợi cho sự tự trị/tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học càng làm cho “Môi trường đại học đích thực là một môi trường tự do của hoạt động tri thức” [8, tr. 551] đó là chất xúc tác quý giá có ích cho quá trình đào tạo con người, làm cho đại học thật sự là “ngôi nhà của tri thức”. Sự tương tác đó còn góp phần tạo ra đặc tính “mở” của giáo dục đại học miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 mà biểu hiện của nó là chương trình học linh hoạt, giáo trình giảng dạy các môn học không bị đóng khung hay phải chịu các quy định khắt khe về nội dung mà luôn được điều chỉnh và cập nhật nhằm đảm bảo cho sinh viên được tiếp cận với các kiến thức khoa học mới, thiết thực và gắn liền với thực tế sinh động. Với thực tiễn lịch sử đó của các viện đại học miền Nam, có thể thấy rằng, trong bối cảnh việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học còn gặp quá nhiều rào cản hiện nay, việc quản trị hệ thống giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 thật sự là những kinh nghiệm đáng quý. 115
  10. Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 Quan sát giáo dục đại học những năm qua, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng giáo dục đại học Việt Nam chưa thực sự có được sự tự chủ/tự trị đủ để có thể lớn mạnh và phát triển tương xứng. Thời gian gần đây, tuy sự tự chủ có mức độ của các trường đại học đã được quy định nhưng việc thực hiện lại gặp nhiều khó khăn do vẫn còn nhiều rào cản hạn chế quyền tự quyết của các trường. Báo cáo trong khuôn khổ Asia Programs của Trường lãnh đạo Kennedy (Đại học Harvard) với tựa đề Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó đánh giá về sự tự trị của các trường đại học ở Việt Nam như sau: “Tự trị: các cơ sở học thuật ở Việt Nam vẫn chịu một hệ thống quản lý tập trung hoá cao độ. Chính quyền trung ương quyết định số lượng sinh viên các trường được phép tuyển (trong trường hợp các trường đại học công lập) và lương trả cho các giảng viên đại học. Ngay cả những quyết định mang tính thiết yếu đối với việc vận hành một trường đại học như việc lập khoa cũng do hệ thống quản lý tập trung hoá này kiểm soát. Hệ thống này hoàn toàn không khuyến khích các trường và học viện cạnh tranh hay đổi mới. Thù lao được trả căn cứ vào thâm niên, và lương cứng thấp đến nỗi các giảng viên đại học phải “đi đêm” rất nhiều để có thể đảm bảo cuộc sống”” [14]. Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề nan giải trong quá trình đổi mới hiện nay, thiết nghĩ, những điểm ưu trội trong việc trao quyền tự trị/tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975 cần được phân tích, thẩm định và đánh giá đầy đủ. Trên cơ sở đó, những kinh nghiệm hữu ích trong việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học hiện nay sẽ có cơ hội so chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm tìm ra phương thức tối ưu nhất. Những kỳ vọng về việc xây dựng một nền đại học mang dấu ấn Việt Nam, vì tương lai Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên những kinh nghiệm và bài học từ quá khứ. Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975, bên cạnh những khía cạnh chưa hoàn chỉnh của nó, vẫn có nhiều truyền thống đáng quý, những bài học hữu ích mà ngày nay cần thiết phải có sự nghiên cứu một cách đầy đủ nhằm rút tỉa những bài học kinh nghiệm cho quá trình kế thừa và tiếp nối. Đó là việc làm hết sức cần thiết. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. (1962). Đây đại học, Nhà in Việt Liên, Sài Gòn. [2]. Bộ Giáo dục, Viện Đại học Sài Gòn (1972). Kỷ yếu Hội thảo kế hoạch giáo dục đại học, Sài Gòn. [3]. Phan Quang Dan (1975). The Republic of Vietnam’s environment & people - First edition, Saigon. [4]. Nguyễn Quang Duy (2014). Ưu việt của giáo dục miền Nam, BBC, nguồn: www.bbc.com/vietnamese, ngày 24-4-2014. [5]. Hội đồng Quốc gia Giáo dục (1969). Kỷ yếu Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn. [6]. Do Ba Khe (1993). The difficult path toward an integrated university and community college system in Vietnam, file PDF, source: www.kieumauthuduc.org/backup/images/KMTD_Docs/HigherEducation_DoBaKhe.pdf. 116
  11. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế Tập 5, Số 2 (2016) [7]. Đỗ Bá Khê (2006). Phát triển đại học miền Nam trước 1975, in trong Giáo dục ở Miền Nam tự do trước 1975 (Education in South Vietnam before 1975), Nguyễn Thanh Liêm chủ biên, Lê Văn Duyệt Foundation và Tập san Nghiên cứu văn hóa Đồng Nai Cửu Long ấn hành và xuất bản, Santa Ana - CA, Hoa Kỳ, tr. 152-157. [8]. Lê Xuân Khoa (2010). Đại học miền Nam trước 1975 - hồi tưởng và nhận định, in trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010) - kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr. 537-552. [9]. Phạm Ngọc Bảo Liêm (2008). “Giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975”, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Đại học Khoa học - Đại học Huế, Huế. [10]. Phạm Ngọc Bảo Liêm (2014). Quá trình cải biến và sự thiết lập các viện đại học ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1957, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Khoa học Huế, Tập 2 - Số 2, tr. 89-100. [11]. Nguyễn Văn Nhật (2014). Nền giáo dục đại học ở miền Nam Việt Nam trước 1975, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 7-8 - số chuyên đề về Giáo dục miền Nam Việt Nam (1954-1975), tr. 75-91. [12]. Nguyễn Hữu Phước (2006). Sơ lược lịch sử giáo dục Việt Nam (1954-1974) - dân tộc, nhân bản, khai phóng - in trong Giáo dục ở Miền Nam tự do trước 1975 (Education in South Vietnam before 1975), Nguyễn Thanh Liêm chủ biên, Lê Văn Duyệt Foundation và Tập san Nghiên cứu văn hóa Đồng Nai Cửu Long ấn hành và xuất bản, Santa Ana - CA, Hoa Kỳ, tr. 134-151. [13]. Nguyễn Xuân Thu (2015). Triết l giáo dục Việt Nam: học để làm quan, nguồn: vacat.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=282&Itemid=302 [14]. Thomas J. Vallely, Ben Wilkinson (2009). Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó, Tuần Việt Nam giới thiệu - nguồn: www.tuanvietnam.net/harvard-ban-ve-khung- hoang-giao-duc-dai-hoc-vn. 117
  12. Mấy nhận xét về vấn đề tự trị trong các viện đại học ở miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 SOME JUDGMENTS ON AUTONOMY OF HIGHER EDUCATION IN SOUTH VIETNAMIN THE PERIOD (1954-1975) Pham Ngoc Bao Liem Deparment of History, Hue University College of Sciences Email: pnbliem@gmail.com ABSTRACT Higher education is one of the outstanding social-cultural issues in South Vietnam in the period from 1954 to 1975 Researching higher education system in South Vietnam , it is easy to recognize that the government and the universities always focused on the autonomy of the higher education . By the way the South Vietnam government facilitated universities to organize and implement activities so that the autonomy of higher education was assure at the highest level such as organization; university governance; autonomy in teaching and learning and academic freedom ; budget for the universities. The characteristic of higher education contributed to making an impression and position of higher education in the social life in South Vietnam from 1954 to 1975. Keywords: 1954-1975, higher education, South Vietnam, autonomy of higher education. 118