Giáo trình Tài chính tiền tệ - Chương 9: Lạm phát
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Tài chính tiền tệ - Chương 9: Lạm phát", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_trinh_tai_chinh_tien_te_chuong_9_lam_phat.pdf
Nội dung text: Giáo trình Tài chính tiền tệ - Chương 9: Lạm phát
- CHƯƠNG 9. LẠM PHÁT Mục tiêu học tập 1.Mục tiêu kiến thức 2.Mục tiêu kỹ năng
- Giảm phát I. Khái niệm, đo lường và phân loại lạm phát 3 1. Khái niệm 3 2. Đo lường lạm phát 4 3. Phân loại lạm phát 4 II. Nguyên nhân của lạm phát 6 1. Lạm phát do cầu kéo 6 2. Lạm phát do chi phí đẩy 8 3. Lạm phát ỳ 9 4. Mối quan hệ giữa tiền và lạm phát – Lý thuyết định lượng về tiền. 10 III. Tác động của lạm phát 13 1. Ảnh hưởng của lạm phát tới lãi suất 13 2. Ảnh hưởng của lạm phát tới thất nghiệp 13 3. Tác động của lạm phát tới việc phân phối lại thu nhập và của cải 14 IV. Biện pháp kiềm chế lạm phát 15 V. Hiện tượng giảm phát 16 1. Khái niệm 16 2. Nguyên nhân của giảm phát 17 3. Tác động của giảm phát 18 4. Biện pháp kiềm chế giảm phát 19
- I. Khái niệm, đo lường và phân loại lạm phát 1. Khái niệm Lạm phát là một hiện tượng kinh tế vĩ mô phổ biến và có ảnh hưởng rộng lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Một ví dụ hết sức nổi bật về lạm phát là thời kỳ siêu lạm phát mà nước Đức đã trải qua vào đầu những năm 1920. Người ta cho rằng, siêu lạm phát đã phá huỷ toàn bộ hệ thống chính phủ dân chủ mà nước Đức đã nỗ lực xây dựng sau thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và tạo cơ sở cho sự tăng cường quyền lực của Đảng phát xít do Hitler đứng đầu. Ngay tại Việt Nam, lạm phát trong những năm 2007 và 2008 ở mức 2 con số đã để lại những di chứng nặng nề ở những năm sau. Lạm phát có thể hiểu là sự gia tăng liên tục trong mức giá chung. Điều này không nhất thiết có nghĩa giá cả của mọi hàng hóa và dịch vụ đồng thời phải tăng lên theo cùng một tỷ lệ, mà chỉ cần mức giá trung bình tăng lên. Lạm phát vẫn có thể xảy ra khi giá của một số hàng hóa giảm, nhưng giá cả của các hàng hóa và dịch vụ khác tăng đủ mạnh. Lạm phát cũng có thể được định nghĩa là sự suy giảm sức mua của đồng tiền. Trong bối cảnh lạm phát, một đơn vị tiền tệ mua được ngày càng ít đơn vị hàng hóa và dịch vụ hơn. Hay nói một cách khác, trong bối cảnh lạm phát, chúng ta sẽ phải chi ngày càng nhiều tiền hơn để mua một giỏ hàng hóa và dịch vụ nhất định. Nếu thu nhập bằng tiền không tăng kịp tốc độ trượt giá, thì thu nhập thực tế, tức là sức mua của thu nhập bằng tiền sẽ giảm. Do vậy, thu nhập thực tế tăng lên hay giảm xuống trong thời kỳ lạm phát phụ thuộc vào điều gì xảy ra với thu nhập bằng tiền, tức là, phải chăng các cá nhân có nhận thêm lượng tiền đã giảm giá trị đủ để bù đắp cho sự gia tăng của mức giá hay không. Người dân vẫn có thể trở nên khá giá hơn khi thu nhập bằng tiền tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá. Một điều quan trọng mà chúng ta cần nhận thức là lạm phát không chỉ đơn thuần là sự gia tăng của mức giá mà đó phải là sự gia tăng liên tục trong mức giá. Nếu như chỉ có một cú sốc xuất hiện làm tăng mức giá, thì dường như mức giá chỉ đột ngột bùng lên rồi lại giảm trở lại mức ban đầu ngay sau đó. Hiện tượng tăng giá tạm thời như vậy không được gọi là
- lạm phát. Tuy nhiên, trong thực tế mỗi cú sốc thường có ảnh hưởng kéo dài đối với nền kinh tế và do đó có thể gây ra lạm phát. Trường hợp ngược lại của lạm phát là giảm phát, diễn ra khi mức giá chung liên tục giảm. Khi đó, sức mua của đồng nội tệ liên tục tăng. 2. Đo lường lạm phát Để đo lường mức độ lạm phát mà nền kinh tế trải qua trong một thời kỳ nhất định, các nhà thống kê kinh tế sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ lạm phát được tính bằng phần trăm thay đổi của mức giá chung. Tỷ lệ lạm phát cho thời kỳ t được tính theo công thức sau: πt = (Pt – Pt-1)/ Pt-1 πt : tỷ lệ lạm phát của thời kỳ t (có thể là tháng, quí, hoặc năm) Pt : mức giá của thời kỳ t Pt-1 : mức giá của thời kỳ trước đó Lạm phát được hiểu là sự gia tăng giá cả trong nền kinh tế. Tuy nhiên các nhà kinh tế thích đo lường bằng những chỉ số cụ thể hơn, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số điều chỉnh thu nhập quốc dân. CPI thể hiện sự thay đổi tính theo phần trăm của bình quân giá hàng tiêu dùng qua một giai đoạn nhất định. Do không thể tính giá của tất cả hàng hóa trên thị trường, CPI được tính trên cơ sở bình quân gia trọng của tập hợp một số hàng hóa đại diện. Ví dụ, CPI ở Việt Nam được tính dựa vào 130 nhóm hàng tiêu biểu. Trong tập hợp tính CPI, lương thực chiếm trọng số rất cao ở các nước nghèo nhưng lại thấp ở các nước giàu. Chỉ số điều chỉnh GDP có thể phản ánh toàn diện hơn những thay đổi giá trong nền kinh tế. Chỉ số này xem xét không chỉ hàng tiêu dùng mà còn tư liệu sản xuất. 3. Phân loại lạm phát Lạm phát thường được phân loại theo tính chất hoặc theo mức độ của tỷ lệ lạm phát. Việc phân loại lạm phát theo tính chất sẽ được đề cập khi bàn về tác động của lạm phát, còn trong mục này chúng ta sẽ phân loại lạm phát theo mức độ của tỷ lệ lạm phát. Theo tiêu
- thức này các nhà kinh tế thường phân biêt 3 loại lạm phát: lạm phát vừa phải, lạm phát phi mã và siêu lạm phát. Lạm phát vừa phải. Lạm phát vừa phải được đặc trưng bởi mức giá tăng chậm và nhìn chung có thể dự đoán trước được vì tương đối ổn định. Đối với các nước đang phát triển lạm phát ở mức một con số thường được coi là vừa phải. Đó là mức lạm phát mà bình thường nền kinh tế trải qua và ít gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, mọi người vẫn sẵn sàng giữ tiền để thực hiện giao dịch và ký các hợp đồng dài hạn tính bằng tiền vì họ tin rằng giá và chi phí của hàng hóa mà họ mua và bán sẽ không đi chệch quá xa. Lạm phát phi mã. Lạm phát trong phạm vi hai hoặc ba con số một năm thường được gọi là lạm phát phi mã. Việt Nam và hầu hết các nước chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đều phải đổi mặt với lạm phát phi mã trong những năm đầu thực hiện cải cách. Nhìn chung lạm phát phi mã được duy trì trong thời gian dài sẽ gây ra những biến dạng kinh tế nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, đồng tiền bị mất giá rất nhanh, cho nên mọi người chỉ giữ lượng tiền tối thiểu vừa đủ cho các giao dịch hàng ngày. Mọi người có xu hướng tích trữ hàng hóa, mua bất động sản và chuyển sang sử dụng vàng hoặc các ngoại tệ mạnh để làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn và tích lũy của cải. Siêu lạm phát. Siêu lạm phát là trường hợp lạm phát đặc biệt cao. Định nghĩa cổ điển về siêu lạm phát do nhà kinh tế người Mỹ Phillip Cagan đưa ra là mức lạm phát hàng tháng từ 50% trở lên. Trong khi lạm phát 50% một tháng có thể không thực sự gây ấn tượng, nhưng nếu tỷ lệ lạm phát này được duy trì liên tục suốt 12 tháng thì tỷ lệ lạm phát cả năm sẽ lên tới khoảng 13.000 phần trăm. Theo định nghĩa này, cho đến nay thế giới mới trải qua 15 cuộc siêu lạm phát. Một trường hợp được nghi nhận chi tiết về siêu lạm phát là nước Đức sau Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Giá một tờ báo đã tăng từ 0,3 mác vào tháng 1 năm 1921 lên đến 70.000.000 mác chỉ trong chưa đầy hai năm sau. Giá cả của các thứ khác cũng tăng với tốc độ tương tự. Từ tháng Giêng năm 1922 đến tháng 11 năm
- 1923, chỉ số giá đã tăng từ 1 lên 10.000.000.000. Cuộc siêu lạm phát ở Đức có tác động tiêu cực tới nền kinh tế Đức đến mức nó thường được coi là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh chủ nghĩa Đức quốc xã và cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Có một số điều kiện cơ bản gây ra siêu lạm phát. Thứ nhất, các hiện tượng này chỉ xuất hiện trong các hệ thống sử dụng tiền pháp định. Thứ hai, nhiều cuộc siêu lạm phát đã có xu hướng xuất hiện trong thời gian sau chiến tranh, nội chiến, hoặc cách mạng, do sự căng thẳng về ngân sách chính phủ. Vào những năm 1980, các cú sốc bên ngoài và cuộc khủng hoảng nợ của thế giới thứ ba đã đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra siêu lạm phát ở một số nước Mỹ La-tinh. Đặc điểm chung của mọi cuộc siêu lạm phát là sự gia tăng quá mức trong cung tiền, điều này thường bắt nguồn từ sự cần thiết phải tài trợ cho thâm hụt ngân sách quá lớn. Hơn nữa, một khi lạm phát cao đã bắt đầu, tình hình thâm hụt ngân sách có thể trở nên không thể kiểm soát được: lạm phát cao dẫn đến giảm mạnh nguồn thu từ thuế tính theo phần trăm so với GDP, làm tăng thâm hụt ngân sách và chính phủ sẽ phải dựa nhiều hơn vào phát hành tiền mà điều này đến lượt sẽ đẩy lạm phát dâng lên cao hơn. Dựa trên các bằng chứng lịch sử, dường như là thâm hụt ngân sách kéo dài được tài trợ bằng phát hành tiền trong khoảng từ 10-12 % của GDP sẽ gây ra siêu lạm phát. II. Nguyên nhân của lạm phát 1. Lạm phát do cầu kéo Lạm phát do cầu kéo xảy ra do tổng cầu tăng, đặc biệt khi sản lượng đã đạt hoặc vượt quá mức sản lượng tiềm năng. Thực ra đây cũng là một cách định nghĩa về lạm phát dựa vào nguyên nhân gây ra lạm phát: lạm phát được coi là do sự tồn tại của một mức cầu quá cao. Theo lý thuyết này nguyên nhân của tình trạng dư cầu được giải thích do nền kinh tế chi tiêu nhiều hơn năng lực sản xuất. Tuy nhiên để cho định nghĩa này có sức thuyết phục thì cần phải giải thích tại sao chi tiêu lại liên tục lớn hơn mức sản xuất. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét các thành tố của tổng cầu. Lạm phát có thể hình thành khi xuất hiện sự gia tăng đột biến trong nhu cầu về tiêu dùng và đầu tư. Chẳng hạn, khi có những làn sóng mua sắm mới làm tăng mạnh tiêu dùng, giá
- cả của những mặt hàng này sẽ tăng, làm cho lạm phát dâng lên và ngược lại. Tương tự, lạm phát cũng phụ thuộc vào sự biến động trong nhu cầu đầu tư: sự lạc quan của các nhà đầu tư làm tăng nhu cầu đầu tư và do đó đẩy mức giá tăng lên. Trong nhiều trường hợp, lạm phát thường bắt nguồn từ sự gia tăng quá mức trong các chương trình chi tiêu của chính phủ. Khi chính phủ quyết định tăng chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, thì mức giá sẽ tăng. Ngược lại, khi chính phủ quyết định cắt giảm các chương trình chi tiêu công cộng, hoặc các công trình đầu tư lớn đã kết thúc, thì mức giá sẽ giảm. Lạm phát cũng có nguyên nhân từ nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu tác động tới lạm phát trong nước theo một cách khác: khi nhu cầu xuất khẩu tăng, lượng còn lại để cung ứng trong nước giảm và do vậy làm tăng mức giá trong nước. Ngoài ra, nhu cầu xuất khẩu và luồng vốn chảy vào cũng có thể gây ra lạm phát, đặc biệt trong chế độ tỷ giá hối đoái cố định, vì điều này có thể là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng lượng tiền cung ứng. Tình hình ngược lại sẽ xảy ra khi nhu cầu xuất khẩu và luồng vốn nước ngoài chảy vào giảm do nền kinh tế thế giới hay trong khu vực lâm vào suy thoái.
- Trong đồ thị tổng cung-tổng cầu, lạm phát do cầu kéo xuất hiện khi có sự dịch chuyển sang bên phải của đường tổng cầu. Như minh họa trong hình 9-1, sự gia tăng của một thành tố nào đó của tổng cầu sẽ làm dịch chuyển đường tổng cầu sang bên phải. Do đường tổng cung dốc lên trong ngắn hạn, nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và thất nghiệp thấp hơn, nhưng đồng thời lại phải đối mặt với lạm phát. Rõ ràng lạm phát do cầu kéo sẽ không phải là vấn đề mà thực ra còn cần thiết và có lợi cho nền kinh tế nếu như nền kinh tế còn nhiều nguồn lực chưa sử dụng như trong trường hợp đường tổng cầu dịch chuyển từ AD0 đến AD1: lạm phát sẽ khá thấp trong khi sản lượng và việc làm sẽ tăng đáng kể. Ngược lại, lạm phát do cầu kéo sẽ trở thành vấn đề thực sự nếu như toàn bộ nguồn lực đã sử dụng hết và đường tổng cung trở nên rất dốc như trong trường hợp đường tổng cầu dịch chuyển từ AD1 đến AD2. Khi đó, sự gia tăng tổng cầu chủ yếu đẩy lạm phát dâng cao trong khi sản lượng và việc làm tăng lên rất ít. 2. Lạm phát do chi phí đẩy Lạm phát cũng có thể xảy ra khi một số loại chi phí đồng loạt tăng lên trong toàn bộ nền kinh tế. Trong đồ thị tổng cung-tổng cầu, một cú sốc như vậy sẽ làm đường tổng cung dịch chuyển lên trên và sang bên trái. Trong bối cảnh đó, mọi biến số kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế đều biến động theo chiều hướng bất lợi: sản lượng giảm, cả thất nghiệp và lạm phát đều tăng. Chính vì vậy, loại lạm phát này được gọi là lạm phát do chi phí đẩy hay lạm phát đi kèm suy thoái (stagflation). Ba loại chi phí thường gây ra lạm phát là: tiền lương, thuế gián thu và giá nguyên liệu nhập khẩu. Khi công đoàn thành công trong việc đẩy tiền lương lên cao, các doanh nghiệp sẽ tìm cách tăng giá và kết quả là lạm phát xuất hiện. Vòng xoáy đi lên của tiền lương và giá cả sẽ tiếp diễn và trở nên nghiêm trọng nếu chính phủ tìm cách tránh suy thoái bằng cách mở rộng tiền tệ. Việc chính phủ tăng những loại thuế tác động đồng thời đến tất cả các nhà sản xuất cũng có thể gây ra lạm phát. Ở đây, thuế gián thu (kể cả thuế nhập khẩu, các loại lệ phí bắt buộc) đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, vì chúng tác động trực tiếp tới giá cả hàng hoá. Nếu so sánh với các nước phát triển là những nước có tỷ lệ thuế trực thu cao, chúng ta có thể
- nhận định rằng ở các nước đang phát triển, nơi mà thuế gián thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu từ thuế, thì thay đổi thuế gián thu dường như có tác động mạnh hơn tới lạm phát. Đối với các nền kinh tế nhập khẩu nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu mà nền công nghiệp trong nước chưa sản xuất được, thì sự thay đổi giá của chúng (có thể do giá quốc tế thay đổi hoặc tỷ giá hối đoái biến động) sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến tình hình lạm phát trong nước. Nếu giá của chúng tăng mạnh trên thị trường thế giới hay đồng nội tệ giảm giá mạnh trên thị trường tài chính quốc tế, thì chi phí sản xuất trong nước sẽ tăng mạnh và lạm phát sẽ bùng nổ. Những yếu tố nêu trên có thể tác động riêng rẽ, nhưng cũng có thể gây ra tác động tổng hợp, làm cho lạm phát có thể tăng tốc. Nếu chính phủ phản ứng quá mạnh thông qua các chính sách thích ứng, thì lạm phát có thể trở nên không kiểm soát được, như tình hình của nhiều nước công nghiệp trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. 3. Lạm phát ỳ Trong các nền kinh tế hiện đại trừ siêu lạm phát và lạm phát phi mã, lạm phát vừa phải có xu hướng ổn định theo thời gian. Hàng năm, mức giá tăng lên theo một tỷ lệ khá ổn định.
- Tỷ lệ lạm phát này được gọi là tỷ lệ lạm phát ỳ. Đây là loại lạm phát hoàn toàn được dự tính trước. Mọi người đã biết trước và tính đến khi thỏa thuận về các biến danh nghĩa được thanh toán trong tương lai. Hình trên cho thấy lạm phát ỳ xảy ra như thế nào. Cả đường tổng cung và đường tổng cầu cùng dịch chuyển lên trên với tốc độ như nhau. Sản lượng luôn được duy trì ở mức tự nhiên, trong khi mức giá tăng với một tỷ lệ ổn định theo thời gian. 4. Mối quan hệ giữa tiền và lạm phát – Lý thuyết định lượng về tiền. Mối liên hệ giữa việc tăng lượng cung tiền vào lưu thông và việc tăng giá cả hàng hóa đã được thảo luận ngay từ thời triết gia Aristotle tại thế kỷ thứ tư trước công nguyên. Trong suốt thế kỷ 16, người Tây Ban Nha khi chinh phục được Mexico và Peru đã có rất nhiều vàng và bạc làm chiến lợi phẩm. Lượng vàng bạc này được đưa vào Châu Âu để đúc thành tiền xu. Số lượng tiền xu tăng quá lớn đã làm cho giá cả hàng hóa tăng điều này cũng đồng nghĩa với việc sức mua của tiền giảm. Vào đầu thế kỷ 20, Irving Fisher, một nhà kinh tế học tại đại học Yale, đã đưa ra lý thuyết định lượng về khối lượng tiền tệ trong một nỗ lực giải thích rõ ràng hơn mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát. Ban đầu Fisher chỉ ra mối liên hệ giữa tổng lượng tiền lưu hành (M)
- với tổng số chi tiêu để mua hàng hoá thành phẩm và dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế (PY - trong đó P là mức giá cả, Y là tổng sản phẩm) bằng phương trình trao đổi: MV = PY (1) Trong đó V là tốc độ chu chuyển của tiền tệ (tức là số lần trung bình một năm mà một đơn vị tiền tệ được chi dùng để mua tổng số hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế vào năm đó). P.Y chính là GDP danh nghĩa. Ví dụ GDP năm 2012 của Việt Nam là 3,245,419 tỷ đồng, lượng cung tiền M1 là 748,555 tỷ đồng. Như vậy tốc độ chu chuyển tiền V = 3,245,419/748,555 = 4.33 (lần). Điều đó có nghĩa là trong một năm một đồng tiền quay được 4 vòng. Chúng ta lưu ý rằng Fisher định nghĩa V = PY/M, đây là một phương trình luôn đúng khi rút ra từ (1). Do đó nó không thể là một lý thuyết được. Fisher chuyển phương trình trao đổi trên thành lý thuyết định lượng về tiền tệ bằng cách cho V là một hằng số. Fisher lý luận rằng số lần trung bình một đồng dollar được sử dụng phụ thuộc vào số lần thanh toán, số lần đi mua sắm, số lần gửi hóa đơn thanh toán và những nhân tố khác mà thay đổi rất chậm. Bởi vì sự khẳng định này của Fisher có thể đúng hoặc sai nên trên thực tế nó được coi là một lý thuyết. Lý thuyết định lượng về tiền tệ của Fisher nhằm giải thích mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát cũng rút ta từ phương trình (1) nhưng dưới dạng phần trăm thay đổi: %ΔM + %ΔV = %ΔY + %ΔP Vì V là hằng số theo giả định của Fisher nên lúc này %ΔV = 0, do đó: %ΔM = %ΔY + %ΔP Hay: %ΔP = %ΔM - %ΔY Có nghĩa là:
- Tỷ lệ lạm phát = Sự thay đổi trong cung tiền – Sự thay đổi trong hàng hóa dịch vụ Phương trình này cho chúng ta cái nhìn về mối liên hệ giữa cung tiền và lạm phát. Nếu cung tiền tăng trưởng lớn hơn mức tăng trưởng của GDP thực thì lạm phát sẽ xảy ra. Ngược lại giảm phát sẽ xảy ra. Điều này chỉ đúng nếu như V là một hằng số. Một số nghiên cứu trên thực nghiệm trên thế giới đã tìm ra mối liên hệ định lượng giữa cung tiền và lạm phát ở những quốc gia nhất định với những độ trễ về tác động khác nhau. Ngân hàng trung ương có nên phụ thuộc vào chính phủ? Để làm rõ vấn đề này chúng ta bắt đầu từ hai nghiên cứu thực nghiệm về trường hợp của Colombia. Nghiên cứu thứ nhất của Adolfo Meisel và Juan D. Barón năm 2010 về mối quan hệ giữa sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Colombia và lạm phát và nghiên cứu thứ hai của Ignacio Lozano vào năm 2008 để tìm hiểu về thâm hụt ngân sách, cung tiền và lạm phát ở Colombia. Nghiên cứu thứ nhất đã cho thấy ba giai đoạn thay đổi của NHTW Colombia từ năm 1923 tới 2008. Giữa những năm 1923 và 1951, NHTW là ngân hàng tư nhân và là một định chế độc lập với chính phủ, nhiệm vụ của nó là ổn định giá cả. Lạm phát trong thời kỳ này ở mức tốt nhất với lạm phát trung bình là 5.6%. Giai đoạn tồi tệ nhất là từ 1964 tới 1991 khi lạm phát trung bình trong thời kỳ này lên tới 19.8%. Lý do lạm phát trở nên cao như vậy là do kể từ năm 1963, các quyết định về chính sách tiền tệ đã bị chia sẻ giữa NHTW và Ủy ban kiểm soát chính sách tiền tệ của chính phủ (government-controlled Monetary Board). Do chính phủ hoạt động không hiệu quả dẫn tới thâm hụt ngân sách lên cao và do đó từ quyết định tài trợ cho ngân sách bằng việc ra lệnh phát hành thêm tiền. Giai đoạn thứ ba, kể từ năm 1991, một trong những cải cách quan trọng nhất của Colombia là việc tăng thêm cho NHTW Colombia tính độc lập về chính sách tiền tệ cũng như là tín dụng. Ủy ban tiền tệ đã bị bãi bỏ thay vào đó để đảm bảo tính độc lập của NHTW, luật pháp đã quy định bất cứ đời tổng thống nào của Colombia chỉ được phép bổ nhiệm tối đa 2 thành viên vào ban giám đốc có 5 thành viên của NHTW. Mỗi thành viên có nhiệm kỳ 4 năm và có thời gian tại vị tối đa 12 năm. Đến lượt 5 thành viên này sẽ bầu ra Thống đốc có nhiệm kỳ 4 năm. Thống đốc tại vị tối đa 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên từ thời kỳ 2006 tới 2010, có một sự thay đổi về tính độc lập của NHTW khi vị tổng thống Alvaro Uribe được tái bổ nhiệm và đồng nghĩa với việc ông ta có quyền bổ nhiệm thêm 2 thành viên nữa cộng với bộ trưởng bộ tài chính trong ban giám đốc. Hành động này bị chỉ trích là làm giảm tính độc lập của NHTW. Tuy nhiên lạm phát trung bình trong thời kỳ từ 1991 tới 2008 đã giảm và đạt 12.5%. Như vậy nếu như NHTW càng phụ thuộc chặt chẽ vào chính phủ thì lạm phát càng tăng cao. Nghiên cứu thứ hai đã chỉ ra một mối liên hệ giữa thâm hụt ngân sách của chính phủ với việc tăng cung tiền và giữa cung tiền với lạm phát. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy về dài hạn việc tăng cung tiền sẽ làm cho lạm phát tăng (hệ số tương quan là 0.88 đối với M1 và 0.76 đối với M3). Thêm vào đó nếu ngân sách thâm hụt 1% so với GDP sẽ làm cho cung tiền M1 tăng 0.46%. Các tác giả đã giải thích rằng sự thay đổi trong mối liên hệ dài hạn giữa thâm hụt ngân sách, cung tiền và lạm phát phụ thuộc vào mức độ độc lập của NHTW và các chính sách tiền tệ được thực thi. Từ hai nghiên cứu thực nghiệm trên cho ta thấy nếu như NHTW càng phụ thuộc vào Chính phủ thì rủi ro mà đất nước phải gánh chịu là khi Chính phủ đó vận hành thiếu hiệu quả dẫn tới việc
- chi tiêu vô tội vạ làm thâm hụt ngân sách lớn. Từ đó, để có tiền chi tiêu, chính phủ lại yêu cầu NHTW in thêm thật nhiều tiền. Điều này lại dẫn tới lạm phát cao. Và trưởng hợp của Zimbabwe đã nêu trong phần bài đọc là một ví dụ điển hình. Nhiều nhà kinh tế học cũng đồng ý với nhận định rằng NHTW nên độc lập với chính phủ. III. Tác động của lạm phát 1. Ảnh hưởng của lạm phát tới lãi suất Lãi suất và lạm phát có mỗi quan hệ khăng khít với nhau. Lãi suất là giá của tiền tệ, nên lãi suất phải dương mới không làm đồng tiền mất giá. Muốn có lãi suất thực dương thì lãi suất danh nghĩa phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát. Lãi suất thực dương bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát và lớn hơn không. Lãi suất thực dương tăng thì lạm phát giảm và lãi suất thực dương giảm thì lạm phát tăng. Nếu lãi suất dương quá cao sẽ đưa đến thiểu phát và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất thực dương quá cao dẫn đến làm giảm đầu tư phát triển và có nguy cơ rủi ro cao đối với an toàn của hệ thống ngân hàng vì lãi suất thực dương cao thì khả năng kinh doanh có hiệu quả cao để đủ có lãi và trả được nợ của các doanh nghiệp cho ngân hàng là rất khó khăn. Nguy cơ phá sản và nợ không trả được cho ngân hàng của các doanh nghiệp là chắc chắn, nên các ngân hàng cũng nằm trong khả năng phá sản lớn. 2. Ảnh hưởng của lạm phát tới thất nghiệp Kinh tế Mỹ thập niên 1960 có hiện tượng tỷ lệ lạm phát khá cao mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP cũng cao. Để giải thích hiện tượng đó, các nhà kinh tế của trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp đã sử dụng kết quả nghiên cứu của Phillips và dựng nên đường cong Phillips dốc xuống phía phải trên một đồ thị hai chiều với trục hoành là các mức tỷ lệ thất nghiệp và trục tung là các mức tỷ lệ lạm phát. Trên đường này là các kết hợp giữa tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Dọc theo đường cong Phillips, hễ tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống thì tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên; và ngược lại. Từ đó, trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp lý luận rằng để giảm tỷ lệ thất nghiệp chính phủ đã sử dụng chính sách quản lý tổng cầu, song do tỷ lệ thất nghiệp có quan hệ ngược chiều bền vững với tỷ lệ lạm phát, nên tăng trưởng kinh tế cao đương nhiên gây ra lạm phát. Lạm phát là cái giá phải trả để giảm tỷ lệ thất nghiệp.
- 3. Tác động của lạm phát tới việc phân phối lại thu nhập và của cải Lạm phát không được dự tính trước dẫn đến sự phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong xã hội không theo nỗ lực, cống hiến và nhu cầu của họ. Xét các hợp đồng tín dụng dài hạn. Các hợp đồng tín dụng thường qui định mức lãi suất danh nghĩa dựa trên tỷ lệ lạm phát dự tính. Khi tỷ lệ lạm phát thực tế khác với tỷ lệ lạm phát dự tính thì lãi suất thực tế thực hiện và lãi suất thực tế dự tính cũng khác nhau. Nếu tỷ lệ lạm phát thực tế lớn hơn tỷ lệ lạm phát dự tính, thì lãi suất thực tế thực hiện thấp hơn lãi suất thực tế dự tính. Điều đó có nghĩa người tiết kiệm có thu nhập thấp hơn dự tính ban đầu, trong khi người đi vay trả vốn gốc và tiền lãi bằng những đồng tiền kém giá trị hơn so với dự tính ban đầu. Điều đó hàm ý có sự phân phối lại của cải từ người cho vay sang người đi vay. Người đi vay sẽ được lợi, còn người cho vay sẽ bị tổn thất. Sự phân phối lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại khi tỷ lệ lạm phát thực tế thấp hơn tỷ lệ lạm phát dự tính. Lạm phát không được dự tính trước còn gây tổn thất cho những người nhận thu nhập danh nghĩa cố định hoặc có thu nhập danh nghĩa chậm được điều chỉnh theo lạm phát. Công nhân và doanh nghiệp thường thoả thuận về mức lương danh nghĩa trong các hợp đồng lao
- động dài hạn dựa trên kỳ vọng về lạm phát. Do vậy, công nhân sẽ bị tổn thất khi lạm phát cao hơn mức dự kiến, ngược lại các doanh nghiệp lại bị tổn thất khi lạm phát thấp hơn mức dự kiến. IV. Biện pháp kiềm chế lạm phát Chính sách tiền tệ và tài khóa là hai chính sách chính yếu để kiểm soát lạm phát. Để kiềm chế lạm phát thì dù chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa cũng nhằm vào 2 mục tiêu chung đó là: Giảm bớt lượng tiền trong lưu thông và gia tăng cung cấp hàng hóa dịch vụ trong xã hội. Với mỗi mục tiêu trên thì mỗi chính sách đều có những công cụ sử dụng riêng để thực hiện tốt hai mục tiêu trên. Mục tiêu giảm bớt lượng tiền trong lưu thông. . Đối với chính sách tiền tệ: Để giảm bớt lượng tiền vào lưu thông thì chính sách tiền tệ cần đưa gia một số giải pháp sau: Ngừng phát hành tiền vào trong lưu thông nhằm giảm lượng tiền đưa vào lưu thông trong xã hội Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Đây là biện pháp nhằm giảm lượng cung tiền vào thị trường. Biện pháp này tác động đến tất cả các ngân hàng và bình đằng giữa các ngân hàng với nhau. Nâng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tiền gửi: Biện pháp này sẽ làm hạn chế các ngân hàng thương mại mang các giấy tờ có giá đến ngân hàng nhà nước để chiết khấu. Ngoài ra việc nâng lãi suất tiền gửi sẽ hút khiến người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn. Ngân hàng trung ướng áp dụng nghiệp vụ thị trường mở nhằm bán các chứng từ có giá cho các ngân hàng thương mại. Ngân hàng trung ương bán vàng và ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại. . Đối với chính sách tài khóa: Để giảm bớt lượng tiền trong lưu thông thì bộ tài chính cần đưa ra một số giải pháp sau: Giảm chi ngân sách: Đó là giảm chi tiêu thường xuyên và cắt giảm đầu tư công. Tăng tiền thuế tiêu dùng nhằm giảm bớt nhu cầu chi tiêu cá nhân trong xã hội
- Mục tiêu gia tăng hàng hóa dịch vụ cung cấp trong xã hội. . Đối với chính sách tiền tệ: Để thúc đẩy sản xuất và dịch vụ trong xã hội thì chính sách tiền tệ cần đưa ra một số giải pháp sau: Đưa ra chính sách ưu đãi tín dụng thông qua ưu đãi lãi suất đối với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Việc ưu đãi về lãi suất sẽ làm giảm chi phí sản xuất đầu vào vì vậy tăng năng suất lao động. . Đối với chính sách tài khóa: Để thúc đẩy sản xuất và dịch vụ trong xã hội thì chính phủ cần đưa ra một số giải pháp sau: giảm thuế đầu tư, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị và thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó làm giảm bớt chi phí đầu vào lên làm tăng năng suất lao động Hiện tượng đình lạm Đình lạm, trong kinh tế học, chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao. Theo lý luận về đường cong Phillips của kinh tế học Keynes, có sự đánh đổi giữa tỷ lệ lạm phát với tỷ lệ thất nghiệp (hoặc giữa tỷ lệ lạm phát với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế). Điều này hàm ý, nếu kinh tế đình đốn thì cũng không thể có lạm phát cao. Tuy nhiên, kinh tế Anh thập niên 1960 và 1970, kinh tế Mỹ đầu thập niên 1970 cho thấy trong khi kinh tế đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, mà tỷ lệ lạm phát lại không hề hạ xuống. Các chính sách quản lý tổng cầu dựa trên các lý luận của kinh tế học Keynes không thể giải quyết được tình trạng đình lạm. Nếu nới lỏng tài chính hay nới lỏng tiền tệ để kích cầu và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao hơn, thì lạm phát sẽ gia tốc. Còn nếu thắt chặt tài chính hay thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, thì kinh tế lại có thể thu hẹp thêm. Thực tiễn này góp phần làm cho lý luận của kinh tế học Keynes bị mất uy tín và góp phần nâng cao danh tiếng của chủ nghĩa tiền tệ, kinh tế học vĩ mô cổ điển mới và kinh tế học trọng cung. V. Hiện tượng giảm phát 1. Khái niệm Đối với hiện tượng giảm phát, Keynes cho rằng “giảm phát là tình trạng giảm giá phổ biến trong nền kinh tế”. Các nhà kinh tế, đặc biệt là những người theo trường phái Tân cổ điển, sử dụng nhiều hơn định nghĩa “giảm phát là sự thu hẹp khối lượng tiền tệ so với số lượng hàng hóa trong nền kinh tế” hay “giảm phát là sự tăng giá trị đơn vị tiền tệ quốc gia”. Theo đó, giảm phát xảy ra không chỉ do tổng cầu, tổng cung mà do sự tương quan giữa bốn nhân tố cung tiền, cầu tiền, tổng cung, tổng cầu.
- 2. Nguyên nhân của giảm phát Có hai nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng giảm phát: . Giảm phát do tổng cung tăng: Vì một lý do nào đó như công nghệ phát triển, năng suất lao động tăng nhanh, tổng đầu tư ở các kỳ trước tăng vọt, hay do môi trường kinh doanh cởi mở hơn, các mức giá bị các nhà độc quyền đẩy lên cao nay phải giảm dưới áp lực cạnh tranh dẫn tới sản lượng hàng hóa sản xuất ra tăng nhanh hơn so với nhu cầu thực của nền kinh tế trong khi đó lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế không đủ trong lưu thông dẫn tới giá cả hàng hóa giảm. Dù sao hiện tượng giảm phát do tổng cung tăng vẫn được gọi là giảm phát tốt do sự bùng nổ của cung. Nó trái ngược với giảm phát do tổng cầu. Ví dụ: Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào cuối những năm 1700, nhưng cách mạng ở Mỹ đã không đạt được quy mô đủ để điều khiển nền kinh tế cho đến khi cuộc nội chiến kết thúc. Giá trị gia tăng trong sản xuất và khai thác mỏ nhảy vọt. Khi máy sản xuất chai thay thế ống thổi thủy tinh, giá của 10 chiếc ly từ 3,50 USD vào năm 1864 giảm xuống chỉ còn 40 cents vào năm 1888. Đồng thời, sự ra đời các tuyến đường sắt kết nối các quốc gia giúp nâng cao năng suất và sản lượng cung cấp. Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) thực tế tăng 4,5%/năm từ 1870 đến 1898, tỷ lệ tăng chưa từng có trong một thời kỳ dài như vậy. Tiêu dùng bình quân đầu người cũng tăng 2,3% mỗi năm. Đây là thời kỳ của giảm phát tốt, giá bán giảm 34% (1,7%/năm), và giá tiêu dùng giảm 47% (2,5%/năm). . Giảm phát do tổng cầu giảm: Khi đó thu nhập của người dân giảm, các khoản đầu tư giảm dẫn đến nhu cầu về hàng hóa giảm và kéo theo là giá cả hàng hóa sụt giảm liên tục trong khi đó tổng cung không hề tăng. Giảm phát do tổng cầu giảm được coi là giảm phát xấu, nó phổ biến trong những năm 1930 trong cuộc Đại suy thoái đã đẩy cầu xuống thấp hơn cung đáng kể. Lượng tiền cung ứng, giá cả và tất cả các hàng hóa và dịch vụ thực sự giảm. Khi giá sụp đổ, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 25%. Suy thoái diễn ra trên toàn cầu và ảnh hưởng đến hầu hết các nước phát triển. Sản xuất công nghiệp lần lượt giảm 45% ở Mỹ, 34% ở Áo , 41% ở Đức , 12% ở Anh và 23% ở Italia.
- Một nguyên nhân khác mang tính chủ quan xuất phát từ chính sách điều hành tiền tệ cua NHTW. Do việc tính toán khối lượng cung tiền không hợp lý hoặc lo ngại tình tình trạng lạm phát cao mà chính phủ có thể cắt giảm đột ngột lượng cung tiền hoặc đưa lượng tiền vào lưu thông quá ít không tương xứng với tổng lượng hàng hóa cũng dẫn tới hiện tượng giảm phát. 3. Tác động của giảm phát Ở một mặt tích cực nào đó, nếu giảm phát do tổng cung tăng nó đã thể hiện được sự tiến bộ nhất định của nền kinh tế khi cải thiện được tổng cung trong dài hạn thông qua hoạt động cải tiến công nghệ hay cải thiện môi trường kinh doanh hoặc đầu tư. Ở khía cạnh ngược lại, khi giảm phát diễn ra, giá cả giảm và đồng tiền có giá hơn, nhà đầu tư sẽ muốn giữ nhiều tiền mặt và tiêu dùng ít hơn. Điều này tạo một cú sốc cho nền kinh tế vì thiếu vốn luân chuyển và các ngành kinh doanh phải đấu tranh vì chuyện này. Điều đó cũng không khuyến khích việc vay mượn với tương lai phải tốn nhiều tiền để trả lại số tiền đã vay mượn, do đồng tiền mạnh lên. Giống như ta đặt 1 cái kẹp vào hệ thống ngân hàng và sẽ gây tác dụng lan tỏa đến cả nền kinh tế. Giảm phát còn thúc đẩy giảm lương người lao động khi mà doanh nghiệp cần phải điều tiết trở lại cho những thua lỗ do việc giảm giá gây ra. Tất cả những vấn đề trên kết hợp gây ra hiệu ứng xoáy xuống, khiến cho giảm phát mạnh lên. Hiện tượng này được gọi là giảm phát dai dẳng. Khi mà giá cả giảm, tình trạng thiếu việc làm và người tiêu dùng tích trữ tiền với dự đoán là giá cả còn giảm nữa thì điều này sẽ làm hại nền kinh tế, như kiểu truyền lực cho thói quen tiết kiệm và cứ thế xoáy xuống. Việc giảm giá, nếu tồn tại, sẽ tạo ra một vòng xoáy xấu dẫn đến giảm lợi nhuận, đóng cửa các nhà máy, thất nghiệp gia tăng, giảm thu nhập và làm tăng việc vỡ nợ từ các khoản vay của công ty và cá nhân. Ví dụ tiêu biểu nhất về giảm phát là Nhật Bản khi nền kinh tế này trượt vào giảm phát từ những năm 90 của thế kỷ 20. Năm 1990, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 ở 40.000 điểm. Kể từ đó, chỉ số này liên tục lao dốc cho đến năm 2012 chỉ quanh mức 9.100 điểm, tương
- đương giảm 77%, một tác động hủy diệt lên nhà đầu tư và người dân Nhật Bản. Đối với một nền kinh tế từng được dự đoán là vượt qua nền kinh tế Mỹ để dẫn đầu thế giới, giảm phát đồng nghĩa là hồi kết cho giấc mơ của đất nước mặt trời mọc. 4. Biện pháp kiềm chế giảm phát Đối với hiện tượng giảm phát do tổng cung tăng. Có hai biện pháp chính để hạn chế hiện tượng giảm phát: . NHTW thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng: Việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ bằng các công cụ điều hành khác nhau sẽ đưa một lượng tiền hợp lý vào lưu thông để có sự phù hợp giữa khối lượng tiền và khối lượng hàng hóa; . Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng: Cụ thể của chính sách này là chính phủ tăng cường đầu tư công và chi tiêu công để kích tổng cầu tăng lên, giảm lượng hàng tồn kho trong nền kinh tế xuống, hàng hóa được luân chuyển và kích hoạt sự tăng trưởng. Đối với hiện tượng giảm phát do tổng cầu giảm. Một điều cần lưu ý ở hiện tượng này là chưa chắc nền kinh tế đã thiếu tiền mà do thu nhập của các chủ thể kinh tế giảm dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm. Do vậy khi thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thì phải chú ý là chính sách này hướng vào tiêu dùng của người dân, cụ thể là nới lỏng tín dụng. Một biện pháp kèm theo đó là sự mở rộng chính sách tài khóa. Tuy nhiên sự mở rộng này là con dao hai lưỡi khi mà thu nhập của chính phủ cũng giảm. Hiện tượng này đòi hỏi những nỗ lực tổng thể để tái cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên cho xuất khẩu, mở rộng chính sách đầu tư nước ngoài để kích thích nền kinh tế tăng trưởng.