Hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt trong thời hội nhập - Nguyễn Văn Bốn

doc 9 trang phuongnguyen 2100
Bạn đang xem tài liệu "Hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt trong thời hội nhập - Nguyễn Văn Bốn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • doche_gia_tri_tinh_than_truyen_thong_cua_nguoi_viet_trong_thoi.doc

Nội dung text: Hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt trong thời hội nhập - Nguyễn Văn Bốn

  1. HỆ GIÁ TRỊ TINH THẦN TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG THỜI HỘI NHẬP Nguyễn Văn Bốn TÓM TẮT Hệ giá trị truyền thống là một hình thái của ý thức, nó biểu hiện trên hai phương diện giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam do các thế hệ người Việt Nam sáng tạo ra. Bài viết này tìm hiểu hệ giá trị tinh thần ấy và xác định những truyền thống nào còn có ý nghĩa trong thời hội nhập. * 1. Giá trị và hệ giá trị truyền thống người của Việt Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ phát triển đất nước và hội nhập thế giới trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ Muốn thực hiện được những mục tiêu cao cả do Đảng và Nhà nước đặt ra thì con người được xem là nhân tố quan trọng nhất. Những thắng lợi mà dân tộc ta đã giành được trong quá trình dựng nước và giữ nước một phần dựa trên hệ giá trị tinh thần truyền thống. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Thắng lợi trong chiến tranh giữ nước, cũng như trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội chung quy là thắng lợi của con người Việt Nam. Đó là sức mạnh của giá trị Việt Nam”. Chính vì vậy, cho đến nay, hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt Nam luôn là vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Có nhiều quan điểm khác nhau về giá trị. Theo cách hiểu phổ quát thì giá trị gồm giá trị vật chất và giá trị tinh thần, giá trị tốt và giá trị xấu do con người sáng tạo ra. Giá trị tinh thần thường là giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, giá trị tôn giáo Tuy nhiên, giá trị phụ thuộc vào những yếu tố tự nhiên, bối cảnh lịch sử - xã hội, phương thức sản xuất, điều kiện kinh tế và những nhu cầu con người. C.Mác và Ăngghen cho rằng “bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” [3, tr.11]. Giá trị cũng như tính cách dân tộc và tâm lý dân tộc là sản phẩm của
  2. quá trình tư duy và sáng tạo. Những giá trị tinh thần của người Việt Nam được tịch lũy qua quá trình lịch sử, được coi là “hạt nhân” cơ bản của văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa. Theo Hà Văn Tấn: “Tâm lý dân tộc biểu hiện trong phong cách tư duy, lối ứng xử (hay hành vi), đồng thời biểu hiện ra trong tình cảm của dân tộc. Nó bị ức chế bởi các điều kiện tự nhiên mà trong đó cộng đồng đang tồn tại, điều kiện xã hội và điều kiện lịch sử” [9, tr.14]. Hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam được sáng tạo, hun đúc trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Phạm Minh Hạc cho rằng: “Hệ giá trị là các giá trị của một tập hợp người như dân tộc, thế giới, vùng, gia đình, bản thân” [6, tr.30]. Hệ giá trị truyền thống là một hình thái của ý thức, của tinh thần, phản ánh, biểu hiện trên hai phương diện giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Hệ giá trị tinh thần truyền thống do nhiều thế hệ người Việt Nam sáng tạo ra và con người Việt Nam là giá trị quan trọng nhất. Hệ giá trị tinh thần tốt của người Việt Nam được kế thừa, phát huy và góp phần mang lại những thành tựu trong các lĩnh vực của đời sống trong thời kỳ đổi mới. Ngược lại, có những thói hư tật xấu của người Việt Nam đang cản trở và tác động xấu đối với sự phát triển xã hội. Theo Trần Trọng Kim: “Về đằng trí tuệ và tính tình, thì người Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu” [7, tr.18]. Hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt đã được các nhà nghiên cứu trong nước tiếp cận ở các góc độ khác nhau. Tuy vậy, có một điểm chung, đa số các nhà nghiên cứu chủ yếu ca ngợi, đề cập đến những giá trị tốt, mà ít chú ý những thói hư tật xấu. Điều này chúng ta cũng dễ bắt gặp trong các công trình nghiên cứu về lịch sử. Người làm sử phần lớn ca ngợi và tôn vinh những chiến công của dân tộc mà ít chú ý phân tích những thất bại khi chống lại kẻ thù. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thế hệ trẻ chỉ được nghe những cái hay, cái tốt mà ít thấy thất bại. Vì thế, phần lớn họ chưa hiểu rõ nguyên nhân của các mặt hạn chế trong hệ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc. Chúng ta có thể tạm chia hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam thành hai hệ thống: hệ thống giá trị tinh thần tốt và các thói hư tật xấu của người Việt Nam mang tính phản giá trị. Thứ nhất, với hệ giá trị tinh thần truyền thống tốt của người Việt Nam, Trần Trọng Kim cho rằng: “( ) trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, sáng dạ, nhớ lâu,
  3. hiếu học, trọng học thức, quý sự lễ phép, trọng đạo đức, yêu hòa bình, can đảm, kỷ luật, sùng lễ bái, thương người, nhớ ơn. Người Việt Nam từ Bắc chí Nam theo một phong tục, nói một thứ tiếng, cùng giữ một kỷ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân tộc từ đầu đến cuối” [7, tr.18]. Phan Kế Bính cũng viết về người Việt: “( ) trọng luân thường, cần kiệm, an phận làm ăn, tuân giữ phép nước, coi trọng gia đình, thích yên ổn, trọng sự học hành, trọng lễ nghĩa, thật thà, cẩn thận, trung hậu, hòa nhã, trầm tĩnh, khẳng khái, ngạnh trực, can đảm, quả quyết, kính bậc đạo đức, nhớ người ân nghĩa, trọng đường công nghiệp, giữ cái danh giá, có nghĩa khí, khoan dung, nhân đức, nhẫn nại, kiên cường, trọng ái tình ” [2, tr.417]. Đào Duy Anh cho rằng: “Người Việt thông minh, giàu trí nghệ thuật, trực giác, ham học, thích văn chương, giỏi chịu đựng, hy sinh vì đại nghĩa, dung hòa, trọng lễ giáo và chuộng hòa bình” [1, tr.24]. Pierre Huard và Maurice Durand đã nhận định về người Việt: “( ) tuân phục thiên nhiên và tuân phục vũ trụ, trọng vương đạo và bá đạo, chấp nhận tất cả các giá trị cảm xúc, các phức cảm đạo đức và thẩm mĩ, logíc, trung thành, tuân thủ lễ nghi trong gia đình, trọng ân nhân” [8, tr.133]. Trần Văn Giàu đã hệ thống thành bảy giá trị tinh thần truyền thống người Việt: “yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa” [4, tr.266]. Trong nghị quyết TW 5 khóa VIII của Đảng đã nêu lên 12 giá trị: “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết; ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái; lòng khoan dung; trọng nghĩa tình; trọng đạo lý; đức tính cần cù; sự sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử; tính giản dị trong lối sống” [4, tr.265]. Một viện nghiên cứu xã hội Mỹ cũng đưa ra bảng giá trị của người Việt: “cần cù lao động, thông minh, sáng tạo, khéo léo, thực tế, ham học có khả năng tiếp thu nhanh, xởi lởi, chiều khách song không bền, tiết kiệm, có tinh thần đoàn kết trong những hoàn cảnh khó khăn, yêu hòa bình, nhẫn nhịn” [5, tr.112]. Thứ hai, với những thói hư tật xấu của người Việt nhìn từ góc độ phản giá trị. Chúng tôi xin lược trích một số quan điểm của người nước ngoài, các nhà nghiên cứu trong nước về thói hư tật xấu của người Việt. Lý Tiên Căn, nhà nghiên cứu người Trung Quốc đã nhận xét về người Giao Chỉ thời Bắc thuộc: “Dân Giao Chỉ cũng có học, biết chữ, ưa thích những điều quái dị. Không có thầy trao truyền về việc học, họ học nhưng
  4. không biết quán thông, ham chuộng việc quỷ thần, tính đồng cốt, không theo hai đạo, họ cho người nào có tài mồm mép, nói khoe là có công” [4, tr.259]. Những điểm hạn chế của người Việt cũng được người phương Tây nhận xét khi đến giao thương và và truyền giáo. Vào thế kỷ XVII, người Anh đã nhận xét: “Một dân chúng hay nài xin quấy rầy vào bậc nhất thế giới. Muốn gặp phải có quà. Tục lệ của xứ này là không đến viếng thăm tay không. Tay không thì giàu nghèo gì đi chăng nữa cũng chẳng đến được bất kỳ bậc quan trên nào. Hàng hóa muốn gì lấy nấy, không trả tiền. Hàng hóa muốn định giá thế nào tùy ý. Trả tiền chậm, khó khăn” [4, tr.260]. Phan Kế Bính cho rằng: “tính hồ đồ, ngờ vực, nhút nhát, lười biếng, ghen ghét, khoe khoang, hợm hĩnh, khép nép, câu nệ, sợ đầu, sợ đuôi, nghĩ quanh nghĩ quẩn, ham cờ bạc rượu chè, thích sự quấy rầy ăn uống, gió chiều nào che chiều ấy, gian giảo, kiêu ngạo, tham lam, thô tục, hay xóc móc, hay kiện cáo, hay tranh giành, hay nịnh hót người quyền thế, khinh bỉ người hiền lành, hay sinh sự, hay thù hằn, ăn trộm, ăn cướp, anh hùng rơm, vong ân bội nghĩa, phản bạn lừa thầy ” [2, tr.418]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những đồng chí trẻ trong lớp đào tạo cán bộ cách mạng ở Quảng Châu về những thói tệ “tính sĩ diện, giấu dốt, thích làm quan” [5, tr.113]. Trần Trọng Kim cũng nêu những thói xấu của người Việt: “ ( ) tinh vặt, quỷ quyệt, bài bác, nhạo chế. Tâm địa thì nông nổi, làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang, ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Tin ma quỷ, không nhiệt tín tôn giáo nào cả, kiêu ngạo, nói khoác” [7, tr.18]. Đào Duy Anh khi nói về những thói xấu của người Việt cho rằng: “( ) chậm chạp, nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh, thích chơi cờ bạc, nhút nhát, tinh vặt, bài bác chế nhạo” [1, tr.25]. Thi sĩ Tản Đà đã từng viết về người Việt “Dân hai lăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” [5, tr.20]. Người Việt đã tự nhận xét về mình qua câu ca dao: “Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”. Hai tác giả người Pháp là Pier Huard và Maurice Durand nhận xét về hạn chế của tư duy người Việt và giá trị tinh thần của người Việt cổ truyền: “( ) thiếu công cụ tư duy (từ vựng chính xác, từ vựng kỹ thuật) và các khung ngôn ngữ cần thiết để trình bày các sự việc một cách chính xác, tính thời gian bằng kinh nghiệm, thói quen nói ngược ý, sự thiếu vắng các biểu hiện trìu mến” [8, tr.135]. Theo kết quả khảo sát của một viện
  5. nghiên cứu xã hội Mỹ về hạn chế của người Việt: “( ) dễ thỏa mãn, tâm lý thích hưởng thụ, có tính đối phó trong công việc, thiếu tầm tư duy dài hạn, không chủ động, không kiên trì đến cùng, ít khi học đến đầu đến đuôi nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Học tập không còn mục tiêu tự thân mà vì gia đình, vì sĩ diện, để kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, không phải do đam mê, hoang phí vì sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời, hiếu chiến, hiếu thắng vì tự ái vặt, thích tụ tập, thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng)” [5, tr.21]. 2. Hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt trong thời hội nhập Hệ giá trị tinh thần truyền thống tốt của người Việt đã được khẳng định, được kế thừa, phát huy và mang lại nhiều thành tựu nổi bật. Chúng ta đã được thế giới biết đến là một dân tộc giàu truyền thống yêu nước, có bề dày về lịch sử, có bản sắc văn hóa dân tộc. Những phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường, cần cù, thông minh, sáng tạo đã được chứng minh trong quá trình đấu tranh chống lại nhiều kẻ thù. Các giá trị tinh thần tốt đẹp của người Việt trở thành nền tảng vững chắc cho dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Điều đó đã được khẳng định sau 20 năm đổi mới, với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và linh hoạt của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đất nước ta có những bước phát triển thần kỳ cả trên phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, ngoại giao từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Như đã đề cập, ngoài hệ giá trị tinh thần truyền thống tốt, người Việt cũng có những thói hư tật xấu mang tính phản giá trị: sự vụ lợi, hám tiền, tò mò, cá nhân, giả dối, sính ngoại, sĩ diện, tự ti, tham vặt, thực dụng, cậy thế, vô kỷ luật, thờ ơ, lười biềng, thích hưởng thụ, tính thụ động Những thói hự tật xấu của người Việt phần lớn là do từ xưa truyền lại hoặc hiện nay mới xuất hiện. Những thói quen vốn hình thành trong văn hóa làng xã cổ truyền, lối sản xuất nông nghiệp lúa nước đã được người Việt đã mang theo vào thời hội nhập và lối sống thành thị. Chúng ta bắt gặp những thói hư tật xấu của người Việt trong thời hội nhập nơi nhiều phương diện của đời sống xã hội Việt Nam như chính trị, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật, khoa học, giao thông Nơi lĩnh vực chính trị,
  6. chúng ta bắt gặp những hiện tượng mà xã hội đang lên án như đạo đức giả, nói một đằng làm một nẻo, trù úm, bè phái, làm thì láo báo cáo thì hay (sáng tác văn bản, báo cáo thành tích), cục bộ địa phương quan hệ xã hội thì hình thức. Trong hoạt động kinh tế, vì hám lợi mà người Việt sẽ tìm mọi cách để gian lận, lừa đảo, trốn thuế, chiếm dụng vốn, chặt chém du khách (kinh doanh xăng dầu, tài chính ngân hàng, kinh doanh du lịch, kinh doanh vận chuyển khách, kinh doanh xuất bản phẩm) Không những vậy, thói hư tật xấu của người Việt còn len lỏi vào cả trong môi trường giáo dục và y tế: sự gian lận về bằng cấp và thành tích trong giáo dục, sự xuống cấp của y đức. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, một lĩnh vực được xã hội đánh giá là sự nghiêm túc, khách quan và chính xác, thì cũng xuất hiện những vấn đề đạo văn, đạo số liệu. Gia đình người Việt đang đối diện với những vấn đề xuống cấp về đạo đức: con cái đối xử bạc với cha mẹ, ông bà; lối sống ích kỷ, tệ nạn mại dâm, ma túy Thể thao Việt Nam cũng đã diễn ra nhiều vấn đề gây bức xúc cho xã hội như: nạn bán độ, cá độ, sự vô kỷ luật, đánh đuổi trọng tài. Với lĩnh vực sáng tác và biểu diễn âm nhạc đó là những tác phẩm âm nhạc chạy theo thị trường, quay lưng lại với âm nhạc truyền thống, vi phạm về thuần phong mĩ tục trong biểu diễn. Còn trong lễ hội dân gian Việt Nam cũng đang nổi lên những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, cướp đoạt, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan và thương mại hóa trong các lễ hội. Như vậy, trong cuộc sống thường ngày chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều thói hư tật xấu của người Việt Nam mang tính phản giá trị. 3. Những giải pháp cho hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt Như vậy, có thể khẳng định rằng hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam là “hạt nhân” để hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam (cả giá trị và phi giá trị) cũng thay đổi theo thời gian và theo xu thế của thời đại. Hệ giá trị đó vừa mang tính dân tộc và tính hiện đại, hai yếu tố đóng vai trò nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa; đồng thời những thói hư tư tật xấu của người Việt là một trong những nguyên nhân tạo nên rào cản cho cho sự phát triển xã hội thời hội nhập. Cần kiên trì bảo tồn, phát huy hệ giá trị tinh thần truyền thống tốt của người Việt trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, ngoại giao, giáo dục và quân sự.
  7. Ngoài ra, cần phải chủ động, tích cực, bản lĩnh trong hội nhập và giao lưu quốc tế; phê phán, lên án và loại bỏ dần những thói hư tật xấu của người Việt. Từ thực tế, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, phải tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về hệ giá trị tinh thần truyền thống cho người dân. Qua đó, giá trị tinh thần truyền thống tốt cần được bảo tồn, phát huy trong quá trình hội nhập và phát triển. Người Việt Nam phải nhận thức rõ, nhìn lại và suy ngẫm những thói quen xấu của mình để tự điều chỉnh, tự phê phán, loại bỏ chúng ra khỏi cộng đồng. Thông qua tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người Việt Nam về hệ giá trị tinh thần tốt và những thói hư tật xấu mang tính phản giá trị có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Cần bắt đầu từ việc giáo dục trong gia đình cùng với nhà trường và xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, môi trường giáo dục quan trọng đầu tiên cho mỗi con người Việt Nam về hành vi, ứng xử, nếp sống tốt thông qua vai trò của cha mẹ, ông bà và những người thân. Đây chính là giải pháp mang tính căn cơ để hệ giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam được bảo tồn, phát huy và sàng lọc, loại bỏ những thói xấu. Muốn vậy, những bậc làm cha mẹ, ông bà và những người lớn tuổi trong gia đình phải là những người gương mẫu, tiên phong điều chỉnh những hành vi của mình để con cháu noi theo. Thứ hai, sử dụng pháp luật và các chính sách tạo nền tảng pháp lý cho việc xử lý nghiêm minh đối với những thói hư tật xấu của người Việt trong các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Trong hoạt động kinh doanh du lịch hiện nay, ngoài phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh, thông báo trên các phương tiện truyền thông chúng ta có thể áp dụng thêm những biên pháp cứng rắn hơn: nếu địa phương nào để xảy ra những vấn nạn chặt chém, lừa đảo, đeo đuổi khách du lịch thì bị cấm tổ chức các hoạt động du lịch như festival, hội chợ thương mại, không được đăng cai năm du lịch quốc gia, không được đầu tư về cơ sở hạ tầng và quảng bá xúc tiến du lịch Thứ ba, khẳng định lại vai trò của cộng đồng, với tư cách là chủ thể trong việc bảo tồn, phát huy hệ giá trị tinh thần tốt, cùng lên án và cương quyết loại bỏ dần những thói hư tật xấu của người Việt trong thời hội nhập. Sức mạnh và vai trò của người Việt đã được chứng minh và khẳng định trong truyền thống đấu tranh và giải phóng dân tộc. Do
  8. vậy, muốn bảo tồn, phát huy những giá trị tốt và loại bỏ dần những thói quen xấu thì người dân, cộng đồng phải đóng vai trò quan trọng, là chủ thể của sự nghiệp này. Bên cạnh đường lối, chủ trương, chính sách, sự đầu tư và quan tâm của Đảng và Nhà nước, thì người dân cũng cần nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình. Điều này không chỉ đúng với hoạt động kinh doanh du lịch, hay hoạt động kinh doanh xăng dầu mà trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Muốn thực hiện được những mục tiêu trên, chúng ta phải để người dân thể hiện vai trò là chủ thể chính trong việc bảo tồn, phát huy hệ giá trị tinh thần truyền thống tốt và chủ thể tuyên truyền, cổ động từ bỏ những thói quen và hình vi xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh địa phương, quê hương, vùng miền và quốc gia mình. Các tổ chức chính quyền từ trung ương đến địa phương phải động viên khen thưởng, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi nhất để họ phát huy, bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho người dân và cộng đồng. Các ban ngành phải từng bước xây dựng chung những thiết chế trong văn hóa ứng xử, văn hóa kinh doanh, văn hóa phục vụ đến từng cộng đồng và toàn bộ người dân Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam hãy luôn là người thông thái để lựa chọn, để quyết định những hành vi tốt và kiên quyết loại bỏ những thói quen và hành vi xấu trong chính bản thân mình. Đồng thời, người Việt cũng cần xác định đây là những việc làm thường xuyên, lâu dài và phải thật sự kiên trì. Có như vậy, hệ giá trị tinh thần truyền thống của người Việt trở thành bản sắc văn hóa, là nền tảng vững chắc cho Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững. Tài liệu tham khảo 1. Đào Duy Anh (1998), Việt Nam văn hóa sử cương, tái bản, Nxb Đồng Tháp. 2. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, tái bản, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 3. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 4. Nguyễn Tấn Đắc (2005), Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 5. Nhiều tác giả (2008), Người Việt phẩm chất và thói hư - tật - xấu, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 6. Phạm Minh Hạc (2012), Giá trị học, Nxb Dân trí, Hà Nội.
  9. 7. Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, tái bản, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 8. Pier Huard và Maurice Durand (1993), Hiểu biết về Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 9. Trần Quốc Vượng (cb) (2010), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. THE TRADITIONAL INTANGIBLE VALUE SYSTEM OF VIETNAMESE PEOPLE IN THE AGE OF INTEGRATION Abstract The traditional value system results from thinking patterns, manifested in two aspects: tangible and intangible cultures. The Vietnamese intangible value system was created and developed by many generations of Vietnamese. This article studies that value system and determines which values in the system still have their positions in the age of integration into the world. (*) ThS - Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang.