Danh nhân triết học
Bạn đang xem tài liệu "Danh nhân triết học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- danh_nhan_triet_hoc.pdf
Nội dung text: Danh nhân triết học
- DANH NHÂN TRIẾT HỌC Ludwig Josef Johann Wittgenstein (1889 - 1951) - "Cha tinh thần" của triết học phân tích L.Wittgenstein - nhà triết học người Áo, sau đổi sang quốc tịch Anh, là một trong những triết gia đã để lại dấu ấn riêng trong thế kỷ XX, người đặt nền móng cho “bước ngoặt ngôn ngữ” trong lịch sử triết học phương Tây hiện đại và giữ vai trò đặc biệt trong triết học phân tích và triết học ngôn ngữ. Mỗi chuyển biến trong tư tưởng của ông đều điển hình cho bước chuyển của chính các trào lưu triết học này. Điều đó làm cho Wittgenstein trở thành tấm gương độc nhất vô nhị trong việc tự vượt bỏ và phát triển tư tưởng của mình; và cũng lý giải – một phần – cho sức thu hút của ông đối với các nhà triết học trong trào lưu phân tích nói riêng, các nhà nghiên cứu hậu sinh nói chung. L.Wittgenstein sinh ngày 26 tháng 4 năm 1889, tại Vienna, trong một gia đình thượng lưu người Áo – cha là người đứng đầu ngành công nghiệp luyện thép của đế quốc Áo - Hung, mẹ là một nghệ sĩ dương cầm có tiếng. Năm 1906, Wittgenstein bắt đầu học ngành kỹ sư cơ khí ở Berlin; năm 1908, đến Manchester tiếp tục theo học kỹ sư chuyên ngành hàng không. Tại đây, “ông bắt đầu chú ý đến những nguyên tắc triết học của toán học mà ngành học của ông phải dựa vào. Một người bạn cho ông mượn cuốn Những nguyên lý của toán học của B.Russell viết năm 1903 và tác phẩm này đã đưa ông vào sự nghiệp nghiên cứu triết học”(1). Từ những mô tả trong cuốn sách về những tư tưởng triết học và lôgíc học của Gottlob
- Frege, Wittgenstein đã tìm đến Frege ở Jena (Đức). Theo lời khuyên của Frege, ông quay lại Anh, đến Đại học Cambridge để theo học Russell. Rất nhanh chóng, Russell – lúc đó đã là nhà triết học nổi tiếng – nhận ra và hết sức đề cao khả năng của Wittgenstein trong lĩnh vực triết học: “Tôi chắc chắn sẽ khuyến khích anh ta. Có lẽ anh ta sẽ làm nên những điều vĩ đại Tôi rất mến anh ta và cảm thấy anh ta sẽ giải quyết được những vấn đề mà tôi đã quá già để giải quyết”(2). Trên thực tế, Wittgenstein không theo học triết học một cách có hệ thống. Thậm chí, ông còn cố gắng để không chịu tác động của những nhà triết học đi trước (tác phẩm lớn nhất của ông ở thời kỳ đầu - Chuyên luận lôgíc – triết học (Tractatus Logico-Philosophicus) đã thể hiện rất rõ điều ấy). Nhưng người ta vẫn có thể nói đến những tác gia - trong triết học và các lĩnh vực nhân văn khác - mà Wittgenstein đã tiếp nhận ảnh hưởng: Frege, Russell, Schopenhauer, Kierkegaard, Augustine, Dostoevsky, Tolstoi, Goethe, v.v Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Wittgenstein gia nhập quân đội Áo – Hung. Năm 1918, ông bị quân Ý bắt làm tù binh. Trước đó, ông đã hoàn thành Tractatus và đưa đến nhà xuất bản nhưng bị từ chối. Trong thời gian bị giam, ông gửi tác phẩm cho Russell. Russell nhận thấy đây là một tác phẩm triết học đặc biệt quan trọng và dưới sự giúp đỡ của ông, Tractatus đã được xuất bản vào năm 1921, sau đó bản dịch tiếng Anh cũng được xuất bản vào năm 1922, với lời giới thiệu của Russell. Tractatus nhanh chóng trở nên nổi tiếng và cùng với nó là tên tuổi của tác giả. Được coi là tác phẩm đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng của triết học phân tích, Tractatus đã nêu ra và giải quyết hàng loạt vấn đề triết học quan trọng – vấn đề quan hệ giữa thế gian và tư tưởng, vấn đề ngôn ngữ, vấn đề bản chất của chính triết học, v.v Tác phẩm này của Wittgenstein được nhóm Vienna (với các nhà triết học M.Schlick, G.Bergmann, R.Carnap, K.Godel, F.Waismann ) coi
- như “kinh thánh” và bản thân ông thì được xem như một trong những triết gia lỗi lạc đương thời. Sau Tractatus, Wittgenstein từ bỏ triết học, vì tự cho rằng đã giải quyết triệt để tất cả các “vấn nạn triết học” trong tác phẩm của mình. Trong khoảng thời gian từ 1919 (khi được trả tự do) đến 1929, ông không quay lại Cambridge mà về nước Áo, làm nhiều nghề khác nhau: giáo viên tiểu học, người làm vườn. Sau đó, ông tham gia thiết kế nhà cho người chị gái và trong thời gian ấy đã có những tác động khiến ông thay đổi: ông gặp gỡ với những nhà triết học thuộc nhóm Vienna. Khi tham gia tranh luận với họ, hứng thú triết học dần quay trở lại với Wittgenstein, đồng thời với việc ông cảm thấy nhiều quan điểm của mình trước đây chưa đầy đủ và việc giải quyết các “vấn nạn triết học” là chưa triệt để. Năm 1929, Wittgenstein trở lại Cambridge với ý định thực hiện tiếp tục công việc mà Tractatus chưa hoàn thành. Nhưng, rất nhanh sau đó, ông nhận thấy không phải những giải pháp của Tractatus chưa triệt để, mà bản thân nó là sai lầm. “Khi bắt đầu suy nghĩ lại về những vấn đề của Tractatus, Wittgenstein nhận ra mình buộc phải đánh đổ càng nhiều càng tốt những giả định triết học của nó. Chỉ trong vòng vài tháng [sau khi trở lại Cambridge], cái cấu trúc công phu của Tractatus đã sụp đổ như toà nhà bằng giấy. Nhưng sự sụp đổ đó không làm cho Wittgenstein rơi vào bi quan; ngược lại, dường như nó lại mở tung cửa cho những tư tưởng hoàn toàn mới. Có lẽ, không có giai đoạn nào trong đời Wittgenstein mà những ý tưởng đến với ông nhanh chóng và dồi dào đến thế. Khi từ bỏ những giả định trong Tractatus, ông thể nghiệm hàng loạt những đường lối triết học khác nhau”(3). Sau những thể nghiệm đó, Wittgenstein đi đến những quan niệm được coi là đánh dấu bước ngoặt cho triết học của ông nói riêng, trào lưu triết học phân tích nói chung. Những quan điểm ấy được thể hiện tập trung nhất trong Những nghiên cứu triết học mà do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời.
- Trên thực tế, Tractatus dường như là tác phẩm duy nhất được xuất bản khi Wittgenstein còn sống. Nhưng không phải qua những tác phẩm mà tiếng tăm của Wittgenstein được định hình: trở lại Cambridge, từ 1930 đến 1936, ông hướng dẫn các buổi seminar của sinh viên; 1939, ông được cử giữ chức giáo sư đại học. Ông hoạt động ở cương vị đó đến 1947, với một vài gián đoạn do Chiến tranh thế giới thứ II (1941 – 1945). Sau 1947, ông từ chức giáo sư và sống ở nhiều nơi – Ai len, Mỹ. Năm 1951, ông quay lại Cambridge và qua đời ở đó (ngày 29-4-1951). Trong suốt thời gian này, Wittgenstein đã nổi tiếng với tư cách nhà triết học hàng đầu của trào lưu phân tích. Các bài giảng và những cuộc tiếp xúc với các triết gia trong giới đại học đã đưa ảnh hưởng của Wittgenstein lan rộng mà không có các tác phẩm trực tiếp của ông. Chỉ đến năm 1953, Những nghiên cứu triết học mới được xuất bản; sau đó hàng loạt các tác phẩm khác trong di sản tư tưởng đồ sộ của Wittgenstein đã được công bố rộng rãi, góp phần khẳng định tầm quan trọng của ông trong lịch sử triết học phương Tây hiện đại. Các tác phẩm chính của Wittgenstein: ngoài Tractatus (1921) và Những nghiên cứu triết học (1953), cho đến nay, đã có những tác phẩm quan trọng sau đây được xuất bản: Những nhận xét về nền tảng của toán học (1956); Sách xanh, Sách nâu (1958); Nhật ký 1914 – 1916 (1961); Những nhận xét triết học (1964); Bài giảng và đàm luận về mỹ học, tâm lý học và niềm tin tôn giáo (1966); Những nhận xét về nền tảng của toán học (1967); Về tính xác tín (1969); Ngữ pháp triết học (1969); Prototractatus (tiền Tractatus) (1971); Những nhận xét về màu sắc (1977); Những nhận xét về triết học của tâm lý học (1980). Những tư tưởng cơ bản của Wittgenstein Quá trình phát triển tư tưởng của Wittgenstein thường được chia thành 2 thời kỳ,
- thời sơ kỳ với Chuyên luận lôgíc – triết học (Tractatus) và thời hậu kỳ mà tiêu biểu là Những nghiên cứu triết học. 1. Wittgenstein sơ kỳ và Tractatus Tractatus là một tác phẩm triết học rất ngắn và có hình thức khác thường. Nó bao gồm các lời phát biểu (các mệnh đề) được đánh số thứ tự theo một trật tự nghiêm ngặt. Hình thức này đã làm cho tác phẩm, nhìn một cách tổng thể, có một cấu trúc rất chặt chẽ. Nếu có thể ví như cái cây, thì Tractatus bao gồm 7 nhánh lớn – những mệnh đề chính, được đánh số từ 1 đến 7; trên mỗi nhánh là những nhánh con – những mệnh đề bổ sung cho các mệnh đề chính, được đánh số theo thứ tự 1.2, 1.3, 2.21, 2.211, v.v Chỉ riêng mệnh đề thứ 7 không có mệnh đề bổ sung. 7 mệnh đề cơ bản của Tractatus như sau(4): 1. Thế giới là toàn bộ những gì là hoàn cảnh. 2. Cái là hoàn cảnh - sự kiện – là sự tồn tại của những trạng huống sự việc. 3. Một bức tranh lôgíc về những sự kiện là một tư tưởng. 4. Một tư tưởng là một mệnh đề với ý nghĩa. 5. Một mệnh đề là một hàm bảo thực của các mệnh đề sơ đẳng (Một mệnh đề sơ đẳng là hàm bảo thực của chính nó). 6. Hình thức chung của một hàm bảo thực là [p, ợ, N(ợ)]. Đó là hình thức chung của một mệnh đề. 7. Cái mà ta không nói lên được thì nên đưa nó vào im lặng. Luận thuyết trung tâm trong tác phẩm là “luận thuyết mô phỏng về ý nghĩa”, thông qua đó Wittgenstein trình bày quan điểm về mối quan hệ giữa thế giới (thực tại), tư tưởng và ngôn ngữ. Diễn giải cụ thể về nội dung của luận thuyết này trong tác phẩm, chúng tôi xin trích ra đây những phân tích của Anat Biletzki và Anat Matar viết trong mục từ “Wittgenstein” của Bách khoa triết học Stanford online:
- “Bắt đầu với một siêu hình học bề ngoài, Wittgenstein coi thế giới như là bao gồm những sự kiện (mệnh đề 1), khác với quan niệm nguyên tử luận và mang tính truyền thống, coi thế giới như là được tạo thành bởi những đối tượng. Sự kiện là những trạng huống sự việc hiện thời (2) và trạng huống sự việc, đến lượt mình, lại là sự kết hợp của những đối tượng (đơn thể). Những đơn thể có thể phù hợp với nhau theo nhiều cách xác định. Chúng có thể có rất nhiều thuộc tính và nhiều mối quan hệ khác nhau với nhau. Nghĩa là, những thuộc tính nội tại của một đơn thể quyết định tính khả thể của sự phối hợp của đơn thể đó với những đơn thể khác; đó là hình thức lôgíc của nó. Vì vậy, các trạng huống sự việc, bao gồm các đơn thể trong sự phối hợp, có tính phức tạp cố hữu. Những trạng huống của sự việc đang tồn tại có thể đã tồn tại theo một cách khác. Điều đó có nghĩa rằng, những trạng huống sự việc hoặc là đang hiện thế (đang tồn tại) hoặc là có tính khả thể. Toàn bộ những trạng huống sự việc - hiện thế và khả thể - cấu thành toàn bộ thực tại. Như vậy, thế giới chính là những trạng huống sự việc đang tồn tại. Sự chuyển dịch vào tư tưởng, và sau đó vào ngôn ngữ, được thể hiện qua ý tưởng nổi tiếng của Wittgenstein rằng, các tư tưởng và các mệnh đề là những bức tranh – “bức tranh là một mẫu hình của thực tại” (Tractatus, 2.12). Những bức tranh được tạo thành bởi các yếu tố (element) cấu thành nên bức tranh. Mỗi yếu tố đại diện cho một đơn thể và sự kết hợp của những đơn thể trong bức tranh đại diện cho sự phối hợp của các đơn thể trong một trạng huống sự việc. Cấu trúc lôgíc của bức tranh, dù trong tư tưởng hay trong ngôn ngữ, là đẳng cấu với cấu trúc lôgíc của trạng huống sự việc là cái mà nó mô phỏng. Điểm tinh tế là sự sáng suốt của Wittgenstein khi cho rằng, tính khả thể của cấu trúc này được chia sẻ bởi bức tranh (tư tưởng, mệnh đề) và trạng huống sự việc là hình thức mang tính hình ảnh. “Bởi vậy mà bức tranh dính liền với thực tại; nó vươn thẳng tới thực tại” (Tractatus 2.1511). Điều này dẫn tới một cách hiểu về cái mà bức tranh có thể mô phỏng;
- nhưng cũng dẫn tới cách hiểu về cái mà bức tranh không thể mô phỏng – hình thức mang tính hình ảnh của chính nó. Khi “bức tranh lôgíc về sự kiện chính là tư tưởng” (3), trong sự dịch chuyển vào ngôn ngữ, Wittgenstein tiếp tục nghiên cứu những tính khả thể của ý nghĩa đối với những mệnh đề (4). Sự phân tích lôgíc, trong tinh thần [các tác phẩm] của Frege và Russell, đã dẫn dắt tác phẩm, với việc Wittgenstein sử dụng những phép toán lôgíc để thực hiện việc xây dựng hệ thống của mình. Khi giải thích rằng “chỉ có mệnh đề là có nghĩa; chỉ có trong ngữ cảnh của một mệnh đề thì tên gọi mới có ý nghĩa” (Tractatus 3.3), ông đã cung cấp cho người đọc hai điều kiện để ngôn ngữ có thể có nghĩa. Thứ nhất, cấu trúc của mệnh đề phải y theo những hạn chế của hình thức lôgíc; và thứ hai, những yếu tố của mệnh đề phải có chỉ xưng (bedeutung). Những điều kiện này có hàm ý sâu xa. Sự phân tích buộc phải đẩy đến cùng với một tên gọi vốn là một biểu tượng nguyên thuỷ và nó được diễn tả bởi tính cách vô cùng trừu tượng của cả tên gọi lẫn đơn thể (đơn giản). Hơn nữa, bản thân lôgíc đem đến cho chúng ta cấu trúc và những giới hạn của cái ít nhất có thể nói lên. Lôgíc dựa trên quan điểm rằng mọi mệnh đề đều hoặc đúng hoặc sai. Tính hai cực này của những mệnh đề cho phép cấu tạo những mệnh đề phức tạp hơn từ những mệnh đề nguyên tử bằng cách sử dụng toán tử về hàm bảo thực (truth-functional operators) (5). Wittgenstein dẫn ra, trong Tractatus, biểu đạt đầu tiên của lôgíc Frege trong hình thức đã được biết đến - “bảng chân lý” (truth-tables). Việc này cung cấp những cách thức để quay lại phân tích mọi mệnh đề thành những thành phần nguyên tử của chúng, bởi “mọi phát biểu về những phức hợp (complex) đều có thể phân tích thành một phát biểu về những thành phần cấu thành của chúng và thành những mệnh đề mô tả một cách toàn diện những phức hợp đó” (Tractatus 2.0201). Ông còn đào sâu vấn đề hơn nữa bằng cách sau đó, cung cấp hình thức chung của một mệnh đề (6). Hình thức đó [ , , N( )] sử dụng một phép toán bình
- thường (N( )) và một biến số mệnh đề ( ) để diễn tả nhận định của Wittgenstein rằng, mọi mệnh đề “là kết quả của những ứng dụng liên tiếp” của những phép toán lôgíc đối với những mệnh đề sơ đẳng. Phát triển sự phân tích đó đối với bộ ba thế giới – tư tưởng – ngôn ngữ và dựa vào một hình thức chung của mệnh đề, Wittgenstein đến đây đã có thể khẳng định rằng, mọi mệnh đề có nghĩa đều có cùng giá trị. Sau đó, ông đi đến kết luận với lời cảnh báo về cái có thể (hay không thể) và cái nên (hay không nên) nói ra (7), bước ra khỏi địa hạt của những mệnh đề có thể nói lên của đạo đức học, mỹ học và siêu hình học”(5). Một nội dung quan trọng khác của Tractatus là bản thân việc phân tích mệnh đề - để phân biệt mệnh đề có nghĩa và mệnh đề vô nghĩa. Việc phân tích này xuất phát từ những nghiên cứu về khả năng mô phỏng thế giới của mệnh đề để dẫn đến những kết luận sâu xa hơn về bản chất của triết học. “Cái chung nhất giữa mệnh đề và tình huống là hình thức lôgíc, mà hình thức lôgíc cũng là cái quyết định nghĩa (sense) của mệnh đề. Nghĩa của mệnh đề chính là tình huống mà mệnh đề đó biểu đạt. “Thay vì nói “mệnh đề này có nghĩa như thế này hay thế nọ”, chúng ta chỉ cần đơn giản nói “mệnh đề này biểu đạt một tình huống như vậy” (Tractatus 4.031). Như vậy, theo cách nói của Wittgenstein, chỉ có những mệnh đề của ngôn ngữ biểu đạt được thực sự những sự vật của thực tại có thể kết hợp với nhau như thế nào mới là những mệnh đề có nghĩa, bởi vì nghĩa chỉ gắn với mệnh đề khi mệnh đề là những hình hoạ (bức tranh) của thực tại mô tả các tình huống có thể có”(6). Nghĩa là, theo Wittgenstein, mệnh đề có nghĩa chỉ là những mệnh đề của khoa học tự nhiên; còn những mệnh đề loại khác đều bị loại ra khỏi phạm vi “có nghĩa”. Trong quan điểm của Wittgenstein, những mệnh đề không nằm trong phạm vi “có
- nghĩa” thì hoặc là vô nghĩa (senseless) hoặc là phi ý nghĩa (nonsense). Những mệnh đề vô nghĩa gồm có những mệnh đề lôgíc – chúng “không đại diện cho các trạng huống sự việc và những hằng số lôgíc không đại diện cho những đơn thể. “Tư tưởng căn bản của tôi là những hằng số lôgíc không đại diện (cho cái gì hết). Rằng, lôgíc của các sự kiện không thể được đại diện” (Tractatus 4.0312)”(7). Ngoài ra, còn có những mệnh đề mà không đại diện cho các trạng huống sự việc, như toán học, hoặc “bản thân hình thức mang tính hình ảnh của bức tranh mà hình thức đó đại diện”, đều là những cái không thể được đại diện, chúng là những mệnh đề vô nghĩa, tức là không có ý nghĩa. Ngoài các mệnh đề vô nghĩa, Wittgenstein còn phân biệt những mệnh đề phi ý nghĩa (nonsense) – không phải là vô nghĩa, mà “vượt quá ranh giới của ý nghĩa”, tìm cách nói lên những gì không thể nói lên được. Những mệnh đề triết học (của khoa siêu hình học truyền thống, của quan điểm “cái tôi” trong thuyết duy ngã, của đạo đức học, của mỹ học, v.v.) là những mệnh đề thuộc loại này. Nhưng, phi ý nghĩa không phải là đáng loại bỏ. Ở đây, Wittgenstein đã đưa ra quan điểm về “nói lên” và “thể hiện ra”. Những mệnh đề phi ý nghĩa chỉ có thể thể hiện ra chứ không thể được nói lên. “Cái có thể được thể hiện ra thì không thể nói lên được” (Tractatus 4.1212). Những lập luận trên đã dẫn đến những kết luận về triết học, như: “Hầu hết các mệnh đề và các câu hỏi trong các tác phẩm triết học không sai mà là phi ý nghĩa. Do vậy, ta không thể có câu trả lời cho những câu hỏi thuộc loại ấy, mà chỉ có thể chỉ ra rằng chúng phi ý nghĩa. Hầu hết các mệnh đề và các câu hỏi của các nhà triết học xuất phát từ sự sai lầm của chúng ta trong việc hiểu về lôgíc của ngôn ngữ của chúng ta. ( ) Và không đáng ngạc nhiên khi những vấn đề sâu xa nhất thực chất lại không phải là vấn đề gì hết” (Tractatus 4.003); “Triết học không phải là một môn khoa học tự nhiên. Từ ngữ “triết học” phải biểu đạt một cái gì đứng trên hoặc dưới, chứ không phải đứng cạnh các khoa học tự nhiên” (Tractatus
- 4.111). “Hầu hết các mệnh đề và câu hỏi trong triết học là phi ý nghĩa”. Vậy, triết học để làm gì (triết học có còn cần thiết nữa hay không)? Câu trả lời của Wittgenstein là một sự nhìn nhận lại bản chất của triết học: “Triết học không phải là một lý thuyết, mà là một hành động” (Tractatus 4.112), một hành động lọc gạn (bằng công cụ lôgíc) làm sáng tỏ tư tưởng. “Triết học không có kết quả là “các mệnh đề triết học” mà đúng hơn là sự làm sáng tỏ các mệnh đề. Không có triết học, tư tưởng, như nó đã từng là thế, mù mờ và tối nghĩa: nhiệm vụ của triết học là làm cho chúng trở nên sáng tỏ và đưa lại cho chúng những ranh giới rõ ràng” (Tractatus 4.112). Một mặt, quan điểm như vậy về triết học có một ý nghĩa sâu xa – nó phủ nhận tính chất giáo điều của triết học truyền thống, điều này được đánh giá là một bước tiến trong quá trình xem xét lại bản chất của triết học. Mặt khác, nó lại làm cho bản thân Tractatus phải đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng “phi ý nghĩa”. Bởi “những khái niệm mà Tractatus sử dụng – những khái niệm triết học - lôgíc – không thuộc về thế giới và vì thế không thể được sử dụng để diễn đạt bất cứ cái gì có nghĩa”(8). Wittgenstein đã “giải quyết” tình trạng này bằng ẩn dụ về cái thang ở những câu cuối cùng của tác phẩm: “Những mệnh đề của tôi được đưa ra với tư cách những giải thích theo nghĩa sau: ai hiểu tôi rốt cuộc sẽ thấy rằng chúng là phi ý nghĩa, khi anh ta đã sử dụng chúng – như những bậc thang – để leo lên trên chúng. (Anh ta phải, có thể nói như vậy, vứt cái thang đi sau khi đã dùng nó để leo lên cao). Anh ta phải vượt qua những mệnh đề đó và từ đó, có thể nhìn rõ thế giới” (Tractatus 6.54). Có thể nói, Tractatus đã bao quát toàn bộ tư tưởng của Wittgenstein thời sơ kỳ. Chính ông – sau khi xuất bản tác phẩm – đã coi nó như sự giải quyết triệt để mọi “vấn nạn triết học” và không còn việc gì để làm trong triết học nữa. Tuy nhiên, rốt cuộc, Wittgenstein đã không dừng lại ở Tractatus. Càng về sau, ông càng nhận thấy Tractatus có những thiếu sót, rồi những sai lầm xuất phát từ chính những giả
- định đầu tiên của nó. Ông đã đi đến phủ nhận tác phẩm này của mình và trên cơ sở phá huỷ những nền tảng của Tractatus mà xây dựng những quan điểm hoàn toàn mới. Điều này tạo nên giai đoạn thứ hai trong tiến trình tư tưởng của Wittgenstein, được đại diện bởi Những nghiên cứu triết học. 2. Wittgenstein hậu kỳ và Những nghiên cứu triết học Những nghiên cứu triết học được xuất bản vào năm 1953, bao gồm hai phần. Phần I do chính Wittgenstein hoàn thiện, được dự định phát hành năm 1946 nhưng sau đó, ông lại đề nghị huỷ việc in. Phần II do những người biên tập – những người được uỷ thác trông coi và khai thác di sản của Wittgenstein – thêm vào. Trong Lời nói đầu (viết năm 1945), Wittgenstein viết: “Trong 4 năm qua, tôi đã có điều kiện đọc lại tác phẩm đầu tiên của mình (Tractatus Logico-Philosophicus) và giải thích những tư tưởng của nó. Sau đó, tôi chợt nghĩ rằng, mình nên công bố những tư tưởng trước đây cùng với những tư tưởng mới, bởi những tư tưởng mới chỉ có thể được xem xét rõ ràng khi được đặt trên và trong sự đối lập với phông nền những cách thức suy nghĩ cũ”(9). Quả vậy, hầu hết nội dung phần I của Những nghiên cứu triết học đều dựa trên sự phê phán đối với những quan điểm trong Tractatus. “Wittgenstein nghĩ rằng, trong tác phẩm trước kia của mình, như những nhà triết học khác, ông đã đơn giản hoá quá mức mối quan hệ giữa ngôn ngữ và thế giới. Liên kết ngôn ngữ và thế giới đã chỉ được đặt trên hai điểm chủ yếu: liên kết giữa tên gọi và đơn thể và sự đối xứng hay phi đối xứng giữa mệnh đề và sự kiện. Ông đi đến nhận xét rằng, điều này là một sai lầm nghiêm trọng”(10), mang nặng tính hình thức và bỏ qua những khía cạnh đặc biệt quan trọng khác của ngôn ngữ - khả năng giao tiếp, bối cảnh hoạt động người, văn hoá Phủ nhận những tư tưởng của chính mình trong Tractatus, phủ nhận cả hệ thống những thuật ngữ được sử dụng trong tác phẩm đó (sự kiện, sự kiện nguyên
- tử, mệnh đề sơ đẳng, đơn tố, đơn thể, trạng huống sự việc, v.v.), Wittgenstein đã xây dựng những quan niệm mới dựa trên những thuật ngữ cũng hoàn toàn mới. Vấn đề ngữ nghĩa (của mệnh đề trong ngôn ngữ) và trò chơi ngôn ngữ Nếu như trong Tractatus, Wittgenstein nói về nghĩa của mệnh đề trong ngôn ngữ với tư cách sự đại diện, nghĩa của mệnh đề được quan niệm: “Chỉ có mệnh đề là có nghĩa; chỉ có trong ngữ cảnh của một mệnh đề thì tên gọi mới có ý nghĩa” (Tractatus 3.3), thì trong Những nghiên cứu triết học, vấn đề ngữ nghĩa được xem xét từ một cái nhìn rộng rãi hơn nhiều: “Đối với phần lớn các trường hợp – dù không phải là toàn bộ - mà trong đó, chúng ta sử dụng từ “ngữ nghĩa” thì nó phải được định nghĩa: ngữ nghĩa của một từ là việc sử dụng nó trong ngôn ngữ”(11). Rõ ràng, đây là một bước ngoặt trong việc nghiên cứu vấn đề ngữ nghĩa của mệnh đề. Việc cho rằng chỉ trong quá trình sử dụng ngữ nghĩa của từ mới được xác định đã khiến cho ngữ nghĩa mở rộng hơn, đa dạng hơn rất nhiều. “Khi tìm hiểu nghĩa, nhà triết học buộc phải “nhìn và thấy” sự đa dạng của việc sử dụng từ trong ngữ cảnh của nó ( ). Trong việc tạo nghĩa cho một từ, mọi sự tổng quát hoá mang tính giải thích đều bị thay thế bởi sự mô tả về việc sử dụng”(12). Không có tổng quát hoá mà chỉ còn mô tả, đó là một cách thức đấu tranh với những tín điều triết học – theo quan điểm của Wittgenstein. Việc mô tả sự đa dạng của việc sử dụng từ (và mệnh đề) với tư cách ngữ nghĩa của từ (và mệnh đề) đã dẫn đến quan niệm của Wittgenstein về “trò chơi ngôn ngữ”. Trung thành với quan điểm không tổng quát hoá, Wittgenstein không đưa ra bất cứ định nghĩa cố định nào về trò chơi ngôn ngữ, mà chỉ trở đi trở lại với nó thông qua hàng loạt những ví dụ và bình phẩm. A.Kenny đã viết về trò chơi ngôn ngữ trong tư tưởng của Wittgenstein như sau: “Wittgenstein đưa ra những ví dụ cho trò chơi ngôn ngữ: thực hiện và ra mệnh lệnh, mô tả sự xuất hiện của đối tượng, diễn đạt cảm xúc, đo lường, xây dựng một đối tượng dựa trên sự mô tả về nó, tường thuật lại một sự kiện, suy xét về một sự kiện, bịa ra một câu chuyện, đóng kịch, đoán những câu đố, kể chuyện cười, hỏi,
- nguyền rủa, chào đón, cầu nguyện. Ông cũng nói về trò chơi ngôn ngữ bằng rất nhiều từ ngữ khác nhau. Wittgenstein không đề xuất một học thuyết chung nào về trò chơi ngôn ngữ: việc sử dụng thuật ngữ này chỉ mang ý nghĩa nhấn mạnh rằng từ ngữ không thể được hiểu ở bên ngoài ngữ cảnh chúng được sử dụng. Trong việc đưa lại một sự mô tả về nghĩa của một từ, chúng ta cần tìm kiếm cái vai trò mà nó đóng trong cuộc sống của chúng ta. Việc sử dụng thuật ngữ “trò chơi” không phải để ám chỉ rằng ngôn ngữ là một thứ gì đó tầm thường, mà từ này được chọn vì trò chơi bộc lộ cùng một kiểu đa dạng mà các hoạt động ngôn ngữ bộc lộ. Nhiều trò chơi có tính cạnh tranh, nhiều trò khác thì không; nhiều trò chơi có luật chơi, nhiều trò khác có tính tự phát; nhiều trò chơi với bóng, nhiều trò chơi trên các loại bàn khác nhau; nhiều trò chơi đòi hỏi kỹ năng, nhiều trò không. Không có điểm chung nào biểu thị trò chơi với tư cách trò chơi; mà đúng hơn, các trò chơi khác nhau chia sẻ những đặc điểm khác nhau, giống như những thành viên khác nhau trong một gia đình có những điểm tương tự nhau không phải theo một cách duy nhất, mà theo rất nhiều cách. Tương tự như thế, không có một đặc điểm mang tính bản chất cho ngôn ngữ; chỉ có sự tương tự như trong gia đình giữa vô số những trò chơi ngôn ngữ”(13). Sự tuân thủ quy tắc Ngoài việc “chia sẻ những điểm tương tự mang tính gia đình” với nhau, các trò chơi ngôn ngữ trong quan điểm của Wittgenstein còn có những đặc tính khác: tính xã hội và tính hiện diện của luật lệ (khái niệm “trò chơi ngôn ngữ” chứa đựng đặc điểm tuân thủ quy tắc của ngôn ngữ). “Ngữ nghĩa của từ được định đoạt bởi các quy tắc ngữ pháp giống như là luật chơi trong trò chơi ngôn ngữ đó. Các quy tắc ngữ pháp hay “luật chơi” này thể hiện tính xã hội của trò chơi ngôn ngữ, vì chúng đòi hỏi những người tham dự vào trò chơi này trong quá trình chơi (hay sử dụng ngôn ngữ) phải thường xuyên nhất trí (về luật chơi) với nhau để có thể tiến hành trò chơi một cách nhất quán. Bởi khi tham dự vào một hoạt động có sự hiện diện
- của luật lệ thì phải chấp nhận rằng, trong hoạt động đó có những cách thức được quy định (được coi là hợp lệ) để duy trì và thực thi hoạt động đó. Tương tự như vậy, trong ngôn ngữ có sự hiện diện của luật lệ, mà để có thể tham dự được, người ta phải tuân thủ theo luật chơi. Nếu như không có các chuẩn mực xã hội xác định ngữ nghĩa của ngôn từ thì chúng ta không thể tiếp nhận được ngữ nghĩa của ngôn từ từ những thành viên khác trong xã hội hay cộng đồng để duy trì hoạt động giao tiếp cũng như các hoạt động sống khác. Ngữ nghĩa của ngôn từ, theo Wittgenstein, được quy định bởi các cách sử dụng và thực tiễn sử dụng đã được chấp nhận và trở thành quy chuẩn trong thực tế hoạt động của cộng đồng cụ thể của con người”(14). Nhưng khi nói đến “quy tắc” thì dường như, quan điểm của Wittgenstein bị rơi vào một mâu thuẫn: ở trên, ông đã theo lập trường chống chủ nghĩa giáo điều triệt để, thậm chí đã không đặt ra định nghĩa cho khái niệm mang tính then chốt nhất là “trò chơi ngôn ngữ”, mà ở đây lại cho rằng không thể không có quy tắc. Thật ra, vấn đề nằm ở chỗ quy tắc được Wittgenstein xem xét lại không giống như quy tắc theo quan điểm truyền thống. Theo quan điểm truyền thống, “quy tắc là một thực thể trừu tượng - vượt khỏi mọi sự ứng dụng cụ thể của nó; hiểu biết về quy tắc bao hàm việc nắm được thực thể trừu tượng ấy và do đó, biết cách sử dụng nó như thế nào”(15). Còn trong quan điểm của Wittgenstein, vấn đề lại là như sau: “Với từ “quy tắc” (rule), Wittgenstein không có ý nói đến một tiêu chuẩn trừu tượng mà theo đó, một hành vi nào đó có thể được đánh giá là sai hay đúng. Đúng hơn, ông có ý nói đến một chi tiết (item) cụ thể, như là một tiếng động, dấu hiệu hoặc cử chỉ, được bộc lộ ra trước một người và thông qua việc chú tâm đến đó, con người định đoạt hành vi ứng xử của mình, liên kết giữa quy tắc và sự hưởng ứng (ứng đáp) đã được tiếp thu và được quy ước. Một phần lớn hành động của con người có thể được xem xét như là những biểu hiện (thể hiện) của sự tuân thủ quy tắc. Chúng bao gồm sự bắt chước những cử chỉ và tiếng động do người khác gây ra, sự sao chép những hình thức, sự biến đổi những dấu hiệu ra tiếng động như trong việc đọc nhạc, hát lên những chuỗi âm thanh thành bài nhạc và v.v Một cách chung
- hơn, những xử sự bằng hành động - đáp lại chỉ dẫn bằng lời nói (đưa cho một cuốn sách khi được yêu cầu chẳng hạn) - và cả những phát biểu mang tính ngôn từ (ở điểm mà bản thân thế giới là chỉ dẫn và lời phát biểu là sự đáp lại) cũng đều có thể được miêu tả như là sự tuân thủ quy tắc. Sự tuân thủ quy tắc, vì vậy, là nhân tố trung tâm trong thẩm năng ngôn ngữ. Thêm nữa, nếu chúng ta chấp nhận rằng, để sử dụng một ngôn ngữ phong phú và mang tính biểu đạt là một phần không thể thiếu của việc hiểu thấu những quan niệm phức tạp và có những phán đoán có tính phản tư, thì sự tuân thủ quy tắc cũng là yếu tố trung tâm trong cuộc sống của chúng ta với tư cách sinh vật biết tư duy”(16). Ngôn ngữ tư nhân Những lập luận về sự tuân thủ quy tắc và tính xã hội của trò chơi ngôn ngữ khiến cho khái niệm “ngôn ngữ tư nhân” thường được nhắc đến trong lịch sử triết học với tên gọi “lập luận ngôn ngữ tư nhân” – cái có tính vấn đề, bởi trên thực tế, Wittgenstein không dùng cách gọi ấy. Như trên đã nói, ngôn từ chỉ có nghĩa khi được sử dụng trong xã hội, khi con người tham gia vào “trò chơi ngôn ngữ” có tính xã hội và theo những quy tắc do các điều kiện sinh sống cụ thể của con người đặt ra. Vậy, cái gọi là “ngôn ngữ tư nhân” – “những từ ngữ của cá nhân, có quan hệ với cái mà chỉ người nói ra mới hiểu được, với cảm xúc riêng tư nhất thời của anh ta” (Những nghiên cứu triết học 243) không thể là thứ ngôn ngữ xác thực, đúng nghĩa và đúng quy tắc. Wittgenstein nói đến ngôn ngữ tư nhân để làm gì? A.Kenny cho rằng, đó là để “chống lại tác giả của Tractatus, người đã ủng hộ chủ nghĩa duy ngã. Chủ nghĩa duy ngã là một học thuyết dựa trên luận điểm “chỉ có Tôi là tồn tại”. Trong Tractatus, Wittgenstein viết: “Cái mà chủ nghĩa duy ngã muốn nói đến sẽ đúng khi điều đó không được nói lên mà chỉ được thể hiện ra. Tư tưởng cho rằng thế giới là thế giới của tôi tự thể hiện ra như là những giới hạn của ngôn ngữ (thứ ngôn ngữ
- mà tôi hiểu) cũng có nghĩa là giới hạn của thế giới của tôi”. Dần dần, khi tư tưởng của Wittgenstein đã phát triển, ông đi đến chỗ cho rằng, dù với tư cách một bộ phận của triết học không nói lên được, thì chủ nghĩa duy ngã cũng là một sự xuyên tạc thực tại. Thế giới là thế giới của tôi chỉ khi ngôn ngữ là ngôn ngữ của tôi: một ngôn ngữ được tạo tác bởi sự liên kết những từ ngữ của riêng tôi với thế giới. Nhưng, ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của tôi; nó là ngôn ngữ của chúng ta. Lập luận ngôn ngữ tư nhân thể hiện rằng không có bất kỳ định nghĩa riêng tư nào có thể tạo nên một loại hình ngôn ngữ. Ngôi nhà của ngôn ngữ không phải là thế giới nội tại của người duy ngã, mà là đời sống của cộng đồng người. Kể cả từ ngữ “tôi” cũng chỉ có nghĩa trong ngôn ngữ chung của chúng ta”(17). Bản chất của triết học Tất cả những vấn đề mà Wittgenstein xem xét trong Những nghiên cứu triết học, ở ý nghĩa sâu xa của chúng, là nhằm đi đến một vấn đề trung tâm - một trăn trở như Tractatus đã từng trăn trở: vấn đề bản chất của triết học. Về vấn đề này, A.Biletzki và A.Matar đã viết: “Wittgenstein thời hậu kỳ vẫn giữ quan điểm như ông đã từng viết trong Tractatus; rằng, nhà triết học không – hay không nên – đưa ra các lý thuyết, hay là các lời giải thích. “Triết học chỉ nên đặt mọi thứ trước chúng ta, mà không suy luận bất cứ điều gì cả, - bởi mọi thứ nhìn thấy được đều cho thấy không có gì phải giải thích hết” (Những nghiên cứu triết học 126). Lập trường phản lý thuyết này làm ta nhớ tới Wittgenstein thời sơ kỳ, nhưng có những khác biệt rất dễ thấy. Mặc dù Tractatus ngăn ngừa các lý thuyết triết học, nhưng nó lại xây dựng một công trình mang tính hệ thống đưa đến kết quả là, hình thức chung của mọi mệnh đề đều dựa trên lôgíc hình thức nghiêm khắc; Những nghiên cứu triết học nhấn mạnh đến một bản chất phi giáo điều có tính liệu pháp (therapeutic) của triết học và quả thực, nó đã chỉ dẫn cho các nhà triết học những cách thức của một liệu pháp [những cách thức làm cho triết học trở thành một liệu pháp]. “Sự nghiệp (công việc, trách nhiệm) của nhà triết học nằm ở chỗ thu thập những điều nhắc
- nhở cho những chủ đích cá biệt” (Những nghiên cứu triết học 127). Khi làm việc với những điều nhắc nhở và dãy những ví dụ, những vấn đề khác nhau sẽ được làm sáng tỏ. Không giống như Tractatus, cái đưa ra (thúc đẩy) một phương pháp triết học, trong Những nghiên cứu triết học, “không có một phương pháp triết học, mặc dù trên thực tế là có những phương pháp, giống như có nhiều loại liệu pháp chữa bệnh khác nhau” (Những nghiên cứu triết học 133). Điều này có quan hệ trực tiếp đến sự né tránh của Wittgenstein đối với hình thức lôgíc hay đối với bất cứ một sự tổng quát hoá tiên nghiệm nào có thể được triết học phát hiện ra hoặc tạo nên. Việc cố gắng đưa ra luận điểm tổng quát như vậy là một “sự quyến rũ” đối với bất cứ nhà triết học nào; nhưng nhiệm vụ thật sự của triết học lại là làm cho ta có ý thức về “sự quyến rũ” ấy và chỉ cho ta cách vượt qua nó. Chính vì thế, “một vấn đề triết học có hình thức như sau: Tôi không biết phải làm gì (bởi tôi bị mất phương hướng) hay tôi bị lạc lối rồi” (Những nghiên cứu triết học 123) và do đó, mục đích của triết học là “chỉ cho con ruồi lối thoát khỏi cái chai đựng nó” (Những nghiên cứu triết học 309)”(18). Như trên đã đề cập, tư tưởng của Wittgenstein nhận được sự chú ý ngay từ khi ông tại thế và không hoàn toàn phụ thuộc vào những tác phẩm “chính thức” của ông. Mối quan tâm sâu sắc của các triết gia nói riêng và giới nghiên cứu triết học nói chung đối với tư tưởng của Wittgenstein - một nhà triết học phân tích, với những chủ đề nghiên cứu triết học rất trừu tượng (ít nhất là ở thời kỳ đầu), trong thời đại mà mối bận tâm triết học là về đời sống tinh thần của con người cá nhân sống động và cụ thể (thời đại của những nhà triết học phi lý, những triết gia hiện sinh, v.v.) - mối quan tâm này có thể lý giải như thế nào? Không chỉ xuất phát từ đời sống cá nhân và tư cách đôi khi mang tính truyền kỳ của Wittgenstein, sức thu hút của ông chủ yếu nằm ở chỗ chính các tư tưởng dường như hết sức trừu tượng của ông lại nhằm đúng vào các vấn đề nan giải của triết học hiện đại: vấn đề xem xét lại bản chất của triết học, vấn đề ngôn ngữ như là một phương cách - của - con người tiếp cận thế giới và bản thân mình, vấn đề văn hoá, v.v
- Ngày nay, triết học phân tích đã không còn là một trào lưu “làm mưa làm gió” trên văn đàn triết học. Nhưng mối quan tâm và những hứng thú mà Wittgenstein hay các tác phẩm của ông gợi lên vẫn không hề suy giảm. Ngoài những khía cạnh “truyền thống” trong triết học của ông (vấn đề lôgíc, vấn đề ngôn ngữ, ) đã được khai thác rất sâu, những nội dung khác cũng đã và đang được quan tâm tìm hiểu, như quan điểm của Wittgenstein về văn hoá và giá trị, về những vấn đề của mỹ học, đạo đức học và tôn giáo, v.v (*) Thạc sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (1) Hans Sluga, David G.Stern (ed.). The Cambridge companion to Wittgenstein. Cambridge University Press, 1996, p.5. (2) (3) Hans Sluga, David G.Stern (ed.). Ibid., p.16. (4) Xem: L.Wittgenstein. Tractatus Logico-Philosophicus. Routledge & Kegan Paul, London, 1971. (5) (6) Trần Tuấn Phong. Quan hệ giữa ngôn ngữ và thực tại trong “Chuyên luận lôgíc – triết học” của Wittgenstein. Tạp chí Triết học, số 2, 2001, tr.57-58. (7) (8) (9) L. Wittgenstein. Recherches philosophiques. Ed. Gallimard, Paris, 2004, p.22. (10) Anthony Kenny. An illustrated brief history of Western philosophy. Blackwell Publishing, 2006, p.372. (11) L.Wittgenstein. Philosophical investigations. Basil Blackwell, Oxford, 1953, p. 20e. (12) (13) Anthony Kenny. Ibid., p.372. (14) Trần Tuấn Phong. Về vai trò của khái niệm “trò chơi ngôn ngữ” trong triết học Wittgenstein. Tạp chí Triết học, số 9 (2001), tr.39.
- (15) (16) Jane Heal. Article “Wittgenstein”, in Shorter Routledge encyclopedia of philosophy. Ed. Routledge, London and New York, 2005, p.1064. (17) Anthony Kenny. Ibid., p.376-377.