Hoạt động du lịch vùng Huế trước năm 1975

pdf 12 trang phuongnguyen 6780
Bạn đang xem tài liệu "Hoạt động du lịch vùng Huế trước năm 1975", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhoat_dong_du_lich_vung_hue_truoc_nam_1975.pdf

Nội dung text: Hoạt động du lịch vùng Huế trước năm 1975

  1. 42 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 VĂN HÓA - LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VÙNG HUẾ TRƯỚC NĂM 1975 Phan Thuận An* So với phương Tây, hoạt động du lịch và nhất là tổ chức của ngành du lịch ở phương Đông ra đời muộn hơn nhiều. Ở Việt Nam nói chung ở Huế nói riêng, hoạt động du lịch cũng chỉ mới manh nha sau khi theo bước chân xâm lược của người Pháp đến nước ta vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, và tổ chức du lịch được hình thành một cách chính thức sau khi thực dân Pháp thiết lập xong nền đô hộ trên toàn cõi Đông Dương vào những năm đầu thế kỷ XX. Từ đó trở đi, nhằm khai thác kinh tế đối với vùng đất vốn giàu tiềm năng văn hóa và thắng cảnh thiên nhiên tại xứ thuộc địa này, người Pháp đã hoàn thiện dần bộ máy phục vụ du lịch từ trung ương đến địa phương. Nhưng, kể từ năm 1945 đến năm 1975, Việt Nam bị lâm vào hai cuộc chiến tranh khốc liệt và tình hình an ninh bất ổn, cho nên ngành du lịch trong nước nói chung, ở Thừa Thiên Huế nói riêng dù muốn cũng khó phát triển được. I. Từ khái niệm về du lịch ngày xưa đến hoạt động du lịch ở Huế dưới triều Nguyễn Nếu hiểu theo ý nghĩa chính thức và chặt chẽ của từ du lịch hiện nay thì có thể nói ngày xưa, dưới các triều đại quân chủ, các hoạt động du lịch diễn ra một cách hạn hẹp và thưa thớt, chỉ giới hạn trong đời sống của vua chúa, quan lại và tao nhân mặc khách. Đương nhiên là các hoạt động du lịch ấy đều mang tính tự phát, lẻ tẻ và ngẫu hứng tùy theo hoàn cảnh, địa vị và điều kiện của mỗi người, chứ chưa trở thành một nhu cầu văn hóa tinh thần như trong đời sống xã hội hiện nay. Để chỉ các sinh hoạt như thế, người xưa thường dùng các từ vân du, ngao du, nhàn du, du lãm, du quan, du ngoạn v.v , trong đó đều có từ “du”, nghĩa là đi chơi. Đối với đại đa số dân chúng ngày xưa, khái niệm du lịch chỉ là: Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Còn việc du lịch của các vua chúa và quan lại bấy giờ thì đều có mang ít nhiều tính chính trị, ngoại giao và “thăm dân cho biết sự tình”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng từ tháng 3 đến tháng 11 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã “vân du các nơi, sang Chiêm Thành”.(1) Chuyến “vân du các nơi” suốt 8 tháng ấy đã mang lại cho hai nước Việt - Chiêm sự hữu hảo về mặt ngoại giao và sẽ tạo nên mối hôn nhân đầy chất sử thi giữa công chúa Huyền Trân và quốc vương Chế Mân năm 1306. Đối với quan lại, khi còn tại chức, họ thường thực hiện việc du lịch bằng cách kết hợp với những chuyến đi công cán trong nước hoặc lợi dụng thời gian tham gia vào các sứ bộ đi ra làm việc ở ngoại quốc. Và, trong giai đoạn cuối đời, khi lui về vui thú điền viên, họ thường có thời gian thong thả và điều kiện thuận tiện để ngao du sơn thủy với bầu rượu túi thơ. * Thành phố Huế.
  2. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 43 Lịch sử và văn học thời tiền chiến đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm thơ văn và hành trình nhật ký có giá trị của các vua quan Việt Nam khi họ đi du lãm, xúc cảnh sinh tình và ghi chép những điều mới lạ mắt thấy tai nghe. Chẳng hạn như vua Thiệu Trị (1841-1847), tuy chỉ làm vua trong 7 năm và hưởng dương được 40 tuổi (1807-1847), nhưng đã đi thăm thú hầu hết các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử trên địa bàn kinh đô Huế. Miền núi Ngự sông Hương vốn là nơi sơn kỳ thủy tú, là chốn sơn thủy hữu tình. Nhà vua, một thi nhân uyên bác và một tâm hồn nhạy cảm, đi du lãm đến đâu cũng đều xúc cảnh sinh tình, xuất khẩu thành thơ để ca ngợi mảnh giang sơn gấm vóc ở chốn đế đô thơ mộng. Những điểm tham quan du lịch hấp dẫn nhất bấy giờ ở vùng Huế đã được vua Thiệu Trị chọn lọc, đề vịnh, ca ngợi và sắp xếp thành một tập thơ, nhan đề là Thần kinh nhị thập cảnh, nghĩa là hai mươi thắng cảnh ở đất Thần kinh.(2) Trong số các vua triều Nguyễn, vua Khải Định (1916-1925) là người đi du lịch nhiều nhất, chẳng những ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Ngay từ khi còn là hoàng tử, ở tuổi 25, ông đã mở một chuyến Nam du để tham quan Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Đức, Biên Hòa Ông lên ngôi vào tháng 5/1916. Sau đó 2 tháng, nhà vua liền mở một chuyến du lãm các thắng cảnh từ Huế đến đèo Hải Vân. Tháng 9 năm ấy, nhà vua “ngự giá” đi tỉnh Quảng Nam(3) để tham quan Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, mỏ vàng Bông Miêu Sau đó gần hai năm, vào mùa hè năm 1918, nhà vua mở cuộc tuần du dài ngày hơn ở các tỉnh thành phía bắc kinh đô Huế. Vua đi tham quan một số cơ sở sản xuất, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử ở Quảng Trị; Đồng Hới, Lũy Thầy (Quảng Bình); Đèo Ngang, Hà Tĩnh (đến biên giới Lào); Vinh (Nghệ An); bái yết lăng miếu tổ tiên nhà Nguyễn ở Gia Miêu Ngoại Trang, thăm Phố Cát (Thanh Hóa); Văn Miếu, Trường Viễn Đông Bác Cổ, Nhà Hát Lớn (Hà Nội); Sơn Tây; Bắc Ninh; Bắc Giang; hang động Kỳ Lừa, Nhị Thanh, Tam Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn); Hải Dương; Hải Phòng; vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (4) Hai năm sau, vào tháng 8/1920, nhà vua lại “ngự giá” vào Đà Nẵng để xem các chiến hạm của Pháp đang đậu tại đó.(5) Vào năm 1922, nhân cuộc “Đấu xảo thuộc địa” được tổ chức tại Marseille, trong đó có sự tham gia của Việt Nam, và nhận lời mời của Khâm sứ Trung Kỳ Pierre Pasquier, vua Khải Định đã đáp tàu thủy qua Pháp tham dự, rồi đi thăm thú nhiều nơi, kể cả việc đến xem 52 di vật có giá trị lịch sử rất cao liên quan tới thời Gia Long tại Hội Địa lý Pháp ở Paris.(6) Chuyến du hành qua Tây của nhà vua đã kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 năm ấy, và đã được ghi chép lại trong quyển Ngự giá như Tây ký.(7) Nhưng đáng để ý nhất trong các chuyến du lịch của vua Khải Định là chuyến “tuần tỉnh quan phong” của nhà vua vào mùa hè năm 1916. Trong dịp này, chính nhà vua đã phát hiện ra địa điểm du lịch nghỉ mát Lăng Cô (cách Huế 66,5km về phía nam). Khi dừng chân tại đây, nhà vua đã nhận ra và đánh giá cao địa điểm nghỉ mát lý tưởng này cũng như các cảnh đẹp tự nhiên ở bốn bề chung quanh: Phía bắc là cửa biển Cảnh Dương (ở mũi Chân Mây), phía nam là Hải Vân Quan (ở núi Hải Vân), phía tây là núi Phú Gia chập chồng, mờ ảo trong mây khói và phía đông là sóng nước đại dương mênh mông, trong lành và gió mát. Chính tại điểm ngắm đó bên bờ biển, nhà vua đã hưởng được những ngày nghỉ thú vị và cảm thấy hưng phấn từ thể xác đến tinh thần.
  3. 44 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 Sau khi trở lại Hoàng cung Huế, vua Khải Định liền ban lệnh cho Bộ Công đưa vật liệu về Lăng Cô xây dựng một “hành cung” để nhà vua về nghỉ mát vào mùa hè, và thỉnh thoảng còn rước hai bà mẹ là bà Thánh Cung (mẹ đích) và bà Tiên Cung (mẹ ruột) về đây hóng mát và ngắm cảnh. Nhà vua đã đặt tên cho hành cung này là “Tịnh Viêm” (nghĩa đen là làm dịu sự nóng nực). Sau đó gần 3 năm, cũng trong một dịp đứng ở điểm du lịch và nghỉ mát này, nhà vua lại xúc cảnh sinh tình và đã viết một bài văn có giá trị về văn học. Áng văn ngự chế ấy đã được khắc vào bia đá, dựng ở Lăng Cô để kỷ niệm, nay vẫn còn tại chỗ.(8) Về các thực thể địa lý và thắng cảnh đã được tác giả mô tả trong bài văn bia, chúng ta đều có thể kiểm chứng và cảm nhận rất rõ trên thực địa. Hiện nay, khu nghỉ mát Lăng Cô ngày càng phát triển, được ngành du lịch phát huy giá trị một cách có hiệu quả và đã trở nên nổi tiếng. Thiết tưởng cần nói thêm ở đây rằng 16 năm sau khi vua Khải Định phát hiện ra khu nghỉ dưỡng Lăng Cô, thì khu nghỉ mát và du lịch sinh thái Bạch Mã mới được ông Girard, một người Pháp, phát hiện vào năm 1932, và sau đó mấy năm mới đưa vào khai thác và phát huy tác dụng. Dù sao đi nữa, dưới triều Nguyễn, ngành du lịch cũng chưa được hình thành một cách chính thức, mà chỉ “gặp chăng hay chớ”. Thỉnh thoảng, nếu có vị khách ngoại quốc nào đó, phần lớn là người Pháp, đến Huế muốn đi tham quan Hoàng cung hoặc lăng tẩm các vua thì một vị quan ở Bộ Lễ hoặc quan Chánh, Phó sứ Hộ lăng được triều đình giao nhiệm vụ hướng dẫn và thuyết minh. Họ làm công việc này một cách nghiệp dư, thậm chí là rất yếu. Một chứng nhân kể lại rằng có một lần vào năm 1907, có hai chuyên gia Hán học người Pháp đến Huế. Khi họ vào tham quan Hoàng cung thì được chính vị Thượng thư Bộ Lễ của Nam triều bấy giờ đưa đi. Khi dừng chân ở sân điện Cần Chánh, một người Pháp đã hỏi vị Thượng thư rằng có phải hai cái vạc đồng đặt hai bên sân này đã được đúc cùng một lần với Cửu đỉnh đặt ở sân Thế Miếu hay không? Vị Thượng thư trả lời rằng: “Phải”.(9) Câu trả lời của vị Thượng thư là thiếu chính xác, vì thực ra, hai cái vạc đồng và chín cái đỉnh đồng đã được đúc cách nhau trên dưới 175 năm. Ngay ở miệng của cái vạc thứ nhất có khắc niên đại “Thịnh Đức bát niên” tức là năm 1660, và của cái vạc thứ hai có khắc niên đại “Thịnh Đức thập niên”, tức là năm 1662(*). Mãi đến ngày nay, chúng ta vẫn còn đọc rất rõ hai niên đại ấy trên hiện vật. Trong khi đó thì ở phần cổ của chín cái đỉnh đồng đều có khắc dòng chữ “Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi chú”, nghĩa là đúc vào năm Ất Mùi, Minh Mạng thứ 16, tức là năm 1835.(10) Như vậy, vị Thượng thư Bộ Lễ đã không quan tâm để phân biệt hai niên đại khác nhau: Trong khi hai cái vạc được đúc vào những năm 1660 và 1662 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần thì chín cái đỉnh được đúc vào năm 1835 dưới thời vua Minh Mạng. Từ “Phải” của vị Thượng thư có hại ít nhiều cho quốc thể, vì các vị khách đều giỏi chữ Hán và tất nhiên là đọc được niên đại đúc những đỉnh và vạc đồng ấy. II. Du lịch ở Huế thời Pháp thuộc Sau khi chiếm được kinh đô Huế (1885), Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh ngày 3/2/1886 thiết lập Tòa Khâm sứ Trung Kỳ (Résidence Supérieure de l’Annam) * Thịnh Đức là niên hiệu của vua Lê Thần Tông, từ 1623-1658, sau đó là Vĩnh Thọ: 1658-1662. Các chúa Nguyễn ở Đàng Trong thường không theo kịp việc thay đổi niên hiệu của các vua Lê ở Đàng Ngoài. BBT.
  4. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 45 đóng tại bờ nam sông Hương. Một năm sau, Tổng thống Pháp lại ký sắc lệnh ngày 17/10/1887 thành lập Liên bang Đông Dương,(11) đóng thủ phủ tại Sài Gòn. Tất nhiên, Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ở dưới quyền của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Những năm cuối thập niên 1880 là thời điểm thực dân Pháp bắt đầu chính sách khai thác mọi loại tài nguyên kinh tế ở xứ thuộc địa này. Từ đó trở đi, bộ máy hành chính tại Đông Dương nói chung, Trung Kỳ nói riêng, được tổ chức ngày càng chặt chẽ và có hệ thống. Trong cơ cấu tổ chức của Phủ Toàn quyền Đông Dương, có một cơ quan gọi là “Sở nghiên cứu các vấn đề về kinh tế” (Service des Affaires Économiques) được thành lập vào ngày 21/12/1911. Trực thuộc cơ quan này, có một bộ phận mang tên là “Cục Du lịch và Tuyên truyền Đông Dương” (Office Indochinois du Tourisme et de la Propagande).(12) Đồng thời, trong cơ cấu tổ chức của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đóng tại kinh đô triều Nguyễn, có thiết lập một phòng liên quan đến vấn đề đang đề cập là Phòng Du lịch Trung Kỳ (Bureau Officiel du Tourisme en Annam). Phòng Du lịch này nằm ngay bên trong khuôn viên của Tòa Khâm sứ (Nay là địa điểm của Trường Đại học Sư phạm Huế). Sau một thời gian tiếp cận với các nước Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, người Pháp nhận ra rằng đây là vùng đất có lịch sử lâu đời, có nhiều di sản văn hóa đặc biệt và nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hấp dẫn. Do đó, vào ngày 9/11/1921, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã thành lập Ủy ban Danh thắng (Commission des Sites). Ủy ban này có nhiệm vụ tư vấn cho Toàn quyền Đông Dương về những vấn đề liên quan đến việc bảo tồn và khai thác các danh lam thắng cảnh cũng như các di tích kiến trúc nghệ thuật trên toàn cõi Đông Dương. Hoạt động của Ủy ban được đặt dưới sự chỉ đạo của Toàn quyền với sự tham gia của các cơ quan chức năng như Cục Du lịch và Tuyên truyền, Trường Viễn Đông Bác Cổ.(13) Sau đó gần hai năm, vào ngày 17/7/1923, Phủ Toàn quyền còn thành lập Ủy ban Trung ương Du lịch Đông Dương (Comité Central du Tourisme) với nhiệm vụ tư vấn cho Toàn quyền về ngành du lịch, việc bảo Xe kéo của du khách trước cửa Hiển Nhơn (1914) tồn các danh thắng, tổ chức các khu nghỉ mát, xây dựng các khách sạn, các công viên. Ủy ban này cũng do Toàn quyền đứng đầu với các thành viên gồm Thủ hiến các xứ, Giám đốc Tài chính, Thanh tra Công chính, Cục trưởng Cục Du lịch và Tuyên truyền, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (14) Cục Du lịch và Tuyên truyền Đông Dương được hoàn chỉnh về tổ chức bằng một nghị định do Toàn quyền tại đây ký ngày 3/4/1928. Vẫn trực thuộc Văn phòng Phủ Toàn quyền, Cục này chuyên trách hai công tác chính là tổ chức du
  5. 46 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 lịch (như khai thác hệ thống khách sạn, tổ chức các tuyến điểm du lịch, phát hiện và bảo tồn các di tích danh thắng ) và tuyên truyền về vùng Đông Dương ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau.(15) Bấy giờ, tuyệt đại đa số các du khách đến Đông Dương nói chung, vùng Huế nói riêng, đều là người phương Tây, đặc biệt là người Pháp. Thật ra, du khách phương Tây đã đến đây từ nhiều thế kỷ trước đó, nhưng phần lớn với tư cách là giáo sĩ Thiên chúa giáo, nhà ngoại giao, thương gia, sĩ quan Họ thường để lại hành trình nhật ký của mình, trong đó họ ghi chép những gì mắt thấy tai nghe và cảm nhận của họ về đất nước và con người ở những nơi mà họ đi qua. Chẳng hạn như ngay vào thế kỷ XVII đã có giáo sĩ Cristophoro Borri (1583-1632) với quyển Xứ Đàng Trong năm 1621,(16) giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660) với quyển Divers Voyages et Missions (Hành trình và Truyền giáo) (17) Đến thế kỷ XIX thì có nhiều người Pháp đến Việt Nam hơn. Chẳng hạn như Dutreuil de Rhins (1846-1894) đã đến kinh đô triều Nguyễn vào năm 1876 với một sứ mạng ngoại giao, nhưng ông đã ghi chép rất đầy đủ và sâu sắc về Huế trong quyển Le Royaume d’Annam et les Annamites (Vương quốc An Nam và người An Nam”;(18) Bác sĩ quân y Charles - Édouard Hocquard (1853-1911) đã đến Huế vào năm 1886 và đã mô tả khá kỹ về cảnh vật và sinh hoạt cung đình cũng như dân gian bằng chữ viết và bằng hình ảnh rất phong phú;(19) Marcel Monnier với tư cách là nhà du hành người Pháp đi khắp thế giới, đã đến thăm các nước Đông Dương, trong đó có Huế, vào năm 1898.(20) Nhưng, phải đến những thập niên đầu thế kỷ XX thì guồng máy du lịch ở Đông Dương nói chung, Huế nói riêng, mới được tổ chức một cách chu đáo. Khi du khách đến Huế, điều đầu tiên họ làm là đến tiếp xúc ngay với Phòng Du lịch Trung Kỳ tại Tòa Khâm sứ để nắm bắt mọi thông tin cần thiết liên quan đến việc tham quan thành phố và các vùng phụ cận. Phòng Du lịch chỉ dẫn cho họ biết về các khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan, khoảng cách từ trung tâm thành phố đến các điểm, thời lượng đi tham quan từng điểm, các phương tiện đi lại (xe kéo, ô tô, tàu thuyền). Khách sạn đầu tiên ở Huế đã được xây dựng vào năm 1901 ở sát đầu phía nam của cầu Trường Tiền. Đây vừa là khách sạn, vừa là nhà hàng ăn uống của một tư nhân tên là Bogaert (Người Huế bấy giờ gọi là ông Bồ Ghè). Sau cơn bão năm Thìn (1904), nó bị hư hỏng một phần, ông Bogaert chuyển nhượng khách sạn này cho ông A. Guérin. Người chủ mới cho cải tạo khách sạn thành to lớn hơn và đặt tên là “A. Guérin - Khách sạn Morin năm 1930 Grand Hôtel de Hué”. Đến năm 1907, nó được bán lại cho ba anh em thuộc gia đình Morin, cho nên đổi tên thành “Khách sạn Morin Frères”, thường gọi tắt là Khách sạn Morin.(21) Khách sạn thứ hai ở Huế bấy giờ là Khách sạn Ga (Hôtel de la Gare). Ga tàu hỏa ở Huế được xây dựng xong vào năm 1906. Qua năm 1907, tuyến tàu
  6. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 47 hỏa Huế - Đà Nẵng (105km) bắt đầu khai trương. Năm 1908, tuyến tàu hỏa Huế - Quảng Trị (57km) cũng khởi sự hoạt động. Để phục vụ cho du khách đi tàu hỏa ghé lưu trú một thời gian ngắn tại Huế, bấy giờ người ta cũng xây dựng một khách sạn ngay trước mặt nhà ga, gọi là Khách sạn Ga (do nhà thầu khoán Thái Thị Tứ đầu tư xây dựng và quản lý).(22) Sau đó một thời gian, còn có thêm hai khách sạn Hương Bình và Hương Giang ở đường Paul Bert (nay là đường Trần Hưng Đạo). Quyển sách giới thiệu và tuyên truyền du lịch chính thức đầu tiên về Trung Kỳ nói chung, Huế nói riêng là quyển Guide de l’Annam của Philippe Eberhardt, được in tại Paris năm 1914. Chức vụ của tác giả được đề trên bìa sách là “Délégué du Tourisme Colonial” (Ủy viên Du lịch Thuộc địa). Ông cũng là thầy dạy tiếng Pháp cho vua Duy Tân (1907-1916), sống nhiều năm ở Huế. Ông có kiến thức khá đầy đủ và sâu sắc về miền núi Ngự sông Hương. Trong sách ấy có viết rằng: “Nay là lúc các du khách bắt đầu tăng lên mỗi năm một nhiều trên các chiếc tàu đi Viễn Đông, cần làm ra những sách hướng dẫn để họ đến tham quan thuộc địa của chúng ta bằng những phương cách tiện lợi nhất, và chỉ trong một thời gian hạn chế, nhưng thu được những hiểu biết chính xác và rõ ràng về cả phương diện lịch sử và kinh tế lẫn vẻ đẹp của các phong cảnh”.(23) Sách dày 172 trang. Tác giả đã dành đến 1/2 dung lượng ấy để giới thiệu về du lịch vùng Huế. Lý do cũng dễ hiểu, vì dù sao đi nữa, trên danh nghĩa, Huế bấy giờ vẫn là kinh đô của cả nước, còn giữ được diện mạo vàng son đầy hấp dẫn của nó. Sau khi khảo cứu sử sách và khảo sát thực địa một cách kỹ lưỡng, ông đề xuất một chương trình tham quan để du khách đi thăm Huế và vùng phụ cận trong 6 ngày. Trong từng ngày, buổi sáng, buổi chiều, đi đâu, bằng phương tiện gì, đều đưa ra các điểm tham quan rất chặt chẽ và hợp lý. Trong sách còn có những bản đồ, sơ đồ và nhiều ảnh chụp rất có giá trị dùng để minh họa cho lời giới thiệu một cách cụ thể và rõ ràng. Tác giả cung cấp cho du khách những thông tin vừa khái quát, vừa rạch ròi về các khu vực tham quan, như Một số tập gấp giới thiệu du lịch thời Pháp thuộc Kinh Thành, Hoàng Thành, lăng tẩm các vua, các danh lam thắng cảnh, các khu phố cổ (kể cả những chùa Tàu ở Gia Hội), các nhà máy công nghiệp (Nhà máy nước Vạn Niên, Nhà máy vôi Long Thọ ), nghĩa là các danh thắng nằm từ vùng gò đồi phía tây nam Huế đến cửa biển Thuận An. Riêng về phần giới thiệu “tour” tham quan Hoàng cung Huế (Le Palais du Roi) trong một buổi sáng, ông đã dành ra đến 15 trang, trong đó có một sơ đồ phần phía nam của Hoàng Thành với vị trí các cung điện mà du khách được phép tham quan, và 11 ảnh minh họa, nhằm chỉ dẫn cho du khách đường đi
  7. 48 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 nước bước cũng như các chi tiết quan trọng và cần thiết khác liên quan đến tour du lịch này. Trong đoạn chỉ dẫn chung, P. Eberhardt cho biết rằng: “Muốn được vào thăm Hoàng cung Huế, du khách phải trình cho người gác cổng Hoàng thành một cái thẻ vào cửa (une carte d’entrée) do ông Chánh văn phòng của Khâm sứ xét cấp trước đó. Thẻ có ghi tên du khách và phải trao cho người phụ trách điếm canh ở cổng thành mà du khách đi vào. Lệnh cấm của điếm canh này là du khách không được đem trẻ con nhỏ tuổi theo và không được đưa xe kéo vào. Người ta cũng cấm dắt chó theo. Về xe kéo, có thể nhờ lính gác cổng giữ hộ và đưa đến trả lại cho du khách ở cổng ra (khách đi vào bằng cửa Hiển Nhơn, về sau là bằng cả cửa Ngọ Môn, và đi ra bằng cửa Chương Đức) Một Du khách phải cởi giày khi vào tham quan điện Đại Hùng, chùa Thiên Mụ (1955) điều cần lưu ý nữa là nếu du khách dẫn theo mình những người châu Á thì lính gác cổng đòi hỏi họ phải có giấy phép đặc biệt, thường họ bị từ chối không cho vào”.(24) Bấy giờ, những thập niên đầu thế kỷ XX, tuy chủ quyền của đất nước đã mất vào tay thực dân Pháp, nhưng phần lớn sinh hoạt lễ nghi truyền thống của triều Nguyễn trong Hoàng Thành vẫn giữ được tính nghiêm túc, và cuộc sống của hoàng gia trong chốn thâm cung vẫn được bảo mật để tránh những cặp mắt hiếu kỳ từ bên ngoài dòm ngó vào. Cho nên, phạm vi tham quan của du khách đã được triều đình giới hạn từ điện Cần Chánh và điện Phụng Tiên trở ra phía trước Hoàng Thành mà thôi, bao gồm: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, phủ Nội Vụ, Thái Miếu, Triệu Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu và điện Phụng Tiên. Ngoài ra, để tuyên truyền mạnh hơn cho hoạt động du lịch ở Huế, chính quyền Pháp bấy giờ đã biên soạn và phát hành nhiều ấn phẩm thuộc loại sách mỏng (brochure) hoặc tập gấp (dépliant). Cụ thể nhất là: - Vào năm 1931, Cục Du lịch Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ấn hành quyển Hué ville impériale (Huế, thành phố hoàng gia) cỡ 21x33cm, dày 22 trang, gồm lời giới thiệu, 14 ảnh minh họa và 4 sơ đồ hướng dẫn du lịch.(25) - Vào năm 1935, Phòng Du lịch Trung Kỳ đóng tại Tòa Khâm sứ Huế ấn hành một loạt tập gấp, mỗi tập giới thiệu một hoặc hai tỉnh thuộc miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Cao nguyên Trung phần, như Kontum, Pleiku, Đồng Nai Thượng, Đà Lạt; trong số đó có một tập dành riêng để giới thiệu về du lịch tỉnh Thừa Thiên. Tập gấp cỡ 23x11cm, gồm 8 trang, trong đó có ba sơ đồ, nhưng phần lớn là lời giới thiệu, cung cấp những thông tin cần thiết cho du khách khi đến tỉnh này. Các tác giả của tập gấp đã đưa ra ba chương trình du lịch khác nhau (chương trình tham quan 1 ngày, chương trình tham quan 2 ngày và chương trình tham quan 3 ngày) để du khách tự ý lựa chọn tùy theo thời gian mình lưu trú tại Huế ngắn hay dài.(26) - Vào năm 1937, Phòng Du lịch Trung Kỳ ấn hành một tập gấp với nhan đề là Annam, Itinéraire de la Route Mandarine (Hành trình theo Quan lộ ở Trung
  8. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 49 Kỳ), giới thiệu chung về cuộc hành trình du lịch suốt tuyến miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Đà Lạt, Darlac, Pleiku, Kontum Tập gấp cỡ 24x12cm, gồm 8 trang, chủ yếu là vẽ con đường bộ từ đầu đến cuối miền Trung, ghi dấu những điểm cần tham quan du lịch ở các tỉnh, khoảng cách của chúng tính từ cây số 0 ở Huế ra phía bắc và vào phía nam. Trong đó có định vị và giới thiệu ngắn gọn về các danh thắng ở Huế và Thừa Thiên như Kinh Thành, lăng tẩm, núi Ngự, sông Hương, đồi Vọng Cảnh, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, chùa Túy Vân (tức là Thúy Vân hoặc Thánh Duyên), các bãi biển Thuận An, Lăng Cô, khu nghỉ mát Bạch Mã, đèo Hải Vân (27) - Cuối cùng, vào hai năm 1938 và 1939, Phòng Du lịch Trung Kỳ còn biên soạn và ấn hành 3 tập gấp giới thiệu về 3 khu lăng tẩm của 3 vua nhà Nguyễn mà bấy giờ được xem là có giá trị tiêu biểu nhất về du lịch. Đó là lăng Gia Long, lăng Tự Đức và lăng Khải Định. Mỗi tập nói riêng về một lăng. Những tập gấp này được in với cỡ 23x11cm. Mỗi tập có 6 trang, bao gồm một ảnh, một sơ đồ chỉ dẫn đường đi đến, cùng các công trình kiến trúc chính ở khu lăng và lời giới thiệu vắn tắt về nó. Phần lớn nội dung của cả 3 tập gấp này đều dựa vào quyển Guide de l’Annam của P. Eberhardt. Nhưng có điều đặc biệt là các thông tin trong 3 tập gấp ấy đều được biên soạn bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh.(28) Điều này chứng tỏ rằng vào những năm cuối thập niên 1930, du khách nói tiếng Anh đến Huế đã khá nhiều. Dù sao đi nữa, tổ chức và hoạt động du lịch của chính quyền Pháp ở Huế cũng đã bị giải thể khi xảy ra cuộc binh biến của quân đội Nhật tại Đông Dương vào ngày 9/3/1945. III. Du lịch ở Huế thời Việt Nam Cọng hòa (1955-1975) Trong giai đoạn Cựu hoàng Bảo Đại được người Pháp đưa về nước làm Quốc trưởng từ năm 1949 đến năm 1954, Phủ Thủ hiến Trung Việt đóng tại Huế có lập ra Sở Du lịch mà người đứng đầu là một Chủ sự. Chủ sự Sở Du lịch do Thủ hiến Trung Việt bổ dụng, phải là người thông thạo tiếng Pháp. Nhưng, với hiệp ước Genève được ký kết vào năm 1954 thì đất nước bị chia đôi và Pháp rút khỏi Việt Nam. Từ năm 1955 đến năm 1975, ở miền Nam thành lập chế độ Việt Nam Cọng hòa, đóng thủ đô tại Sài Gòn. Sau khi Ngô Đình Diệm truất phế Quốc trưởng Bảo Đại để lên làm Tổng thống, chính quyền Sài Gòn thành lập Nha Quốc gia Du lịch trực thuộc Phủ Tổng thống. Một công cán ủy viên của Tổng thống được cử làm Giám đốc Nha Quốc gia Du lịch với nhiệm vụ mang nặng tính chính trị và ngoại giao. Dưới Nha Quốc gia Du lịch là ba Phòng Du lịch đóng tại Huế, Đà Lạt và Sài Gòn. Phòng Du lịch Huế phụ trách vấn đề du lịch từ sông Bến Hải (Quảng Trị) vào đến Phú Yên. Phòng Du lịch Sài Gòn phụ trách từ Khánh Hòa vào hết Nam Bộ. Phòng Du lịch Đà Lạt phụ trách vùng Cao nguyên Trung phần. Tuy gọi là “phòng”, nhưng mỗi Phòng Du lịch là một cơ quan cấp phần, chứ không phải là cơ quan cấp tỉnh hay cấp thành phố. Về mặt quản lý hành chính, Phòng Du lịch Huế trực thuộc Tòa Đại biểu Chính phủ tại Miền Bắc Trung nguyên Trung phần. Từ thời Ngô Đình Diệm trở đi, Tòa Đại biểu Chính phủ tại Miền Bắc Trung nguyên Trung phần đóng tại Phủ Thủ hiến Trung Việt của thời Quốc trưởng Bảo Đại đã bị bãi bỏ (Ở địa chỉ số 5 đường Lê Lợi ngày nay).
  9. 50 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 Riêng Phòng Du lịch Huế thì đóng tại một tòa nhà ở 26 đường Lý Thường Kiệt (Số 26 nay đã được thay bằng số 30; sau năm 1975, công trình kiến trúc này đã được cải tạo, chỉ giữ lại phần nền móng, và xây dựng thêm nhà để dùng làm trụ sở của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản thuộc Sở Y tế Thừa Thiên Huế như chúng ta đang thấy hiện nay).(29) Chủ sự của Phòng Du lịch bấy giờ phải thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Mặc dù trong Phòng Du lịch có đầy đủ các hướng dẫn viên nói giỏi tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, nhưng chính người Chủ sự phải đích thân đứng ra giao tiếp và đưa các nhân vật ngoại giao quan trọng đi tham quan các di tích và thắng cảnh ở vùng Huế. Phòng có khoảng 15 nhân viên, bao gồm các hướng dẫn viên, một họa sĩ và một tài công. Tài công là người rành về cơ khí, có thể lái xe ôtô và thuyền máy. Bấy giờ, Phòng Du lịch Huế có sắm một chiếc canô dùng để đưa các khách quan trọng đi dạo trên sông Hương. Còn họa sĩ thì có nhiệm vụ vẽ các bảng quảng cáo du lịch cắm ở những nơi có đông người qua lại. Đặc biệt là ở đầu cầu Trường Tiền, phía Khách sạn Morin, có dựng một bảng bằng kim loại rất lớn, trên đó vẽ sơ đồ các di tích và danh thắng của Cố đô Huế. Từ tổng thể Cố đô đến từng cổ tích đều được thể hiện bằng chất liệu sơn với những màu sắc khác nhau rất hấp dẫn. Người họa sĩ còn có nhiệm vụ trình bày các tập sách mỏng và các tập gấp do Phòng biên soạn để quảng bá du lịch Huế. Cũng liên quan đến việc quảng bá, vào khoảng năm 1960, Nha Quốc gia Du lịch có ấn hành một tập gấp 6 trang giới thiệu chung về các di tích Huế (một bản tiếng Anh và một bản tiếng Pháp), nhưng không có ảnh. Đồng thời, Phòng Du lịch Huế ấn hành một tập sách mỏng với nhan đề Chú dẫn về Đại Nội bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Sách dày 24 trang, cỡ 15x23,5cm. Ở trang bìa 1 là bản đồ Hoàng Thành, Tử Cấm Thành và đánh số các di tích từ 1 đến 95. Tác giả sách viết lời mở đầu như sau: “Để cho du khách có một khái niệm tổng quát về Đại Nội: Đại Nội trong cảnh huy hoàng thuở trước, cũng như Đại Nội trong cảnh tàn tạ ngày nay, Phòng Du lịch Huế xin trình bày ra sau đây những lời chú dẫn giản lược, kèm theo một bản đồ đầy đủ có ghi số hiệu để tiện đối chiếu. “Riêng về Kỳ đài (cột cờ), Cửu vị Thần công và Cửu đỉnh ở Thế Miếu, thời chúng tôi có phụ chú ra phần sau tập chú dẫn này.”(30) Trong sách có in một số ảnh đen trắng để minh họa: Ngọ Môn, Kỳ Đài, Cửu vị Thần công, Cửu đỉnh, Hiển Lâm Các, Nghi môn ở cầu Trung Đạo. Ngoài ra, từ năm 1962 đến năm 1965, Phòng Du lịch Huế còn biên soạn và xuất bản 3 tập sách mỏng khác với cỡ nhỏ hơn, mỗi tập 16 trang, để giới thiệu chung về các di tích nổi tiếng nhất ở Huế, từ thành quách, cung điện đến lăng tẩm. Tập tiếng Việt cỡ 10,8x23,8cm, bìa in đen trắng. Hai tập tiếng Anh và tiếng Pháp cỡ 10x23cm, sơ đồ tổng thể di tích Huế, các tranh minh họa ở bìa và ở trong ruột đều được vẽ và in màu. Ở tập tiếng Việt chỉ in 10 ảnh đen trắng (kể cả ảnh Khách sạn Hương Giang) và 5 bức tranh màu. Các tranh màu đều là của Phi Long, một họa sĩ nổi tiếng ở Cố đô và đang làm việc tại Phòng Du lịch Huế lúc bấy giờ.(31) Song song với việc quảng bá như vừa nói, chức năng chính của Phòng Du lịch Huế lúc đó là hướng dẫn và thuyết minh cho du khách đi tham quan các
  10. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 51 di tích và danh lam thắng cảnh ở miền núi Ngự sông Hương. Theo quy định, du khách muốn đi tham quan các di tích thì trước hết phải đến Phòng Du lịch, trình thẻ căn cước (nay gọi là giấy chứng minh nhân dân) để xin Phòng cấp giấy phép. Đến mỗi di tích, du khách trình giấy phép thì nhân viên bảo vệ di tích mới cho vào tham quan. Nếu đoàn du khách nào có yêu cầu nhờ người hướng dẫn và thuyết minh thì Phòng Du lịch sẵn sàng cử hướng dẫn viên của Phòng đi làm nhiệm vụ. Không có chuyện bán vé tham quan ở các di tích. Từ việc cấp giấy phép cho đến hướng dẫn tham quan của Phòng Du lịch đều hoàn toàn miễn phí. Nhưng, bấy giờ lại có quy định du Du khách Tây tham quan điện Thái Hòa năm 1963. Người khách không được vào tham hướng dẫn là ông Nguyễn Văn Diệp (người mang cà vạt) quan nội thất những miếu điện tôn nghiêm thờ phụng các vua chúa và thần Phật như Thái Miếu, Triệu Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu, gian thờ Mẫu ở điện Hòn Chén, điện thờ Phật ở các chùa Du khách chỉ có thể tham quan ở bên ngoài mà thôi. Đối với những đoàn khách đặc biệt muốn vào bên trong các miếu điện ấy để cúng bái hoặc để nghiên cứu, họ phải có giấy cho phép của Phòng Du lịch hoặc của Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc (tức là Phủ Tôn Nhơn cũ) đóng tại 41 đường Đinh Công Tráng, Thành Nội, Huế. Ngoại trừ những đoàn du khách bình thường, chính ông Chủ sự Phòng Du lịch phải đích thân đi hướng dẫn và thuyết minh cho những đoàn khách quan trọng của Toà Đại biểu Chính phủ tại Miền Bắc Trung nguyên Trung phần, của Tòa Hành chánh tỉnh Thừa Thiên, của Bộ Tư lệnh Vùng I Chiến thuật và của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh. Sau một thời gian, chính quyền Sài Gòn nhận thức rằng du lịch cũng là ngành kỹ nghệ có thể hái ra tiền, cho nên, đưa Nha Quốc gia Du lịch qua trực thuộc Bộ Tài chánh. Nghĩa là hoạt động của ngành này có tính khai thác kinh tế nhiều hơn tính chính trị. Đến năm 1973, Tổng cục Du lịch Việt Nam được thành lập để thay thế cho Nha Quốc gia Du lịch. Tổng cục Du lịch Việt Nam có ngân sách tự trị. Các Phòng Du lịch tại địa phương, trong đó có Phòng Du lịch Huế, đều được đổi tên thành Ban Đặc nhiệm Du lịch, mỗi Ban do một Trưởng ban phụ trách. Ông Nguyễn Văn Diệp là người đã giữ chức vụ Chủ sự Phòng Du lịch Huế từ năm 1962 đến năm 1973, và tiếp tục giữ chức vụ Trưởng ban Đặc nhiệm Du lịch Huế từ năm 1973 đến năm 1975. Sau năm 1975, ông Diệp vẫn được lưu dung tại Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế (nay là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) với chức năng hướng dẫn viên du lịch tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp cho các đoàn khách cao cấp của chính quyền tỉnh sở tại. Sinh năm 1923, năm nay (2008) ông Diệp đã 86 tuổi, nhưng ông vẫn còn mạnh khoẻ và minh mẫn. Nghỉ hưu vào năm 1983, ông hiện đang thường trú cùng gia đình
  11. 52 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 trong một ngôi nhà cổ tại địa chỉ số 11 đường Đoàn Thị Điểm trong Thành Nội. Nhân đây, tôi xin bày tỏ lời cám ơn chân thành đối với ông về việc ông đã cung cấp rất nhiều thông tin quý báu cho tôi khi viết về du lịch Huế thời kỳ 1955-1975. Cũng theo ông Nguyễn Văn Diệp, các hoạt động du lịch ở vùng Huế trong thời kỳ đó đã bị ảnh hưởng và hạn chế không ít vì thời cuộc và nhất là vì chiến tranh. Chỉ trong giai đoạn từ sau hiệp ước đình chiến Genève 1954 đến năm 1959 là ngành du lịch ở đây hoạt động mạnh và phát triển lên đến núi Bạch Mã. Còn từ năm 1960 trở đi thì du khách đến Huế và đi tham quan nhiều hay ít đều tùy thuộc vào tình hình an ninh và chiến sự tại vùng đất này trong từng giai đoạn. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là từ cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), rồi sau đó chẳng bao lâu là cuộc chiến mùa hè năm 1972 ở vùng hỏa tuyến Trị Thiên đã làm cho các hoạt động du lịch ở Thừa Thiên Huế hầu như tê liệt cho đến năm 1975. P T A TÀI LIỆU THAM KHẢO (1) Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên , Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Ngô Đức Thọ và Hoàng Văn Lâu, Nxb KHXH, Hà Nội, 1985, tập II, tr. 84-85. (2) Xem thêm: Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung, Thần kinh thập nhị cảnh, thơ vua Thiệu Trị, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997. (3) Nguyễn Bá Trác, Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, bản dịch của Bửu Cầm và các cộng tác viên, Bộ Quốc gia Giáo dục xb, Sài Gòn, 1963, tr. 361. (4) Richard Orband, Voyage de S.M. Khải Định dans le Nord - Annam et au Tonkin», BAVH, 1918, tr. 139-182. (5) Nguyễn Bá Trác, sđd, tr. 366. (6) A. Salles, “Visite de l’Empereur d’Annam à la Société de Géographie”, BAVH, 1922, tr.321-336. (7) Ngự giá như Tây ký (nguyên bản chữ Hán và bản dịch Việt ngữ), Nhà in Đắc Lập, Huế, 1922. (8) Phan Thuận An, Vua Khải Định, người phát hiện khu du lịch nghỉ mát Lăng Cô, Tạp chí Sông Hương, số 157, tháng 3-2002, tr. 90-92. Xem thêm «Khải Định ngự chế Tĩnh Viêm hành cung bi minh», Lê Nguyễn Lưu-Nguyễn Thanh Thọ dịch, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ (nay là Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển), số 2/1996. (9) L. Sogny, “Les vasques en bronze du Palais”, BAVH, 1921, tr. 1-13. (10) Về những thông tin liên quan đến Cửu đỉnh, cần tham khảo thêm: - Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử Học, Nxb KHXH, Hà Nội, tập VIII, tr. 171-172; tập XIX, tr. 29 - 31. - Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội, 1969, tập I, tr. 25. (11) Dương Kinh Quốc, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1988, tr. 110, 166. (12) Dương Kinh Quốc, Việt Nam, những sự kiện lịch sử (1858 - 1918), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 331, 434. (13), (14), (15) Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr. 37, 57, 143. (16) Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, bản dịch của Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị, Nxb TP HCM, 1998. (17) Alexandre de Rhodes, Divers Voyages et Missions (Hành trình và Truyền giáo), bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Nxb TP HCM, 1994. (18) Dutreuil de Rhins, Le Royaume d’Annam et les Annamites. Journal de Voyage de Dutreuil de Rhins, Hachette, Paris, 1879.
  12. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (66). 2008 53 (19) Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin (Một chiến dịch ở Bắc Kỳ), Nxb Arléa tái bản, Paris, 1999. (20) Marcel Monnier, Le Tour d’Asie: Cochinchine, Annam, Tonkin (Vòng quanh châu Á: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ), Nxb Plon, Paris, 1899. (21) Nguyễn Đắc Xuân, 100 năm Khách sạn Sài Gòn Morin Huế (1901-2000), Hôtel Sài Gòn Morin xb, Huế, 2000, tr. 3. (22) Nguyễn Đắc Xuân, “Ga Huế 100 năm gắn bó với lịch sử văn hóa Huế”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 76, 2006, tr. 64 - 69. (23),(24) P. Eberhardt, Guide de l’Annam (Hướng dẫn du lịch Trung Kỳ), Nxb Augustin Challamel, Paris, 1914, tr. 7, 135. (25) Gouvernement Général de l’Indochine, Office Indochinois du Tourisme, Hué, ville impériale, IDEO, Hanoi, 1931. (26) Bureau Officiel du Tourisme en Annam de la Résidence Supérieure de Hué, Province de Thua Thien, IDEO, Hanoi, 1935. (27) Bureau Officiel du Tourisme en Annam de la Résidence Supérieure de Hué, Annam, Itinéraire de la Route Mandarine, 1937. (28) Bureau Officiel du Tourisme de Hué, Notice sur le Tombeau de Gia Long (Bản tiểu dẫn về lăng Gia Long), 1938; Notice sur le Tombeau de Tu Duc (Bản tiểu dẫn về lăng Tự Đức), 1939; Notice sur le Tombeau de Khai Dinh (Bản tiểu dẫn về lăng Khải Định), 1939. (29) Đây nguyên là một “villa” rất xinh xắn được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Đến thời Quốc trưởng Bảo Đại, ngôi biệt thự ấy được dùng làm tư dinh của Đại tá Trần Văn Xương, Tư lệnh Đệ nhị Quân khu. Còn Tổng hành dinh của Đệ nhị Quân khu thì đóng tại Phủ Nội Vụ cũ, nằm bên trong cửa Hiển Nhơn của Hoàng Thành. (30) Phòng Du lịch Huế, Chú dẫn về Đại Nội, tái bản lần thứ hai, in tại Sài Gòn ấn quán, không đề năm ấn hành, tr. 1. (31) Phòng Du lịch Huế, Huế, cố đô Việt Nam, in tại Huế; hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp đều có chung một tiêu đề: Huế, Vietnam, in tại Sài Gòn. Cả 3 tập đều không ghi năm xuất bản. Nhưng, theo ông Nguyễn Văn Diệp, thì cả 3 tập sách đều do ông biên soạn và được ấn hành vào năm 1963. TÓM TẮT Ở Đông Dương nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, hoạt động chính thức của ngành du lịch xuất hiện khá muộn. Nó chỉ bắt đầu từ khi người Pháp thiết lập xong nền đô hộ tại đây vào đầu thế kỷ XX. Từ đó trở đi, chính quyền thuộc địa ngày càng thấy rõ đây là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch: lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, danh lam, thắng cảnh Để khai thác những tiềm năng đó, người Pháp đã tổ chức và hoàn thiện dần bộ máy phục vụ du lịch từ trung ương đến các tỉnh thành. Bấy giờ, kinh đô Huế và vùng phụ cận là một địa bàn du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách mà tuyệt đại đa số là người Tây phương. Từ năm 1955 đến năm 1975, dưới chế độ Việt Nam Cọng hòa, ngành du lịch ở vùng Huế cũng đã được tổ chức một cách có bài bản, nhưng hoạt động bị giới hạn và ngắt quãng vì chiến tranh. ABSTRACT TOURIST ACTIVITIES IN HUE BEFORE 1975 In Indochina in general, and in Thưà Thiên Huế in particular, the official tourism service began quite late.It was started only since the French completed its colonialist reign in the region in the early 20th century. From then on the colonialist government realized more and more that this region owned great potential for tourism as to history, culture, arts, scenery To put to use this potential the French or- ganized and step by step enhanced the tourist service mechanism at central and provincial levels. At the time the Royal Citadel of Huế and its vicinity proved to be an attractive area for tourists, mostly Westerners as it were. From 1955 to 1975, under the administration of the Republic of Vietnam, the tourist service in Hue was managed methodically. However it was subject to interruptions due to the war.