Học văn học Việt Nam ở Đại học Mỹ
Bạn đang xem tài liệu "Học văn học Việt Nam ở Đại học Mỹ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- hoc_van_hoc_viet_nam_o_dai_hoc_my.pdf
Nội dung text: Học văn học Việt Nam ở Đại học Mỹ
- Học văn học Việt Nam ở Đại học Mỹ
- Trong bài này tôi nêu lên ba điểm liên quan đến việc giảng dạy văn học Việt Nam ở các trường đại học Mỹ. Thứ nhất, tôi sẽ giải thích qua về việc dạy văn học Việt Nam ở cấp đại học là thế nào. Thứ hai, tôi nêu lên một số hạn chế mà sinh viên Mỹ học nền văn học này qua bản dịch gặp phải(1). Và thứ ba, tôi kể qua về học trình văn học Việt Nam được dạy ở Đại học California, Berkeley, nơi tiếng Việt là ngôn ngữ dùng để dạy và sinh viên đọc các văn bản bằng tiếng Việt. Mùa thu vừa rồi tôi trở về Mỹ. Lần này tôi trở về để học tiếp môn Lịch sử tại Đại học California (UC), Berkeley. Hệ thống UC là môi trường duy nhất cho các chuyên gia về Việt Nam. Ở đây việc nghiên cứu Việt Nam và Cộng đồng di dân của nó dễ dàng lan ra ngoài khuôn khổ lớp học khi có một thiểu số mạnh các sinh viên UC là gốc gác Việt Nam. Chỉ cần dạo trong sân trường Berkeley hay khu tập thể sinh viên là dễ dàng nhận ra điều tôi nói, đâu đâu cũng nghe tiếng Việt. Quả vậy, California là nơi đông người Việt hải ngoại nhất thế giới. Có đến hàng trăm nghìn người ở vùng này, và thứ tiếng họ thấy dùng thoải mái nhất là tiếng Việt. Vì thế, việc nghiên cứu văn học Việt Nam ở UC Berkeley rất khác với bất kỳ đâu ở Mỹ. Trong môi trường khác thường và năng động đó, mùa thu vừa qua tôi đã theo khóa học “Truyện Kiều và các chị em của nó”. Tôi quan tâm đến văn học Việt Nam đã khá lâu, kể từ lần đầu đến Việt Nam làm việc năm 1997. Nhưng mối quan tâm này chỉ trở nên rõ rệt vào hai năm trước, khi với tư cách sinh viên MA về nghiên cứu châu Á tại Đại học Cornell, tôi có dịp may được theo học nhà Việt Nam học nổi tiếng, nhà sử học, giáo sư Keith W. Taylor. Chúng tôi đã đọc các tác phẩm của Nguyễn Du, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái
- Tuy nhiên, khóa học đó mang tên Văn học Việt Nam qua bản dịch - tức là chương trình được dạy bằng tiếng Anh với những văn bản đã được dịch ra tiếng Anh. Như vậy, tiếng Anh là ngôn ngữ trung chuyển để học văn học Việt Nam ở Mỹ. Điều này khiến việc đọc các văn bản tiếng Anh gặp mấy hạn chế sau: 1) Tiếng Anh và tiếng Việt là hai thứ tiếng khác nhau về lịch sử và quá trình phát triển; 2) Để hiểu được nền văn học này phải dựa vào các bản dịch; 3) dịch không phải là một quá trình tương đương, nghĩa là việc chuyển từ một thứ tiếng này sang một thứ tiếng khác không bao giờ là một đối một; và 4) Việc dịch văn học ở Mỹ bị chi phối bởi thị trường - văn học nào bán được thì mới được dịch. Như vậy, văn học được giảng dạy tại Cornell bị quy định bởi a) các bản dịch tiếng Anh và b) sự lựa chọn loại văn học được dịch để bán được ở nước ngoài. Thí dụ về những hạn chế tôi vừa nói thì có đầy (và có thể chứa cả một thư viện). Chẳng hạn, tiếng Anh nói “cỏ luôn xanh hơn ở bờ bên kia”, câu sát nghĩa trong tiếng Việt là “đứng núi này trông núi nọ”. Hoặc tiếng Anh nói “đặt cỗ xe trước con ngựa” thì tiếng Việt là “đặt cái cày trước con trâu”. Thực tế, một trong những báo cáo tôi viết cho khóa học ở Cornell là xem xét cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh qua bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh. Ngay đầu đề sách đã có sự khác biệt kinh khủng. Trong khi ở Việt Nam, Nỗi buồn chiến tranh còn có tên gọi khác là Thân phận của tình yêu, thì ở phương Tây nó chỉ là Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War). Hai thí dụ nêu trên là nói đến những sai khác về lịch sử, văn hóa và quỹ đạo địa lý, còn bây giờ xin nói đến sự tác động của thị trường. Ở phương Tây một thực tế đáng buồn là sự liên tưởng kéo dài giữa Việt Nam và cuộc chiến tranh Mỹ. Trong khi chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm, nó vẫn tiếp tục được coi là một công cụ thị trường mạnh mẽ để tạo
- ra những ranh giới cho việc thể hiện nghệ thuật hình ảnh Việt Nam ở những nơi như nước Mỹ. Đúng là đã có những bước tiến lớn trong 15 năm qua, nhưng ai còn hoài nghi về thói quen dai dẳng của người phương Tây thì chỉ cần xem bộ phim mới đây của Mel Gibson Thời chúng tôi là lính (We were Soldiers), tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại Tình yêu sau chiến tranh (Love after war) do Hồ Anh Thái và Wayne Karlin biên soạn, hay cả bộ phimBa mùa mà mạch chính là chuyện một cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam. Điều tôi muốn nói ở đây không phải là sự nấn ná ở chiến tranh. Thay vào đó, tôi muốn bàn đến những hạn chế chúng tôi vấp phải khi buộc phải dựa vào bản dịch. Những hạn chế đó là không tránh khỏi (mặc dù điều này không làm giảm giá trị công việc của dịch giả hoặc nghệ sĩ); chúng chỉ là những thực tế mà độc giả buộc phải chấp nhận. Thực tế đó là việc đọc những nền văn học còn ít được biết đến ở Mỹ; ít sinh viên đại học có khả năng đọc được văn học Việt Nam bằng nguyên bản(2). Đến đây tôi quay lại ý đã nói ở đầu bài. Khi tôi dự khóa học “Truyện Kiều và các chị em của nó” tại UC Berkeley, những hạn chế của việc dịch như tôi vừa nói trên đây, đã được dỡ bỏ. Sinh viên ở lớp học này đã có trình độ đọc được văn bản bằng tiếng Việt. Thực tế, khóa học này được ghi danh với tên gọi “Lớp di sản” do phần đông người học là con cái người Việt, tiếng Việt đối với họ là bản ngữ. Tôi đã học tiếng Việt đúng giọng bản ngữ với một thầy giáo Việt Nam và các sinh viên con cháu người Việt (phần đông họ tự coi mình là người Việt). Lớp này không dạy bằng phiên dịch, ít nhất không có thêm một người Việt nào khác để dựa vào khi đọcKiều (vì sợ chúng tôi quên rằng nguyên tác của nó là chữ Nôm). Học như thế được tự do thoải mái, chúng tôi không đặt ra những câu hỏi đại loại “Văn bản Việt Nam này nói gì?”
- hay “Tác giả viết cái gì?”. Câu chữ của ông nằm trước mặt chúng tôi - và tất nhiên cả lớp có thể hiểu được những câu chữ đó. Chương trình khóa học bắt đầu với việc đọc cùng lúc Truyện Kiều và Phong tình cổ lục. Tiếp đó chúng tôi đọc Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, ba truyện ngắn Kiếm sắc, Vàng lửa và Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp. Thậm chí chúng tôi còn đọc hai truyện ngắn của tác giả Dương Nghiễm Mậu là Cái chẹt cửa và Nhan sắc. Đây là lần đầu tiên tôi có dịp đọc tác phẩm của một nhà văn miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Khóa học chỉ kéo dài mười lăm tuần, vì vậy những hạn chế trong danh sách đọc này là sự phản ánh của thời gian hơn là khả năng của lớp học. Tôi chắc độc giả đang đọc bài viết của tôi sẽ nói ngay, mà có lẽ hoàn toàn đúng, rằng “Anh quên mất là ”. Tôi chỉ có thể đáp lại rằng lớp học này, cũng như phần đông các lớp khác, là nghiên cứu các thí dụ, mở ra một khung cửa đi vào văn học. Và sau cùng, cái mà lớp học này đưa lại, đó là hành trình khởi đi từ Truyện Kiều vì nó được học đầu tiên, tư tưởng, nhân vật, luân lý, thơ ca của tác phẩm đó có một vị trí vững chắc ở xứ sở chúng tôi gọi là Việt Nam. Hơn thế, khi đi theo con đường riêng này, lớp học đã có khả năng tham dự vào một dự án lớn hơn: hành trình biến đổi của văn học Việt Nam hơn 190 năm qua! Xuyên suốt văn học Việt Nam thế kỷ XIX, như được phản ánh qua Truyện Kiều và Lục Vân Tiên, chúng tôi thấy ra ba đề tài chính. Thứ nhất, tầm quan trọng của thơ, đặc biệt thể lục bát và song thất lục bát. Khi mà chữ quốc ngữ chưa phổ biến, chữ Hán vẫn còn là quy phạm thì thơ là cách “đơn giản” giúp mọi người ghi nhớ. Thứ hai, hai truyện thơ kể trên chịu nhiều ảnh hưởng của lịch sử và văn học Trung Quốc. Thứ ba, cả hai
- tác phẩm đều chủ yếu nói về tầng lớp trên, nông dân chỉ giữ vai trò thứ yếu. Chúng tôi cũng thấy được những điểm khác biệt cơ bản giữa hai truyện thơ này. Trong khi nhân vật của Lục Vân Tiên được xác định rõ tốt xấu thì nhân vật của Truyện Kiều mờ hơn về mặt luân lý. Vấn đề tốt xấu không quan trọng bằng vấn đề nhân vật có đáng thiện cảm hay không. Đọc Bỉ vỏ của Nguyên Hồng chúng tôi thấy văn học phản ánh những năm 1930 và đầu những năm 1940 và ảnh hưởng của Pháp trong đời sống văn học Việt Nam. Truyện được kể bằng văn xuôi. Mọi người không còn phải dựa vào những câu truyện dễ nhớ nữa (ơn chúa, cuốn truyện chỉ dài hơn 200 trang nên công việc cũng vừa phải). Nhân vật chính tên Tám Bính xuất thân nghèo khổ, bình dân. Đạo Thiên chúa có một vai trò ở đây, tuy không phải trung tâm, nhưng cho thấy ảnh hưởng của phương Tây lúc bấy giờ trong xã hội Việt Nam. Bước tiếp theo của khóa học đi vào một vùng mới mẻ - văn học Nam Việt Nam trước 1975. Tác giả được chọn, Dương Nghiễm Mậu, là sự hội tụ của những sự kiện lớn của lịch sử Việt Nam hiện đại: từ Bắc vào Nam năm 1954 khi 18 tuổi, ông thể hiện rõ ràng những vấn đề của các nhà văn Nam Việt Nam thời kỳ này. Hơn thế, hai truyện Nhan sắc và Cái chẹp cửa tiêu biểu cho một loại văn học chịu ảnh hưởng sâu sắc của tiền nhân, trong trường hợp này là Truyện Kiều, nhưng ở giữa dòng xoáy thay đổi. Một số nhân vật chính trong cả hai truyện thực tế là lấy từ Kiều - Thúc Sinh, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều. Tuy nhiên, các nhân vật và quan hệ của chúng lại bị chi phối bởi các nguyên tắc khác: họ là phản ánh của những cá nhân tiền thuộc địa. Như truyện Nhan sắc mở đầu bằng cảnh Từ Hải đái vào chén uống nước rồi hắt vào mặt một viên quan hống hách, hành động đó không thể có được trong văn học thời Nguyễn Du. Đây là thế giới mà sự hiện đại hóa
- đang làm đảo lộn xã hội tồn tại lâu nay. Truyện dường như cho thấy nền tảng xã hội Việt Nam ở miền Nam phải vật lộn để sống còn giữa ảnh hưởng dữ dội của phương Tây (đọc là Mỹ). Cuối cùng là ba truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp: Vàng lửa, Kiếm sắc và Phẩm tiết. Các truyện này được đưa vào khóa học để kết thúc việc giới thiệu các công trình về lịch sử và văn học Việt Nam vì chúng được viết đầu thời kỳ đổi mới. Các nhân vật của Thiệp ở đây lại có bóng dáng Truyện Kiều. Khung cảnh lịch sử của truyện là thời Tây Sơn và nhà Nguyễn. Và tác giả mở đầu hành trình học của chúng tôi hiện ra là nhân vật chính. Vượt qua việc khai thác lại lịch sử Việt Nam thông qua các nhân vật này, Thiệp dường như muốn tháo cởi các khái niệm đúng sai, tốt xấu, đen trắng. Ý đồ của Thiệp gợi ra câu hỏi: tác phẩm của ông có phải là của một nhà văn hậu hiện đại không? Tuy nhiên khi đã đọc Truyện Kiều bằng tiếng Việt, cả lớp thấy không dễ mà trả lời câu hỏi đó. Trong khi Thiệp có lẽ có những yếu tố của một nhà văn “hậu hiện đại, hậu cấu trúc”, thì cũng phải thấy là những nhân vật của Nguyễn Du mà Thiệp dùng làm cơ sở cho các truyện của mình, cũng không phải được khắc họa theo kiểu trắng đen mà là có cả hai - không tốt cũng không xấu, không đúng cũng không sai. Bài viết này của tôi, như đã nói, gồm ba điểm. Thứ nhất, nêu qua việc dạy văn học Việt Nam ở Mỹ. Thứ hai, soi rọi một vài vấn đề mà các sinh viên ngành Việt Nam học vấp phải, kể cả những hạn chế của việc dịch thuật. Thứ ba, trình bày chung về chương trình văn học Việt Nam dạy ở Mỹ cho những người nói và đọc tiếng Việt. Đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam học ở Mỹ (nói chung là ở ngoài Việt Nam), văn học có thể nói là phương diện ít được tìm hiểu nhất của Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Lý do của việc này là: thiếu sự đào tạo
- ngôn ngữ để học văn học, hạn chế của việc dịch thuật, thiếu các chuyên gia đầu ngành và ít lớp học. Các môn như sử học, chính trị học, nhân loại học và kinh tế học, tuy khó, nhưng có hệ thống thuật ngữ mà khi đã nắm được thì việc đọc sách là tương đối dễ. Văn học thì không thế. Nhưng tôi vẫn tin tưởng sâu sắc rằng các nhà văn và nhà nghiên cứu ở cả hai bờ đại dương sẽ có khả năng ngày càng chia sẻ và trao đổi được với nhau. Hơn thế, tôi tin Việt Nam có thể là cột mốc cho sự trao đổi nghệ thuật khi văn học/ nghệ thuật trở thành bộ phận tiên phong cho sự phát triển các quan hệ đối ngoại. Trong khi cuộc chiến tranh của Mỹ vẫn còn được coi là hòn đá tảng cho sự nhận thức về Việt Nam, điều này không nên hiểu như là vấn đề hay điểm yếu, mà là xuất phát điểm để nắm bắt và tạo ra những mối quan tâm mới đến Việt Nam ở nước ngoài./.