Giáo trình Tâm lý học thần kinh
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Tâm lý học thần kinh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_trinh_tam_ly_hoc_than_kinh.pdf
Nội dung text: Giáo trình Tâm lý học thần kinh
- - - - - - - Giáo trình Tâm lý học thần kinh
- TÂM LÝ HỌC THẦN KINH Chương I NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1. Vai trò, vị trí và các mối liên hệ của tâm lý học thần kinh (TLHTK) với các ngành khoa học khác. Tâm lý học thần kinh là một chuyên ngành độc lập của tâm lý học, được xây dựng trên cơ sở tri thức liên ngành các khoa học về não (neuroscience) giữa y học (bộ môn phẫu thuật thần kinh, nội thần kinh) tâm lý học và sinh lý học. Mục đích khoa học của TLHTK là nghiên cứu vai trò của từng tổ chức não trong việc điều khiển các hoạt động tâm lý người. Cụ thể là, TLHTK nghiên cứu các đặc điểm rối loạn chức năng tâm lý - thần kinh ở người khi có tổn thương (hay chậm phát triển) định khu các vùng trên não. Như vậy có thể nói rằng, TLHTK là một hướng nghiên cứu về mối quan hệ giữa não và cái tâm lý, trên cơ sở đó tìm ra cơ sở vật chất của các quá trình tâm lý của con người, khẳng định quan điểm duy vật về các quá trình đó. Số liệu nghiên cứu thu được từ góc độ TLHTK cũng đồng thời cho phép đánh giá về mức độ phát triển tâm lý tương ứng của lứa tuổi, dự báo sự phát triển của từng mốc lứa tuổi đó. Do vậy, việc đánh giá sự phát triển (hay không phát triển) tâm lý ở từng đối tượng cụ thể sẽ toàn diện, đầy đủ. Đây chính là cơ sở nền tảng để xây dựng, thiết kế các chương trình giảng dạy, tác động sư phạm, chẩn đoán mức độ rối loạn.v.v cần thiết trong tâm lý học sư phạm, lứa tuổi, giáo dục và chẩn đoán tâm lý. Để giải quyết mối liên hệ giữa não (cơ sở vật chất của các quá trình tâm lý) - cái tâm lý, trong khuôn khổ nhiệm vụ của chuyên ngành, TLHTK phải được trang bị cho mình kiến thức tổng thể , hiện đại về não và các hiện tượng tâm lý từ nhiều ngành khoa học khác nhau. Trong quá trình hình thành và phát triển, TLHTK liên quan mật thiết với thành tựu của các bộ môn nội, ngoại khoa thần kinh trong nghiên cứu và điều trị các bệnh nhân có tổn thương định khu (TTĐK) các vùng não. Trên cơ sở các quan sát lâm sàng, TLHTK có cơ hội tốt để hoàn thiện các phương pháp chẩn đoán và bộ máy khái niệm của mình, đồng thời kiểm tra độ chính xác của các giả thuyết khoa học đã đặt ra. Sự ra đời và phát triển của TLHTK còn gắn liền với các kết quả nghiên cứu về tâm bệnh học trên các bệnh nhân ở bệnh viện tâm thần. Một số các công trình nghiên cứu với tên tuổi các tác giả cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị khoa học của nó. Đó là : * Các công trình nghiên cứu của R.Ia Golant mô tả về rối loạn trí nhớ ở người bệnh có tổn thương não, đặc biệt ở phần gian não. * Công trình nghiên cứu về các hình thức rối loạn ý thức cơ bản do tổn thương các vùng não của nhà tâm thần học M.O Gurevich, người đầu tiên đã mô tả một
- cách tỷ mỉ các rối loạn cảm giác ở người bệnh có tổn thương não và phân tích chúng một cách cặn kẽ dưới góc độ thần kinh cũng như tâm lý - thần kinh. * Tác giả A.X Smarian và cộng sự đã nghiên cứu và quan sát những biến đổi ý thức của người bệnh do bị u não các vùng gian não và nền trán - thái dương của não. * Một đóng góp vô cùng quan trọng cho chuyên ngành TLHTK phải kể đến là các công trình khoa học của Giáo sư, tiến sĩ tâm lý học, chuyên gia đầu ngành tâm bệnh học của Tâm lý học Xô Viết Zaigarnic và cộng sự. Họ chính là tác giả của các công trình nghiên cứu rối loạn quá trình quá trình tư duy ở người bệnh có tổn thương khu trú trên não. Trên cơ sở đó, các tác giả đã khẳng định rối loạn tư duy có những hình thức biểu hiện khác nhau hoặc rối loạn cấu trúc hoặc rối loạn tính động thái của quá trình đó . Ngoài ra Zaigarnic cũng là người đầu tiên (và tiếp theo là - học trò - nhà tâm thần học người Nga Doprokhotov) đã nghiên cứu về rối loạn cảm xúc - ý chí do tổn thương định khu các vùng khác nhau trên vỏ não. Nói đến sự hình thành và phát triển của chuyên ngành tâm lý học thần kinh không thể không nói đến vai trò các nghiên cứu thực nghiệm của các nhà tâm lý học tại các cơ sở bệnh viện thực hành. Đáng chú ý nhất ở lĩnh vực này là các kết quả nghiên cứu của B.G. Ananhép về hoạt động của 2 bán cầu não. Tác giả và cộng sự, từ các số liệu thu được qua quan sát lâm sàng trên người bệnh, đã khẳng định được tính đa dạng của hoạt động tâm lý như cảm giác, xúc giác, định hướng không gian v.v do ảnh hưởng của tác động tương tác giữa 2 bán cầu. Những kết luật này đã góp phần xây dựng và hoàn thiện bộ máy khái niệm của TLHTK hiện đại về tổ chức não của các hoạt động tâm lý. Quan hệ gắn bó mật thiết và có tác động quan trọng trong việc nảy sinh, hình thành và hoàn thiện bộ máy khái niệm TLHTK còn phải kể đến vai trò của các nghiên cứu đã được tiến hành ở các phòng thí nghiệm. Chẳng hạn kết quả nghiên cứu của G.V Gersun về phân tích hệ thống thính giác đã chỉ ra 2 chế độ làm việc của cơ quan phân tích này. Việc phân tích các âm thanh dài và ngắn đã cho phép tiếp cận một cách hoàn toàn mới về các triệu chứng rối loạn do bị tổn thương vùng thái dương vỏ não người . Các nghiên cứu của các nhà sinh lý học nổi tiếng như N.A Berstein, P.K Anôkhin, E.N Xôcôlốp đã có vai trò quan trọng với chuyên ngành TLHTK. Quan điểm về cấu trúc nhiều tầng bậc của vận động do N.A Berstein đề xướng là cơ sở để hình thành khái niệm trong TLHTK về cơ chế não điều khiển chức năng vận động và về các rối loạn vận động do tổn thương định khu các vùng não. Quan niệm của Berstein về sinh lý của tính tích cực là một trong các "khối" để từ đó tâm lý học thần kinh xây dựng mô hình về hành vi có mục đích, chủ định ở con người. Khái niệm của P.K Anôkhin về hệ thống chức năng và vai trò của chúng trong việc lý giải hành vi có mục đích ở động vật đã được A.R Luria vận dụng để xây dựng học thuyết về định khu linh hoạt, có hệ thống các chức năng tâm lý cấp cao trên vỏ não. Cùng với các công trình trên, nghiên cứu của E.N Xôcôlốp về phản xạ định hướng, các kết quả nghiên cứu khác trong lĩnh vực này đã cho phép thiết kế
- sơ đồ chung về hoạt động của não như là cơ quan vật chất của các quá trình tâm lý (như khái niệm về 3 khối chức năng của não hay những giải thích về rối loạn các chức năng tâm lý cấp cao mô thức - không chuyên biệt v.v ). Kết quả nghiên cứu bằng thực nghiệm của các nhà sinh lý học thuộc Viện Hàn lâm y học Liên Xô (cũ) như N.P Bekhcherep, V.M Xmirnov v.v lần đầu tiên đã đề cập đến phương pháp điện thế gợi để nghiên cứu những vùng sâu của não, xác định được vai trò quan trọng của những tổ chức này trong điều khiển các chức năng tâm lý cấp cao (CNTLCC) cả ở khía cạnh nhận thức cũng như ở lĩnh vực xúc cảm. Những kết quả nghiên cứu nêu trên đã mở ra khả năng to lớn để nghiên cứu cơ chế não trong điều hành các quá trình tâm lý Tóm lại, tâm lý học thần kinh là một lĩnh vực khoa học liên ngành được hình thành trên cơ sở của nhiều lĩnh vực khoa học, mà mỗi ngành khoa học trong đó đã có những đóng góp nhất định giúp cho TLHTK hoàn thiện bộ máy khái niệm của mình. 2. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học thần kinh: Là tìm ra các cơ sở não bộ điều khiển hoạt động tâm lý phức tạp ở người, cụ thể chỉ ra những hệ thống nào của hai bán cầu não tham gia vào điều khiển các hoạt động như tri giác, cử động, ngôn ngữ, tư duy, vận động và các hoạt động có ý thức. Trong thực tế 30 năm trở lại đây TLHTK đã thực sự trở thành một lĩnh vực thực hành quan trọng của y học, bởi lẽ bằng các công cụ chẩn đoán chuyên ngành, TLHTK đã góp phần chẩn đoán sớm và đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác về định khu các vùng não tổn thương cũng như các luận chứng khoa học về việc phục hồi chức năng TLCC. 3. Lịch sử ra đời và phát triển của Tâm lý học thần kinh: Tâm lý học thần kinh bắt đầu được hình thành từ những năm 30- 40 của thế kỷ XX ở nhiều nước khác nhau trên thế giới và đặc biệt phát triển mạnh ở Liên Xô (cũ). Những nghiên cứu đầu tiên về TLHTK thực chất đã được bắt đầu vào những năm 1920 do công lao của L.X Vưgôtxki, song người có công đưa TLHTK Xô Viết trở thành một lĩnh vực khoa học độc lập phải kể đến tác giả Viện sĩ, tiến sĩ TLH, tiến sĩ thần kinh học A.R Luria (1902-1977) . Các công trình nghiên cứu của L.X Vưgốtxki trong TLHTK là sự tiếp tục các vấn đề ở tâm lý học đại cương mà tác giả quan tâm ; L.X Vưgốtxki đã đưa ra nhiều điểm cơ bản về sự phát triển các chức năng TLCC về cấu trúc ý nghĩa của ngôn ngữ, về tính hệ thống của ý thức. Trên cơ sở lý luận, L.X Vưgốtxki đã nghiên cứu sự thay đổi của các chức năng TLCC do tổn thương khu trú các vùng não và từ đó đi sâu nghiên cứu về vai trò của các vùng não khác nhau trong việc thực thi các hình thức hoạt động tâm lý. Tuy không thực hiện được đến cùng các nghiên cứu của mình, nhưng những gì L.X Vưgốtxki đã đăng tải cũng đủ để suy tôn ông là một trong số những nhà tâm lý học đã đặt nền móng cho TLHTK Xô Viết(theo A.R Iuria).
- Đối với TLHTK thế giới cũng như của Liên Xô, 2 quan điểm sau của L.X Vưgốtxki có ý nghĩa vô cùng quan trọng và giá trị khoa học của nó còn lưu giữ đến ngày nay: *. Quan điểm về sự cấu trúc có hệ thống của các CNTLCC. Dựa vào số liệu thu được từ các công trình nghiên cứu đầu tiên về TLHTK (cộng tác với A.R Luria) L.X Vưgốtxki đã nhận định rằng, trong sự rối loạn các quá trình tâm lý cấp cao, chẳng hạn như rối loạn ngôn ngữ, có thể quan sát thấy những rối loạn của các chức năng tâm lý giản đơn (như rối loạn tri giác thị giác, như rối loạn cấu trúc các vận động giản đơn v.v ). Như vậy, có sự quan hệ phụ thuộc giữa những chức năng tâm lý ít phức tạp (giản đơn) với các tổ chức hoạt động tâm lý cấp cao hơn. Với các số liệu thu được từ nghiên cứu tổn thương các vùng dưới vỏ não trên bệnh nhân bị mắc bệnh Pakinsơn, L.X Vưgốtxki không chỉ khởi xướng mà còn khẳng định nguyên tắc "bù trừ" các khuyết tật là một trong số các nguyên tắc phục hồi chức năng vận động đã bị tổn thương có hiệu quả. Khả năng phục hồi này cần phải có sự tham gia của các tổ chức phức tạp, gián tiếp liên quan đến chức năng vận động trên võ não. Từ kết quả của các công trình nghiên cứu này L.X Vưgốtxki đã đưa ra nguyên tắc định khu chức năng tâm lý trên não người, mà theo ông, khác hoàn toàn với ở não động vật. Ở người, việc định khu các chức năng tâm lý cấp cao diễn ra theo nguyên tắc tổ chức : "đưa ra bên ngoài võ não" (với sự trợ giúp của các công cụ, dấu hiệu, tín hiệu mà quan trọng hơn cả là tiếng nói - ngôn ngữ) . Chính vì vậy, các hành vi xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển đã thúc đẩy việc hình thành ở vỏ não người các "mối quan hệ liên chức năng" mới mà không cần phải có một sự biến đổi căn bản nào về giải phẫu - sinh lý não; Và não người, tóm lại, có nguyên tắc hoạt động hoàn toàn mới so với não động vật, vì thế "nó mới là não người, là cơ quan ý thức của người" (L.X Vưgốtxki : "tâm lý học và học thuyết về định khu các chức năng tâm lý" trang 393 - tiếng Nga được xuất bản sau khi tác giả đã mất). * Quan điểm về ý nghĩa các vùng não (hay các "trung tâm"): định khu các CNTLCC có thay đổi trong quá trình cá thể phát sinh. Dựa vào quan sát quá trình phát triển tâm lý trẻ em, L.X Vưgốtxki đã đi đến kết luận rằng, các CNTLCC ở người hình thành một cách có trật tự và sự thay đổi của các tổ chức não điều khiển hoạt động tâm lý cũng diễn ra theo trật tự của cuộc sống, do có thay đổi "các mối liên hệ liên chức năng". Đây là quy luật cơ bản về sự phát triển chức năng tâm lý ở người bình thường. Do vậy, trong trường hợp bệnh lý, ảnh hưởng của một ổ tổn thương trên não đối với sự phát triển các CNTLCC trên người lớn và trẻ em sẽ rất khác nhau. Ở trẻ em, do não bộ đang đà phát triển và hoàn thiện, một ổ tổn thương trên não sẽ gây ra sự chậm phát triển một cách có hệ thống các CNTLCC tương ứng. Thí dụ, nếu trẻ bị tổn thương các vùng cảm giác (liên quan đến thị, thính, lực v.v ) thì hậu quả để lại sẽ là sự chậm phát triển (hoặc phát triển lệch ) các chức năng nhận thức thính, thị giác cấp cao.
- Còn với người lớn, hoạt động chức năng của não đã ổn định, những mối quan hệ liên chức năng theo lứa tuổi đã thay đổi về cấu trúc, nên vai trò của các vùng não điều khiển các chức năng tâm lý và sự ảnh hưởng một cách có hệ thống của chúng cũng đã thay đổi về cơ bản. Ở người lớn, các vùng não cấp 2, cấp 3* của vỏ, điều khiển hoạt động các CNTLCC là chủ yếu; Khi các vùng này của não không bị tổn thương sẽ là yếu tố cần và đủ cho não thực thi nhiệm vụ có kết quả mà không cần phải tính đến các vùng vỏ não điều hành cảm giác có bị tổn thương hay không. Như vậy, có sự không đồng đều về hậu quả và ảnh hưởng của các vùng não bị tổn thương đến sự phát triển các quá trình tâm lý thần kinh ở trẻ em và người lớn. Hai nguyên lý mà L.X Vưgốtxki đưa ra đã đặt các viên gạch nền móng đầu tiên cho những nghiên cứu cụ thể của A.R Luria và cộng sự sau này. Những kiến thức về tâm lý học thần kinh mà chúng tôi đề cập trong giáo trình này, chủ yếu xuất phát từ sự tổng kết nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và thực hành lâm sàng của Viện sĩ A.R Luria, cũng như sự thu thập số liệu từ các học trò của ông theo trường phái TLHTK Xô Viết. Ngày nay, TLHTK được phát triển theo 02 hướng: * Vùng não cấp I, cấp II, cấp III là biểu hiện cấu trúc thứ bậc của não trong điều khiển các chức năng tâm lý cấp cao ở người. Chức năng các vùng này xin tham khảo trong nội dung II.3(trang 17 của giáo trình này). 1. Tâm lý học thần kinh Xô Viết : được hình thành từ chính những tác phẩm và tư tưởng của L.X Vưgốtxki, A.R Luria và sự kế tục của các cộng sự ở Liên Xô cũng như của các đồng nghiệp học trò ở nhiều nước trên thế giới (Ba Lan, Tiệp Khắc (cũ) Bungari, Hunggari, Phần Lan, Anh, Mỹ, Cu Ba, Việt Nam). 2. Tâm lý học thần kinh truyền thống ở Phương Tây mà nhiều tên tuổi thường được nhắc đến là R.Reitan, D.F.Benson, X. Ekaen, O.L. Zangwill.v.v Sự phát triển của TLHTK theo 2 hướng trên được quyết định bởi cơ sở phương pháp luận của chúng. Tâm lý học thần kinh Xô Viết dựa trên cơ sở phương pháp luận, mà tâm lý học đại cương cũng xuất phát từ đó: phương pháp luận duy vật biện chứng. Theo quan điểm này, tâm lý học là một hệ thống triết học các nguyên tắc lý giải như tính quyết định của yếu tố văn hoá - lịch sử trong hình thành tâm lý người, về sự hình thành có tính nguyên tắc các quá trình tâm lý do ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, về tính gián tiếp của các quá trình tâm lý, về vai trò ưu thế của ngôn ngữ trong hình thành các quá trình tâm lý cũng như về sự phụ thuộc của cấu trúc tâm lý vào phương thức hình thành các quá trình này v.v A.R Luria cùng các nhà tâm lý học Xô Viết đã xây dựng cơ sở của tâm lý học Mác xít và trên nền tảng này xây dựng học thuyết cho chính TLHTK - học thuyết về tổ chức não của các CNTLCC ở người. Các thành tựu của TLHTK Xô viết chủ yếu được quyết định bởi mối quan hệ trực tiếp giữa lý luận của TLH đại cương với việc sử dụng có hiệu quả các mô
- hình của nó để phân tích rối loạn các quá trình tâm lý nảy sinh do tổn thương định khu não. Cơ sở lý luận của TLHTK là quan điểm về cấu trúc có hệ thống của các chức năng tâm lý cấp cao và tổ chức não có hệ thống của chúng. Khái niệm “Các chức năng tâm lý cấp cao” của TLH đại cương đã được L.X Vưgốtxki đưa vào TLHTK và sau đó được các tác giả như A.R Luria, A.N Lêonchep, A.V Zapororet, D.B Eleonhin chỉnh lý và hoàn thiện. Trong TLHTK cũng như ở TLH đại cương CCNTLCC được hiểu là các hình thức phức tạp của hoạt động tâm lý có ý thức được thực hiện trên cơ sở các động cơ tương ứng, được điều khiển bởi các mục đích và chương trình xác định và phải tuân thủ mọi quy luật của hoạt động tâm lý. Như A.R Luria đã chỉ ra CCNTLCC có 3 đặc điểm chính: chúng được hình thành trong cuộc sống do ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, có cấu trúc tâm lý gián tiếp (đặc biệt nhờ sự trợ giúp của hệ thống ngôn ngữ) và tồn tại dưới dạng có ý thức (trong giới hạn xác định). Những đặc điểm được nêu ra của CCNTLCC là tính gián tiếp, tính có chủ định và tính có ý thức, là sự biểu hiện của các phẩm chất có hệ thống - bản chất CCNTLCC như là các hệ thống tâm lý. Cơ sở T - sinh lý của CCNTLCC là các hệ thống chức năng phức tạp. Khi phát triển quan điểm về hệ thống chức năng của Anôkhin, A.R Luria đã chỉ ra tính phức tạp, đa thành phần của hệ thống chức năng - cơ sở của CCNTLCC ở người với sự tham gia của số lượng lớn các khâu, thành phần hướng và ly tâm. Quan điểm về CCNTLCC có cấu trúc hệ thống, được triển khai nhờ sự trợ giúp của các hệ thống chức năng phức tạp, đa thành phần được coi là then chốt trong xây dựng học thuyết định khu CCNTLCC linh hoạt, có hệ thống trên vỏ não người. Đấy cũng chính là cơ sở lý luận của TLHTK Xô viết. Các khái niệm công cụ của TLHTK Xô viết quyết định chiến lược lựa chọn các phương pháp trong nghiên cứu. Tương ứng với khái niệm về cấu trúc có hệ thống của CCNTLCC, việc rối loạn một trong số đó có thể có các biểu hiện rất khác nhau, tuỳ thuộc vào khâu (hay yếu tố nào) bị tổn thương. Nhiệm vụ chính của TLHTK là không phải mô tả giản đơn yếu tố bị rối loạn mà là phân tích định tính các rối loạn chức năng tâm lý (hay còn gọi là phân loại định tính các triệu chứng) - bản chất của cách tiếp cận hệ thống trong nghiên cứu hệ quả các tổn thương định khu trên não. Với mục đích đó các ca bệnh lý được nghiên cứu tỷ mỉ trên cơ sở các số liệu lâm sàng thu được Khi nói về con đường phát triển TLHTK ở phương Tây. A.R. Luria đã nhận định rằng TLHTK của Mỹ (đại diện cho TLHTK phương Tây) đã đạt được nhiều thành tựu trong việc soạn ra các phương pháp nghiên cứu định lượng về di chứng các tổn thương não và thực tế đã đưa ra được sơ đồ chung hoạt động của não, nhưng chưa có lý luận về TLHTK để giải thích các hoạt động của não như một thể thống nhất. Về mặt lý luận, TLHTK ở Mỹ dựa chủ yếu vào tâm lý học hành vi (các cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật máy móc siêu hình ) thần kinh học (cũng trên cơ sở các số liệu kinh nghiệm), và trắc đạc tâm lý vì thế TLHTK ở Mỹ đã không cho phép đưa ra những nhận định đối chiếu trực tiếp về rối loạn các quá trình tâm lý riêng lẻ với các vùng tổn thương đã xác định trên
- não (Luria A.R, Lawrenez, Majovski I: Basic appoaches used in American and Soviet Clinical neuropsychology; trong Americal psychologist 1977, v 92 N011). Cũng do cách tiếp cận nghiên cứu nêu trên, nên trong lĩnh vực TLHTK các nhà khoa học đã chỉ chú ý đến nghiên cứu các công trình theo cách tiếp cận kinh nghiệm chủ nghĩa, trong đó họ đã sử dụng những công cụ toán học để lý giải mối quan hệ của 1 rối loạn chức năng tâm lý với 1 vùng não nhất định. Phương pháp – công cụ nghiên cứu chính mà các nhà TLHTK phương Tây thường sử dụng trong chẩn đoán định khu rối loạn CNTLCC do tổn thương não là những phương pháp định lượng đã được chuẩn hóa ; các nhà nghiên cứu sử dụng bộ test (nhiều test đồng thời ) trong đó một số test dùng để nghiên cưú với các loại bệnh bất kỳ, còn một số test chỉ để nghiên cứu cho các loại bệnh riêng biệt như bệnh do tổn thương vùng trán, bệnh rối loạn ngôn ngữ. Việc lựa chọn test cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chứ không phải là là kết quả của một chiến lược nghiên cứu đã được xác định dựa trên cơ sở một lý thuyết khoa học, chính vì thế vấn đề mà các nhà TLHTK phương Tây quan tâm là kết quả (số điểm) thực hiện test của người bệnh, gián tiếp qua đó lý giải các yếu tố và mức độ rối loạn của chức năng bị tổn thương, nghĩa là nói về bệnh tật của người bệnh chứ không phải trực tiếp về người bệnh và các số liệu lâm sàng của họ. Kết quả là những nghiên cứu này không đi xa khỏi việc so sánh trực tiếp (mà thực chất là so sánh dưới góc độ tâm lý hình thái) những rối loạn của các quá trình tâm lý riêng lẻ với tổn thương các vùng xác định trên não. Vị trí trung tâm trong những nghiên cứu này là tìm ra các chỉ số về thực thi test, nghĩa là mô tả sự kiện và mức độ rối loạn của chức năng này hay chức năng khác. Trong những nghiên cứu như vậy, các nhà chuyên môn chỉ chú ý đến kết quả thu được với sự trợ giúp của các cộng sự (những người dẫn thực nghiệm) chứ không phải với chính người bệnh với sự thiếu hụt phần phân tích các số liệu lâm sàng đã có. Trong khi đó, TLHTK Xô Viết với các khái niệm, lý luận, đã xác định chiến lược tập hợp các phương pháp nghiên cứu. Nói đến cấu trúc có hệ thống các CNTLCC là phải hiểu rằng mỗi chức năng phải là một hệ thống chức năng bao gồm nhiều mắt xích, công đoạn, khi một khâu nào đó bị tổn thương sẽ dẫn đến biểu hiện rối loạn chức năng rất khác nhau, phụ thuộc vào khâu, mắt xích bị tổn thương. Như vậy, nhiệm vụ trọng tâm của TLHTK Xô Viết là xác định một cách định tính các đặc điểm rối loại chứ không thuần túy chỉ lý giải rối loạn của chức năng này hay chức năng khác. Việc phân tích định tính rối loạn các chức năng tâm lý dựa vào kết quả tổ hợp các phương pháp khác nhau và các số liệu lâm sàng của người bệnh. Ngày nay, về mặt lý luận cũng như phương pháp nghiên cứu, TLHTK Xô Viết đã được nhiều nhà TLHTK phương Tây sử dụng ngày càng rộng rãi. Những phương pháp nghiên cứu của A.R Luria đã được chuẩn hóa để thảo luận trong các hội thảo chuyên ngành, các công trình nghiên cứu của A.R Luria liên tục được xuất bản và tái bản ở phương Tây. 4. Các phân ngành của TLHTK:
- TLHTK ngày nay được chia thành một số hướng độc lập sau đây: * TLHTK lâm sàng : + Nhiệm vụ: Nghiên cứu các hội chứng TLTK nảy sinh do tổn thương các vùng trên não và đối chiếu chúng với hình ảnh lâm sàng của bệnh tật. + Phương pháp nghiên cứu : là các phương pháp nghiên cứu lâm sàng TLTK (không cần máy móc ) do A.R Luria soạn thảo mà đến nay được các nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới gọi là “bộ test Luria " hay phương pháp Luria. Đương thời A.R Luria cũng đã thu thập được rất nhiều số liệu thực tế về các hội chứng TLTK do tổn thương các vùng khác nhau trên võ não, các vùng dưới vỏ não (chủ yếu của bán cầu trái) cũng như của các vùng não nền – giữa. Ngày nay, các học trò của Viện sĩ đang tiếp tục triển khai và cũng đã thu được nhiều số liệu khả quan về các hội chứng có liên quan đến tổn thương bán cầu não phải, nghiên cứu các dấu hiệu đặc trưng của các hội chứng nảy sinh do xuất huyết não, chấn thương và u não v.v * Tâm lý học thần kinh thực nghiệm + Nhiệm vụ: Nghiên cứu thực nghiệm các hình thức rối loạn quá trình tâm lý do tổn thương các vùng định khu trên não. Trong các công trình nghiên cứu của mình, A.R Luria đã nghiên cứu thực nghiệm dưới góc độ TLTK các quá trình tâm lý nhận thức như ngôn ngữ, trí nhớ, tri giác, tư duy cũng như các vận động và cử động có chủ định + Phương pháp nghiên cứu : Sử dụng các phương pháp nghiên cứu lâm sàng kết hợp với các máy móc hiện đại như điện não, điện thế gợi, cắt lớp não v.v * Dạy học phục hồi các chức năng tâm lý cấp cao + Nhiệm vụ: Giúp người bệnh có cơ hội trở về với cuộc sống bình thường trong cộng đồng người. + Phương pháp : Dựa vào các nguyên tắc bù trừ chức năng của não trong một hệ thống cũng như trên cơ sở các nguyên tắc dạy học (tính trực quan, vừa sức v.v ) tiến hành dạy học phục hồi (cho những đối tượng có tổn thương não) và dạy học chỉnh trị (cho nhũng đối tượng có phát triển lệch chuẩn các vùng não) *.Tâm lý học thần kinh trẻ em: Đây là một hướng mới trong nghiên cứu TLHTK và được ra đời ở Liên Xô sau ngày A.R Luria mất. Thực tế và những kết quả nghiên cứu về TLTK trên trẻ em ngay lúc A.R Luria còn sống đã cho thấy, khi tổn thương các vùng não bán cầu trái thì ở trẻ em và người lớn các triệu chứng xuất hiện không giống nhau. + Nhiệm vụ: Chẩn đoán các vùng não tổn thương và chậm phát triển gây cản trở cho việc nhận thức và phát triển nói chung ở trẻ. + Phương pháp nghiên cứu: cho đến nay các nhà Tâm lý học Xô Xiết và TLHTK Nga đang biên soạn và chuẩn hóa bộ test của A.RLuria dùng trong chẩn đoán định khu tổn thương các vùng não trên người lớn cho phù hợp với lứa tuổi và phát triển của trẻ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đang tiến hành xây dựng các bộ test chẩn đoán mới dành cho các em: có thể kể trong số đó, là test Luria – 90 do G. Xemirnhixkaia thiết kế. Trong khi đó, ở các nước Phương Tây việc xây
- dựng các test để chẩn đoán định khu tổn thương các vùng chức năng trên não ở trẻ em vẫn theo con đường của họ, nghĩa là tiến hành định lượng các rối loạn chức năng. Do vậy, việc xác định mức độ rối loạn của một triệu chứng rất có hiệu quả nhưng để chẩn đoán định khu vùng tổn thương thì là vấn đề còn phải xem xét. Các tác giả Phương Tây nghiên cứu TLTK trên trẻ em phải kể đến những tên tuổi như Reitan v.v Câu hỏi ôn tập 1. Hãy nêu đối tượng và nhiệm vụ của TLHTK 2. Cơ sở nền tảng để hình thành TLHTK Xô Viết là gì ? 3. Nêu các phân ngành (nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của TLHTK Giáo trình tâm lý học thần kinh Chương II CÁC NGUỒN TRI THỨC VỀ TỔ CHỨC CHỨC NĂNG CỦA NÃO II. 1. Ba nguồn tri thức: [/b] II.1.1. Các tài liệu giải phẫu - so sánh: II.1.1.1. Các nguyên lý cơ bản của sự tiến hoá và cấu trúc não - cơ sở vật chất của các quá trình tâm lý: Khi xem xét cấu trúc của hệ thân kinh dưới góc độ giải phẫu - so sánh, có thể thấy sự tiến hoá về cấu trúc não ở động vật được diễn ra theo các nguyên tắc sau đây: Nguyên tắc cơ bản và chung nhất là: Trên các bậc thang tiến hoá khác nhau, mối quan hệ giữa cơ thể động vật với môi trường có biến đổi, hành vi của con vật đã được điều khiển bởi các bộ máy khác nhau của hệ thống thần kinh. Từ đó có thể nói rằng não người là sản phẩm của sự phát triển lịch sử dài lâu. Nguyên tắc cơ bản trên sẽ được chứng minh bằng sự tiến hoá của hệ thần kinh trong thế giới động vật. Ở giai đoạn đầu của sự phát triển, động vật tiếp nhận thông tin hay tổ chức các cử động dựa vào hệ thần kinh lưới lan toả. Như vậy có nghĩa là không có một trung tâm duy nhất nào thực hiện việc cải biến thông tin hay điều khiển hành vi của con vật. Những chức
- năng trên được thực thi bởi một bộ phận (mang tính nhất thời) nào đó trên cơ thể - như là một cấu thành của hệ thần kinh. Trong quá trình tiến hoá, hệ thần kinh lưới đã nhường chỗ cho các tổ chức mới hệ thần kinh hạch. Ở phần trước của não bộ động vật tập trung nhiều bộ máy nhận cảm phức tạp, tiếp nhận tín hiệu; những tín hiệu này đi đến các hạch trước và thông tin được cải biến ở đây. Từ đó, các hưng phấn được chuyển sang đường dẫn truyền ly tâm đi đến các cơ quan vận động. Ngay ở hệ thần kinh hạch, sự tiến hoá cũng có biểu hiện rõ rệt. Nếu như ở những giai đoạn đầu, hệ thần kinh có cấu trúc chức năng tương đối đơn giản (thí dụ ở giun) ; thì ở giai đoạn sau, ở loài chân đốt, đã có sự phân hoá trong hệ thống thụ cảm thể: hạch trước có vai trò ngày càng phức tạp hơn, có những nơ ron riêng để tiếp nhận và cải biến thông tin về khứu giác, thị giác hay vận động v.v Hạch trước ở một số động vật như ong chẳng hạn, còn là cơ quan thực hiện và triển khai các hành vi bản năng. Ở động vật có xương sống, do cuộc sống chuyển từ ở dưới nước lên trên cạn, điều kiện sống luôn luôn thay đổi nên đòi hỏi con vật phải có những biến đổi hành vi phù hợp với sự điều kiện môi trường sống. Đáp ứng với những nhiệm vụ sinh học ấy là não bộ. Ở những động vật xương sống cấp thấp như cá, điều khiển hành vi của chúng chủ yếu là vỏ "khứu" và não giữa, nhưng ở những động vật xương sống bậc cao hơn, như ở chim, thì vai trò chủ đạo trong việc phân tích thông tin và thích nghi với môi trường bên ngoài là bộ phận gian não (đồi thị, các hạch vận động dưới vỏ) tạo thành hệ thống đồi thị- thể khía. Sau này ở động vật có vú, hệ thống trên đã nhường vai trò chức năng đó cho vỏ não. Chính vỏ não mới đã đảm bảo cho việc tiếp nhận, phân tích các thông tin từ môi trường bên ngoài tác động lên cơ thể, cải biến chúng và hình thành nên các mối liên hệ mới, đồng thời giữ gìn các dấu vết đó. Vỏ não là cơ quan điều khiển các chương trình hành vi của người và con vật bằng cách tạo cơ sở hình thành các phản xạ có điều kiện, hình thành nên các chương trình hành động phức tạp nhất của cá thể. Theo quá trình tiến hoá, ở động vật có xương sống và đặc biệt ở người (ngoài điều kiện tự nhiên, còn có sự tác động của điều kiện xã hội và đặc biệt là sự xuất hiện của tiếng nói) tỷ trọng giữa khối lượng của não bộ với trọng lượng cơ thể ngày càng tăng. Điều này có nghĩa là vai trò của não bộ ngày càng tăng không chỉ đối với hệ thống trọng lượng cơ thể mà cả trong việc tổ chức hành vi của cá thể nói chung. Vai trò của vỏ não càng ngày càng tăng dần theo bậc thang tiến hoá sinh học ; được thể hiện ở sự tăng dần về ưu thế của võ não so
- với các vùng dưới vỏ cả về khối lượng và trọng lượng. Các nghiên cứu về não bộ còn cho thấy sự phát triển của hai bán cầu não có liên quan đến sự tăng trưởng của các vùng mới trên vỏ não người. Những vùng này đã xuất hiện ở động vật nhưng rất mờ nhạt, còn ở người thì lại là các cấu trúc cơ bản của não. Ngược lại, những vùng não vốn rất phát triển trước đây ở động vật như vỏ não cũ (paleocortex) thì ở người chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Sự tiến hoá về não (từ động vật có vú đến người) gắn liền với sự mở rộng, tăng trưởng về diện tích của các vùng vỏ có chức năng phức tạp (vùng não cấp III) và sự thu hẹp (hoặc không tăng) về diện tích của các vùng có chức năng sơ đẳng (vùng não cấp I và cấp II). Chẳng hạn, kích cỡ thuỳ thái dương, vùng não cấp III phía trước và phía sau trên bán cầu đại não người tăng gấp nhiều lần so với ở động vật. Như vậy não bộ, nhất là vỏ não người có vai trò rất lớn trong việc tiếp nhận, cải biến tổng hợp thông tin từ các hệ cơ quan phân tích khác nhau và là bộ máy tham gia vào việc hình thành, bảo tồn các chương trình hành động phức tạp nhất và kiểm tra các hoạt động tâm lý ở người. Các hoạt động tâm lý, hành vi của con người diễn ra trước hết nhờ cơ sở vật chất của nó là não bộ (như một điều kiện cần thiết ). Tuy nhiên, các phản xạ, các hình thức hành vi phức tạp khác nhau có thể được thực hiện bởi các mức độ cấu trúc khác nhau của hệ thần kinh. Khoa học ngày nay đã chứng minh rằng các cơ quan dưới vỏ não tham gia vào việc tổ chức các hoạt động của vỏ não bằng cách cung cấp và điều khiển trương lực của vỏ. Công việc này được thực hiện bởi đường hoạt hoá đi lên của thể lưới thân não, tạo ra một trạng thái cần thiết cho vỏ não hay còn gọi là "phông chung" cho các hoạt động tâm lý. Mặt khác, theo đường hoạt hoá đi xuống đến thể lưới thân não, vỏ não điều chỉnh trương lực đi từ vỏ não xuống các phần dưới vỏ cho phù hợp với thông tin mà con người thu được hay tương ứng với nhiệm vụ đã được đặt ra. Như vậy sẽ là sai lầm, khi cho rằng vỏ não, vì chiếm vai trò ưu thế trong cấu trúc não người nên hoạt động cách biệt, độc lập trong việc điều khiển các quá trình tâm lý. Ngược lại, mối quan hệ giữa vỏ não và các phần dưới vỏ (với các hệ cơ quan phân tích khác nhau) luôn luôn là quan hệ đa chiều có tính hệ thống trong việc điều khiển, điều chỉnh, kiểm tra các chức năng tâm lý. Mối quan hệ nêu trên một lần nữa cho phép khẳng định nguyên tắc làm việc của các hệ thống chức năng não là được tổ chức theo chiều dọc, nghĩa là mỗi hành vi xảy ra là do sự hợp tác hành động của các mức độ (bộ phận) của bộ máy thần kinh với nhau, qua các mối quan hệ đi lên, đi xuống, biến não bộ thành một hệ thống tự
- điều khiển . Điều này còn có nghĩa là các vùng khác nhau của vỏ não liên kết với nhau không chỉ bằng những môí quan hệ theo chiều ngang, mà còn thông qua các tổ chức dưới vỏ, gián tiếp bởi hệ thống các quan hệ dọc. II.1.1. 2. Về cấu trúc và chức năng của vỏ não người. Đã từ lâu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, não mà đặc biệt là vỏ não là một cơ quan có cấu trúc không đồng đẳng về mặt chức năng. Nhà giải phẫu học F.Gall đã phát hiện ra não gồm có phần chất xám (ở vỏ não và các phần dưới vỏ) và phần chất trắng. Nếu phần chất xám có cấu tạo từ các thân tế bào thần kinh thì chất trắng là các đường dẫn truyền liên kết các phần khác nhau của vỏ não cũng như của vỏ não với các vùng ngoại vi. Tiếp theo, vào 1863 nhà giải phẫu học người Ki-ép - V.A Bes nghiên cứu bằng kính hiển vi đã mô tả cấu trúc - hình thái của vỏ não và đi đến khẳng định : phần trước của vỏ não là nơi tập trung của các tế bào thần kinh hình tháp (sau này được gọi là các tế bào hình tháp khổng lồ) còn phần sau của vỏ não quan sát thấy có những tế bào, hoàn toàn khác với những tế bào đã mô tả trên vì chúng có hình dạng là những hình sao nhỏ. Sau này, các kết quả nghiên cứu đã khẳng định, các tế bào được mô tả trên không chỉ khác nhau về hình thái cấu trúc mà còn khác nhau về mặt chức năng. Cụ thể là các tế bào hình tháp tập trung ở rãnh trước trung tâm, nơi khởi nguồn của các xung vận động đi ra ngoại vi và nơi tập trung nhiều tế bào này trên vỏ não được gọi là vùng vận động của vỏ. Còn vùng não tập trung những tế bào sao nhỏ là nơi đi đến của các đường dẫn truyền hướng tâm, được bắt đầu từ các cơ quan nhận cảm (thụ cảm thể ) ngoại vi; vùng này trên não được gọi là vùng cảm giác tiên phát. Như vậy, sự phân chia ra vùng vận động và vùng cảm giác là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng bản đồ chức năng của vỏ não, đồng thời chứng minh rằng các lớp tế bào cấu tạo nên chất xám của vỏ não có sự phân hoá về cấu trúc, chức năng rất cao. Các kết quả nghiên cứu thu được trong những năm 1990 của thế kỷ XX cho thấy vỏ não mới (neocortex) được phân thành 6 lớp. Những lớp dưới cùng là những bộ máy liên quan trực tiếp giữa vỏ não với các cơ quan nhận cảm ngoại vi (lớp 4) và cơ (lớp 5). Hình vẽ số 1 cho thấy đường dẫn truyền từ các cơ quan ngoại vi đến các vùng "phóng chiếu" của não. Theo sơ đồ, các sợi dẫn truyền bắt đầu từ bộ máy nhận cảm da và cơ, bắt chéo ở các tổ chức dưới vỏ đi vào các vùng phía sau của vỏ (vùng cảm giác chung) còn các sợi bắt đầu từ võng mạc hay tai trong, sau khi bắt chéo ở các phần dưới
- vỏ thì đi đến và kết thúc ở các vùng tương ứng ở vỏ chẩm, vỏ thính. Và như vậy, trên vỏ não của người có các vùng vỏ "phóng chiếu " : cảm giác chung (vỏ đỉnh), thị giác (vỏ chẩm) và thính giác (vỏ thái dương) Tương tự, chúng ta có thể quan sát thấy qua sơ đồ những sợi bắt đầu đi từ rãnh trước trung tâm, đến sừng trước của tuỷ sống truyền xung vận động đến các cơ. Những sợi này tạo nên đường tháp - đường dẫn truyền vận động. Hình1: Đường dẫn truyền hướng tâm và các vùng cảm giác của vỏ não(đường in đậm là đường dẫn truyền của các hệ cơ quan phân tích) 1 Cơ quan phân tích thị giác Pia Diện 40 2 Cơ quan phân tích thính giác Pstc Vùng sau trung tâm 3 Cơ quan phân tích da - tư thế vận động TPO Vùng thái dương - đỉnh - chẩm T Vùng thái dương Th Đồi thị O Vùng chẩm Cgm Thể gối trong Pip Diện 39 Cgl Thể gối ngoài (Không có hình) Về hình thái giải phẫu, trên mỗi vùng "phóng chiếu" hay còn gọi là vùng tiên phát của não là cấu trúc thứ phát của nó. Các vùng tiên phát đã nói ở trên chủ yếu định vị ở lớp vỏ não thứ 4 (lớp hướng tâm) và thứ 5 (lớp ly tâm). Các vùng não thứ phát có cấu trúc phức tạp hơn. Đó là các tế bào với các akxon ngắn, không liên quan trực tiếp đến các vùng ngoại vi, hoặc nhận các xung đã qua sơ biến từ các vùng dưới vỏ não và định khu ở các lớp vỏ não thứ 2 và thứ 3. Như vậy, mặt chức năng của các vùng vỏ thứ phát sẽ không đơn giản là "phóng chiếu" mà là "liên hợp". Một trong những đặc điểm chức năng quan trọng về cấu trúc vỏ não phải kể đến vai trò của tế bào glia bao xung quanh các tế bào thần kinh. Sự tăng trưởng của tế bào này trên các bậc thang tiến hoá của động vật cho phép tăng cường sự điều kiển của các vùng khác nhau trên vỏ não. Tương quan giữa mô glia của vỏ não với số lượng tế bào thần kinh của nó ngày càng thay đổi theo hướng tăng dần với sự tiến hoá của động vật và đạt mức cao nhất ở người. Một yếu tố giải phẫu quan trọng khác cho phép hiểu được nguyên lý cấu trúc cơ bản vỏ não là sự phân bố không đồng đều của các lớp tế bào trên các vùng khác nhau của vỏ não. Vùng tiên phát của các hệ cơ quan phân tích nằm ở các lớp phía dưới (lớp hướng tâm hoặc ly tâm ) có chức năng thực hiện cải biến thông tin trong từng hệ cơ quan phân tích. Các vùng thứ phát chủ yếu nằm các lớp trên của vỏ não (lớp phóng chiếu - liên hợp). Ngoài ra, trên vỏ não còn quan sát
- thấy các vùng não nằm ranh giới giữa các thuỳ khác nhau và có tên gọi là vùng não cấp III (hay còn gọi là vùng mở). Các vùng này nằm ở lớp trên của vỏ não (lớp liên hợp) hoàn toàn không liên quan trực tiếp đến với vùng ngoại vi. Có thể nói rằng, vùng não cấp III là cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động đồng thời của các thuỳ não, các hệ cơ quan phân tích và có nhiệm vụ tích hợp các chức năng của các vùng não người nói chung. Các kết quả nghiên cứu về giải phẫu - hình thái não đã chỉ ra rằng trên vỏ não có 2 nhóm vùng não cấp III. Đó là vùng não cấp III phía sau - nằm ở ranh giới giữa các thuỳ chẩm - đỉnh - thái dương và vùng não cấp III phía trước có quan hệ với tất cả các phần còn lại khác của vỏ não và giữ vai trò quan trọng trong việc thiết kế các chương trình hành vi phức tạp ở con người. Như vậy có thể nói hệ thống chức năng của não bộ có cấu trúc thứ bậc, thể hiện ở việc trên vỏ não có sự phân chia chức năng của các vùng tiên phát, thứ phát và vùng não cấp III. Tuy nhiên, xét ở góc độ giải phẫu - so sánh thì cấu trúc thứ bậc của não bộ cũng là sản phẩm của sự phát triển lịch sử, bởi lẽ các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vùng não cấp II &III chỉ phát hiện thấy ở loài khỉ. Vùng não cấp III phía sau, và vỏ trán ở người và là hệ thống phát triển nhất, chiếm phần diện tích lớn trên bán cầu đại não. Để tóm gọn các tri thức trình bày ở trên, chúng ta hãy xét đến sự phát triển của vỏ não trong quá trình cá thể phát sinh. Các số liệu thu được đã khẳng định, sự phân hoá các hệ thống chức năng của vỏ não diễn ra một cách có trật tự theo phát triển của lứa tuổi : Đứa trẻ khi mới sinh ra thì hệ thống dưới vỏ não và các vùng tiên phát vỏ não đã hoàn thiện ; các vùng não cấp II và III thì chưa hoàn toàn phát triển, chưa chín muồi. Điều này thể hiện ở số lượng tế bào tham gia vào thành phần ở các lớp phía trên (lớp liên hợp) của vỏ não cũng như bề rộng của các lớp này còn bị thu hẹp ; mặt khác, các đường dẫn truyền của các tế bào lớp trên được miêlin hoá còn ít. Cùng với sự phát triển của lứa tuổi, các vùng não cấp II và III ngày càng dần được hoàn thiện, phát triển mạnh nhất vào quãng 2-3 tuổi, riêng thuỳ trán, vào độ 6-7 tuổi: Nhìn chung, vỏ não của trẻ phát triển và hoàn thiện về mặt cấu trúc và chức năng như não người trưởng thành bình thường vào lúc 12 tuổi Như vậy, các vùng não như cấp I thì ít thấy có sự biến đổi trong quá trình cá thể phát sinh; ngược lại, các vùng não cấp II cấp III - là các vùng đảm nhận những chức năng phức tạp hơn thì phát triển rất mạnh theo lứa tuổi. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, sự phát triển vùng não cấp II & III của trẻ chưa phải là dấu hiệu duy nhất giúp chúng có tâm thế
- sẵn sàng với việc điều khiển hành vi của mình. Một yếu tố quan trọng cần chú ý là mức độ miêlin hoá của các cấu trúc não đã được hình thành. Sự miêlin hoá cũng diễn ra không đồng đều ở các vùng khác nhau trên vỏ não. Chính khả năng miêlin hoá giúp cho các tế bào thần kinh thực thi đúng chức năng của mình. Nếu như ở các vùng não cấp I, sự miêlin hoá được thực hiện sớm thì ở các vùng não cấp II & III quá trình này diễn ra muộn lâu hơn, kéo dài và trong một số trường hợp phải đến 7-12 tuổi mới kết thúc. II.1.2. Nguồn tri thức từ phương diện sinh lý học : Nguồn tri thức thu được tư phương pháp nghiên cứu giải phẫu - so sánh đã khẳng định não là cơ quan tổ chức đời sống tâm lý. Có thể nói việc khám phá và đưa vào sử dụng rộng rãi phương pháp kích thích các vùng não khác nhau đã cho phép các nhà sinh lý có luận chứng về sự liên quan trực tiếp của một số chức năng tâm lý với các vùng não cụ thể. Vào những năm cuối thế kỷ 19, việc nghiên cứu diễn ra chủ yếu vẫn trên động vật. Chẳng hạn, nghiên cứu thực nghiệm của Fritsch.G và Hitzig.E(1871) trên chó cho thấy, khi dùng dòng điện kích thích vào các vùng khác nhau trên vỏ não thì con vật có biểu hiện co các nhóm cơ bên đối diện. Theo số liệu thu được đã xác định vùng vận động của vỏ não và đặt tiền đề cho các nghiên cứu chính xác về chức năng não. Tiếp theo Sherrington Ch.S và cộng sự (1917) đã nghiên cứu thực nghiệm và chỉ ra rằng vùng vận động của vỏ não khỉ có tổ chức chức năng rất rõ : Các tế bào tháp khổng lồ ở phía trên của rãnh trước trung tâm chuyển xung thần kinh, gây co cơ vận động ở các chi dưới, còn tế bào tháp ở các phần dưới dẫn truyền xung gây co cơ ở các chi trên bên đối diện. Các kết quả nghiên cứu trên não người phải kể đến công trình nghiên cứu của Penfield W. (nhà phẫu thuật thần kinh). Thí nghiệm của Penfield W. không chỉ cho phép nghiên cứu các chức năng vận động mà cả các chức năng điều khiển cảm giác ở con người. Qua sơ đồ so sánh về diện tích phóng chiếu của từng bộ phận cơ thể trên các vùng khác nhau của vỏ não có thể khẳng định nguyên tắc định khu quan trọng của các bộ phận cơ thể trên vỏ não là: hệ thống chức năng nào càng quan trọng thì diện tích phóng chiếu của nó ở vùng tiên phát trên vỏ não càng lớn. Nói cách khác, cơ quan nào càng hay hoạt động, hay bị điều khiển thì càng chiếm nhiều diện tích trên bề mặt vỏ não (xem hình 2 ) Phương pháp kích thích trong sinh lý học được các nhà nghiên cứu không chỉ dùng để nghiên cứu các vùng tiên phát mà cả các vùng thứ phát của vỏ não.
- Một vấn đề khác được đặt ra là khi kích thích vào một vùng (hay một điểm) trên vỏ não thì hưng phấn sẽ lan toả (hay không lan toả ) như thế nào ? Các thực nghiệm đã chỉ ra rằng nếu kích thích vào các vùng tiên phát thì hưng phấn chỉ lan ra ở các vùng liên quan trực tiếp đến điểm bị kích thích ; còn nếu điểm bị kích thích nằm ở vùng thứ phát thì hưng phấn lan toả rộng, thậm chí ở rất xa với điểm bị kích thích. Như vậy quá trình hưng phấn nảy sinh ở vùng thứ phát sẽ lan toả đến nhiều hệ thống chức năng thần kinh khác nhau. Số liệu thu sau đây được trên người bệnh trong các ca phẫu thuật của các tác giả O.Petsl và Penfield W. đã chứng minh vấn đề nêu trên: Khi kích thích vào ụ chẩm của người bệnh ngay trên bàn phẫu thuật, người bệnh "thuật" lại là họ tự nhiên thấy những chấm sáng, những quả bóng các màu sắc và những đốm lửa của người tiền sử v.v ; trong đó những hoang tưởng thị giác diễn ra ở các phần khác nhau của trường thị giác, phụ thuộc trực tiếp vào điểm kích thích. Còn nếu điểm bị kích thích nằm ở vùng thứ phát, chẳng hạn kích thích vào phần trước của vỏ chẩm, thì sẽ gây ra những ảo thị thể hiện bằng các hình ảnh thị giác: người bệnh nhìn thấy con bướm, con rắn, con người vừa đi vừa giơ tay làm ám hiệu hay con chim đang bay. Như vậy hưng phấn khi có kích thích ở vùng não cấp II không chỉ lan toả rộng mà còn tạo ra các hình ảnh thị giác vốn đã được hình thành ở trong kinh nghiệm trước đây của con người. Tóm lại, việc phát hiện ra tính hệ thống của các chức năng thuộc các vùng trên não là một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu tổ chức chức năng ở người. Hình 2: Diện tích phóng chiếu các phần khác nhau của cơ thể lên trên võ não. A. Diện tích phóng chiếu của các cơ quan cảm giác. 1. Nội quan 2. Thanh quản 3. Lưỡi 4. Răng 5. Môi dưới 6. Môi 7.Môi trên 8. Mặt 9. Mũi 10. Mắt
- 11. Ngón tay cái 12. Ngón tay trỏ. 13. Ngón tay giữa. 14. Ngón tay áp út 15. Ngón tay út. 16. Bàn tay 17. Cổ tay. 18. Cẳng tay. 19. Khuỷu tay 20. Chi trên 21. Bờ vai 22. Đầu 23. Cổ 24. Thân 25. Bụng 26. Đầu gối 27. Bàn chân 28. Ngón chân 29. Cơ quan sinh dục B. Diện tích phóng chiếu của các cơ quan vận động. 1. Thực quản 2. Lưỡi 3. Cằm 4. Hai bờ môi 5. Mặt 6. Mắt 7. Lông mày 8. Cổ 9. Ngón tay cái 10. Ngón tay trỏ 11.Ngón tay giữa 12. Ngón tay áp út 13. Ngón tay út 14. Bàn tay 15. Cổ tay 16. Cẳng tay 17. Bờ vai 18. Thân 19. Bụng 20. Cẳng chân 21. Đầu gối 22. Các ngón chân
- II.1.2.2. Các thí nghiệm kích thích gián tiếp lên vỏ não. Ngoài phương pháp kích thích trực tiếp lên vỏ não, còn có những phương pháp khác, gián tiếp nghiên cứu chức năng của vỏ não trên cơ sở quan sát diễn biến khách quan hành vi của khách thể nghiên cứu. Bằng phương pháp phản xạ có điều kiện của Paplốp, có thể quan sát, một mặt, các phản ứng của con vật đối với các kích thích "không điều kiện" ; mặt khác phản ứng của chúng với các kích thích có điều kiện (có khả năng gây ra các phản xạ định hướng sơ bộ) trong tổ hợp với các phản ứng kích thích không điều kiện (tạo ra các phản ứng chuyên biệt như phản ứng tự vệ, tiết nước bọt v.v ). Như vậy theo phương pháp nghiên cứu của Paplốp các số liệu thu được cũng mở ra một hướng khả thi trong nghiên cưú tổ chức của não. Một hướng nghiên cứu khác, ngược lại với phương pháp kích thích trực tiếp vào vỏ não là xây dựng mô hình nghiên cứu trong điều kiện đặt khách thể nghiên cứu chịu sự tác động tự nhiên lên cơ thể và quan sát xem các vùng trên não có phản ứng như thế nào thông qua sự biến đổi của các sóng điện sinh vật. Hướng nghiên cứu này dựa vào phương pháp nghiên cứu với tên gọi phương pháp “điện thế gợi" Kết quả thu được cho thấy, trong mỗi vùng vỏ não, cơ quan nhận cảm của các bộ phận cơ thể phóng chiếu không đồng đẳng về diện tích, nghĩa là những hệ thống chức năng nào quan trọng hơn thì chiếm diện tích nhiều hơn; Chẳng hạn, khi kích thích vào đùi con lợn thì hưng phấn chỉ lan toả ở một vùng hạn hẹp trên vỏ não con vật, trong khi đó nếu kích thích vào cơ quan như mõm lợn hay mỏ con sáo thì sóng của "điện thế gợi" lan toả với diện tích lớn hơn nhiều ở trên vỏ não. Như vậy để xây dựng được bản đồ chức năng các vùng của não có thể so sánh các số liệu thu được từ phương pháp kích thích trực tiếp với kết quả thu được từ kích thích gián tiếp (một phần là phương pháp điện thế gợi). Bằng con đường nghiên cứu như vậy kết quả thu được về tổ chức chức năng não sẽ khách quan và chính xác. Phương pháp "điện thế gợi" với các chỉ số của nó còn cho phép đánh giá các hình thức hoạt động phức tạp của các tổ chức cơ bản trên não. Nhiều số liệu nghiên cứu cho thấy khi xem (tri giác ) các đồ vật phức tạp thì các đáp ứng bằng sóng điện thế gợi có những biến đổi rất cơ bản (so với khi xem các đồ vật có cấu trúc giản đơn) cả về dạng sóng lẫn thời gian tiềm tàng phản ứng Như vậy bằng phương pháp điện thế gợi kết quả cũng khẳng định
- rằng hình thức hoạt động tâm lý càng phức tạp thì các vùng (các hệ thống phức tạp) trên vỏ não cũng tham gia vào việc điều khiển các chức năng tâm lý càng nhiều hơn. II.1.2.3. Các thí nghiệm phân tích chức năng tế bào thần kinh. Sự phân tích các kết quả thực nghiệm sinh lý thần kinh đã cho phép không chỉ tìm hiểu một cách khách quan chức năng năng các hệ thống vỏ não khác nhau, mà còn tạo điều kiện để nghiên cứu chức năng của tế bào thần kinh. Nghiên cứu hoạt động của các tế bào thần kinh dưới và trên vỏ não cho thấy, tế bào thần kinh luôn tiếp nhận kích thích có chọn lọc. Chẳng hạn như trên võng mạc mắt, tế bào hình que chỉ tiếp nhận ánh sáng ban đêm, tế bào hình nón - ánh sáng ban ngày v.v Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy có những loại tế bào có khả năng tiếp nhận đa kích thích. Ngoài ra, trên vỏ não còn có những tế bào thần kinh hoàn toàn không tiếp nhận một loại kích thích bất kỳ và như vậy các tế bào thần kinh loại này phải có chức năng hoàn toàn khác. Thông thường, các tế bào thần kinh có tính chuyên biệt hoá cao được định khu ở các vùng vỏ tiên phát. Những nơ ron nằm ở vỏ thứ phát thường có khả năng tiếp nhận kích thích đa tính chất, (thí dụ như tiếp nhận độ nghiêng hay độ dày của đường thẳng v.v ). Như vậy có thể đặt giả thuyết rằng, tế bào của vùng thứ phát có chức năng phức tạp hơn so với tế bào của vùng tiên phát Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX đã phát hiện thêm nhiều tế bào thần kinh chỉ hoạt động khi đáp ứng với sự thay đổi của kích thích hay sự biến đổi một thuộc tính của kích thích hoặc khi xuất hiện kích thích mới và đồng thời giảm hoạt động của mình theo sự tăng tần xuất xuất hiện của kích thích. Có thể giả định rằng, các tế bào thần kinh mô tả trên đã thực hiện chức năng so sánh các kích thích mới với dấu vết của các kích thích cũ. Các tế bào thần kinh loại này được đặt tên là tế bào chú ý (attention unit) nằm rải rác, không đồng đều ở các vùng trên vỏ não, tập trung ít ở vỏ tiên phát, mà chủ yếu ở các vùng lim bic, tuyến yên, nhân đuôi. Đặc biệt ở người, tế bào chú ý xuất hiện rất nhiều ở vùng trán. II.1.3. Nguồn tài liệu thu được từ phương pháp loại trừ hoạt động của từng vùng não riêng lẻ Đây là phương pháp đã được sử dụng rộng rãi trên động vật và người (tuy cách tiếp cận có khác nhau) nhằm loại bỏ (hoặc phá huỷ) hoạt động từng vùng não và sau đó quan sát những biến đổi hành vi của khách thể nghiên cứu. Khi sử dụng cách tiếp cận này để nghiên cứu trên con người, mà chính xác là quan sát những diễn biến về hành vi của những người bệnh có tổn thương( xuất huyết hay u
- não), cũng đem lại nhiều số liệu quí báu, góp phần hình thành một chuyên ngành mới trong khoa học tâm lý - đó là TLH thần kinh. Những nghiên cứu đầu tiên trên động vật bằng phương pháp này cho thấy, sự tổn thương các vùng khác trên não sẽ dẫn đến các biểu hiện rối loạn chức năng khác nhau. Thí dụ, khi loại bỏ vùng có các tế bào tháp ở vỏ não (tương ứng với vùng trước rãnh trung tâm ở não người) thì thấy xuất hiện hiện tượng liệt chi bên đối diện ; còn nếu các vùng khác trên não bị tổn thương thì không thấy những dấu hiệu này. Các số liệu thu được sau này trên động vật có vú cũng khẳng định kết quả nêu trên. Vào giữa nửa đầu thế kỷ 19 Flourence (1842) đã chỉ ra rằng, việc hạn định ranh giới chính xác các vùng vận động trên não chỉ mang tính tương đối. Thời gian sau (1876-18881) khi phá vỡ vùng "vận động” của vỏ não chó đã quan sát thấy chức năng vận động không chỉ bị "bó gọn" ở một vùng nhất định trên vỏ não; sau phẫu thuật những chức năng của các chi bị rối loạn thì rất mau chóng được phục hồi. Có thể nói quan niệm về không tồn tại tổ chức chức năng cố định ở một vùng não bất kỳ của con vật, thực chất đã mâu thuẫn với những dữ kiện đã nêu ở trên. Mâu thuẫn này đã tồn tại kéo dài một thời kỳ khá lâu trong khoa học nghiên cứu chức năng não. Mãi đến năm 1929, chỉ khi K. X. Lesli bằng thực nghiệm đưa ra dữ kiện cho rằng, hành vi của con chuột liên quan đến số lượng tế bào của não còn được bảo tồn nhiều hơn, so với định khu những vùng có các chất não đã bị phá huỷ. Từ đây một hướng suy nghĩ khác, mới nảy sinh gây chú ý của nhiều nhà khoa học. Tuy nhiên, việc giải quyết mâu thuẫn nêu trên chỉ diễn ra vào thời kỳ sau này, khi vi cấu trúc các vùng vỏ não của con vật được hiểu sâu sắc hơn, và đồng thời khi các kết quả nghiên cứu so sánh trên đại diện ở các giai đoạn tiến hoá cũng cho thấy biểu hiện rối loạn hành vi có khác nhau, cùng một vùng xác định trên não khi bị tổn thương (phá vỡ). Có thể nói, do sự phân hoá về mặt cấu trúc não ngày càng tăng, nên khi bị tổn thương cùng một vùng não, ở động vật cấp thấp, các khuyết tật ít bị phân hoá hơn so với ở động vật cấp cao. Như vậy, trên các bậc thang tiến hoá, hành vi của con vật ở các mức độ khác nhau ngày càng phụ thuộc vào các vùng não cấp cao (trong đó có vỏ não) : động vật càng ở vị trí cao trên bậc thang tiến hoá thì vai trò của vỏ não trong điều khiển hành vi càng cao và tính chất phân hoá trong việc điều khiển đó ngày càng tinh vi. Đây cũng chính là qui luật vỏ hoá các chức năng của não và là cơ sở để giải đáp về nguyên nhân gây ra các mâu thuẫn nêu trên.
- Về vai trò của vỏ não trong điều khiển các chức năng cấp cao, ở con vật cho thấy những vùng giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức hoạt động tri giác và các loại hình nhận thức phức tạp đều nằm trên vỏ não; trong khi đó, các chức năng đơn giản (như phân biệt các bộ phận được chiếu sáng của đồ vật ) được thực hiện bởi các cơ chế đơn giản hơn, định khu ở các vùng dưới vỏ não. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các cộng sự của I.P.Páplốp khi nghiên cứu trên chó cũng quan sát thấy nếu phá huỷ một vùng nào đó trên não có thể dẫn đến rối loạn hoạt động phân tích - tổng hợp cuả hệ cơ quan phân tích tương ứng, trong khi các chức năng đơn giản khác không bị ảnh hưởng. Như vậy, có thể nói rằng vỏ não là cơ sở vật chất của các chức năng phức tạp : phân tích tổng hợp các thông tin đi đến từ ngoài, trong cơ thể. Ngoài kết quả nghiên cứu trên động vật, các số liệu thu được trong điều trị người bệnh có tổn thương các vùng não cũng đã đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng TLHTK như là lĩnh vực chuyên ngành độc lập của KH tâm lý. Trước hết, trong lâm sàng, để phục vụ cho việc nghiên cứu, các nhà khoa học đã không dùng phẫu thuật như là một phương pháp nghiên cứu. Lý do là khi phẫu thuật thường gây chảy máu, gây ra sự biến đổi ở các mô của não, gây khó khăn cho việc phân tích vai trò các vùng bị tổn thương, cũng như xác định chức năng tương ứng của nó. Và chính vì vậy, phương pháp loại trừ hoạt động của từng vùng chức năng não đã được sử dụng rộng rãi. Việc loại trừ được tiến hành bằng các cách như làm tê liệt từng vùng não, bằng cách làm lạnh hoặc bằng cách tiêm nước muối Na hoặc cho dòng điện tác động liên tục lên não nhằm gây rối loạn hoạt động chức năng của các vùng đó. Ưu thế của phương pháp "loại trừ " là không gây phản ứng phụ và trong khoảng thời gian bị "loại trừ" có thể quan sát những biến đổi hành vi của người bệnh. Kết quả thu được từ phương pháp loại trừ (1 phương án của phương pháp phá vỡ các vùng não) cũng đã khẳng định tính chính xác của các số liệu thu được dưới góc độ giải phẫu - so sánh. Như vậy, từ 3 nguồn trí thức về tổ chức chức năng của não, có thể tìm ra các nguyên lý tổ chức hoạt động của các vùng trên não trong việc điều khiển các chức năng tâm lý, hành vi của con người. II.2. Thuyết định khu linh hoạt, có hệ thống của các chức năng tâm lý cấp cao trên vỏ não người . II. 2.1. Các quan niệm khác nhau về định khu chức năng tâm lý cấp cao trên vỏ não: Thực chất đây là vấn đề về quan hệ giữa não và cái tâm lý. Giải
- quyết được việc định khu các chức năng tâm lý cấp cao trên vỏ não có liên quan đến nhiều khái niệm quan trọng nhất của khoa học hiện đại. Do đó, đây là vấn đề có liên quan đến nhiều ngành khoa học khác nhau như giải phẩu, sinh lý thần kinh và nội, ngoại khoa thần kinh. Tâm lý học thần kinh nghiên cứu chủ đề này từ quan điểm của mình : nghiên cứu các đặc điểm rối loạn chức năng tâm lý trên người bệnh có tổn thương khu trú não. Trong lịch sử phát triển các học thuyết về định khu chức năng tâm lý cấp cao trên vỏ não, đã hình thành cuộc đấu tranh với 2 hướng chủ yếu: Thuyết định khu hẹp được: xuất phát từ quan điểm cho rằng mỗi chức năng tâm lý là một “năng lực "thống nhất, trọn vẹn và định khu tại một vùng xác định trên vỏ não. Bản thân não, mà trước hết là vỏ não, là nơi tập hợp của các "trung tâm "; mỗi "trung tâm" trong đó "chứa" một chức năng tâm lý xác định. Chính vì vậy, mỗi khi một trung tâm bất kỳ của não bị tổn thương sẽ dẫn đến chức năng tâm lý tương ứng bị rối loạn. Như vậy, việc định khu đã được xem xét một cách trực tiếp trong tương quan với chức năng tâm lý và cấu trúc hình thái não. Các tác giả đã ủng hộ quan điểm này phải kể đến Broca, Wercnik, Saco. Chính thuyết định khu hẹp là cơ sở để xây dựng nên bản đồ về định khu các chức năng tâm lý trên não thời kỳ này. Thuyết chống định khu : cũng nghiên cứu mối quan hệ giữa"não và cái tâm lý " theo cách của thuyết định khu hẹp, nghĩa là, tìm mối liên hệ trực tiếp giữa "một năng lực " tâm lý với các vùng trên não. Nhưng do quan điểm cho rằng, não người có tính chất đồng đẳng đối với tất cả các chức năng tâm lý, nghĩa là, các chức năng tâm lý liên quan đến não bình đẳng như nhau, nên mỗi một tổn thương não sẽ dẫn đến rối loạn tất cả các chức năng tâm lý đồng thời. Mức độ rối loạn tỷ lệ với đại lượng não bị tổn thương (chứ không phụ thuộc vào định khu của vùng tổn thương ). Các tác giả - những người sáng lập ra học thuyết và ủng hộ cho học thuyết tồn tại là Phlourence, Lesli . Tuy nhiên, thực tiễn quan sát lâm sàng trên người bệnh có tổn thương não đã cho thấy mẫu thuẫn sau đây phát sinh: Một mặt, do tổn thương các vùng chức năng nhất định trên não (mà trước hết là vỏ não) đã dẫn đến rối loạn các chức năng tâm lý đặc thù khác nhau. Mặt khác, khả năng phục hồi các chức năng tâm lý đã bị rối loạn cũng rất cao. Điều này chứng tỏ, nhiều vùng khác nhau của não cũng có khả năng thực thi, thay thế chức năng của vùng não đã tổn thương.
- Mẫu thuẫn trên đây không tìm được sự lý giải trong các học thuyết định khu đã nêu trên. Chính vì thế A. R. Luria dựa vào các thành tựu nghiên cứu của sinh lý học, y học, tâm lý học đã xây dựng học thuyết định khu theo quan điểm của mình với tên gọi thuyết "định khu chức năng tâm lý cấp cao có hệ thống linh hoạt trên vỏ não người". Thuyết này được xây dựng bắt đầu từ sự xem xét lại một số khái niệm cơ bản liên quan đến định khu chức năng. II.2.2. Một số khái niệm cơ bản được xem xét lại: Khái niệm chức năng : Trước đây người ta thường quan niệm chức năng là chức phận của một cơ quan nào đó, chẳng hạn như gan triết ra mật, tuyến thương thận tiết ra insulin. Tuy nhiên, hiểu chức năng như đã nêu trên sẽ không đầy đủ, không bao quát hết các lĩnh vực, khía cạnh của khái niệm nếu như khi nói đến, chẳng hạn, chức năng tiêu hoá, chức năng hô hấp hay vận động v.v (mà đấy lại là những chức năng rất cơ bản của cuộc sống con người). Thí dụ để thực hiện quá trình tiêu hoá thức ăn phải được đưa đến dạ dày; ở đây nhờ có sự tiết ra của một số dịch (như dịch dạ dày) của các tuyến tiêu hoá ở gan, thức ăn được nhào trộn, cải biến; sau đó, nhờ có sự co bóp của thành dạ dày và ruột , thức ăn theo dải tiêu hoá đi xuống ruột non và cuối cùng những chất bổ được triết ra từ thức ăn mới ngấm vào cơ thể thông qua sự thẩm thấu của thành ruột. Như vậy, với một quá trình phức tạp như tiêu hoá, thì chức năng ở đây phải được hiểu như một hệ thống chức năng: bao gồm trong đó nhiều khâu, nhiều bộ máy nội tiết - thể dịch, vận động và thần kinh ở các cấp độ khác nhau tham gia. Và nếu hiểu chức năng như là một hệ thống chức năng thì cần phải nhấn mạnh đến tính phức tạp và tính linh hoạt của các cấu trúc thành phần tham gia vào hệ thống đó (theo P.K. Anôkhin). Một hệ thống chức năng bất kỳ đều có những đặc điểm chung sau đây: + Nhiệm vụ thực thi và kết quả đạt được của hệ thống chức năng là luôn ổn định (không thay đổi) trong khi đó phương tiện thực hiện có thể biến đổi. + Trong một hệ thống chức năng bao gồm nhiều thành phần hướng tâm và tổ hợp ly tâm. Các đặc điểm này của hệ thống chức năng được bộc lộ rất rõ nếu chúng ta nghiên cứu các chức năng như hô hấp, tiêu hoá, vận động, hay một chức năng tâm lý cấp cao bất kỳ. Cách tiếp cận và hiểu chức năng như là một hệ thống chức năng, khác cơ bản với cách hiểu coi chức năng chỉ là một bộ phận nào
- đấy của cơ thể. Khái niệm về định khu: được xem xét lại trên cơ sở hiểu chức năng như là một hệ thống chức năng. Do vậy không thể có định khu chức năng (thực thể hay tâm lý) tại một vùng, một điểm nhất định nào đó trên vỏ não. I.P.Paplốp khi nói về trung tâm hô hấp đã chỉ ra rằng : "Nếu trước kia người ta cho rằng, cái đó (trong khu hô hấp - người dịch) chỉ là đầu của cái kim băng ở trên hành não thì bây giờ định khu này vươn ra khắp nơi đi lên trên não bộ, đi xuống tuỷ sống và ranh giới của nó không thể xác định được " (Páplốp toàn tập. Tập 3, trang 127). Như vậy, chắc chắn việc định khu các chức năng tâm lý cấp cao sẽ còn phức tạp hơn nhiều và không thể định khu trong những vùng vỏ não "hạn hẹp". Kết quả nghiên cứu từ nhiều góc độ khoa học khác nhau (sinh lý giải phẫu thần kinh, lâm sàng) đã chỉ ra rằng, một CNTLCC là những hệ thống phức tạp do nhiều vùng não cùng hoạt động, điều khiển mà mỗi vùng trong đó có vai trò nhất định trong việc thực thi các quá trình tâm lý phức tạp. Các vùng não cùng hoạt động trong một hệ thống nằm trên các điểm hoàn toàn khác nhau, đôi khi còn rất xa nhau. Đây chính là một đặc điểm cơ bản về định khu chức năng TLCC trên vỏ não người. Ngoài ra, việc định khu các CNTLCC trên vỏ não không phải là cố định mà có thể thay đổi trong quá trình phát triển của đứa trẻ, cũng như do luyện tập có hệ thống. Chẳng hạn như chức năng viết, những ngày đầu mới tập cầm bút thì phải nhớ được hình ảnh, biểu đồ của mỗi từ và được thực hiện bởi một loạt các cử động riêng lẻ khác nhau, mỗi cử động trong đó giúp cho thực hiện chỉ một yếu tố của từ. Kết quả của quá trình luyện tập cho thấy, cấu trúc của quá trình viết thay đổi cơ bản và chuyển thành "giai điệu vận động" nhất quán, không cần phải tập trung chú ý khi viết. Tương tự như vậy, các quá trình tâm lý cấp cao khác ở người cũng được hình thành và phát triển. Tương ứng với sự thay đổi về cấu trúc của các CNTLCC là sự thay đổi định khu tổ chức não của nó. Đặc biệt ở giai đoạn phát triển muộn khi não đạt mức phát triển hoàn thiện, hoạt động của các hệ thống chức năng bắt đầu được dựa trên hệ thống các vùng não hoàn toàn khác. (Xem A.R Luria và cộng sự 1970). Tóm lại, chỉ trên cơ sở chính xác hoá cấu trúc chức năng của quá trình tâm lý được nghiên cứu, với việc phân tích các yếu tố cấu thành của chức năng đó và việc phân tích "sự rải rác" các yếu tố theo hệ thống não bộ, mới cho phép tiếp cận để giải quyết theo cách hoàn toàn khác về định khu CNTLCC trên vỏ não.
- Khái niệm "triệu chứng" : với các chức năng tâm lý giản đơn, quan sát lâm sàng những biến đổi hành vi của người bệnh sẽ cho biết về những triệu chứng - đó là những số liệu rõ ràng về chẩn đoán định khu tổn thương hay cũng chính là định khu chức năng trong hệ thống thần kinh. Chẳng hạn như mất một phần trường thị giác là triệu chứng tổn thương của võng mạc, đường dẫn truyền thị giác hay vỏ thị. Nhưng rối loạn các chức năng tâm lý cấp cao thì hoàn toàn khác. Nếu như hoạt động tâm lý là hệ thống chức năng phức tạp và bao gồm nhiều vùng chức năng não cùng hoạt động, thì tổn thương mỗi vùng sẽ dẫn đến rối loạn toàn bộ hệ thống chức năng và như vậy triệu chứng (rối loạn hoặc mất đi một chức năng nào đó) chưa thể nói về định khu của chức năng đó. Để xác định được triệu chứng về định khu của hoạt động tâm lý, nhất thiết phải tiến hành phân tích tỷ mỷ cấu trúc các rối loạn nảy sinh, tìm các căn nguyên gần nhất gây rối loạn hệ thống chức năng nghiên cứu; hay nói theo A.R. Luria thì đó là quá trình phân loại các triệu chứng : + Triệu chứng tiên phát : là rối loạn chức năng tâm lý, liên quan trực tiếp với rối loạn (hay mất đi) của một yếu tố xác định ẩn chứa trong nội dung của rối loạn. + Triệu chứng thứ phát : Là rối loạn chức năng tâm lý nảy sinh như hệ quả của các triệu chứng tâm lý thần kinh tiên phát, theo qui luật quan hệ qua lại có hệ thống với các rối loạn tiên phát. Chỉ trên cơ sở phân tích cấu trúc các chức năng bị rối loạn, phân loại các triệu chứng mới cho phép đi đến kết luận về định khu ổ tổn thương gây ra các khuyết tật ở người bệnh. Khái niệm hội chứng: Việc phân tích cấu trúc của quá trình tâm lý bị rối loạn cùng với việc phân loại triệu chứng (tiên phát, thứ phát) là cơ sở để tìm ra hội chứng - chẩn đoán định khu các vùng não tổn thương. Hội chứng là sự tổ hợp có qui luật của các triệu chứng tâm lý thần kinh, liên quan đến sự rối loạn (hay mất đi) của một yếu tố (hay nhiều yếu tố) xác định. Các nguyên tắc phân tích hội chứng rối loạn các CNTLCC do A.R Luria đã nêu ra cho thấy, cùng với “phân loại đính chính” các triệu chứng (hay là các hình thức rối loạn chức năng tâm lý), cần tìm và phát hiện ra các khiếm khuyết tiên phát cơ bản, liên quan trực tiếp với yếu tố bị thay đổi một cách bệnh lý và các rối loạn thứ phát nảy sinh theo quy luật tổ chức các chức năng tâm lý có hệ thống bao gồm cả việc cần thiết phải xác định không chỉ các chức năng đã bị rối loạn, mà cả các chức năng tâm lý vẫn còn được bảo tồn. Kết quả của phân tích hội chứng là việc thiết lập tính đặc thù của hội chứng
- TLTK nói chung để từ đó cho phép xác định vùng tổn thương của não. Chẩn đoán định khu là mục đích cuối cùng của nghiên cứu lâm sàng TLHTK được thực hiện trên cơ sở của việc phân tích hội chứng. II.2.3. Nội dung thuyết định khu có hệ thống, linh hoạt của các chức năng thần kinh cấp cao trên vỏ não người: Học thuyết này chính là cơ sở lý luận của tâm lý học thần kinh Xô Viết hiện đại. Xuất phát từ quan điểm cho rằng các chức năng tâm lý thần kinh cấp cao hay các hình thức hoạt động tâm lý ý thức có cấu trúc hệ thống, có cơ sở tâm sinh lý phức tạp, bao gồm nhiều hệ thống chức năng, đa thành phần, A.R Luria khẳng định: mỗi chức năng tâm lý thần kinh cấp cao được định khu đồng thời ở nhiều vùng khác nhau trên vỏ não; Một vùng có một vai trò nhất định trong hệ thống chức năng; mỗi vùng trên não có thể tham gia đồng thời vào nhiều hệ thống chức năng. Khi tham gia vào hệ thống chức năng nào, thì các vùng não sẽ cùng hoạt động theo tôn chỉ nhiệm vụ của hệ thống đó. Sự tổn thương của một khâu trong hệ thống chức năng có thể được bù trừ bằng hoạt động của các khâu khác trong cùng một hệ thống hoặc thuộc hệ thống khác. II.3. Ba khối chức năng cơ bản của não: Mỗi một chức năng tâm lý cấp cao (hay còn gọi là hình thức hoạt động tâm lý có ý thức) được thực hiện bởi sự tham gia của 3 khối chức năng não. Mỗi khối trong đó có vai trò quan trọng nhất định. Các khối của não được đặc trưng bởi các đặc điểm cấu trúc, nguyên tắc hoạt động chức năng riêng biệt trong điều Hình 3: Sơ đồ các diện não theo Brodmann. A. Bề mặt bên ngoài. B. Bề mặt bên trong. khiển hoạt động tâm lý. Có thể nói, 3 khối chức năng cơ bản của não là 3 đơn vị cùng tham gia vào điều khiển, điều chỉnh hoạt động tâm lý thần kinh ở người (xem hình 3). III. 3.1. Khối điều hành trương lực và trạng thái thức tỉnh: Bao gồm các cấu trúc không chuyên biệt như : Thể lưới thân não Các cấu trúc không chuyên biệt của não giữa, của gian não, của hệ lim bic Các phần não nền - giữa của vỏ não trán và vỏ thái dương. Khối này điều hành 2 dạng hoạt hoá: + Hoạt hoá lan toả chung làm cơ sở để tạo ra trạng thái thức tỉnh, làm phông để các quá trình tâm lý ý thức bất kỳ diễn ra.
- + Hoạt hoá có tính lựa chọn, khu trú cần thiết để thực thi các chức năng tâm lý cấp cao. Loại hoạt hoá thứ nhất liên quan với những biến đổi về trương lực võ não, nhằm tạo ra mức độ tỉnh táo nói chung. Nhóm hoạt hoá thứ hai liên quan chủ yếu đến những biến đổi theo pha, ngắn hạn của từng hệ thống (cấu trúc) não riêng lẻ. Các cấu trúc không chuyên biệt của khối chức năng thứ nhất có vai trò khác nhau trong quá trình hoạt hoá. Cấu trúc phía dưới như thể lưới thân não và não giữa đảm bảo việc hoạt hoá theo dạng thứ nhất; Các cấu trúc nằm phía trên (cao hơn) liên quan chủ yếu đến việc điều hành các quá trình hoạt hoá theo kiểu thứ hai. Riêng tổ chức não nền - giữa của vỏ não thực hiện việc điều hành so sánh có chọn lọc các quá trình hoạt hoá với sự trợ giúp của hệ thống ngôn ngữ. Cấu trúc không chuyên biệt thuộc thành phần khối chức năng thứ nhất, được chia thành đường dẫn truyền đi lên (truyền hưng phấn từ ngoại vi lên vỏ não) và đường dẫn truyền đi xuống (chuyển hưng phấn từ vỏ não ra ngoại vi). Trong thành phần của đường dẫn truyền đi lên và đi xuống bao gồm đường hoạt hoá và đường ức chế. Cho đến nay có thể khẳng định các đường hoạt hoá và đường ức chế của cơ chế không chuyên biệt mang tính chất tự động hoá tương đối, không phụ thuộc vào mức độ cấu trúc của nó trên não (vỏ hay dưới vỏ não) Về giải phẫu, các cấu trúc không chuyên biệt được cấu tạo trước hết từ các tế bào đặc biệt, có akxon ngắn. Điều này giải thích tại sao hưng phấn lan truyền với tốc độ tương đối chậm. Ngoài ra, ở trong các cấu trúc không chuyên biệt cũng có thể quan sát thấy các tế bào có akxon dài, đảm trách nhiệm dẫn truyền các quá trình hoạt hoá với tốc độ nhanh. Về cấu tạo, khối chức năng thứ nhất, nằm ở lớp tế bào 5- 6 của vỏ não. Ý nghĩa chức năng của khối thứ nhất được biểu hiện trước hết ở việc điều khiển quá trình hoạt hoá, đảm bảo trương lực vỏ não, tạo ra "phông" hoạt hoá chung để trên cơ sở đó diễn ra các quá trình tâm lý ý thức. Ở góc độ này, hoạt động của khối chức năng thứ nhất liên quan trực tiếp với quá trình chú ý, ý thức chung, không mang tính chọn lọc. Chú ý và ý thức xét về tiêu hao năng lượng, đều liên quan đến mức độ nhất định của hoạt hoá; còn về định tính thì đây là sự phản ánh những biến đổi diễn ra trong và ngoài cơ thể con người. Ngoài chức năng hoạt hoá, các cấu trúc không chuyên biệt của khối chức năng thứ nhất của não còn liên quan trực tiếp với quá trình trí nhớ mô thức - không chuyên biệt, thể hiện ở việc tạo dấu vết, giữ
- gìn và cải biến thông tin đa thể thức. Các kết quả quan sát người bệnh bị tổn thương cấu trúc không chuyên biệt ở não giữa đã khẳng định nhận định trên. Ngoài ra, khối chức năng thứ nhất còn liên quan đến động cơ và xúc cảm. Cấu trúc hệ lim bíc của khối thứ nhất có liên quan mật thiết với các vùng vỏ trán giữa, vỏ thái dương là những tổ chức đa chức năng. Những tổ chức này tham gia vào điều khiển các trạng thái cảm xúc (mà trước hết là những cảm xúc tương đối đơn giản như sợ hãi, đau đớn v.v. ) và điều hành các quá trình, trạng thái động cơ liên quan đến các nhu cầu khác nhau của cơ thể. Ở các hình thức cảm xúc và động cơ cao cấp, các cấu trúc não của hệ lim bíc giữ vai trò trung tâm. Chính vì thế, khối chức năng thứ nhất của não luôn tiếp nhận và cải biến thông tin đa thể thức về hiện tượng bên trong, bên ngoài cơ thể và điều khiển trạng thái này với sự trợ giúp của các cơ chế sinh hoá và thần kinh - thể dịch. II. 3. 2. Khối tiếp nhận, cải biến và gìn giữ thông tin từ bên ngoài: Thành phần của khối gồm các hệ cơ quan phân tích chính : thị giác, thính giác, da - vận động; nghĩa là, các vùng vỏ nằm ở phía sau của bán cầu não. Hoạt động của khối này đảm bảo cho các quá trình mô thức - chuyên biệt cũng như các hoạt động tích hợp cải biến thông tin cần thiết để thực thi các chức năng tâm lý cấp cao. Tất cả 3 hệ cơ quan phân tích thuộc thành phần của khối chức năng thứ hai đều được cấu tạo từ các phần ngoại vi và phần trung ương. Các phần trung ương có cấu tạo thứ bậc, mà cao nhất là vỏ não. Các thành phần ngoại vi của hệ cơ quan phân tích là sự phức tạp hoá có trật tự của quá trình cải biến thông tin. Sự phức tạp nhất của việc phân tích và cải biến thông tin diễn ra ở bán cầu não. Vỏ não các vùng phía sau của 02 bán cầu có một loạt các đặc điểm chung, cho phép chúng liên kết thành một khối thống nhất. Đó là, ở đây có "vùng hạt nhân của cơ quan phân tích" và vùng "ngoại vi" ( theo thuật ngữ của I.P.Paplốp) hay còn gọi là vùng tiên phát, thứ phát và các vùng não cấp 3. Các diện 17 và 18, 19 (cơ quan phân tích thị giác ), diện 41, 42 và 22 (cơ quan phân tích thính giác) và các diện 3, 1, 2 với một phần diện 5 (cơ quan phân tích da - vạn động) là các vùng não tiên phát, thứ phát; trong các diện nêu trên thì các diện 17, 41, 3 thuộc vùng tiên phát, còn lại - thuộc vùng thứ phát. Các diện tiên phát được cấu tạo từ các tế bào sao nhỏ, nằm ở lớp tế bào thứ 4 của vỏ não. Những tế bào này tiếp nhận và chuyển hưng
- phấn sang cho các tế bào tháp (thường nằm ở lớp tế bào 3 và 5 của vỏ não). Từ đây các sợi dẫn truyền các xung đi đến các "trung tâm vận động " tạo ra các phản xạ vận động tương ứng. Tất cả các diện tiên phát đều có cấu trúc theo nguyên tắc định khu, nghĩa là, mỗi vùng xác định trên vỏ não tiên phát đều ứng với một phần xác định của bề mặt cơ quan nhận cảm. Chính vì thế, vùng tiên phát được gọi là vùng phóng chiếu. Tuy nhiên, diện tích đại diện của các phần thuộc cơ quan nhận cảm trên vỏ não to, nhỏ, lớn, bé ra sao lại phụ thuộc vào ý nghĩa chức năng của từng phần đó. Vùng tiên phát được tổ chức theo cột dọc, liên kết các tế bào thần kinh thành các vùng cảm giác. Vùng tiên phát vỏ não còn liên quan trực tiếp với các nhân của đồi thị. Chức năng của vùng tiên phát là phân tích tỷ mỉ một cách tối đa các thông số vật lý của kích thích thuộc một mô thức nhất định. Các vùng thứ phát của vỏ não gồm các tế bào não rất phát triển, có nhiệm vụ chuyển các xung hướng tâm (từ lớp tế bào não thứ 4 ) sang các tế bào tháp (thuộc lớp tế bào 5), tạo ra các mối liên hệ liên hợp trên vỏ não. Quan hệ giữa các vùng thứ phát với các cấu trúc dưới vỏ tương đối phức tạp hơn so với vùng tiên phát. Các xung thần kinh hướng tâm từ các nhân liên hợp của đồi thị đi đến thẳng vùng thứ phát. Nói cách khác, các vùng thứ phát tiếp nhận các thông tin đã được cải biến phức tạp hơn so với các vùng tiên phát. Các vùng thứ phát thực thi chức năng tổng hợp các kích thích, liên kết chức năng các vùng của các hệ cơ quan phân tích và tham gia vào việc đảm bảo các dạng hoạt động tâm lý nhận thức khác nhau. Vùng não cấp 3 phía sau của bán cầu não gồm các diện 40 (vùng đỉnh phía trên), 39 (đỉnh phía dưới), diện 21, một phần diện 37 (vùng thái dương giữa). Đây còn được gọi là vùng mở thái dương - đỉnh - chẩm. Về cấu trúc, vùng não cấp 3 được cấu tạo từ các hạt nhân của nhiều hệ cơ quan phân tích khác nhau. Vùng não cấp 3 chỉ có liên hệ trực tiếp với các vùng khác trên vỏ não chứ không liên quan trực tiếp với các cơ quan ngoại vi của các hệ cơ quan phân tích. Ý nghĩa chức năng của vùng não cấp 3 được thể hiện rất đa dạng. Nhờ có sự tham gia của các vùng não này mà các thông tin như biểu tượng, ngôn ngữ và trí tuệ được cải biến; nói tóm lại là các vùng não cấp 3 làm nhiệm vụ tích hợp thông tin Logged Điều khó nhất trên đời là một trang nam tử. Ý chí vững vàng mà
- tình cảm mênh mang dinhhungtt Re: Giáo trình tâm lý học thần kinh Quản trị « Trả lời #2 vào lúc: Thg 6 24, 2006, 10:23:06 » viên Lương II.3.3. Khối lập chương trình, điều khiển và kiểm tra diễn biến giám đốc các hoạt động tâm lý: Bao gồm các vùng vận động, tiền vận động và các vùng trán trước của vỏ não. Thuỳ trán của bán cầu não là bộ Offline phận có cấu trúc rất phức tạp, có nhiều mối quan hệ 2 chiều với các vùng vỏ và dưới vỏ não. Liên quan đến khối chức năng thứ 3 là Giới tính: vùng bề mặt vỏ trán với các mối liên hệ với các vùng khác nhau Bài viết: trên vỏ và dưới vỏ não. 795 Như đã nêu trên, vùng não giữa - nền vỏ trán thuộc thành phần của khối chức năng thứ nhất. Vỏ trán chiếm 24% bề mặt của bán cầu não. Trên bề mặt vỏ trán được chia ra thành vùng vận động (diện 4, 6, 8, 44, 45) và vùng không vận động (diện 9, 10, 11, 12, 46, 47); Những vùng này có cấu trúc và chức năng rất khác nhau. Vùng vận động thuộc vỏ trán (diện 4,6) là vùng hạt nhân của cơ quan phân tích vận động, nằm ở lớp tế bào thứ 5 - lớp tế bào vận động hình tháp của vỏ não. Diện 4 của cơ quan phân tích vận động được cấu tạo theo nguyên tắc định khu thực thể: các phần khác nhau trên diện 4 điều khiển các nhóm cơ khác nhau ở ngoại vi. Trên diện 4 có đại diện tất cả các hệ thống cơ ( cơ trơn, cơ vân) của con người. Khi kích thích vào diện 4 và diện 3 W. Penfield đã chính xác hoá hình thể của "con người cảm giác "và " con người vận động" trên não. Theo mô hình của ông, "con người vận động" có môi, mồm và chi trên rất to, không tỷ lệ với các bộ phận nhỏ bé khác như thân, chi dưới. Như vậy việc chiếm diện tích nhiều hay ít trên vỏ não của các nhóm cơ khác nhau phụ thuộc vào mức độ tự điều khiển cũng như ý nghĩa chức năng của chúng. Ở lớp 5 và lớp 4 chứa rất nhiều tế bào Bes - tế bào tháp khổng lồ, là nơi khởi nguồn của đường dẫn truyền tháp. Các vùng vận động trước trung tâm và tiền vận động (diện 4, 6, 8) tiếp nhận phóng chiếu từ các nhân giữa - bên của đồi thị ; Vùng vận động và tiền vận động là nơi bắt đầu của đường tháp và đường ngoại tháp, nên chúng liên quan đến thể khía, nhân đỏ và các thành phần dưới vỏ khác của hệ ngoại tháp. Vỏ trán trước có quan hệ với các vùng sau của 2 bán cầu cũng như với thuỳ trán của bán cầu đối diện. Như vậy, thông qua các mối quan hệ, liên hệ giữa các vùng của vỏ trán với các vùng khác, việc điều hành các quá trình tâm lý được đảm bảo. Cấu trúc giải phẫu sinh lý của khối chức năng thứ ba đã
- cho phép thực thi nhiệm vụ chính là lập chương trình và kiểm soát diễn biến hoạt động tâm lý, hình thành động cơ và mục đích hành động, điều khiển và kiểm tra kết quả từng cử động riêng lẻ của hoạt động hay hành vi nói chung. Mô hình cấu trúc - chức năng của não đã được A.R Luria xây dựng theo 3 khối chức năng dựa vào quan điểm của tâm lý học hiện đại. Mỗi một hoạt động tâm lý đều có cấu trúc xác định. Nó được bắt đầu từ động cơ, ý muốn hay ý tưởng, sau đó chuyển thành chương trình hành động, trong đó bao gồm cả "hình ảnh về kết quả " cũng như phương thức triển khai chương trình. Tiếp theo chương trình được thực hiện nhờ hệ thống các thao tác. Hoạt động tâm lý sẽ kết thúc ở pha so sánh kết quả thực hiện được với "hình ảnh về kết quả ban đầu". Trong trường hợp, kết quả thu được không tương ứng với nhau, hoạt động tâm lý lại tiếp tục tiếp diễn biến cho đến khi thu được kết quả như mong muốn, đúng dự định. Sơ đồ (hay cấu trúc) hoạt động tâm lý này đã được nhiều lần đề cập đến trong các tác phẩm của A.N Lêonchev, của các tác giả khác ở Liên Xô, cũng như ở phương Tây. II.4. Vấn đề mất cân đối chức năng giữa hai bán cầu và sự tác động qua lại giữa chúng. là một vấn đề cấp thiết trong nghiên cứu các ngành khoa học tự nhiên hiện đại. Số lượng các công trình ngày càng tăng là minh chứng khoa học của hướng nghiên cứu này. Ngày nay vấn đề này được nghiên cứu bởi nhiều ngành khoa học như giải phẫu, sinh lý và sinh vật học thần kinh. Tuy nhiên, tâm lý học thần kinh là một trong những ngành nghiên cứu vấn đề hiệu quả nhất. Những rối loạn tổn thương não được coi là mô hình để nghiên cứu vấn đề mất cân đối chức năng và sự tác động qua lại của hai bán cầu. Đấy là những cơ hội độc nhất vô nhị để nghiên cứu vấn đề này trên con người. Mất cân đối chức năng là một trong những quy luật hoạt động cơ bản không chỉ ở người mà cả ở động vật. Vấn đề này lần đầu tiên được xới lên vào năm 1861- khi P.Broca đã tìm ra "trung tâm" ngôn ngữ vận động trên bán cầu trái của con người. Những số liệu về giải phẫu : Một số kết quả so sánh của Viện nghiên cứu não Matxcơva đã chỉ ra rằng ngay ở trên động vật (chuột, mèo, khỉ) đã quan sát thấy sự khác biệt về cấu trúc giữa bán cầu não phải và bán cầu não trái. Sự khác biệt lớn nhất thể hiện ở thuỳ thái dương.Tác giả Ađrianốp O.C. đã quan sát thấy sự khác biệt về diện tích của bán cầu não phải và trái. Ví dụ kích cỡ của thuỳ trán bên trái (diện 45) ở người thuận tay phải thì rộng hơn so với ở bên trái ; các diện 39, 40 cũng tương tự như vậy. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra ở những người thuận
- tay phải, nếp nhăn cuả thuỳ thái dương trái nhiều và đa dạng hơn so với bên phải. Theo một hướng nghiên cứu khác, đã tìm thấy sự mất cân đối hình thái của các mạch ở động mạch chủ: trên 54% trường hợp nghiên cứu cho thấy chiều dài mạch máu của động mạch não trái dài hơn so với động mạch não phải. Khi nghiên cứu cấu trúc các diện vỏ não người, ở cấp độ nơ ron, cũng tìm thấy sự khác biệt giữa 2 bán cầu. Chẳng hạn kích cỡ các nơ ron tế bào lớp 3 và 5 (diện 44, 45) ở bán cầu não trái lớn hơn so với ở bán cầu não phải; các tế bào tháp khổng lồ Bes (diện 4 lớp tế bào 5 ) tập trung ở bán cầu não trái nhiều hơn. Ngoài ra, cũng đã thu được những số liệu nói về sự mất cân đối trong cấu trúc của các nhân đồi thị có liên quan đến chức năng ngôn ngữ. Như vậy, mặc dù vẫn còn có ý kiến trái ngược nhau nhưng đa phần các nhà cứu đã thừa nhận rằng có sự khác biệt về mặt hình thái giữa 2 bán cầu não. Các số liệu thu được từ các nghiên cứu về sinh lý : cho thấy trên sóng điện não (EEG) có thể quan sát thấy sự mất cân đối chức năng giữa 2 bán cầu ở cả trạng thái yên tĩnh lẫn trong thời gian hoạt động tâm lý đang diễn ra. Biểu hiện của (an pha) ở bán cầu não tráiαviệc mất cân đối này là sự dập tắt sóng rõ hơn ở bán cầu não phải. Trong hoạt động trí tuệ, sự mất cân đối được . Xét cả về biên độ và nơiαbiểu hiện ở việc tăng cường của các sóng khu trú thì dạng sóng này ở bán cầu trái thấp hơn so với ở bán cầu phải. Đặc biệt khi hoạt động có sự trợ giúp của ngôn ngữ sự mất cân đối lại biểu hiện rõ hơn so với khi hoạt động dưới dạng trựcαcủa sóng quan - hình ảnh. Theo một hướng nghiên cứu khác về điện sinh lý – bằng điện thế gợi, đã cho thấy chỉ số điện thế gợi ở những vùng sau của bán cầu phải thì kéo dài hơn so với ở bán cầu trái và ở vùng thái dương của bán cầu phải khi đáp ứng với các cấu trúc hình ảnh - thị giác thường thu hút nhiều thành phần tham gia hơn là cùng vùng này bên não trái. Mức độ mất cân chức năng theo chỉ số điện thế gợi phụ thuộc vào đặc điểm của kích thích và của vùng cắm điện cực ghi kết quả trả lời. Sự mất cân đối của điện thế gợi với các hình ảnh thị giác có thể quan sát thấy ở vùng tiền vận động của não, đặc biệt trong những điều kiện cực kỳ "khó khăn" đối với nghiệm thể thì sự mất cân đối càng tăng. Những số liệu nêu trên cho thấy đã có sự mất cân đối về điện sinh học ở người bình thường và đặc biệt rõ nét trong các điều kiện hoạt động tâm lý. Mất cân đối điện sinh học mang tính định khu và phụ thuộc vào đặc điểm của hoạt động phải thực thi. Như vậy mối quan hệ giữa dạng và mức độ mất cân đối của điện sinh học với những
- đặc điểm cá tính đặc trưng ở người nghiên cứu thực nghiệm là hiện tượng có thực. Kết quả các quan sát lâm sàng : Ở người bệnh có tổn thương bán cầu phải và trái đã chứng tỏ sự không đồng đẳng về chức năng của hai bán cầu. Bắt đầu từ việc Broca tìm ra trung tâm vận động - ngôn ngữ ở bán cầu trái, cho đến nay, các kết quả nghiên cứu đều khẳng định, biểu hiện của rối loạn ngôn ngữ chủ yếu xuất hiện khi tổn thương bán cầu não trái( ở người thuận tay phải). Các số liệu nghiên cứu tiếp theo còn khẳng định vai trò ưu thế của bán cầu não trái trong việc thực thi không chỉ các chức năng ngôn ngữ mà cả các chức năng liên quan đến ngôn ngữ. Có nhiều công trình dựa vào các tài liệu lâm sàng đã phân tích về mối quan hệ giữa tính ưu thế của bán cầu về ngôn ngữ (bán cầu trái) với tay chủ đạo. Kết quả cho thấy rằng không phải trong mọi trường hợp hai chức năng này diễn ra đồng thời và vì thế việc mất ngôn ngữ khi tổn thương bán cầu đối diện với tay chủ đạo chỉ quan sát thấy ở người thuận tay phải mà không thấy ở người thuận tay trái hay ở người thuận cả hai tay. Như vậy, ngày nay các tài liệu giải phẫu sinh lý và lâm sàng đã chỉ ra sự không đồng đẳng về cấu trúc và chức năng của 2 bán cầu não người. Nghiên cứu sự mất cân đối chức năng giữa 2 bán cầu mới chỉ là một khía cạnh của vấn đề chuyên môn hoá chức năng của các bán cầu não. Khía cạnh thứ 2 không kém phần quan trọng, nhưng được nghiên cứu ít hơn là sự tác động qua lại của 2 bán cầu. Tuy nhiên vấn đề nêu trên mới chỉ được bắt đầu. Để nghiên cứu tác động qua lại giữa 2 bán cầu các số liệu gây chú ý nhiều nhất là quan sát các chức năng tâm lý ở người bệnh bị cắt thể trai - nơi liên kết 2 bán cầu. Phẫu thuật cắt thể trai được các nhà phẫu thuật thần kinh tiến hành với mục đích điều trị bệnh động kinh. Quan sát những bệnh nhân đã được phẫu thuật cho thấy, có sự xuất hiện tổ hợp rối loạn các chức năng tâm lý; chẳng hạn, rối loạn khả năng thông báo về các dạng thông tin được truyền vào bán cầu não phải ; mất khả năng nhắc lại các từ được tiếp nhận vào bán cầu phải, rối loạn chữ viết và hoạt động cấu trúc khi thực thi bằng một tay( phải, trái) và một loạt các rối loạn chức năng tâm lý khác( xem hình 4). Trong lâm sàng tổn thương định khu các vùng não, sự rối loạn tác động giữa 2 bán cầu xuất hiện, trước hết, khi có tổn thương thể trai và những cấu trúc liên kết 2 bán cầu( do hậu qủa của u não hay xuất huyết não ). Có nhiều nghiên cứu tiến hành trên những người bệnh bị phẫu thuật cắt rời một phần thể trai (với mục đích điều trị ngoại khoa), đã quan sát thấy có sự khác nhau về rối loạn các chức năng tâm lý cấp cao khi phẫu thuật các phần cấu trúc trước, giữa và sau
- của cơ quan này. Tất cả những người bệnh bị cắt đứt một phần thể trai đều thấy mất khả năng gọi tên các đồ vật được tri giác ở trường thị giác bên trái cơ thể, nửa trái không gian thị giác và nữa bên trái cơ thể, mất khả năng vẽ bằng tay phải ( hoặc viết bằng tay trái). Hậu quả của việc cắt một phần thể trai là sự rối loạn khả năng tác động qua lại giữa hai bán cầu cùng trong một mô thức(thị giác, xúc giác hoặc thính giác ) H.4. Hội chứng “mất khả năng viết- mất khả năng vẽ” ở người bệnh bị tổn thương phần sau của thể trai. Tính chất mô thức - chuyên biệt của những rối loạn này phụ thuộc vào số lượng và chỗ cắt các sợi của thể trai. Nếu như chỗ cắt là phần sau của thể trai thì dẫn đến rối loạn về xúc giác được biểu hiện ở việc không gọi được tên các kích thích đã vẽ lên da của bàn tay trái, trong khi việc tri giác xúc giác các tín hiệu bằng tay phải không bị ảnh hưởng gì; Khi có sự phình mạch ở phía sau thể trai thì xuất hiện những rối loạn thị giác. Những rối loạn của cơ phân tích thính giác chỉ quan sát khi có tổn thương ở phần trước và giữa của thể trai. Tổn thương một phần phía trước của thể trai đã dẫn đến những rối loạn mất khả năng vận động, kéo dài thời gian chuyển thông tin giác - động từ trái sang phải và ngược lại. Như vậy, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng thể trai không phải là cơ quan đồng nhất mà là hệ thống được phân hoá; Những vùng khác nhau của hệ thống này thực hiện những vai trò khác nhau trong cơ chế tác động qua lại giữa 2 bán cầu. Một triệu chứng khác về rối loạn chức năng do tổn thương thể trai là tính chất không bền vững, và sự phục hồi các chức năng tâm lý diễn ra rất nhanh; Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của các chức năng thì khác nhau. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đầu tiên là phục hồi các chức năng xúc giác của nửa trái cơ thể, còn các chức năng thị giác thì phục hồi chậm hơn. Một hướng khác để nghiên cứu vấn đề này là tìm hiểu qui luật phát triển của cá thể trong hoạt động của 2 bán cầu não. Số liệu nghiên cứu cho thấy, trong quá trình phát triển của trẻ, sự chuyên môn hoá về chức năng 2 bán cầu được hình thành do ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền cũng như xã hội, trong đó yếu tố xã hội giữ vai trò chủ đạo. Câu hỏi ôn tập 1. Nêu nội dung thu được từ các nguồn tri thức khác nhau về não liên quan đến TLHTK 2. Nêu các nguyên lý tổ chức não điều khiển CNTTCC ở người ? 3. Có những quan diểm chính nào nói về định khu CNTLCC ?
- Đánh giá vai trò của các học thuyết kinh điển về định khu CNTLCC trên vỏ não trong thực tiễn. 4. Hãy nêu những thay đổi trong nội hàm của các khái niệm dẫn đến sự ra đời của thuyết định khu Luria. 5. Hãy nêu thuyết định khu của Luria và chứng minh bằng các hình ảnh lâm sàng. 6. Hãy nêu các đơn vị cơ bản của não trong điều khiển các chức năng tâm lý người. 7. Các khối chức năng cơ bản của não liên quan với nhau một cách có hệ thống và linh hoạt như thế nào ? Logged Điều khó nhất trên đời là một trang nam tử. Ý chí vững vàng mà tình cảm mênh mang dinhhungtt Re: Giáo trình tâm lý học thần kinh Quản trị « Trả lời #3 vào lúc: Thg 6 24, 2006, 10:32:22 » viên Lương giám đốc Chương III HỆ THỐNG ĐỊNH KHU NÃO VÀ Offline SỰ PHÂN TÍCH CHỨC NĂNG CỦA CHÚNG Giới tính: III.1. Vỏ chẩm của não và tổ chức tri giác thị giác. Bài viết: III.1.1. Sơ lược về cấu tạo của cơ quan phân tích thị giác : 795 Cơ quan phân tích thị giác bao gồm : + Võng mạc mắt + Dây thần kinh thị giác (đôi dây thần kinh sọ não số II) + Chéo thị (bắt chéo không hoàn toàn) + Củ não sinh tư trên + Dải thị + Thể gối ngoài của đồi thị + Tia thị + Vỏ não tiên phát (diện17), thứ phát (diện18,19) và vùng mở (diện39) Phần ngoại vi gồm võng mạc, dây thần kinh số II, chéo thị, dải thị, thể gối ngoài Phần trung ương gồm tia thị và các phần trên vỏ não III.1.2.Rối loạn chức năng do tổn thương các cấu thành của cơ quan phân tích thị giác :
- + Tổn thương võng mạc mắt : Võng mạc mắt là một cơ quan có cấu trúc phức tạp, thường được gọi là một phần của vỏ não được đưa ra bên ngoài. Võng mạc mắt được cấu trúc từ 2 loại tế bào hình nón và hình que. Tế bào hình nón phân bố ở nhiều vùng trung tâm võng mạc tạo nên vùng nhìn rõ nhất. Tế bào nón đảm nhận việc tiếp thu ánh sáng ban ngày và màu sắc. Tế bào hình que – bộ máy tiếp nhận ánh sáng ban đêm. Nếu tổn thương võng mạc cả 2 mắt tất yếu sẽ dẫn đến hiện tượng mù. Trong trường hợp một bên võng mạc mắt bị tổn thương, thị lực một mắt sẽ bị suy giảm(trường thị giác bị thu hẹp). Trong khi đó chức năng thị giác của mắt còn lại vẫn được giữ nguyên. Nhìn chung trong trường hợp này không có biểu hiện rối loạn các chức năng thị giác phức tạp. + Tổn thương đôi dây thần kinh số II: Dây thần kinh sọ não số II là đôi dây thần kinh rất ngắn, nằm ở phía sau nhãn cầu, ở hố sọ trước, trên bề mặt của nền sọ. Dây thần kinh thị giác đảm nhận việc dẫn truyền các loại thông tin từ các vùng khác nhau của võng mạc. Sự tổn thương dây thần kinh số II rất hay gặp trong lâm sàng tổn thương định khu của não, mà thường là do các quá trình bệnh lý phát sinh ở hố sọ trước (như u não, xuất huyết hay phù não). Tổn thương dây thần kinh thị giác dẫn đến rối loạn chức năng cảm giác thị giác của một bên mắt. Tuy nhiên, biểu hiện rối loạn của các chức năng nói trên phụ thuộc vào phần cụ thể của dây thần kinh thị giác bị tổn thương . + Tổn thương chéo thị : Đặc điểm của chéo thị là sự bắt chéo không hoàn toàn (xem hình 5), nhờ đó mà thông tin của từng con mắt sẽ đi đến cả 2 bán cầu não. Khi tổn thương chéo thị, gây rối loạn trường thị giác cả 2 mắt (tùy thuộc vào các vùng sợi xuất phát từ võng mạc mắt nào bị tổn thương). Tổn thương các vùng khác nhau của chéo thị sẽ có biểu hiện mù bán manh các dạng khác nhau . + Tổn thương củ não sinh từ trên : củ não sinh 4 trên là thành phần của não giữa. Tổn thương vùng này, không dẫn đến việc giảm trực tiếp thị lực mà chỉ gây cản trở cho các chức năng thị giác, cụ thể là, làm rối loạn hoạt động các cơ vận nhãn, do đó mắt hoạt động kém linh hoạt. Tuy nhiên các chức năng thị giác bị suy giảm do hoạt động kém hiệu quả của các các cơ vận nhăn sẽ được bù trừ bởi sự vận động của các cơ khác như cơ cổ, v.v + Tổn thương dải thị : Dải thị là một bộ phận nối chéo thị với thể gối ngoài của đồi thị.
- Khi tổn thương sẽ dẫn đến hiện tượng mù bán manh cùng bên với bên dải thị bị tổn thương. Mù bán manh có thể toàn phần hoặc một phần. Trong trường hợp các sợi dẫn truyền thông tin đi từ vùng nhìn rõ nhất bị tổn thương thì ranh giới giữa trường thị giác tổn thương và không bị tổn thương sẽ diễn ra theo chiều dọc. Hình 5: Đường dẫn truyền cơ quan phân tích thị giác. 1. Nhãn cầu 6. Củ não sinh tư trên 2. Dây thần kinh số 2. 7. Vỏ thị 3. Chéo thị 8. Bán cầu não phải 4. Dải thị. 9. Bán cầu não trái 5. Thể gối ngoài. + Tổn thương thể gối ngoài : Thể gối là một phần của đồi thị, có cấu tạo từ các nhân hình thành từ các tế bào thần kinh. Đây là nơi dừng chân của tế bào thần kinh thứ 2 thuộc đường dẫn truyền thị giác. Các thông tin thị giác đi từ võng mạc mắt lên thẳng thể gối ngoài là 80%; 20% thông tin thị giác còn lại đi vào các vùng não khác nhau. Có thể nói, các chức năng thị giác được “vỏ hóa “ ở mức rất cao Cũng như võng mạc mắt, ở thể gối ngoài cùng có sự phân bố định khu các chức năng rõ ràng. Điều này có nghĩa là các vùng khác nhau của võng mạc mắt đều có đại diện của mình trên thể gối ngoài. Ngoài ra, cũng ở cơ quan này còn có các vùng của trường thị giác khi nhìn bằng một mắt, cũng như vùng nhìn rõ nhất của mắt. Khi tổn thương một bên thể gối ngoài sẽ dẫn đến mù bán manh hoàn toàn một bên, nếu tổn thương từng phần cơ quan này – mù bán manh không hoàn toàn với ranh giới là đường thẳng theo chiều dọc. Trong những trường hợp ổ tổn thương nằm gần với thể gối ngoài, thì khi kích thích thể gối sẽ gây ra những hội chứng phức tạp theo kiểu hoang tưởng thị giác gắn liền với rối loạn ý thức. Ngoài thể gối ngoài, một số cơ quan khác của gian não cũng tham gia vào việc tiếp nhận các thông tin thị giác. Khi tổn thương các bộ phận này sẽ dẫn đến các rối loạn thị giác đặc thù. + Tổn thương vùng tiên phát vỏ não (diện 17 – theo sơ đồ Brodmann) Diện 17 vỏ não có cấu trúc theo nguyên tắc định khu; nghiã là các vùng khác nhau của võng mạc đều có đại diện của mình trên diện 17 : Vùng sau của diện 17 liên quan đến nhìn bằng 2 mắt, còn vùng trước – nhìn bằng 1 mắt. Khi tổn thương diện 17 cả 2 bên bán cầu sẽ dẫn đến mù trung ương ; còn tổn thương bộ phận này của 1 bên bán cầu nảy sinh hiện tượng mù bán manh một bên (nếu ổ tổn thương nằm ở bên phải thì xuất hiện mù bán manh bên trái). Trường hợp này, người bệnh
- không nhận ra được khuyết tật thị giác của mình. H.6. Trường thị giác của mắt phải và mắt trái. Rối loạn của chúng khi tổn thương các mức độ khác nhau của hệ thống thị giác. a. Dây thần kinh thị giác. b. Chéo thị. c. Dải thị 1. Chuẩn bình thường. 2. Mù một bên mắt 3. Mù bán manh phía thái dương. 4. Mù bán manh phía mũi bên phải. 5. Mù bán manh cùng bên. 6. Mù bán manh hình vuông phía trên. 7. Mù bán manh trung ương Khi tổn thương diện 17 vỏ não, ranh giới giữa các vùng có trường thị giác không bị rối loạn và bị rối loạn thường diễn ra không theo chiều dọc mà là nửa vòng trong (xem hình vẽ số 6) . Điều này cho thấy mù bán manh do tổn thương ở vỏ não gây ra, khác so với mù bán manh do tổn thương các vùng dưới vỏ. Nếu bị tổn thương từng phần diện 17 sẽ dẫn đến rối loạn (mù) từng phần của mắt (với hình thức và kích cỡ rối loạn ở hai bên mắt như nhau) Khi kích thích vào diện 17 vỏ não sẽ dẫn đến hiện tượng “nảy đom đóm mắt ”: nhiều chấm lóe sáng trong mắt. + Tổn thương vùng não cấp II và cấp III của cơ quan phân tích thị giác, dẫn đến rối loạn tri giác thị giác với các triệu chứng sau: Mất nhận thức đồ vật: là một trong các hình thức rối loạn nhận thức bằng kênh thị giác. Triệu chứng này trong lâm sàng được thể hiện như sau: người bệnh nhìn thấy mọi sự vật hiện tượng quanh mình, có thể mô tả các thuộc tính riêng lẻ của các sự vật hiện tượng đó, nhưng lại không thể nói được, gọi tên được đó là vật gì. Trong trường hợp này nếu cho người bệnh nhận biết đồ vật bằng xúc giác, nghĩa là sờ mó đồ vật bằng tay, thì lập tức họ có thể gọi tên chính xác đồ vật. Trong cuộc sống hàng ngày, hành vi của người bệnh cho ta liên tưởng đến hành vi của người mù mặc dù khi đi họ đều tránh được các chướng ngại vật ở trên đường, nhưng việc định hướng thì lại dựa vào các âm thanh (cơ quan phân tích thính giác ) hay sờ mó trực tiếp vào các đồ vật. Trong những trường hợp rối loạn nhẹ, mất nhận thức đồ vật chỉ có thể bị phát hiện khi người bệnh phải giải quyết các bài tập chuyên biệt, liên quan đến thị giác như nhận biết các khuôn hình của đồ vật hay những hình vẽ các đồ vật bị xếp chồng lên nhau.
- Mất nhận thức không gian - thị giác : Xuất hiện khi người bệnh có ổ tổn thương ở các vùng não cấp III cơ quan phân tích thị giác của cả 2 bán cầu não; tuy nhiên biểu hiện rối loạn chức năng nhận thức không gian rất khác nhau tùy thuộc vào bán cầu bị tổn thương. Biểu hiện lâm sàng của “mất nhận thức không gian - thị giác" là người bệnh mất khả năng định hướng với các dấu hiệu không gian của môi trường xung quanh hay của các hình vẽ mô phỏng. Khi bị tổn thương bán cầu não trái (ở người thuận tay phải) người bệnh mất khả năng định hướng không gian phải – trái – trên – dưới. Vì thế những người bệnh có triệu chứng này sẽ không hiểu được các dấu (ký) hiệu mô tả sự phân bố không gian của đồ vật, không hiểu được và từ đó không thể xác định được các vị trí trên bản đồ địa lý, trên mặt đồng hồ. Bệnh nhân dạng này không có khả năng tự vẽ các bức tranh do không biết xác định vị trí không gian của các chi tiết trên đối tượng; chẳng hạn có bệnh nhân khi được yêu cầu vẽ hình người thì họ biết phải vẽ và vẽ được các bộ phận của cơ thể như chân, tay, đầu, mắt, mũi v.v nhưng không thể vẽ được một con người hoàn chỉnh do không biết phân bố các bộ phận đó trong không gian như thế nào cho đúng. Khi bị tổn thương bán cầu não phải, ở người bệnh xuất hiện triệu chứng rối loạn không gian – thị giác một bên. Những người bệnh khi đồ lại (hay vẽ) thì chỉ đồ (hay vẽ) một bên của hình và thường là nửa hình bên phải. Triệu chứng này thường xuất hiện cùng với các biểu hiện khác như rối loạn vận động các ngón tay, rối loạn định hướng không gian các cử động v.v Chính vì vậy, người bệnh thường gặp khó khăn khi làm các công việc như xếp chăn màn, dọn giường chiếu và nhất là khi phải tự mặc lấy quần, áo. Mất nhận thức chữ viết: được thể hiện trên lâm sàng khi người bệnh có khả năng tô lại chữ nhưng không biết gọi tên đó là chữ gì. Ở những người bệnh này khả năng đọc nói chung bị mất. Triệu chứng trên xuất hiện khi người bệnh thuận tay phải bị tổn thương vùng chẩm – thái dương bán cầu não trái Mất nhận thức màu sắc: trước hết cần phân biệt “mất nhận thức màu sắc” với hiện tượng mù màu (hay còn gọi là rối loạn cảm giác màu sắc) Mù màu và rối loạn cảm giác màu sắc xảy ra có thể do tổn thương võng mạc, các bộ phận dưới vỏ và trên vỏ não của hệ cơ quan phân tích thị giác. Còn mất nhận thức màu sắc là một dạng đặc biệt của rối loạn chức năng tiếp nhận màu sắc, trên cơ sở cảm giác về màu sắc không bị rối loạn. Cụ thể là, người bệnh có thể phân biệt và gọi đúng tên
- các màu sắc nhưng lại sẽ rất khó khăn khi phải xác định màu sắc của một đồ vật cụ thể, chẳng hạn quả cam hay củ cà rốt v.v thì có mầu gì ? Các nhà nghiên cứu hiện tượng mất nhận thức mầu sắc trên người bệnh đã khẳng định, nguyên nhân của hiện tượng trên là do mất khái niệm tổng quát về màu sắc ở người bệnh. Mất nhận thức đồng thời: hiện tượng được R.Balint mô tả đầu tiên trong lâm sàng y học, vì thế trong khoảng thời gian dài được gọi là “hội chứng Balint” Biểu hiện của mất nhận thức đồng thời được thể hiện ở người bệnh mất khả năng tri giác hai hay nhiều đối tượng đồng thời. Căn nguyên của sự rối loạn này là do sự thu hẹp khối lượng tri giác thị giác. Khi phải tri giác nhiều đối tượng cùng một lúc, người bệnh không có khả năng nhận biết được toàn bộ các đối tượng mà chỉ một phần của chúng. Hiện tượng mất nhận thức đồng thời thường xuyên xảy ra với các rối loạn cử động của mắt, vì thế hội chứng Balint không có khả năng phục hồi bằng con đường bù trừ chức năng của vận động mắt. Mất nhận thức mặt người: được biểu hiện ở việc người bệnh mất khả năng nhận mặt người hoặc ảnh của họ. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân không phân biệt được mặt của nam giới với của phụ nữ, mặt của trẻ em với của người già, không nhận ra mặt của những người thân , quen, gần gũi . Người bệnh nhận ra người quen chỉ thông qua giọng nói của họ. Mất nhận thức mặt người xảy ra khi người bệnh có tổn thương những phần phía sau bán cầu não phải (ở những người thuận tay phải) Tóm lại, các quan sát lâm sàng được mô tả ở trên cho thấy rối loạn nhận thức thị giác là không đồng đẳng; đặc điểm rối loạn phụ thuộc cả vào vị trí tổn thương trên não lẫn kích cỡ của ổ tổn thương. Cần phải nhấn mạnh rằng, các hình thức rối loạn tri giác thị giác thường xuất hiện độc lập, có nghĩa là có nhiều kênh chức năng cải biến các dạng thông tin thị giác khác nhau cùng tồn tại. III.2. Vỏ thái dương và tri giác thính giác. Hệ thống cơ quan phân tích thính giác ở con người là tập hợp các cấu trúc thần kinh để tiếp nhận và phân biệt các kích thích âm thanh, nhằm xác định hướng và khoảng cách phát ra âm thanh; hay nói cách khác, là định hướng âm thanh trong không gian. Hệ cơ quan phân tích thính giác có đặc điểm khác với các hệ cơ quan phân tích khác ở chỗ, trên cơ sở của phân tích thính giác, tiếng nói của con người được hình thành. Vì thế trong hệ cơ quan phân tích thính giác ở người được chia thành 2 tiểu hệ thống đó là âm thanh ngôn ngữ và âm thanh phi ngôn ngữ (hay còn gọi là khả năng
- định hướng những âm thanh phi ngôn ngữ ) Hai tiểu hệ thống này có chung cơ chế ở dưới vỏ, nhưng trong khuôn khổ của vỏ não thì chúng rất khác nhau. Kinh nghiệm lâm sàng của tâm lý thần kinh đã cho thấy, khi tổn thương vùng thái dương bán cầu trái và bán cầu phải đã để lại những triệu chứng rất khác nhau. Âm thanh ngôn ngữ (hay là khả năng phân tích âm thanh- từ ) sẽ bị rối loạn do tổn thương vỏ thái dương trái; còn các âm thanh phi ngôn ngữ - bán cầu thái dương bên phải (ở người thuận tay phải). Trong phần này, nội dung chủ yếu đề cập đến tiểu hệ thống phi ngôn ngữ và các rối loạn của chúng khi có tổn thương các cấu trúc cấu thành. III.2.1. Cấu tạo và chức năng của cơ quan phân tích thính giác (xem hình 7) Cũng như cơ quan phân tích thị giác, cơ quan phân tích thính giác bao gồm nhiều thành phần , định khu ở các mức độ khác nhau trên não. So với các cơ quan phân tích khác thì các chặng trên đường dẫn truyền của cơ quan phân tích thính giác phải trải qua không ít hơn 6 nơron có nghĩa là số lượng các trạm chuyển tải phải nhiều hơn. Hình 7: Đường dẫn truyền cơ quan phân tích thính giác: 1. Thể trai 2. Củ não sinh tư dưới 3. Các nhân hành não a. Vỏ thính bán cầu trái b. Thể gối trong c.Tai trái Ngoài ra, khi nghiên cứu cơ quan phân tích thính giác cũng cần lưu ý về một số đặc điểm riêng của nó như sau: + Các xung hướng tâm thính giác đi từ một thụ cảm thể, tiếp tục được dẫn truyền sang các cấu trúc khác trong hệ thống hoặc cùng hoặc khác bên với thụ cảm thể đó. + Hầu như ở tất cả các cấp độ của đường dẫn truyền thính giác (bắt đầu từ hành não) đều xảy ra hiện tượng bắt chéo không hoàn toàn. Điều này lý giải tại sao các xung hướng tâm thính giác mang tính chất tích hợp. + Ngoài việc dẫn truyền các xung thính giác, hướng tâm thính giác còn tham gia vào các thành phần của một số phản xạ không điều kiện (chẳng hạn như phản xạ cân bằng nội môi v.v) Theo hình 7 thì đường dẫn truyền thính giác bao gồm các thành phần sau: + Các tế bào biểu mô : Cơ quan thụ cảm thể nằm trong hạch Corti của ốc tai xương. Các tế bào này tự do "bơi" trong nội dịch. Khi có