Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị

pdf 15 trang phuongnguyen 3300
Bạn đang xem tài liệu "Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdia_danh_tam_linh_o_tinh_quang_tri.pdf

Nội dung text: Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học Huế Tập 2, Số 2 (2014) ĐỊA DANH TÂM LINH Ở TỈNH QUẢNG TRỊ Lê Cường Học viên cao học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Huế Email: leloancuong@gmail.com TÓM TẮT Quảng Trị - vùng đất “mưa bom, bão đạn” với những trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm, là nơi giao thoa của nhiều lớp trầm tích văn hóa Hán, Chăm, Mường, Việt đã hình thành nên một hệ thống các di sản văn hóa vật thể phong phú, đa dạng mà đặc biệt là các địa danh tâm linh có giá trị văn hóa tâm linh - tín ngưỡng sâu sắc. Các địa danh này đã phát huy mạnh mẽ những giá trị tâm linh trong việc định hình nhân sinh quan, tư tưởng tình cảm và đạo đức cho người dân địa phương, giúp cộng đồng hướng đến một cuộc sống được vun đắp bằng những giá trị chân, thiện, mỹ. Từ khóa: địa danh, tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa. 1. DẪN NHẬP Phải chăng do chịu lời phán xét của lịch sử mà Quảng Trị, vùng đất “phên dậu”, “miền trấn ải”, khu “địa đầu giới tuyến” ngày nay vẫn mang trên mình những vết tích sâu đậm của những cuộc chiến tàn khốc, của những giao tranh khốc liệt giữa các triều đại vua chúa đàng Trong, đàng Ngoài trong quá trình hình thành và phát triển. Tiếp đó, trong thời kỳ lịch sử hiện đại là những cuộc chiến chống đế quốc ngoại xâm với những trang sử hào hùng bất khuất, giàu tinh thần cách mạng, đậm chất sử thi hoành tráng. Bên cạnh đó, với vị trí địa-chính trị là nơi giao thoa, hội tụ của các nền văn minh, văn hoá của nhiều lớp cư dân như người Hán, Chăm, Việt và các nhóm dân tộc thiểu số nên vùng đất này vẫn đang còn lưu giữ một hệ thống các di tích, địa danh mang đậm giá trị văn hoá - lịch sử cách mạng cao quí và giá trị tâm linh thiêng liêng mà không gian tồn tại hiện vẫn còn ghi dấu ở các ngôi chùa Phật giáo, hệ thống tháp Chăm, nhà thờ La Vang cũng như một số địa danh tự nhiên và địa danh hành chính khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hệ thống địa danh tâm linh ở Quảng Trị, theo dòng thời gian, đã phát huy vai trò trong việc định hình những giá trị về mặt nhân văn cho các thế hệ người dân ở địa phương và xây dựng được một nếp nghĩ, nếp sống văn hoá tâm linh mà nay đã ăn sâu vào cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định chọn đề tài địa danh tâm linh để nghiên cứu sâu hơn nhằm thấy rõ hơn nữa những tác động tích cực của vấn đề này đối với đời sống văn hóa - tâm linh - tín ngưỡng của người dân Quảng Trị. 1
  2. Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị 2. NỘI DUNG 2.1. Vấn đề tâm linh và đời sống tâm linh Với những đặc thù văn hóa của một dân tộc phương Đông, thì tâm linh là sự thể hiện những giá trị nhân văn quý báu, những niềm tin mạnh mẽ, những tập tục, truyền thống thờ phụng cao cả, thiêng liêng của người dân. Đời sống tâm linh cũng là một nét đẹp, một nghĩa cử tri ân của những người đang sống đối với người đã khuất hoặc đức tin mãnh liệt đối với một đấng tinh thần tôn giáo thanh cao (đức Phật, đức Chúa trời, Thánh Allah). Hiện nay, tại Quảng Trị, vấn đề tâm linh dường như đã hình thành nên một đời sống thứ hai mà người dân địa phương vô cùng tin tưởng và trân trọng. 2.1.1. Khái niệm về tâm linh Từ điển tiếng Việt định nghĩa tâm linh như sau: “tâm linh: 1. Khả năng tự biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra, theo quan niệm duy tâm, ví dụ: tâm linh báo trước có điều chẳng lành; 2. tâm hồn, tinh thần (thường có tính chất thiêng liêng), ví dụ: đời sống tâm linh, hiểu thấu tâm linh”.[2]. Một số công trình nghiên cứu về tôn giáo - tâm linh có xu hướng nhận định rằng tâm linh là biểu hiện một trạng thái tinh thần - ý thức thanh khiết của con người hoàn toàn thoát tục khỏi đời sống đời thường và hướng đến sự tồn tại một thế giới siêu nhiên với niềm tin mạnh mẽ.[10]. Với cách hiểu này thì tâm linh thuộc phạm trù siêu thoát nhưng vẫn song song tồn tại với đời thường dưới dạng những ý niệm, tư tưởng, hình ảnh linh thiêng về những người đã khuất hoặc những suy nghĩ luận giải về một đấng siêu nhiên luôn tồn tại trong trí óc của người đang sống, hướng cho họ vươn đến hoặc thực hiện những hành động chân-thiện-mỹ mang màu sắc tâm linh thiêng liêng trong cuộc sống. Các trường phái nghiên cứu khác thì cho rằng tâm linh là điều thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin mãnh liệt đối với một tín ngưỡng tôn giáo, về một người đã khuất hoặc một giai thoại huyền bí trong dân gian. Niềm tin mạnh mẽ đó thường đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh và ý niệm. Với những cách hiểu như trên, chúng ta có thể nhận định rằng, tâm linh là một trạng thái tâm lí của con người, gắn liền với ý thức của con người và có năng lực cảm nhận vượt quá tư duy bình thường về những hình ảnh vật chất siêu nhiên. Tâm linh cũng mang tính vật chất và phi vật chất. Ta thấy rằng chùa, đền, miếu hoặc nghĩa trang là những cấu trúc vật chất nhưng những ý niệm thiêng liêng của con người khi nghĩ về chùa là đức Phật, đền miếu thì gắn với các Thành hoàng, các vị thần cũng như nghĩa trang thì gắn với những ý niệm thành kính của con người về những linh hồn đã khuất cần được trân trọng, thờ phụng với một niềm tin thuần khiết, trang nghiêm và thanh cao. Cho dù vấn đề tâm linh được biện giải như thế nào thì nhìn chung đây là vấn đề thuộc về phạm trù đạo đức, tín ngưỡng và nhân sinh quan của loài người trên hành tinh này bất kể 2
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học Huế Tập 2, Số 2 (2014) màu da, dân tộc và tùy thuộc vào nền văn hóa, văn minh mà có sự khác nhau trong nhận thức và hành động về tâm linh. 2.1.2. Đời sống tâm linh Xét về yếu tố diễn giải nghĩa của từ, thì tâm được hiểu là linh cảm, linh tính, thuộc về lý trí và trái tim của con người, còn linh là một phạm trù mang ý nghĩa thiêng liêng, thanh cao và thoát tục. Đời sống tâm linh được hiểu là những suy nghĩ, tư tưởng và hoạt động mang tính nhân văn, đạo đức hướng về những người đã khuất để ghi nhận công lao, sự tồn tại vĩnh hằng của họ trong tâm trí của những người đang sống hoặc là những ý niệm, đức tin mãnh liệt, lớn lao đối với một đấng tinh thần (đức Phật, đức Chúa) của một tôn giáo nhất định. Sau một thời gian dài tồn tại với những quan điểm siêu hình, không cởi mở và ít nhiều sa vào tư tưởng phê phán đậm màu sắc mê tín, thì khoảng hai thập niên gần đây, vấn đề đời sống tâm linh đã nhận được những sự quan tâm và cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống đương đại. Cuộc sống ngày càng hiện đại hoàn toàn không làm cho nhân loại xa rời những vấn đề từ lâu được xem là siêu nhiên, huyễn hoặc, phi lý mà trái lại những tiến bộ trong khoa học, những phân tích biện chứng của ngành khoa học cận tâm lý đã mang lại những nhận thức tích cực hơn về thế giới huyền bí, linh nghiêm này. Như vậy, vấn đề đời sống tâm linh không còn mang tính mê tín dị đoan như trước đây nữa mà lĩnh vực này thực sự đã hướng con người của thế giới văn minh đến với những suy nghĩ, tư tưởng và hành động chân thiện mỹ, làm cho con người sống nhân bản hơn, có trách nhiệm đối với cuộc sống của mình và qua đó nhận thức rằng cần phải dành những tình cảm trân trọng, yêu quý và tôn thờ những thành quả đã đạt được từ hi sinh cao cả của các thế hệ đi trước cho một lý tưởng cách mạng hoặc cho một tôn giáo. Điều này góp phần giúp con người hoàn thiện thế giới nhân sinh quan của mình trong sự hướng đạo của một tôn giáo. Dân tộc Việt là một dân tộc có truyền thống hiếu đạo, thành kính tôn thờ tổ tiên, dòng họ và những người đã khuất cho sự nghiệp chung của đất nước và đó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Quảng Trị, vùng đất của truyền thống cách mạng trui rèn qua nhiều cuộc chiến hào hùng, lập nên những trang sử vẻ vang và được bồi đắp bởi những nền văn hoá đa dạng, phong phú đã hình thành nên những địa danh tâm linh nổi tiếng mà người dân Quảng Trị luôn thể hiện lòng thành kính, trân trọng với một niềm tin tâm linh vô cùng mãnh liệt, sâu sắc. 2.2. Địa danh tâm linh ở Quảng Trị 2.2.1. Khái niệm địa danh tâm linh Với ý nghĩa nội hàm về tâm linh và đời sống tâm linh như đã trình bày ở trên, theo cách hiểu của chúng tôi thì, địa danh tâm linh là tên gọi những di tích, cụm công trình xây dựng hoặc các địa điểm tự nhiên, hành chính chứa đựng những giá trị linh thiêng về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc mang dấu ấn về các giai thoại lưu truyền dân gian và luôn mang đến những niềm tin tinh thần lớn lao, những ý niệm về sức mạnh siêu nhiên giúp con người vượt qua khó khăn hoặc đạt được những điều ước, nguyện vọng trong cuộc sống. 3
  4. Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị 2.2.2. Kết quả khảo sát, thống kê và mô tả địa danh tâm linh ở Quảng Trị Trong dòng chảy lịch sử, Quảng Trị là vùng đất hội tụ của nhiều tầng văn hoá đa sắc màu của các lớp cư dân Hán, Chăm, Việt cổ, các nhóm dân tộc thiểu số, đây cũng là vùng đất của những giao tranh tàn khốc của các triều đại vua chúa phong kiến[3]. Thời kỳ lịch sử hiện đại, với vị trí địa - chính trị của địa phương, Quảng Trị lại tiếp tục là nơi đối đầu ác liệt giữa một bên là ý chí cách mạng kiên cường và một bên là thế lực đế quốc ngoại xâm. Những đặc thù về chính trị, lịch sử, văn hoá như trên đã biến nơi đây thành vùng đất “địa linh” với một hệ thống các địa danh tâm linh đã và đang để lại những dấu ấn sâu đậm về mặt nhân văn, đạo đức, giá trị tinh thần cao cả trong đời sống của người dân Quảng Trị hiếu nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng địa danh tâm linh nên được nhìn nhận, đánh giá và phân tích trong mối liên hệ với hệ thống địa danh văn hoá, lịch sử để thấy được rằng những giá trị về mặt tâm linh của địa danh là kết quả từ một quá trình bồi tụ các lớp phù sa văn hoá của một mảnh đất nhiều biến động lịch sử. Theo thống kê của ngành văn hoá tỉnh Quảng Trị, trong tổng số 396 địa danh văn hoá, lịch sử và danh thắng thì có 60 địa danh tâm linh, chiếm 15,15% tổng số địa danh khảo sát. Trong ngành địa danh học, có sự phân loại rõ ràng giữa các loại hình địa danh như: địa danh địa hình tự nhiên, địa danh công trình xây dựng và địa danh hành chính. Theo khảo sát của chúng tôi và nếu tham chiếu theo loại hình, ở tỉnh Quảng Trị địa danh hành chính và địa danh địa hình tự nhiên mang yếu tố tâm linh có số lượng không nhiều. Hầu hết các địa danh tâm linh ở Quảng Trị đều là những công trình xây dựng như: chùa, miếu, đền, đình, nhà thờ, ví dụ: miếu Nghè Phương Sơn, đình làng Mai Xá Chánh, miếu Bà Chúa Ngọc, Chùa Sắc Tứ, nhà thờ La Vang vv . Điều này cho thấy rằng sự giao thoa của các tầng văn hoá đã để lại một số di sản văn hoá vật thể đa dạng ở Quảng Trị với nhiều thể loại kiến trúc theo từng niên đại văn hoá khác nhau. Về ý nghĩa tâm linh thì địa danh tâm linh ở Quảng Trị thường gắn liền với những sự tích, điển tích thần thoại hoặc các truyền thuyết dân gian về một sự kiện xảy ra từ rất lâu liên quan đến nguồn gốc hình thành của địa danh đó và những tác động về mặt tinh thần đối với đời sống của cộng đồng người dân địa phương. Thông thường, những giai thoại đậm màu sắc tâm linh huyền bí được biểu hiện bằng những huyền tích về một vị thần, bà chúa đã giúp cho người dân ở đây vượt qua những khổ nạn đói nghèo, dịch bệnh, hiểm nguy, bội thu mùa màng, ổn định cuộc sống phồn vinh. Những niềm tin này lâu dần ăn sâu vào nếp sống, suy nghĩ và hình thành nên một truyền thống, tập tục thờ phùng linh thiêng của cộng đồng để cầu mong về một cuộc sống sung túc, xóm làng bình yên, hạnh phúc. Một số địa danh tâm linh mà hiện nay tính linh nghiệm vẫn đang còn lưu truyền trên đất Quảng Trị có thể kể đến miếu bà Chúa Ngọc (huyện Cam Lộ), miếu Trảo Trảo Phu Nhân (huyện Triệu Phong), nhà thờ La Vang (huyện Hải Lăng) vv Về kiến trúc, đa số địa danh tâm linh là tên gọi các công trình xây dựng đều được thiết kế theo lối kiến trúc cổ với kết cấu tiền đường, hậu liêu đối với các công trình chùa, hoặc mô hình nhà rường một gian hai chái hoặc ba gian hai chái đối với công trình là đình làng; miếu thờ 4
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học Huế Tập 2, Số 2 (2014) với nội thất có hoạ tiết dây lá hoá rồng, hệ thống cửa bản khoa, trang trí bởi các ô hộc chạm trỗ hoa văn, mái lợp ngói móc, diềm nóc trang trí “lưỡng long triều nhật”, các đầu đao trang trí hình chim phụng bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. Còn nhà thờ công giáo thì tuân theo lối kiến trúc cơ bản và cổ điển của phương Tây. Về địa danh hành chính mang tính tâm linh thì đây là những thiết chế tôn giáo đã được xác định về mặt vị trí địa lí, diện tích và đặt dưới sự quản lý của các cơ quan liên quan. Địa danh tự nhiên về cơ bản là những đối tượng địa lí tự nhiên như sông, suối, đồi, động vv mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở nội dung dưới đây. Nói tóm lại, địa danh tâm linh ở Quảng Trị tuy số lượng không nhiều nhưng những giá trị về mặt tâm linh mà chúng mang lại có ý nghĩa rất lớn lao đối với đời sống tinh thần - tâm linh, là những “tấm bia thời gian”[4] phản ánh trung thực về một thời kỳ văn hóa - tín ngưỡng của một lớp cư dân, góp phần hình thành nên một quan điểm sống hướng tới chân - thiện - mỹ và thái độ ứng xử trân trọng, tôn kính của người dân địa phương đối với địa danh. 2.3. Tìm hiểu một số địa danh tâm linh tiêu biểu ở Quảng Trị Qua khảo sát, nghiên cứu thực tế kết hợp tham khảo nhiều nguồn thông tin, chúng tôi xin trình bày dưới đây một số địa danh công trình xây dựng, địa danh hành chính và địa danh tự nhiên mang giá trị tâm linh tiêu biểu ở Quảng Trị và có những tác động tích cực, sâu sắc đến đời sống tâm linh-tín ngưỡng của người dân địa phương: 2.3.1. Địa danh công trình xây dựng 2.3.1.1. Địa danh Miếu Bà Chúa Ngọc Địa danh này toạ lạc ở phía Nam xóm Chùa, bên bờ một bàu nước có tên là Bàu Đá thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ; cách trụ sở UBND xã gần 1km về phía Đông bắc. Ngôi miếu xưa được dựng từ rất sớm với lối kiến trúc xây gạch theo kiểu vòm cuốn. Bộ mái đắp bằng vôi vữa được tạo thành 3 tầng, kiểu mái cong, các đầu đao vút lên, lợp ngói liệt, có đường cổ diêm giả. Đây là kiểu đền miếu mang phong cách thời Lê (thế kỷ XVI - XVII). Đường cổ diêm của tiền đường được đắp nổi 3 chữ Hán: Chúa/chủ Ngọc Miếu, phía bên trong hậu điện là án thờ có chữ "Linh" viết trên tường và bài vị mới được làm lại ghi hàng chữ Hán: "Quang Minh Linh Diệu Thanh Ôn Ngọc Bà, Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần". Chúa Ngọc là tên gọi được người Việt tôn xưng từ một vị nữ thần của người Chăm: thần mẹ xứ sở - Mẫu đất - Po Yan Inư Nagar. Những làng xã nông nghiệp ở miền Trung nói chung, Quảng Trị nói riêng đa số đều có miếu thờ vị nữ thần này với cái tên gọi miếu bà chúa Ngọc, hay đúng hơn là miếu thờ bà Thiên Yana Ngọc Diễn Phi. Bà Chúa Ngọc tồn tại trong không gian thờ cúng của người Việt Quảng Trị dường như ở khắp mọi làng xóm. Hàng năm vào các dịp tế làng, bà Chúa Ngọc thuộc một trong những vị thần được nghinh rước về tế tại đình làng. Trong cảm quan huyền thoại của người Chăm thì Po Yan Inư Nagar (thường gọi là Po Nagar) là thần Mẹ xứ sở, Thánh Mẫu tạo dựng nên vương quốc, đã giáng sinh giữa mây trời và bọt biển. Theo niềm tin trong dân gian, chính Thánh Mẫu Po Naga đã tạo ra quả đất, cây trầm hương và lúa gạo. Bà còn đem lại sự dồi dào và thuận lợi cho mùa màng. Người Chăm cho rằng 5
  6. Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị Po Yan Inư Nagar chính là nữ thần Uma, vợ hay thần nữ của thần Siva, còn có tên là thần Bhagavati. Thờ Bà Chúa Ngọc - Thiên Yana Diễn Ngọc Phi là một tín ngưỡng thờ cúng Mẫu đất mang đậm dấu ấn tâm linh về mối giao lưu văn hóa trong quan hệ 2 dân tộc Chăm - Việt từ lâu trong lịch sử và đang sống mãi với thời gian. Đó là sản phẩm văn hoá tinh thần làng xã mang đậm ý thức tâm linh, ngưỡng vọng nhằm thỏa mãn ước nguyện vươn tới hạnh phúc và ấm no [5]. Hiện nay, tập tục thờ cúng thần Mẫu đất Po Naga tại miếu thờ mang đến những niềm tin tâm linh sâu sắc đối trong cuộc sống thường ngày của người dân địa phương. Sự linh thiêng của Mẫu thần ngự tại Miếu thờ đã truyền cho người dân một sức mạnh, một chỗ dựa tinh thần lớn lao, là nơi thiêng liêng để họ nguyện cầu, ước ao về mưa thuận gió hòa, bội thu mùa màng, làng xóm yên bình và gia đình hạnh phúc. 2.3.1.2. Địa danh Đình làng Mai Xá Chánh Sử sách cũ ghi lại, đình làng Mai Xá Chánh được xây dựng gần một ngàn năm nay, từ khi những người Việt đầu tiên theo nhà Lý vào châu Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh và Gio Linh) khai khẩn đất đai, lập nên làng xã. Qua các triều đại phong kiến, ngôi đình cùng gánh chịu sự thăng trầm của lịch sử. Gần 300 năm trước, đình làng Mai Xá Chánh được xây dựng lại bề thế, gồm ngôi nhà bằng gỗ mít có 4 mái, 5 gian. Sau năm 1975, dân làng Mai Xá Chánh đã cùng nhau dựng lại ngôi đình để làm nơi thờ cúng nhưng thiên tai một lần nữa tàn phá đình làng. Hội đồng tộc trưởng của làng đã kêu gọi con em dân làng góp sức xây dựng lại đình làng. Đến nay việc tái thiết di tích đình làng hoàn thành với quy mô, cấu trúc đình cổ của Việt Nam. Có câu chuyện đầy nhân văn và tâm linh khi một cựu chiến binh Mỹ trong lần trở lại Mai Xá đã tự nguyện trả con rùa bằng gỗ của đình làng, đó chính là Trung tướng William Weise. Hơn bốn mươi năm trước, đại úy William Weise chỉ huy đơn vị lính Mỹ càn quét làng Mai Xá Chánh. Sau khi san phẳng đình làng, William Weise thấy trên nền ngôi đình đổ nát có một con rùa vàng làm bằng gỗ nên giữ lại làm kỷ vật. Nhưng suốt ngần ấy thời gian, lương tâm William Weise cứ day dứt, luôn ám ảnh về chiến trận ở Quảng Trị với con rùa gỗ ở đình làng Mai Xá Chánh. Cuối cùng, ông quyết định tìm về làng Mai Xá Chánh, xin được trả lại con rùa gỗ, báu vật linh thiêng của đình làng, cùng với lời tạ tội với con dân trong làng về những việc làm trong quá khứ với ước nguyện xua đi mọi hận thù Gần đây nhất, vào năm 2012, đình làng Mai Xá Chánh thêm một lần mất mát khi kẻ gian đột nhập vào đình lấy đi toàn bộ vật dụng thờ cúng có giá trị gồm tam sự, lư, ly Những tưởng của cải mất đi không bao giờ trở lại, nào ngờ mấy tháng sau toàn bộ vật dụng thờ cúng của đình làng được tìm thấy cách đình làng hơn 3 km. Người làng Mai Xá Chánh một lần nữa mừng vui và xây dựng lên những câu chuyện đậm chất tâm linh về ngôi đình cổ kính soi mình bên sông Hiếu, là biểu tượng văn hóa và tâm linh của người làng Mai Xá Chánh [3]. 6
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học Huế Tập 2, Số 2 (2014) 2.3.1.3. Địa danh Lăng Cồn Rùa làng Trà Liên (huyện Triệu Phong) Lăng Cồn Rùa có tuổi thọ trên 400 năm, được xây dựng vào buổi đầu mở cõi của vương triều nhà Nguyễn. Quá trình khai khẩn đất đai, ông đã cho xây dựng lăng Cồn Rùa to nhất làng Trà Liên. Một số cụ cao niên cho rằng, nơi đây từng một thời là Dinh chúa Trà Bát oai hùng mà bất cứ cung vua, phủ chúa nào trước khi xây dựng đều triệu tập quần thần xem địa thế phong thủy, "bắt" long mạch mới tiến hành xây dựng. Bên cạnh đó, phong thủy cả Hán lẫn Việt đều có nói về việc dùng rùa làm bằng đá để trấn yểm long mạch, bảo vệ cho vùng đất. Nếu nhìn căn cứ vào hình thù "cụ rùa”, đó là một con rùa đá ba chân, bày tỏ ước nguyện thế đất vững chắc như kiềng ba chân. Một điều nữa, cổng làng Trà Bát xưa và Trà Liên ngày nay đều được xây dựng đúng nguyên một địa điểm, con rùa đá lại được chôn ngay đầu làng, chỉ chếch cổng làng có vài mét để trấn yểm cho vùng đất Trà Bát. Dù sự tích rùa đá khổng lồ ba chân ở làng Trà Liên vẫn đang còn bí ẩn chưa có lời giải đáp thấu đáo, nhưng từ khi phát hiện mộ rùa đá, dân làng đã xem đây là bảo vật thiêng liêng của làng và bảo vệ nghiêm ngặt. Đã thành lệ, vào ngày rằm, người dân trong làng đều đến mộ rùa thắp hương cầu mong và luôn nhận được những điều tốt lành[8]. 2.3.1.4. Địa danh Miếu Nghè Phương Sơn Miếu Nghè Phương Sơn nằm trên một cồn cát phía đông làng Phương Sơn, trong một khu vực thờ cúng có cả miếu Bà Chúa Ngọc, miếu thành Hoàng bổn thổ, miếu khai canh thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong. Nguyên xưa, miếu được làm bằng gỗ, trải qua 2 cuộc chiến tranh miếu đã bị hỏng hoàn toàn. Năm 1994, dân làng đã dựng lại bằng chất liệu gạch, xi măng kiên cố. Miếu được kiến trúc theo mô thức tường gạch chịu lực có 2 tầng mái, ở giữa có đường cổ diêm trang trí hoa lá, ba phía mở ba cửa vòm cuốn. Trên cửa chính của miếu Nghè đề bốn chữ Hán theo lối đại tự “chung linh tú khí”. Bên trong là án thờ xây bằng xi măng, trên đó đặt thờ một pho tượng đá có hình hài một vị nam thần được tạc dưới dạng phù điêu. Vị thần này được dân làng coi là thần Thành hoàng và đã được nhà nước phong kiến triều Nguyễn nhiều lần sắc phong là thượng đẳng thần. Huyền tích ngày xưa ở làng Phương Sơn có một chàng trai nghèo chuyên sống bằng nghề dũi cá. Một hôm, như thường lệ, chàng vác dũi ra đồng. Làm việc cật lực từ sáng đến trưa vẫn không kiếm được một con tép. Thế mà cứ mỗi lần dũi xuống là cứ thấy nặng không đẩy nổi, dở lên chỉ thấy một hòn đá nằm ở trong. Nhiều lần như thế, chàng trai sinh nghi bèn khấn rằng: nếu có thần linh thì phù hộ cho con được nhiều cá con sẽ đem ngài về thờ tự. Quả nhiên, sau đó, các mẻ dũi đều có nhiều cá, chàng trai mừng lắm bèn đem viên đá về đặt lên bàn thờ ngày đêm hương khói. Ít lâu sau, hòn đá bỗng lớn lên, lại mọc cả tay chân trong rất giống hình người. Sợ quá, chàng đi báo cho làng xóm biết. Dân làng thấy vậy bèn xin chàng thỉnh hòn đá về thờ rồi tôn xưng là Thành hoàng và thờ cúng rất thành tâm. Từ đó làng cầu gì được nấy. Sự tích miếu Nghè Phương Sơn với việc phong Thành hoàng cho tác phẩm điêu khắc đá Chămpa chính là quá trình huyền thoại hoá để thiêng hoá một vật thể đá mang trong mình bản chất thần Siva của một dân tộc khác thành vị thần bảo trợ cho dân tộc mình. Đây là một thái độ ứng xử rất văn hoá về mặt tâm linh của người Việt nói chung và người dân Quảng Trị nói riêng đối với các di sản văn hoá trong quá khứ[5]. 7
  8. Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị Thành hoàng Nghè Phương Sơn hiện nay vẫn đang được thờ phụng tôn nghiêm tại miếu trong sự kính cẩn và thành kính sâu sắc của dân làng. Các cụ cao niên trong làng đều tin tưởng rằng, những giai đoạn thăng trầm, những cuộc bể dâu, những khó khăn trong cuộc sống của dân làng trong bao nhiêu năm qua luôn được che chở và hóa giải một cách linh thiêng mỗi khi làng kính cẩn nguyện cầu và gửi gắm niềm tin của cộng đồng trong các lễ hội thờ cúng được tổ chức hàng năm. 2.3.2. Địa danh hành chính 2.3.2.1. Địa danh Nhà thờ La Vang Nhà thờ La Vang là một địa danh tâm linh (thánh địa) vừa mang tính chất công trình xây dựng vì có liên quan đến hệ thống nhà thờ và nhà hành lễ được xây dựng qui mô, vừa mang đặc điểm của một địa danh hành chính hay thiết chế tôn giáo do đã được xác định về mặt qui mô hành chính và trực thuộc sự quản lý của các cấp thẩm quyền. Cách đây đúng hai thế kỷ, La Vang chỉ là một khu rừng hẻo lánh không ai biết đến. Nhưng từ năm 1960, năm Tòa Thánh Vatican chính thức thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, La Vang đã trở thành Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc của Dân tộc và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Theo Giáo quyền, La Vang là lãnh thổ thuộc Giáo xứ Cổ Vưu, Giáo hạt Dinh Cát, Tổng Giáo phận Huế. Về hành chính, hiện nay La Vang thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Theo sử sách để lại thì giáo dân Cổ Vưu và đồng bào địa phương này chuyên sống nghề phá dãy làm củi. Một con đường mòn dẫn sâu vào trong khu rừng hẻo lánh cách xa Giáo xứ Cổ Vưu 5km. Sau khi đồng bào đốn củi đem về bán thì khu rừng được khai quang, biến thành nương dãy để trồng lúa ngô khoai sắn, nuôi sống người dân nghèo đơn sơ chất phác của miền đất khô cằn cày lên sỏi đá. Có nhiều giả thuyết về địa danh La Vang. Một thuyết cho rằng vào năm 1798, dưới thời Vua Cảnh Thịnh, tức Thái tử Nguyễn Quang Toản, con Vua Quang Trung, xảy ra cuộc bách hại đạo Công giáo. Hàng trăm giáo dân Cổ Vưu đã trốn tránh trong khu rừng Lá Vằng, vì nơi đây có nhiều cây lá vằng. Loại cây này là một vị thuốc rất tốt chữa nhiều thứ bệnh. Danh xưng Lá Vằng dần dần qua thời gian biến đổi thành địa danh La Vang. Nhờ địa thế hiểm trở hẻo lánh, không những giáo dân Cổ Vưu mà cả các giáo xứ chung quanh như Hạch Hoa, Thạch Hãn cũng chạy vào trốn trong khu vực La Vang. Hoàn cảnh khốn cùng đã gia tăng Niềm Tin của giáo dân nơi Thiên Chúa và Ðức Mẹ qua lời cầu kinh mỗi ngày sớm tối. Và lời cầu xin tha thiết van nài của họ đã thấu tới trời nên Ðức Mẹ đã xuất hiện để nâng đỡ ủi an những giáo dân kiên trung khốn cùng. Các tín hữu tin rằng, trong cơn bách hại khủng khiếp vào giữa năm 1798, trong lúc hàng trăm người tập họp đọc kinh cầu nguyện dưới gốc cây đa cổ thụ, mà nay là vị trí của Linh Ðài Ðức Mẹ, họ đã được hân hạnh nhìn thấy một Bà đẹp mặc áo choàng, trên tay bồng Chúa Hài Ðồng. Ngài đã lên tiếng ủi an họ và dạy họ ngắt những cành lá chung quanh nơi họ trốn tránh, nấu nước uống sẽ được lành mọi thứ bệnh. Ðức Mẹ còn hứa: "Từ nay về sau, bất cứ ai đến khẩn cầu Mẹ tại nơi đây sẽ được Mẹ ban ơn phù trợ". Ðức Mẹ còn xuất hiện nhiều lần như vậy để an ủi nâng đỡ họ. Sự kiện lạ lùng về Ðức Mẹ xuất hiện tại khu rừng La Vang từ đó được loan truyền khắp các vùng lân cận [6,7]. 8
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học Huế Tập 2, Số 2 (2014) Ngày nay, nhà thờ La Vang là một thánh địa lớn, là nơi hành hương về cội nguồn công giáo của hàng triệu tín đồ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đây là vùng đất thiêng để các con chiên được về trong ánh hào quang hồng phúc của đức Mẹ La Vang, được Đấng bề trên ban phúc lành. Các giá trị tâm linh lớn lao của địa danh này đã thực sự xây dựng được một một nền tảng đạo đức, lòng vị tha và tình yêu thương nhân loại trong giáo dân địa phương và tín đồ trong cả nước, giúp xây dựng và phát huy cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” trong cộng đồng giáo dân đối với sự nghiệp phát triển đất nước. 2.3.2.2. Địa danh Chùa Sắc Tứ (Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang) Địa danh Chùa Sắc Tứ là một thiết chế tôn giáo trực thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang là một ngôi tổ đình duy nhất của tỉnh Quảng Trị, tọa lạc tại Bàu Voi, thuộc thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong. Đây là ngôi tổ đình thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông - biểu tượng tâm linh của Phật giáo Quảng Trị. Ngoài tên chính thức hiện nay là Chùa sắc tứ Tịnh Quang thì chùa vẫn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau. Tên gọi ban đầu là Am Tịnh Độ, ngoài ra còn có những tên gọi khác như Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang, Tịnh Quang Tự hay được gọi ngắn gọn là Chùa Sắc Tứ. Năm 1739 Năm Kỷ Sửu, tức là năm Vĩnh Hựu thứ 5 vua Lê Ý Tông (1739), Chúa Nguyễn Phúc Khoát trong một dịp ngự giá ra Quảng Trị, có ghé vào thăm chùa và đảnh lễ Phật. Cảm khái với cảnh trí chốn Phật đường và tiếng tăm của chùa trong dân chúng, Chúa đích thân hành ngự bút viết năm chữ “Sắc tứ Tịnh Quang Tự”, cho làm bảng sơn son thếp vàng để tặng cho chùa.Từ đó am Tịnh Độ đổi thành chùa Sắc tứ Tịnh Quang. Chùa trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, sửa chữa. Đời Vua Gia Long, vua ban tên gọi là Tịnh Quang. Năm Đồng Khánh thứ 2, chùa lại được trùng tu và ông Trần Chính Tịnh pháp danh Thông Quảng được chọn làm Hội trưởng. Thành Thái năm thứ 6 (1886) cho cải tạo lại chùa, dựng thêm nhà Tăng khang trang, rực rỡ, rồi mời Tiến sĩ Hoàng Bính viết bia vào năm Thành Thái thứ 7 (1895). Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa sắc tứ Tịnh Quang vẫn là một ngôi tổ đình danh tiếng của Phật giáo xứ Đàng Trong, được xem là một nơi từng bồi dưỡng và đào tạo nhiều danh tăng thạc đức như Tổ sư Nhất Định, khai sơn chùa Từ Hiếu, Huế, Tổ sư Phước Huệ, khai sơn Tổ đình Hải Đức, Huế, hay Hải Nhu, vốn là người xuất gia tu học ở chùa này sau đó vào năm 1844 ông đã cho đại trùng tu ngôi chùa Quảng Tế, chú tạo nhiều tượng Phật hay y hòa thượng Thích Bích Lâm cũng từng có thời gian gắn bó tại đây. Giá trị về mặt tâm linh của địa danh này đối với đời sống tâm linh - tín ngưỡng ở địa phương: Trong những năm qua, chùa đã tham gia tổ chức nhiều sự kiện văn hóa tâm linh đặc thù như các buổi lễ cầu siêu hay lễ thắp nến cầu Quốc thái dân an, điển hình là buổi lễ thắp nến cầu nguyện Quốc thái dân an nhân dịp lễ giổ Tổ và khánh thành tháp Tổ tại chùa Sắc Tứ Tịnh Quang diễn vào tối ngày 01 tháng 04 năm 2010 (nhằm 17 tháng 02 năm Canh Dần) với sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương và hơn 3000 Huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật Tử. Ngoài ra trong dịp Đại lễ Phật Đản (Phật lịch 2552) của chương trình Đại Lễ phật đản của Liên Hiệp Quốc được tổ chức tại các địa phương ở Việt Nam, chùa cũng đã được cùng với 9
  10. Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị các chùa lớn khác tham gia vào đại lễ này, kết hợp các buổi cầu siêu, cầu nguyện Ngoài ra, chùa còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội khác, được chính quyền địa phương ghi nhận. Thời gian gần đây, ở Quảng Trị còn có thêm loại hình lễ hội tâm linh như: Lễ hội “thống nhất non sông”, lễ hội “thả đèn trên sông Thạch Hãn”, lễ hội “cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn”, những lễ hội này đều có dấu ấn của chùa sắc tứ Tịnh Quang trong việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, công tác tổ chức, bố trí nhân sự tham gia vào các buổi lễ cầu siêu, tụng kinh Tuy các lễ hội này mới được tổ chức trong những năm gần đây nhưng những loại hình lễ hội này được đông đảo người dân quan tâm, được bạn bè trong nước và thế giới chờ đón, đã để lại dấu ấn tâm linh sâu sắc đối với du khách khi tới Quảng Trị. Với những giá trị văn hoá và tâm linh lớn lao, chùa được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định số 2009/QĐ - BVHTT ngày 15/11/1991[5]. 2.3.3. Địa danh tự nhiên có giá trị tâm linh 2.3.3.1. Địa danh Sông Thạch Hãn Sông Thạch Hãn là con sông dài và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị, bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn ở phía Tây Nam của tỉnh. Dòng sông uốn lượn từ hướng Đông và Đông Bắc, gặp sông Rào Quán chảy về hướng Đông rồi ngược lên phía Bắc, nhập với sông Cam Lộ rồi lại quay về hướng Đông, đổ ra cửa Việt Yên, gọi tắt là Cửa Việt. Người dân Quảng Trị luôn coi sông Thạch Hãn là biểu tượng của văn hóa tâm linh, đạo lý trong sạch và ý chí kiên cường: “Bụi hồng rong ruổi tới Trường An Nghe nói đâu đây suối Bạch Đàn Ấy cảnh tự nhiên ai khéo vẽ Mà kho vô tận lúc nào khan Bên đường xe ngựa nên dừng bước Mượn thú non sông cũng tạm nhàn Đây phải Liêm Tuyền chăng đó tá? Muốn đem rửa ruột khách quan san” Cảm tác qua sông Thạch Hãn - Bảng nhãn Võ Duy Thanh. Liêm Tuyền tức suối Liên ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) là vùng đất tượng trưng cho ý nghĩa tâm linh, phong tục thuần hậu, dân biết thương nhau, người đi làm quan đều biết giữ mình thanh liêm. So sánh sông Thạch Hãn với Liêm Tuyền trong điển tích, tác giả muốn khẳng định đây là dòng sông tượng trưng cho sự thanh cao để khách dừng chân ngắm cảnh mà suy ngẫm và tẩy sạch những gì còn vẫn đục trong lòng về mặt tinh thần, tâm linh[9]. Sông Thạch Hãn còn mang những giá trị tâm linh lớn lao gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm chiến đấu bảo 10
  11. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học Huế Tập 2, Số 2 (2014) vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của các chiến sĩ quân giải phóng. Hàng ngàn chiến sĩ trong trận chiến ngoan cường này đã anh dũng chiến đấu và mãi mãi yên nghỉ dưới dòng sông hiền hòa. Sự kiện lịch sử bi tráng này đã biến dòng sông Thạch Hãn thành một địa danh mang đậm giá trị tâm linh, thể hiện qua những hoạt động tri ân, tưởng nhớ vong linh các anh hùng liệt sĩ. Các hoạt động này được cụ thể hóa bằng những chuỗi hành lễ tâm linh trang nghiêm, thiêng liêng như xuất phát từ nhà Hành lễ, qua Tháp chuông và đặc biệt là Đêm hội hoa đăng với hàng ngàn ánh nến lung linh trên dòng Thạch Hãn. Đây là một họat động tâm linh mang tính xã hội hóa cao, có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân và chính quyền địa phương. Giá trị tâm linh của địa danh này cùng với các sự kiện tri ân, tưởng nhớ đã thực sự đi sâu vào nếp sống thường nhật của người dân địa phương, hình thành lên một nét văn hóa tâm linh đặc trưng đang ngày càng phát huy giá trị trong việc giáo dục về đạo đức, tình cảm, lòng tri ân và truyền thống cách mạng cho các thế hệ con em địa phương. 2.3.3.2. Địa danh Động Voi Mẹp Địa danh này là một ngọn núi có độ cao lớn nhất ở Quảng Trị (1.701m) thuộc bản Xa Nu, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá. Có nhiều huyền thoại, điển tích tâm linh về ngọn núi “Vua” của các ngọn núi này ở phía Tây tỉnh Quảng Trị. Nhìn từ xa, ngọn núi có hình dáng như một chú voi đang nằm nên gọi là Động Voi Mẹp. Dưới thời Tự Đức, Vua ban tặng tên gọi “Tá Linh Sơn”, bởi “khi hữu sự”, thì người dân địa phương đều hướng về đây để cầu xin sự linh ứng. Núi Voi Mẹp được coi là ngọn núi thiêng luôn phù hộ, chở che các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số trong cuộc sống cũng như trong cuộc chiến chống ngoại xâm bảo vệ yên bình cho núi rừng, làng bản. Câu chuyện của Già làng, Trưởng bản bên bếp lửa hồng luôn kể về sự xuất hiện của Voi trắng, Cọp đen trên ngọn núi cao thường xuyên bảo vệ đồng bào bản làng, xua đuổi kẻ ác không được đốt phá nương rẫy, núi rừng[5]. Những câu chuyện này thực sự là những điểm tựa về tinh thần, những ước nguyện và lâu dần đã trở thành niềm tin tâm linh mạnh mẽ của đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Tây Quảng Trị rằng, núi rừng ngày đêm yên ả, mùa màng bội thu, bản làng sung túc, đoàn kết, vui vầy là nhờ vào sự bảo vệ bí ẩn, huyền diệu nhưng có thật của những ông thần Voi trắng và Cọp đen đang ngày ngày theo sát, ngự trị trên đỉnh núi cao với một sức mạnh toàn năng. Đây thực sự là một giá trị tâm linh mạnh mẽ của địa danh này đối với tất cả cảc mặt đời sống của người dân địa phương. 3. KẾT LUẬN Địa danh tâm linh, một lĩnh vực riêng biệt trong nghiên cứu địa danh Quảng Trị, tuy có hạn chế về qui mô số lượng, nhưng những giá trị nội tại của các địa danh này trong việc định hình về mặt nhân sinh quan, tình cảm, đạo đức, thái độ hành xử của người dân lại có một tầm bao quát rộng lớn, vượt quá những vấn đề về địa danh học thông thường. 11
  12. Địa danh tâm linh ở tỉnh Quảng Trị Những giá trị nhân văn của địa danh tâm linh không những thể hiện được đây là một vùng đất có độ trầm tích sâu lắng của đa tầng văn hoá, bề dày của lịch sử chiến tranh cách mạng mà còn mô tả một cách trung thực về tinh thần hiếu nghĩa, tính cách chân thành và mộc mạc của người dân địa phương luôn thành tâm hướng đến những giá trị tâm linh cao cả trong cuộc sống. Nhận thức được giá trị về giáo dục đạo đức, định hình nhân văn của hệ thống các địa danh tâm linh, chúng tôi thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu văn hoá học, xã hội học, địa danh học, và khoa học tôn giáo nên dành cho địa hạt này những nghiên cứu chuyên sâu và xác đáng ngoài vấn đề địa danh học thông thường nhằm phân tích rõ hơn về khoa học cận tâm lí, cũng như chuyển tải những giá trị tâm linh đích thực hoàn toàn không mang tính huyền bí đến với cộng đồng dân cư địa phương cũng như những nhà khoa học có quan tâm đến lĩnh vực này. Hi vọng rằng những nghiên cứu tiếp tục trong địa hạt này sẽ góp phần xây dựng được một hệ thống địa danh tâm linh trên mảnh đất linh thiêng Quảng Trị với những phân tích, nghiên cứu, biện giải có tính hệ thống và khoa học về những giá trị tinh thần lớn lao này. T I LI U THAM KHẢ [1]. Từ Thu Mai (2004). “Nghiên cứu địa danh Quảng Trị”, Luận án Tiến sĩ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. [2]. Hoàng Phê (chủ biên) (2009). Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học. [3]. Hồ Nguyên Kha (2003). Cốt cách làng Mai, Báo Quảng Trị, số ra ngày 23/11/2003. [4]. Hoàng Tất Thắng (2003). Địa danh học và việc nghiên cứu địa danh các tỉnh Trung trung bộ, Tạp chí sông Hương, số 121 năm 2003. [5]. Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị (2004). Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị. [6]. Nguyễn Đắc Xuân, Tìm hiểu lịch sử nhà thờ La Vang qua các nguồn tài liệu của Thiên chúa giáo, [7]. [8]. [9]. http:quangtri.gov.vn [10]. Lobsang, T.Rechung, người dịch: Đỗ Đình Đồng, Lê Nguyễn (2008), Các Lạt ma hóa thân, Nxb Văn hóa Thông tin. 12
  13. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học Huế Tập 2, Số 2 (2014) SPIRITUAL TOPONYMS IN QUANG TRI PROVINCE Le Cuong Department of Literature and Linguistics, Hue University of Sciences Email: leloancuong@gmail.com ASTRACT Quang Tri - a land of “bomb rain, bullet storm” with heroic historic pages in the period of anti-foreign invaders history and a interfere place of cultural alluvia layers from the ethnic groups of Han, Cham, Muong, Viet has formulated a system of diversified tangible cultural heritages, especially the spiritual toponyms filled with the deep spirit – credence values. These toponyms have strongly promoted their spiritual values in forming an outlook on life, thoughts, sentiments andmorality for people, and helped the local community towards a life nurtured by the values of the genuine - the good - the beautiful. Keywords: credence, culture, spiritual, toponyms . 13