Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 trong sách giáo khoa lịch sử mĩ và Việt Nam - Cái nhìn so sánh

doc 12 trang phuongnguyen 5110
Bạn đang xem tài liệu "Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 trong sách giáo khoa lịch sử mĩ và Việt Nam - Cái nhìn so sánh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • doclich_su_viet_nam_tu_nam_1965_den_nam_1968_trong_sach_giao_kh.doc

Nội dung text: Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 trong sách giáo khoa lịch sử mĩ và Việt Nam - Cái nhìn so sánh

  1. LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NĂM 1965 ĐẾN NĂM 1968 TRONG SÁCH GIÁO KHOA LỊCH SỬ MĨ VÀ VIỆT NAM - CÁI NHÌN SO SÁNH. Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 là một trong những trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta. Đây là giai đoạn đỉnh cao của chiến tranh ác liệt, khi ở miền Nam, Mĩ tăng cường quân đội, thực hiện những chiến dịch tìm và diệt, còn ở miền Bắc, chúng cũng leo thang đánh phá bằng việc đưa không quân và hải quân gây chiến tranh phá hoại. Khi tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này, học sinh không chỉ biết những năm tháng chiến tranh ác liệt trên cả hai miền đất nước với sự chiến đấu bền bỉ của nhân dân ta, mà còn được bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc và rèn luyện các năng lực tư duy thực hành bộ môn. Tuy nhiên, viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1965 - 1968 không chỉ có các sách, báo, hồi kí, truyện kể của các tác giả Việt Nam, mà còn có nhiều tác phẩm của các nước (như Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc ), đặc biệt là Mĩ - nước trực tiếp tham gia chiến tranh với Việt Nam trong thời gian này. Đối với Mĩ, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử mà lần đầu tiên quân đội Mĩ phải chịu thất bại. Thất bại này đã tác động đến các nhà lãnh đạo cùng nhân dân Mĩ đương thời và để lại một làn sóng “hậu chiến tranh Việt Nam”. Vậy nên người Mĩ luôn đặt câu hỏi: tại sao một dân tộc nhỏ yếu như nước ta lại chiến thắng nước Mĩ hùng mạnh, bài học về Việt Nam để lại ra sao, và cho đến nay họ vẫn tiếp tục tìm cách lí giải những câu hỏi này. Từ đó, có một vấn đề đặt ra: người Mĩ dạy học sinh phổ thông, những thế hệ trẻ của họ như thế nào về Việt Nam nói chung và lịch sử Việt Nam giai đoạn 1965 - 1968 nói riêng? Ảnh hưởng của sự giáo dục đó như thế nào đến học sinh Mĩ và học sinh Việt Nam? Với trách nhiệm của người làm công tác giáo dục lịch sử, chúng ta phải làm sáng tỏ những vấn đề này. Chính vì vậy, tôi mạnh dạn tìm hiểu: “Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 trong sách giáo khoa lịch sử Mĩ và Việt Nam - cái nhìn so sánh”. Trong quá trình nghiên cứu vấn đề, tôi nhận thấy dù ở Mĩ hay Việt Nam, trong việc học tập của học sinh, bên cạnh các loại tư liệu lịch sử, đồ dùng trực quan, phương tiện hiện đại thì sách giáo khoa lịch sử vẫn đóng vai trò quan trọng, góp phần định hướng nhận thức cho các em. Vì thế, tư liệu trước tiên mà 1
  2. tôi cần tìm hiểu về lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 chính là sách giáo khoa lịch sử của Mĩ. So với Việt Nam, việc học tập lịch sử ở Mĩ có nhiều điểm khác biệt, như về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, đặc biệt là sách giáo khoa lịch sử. Nếu ở Việt Nam, nhà nước quản lí và ban hành sách giáo khoa lịch sử với một bộ duy nhất, thì ở Mĩ, mỗi bang, mỗi thành phố, thậm chí mỗi trường lại có một cuốn sách giáo khoa lịch sử riêng. Ví dụ, chỉ riêng sách giáo khoa lịch sử ở Mĩ về Việt Nam đã có nhiều quyển như cuốn “Exporing world history - A global approach” (thám hiểm lịch sử thế giới) của John R.O’Conno, “America and American” (nước Mĩ và người Mĩ) của Herbert J.Bass, George, “The Vietnam experience” (Kinh nghiệm Việt Nam) - 3 tập của nhiều tác giả 1. Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 trong sách giáo khoa lịch sử Mĩ. Ở Mĩ trong thập kỉ vừa qua có hàng chục, thậm chí hàng trăm cuốn sách, bài viết của các tác giả viết về cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam. Nhiều cuốn sách có tên gọi rất độc đáo như “Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày” của Manila (1990), “Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” của Mc Namara (1995), đã giúp cho chúng ta vén được bí mật về cuộc chiến tranh, những kế hoạch của Mĩ ở Việt Nam, các chiến dịch, chiến lược của Mĩ và đối sách của Việt Nam. Tuy nhiên ở đây, tôi quan tâm đến sách giáo khoa của Mĩ viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1965 - 1968 hơn là những sách, báo bên ngoài. Bởi vì sách giáo khoa là tài liệu học tập cơ bản của học sinh trường phổ thông. Nó thể hiện nội dung lịch sử chương trình giáo dục bộ môn cũng như định hướng chính trị trong việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Sách giáo khoa lịch sử Mĩ viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1965 - 1968 không chia thành từng bài, từng chương theo diễn tiến thời gian mà chia thành những vấn đề như việc đưa chiến tranh đến Việt nam như thế nào, chiến dịch “Sấm rền”, lực lượng quân Sài Gòn, sự thất bại của Mĩ ra sao Tuy nhiên, để dễ tìm hiểu và so sánh với sách giáo khoa lịch sử Việt Nam, tôi đã dịch và hệ thống những nội dung đó thành các sự kiện diễn ra ở miền Bắc và miền Nam. Cụ thể, sách giáo khoa lịch sử Mĩ về lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 có những điểm nổi bật sau: * Tình hình miền Bắc. 2
  3. Sách giáo khoa lịch sử của Mĩ đề cập đến khá nhiều về miền Bắc trong giai đoạn này, đặc biệt nói về sự kiện vịnh Bắc bộ, cuộc leo thang ném bom miền Bắc và cuộc chiến đấu của nhân dân miền Bắc chống lại cuộc leo thang đó. - Trước hết, về sự kiện vịnh Bắc bộ - mở đầu cho cuộc đánh phá ra miền Bắc của không quân Mĩ: Một cuốn sách giáo khoa viết: “Đầu tháng 8.1964 hai tàu khu trục của Mĩ trong khi đang dàn trận ở Bắc Việt Nam đã đụng chạm với những chiếc tàu đi tuần tra của Bắc Việt. Những phát ngôn viên của Mĩ cho rằng Bắc Việt Nam đã tấn công một cách vô cớ. Phía Bắc Việt lại khẳng định các tàu của Mĩ đã liên kết với biệt kích Nam Việt Nam, hoạt động chống phá miền Bắc. Mặc dù sự việc này chưa làm sáng tỏ nhưng Johnson vẫn hạ lệnh tấn công bằng không quân vào bắc Việt Nam. Đồng thời quốc hội Mĩ đã thông qua nghị quyết vịnh Bắc Bộ, cái mà cho phép tổng thống thi hành tất cả các biện pháp cần thiết để đẩy lui bất kì một cuộc tấn công vũ trang nào chống lại các lực lượng quân sự Hoa kì và ngăn ngừa cuộc xâm lược tiếp theo [4;89]. Như thế, việc triển khai kế hoạch ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam đầu năm 1965 được coi là bước dọn đường cho quá trình Mĩ tham gia chiến tranh nóng lần thứ hai ở châu Á. Vì thế sự kiện này được sách giáo khoa rất quan tâm. “Vào cuối tháng 12.1964 đặc vụ Việt cộng đã gài bo làm nổ tung một chiếc xe hơi tại một khách sạn ở Sài Gòn - nơi ở của các cố vấn quân sự Mĩ, làm chết hai người và bị thương 50 người. Tin tức này lan tới đại sứ quán Mĩ và tướng Taylor thúc giục Johnson trả đũa chống lại Bắc Việt Nam. Khi tổng thống Johnson ngần ngại, tướng Taylor đã phản ứng lại và đề nghị một cuộc tấn công bằng không quân lớn hơn chống lại thế lực Việt cộng ở miền Bắc [8;419 – 420]. Lí do khiến Mĩ ném bom miền Bắc cũng thật đơn giản, chỉ vì Việt cộng ở miền Nam luôn nhận được sự tiếp viện quân đội và tiếp tế từ ngoài Bắc. Chính quyền Mĩ cũng tin tưởng rằng với việc ném bom ồ ạt vào miền Bắc sẽ phá huỷ được nguồn tiếp tế chủ yếu của Việt cộng. - Sau sự kiện vịnh Bắc bộ, Mĩ đã leo thang đánh phá miền Bắc. Cuộc leo thang này được nhiều cuốn sách giáo khoa Mĩ nói đến. Cuốn “The world history” viết: “Vào ngày 13.6.1965 Johnson ra lệnh mở cuộc tấn công mang hiệu “Sấm rền” (Rolling thunder) dốc toàn lực lượng chiến tranh chống lại miền Bắc Việt Nam. Trên thực tế mức độ ném bom ngày càng tăng lên, và vào năm 1965 không quân Mĩ đã ném 315000 tấn bom xuống miền 3
  4. Bắc. Năm 1969 con số này lên tới 1288000 tấn, hơn cả số bom đạn mà quân Đồng minh đã dùng trong chiến tranh thế giới thứ hai”. - Tuy là đối thủ của nhân dân miền Bắc, nhưng Mĩ vẫn thu thập được nhiều tư liệu về tình hình chiến đấu của quân dân miền Bắc và những nội dung này được miêu tả sinh động trong một số cuốn sách giáo khoa. Đầu tiên, trước cuộc leo thang và chiến dịch ném bom tàn phá của Mĩ, nhân dân miền Bắc thực hiện việc di dân và chuyển hướng nền kinh tế. “Nhân dân Bắc Việt Nam trả lời chiến dịch sấm rền với khả năng phi thường, bù lại ảnh hưởng sức mạnh trên không của Mĩ” [7;135]. “Ngày 29.6.1966 những người lãnh đạo Hà Nội đã ra lệnh tản cư tất cả trừ những gì không thể thiếu cho cuộc sống của thủ đô. Cùng ngày, máy bay chiến đấu Mĩ bắt đầu ném bom khu vực dầu mỏ ở Hà Nội và Hải Phòng Sự tăng cường ném bom trong chiến dịch sấm rền càng thắt chặt trái tim những người Bắc Việt Nam. Những người lãnh đạo đất nước trung thành và ngoan cường với mục đích thống nhất Việt Nam của họ theo câu nói của Hồ Chí Minh vào tháng 6.1966: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn có thể bị phá hủy, nhưng nhân dân và chiến sĩ ta cùng thống nhất và đồng chí quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”. Nền kinh tế Bắc Việt Nam được phân nhỏ để tránh sự chú ý của bom đạn. Kế hoạch xây dựng khu vực công nghiệp nặng miễn cưỡng bị ngừng lại như việc mở rộng một số nhà máy, vùng trọng điểm ở đồng bằng sông Hồng [7;137]. Bên cạnh việc di dân và chuyển hướng nền kinh tế, Bắc Việt đã chiến đấu chống lại những cuộc ném bom tàn sát của Mĩ và vẫn thực hiện nghĩa vụ hậu phương với miền Nam. Cuốn “The Vietnam experience - Thunder from above” (kinh nghiệm Việt Nam - tiếng sẫm từ trên cao) trong mục mang tựa đề “Lưới lửa” đã miêu tả lại: “Ngoài việc dùng những vũ khí thông thường để đấu tranh chống miền Nam, vũ khí phòng thủ trên không từ Liên Xô và Trung Quốc đã được đưa vào qua cảng Hải Phòng và ga Hà Nội. Khi chiến dịch “Sấm rền” bắt đầu, Bắc Việt Nam sở hữu ít hơn khoảng 1500 súng, chủ yếu là 37mm và 57mm Hầu hết phi công Bắc Việt Nam mới vào nghề, họ được đào tạo theo chương trình của Liên Xô và Trung Quốc. Một người tự nhận rằng anh chưa từng ở trong một chiếc xe trước khi anh bắt đầu chương trình đào tạo lái máy bay. Với sự giúp đỡ của giáo viên người Liên Xô và học theo lối bắt chước, phi công Bắc Việt trở nên rất xuất sắc”[6]. 4
  5. Cùng với những hoạt động chống cuộc leo thang của Mỹ, Bắc Việt tích cực thực hiện nghĩa vụ hậu phương với miền Nam. “Việc sửa chữa đường sắt rất khó khăn và bắc Việt Nam thực sự chìm đắm trong bom đạn nặng nề. Nhưng những loại vận chuyển khác lại nhộn nhịp. Hệ thống đường thủy nội địa dài 4800km của đất nước tắc nghẽn với dòng xe vận tải. Máy bay của Mỹ săn lùng suốt dọc đường vào nam, nhưng công nhân vẫn giương cao khẩu hiệu quan trọng: mỗi kilogam hàng hóa đến được miền nam là một viên đạn bắn vào đầu kẻ xâm lược Mỹ” [7;100]. Như vậy, tình hình miền Bắc được sách giáo khoa lịch sử Mỹ đề cập đến với nội dung phong phú về kế hoạch của Mỹ đánh phá ra sao, nhân dân Việt Nam chống trả và thực hiện nghĩa vụ hậu phương như thế nào. * Tình hình miền Nam. Sách giáo khoa lịch sử Mĩ cũng đề cập khá nhiều đến tình hình miền Nam với sự tăng cường quân đội của Mĩ, các chiến dịch Mĩ thực hiện để tìm và diệt, dồn dân xây dựng nông thôn “Bộ chỉ huy quân sự Mĩ ở miền Nam Việt Nam đối phó với sự yếu kém của lực lượng quân đội của Việt Nam Cộng hòa ở mặt trận và tinh thần quân đội bằng cách tăng quân số Mĩ mọi nơi. Cuối năm 1966 quân đội Mĩ lên tới 385 nghìn người hơn 2 lần năm trước. Đồng thời tăng trách nhiệm của người Mĩ ở mặt trận, bao vây đơn vị quân đội cộng hòa Việt Nam và cho phép họ tập trung tự vệ chống lại kẻ thù tấn công. Thêm vào đó, người Mĩ tài trợ cho lực lượng quân đội cộng hòa Việt Nam vào năm 1966 tăng đến 738 triệu USD, nhảy lên 177 triệu năm tiếp theo. Cuối năm 1966 lực lượng quân đội của Việt Nam Cộng hòa tăng lên 50 nghìn người” [6;86] Cùng với việc tăng cường đầu tư, Mĩ mở rộng các chiến dịch “tìm và diệt”, dồn dân xây dựng nông thôn “Sau ấn tượng ở thung lũng Ia Drang năm 1965, máy bay đột kích trở thành chỗ dựa chính trong sách lược của Mĩ ở miền Nam Việt Nam, nó không chỉ giúp họ chống lại các cuộc tấn công của du kích mà còn có thể tổ chức cuộc tấn công mạnh. Số máy bay hiện diện trong các chiến dịch ở miền Nam Việt Nam gần gấp đôi vào năm 1967, đến 28 đội chiến lược của 24 chiếc máy bay ở mỗi căn cứ trên đất nước. Trung bình một ngày có 750 - 800 trận xuất kích hỗ trợ cho quân mặt đất. Thêm vào đó, Westmoreland có thể dựa trên 3000 quân và máy bay lên thẳng” . 5
  6. Sách giáo khoa lịch sử Mĩ còn nói đến những chiến dịch mà quân Mĩ mở, nằm trong chiến lược tìm diệt của mình như chiến dịch Cedar Fall, Junction City, Trong đó “Chiến dịch Cedar Falls diễn ra vào tháng 1.1967 nhằm chống lại thành lũy Cộng sản ở Tây bắc Sài Gòn, đây là một trong những hành động quét đầu tiên của chiến dịch tìm và diệt” [7;173]. Ở miền Nam, sau sự kiện ném bom bắn phá miền bắc nước ta, cuộc tiến công Tết Mậu Thân của Việt cộng cũng được coi là sự kiện lớn trong quá trình chiến tranh giữa Mig và Việt Nam. Steven Cohen trong “Vietnam Anthology and guide to TV history” viết về sự kiện Tết: “Tết là dịp đầu năm mới âm lịch, là thời gian lễ hội truyền thống quan trọng của người Việt Nam. Trước một tháng, Bắc Việt Nam và Việt cộng có kế hoạch lợi dụng dịp Tết này để bất ngờ tấn công vào những thành phố của miền Nam Quân đội Bắc Việt Nam và Việt cộng đã thâm nhập sâu vào những thành phố lớn và nhiều tỉnh của Nam Việt Nam, đánh vào kho quân sự, cơ quan cảnh sát, đài phát thanh Vào ngày 31.3.1968 tổng thống Johnson phát biểu trên tivi rằng ông tuyên bố ngừng ném bom miền bắc Việt Nam và tìm kiếm giải pháp hòa bình với cộng sản. Cuối bài phát biểu, Johnson còn tiết lộ rằng ông sẽ không tham gia tranh cử vào tháng 11 nữa [5;193 - 194]. Cũng viết về sự kiện Tết Mậu Thân, quyển “Thunder from above” còn thể hiện chi tiết hơn nữa, rằng: “Sự tấn công dữ dội của Việt cộng trở nên rõ ràng. Tân Sơn Nhất gần như một sự kiện trong cuộc tấn công phối hợp rộng nhất của Việt cộng. Đơn vị Việt cộng đã nắm được thuận lợi của Tết để thâm nhập vào khu vực dân cư lớn. Trong vòng 48 giờ họ tấn công chống lại 36 tỉnh và thành phố, 5 thành phố lớn, 23 sân bay và nhiều khu vực trong thành phố Sài Gòn. Du kích đã thống trị những công trình trung tâm thành phố, khiến hỏa lực Mỹ thực sự mất tác dụng và rơi vào tuyệt vọng [7;181 - 182]. Tóm lại, bên cạnh việc phác họa miền Bắc với cuộc chiến đấu chống chiến dịch “Sấm rền”, sách giáo khoa lịch sử Mĩ cũng tập trung làm rõ tình hình miền Nam giai đoạn 1965 - 1968 để học sinh hình dung lịch sử Việt Nam một cách đầy đủ hơn. 2. Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến 1968 trong sách giáo khoa lịch sử Việt Nam. Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến 1968 được trình bày trong bài 22 (sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, trang 173, chương trình cơ bản, NXB Giáo 6
  7. dục, 2008): “NHÂN DÂN VIỆT NAM TRỰC TIẾP CHIẾN ĐẤU CHỐNG ĐẾ QUỐC MĨ XÂM LƯỢC. NHÂN DÂN MIỀN BẮC VỪA CHIẾN ĐẤU VỪA SẢN XUẤT (1965 - 1973)”. Trong đó, sách giáo khoa lịch sử Việt Nam đã trình bày rõ tình hình diễn ra ở hai miền đất nước. Ở miền Nam, sau thất bại của chiến lược chiến tranh đặc biệt, Mĩ đẩy mạnh chiến tranh, chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Các tác giả sách giáo khoa đã làm rõ âm mưu và thủ đoạn của Mĩ trong thời gian từ năm 1965 đến 1968, với việc Mĩ tăng thêm lực lượng, viện trợ, tiến hành những cuộc hành quân tìm diệt. Trước những hành động xâm lược của Mĩ, nhân dân miền Nam đã chiến đấu chống chiến lược chiến tranh cục bộ bằng sức mạnh của cả dân tộc, của tiền tuyến và hậu phương. Theo diễn tiến của thời gian, sách giáo khoa lớp 12 đã trình bày cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam với các thắng lợi ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi), mùa khô thứ nhất (1965 - 1966), mùa khô thứ hai (1966 - 1967). Đặc biệt sự kiện cuộc tiến công và nổi dậyTết Mậu Thân 1968 được tác giả đưa vào một mục riêng, trong đó có trình bày rõ mục tiêu của ta trong cuộc tiến công, diễn biến, kết quả và ý nghĩa của cuộc tiến công. Tác giả đã nhấn mạnh “Cuộc tiến công và nổi dậy đã mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước”. Còn ở miền Bắc, sách giáo khoa lớp 12 đã trình bày những âm mưu; thủ đoạn của Mĩ trong việc tiến hành chiến tranh bằng không quân và hải quân để phá hoại miền Bắc và những việc làm của nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa sản xuất và làm nghĩa vụ hậu phương. Việc trình bày rõ ràng những sự kiện diễn ra trên hai miền đất nước đã tạo nên tính khoa học, logic và dễ hiểu của cấu tạo bài viết trong sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam. Học sinh có thể hiểu được sự leo thang chiến tranh của Mĩ qua các chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), chiến tranh cục bộ (1965 - 1968) và tính chất ác liệt ngày càng tăng của chiến tranh trên đất nước ta. Đồng thời các em có thể đối chiếu những sự kiện diễn ra trên hai miền đất nước trong cùng thời điểm, từ đó thấy được mối liên hệ khăng khít giữa hai miền Bắc Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ chung nhằm thống nhất đất nước. 3. So sánh lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến 1968 trong sách giáo khoa Mĩ và Việt Nam. 7
  8. Qua việc tìm hiểu nội dung của lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến 1968 trong sách giáo khoa lịch sử Mĩ và Việt Nam, chúng ta có thể rút ra những điểm giống và khác nhau như sau: * Những điểm giống nhau. - Về mặt nội dung và quan điểm: Sách giáo khoa lịch sử Mĩ và Việt Nam đều phản ánh khá sinh động về lịch sử Việt Nam trong thời gian từ năm 1965 - 1968 với nhiều sự kiện cụ thể và điển hình về sự leo thang chiến tranh của Mĩ ở hai miền Bắc Nam Việt nam, các âm mưu chiến lược của Mỹ, tính chất ác liệt của việc Mĩ đánh phá Việt Nam, và những sự kiện lớn trong cuộc chiến như sự kiện vịnh Bắc bộ, chiến dịch Cedar Fall, cuộc tấn công Tết Nhìn chung sách giáo khoa lịch sử Mĩ viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn này tương đối chính xác và đúng đắn về nội dung lịch sử so với những gì đã xảy ra. Họ viết về lịch sử Việt Nam với tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, cố gắng sắp xếp tài liệu sao cho trung thành với lịch sử, và sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau của các nhà chính trị, quân sự Việt Nam. Thế nên sách của họ trở nên có hồn, nhất là khi nói đến cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống lại họ. Tuy nhiên, cả sách giáo khoa lịch sử Mỹ và Việt Nam đều chưa phản ánh toàn diện lịch sử mà chỉ nặng về tính quân sự chính trị, chỉ nói đến chiến tranh mà chưa nói nhiều đến những hoạt động văn hóa và những cá nhân làm nên lịch sử. - Về mặt hình thức và cơ chế sư phạm: Cả sách giáo khoa Mĩ và Việt Nam đều có hình thức trình bày hấp dẫn và cơ chế sư phạm giúp học sinh hiểu bài. Trong sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam, phần tư liệu gồm hình ảnh (nhân dân Mĩ phản đối chiến tranh Việt Nam, nhân dân miền Bắc làm nông nghiệp) và lược đồ (trận Vạn Tường 1965) đã cung cấp cho học sinh những kiến thức sinh động hơn về lịch sử đất nước. Bên cạnh đó, cuối mỗi mục và cuối bài còn có câu hỏi và bài tập nhận thức giúp học sinh hiểu bài ngay trên lớp. Còn sách giáo khoa lịch sử Mĩ có nhiều bộ, mỗi bộ có hình thức trình bày và thể hiện khác nhau, tạo nên muôn hình muôn vẻ sách giáo khoa lịch sử. Phần tư liệu, kênh hình, chỉ dẫn sử dụng sách cũng được các tác giả tập trung thể hiện nhằm giúp học sinh phát huy tính tích cực tư duy. * Những điểm khác nhau: 8
  9. Tuy có nhiều điểm giống nhau như trên, nhưng với những quan điểm và cách nhìn nhận từ hai phía tham gia cuộc chiến tranh nên cách viết và trình bày của sách giáo khoa lịch sử mỗi nước có nhiều điểm khác nhau. Việt Nam viết về lịch sử thời gian này với tư cách là viết lại lịch sử dân tộc mình. Vì thế việc trình bày một cách rõ ràng và chân thực, nêu cao cuộc chiến tranh chính nghĩa. Còn nước Mĩ viết về Việt Nam với tư cách viết lịch sử của nước ngoài vì vậy có thể một số sự kiện chưa sinh động cụ thể và xác thực bằng chính người Việt Nam viết về lịch sử nước mình. Mỗi quyển sách giáo khoa của Mĩ viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1965 - 1968 có hình thức và nội dung trình bày khác nhau. Nước Mĩ quan tâm đến Việt Nam với tư cách là nước đã đánh bại Mĩ nên viết về tình hình chiến tranh ở Việt Nam là chủ yếu. Khi trình bày về lịch sử Việt Nam, sách giáo khoa lịch sử Mĩ không phân chia thành các giai đoạn, cũng như khai thác tình hình của từng miền mà chỉ lấy khoảng thời gian từ 1965 - 1973, 1963 - 1973, 1954 - 1975 làm giới hạn. Cách trình bày như thế sẽ làm cho người ta hiểu rằng cuộc chiến tranh này không có tính chất ác liệt giữa các giai đoạn. Thêm vào đó, “Những người Mĩ vào lớp tuổi trung niên cố thoát khỏi sự xáo động chiến tranh, trái lại thế hệ trẻ mới lớn ngày càng quan tâm nhiều hơn đến cuộc chiến. Cả hai cần lời giải đáp. Nhưng trên thực tế, sách giáo khoa lịch sử chưa đáp ứng được yêu cầu này, vì các tác giả chưa thực sự tôn trọng sự thực quá khứ” [3]. Ví dụ, nếu trong sách giáo khoa lịch sử Việt Nam đưa ra những số liệu thể hiện sự thất bại của Mĩ trong hai mùa khô năm 1965 - 1966 và 1966 - 1967, thì sách giáo khoa lịch sử Mĩ lại không thừa nhận thất bại và thiệt hại này, họ viết rằng: “Suốt chiến dịch Cedar Fall, gần 750 Việt cộng bị giết trong cuộc đụng đầu với quân bộ. 280 người khác bị bắt, 540 kẻ đào ngũ và 512 người bị nghi ngờ bắt giam. Số lượng lớn thiết bị của kẻ thù đã bị bắt hoặc phá hủy cùng với nhiều boong ke và đường hầm. Toàn bộ dân cư của Bến Súc - một làng được coi là trung tâm của Việt cộng trong khu vực, phải di tản để chính phủ thành lập tam giác sắt như một vùng bình định ngăn cản sự quay lại của du kích” [6;173]. Hay như sự kiện Tết Mậu Thân, một số cuốn sách giáo khoa đã trình bày xuyên tạc sự thật lịch sử, khẳng định những việc làm của Việt cộng là tàn ác, dã man. Theo các tác giả, Huế là một cố đô tuyệt đẹp nhưng họ vẫn tấn công vào cả thành luỹ và pháo đài cổ, sau đó “tiếp tục giết hại dân chúng như những tên bạo 9
  10. chúa hung ác và những phần tử phản động. Những tên cộng sản chính trị đã bắn và đánh bằng dùi cui để giết chết hoặc chôn vùi cuộc sống của hơn 3000 dân thường” [8;427]. Tổng thống Johnson là một con người gan dạ nhưng chính ông ta cũng bị bàng hoàng về cuộc tấn công này. Ngay sau tết Mậu Thân, tướng Westmoreland đã yêu cầu tăng thêm 206000 quân Mĩ. Johnson đã suy nghĩ và lo lắng rất nhiều và đã tham khảo các cố vấn quân sự những nhà chính trị thân cận của mình. Phần lớn các lời khuyên của những con người có kinh nghiệm này là “dừng ngay sự leo thang ở Việt Nam bằng cách chuyển giao cuộc chiến đấu cho Nam Việt Nam, nước Mĩ phải cố gắng rút ra khỏi cuộc chiến tranh này”. Tuy nhiên, như đã trình bày, sách giáo khoa lịch sử Mĩ cũng có những ưu điểm với việc phác họa lịch sử nước ta tương đối sinh động. Hơn nữa, cơ chế sư phạm của sách hấp dẫn, giúp học sinh dễ nhớ, dễ thuộc và phát huy tính tích cực tư duy. Một số biện pháp dạy học hiệu quả trong sách giáo khoa lịch sử Mĩ được thể hiện qua việc sử dụng nhiều tư liệu, các câu truyện kể, làm bảng thống kê, câu hỏi, phần ghi nhớ Chẳng hạn, để minh họa cho tình hình miền Bắc trong những năm Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom ác liệt, tác giả cuốn “The Vietnam experience - Thunder from above” đã sử dụng nhiều tư liệu và thủ pháp kể chuyện như sau: “Theo lời David Schoenbrun, một phóng viên cựu chiến binh Mĩ đã có mặt ở Hà Nội vào tháng 8.1967, ông từng lội bùn ngập sâu mắt cá chân ở bờ sông Hồng để lót ván xà lan đáy bằng và tàu kéo cũ kĩ. Schoenbrun đã được nghe câu chuyện về chiếc xe đạp thồ nổi tiếng nhưng không tin vào nó. Nhưng bây giờ, ông được tận mắt chứng kiến. Họ có những chiếc xe đạp với tấm ván dọc theo thân xe, mỗi bên gùi thêm những thúng bằng rơm, khoảng 3 feet, có thể giữ được 40 pound mỗi cái. Điều đó có nghĩa là một trăm pound một xe đạp, hoặc một tấn với 20 xe. Và họ thực sự có hàng nghìn xe đạp hoạt động vận chuyển cả đêm và ngày” [7;139]. Để thu hút sự chú ý của học sinh, các sách giáo khoa sử dụng nhiều hình ảnh bản đồ tư liệu và bảng niên đại để hệ thống những sự kiện diễn ra trong thời gian này giúp học sinh sau khi đọc bài viết có thể hệ thống ngay kiến thức được. Ví dụ, quyển “Vietnam anthology and guide to TV history” nhằm giúp học sinh hiểu tiến trình lịch sử Việt nam với những sự kiện tiêu biểu, đồng thời có sự đối chiếu với lịch sử Mĩ và thế giới (phần phụ lục). 10
  11. + Thêm vào đó, nhiều sách giáo khoa lịch sử Mĩ còn có mục “Bảng tên và thuật ngữ khó” (Glossary of names and terms) giúp học sinh hiểu những tên riêng, khái niệm khó và có “Những điểm cần nhấn mạnh” (Points to emphasize) để chốt lại ý, như phần ghi nhớ chính của bài. + Một số sách còn có những lời khuyên cụ thể cho học sinh về sử dụng sách, đưa trích ngang về tác giả và giới thiệu thư mục sách liên quan đến chủ đề này của bài. Đây là những ưu điểm mà sách giáo khoa lịch sử Việt Nam cần học tập ở sách giáo khoa Mĩ. Như vậy, với tính khách quan dựa trên quan điểm khoa học, ta thấy rằng sách giáo khoa lịch sử Mĩ và Việt Nam viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1965 - 1968 có những điểm giống và khác nhau. Chúng ta cần nhận thấy những điểm giống và khác biệt đó để vận dụng và rút kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật và thông tin liên lạc, sự giao lưu mở rộng khắp nơi trên thế giới, thế hệ trẻ ở Việt Nam có thể tìm hiểu nền giáo dục của Mỹ và ngược lại, người Mỹ có thể biết về giáo dục Việt Nam ra sao. Nhưng với những ưu nhược điểm trong sách giáo khoa lịch sử của hai nước đã tác động không nhỏ đến học sinh Mĩ và Việt Nam. Vì vậy, giáo viên lịch sử cần biết sách giáo khoa của Mĩ viết về lịch sử Việt Nam nói chung và giai đoạn 1965 - 1968 nói riêng như thế nào và rút ra những bài học kinh nghiệm từ cách viết ấy. Chẳng hạn, giáo viên cần sử dụng nhiều tư liệu tham khảo để làm sáng tỏ và chân xác bức tranh lịch sử quá khứ khiến học sinh hiểu cuộc sống và chiến đấu của ông cha một thời; định hướng và giáo dục học sinh Việt Nam một cách đúng đắn khi các em tiếp cận với tài liệu mang tính không chân xác về lịch sử Việt Nam. 11
  12. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Mạnh Hưởng, Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam (1945 - 1975) qua một số sách giáo khoa nước ngoài, Luận án Thạc sĩ khoa học lịch sử, Hà Nội, 2003 2. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Phương pháp dạy học lịch sử - Tập I, NXB Đại học sư phạm, Hà Nội, 2002. 3. Phan Ngọc Liên, Việt Nam trong sách giáo khoa lịch sử một số nước, Tạp chí NCLS số 2.1997. 4. Herbert J.Bass, George, H.Billas, Emma Jones lapsansky, America and American, Volume II for high school, the Ecker Institude, New Jeney, 1983. 5. Steven Cohen, Vietnam anthology and guide to television history, Alfred Aknopf New York, 1987. 6. Terrence Maitland, Peter McInerney, The Vietnam experience - A contagion of war, Boston publishing company, 1983. 7. John Morrocco, The Vietnam experience - Thunder from above, Boston publishing company, 1984. 8. I.R.Win Unger, Debi Unger, Twentieth century American, Martin’s press, New York, 1990. 9. Richart N.Curent, Alescanshe de Conde, Harris L.Dante, United States history - a world power, Scott and Foresman company, U.S.A, 1994. 12