Giáo trình Tài chính tiền tệ - Chương 5: Bảo hiểm
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Tài chính tiền tệ - Chương 5: Bảo hiểm", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giao_trinh_tai_chinh_tien_te_chuong_5_bao_hiem.pdf
Nội dung text: Giáo trình Tài chính tiền tệ - Chương 5: Bảo hiểm
- Chương 5 – Bảo hiểm Mục tiêu học tập 1. Mục tiêu kiến thức 2. Mục tiêu kỹ năng
- Contents I. Giới thiệu 3 1. Sự cần thiết khách quan của bảo hiểm 3 2. Khái niệm và mục đích của bảo hiểm 3 2. Quản lý rủi ro và bảo hiểm 3 3. Vai trò kinh tế xã hội của bảo hiểm 4 II. Nguyên tắc của hoạt động bảo hiểm 6 1. Quy luật số lớn và thống kê rủi ro 6 2. Nguyên tắc sàng lọc 7 3. Nguyên tắc phân chia, phân tán rủi ro 8 III. Phân loại bảo hiểm 11 1. Bảo hiểm phi nhân thọ 11 2. Bảo hiểm nhân thọ 11 2. Các loại bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận 12 IV. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm 13 1. Đặc điểm hoạt động kinh doanh bảo hiểm 13 2. Đại lý và môi giới bảo hiểm 14 2.1. Đại lý bảo hiểm: 14 2.2. Môi giới bảo hiểm 15 3. Bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm 16 4. Doanh thu, chi phí doanh nghiệp bảo hiểm 16 4.1. Doanh thu 16 4.2. Chi phí 18 5. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm 19 5.1. Nguồn hình thành vốn đầu tư 19 5.2. Đặc điểm hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm 19 5.3. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm 20
- I. Giới thiệu 1. Sự cần thiết khách quan của bảo hiểm Ý tưởng tìm cách chống đỡ thiên tai, tai họa đã xuất hiện ngay từ thời kỳ cổ xưa của nền văn minh nhân loại. Việc dự trữ thức ăn có được từ săn bắn và hái lượm thời nguyên thuỷ có thể coi là những hành động có ý thức đầu tiên của con người nhằm bảo vệ mình trước những rủi ro, bất trắc. Bắt nguồn từ thực tế chống chọi với nhiều loại rủi ro trong cuộc đấu tranh sinh tồn, ý tưởng bù đắp những thiệt hại lớn mà một số thành viên của cộng đồng phải gánh chịu nhờ vào sự đóng góp từ số đông các thành viên trong cộng đồng đã gieo mầm cho sự ra đời của bảo hiểm và cũng chính những nhu cầu của con người đã khiến các loại hình bảo hiểm phát triển rất mạnh và đang vươn đến đỉnh cao trong kinh tế thị trường hiện đại. 2. Khái niệm và mục đích của bảo hiểm Chúng ta có thể hiểu: Bảo hiểm là những quan hệ kinh tế gắn liền với quá trình hình thành, phân phối và sử dụng quỹ bảo hiểm nhằm xử lý các rủi ro, các biến cố. Bảo hiểm là biện pháp chia sẻ rủi ro của một người hay của số một ít người cho cả cộng đồng những người có khả năng gặp rủi ro cùng loại; bằng cách mỗi người trong cộng đồng góp một số tiền nhất định vào một quỹ chung và từ quỹ chung đó bù đắp thiệt hại cho thành viên trong cộng đồng không may bị thiệt hại do rủi ro đó gây ra. Mục đích của bảo hiểm là việc chuyển giao rủi ro tài chính từ người mua bảo hiểm cho công ty bảo hiểm. Phân tích sâu hơn, do công ty bảo hiểm hình thành nên quỹ bảo hiểm từ số đông thông qua phí bảo hiểm nên mục đích của nó là hoán đổi (chuyển giao) từng phần hoặc toàn bộ rủi ro sang số đông. 2. Quản lý rủi ro và bảo hiểm Rủi ro là thứ chúng ta luôn phải đối mặt trong cuộc sống và một thực tế tự nhiên là để đảm bảo sự an toàn hay để giảm thiểu rủi ro chúng ta sẽ cố gắng thực hiện việc quản lý rủi ro. Rủi là khả năng xảy ra biến cố bất thường có hậu quả thiệt hại hoặc mang lại kết quả không mong đợi. Quản lý rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát,
- những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro đồng thời tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công. Quy trình quản trị rủi ro thường theo các bước sau: i. Nhận diện rủi ro; ii. Đánh giá rủi ro; iii. Nhận diện các biện pháp giảm thiểu rủi ro; iv. Kiểm soát các hoạt động giúp giảm thiểu rủi ro; v. Đánh giá rủi ro sau quá trình thực hiện các biện pháp. Từ định nghĩa về quản trị rủi ro và quy trình quản trị rủi ro chúng ta thấy bảo hiểm có quan hệ mật thiết với quản trị rủi ro. Bảo hiểm là một cách thức trong quản trị rủi ro, thuộc nhóm biện pháp tài trợ rủi ro, được sử dụng để đối phó với những rủi ro có tổn thất, thường là tổn thất về tài chính, nhân mạng, . Bảo hiểm là một phương thức hoán chuyển rủi ro trong quản trị rủi ro: Bảo hiểm cho phép giúp quy tụ một số đông người, trong đó chỉ một số ít người gặp rủi ro và bị tổn thất. Họ sẽ được bảo hiểm bồi thường một số tiền lấy từ quỹ bảo hiểm do số đông đóng góp dưới hình thức phí bảo hiểm. Như vậy rủi ro được cả cộng đồng gánh chịu hay rủi ro được hoán chuyển từng phần nhỏ qua cộng đồng. . Bảo hiểm là một phương thức giảm thiểu rủi ro trong quản trị rủi ro: Do tập trung được số đông, kỹ thuật bảo hiểm có thể thống kê tính toán tương đối chính xác khả năng tổn thất trong tương lai. Mức độ chính xác càng cao, mức độ bất trắc càng giảm làm cho rủi ro cũng được giảm theo. 3. Vai trò kinh tế xã hội của bảo hiểm Bảo hiểm có các vai trò sau: . Bù đắp thiệt hại, khắc phục tổn thất. Bù đắp thiệt hại, khắc phục tổn thất là tác dụng chủ yếu của bảo hiểm và cũng xuất phát chính từ nhu cầu này mà bảo hiểm đã ra đời. Nói đến bảo hiểm là nói đến khả
- năng bồi thường khi có tổn thất xảy ra, và vai trò của các công ty bảo hiểm là cung cấp các loại dịch vụ đặc biệt nhằm khôi phục khả năng vật chất, tài chính như trước khi xảy ra rủi ro, hoặc bồi thường cho người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm con người. . Tăng cường công tác đề phòng và hạn chế tổn thất Bên cạnh khả năng giải quyết các hậu quả của rủi ro, bảo hiểm còn góp phần thực hiện một nội dung trong các biện pháp rủi ro. Đó là đề phòng và hạn chế mức thấp nhất những tổn thất có thể xảy. Nhờ đó, những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản được giảm thiểu và những hậu quả về kinh tế - xã hội cũng được chủ động phòng tránh. . Sử dụng hiệu quả những khoản tiền nhàn rỗi, tạo được nguồn vốn lớn để đầu tư vào lĩnh vực khác Trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh, người ta luôn phai tính đến những rủi ro có thể gặp phải, và luôn muốn chủ động trong tình uống xấu nhất. Việc tuej khắc phục rủi ro đòi hỏi các cá nhân, tổ chức phải bỏ ra một khoản tiền lớn lập quỹ dự phòng. Xét trên toàn xã hội, tổng các quỹ dự phòng sẽ là một khoản tiền không nhỏ, có nhả năng sinh lợi lớn nếu đem đầu tư. . Tăng thu ngân sách nhà nước Hàng năm, thông qua việc nộp thuế, bảo hiểm đã đóng góp một phần không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, bảo hiểm đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách thông qua việc tốt khâu phòng ngừa và hạn chế tổn thất, giúp bảo vệ tối đa tài sản công cộng, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại đáng tiếc. Điều này giúp nhà nước giảm bớt chi tiêu những khoản lớn để bù đắp những tổn thất như phải xây dựng đường xá, cầu cống, nhà xưởng, cong trình ngoài ra, một thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ và ổn định sẽ thu hút các cá nhân và tổ chức mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm trong nước, góp phần tiết kiệm một khoản ngoại tệ lớn cho ngân sách nhà nước. . Tạo tâm lý an tâm trong kinh doanh, trong cuộc sống. Khi kinh doanh ngày càng phát triển, đời sống xã hội ngày càng được nâng cao thì
- người ta càng có nhu cầu được đảm bảo an toàn cho tương lai. Môi trường kinh doanh cũng như môi trường xã hội đang dần xuất hiện những rủi ro mới. Những rủi ro thiên nhiên như bão lũ, hạn hán, cháy rừng tự nhiên đang trở lên hết sức phức tạp. Thế giới đang biến triển hết sức phức tạp, khó đoán như chiến tranh, khủng bố, xung đột. trong tình hình như vậy, bảo hiểm chính là một giải pháp hữu hiệu, góp phần tích cực tạo ra tâm lý an tâm trong kinh doanh trong cuộc sống cho con người. II. Nguyên tắc của hoạt động bảo hiểm 1. Quy luật số lớn và thống kê rủi ro Là cơ sở kỹ thuật then chốt của bảo hiểm, luật số lớn trong bảo hiểm được phát biểu như sau: "Khi số lớn các đơn vị rủi ro tương tự nhau và độc lập với nhau tăng lên thì tính chính xác tương đối của các dự đoán về những kết quả tương lai dựa vào các đơn vị rủi ro đó cũng tăng lên". Người bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm cho các sự kiện ngẫu nhiên, nếu xét riêng từng hợp đồng bảo hiểm đơn lẻ có thể giống như "trò chơi may rủi", song xét trên tổng thể nhiều hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoàn toàn có thể dự đoán được về khả năng xảy ra sự kiện bảo hiểm ở mức độ chính xác có thể chấp nhận được. Ví dụ : trong bảo hiểm xe cơ giới, không thể dự đoán chính xác về tai nạn gây ra đối với một cá thể ô tô, song người bảo hiểm có thể dự đoán được số vụ tai nạn và thiệt hại xảy ra hàng năm cho toàn bộ số ô tô được bảo hiểm trong phạm vi sai sót rất nhỏ. Tất nhiên, số ô tô được bảo hiểm nói trên phải là một số lớn. Thực tiễn kinh doanh đã chỉ ra rằng: trên cơ sở số lớn, khả năng cân bằng kỹ thuật của nhà bảo hiểm sẽ chắc chắn hơn. Cân bằng kết quả thu chi nghiệp vụ của một tổng lượng với vài chục hợp đồng bảo hiểm phụ thuộc nhiều vào may mắn, còn đối với một tổng lượng hàng trăm ngàn hợp đồng bảo hiểm hoặc hàng triệu hợp đồng bảo hiểm sẽ chắc chắn hơn. Nói cách khác, khi số người được bảo hiểm càng lớn thì tình hình phát sinh tổn thất, thiệt hại trong thực tế càng gần với tần suất tổn thất và chi phí trung bình/ 1 tổn thất mà người bảo hiểm có được từ thống kê rủi ro và đã sử dụng để tính phí.
- Mọi hoạt động bảo hiểm chỉ an toàn nếu tập hợp số đông đối tượng tham gia bảo hiểm có cùng tính chất rủi ro, số đông càng lớn thì việc ước lượng xác suất rủi ro có độ chính xác càng cao 2. Nguyên tắc sàng lọc Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp bảo hiểm luôn đứng trước những nhu cầu bảo hiểm rất đa dạng của nhiều loại khách hàng. Có yêu cầu bảo hiểm cho rủi ro ở mức trung bình, có yêu cầu bảo hiểm với mức dộ rủi ro cao hơn thậm chí là rất xấu. Liệu doanh nghiệp bảo hiểm có thể chấp nhận mọi yêu cầu bảo hiểm của người mua bảo hiểm hay không? Câu trả lời sẽ là "có" nếu người mua bảo hiểm sẵn sàng trả theo giá mà người bảo hiểm yêu cầu. Sàng lọc đòi hỏi người bảo hiểm phải từ chối những trường hợp mức độ rủi ro quá lớn. Một vấn đề nữa đặt ra cho doanh nghiệp bảo hiểm là mỗi loại đối tượng bảo hiểm, thậm chí mỗi đối tượng bảo hiểm có mức độ rủi ro khác nhau sẽ được "đối xử" như thế nào? Liệu một chủ xe tư nhân sử dụng xe cho mục đích đi lại của mình có phải đóng một mức phí bảo hiểm ngang bằng với một xe tắc xi cùng loại hay không? Bất cứ một người bảo hiểm nào cũng biết mức độ rủi ro đối với xe tắc xi cao hơn so với xe cùng loại vì vậy họ không thể xếp chung chúng với nhau để áp dụng cùng một mức phí bảo hiểm Hơn thế nữa, như đã đề cập ở trên, thực tế kinh doanh cho thấy doanh nghiệp bảo hiểm luôn phải đối mặt với những "lựa chọn bất lợi", điều đó thường trực nhắc nhở người bảo hiểm phải đánh giá cân nhắc trước và trong khi thực hiện bất kỳ một hành động, một quyết định kinh doanh nào. Trong quyết định chấp nhận bảo hiểm hay không, nhận bảo hiểm với điều kiện bảo hiểm nào và giá phí phải thu là bao nhiêu, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải thực hiện nguyên tắc sàng lọc rủi ro. Quá trình đánh giá rủi ro trước khi nhận bảo hiểm cho phép doanh nghiệp bảo hiểm sàng lọc được rủi ro, hạn chế sự lựa chọn bất lợi và có được quyết định đúng đắn. Sàng lọc rủi ro yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải phân nhóm các đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm theo những tiêu thức phù hợp để có thể sắp xếp được các rủi ro có
- tính đồng nhất trong cùng một nhóm và định phí bảo hiểm theo từng nhóm đó. Các tiêu thức có thể sử dụng để phân nhóm có thể là phạm vi hoạt động, mục đích sử dụng, độ tuổi Việc phân nhóm rủi ro trong thực tế chỉ đạt tới một độ đồng nhất tương đối, vì vậy trong các nghiệp vụ bảo hiểm vẫn phải có quy định tăng phí, giảm phí trong trường hợp cần thiết. Vấn đề phân hoá phí bảo hiểm, tăng, giảm phí bảo hiểm một cách hợp lý còn đảm bảo được khía cạnh thương mại của sản phẩm bảo hiểm - sự linh hoạt cần thiết để có thể thõa mãn tốt nhất các nhu cầu bảo hiểm đa dạng và đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm. 3. Nguyên tắc phân chia, phân tán rủi ro Để tránh tình trạng bị rơi vào thế mạo hiểm hoặc tình trạng luẩn quẩn trong sự hạn chế về năng lực bảo hiểm của bản thân, doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải thực hiện nguyên tắc phân chia, phân tán rủi ro. . Phân tán rủi ro: là phương pháp mà người bảo hiểm sử dụng để đối phó với hiện tượng tích tụ, tập trung rủi ro trong một khu vực địa lý. . Phân chia rủi ro: là kỹ thuật mà người bảo hiểm sử dụng trong những trường hợp cần thiết nhằm tránh khả năng phải tự mình gánh chịu một tổn thất quá lớn, tránh trường hợp không đủ khả năng thanh toán trong một năm kinh doanh xấu, nhiều tổn thất lớn, liên tiếp xảy ra hoặc tránh trường hợp tích tụ rủi ro trong cùng một sự cố. Hai kỹ thuật phân chia rủi ro có thể được sử dụng là đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm: Đồng bảo hiểm (Co-insurance) Trường hợp đồng bảo hiểm sẽ có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng đảm bảo cho một rủi ro, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chịu một phần trách nhiệm theo một tỷ lệ đã thỏa thuận. Khác với trường hợp bảo hiểm trùng hoặc bảo hiểm giá trị gia tăng, các doanh nghiệp đồng bảo hiểm có thỏa thuận với nhau ngay từ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm với người được bảo hiểm. Đồng bảo hiểm được sử dụng khi số tiền bảo hiểm trong một yêu cầu bảo hiểm vượt quá khả năng tự đảm đương của một doanh nghiệp bảo hiểm.
- Tham gia quan hệ đồng bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp đồng bảo hiểm nhận một phần trách nhiệm theo tỷ lệ trên số tiền bảo hiểm, họ được hưởng theo tỷ lệ đó về phí bảo hiểm và cũng phải chịu trách nhiệm theo tỷ lệ đó trong mỗi lần bồi thường tổn thất. Về lý thuyết, có bao nhiêu doanh nghiệp đồng bảo hiểm thì có bấy nhiêu hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, trong thực tế thường chỉ có một hợp đồng bảo hiểm duy nhất được thiết lập mang tên của tất cả các doanh nghiệp đồng bảo hiểm và các tỷ lệ rủi ro mà họ đã chấp nhận. Doanh nghiệp bảo hiểm đại diện cho những doanh nghiệp khác trong mối quan hệ với khách hàng (người được bảo hiểm) được gọi là người bảo hiểm chủ trì (leader). Người bảo hiểm chủ trì chịu trách nhiệm chính trong việc đàm phán, ký kết, quản lý hợp đồng bảo hiểm và phân bổ số tiền bồi thường. Trên phương diện pháp lý, cho dù chỉ tồn tại một văn bản hợp đồng bảo hiểm do người bảo hiểm chủ trì quản lý, người được bảo hiểm vẫn có quan hệ hợp đồng trực tiếp với từng doanh nghiệp đồng bảo hiểm. Như vậy, khi có tổn thất, người được bảo hiểm có quyền và cũng chỉ được khiếu nại đòi bồi thường từng doanh nghiệp bảo hiểm với số tiền tương ứng với tỷ lệ nhận bảo hiểm của họ. Mỗi người đồng bảo hiểm (kể cả người bảo hiểm chủ trì) chỉ chịu trách nhiệm về phần của mình mà không phải chịu trách nhiệm thay cho nhau cả khi một trong số họ gặp khó khăn về tài chính. Tái bảo hiểm (Reinsurance) Tái bảo hiểm là nghiệp vụ mà người bảo hiểm sử dụng để chuyển một phần trách nhiệm đã chấp nhận với người được bảo hiểm cho người bảo hiểm khác, trên cơ sở nhượng lại cho người đó một phần phí bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm giữa người được bảo hiểm với người bảo hiểm trực tiếp được gọi là hợp đồng bảo hiểm gốc. Hợp đồng bảo hiểm giữa người bảo hiểm chuyển nhượng dịch vụ bảo hiểm với những người bảo hiểm khác gọi là hợp đồng tái bảo hiểm. Người bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm gốc trở thành người nhượng tái bảo hiểm, người bảo hiểm nhận lại một phần rủi ro của người nhượng tái bảo hiểm gọi là người nhận tái bảo hiểm. Người nhận tái bảo hiểm có thể là một doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh
- cả bảo hiểm gốc lẫn tái bảo hiểm hoặc là doanh ngiệp chuyên kinh doanh tái bảo hiểm. Sau khi nhận tái bảo hiểm, người nhận tái có thể nhượng tái bảo hiểm cho những người nhận tái bảo hiểm khác, hoạt động nhượng tái có thể tiếp tục nhiều lần (Retrocession) với sự liên kết của các doanh nghiệp bảo hiểm trên phạm vi quốc tế. Mặc dù quan hệ tái bảo hiểm chỉ được hình thành trên cơ sở bảo hiểm gốc nhưng các thoả thuận của hợp đồng tái bảo hiểm có thể có những khía cạnh độc lập với các thoả thuận của hợp đồng bảo hiểm gốc (về phạm vi bảo hiểm ; loại trừ bảo hiểm ). Vì thế, trên phương diện pháp lý và nguyên tắc chung, người được bảo hiểm chỉ có mối quan hệ hợp đồng với người bảo hiểm gốc và chỉ có quyền khiếu nại người bảo hiểm này nếu có tổn thất được bảo hiểm. Người được bảo hiểm nhiều khi không biết đến người nhận tái bảo hiểm, tuy nhiên ngay cả khi biết đích xác người nhận tái bảo hiểm là ai (trong trường hợp tái bắt buộc hoặc tái chỉ định theo yêu cầu của người được bảo hiểm) người được bảo hiểm cũng không có quyền khiếu nại trực tiếp người nhận tái bảo hiểm khi có tổn thất. Người nhận tái bảo hiểm cũng không được quyền đòi phí bảo hiểm trực tiếp từ người được bảo hiểm. Khi sự kiện bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm gốc xảy ra, người nhượng tái bảo hiểm có nghĩa vụ bồi thường theo cam kết của hợp đồng bảo hiểm gốc và đòi bồi thường từ những người nhận tái bảo hiểm nếu tổn thất đó thuộc trách nhiệm của hợp đồng tái bảo hiểm. Tuy nhiên, những vấn đề thuộc về nguyên tắc chung nói trên có thể được các người bảo hiểm vận dụng một cách mềm dẻo hơn bằng cách đưa vào hợp đồng tái bảo hiểm những điều khoản đặc biệt, ví dụ: điều khoản “ cut - through” quy định trường hợp người nhượng tái bảo hiểm mất khả nămg thanh toán, người nhận tái bảo hiểm có nghĩa vụ đối với phần tổn thất thuộc trách nhiệm của mình trước người được bảo hiểm. Việc sử dụng đồng bảo hiểm hay tái bảo hiểm là tuỳ thuộc phần lớn vào các đặc tính của rủi ro, đối tượng bảo hiểm và không ít các trường hợp kết hợp cả đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, đồng tái bảo hiểm sẽ là phương án tối ưu cho việc chuyển giao rủi ro
- III. Phân loại bảo hiểm Có nhiều cách phân lợi khác nhau căn cứ vào đối tượng bảo hiểm (bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm con người), căn cứ vào tính chất pháp lý (bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện), căn cứ vào mục tiêu lợi nhuận (Bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận). 1. Bảo hiểm phi nhân thọ Bảo hiểm phi nhân thọ là sự cam kết giữa người tham gia bảo hiểm với người bảo hiểm mà trong đó, người bảo hiểm sẽ trả cho người tham gia hoặc người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm một số tiền nhất định khi có các sự kiện đã định trước xảy ra, còn người tham gia phải nộp phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn. Ví dụ các rủi ro từ môi trường thiên nhiên (động đất, bão ), các rủi ro từ môi trường xã hội (hỏa hoạn, tai nạn ). Một số loại bảo hiểm phi nhân thọ như: . Bảo hiểm tài sản: bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là các tài sản và những lợi ích liên quan. Có nhiều loại bảo hiểm tài sản thông dụng như là: bảo hiểm hàng hoá vận chuyển trong nước; bảo hiểm thiệt hại vật chất xe cơ giới; bảo hiểm công trình xây dựng, lắp đặt; bảo hiểm máy móc thiết bị điện tử; bảo hiểm tàu thuyền . Bảo hiểm trách nhiệm dân sự có mục tiêu lợi nhuận: bao gồm những nghiệp vụ bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm phát sinh theo quy định về trách nhiệm dân sự của pháp luật. Có nhiều loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm trách nhiệm của chủ sử dụng lao động; bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm; bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba trong xây dựng, lắp đặt Những loại bảo hiểm này có mục tiêu lợi nhuận. 2. Bảo hiểm nhân thọ Là loại bảo hiểm bao hàm những cam kết mà sự thực hiện những cam kết đó phụ thuộc vào tuổi thọ của con người. của doanh nghiệp bảo hiểm. Có hai loại cam kết chủ yếu trong bảo
- hiểm nhân thọ, đó là cam kết đóng phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm và cam kết trả tiền bảo hiểm hoặc trả trợ cấp định kỳ của doanh nghiệp bảo hiểm. Nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống, tử vong theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ: bảo hiểm sinh kỳ: theo loại hình bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải trả tiền cho người thụ hưởng trong trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định. Bảo hiểm tử kỳ: theo loại hình bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải trả tiền cho người thụ hưởng trong trường hợp người được bảo hiểm tử vong trong một thời hạn nhất định. 2. Các loại bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận Bảo hiểm xã hội Là loại hình bảo hiểm do nhà nước tổ chức và quản lý nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình họ khi gặp những rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng lao động. Tại Việt Nam. BHXH bao gồm: BHXH và BH thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội được chia làm bảo hiểm XH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia, bao gồm các chế độ:ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội, bao gồm các chế độ : hưu trí; tử tuất. Bảo hiểm thất nghiệp là loại bảo hiểm trợ cấp tài chính cho người lao động khi họ bị thất nghiệp hoặc hỗ trợ học nghề hay hỗ trợ tìm việc làm khi thất nghiệp Bảo hiểm tiền gửi Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Các chủ thể tham gia vào quá trình bảo hiểm này bao gồm: người được bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- IV. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm 1. Đặc điểm hoạt động kinh doanh bảo hiểm Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Đặc điểm cơ bản của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là sự kết hợp giữa hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp với các rủi ro được bảo hiểm. Rủi ro được bảo hiểm là những sự cố dự tính, nếu xảy ra gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng tới đối tượng bảo hiểm sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm. Những rủi ro được bảo hiểm thường được nêu trong phạm vị bảo hiểm của quy tắc bảo hiểm. Phạm vi bảo hiểm là phạm vi giới hạn những rủi ro mà theo đó thỏa thuận nếu những rủi ro đó xảy ra người tham gia bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm. Người tham gia bảo hiểm là người có thân thế, tài sản trách nhiệm dân sự cần được bảo hiểm hoặc là người có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Để được hưởng quyền lợi bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm phải có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm là giá cả của dịch vụ bảo hiểm. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà người tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ nộp theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở thực hiện nghĩa vụ đó, người tham gia bảo hiểm sẽ được đền bụ khi sự kiển bảo hiểm diễn ra. Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan, do các bên dự liệu trong hoạt động bảo hiểm hoặc do pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra trên thực tế thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người có quyền hưởng quyền lợi bảo hiểm từ quỹ bảo hiểm. Quỹ bảo hiểm là quỹ được hình thành từ phí bảo hiểm được dùng để bồi thường, bù đắp cho những trường hợp thuộc diện được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Chính nhờ phương thức thu phí bảo hiểm của số đông và chỉ chi trả khi có sự cố bảo hiểm xảy ra trên thực tế mà tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp bảo hiểm.
- Hoạt động kinh doanh của bảo hiểm phải căn cứ vào các nguyên tắc của kinh doanh bảo hiểm và căn cứ vào quy định của pháp luật. Các nguyên tắc kinh doanh bảo hiểm bao gồm: . Nguyên tắc số đông và thống kê rủi ro; . Nguyên tắc phân tán, phân chia rủi ro; . Nguyên tắc chỉ bảo hiểm sự rủi ro, không bảo hiểm sự chắc chắn: Chỉ bảo hiểm một rủi ro xảy ra bất ngờ, ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của con người chứ không bảo hiểm một cái chắc chắn xảy ra. . Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: Tất cả các giao dịch kinh doanh cần được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, trung thực tuyệt đối. Cả người được bảo hiểm và người bảo hiểm đều phải trung thực trong tất cả các vấn đề. . Nguyên tắc bồi thường: Theo nguyên tắc bồi thường, khi có tổn thất xảy ra, người bảo hiểm phải bồi thường như thế nào đó để đảm bảo cho người được bảo hiểm có vị trí tài chính như trước khi có tổn thất xảy ra, không hơn không kém. Các bên không được lợi dụng bảo hiểm để trục lợi. . Nguyên tắc thế quyền: Theo nguyên tắc thế quyền, người bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm, có quyền thay mặt người được bảo hiểm để đòi người thứ ba trách nhiệm bồi thường cho mình. 2. Đại lý và môi giới bảo hiểm 2.1. Đại lý bảo hiểm: Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Đại lý bảo hiểm có thể được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền tiến hành các hoạt động sau đây. . Giới thiệu, chào bán bảo hiểm; . Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; . Thu phí bảo hiểm;
- . Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; . Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Như vậy đại lý bảo hiểm hoạt động nhân danh doanh nghiệp bảo hiểm và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp bảo hiểm nhưng chỉ được phép làm những công việc mà doanh nghiệp bảo hiểm cho phép đã được nêu trong hợp đồng đại lý bảo hiểm. Đại lý BH không hưởng lương mà được hưởng phần trăm hoa hồng trên phí BH thu được từ KH cũng như mọi quy chế tiền thưởng tùy mỗi công ty BH dưới sự kiểm soát của Bộ tài chính 2.2. Môi giới bảo hiểm Môi giới Bảo hiểm là một tổ chức trung gian BH tư vấn cho khách hàng của mình (người tham gia BH) và thu xếp BH cho khách hàng đó. Môi giới BH là người trung gian giữa công ty BH với khách hàng, đại diện cho quyền lợi của khách hàng và có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, thu xếp các hợp đồng BH cho họ. Môi giới BH được khách hàng ủy quyền và hành động vì quyền lợi khách hàng. Theo quan điểm của các công ty bảo hiểm, những cuộc đàm phán với các công ty môi giới thường nhanh chóng và dễ thành công hơn so với đàm phán trực tiếp với khách hàng. Sự khác nhau giữa hoạt động của đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm: . Về địa vị pháp lý: Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Trong khi doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là các tổ chức kinh doanh độc lập chuyên kinh doanh trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm . Về trách nhiệm: Đại lý là cá nhân (tổ chức) được công ty bảo hiểm uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ nhất định. Công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm cuối cùng về các hành vi của đại lý đối với khách hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp môi giới là tổ chức kinh doanh độc lập, thay mặt khách hàng giao dịch với các công ty bảo hiểm để lựa chọn sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất cho khách hàng. Công ty môi giới bảo hiểm tự chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình trước pháp luật.
- Chính vì vậy, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm còn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động môi giới bảo hiểm trong khi đại lý thì không phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp 3. Bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm Bồi thường bảo hiểm là việc doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm khi sự kiện rủi ro sảy ra theo hợp đồng đã ký kết. Việc bồi thường nằm trong giới hạn bồi thường, là số tiền tối đa mà công ty bảo hiểm sẽ trả cho người được bảo hiểm khi có tổn thất xảy ra thuộc những rủi ro được bảo hiểm. Việc bồi thường và chi trả có liên quan mật thiết với công tác giám định thiệt hại. Việc giám định sẽ chỉ ra nguyên nhân gây ra sự kiện bảo hiểm, là do lỗi khách quan hay chủ quan, mức độ thiệt hại bao nhiêu và nằm trong phạm vi nào của hợp đồng. Căn cứ vào mức giám định này và hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm quyết định mức chi trả phù hợp hoặc không thực hiện việc chi trả. Liên quan tới bồi thường bảo hiểm còn có khái niệm “mức miễn thường”. Phần lớn các đơn bảo hiểm đều có mức miễn thường, mức miễn thường là số tiền mà tổn thất trong khoản đó không được bồi thường. Nói một cách khác, mức miễn thường chính là sự chia sẻ trách nhiệm giữa công ty bảo hiểm và người được bảo hiểm. Ngoài ra, khi nhận được khiếu nại bồi thường, công ty bảo hiểm sẽ tốn một khoản chi phí về nhân sự, giấy tờ, thẩm định và ngược lại người được bảo hiểm cũng phải dành thời gian để chuẩn bị khiếu nại, thậm chí có trường hợp phải ra tòa làm chứng. Như vậy, việc định ra mức miễn thường cũng là cách để giảm tải những chi phí và thời gian giải quyết các vụ bồi thường có giá trị nhỏ. 4. Doanh thu, chi phí doanh nghiệp bảo hiểm 4.1. Doanh thu Doanh thu của các công ty bảo hiểm đến từ hai nguồn chính: Doanh thu thu từ hoạt động kinh doanh và từ hoạt động đầu tư tài chính.
- Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm là số tiền phải thu phát sinh trong kỳ sau khi đã trừ các khoản phải chi để giảm thu phát sinh trong kỳ: . Số tiền phải thu phát sinh trong kỳ bao gồm: - Thu phí bảo hiểm gốc; - Thu phí nhận tái bảo hiểm; - Thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; - Thu phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%; - Thu phí giám định tổn thất không kể giám định hộ giữa các đơn vị thành viên hạch toán nội bộ trong cùng một doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán độc lập. . Các khoản phải chi để giảm thu phát sinh trong kỳ bao gồm: - Hoàn phí bảo hiểm; - Giảm phí bảo hiểm; - Phí nhượng tái bảo hiểm; - Hoàn phí nhận tái bảo hiểm; - Giảm phí nhận tái bảo hiểm; - Hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm; - Giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm. Doanh thu hoạt động tài chính bao gồm: . Thu hoạt động đầu tư: mua trái phiếu, cổ phiếu, kinh doanh bất động sản . Thu từ hoạt động mua bán chứng khoán; . Thu lãi trên số tiền ký quỹ; . Thu cho thuê tài sản;
- 4.2. Chi phí Chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm hai khoản chính là chi phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí từ hoạt động đầu tư. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm là số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ sau khi đã trừ các khoản phải thu để giảm chi phát sinh trong kỳ: . Số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ bao gồm: - Bồi thường bảo hiểm gốc đối với bảo hiểm phi nhân thọ; trả tiền bảo hiểm đối với bảo hiểm nhân thọ; - Chi bồi thường nhận tái bảo hiểm; - Trích lập dự phòng nghiệp vụ; - Chi hoa hồng bảo hiểm; - Chi giám định tổn thất; - Chi phí về dịch vụ đại lý bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn; - Chi xử lý hàng bồi thường 100%; - Chi quản lý đại lý bảo hiểm; - Chi đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất; - Chi đánh giá rủi ro của đối tượng bảo hiểm; - Các khoản chi, trích khác theo quy định của pháp luật. Chi phí hoạt động tài chính: . Chi phí hoạt động đầu tư . Thu nhập đầu tư phải trả cho bên mua bảo hiểm theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; . Chi phí cho thuê tài sản;
- . Chi thủ tục phí ngân hàng, trả lãi tiền vay. 5. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm 5.1. Nguồn hình thành vốn đầu tư Do đặc thù của hoạt động bảo hiểm là có một khoảng cách thời gian từ thời điểm nhận phí bảo hiểm đến thời điểm chi trả bảo hiểm, ví dụ phí bảo hiểm nộp vào tháng 1 song có thể cho tới tháng 12 doanh nghiệp mới phải thực hiện chi trả bồi thường, do đó doanh nghiệp bảo hiểm có số lượng tiền nhàn rỗi khá lớn có thể tuỳ ý sử dụng. Trên thực tế công ty bảo hiểm có nhiều khoản phí bảo hiểm tích tụ từ những người đóng bảo hiểm trong một thời gian dài, khoản tiền này sẽ được dùng để đầu tư. Bên cạnh đó do đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải chi trả những khoản tiền khi xảy ra rủi ro, nên để có thể đảm bảo khả năng thanh toán kịp thời doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập các quỹ dự phòng kỹ thuật từ nguồn phí bảo hiểm thu được. Điều 96 Luật kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam quy định: "dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập nhằm mục đích thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết". Trên bảng cân đối kế toán, các quỹ dự phòng này được thể hiện là khoản mục nợ phải trả của doanh nghiệp. Cũng giống như trường hợp của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm không thể biết trước một cách chính xác khi nào sẽ phải chi trả tiền bảo hiểm nhưng có thể dự đoán được tỷ lệ dự trữ cần thiết vừa đủ để đảm bảo khả năng thanh toán mà không làm lãng phí nguồn vốn đầu tư. Nói chung, nguồn vốn nhàn rỗi được dùng để đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: vốn điều lệ, quỹ dự trữ bắt buộc, quỹ dự trữ tự nguyện, lãi chưa sử dụng từ năm trước, các quỹ để đầu tư hình thành tự lợi nhuận để lại (quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển, quỹ phúc lợi khen thưởng, quỹ trợ cấp mất việc ), nguồn vốn nhàn rỗi từ các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm của doanh nghiệp. 5.2. Đặc điểm hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm . DN BH có ưu thế về nguồn vốn nhàn rỗi, do đó quy mô đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm sẽ rất lớn.
- . Việc đầu tư phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả hợp đồng bảo hiểm . Yêu cầu an toàn luôn được đặt lên hàng đầu đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm 5.3. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm có thể được phân chia theo nhiều tiêu thức khác nhau, những cách phân loại thường được doanh nghiệp sử dụng là: Theo mục đích đầu tư (đầu tư nhằm mục đích sinh lời; đầu tư nhằm mục đích bảo toàn vốn, phân tán rủi ro; đầu tư nhằm đảm bảo tính thanh khoản), theo thời hạn đầu tư, theo đối tượng đầu tư Ngoài ra, do hoạt động đầu tư cũng có thể là công cụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động nắm quyền kiểm soát các tổ chức khác nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm hoặc đầu tư sinh lời . Căn cứ theo mục đích đầu tư. Tuỳ theo tính chất của nguồn hình thành vốn đầu tư và chiến lược đầu tư mà doanh nghiệp bảo hiểm có mục đích đầu tư tập trung vào loại hình đầu tư nào. Đối với các khoản đầu tư bảo đảm tính thanh khoản, khả năng sinh lời sẽ thấp hơn, chủ yếu là gửi tiền vào các tổ chức tín dụng hoặc mua chứng khoán ngắn hạn như tín phiếu kho bạc. Đầu tư nhằm sinh lời là hoạt động mang lại lợi nhuận chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, có kỳ hạn hơn và mức độ rủi ro cao hơn. Ngoài ra, để phân tán rủi ro, các doanh nghiệp phải tiến hành đa dạng hoá danh mục đầu tư, bảo toàn vốn chứ không tập trung vào một loại hình đầu tư cụ thể. Căn cứ theo phương thức đầu tư gồm có đầu tư trực tiếp, gián tiếp. Đầu tư trực tiếp là doanh nghiệp bỏ vốn trực tiếp vào dự án và trực tiếp tham gia quản lý hoạt động kinh doanh của dự án đó. Phương thức đầu tư này đòi hỏi sự am hiểu về lĩnh vực kinh doanh của dự án, kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, nhưng thường đem lại sự chủ động và lợi nhuận cao cho phía nhà đầu tư. Thông thường doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cử đại diện của mình chịu trách nhiệm trực tiếp tham gia quản lý, giám sát và thực thi những yêu cầu của doanh nghiệp đối với dự án đó. Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp, bộ phận đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm không phải trực tiếp thực hiện quản lý hoạt động của dự án đầu tư
- mà chỉ cung cấp vốn cho dự án thông qua các hình thức cho vay, mua các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu Nếu căn cứ vào thời hạn đầu tư bao gồm đầu tư ngắn hạn, dài hạn. Các khoản đầu tư có thời hạn trên 1 năm là các dự án đầu tư dài hạn. Thông thường các khoản đầu tư ngắn hạn có tính thanh khoản cao nhưng tỷ lệ thu nhập thấp, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thường sử dụng đầu tư ngắn hạn làm khoản mục dự trữ cho các nhu cầu chi trả khi cần thiết. Còn đối với loại hình bảo hiểm nhân thọ, do có thể xác định được nhu cầu chi trả đối với từng thời kỳ nên nhu cầu về các loại đầu tư có có khả năng thanh khoản cao thấp hơn, họ thường tập trung vào đầu tư dài hạn để có thể nâng cao được tỷ lệ thu nhập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có thể đầu tư rất ngắn hạn trên thị trường tiền tệ với các hình thức cho vay "qua đêm" đối với các tổ chức tài chính khác nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản của họ, hình thức đầu tư này cũng đem lại lợi nhuận cao mà rủi ro lại không lớn. Nếu căn cứ theo tài sản đầu tư, bao gồm: chứng khoán, cho vay, góp vốn, gửi tiền, bất dộng sản Theo cách phân loại này, doanh nghiệp bảo hiểm có thể chuyên môn hoá bộ phận đầu tư thành các bộ phận nhỏ nhằm quản lý từng loại tài sản có tính chất giống nhau; chẳng hạn như bộ phận chuyên đầu tư các loại chứng khoán, bộ hận thẩm định dự án để cho vay, góp vốn; bộ phận đầu tư bất động sản Ngoài ra nhà nước cũng quy định tỷ lệ vốn nhàn rỗi được phép đầu tư vào mỗi danh mục đầu tư nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp bảo hiểm luôn duy trì được khả năng thanh toán. Phân tích một số loại hình đầu tư tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm như sau: . Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng: đây là loại hình đầu tư ngắn hạn, dễ quản lý, ít rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tính toán tương đối chính xác các khoản thu nhập trong tương lai, nếu lựa chọn các ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh, uy tín thì rủi ro là tương đối thấp. Tuy nhiên các khoản tiền gửi này cũng chịu những rủi ro về lạm phát và lãi suất, hơn nữa lãi suất của các khoản tiền gửi rất thấp nên đây không phải là loại hình đầu tư có hiệu quả đối với doanh nghiệp bảo hiểm
- . Hoạt động uỷ thác đầu tư: doanh nghiệp bảo hiểm sẽ sử dụng dịch vụ uỷ thác đầu tư của một tổ chức tín dụng khác, tổ chức này sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp bảo hiểm để đầu tư vào các danh mục của mình và cam kết sẽ đạt được một mức lãi suất nhất định và thu phí hoa hồng tuỳ theo kết quả thực tế đầu tư. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, tương tự như gửi tiền vào tổ chức tín dụng loại hình đầu tư này không cần nhiều "chất xám" và ít gặp rủi ro nếu uỷ thác đầu tư vào các tổ chức tài chính lớn có nhiều uy tín. . Cho vay thông qua các tổ chức tài chính trung gian: Loại hình đầu tư này đòi hỏi phải có trình độ và kinh nghiệm thẩm định dự án, để đảm bảo nguyên tắc an toàn thì việc cho vay phải được tiến hành theo hình thức cho vay có thế chấp phải được giám sát chặt chẽ. Nhìn chung đây là loại hình đầu tư cho lãi suất cao song rủi ro cũng cao hơn, hơn nữa doanh nghiệp bảo hiểm lại phải cạnh tranh với các tổ chức cho vay chuyên nghiệp trong việc tìm cácdự án tốt. Ngoài ra trong điều kiện thị trường mua bán nợ chưa phát triển thì tính lỏng của các loại đầu tư này rất thấp và không phù hợp với nguồn đầu tư từ quỹ dự phòng của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. . Chứng khoán: Danh mục đầu tư chứng khoán của một doanh nghiệp bảo hiểm thường bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty và cổ phiếu. Đây là loại hình đầu tư có lãi suất, tính thanh khoản tương đối cao, phù hợp với yêu cầu đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Đặc biệt là khi thị trường tài chính đã phát triển thì đầu tư chứng khoán trở thành một xu hướng chung đối với tất cả các tổ chức tài chính. Tuy nhiên để xây dựng được một danh mục đầu tư phù hợp với đặc điểm, phù hợp với chiến lược đầu tư của từng doanh nghiệp không phải là một công việc đơn giản.