Biểu tượng “nước” trong đời sống văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc - Đặng Thị Ngọc Phượng

doc 13 trang phuongnguyen 1970
Bạn đang xem tài liệu "Biểu tượng “nước” trong đời sống văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc - Đặng Thị Ngọc Phượng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docbieu_tuong_nuoc_trong_doi_song_van_hoa_viet_nam_va_han_quoc.doc

Nội dung text: Biểu tượng “nước” trong đời sống văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc - Đặng Thị Ngọc Phượng

  1. BIỂU TƯỢNG “NƯỚC” TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC Đặng Thị Ngọc Phượng TÓM TẮT Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước Châu Á có nhiều điểm chung về lịch sử, văn hóa. Cả hai nước đều có lịch sử lâu đời, với bản sắc văn hóa riêng. Các yếu tố văn hóa ngoại lai đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa của mỗi nước và tạo ra những nét tương đồng về văn hóa. Yếu tố “Nước” giữ vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân nông nghiệp và rất gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam và Hàn Quốc. “Nước” trở thành một biểu tượng văn hóa có màu sắc riêng ở mỗi nước. Nước trở thành mẫu gốc trong tư duy và trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam và người Hàn Quốc. Bài viết khảo sát biểu tượng “nước” trong đời sống văn hóa của người Việt Nam và người Hàn Quốc, nêu ra những điểm giống nhau và sự khác biệt để từ đó hiểu sâu hơn về đời sống và quan niệm của người dân ở mỗi nước. THE SYMBOL OF "WATER" IN THE CULTURAL LIFE OF VIETNAMESE AND KOREAN PEOPLE ABSTRACT Vietnam and Korea are two Asian Countries that have many similar characteristics of history and culture. Both countries have long history with their own cultural identities. The elements of alien culture contribute to enrich their culture of each country and create similar cultural characteristics . "Water" symbol plays an important role in the life of agricultural inhabitants and that is very closely connected with the life of Vietnamese and Korean people. "Water" becomes a cultural symbol with their nuances of each country. "Water" becomes an original standard of thinking and creating artistic culture of Vietnamese and Korean. The writing of "water" symbol in the cultural life of Vietnamese
  2. and Korean points out the similar and different characteristics in order to undersatnd deeply the life and conception of the people in each country. Mở đầu Việt Nam và các nước Đông Nam Á đều sinh ra và lớn lên trong một khu vực lịch sử văn học, có chung cội nguồn, có nhiều nét tương đồng về lịch sử và hiện nay đang cùng phát triển trong xu thế quốc tế hoá. Nói đến giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và các nước, chúng ta cần xuất phát từ khởi nguyên của nền văn hoá mỗi nước để thấy được sự hình thành và bản sắc văn hóa mỗi dân tộc. Việt Nam ở Đông Nam Á, Hàn Quốc ở Đông Bắc Á. Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước Châu Á có nhiều điểm chung về lịch sử, văn hoá. Cả hai nước đều có lịch sử lâu đời, với bản sắc văn hoá riêng. Các yếu tố văn hoá ngoại lai đã góp phần làm phong phú thêm văn hoá của mỗi nước và tạo ra những nét tương đồng về văn hoá. Yếu tố “Nước” giữ vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân nông nghiệp và rất gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam và Hàn Quốc. “Nước” trở thành một biểu tượng văn hoá có màu sắc riêng ở mỗi nước. Nước trở thành mẫu gốc trong tư duy và trong sáng tạo văn hoá nghệ thuật của người Việt Nam và người Hàn Quốc. Bài viết khảo sát biểu tượng “nước” trong đời sống văn hoá của người Việt Nam và người Hàn Quốc, nêu ra những điểm giống nhau và sự khác biệt để từ đó hiểu sâu hơn về đời sống và quan niệm của người dân ở mỗi nước. 1. Biểu tượng - khả năng phát sinh, mở rộng theo thời gian Trước khi đi sâu khám phá biểu tượng “nước” trong đời sống văn hoá của người Việt Nam và Hàn Quốc, chúng ta cùng tìm hiểu những quan niệm về biểu tượng. Biểu tượng có ý nghĩa “cổ xưa như ý thức của nhân loại”. Nói như Guy Schoeller “sẽ là quá ít, nếu nói rằng chúng ta sống trong một thế giới biểu tượng, một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta”. Các tác giả “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” đã chỉ ra rất
  3. đúng rằng: “Biểu tượng cơ bản khác với dấu hiệu là một qui ước tuỳ tiện trong đó cái biểu đạt và cái được biểu đạt (khách thể hay chủ thể) vẫn xa lạ với nhau, trong khi biểu tượng giả định có sự đồng chất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động tổ chức”. Gilbert Durand cũng khẳng định: “Biểu tượng rộng lớn hơn cái ý nghĩa được gán cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu và tự sinh”. Đưa ra nhiều ý kiến như vậy để khẳng định biểu tượng là sự mã hóa các giá trị tinh thần của loài người theo suốt chiều dài thời gian. Ở đó, những người đi sâu khám phá và tri nhận được lối tư duy và những giá trị tinh thần hàm ẩn của những người đi trước, đến lượt họ lại tiếp tục đắp bồi thêm các lớp nghĩa mới. Cấp độ đầu tiên của biểu tượng là mẫu gốc. Khi đi vào đời sống văn hoá, mỗi mẫu gốc có thể sản sinh những biểu tượng văn hoá khác nhau, dấu vết của nó có thể được tìm thấy trong các thần thoại, truyền thuyết, nghi lễ, phong tục. Vì vậy, con đường giải mã biểu tượng để tìm ra cái ẩn chìm đằng sau những hình tượng có nguồn gốc từ biểu tượng. Biểu tượng luôn chứa đựng trong mình những giá trị đã được vĩnh hằng hóa, là một thực thể sống động, luôn luôn có sự luân chuyển, đắp đổi nghĩa liên tục. Nó được nuôi dưỡng bằng những lối tư duy, những tưởng tượng phong phú của con người, có khả năng mở rộng nghĩa theo thời gian. Biểu tượng có rất nhiều dạng thức khác nhau, như: biểu trưng, biểu hiệu, phù hiệu, dấu hiệu Xác định xu hướng này, chúng tôi lựa chọn khảo sát biểu tượng nước và bước đầu khám phá ra mạch nghĩa liên tục trong biểu tượng ấy cũng như sự phát sinh ra những lớp nghĩa mới. Hy vọng với phương cách như vậy, chúng ta có thể khảo sát biểu tượng với tất cả những hình ảnh mang những nét nghĩa phái sinh, có những tri thức văn hóa đặc trưng của dân tộc để khai mở. 2. Biểu tượng nước trong tiềm thức con người Nước trong tiềm thức con người có ý nghĩa rất quan trọng. “Những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Ba chủ đề này thường gặp trong những tiểu thuyết cổ xưa nhất và hình thành những tổ hợp hình tượng đa dạng nhất và đồng thời cũng chặt chẽ nhất” [1, tr.709]. Đối với châu Á, nước ở dạng thức thực thể của thế giới, là nguồn gốc sự sống và là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính tinh
  4. khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh. “Nước còn là nguồn gốc và phương tiện chuyển tải sự sống, là hình tượng của hơi thở sự sống (prâna)” [1, tr.710]. Nước được coi là biểu tượng phổ biến về sự phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. Người Việt Nam xem nước là của trời làm ra thóc lúa. Họ rất coi trọng chức năng tái sinh của nước, đối với họ, nước là vị thuốc và là đồ uống trường sinh bất tử. Ngoài ra, nước còn là nguồn thụ tinh cho đất và sinh ra những cư dân trên mặt đất, chúng ta có thể quay trở lại với những biểu tượng phân tâm học của nước, được coi như là nguồn thụ tinh cho tâm hồn: sông nhỏ, sông lớn, biển là hình tượng của đời người và của những biến động của những ước muốn và cảm xúc. Nước là biểu tượng của những năng lượng vô thức, của những sức mạnh không định hình của tâm hồn, của những động cơ thầm kín và không cảm nhận thấy. Trong các giấc mơ, khá nhiều khi ta thấy như đang ngồi câu cá bên bờ nước Nước là biểu tượng của tâm trí còn đang ở mức vô thức, chứa đựng những nội dung của tâm hồn mà người đi câu cố sức đưa lên mặt nước để lấy nó nuôi sống bản thân. Nước còn trở thành biểu tượng của đời sống tinh thần và của Thánh Linh, Chúa trời ban cho loài người. Nước của sự sống được coi là một biểu tượng về nguồn gốc vũ trụ. Nước làm cho thanh khiết, chữa khỏi bệnh, làm trẻ lại vì vậy đưa con người vào cõi vĩnh hằng. Bản thân nước có tính năng làm sạch và cũng vì lý do đó, được coi là thiêng liêng. Vì thế, nước được dùng trong các nghi lễ tắm gội, nước có hiệu lực xóa bỏ mọi lỗi lầm và mọi vết nhơ. Ngoài ra, nước tượng trưng cho sự sống: nước hồi sinh mà con người tìm được trong cõi tối tăm, có tính năng làm sống lại. 3. Biểu tượng nước trong lễ hội, tín ngưỡng truyền thống Chúng ta biết rằng sự tương đồng về văn hoá ở Đông Nam Á dựa trên cơ sở kinh tế là nghề trồng trọt lúa nước vùng nhiệt đới. Từ nền tảng văn minh nông nghiệp này nảy sinh những cấu trúc xã hội làng xã và những kết cấu thượng tầng, những nghi lễ và lễ hội cổ truyền liên quan đến sản xuất nông nghiệp với những nét tương đồng cho cả Đông Nam Á. Ở đó, cảnh quan thiên nhiên, con người, đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội có những nét giống nhau.
  5. Sự khúc xạ giữa văn hoá Đông Nam Á với các tộc người Việt tạo nên một lối ứng xử rất riêng của cư dân người Việt - cư dân nông nghiệp lúa nước. Các cư dân Đông Nam Á vẫn được biết đến như những chủ nhân đích thực của nền văn minh “lúa nước’ - một nền văn minh độc đáo trong số 36 nền văn minh rực rỡ trên thế giới (Roland Breton - “Địa lý các nền văn minh”). Người Việt luôn ý thức mình là một thành viên của một tập thể cộng đồng, trong các quan hệ giữa con người với thiên nhiên và xã hội (gia đình, làng xóm ). Trong một không gian sinh tồn rộng lớn, người Việt Nam đã xây dựng cho mình một nền văn hoá riêng biệt, vừa có tính chất khu biệt, vừa có nhiều nét mang tính tương đồng tạo nên một nền văn hoá đa dạng, phong phú. Hàn Quốc - tên đầy đủ là Đại Hàn Dân Quốc, là một quốc gia nằm ở Đông Bắc Á, trên bán đảo Triều Tiên, có tổng diện tích lãnh thổ 99.538km2, dân số 47,64 triệu người. Hàn Quốc có vị trí địa lý rất chiến lược về kinh tế cũng như quân sự - nằm ở trung tâm khu vực Đông Bắc Á, nối liền đại lục với đại dương, án ngữ các đường giao thông xung yếu, qua eo biển Triều Tiên. Nền văn hoá của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Trung Quốc. Điều đó thể hiện rất rõ qua phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người dân. Nhân dân hai nước tuy ở rất xa nhau về địa lý nhưng trong di sản văn hóa của họ cũng có những nét tương đồng. Điều đó được giải thích bởi những yếu tố chung của văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương, của hoàn cảnh lịch sử nhân dân hai nước trong quan hệ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, trong văn hóa của nhân dân ở hai lãnh thổ, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét mang sắc thái đặc thù. Điều đó được giải thích bằng cái riêng của tộc người, địa lý - văn hóa - lịch sử của từng nước. Qua các lễ hội nông nghiệp ở Việt Nam và Hàn Quốc, chúng ta có thể nhận thấy giữa chúng có nhiều điểm tương đồng khá phổ biến. Sự tương đồng đầu tiên là số lượng các lễ hội nông nghiệp ở những nước này chiếm tỉ lệ rất cao, hầu hết được mở theo mùa - theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp và phản ánh khá đầy đủ cuộc sống, ước nguyện của những người nông dân. Ở Việt Nam, lễ hội nông nghiệp thể hiện rõ nét nhất là vào mùa xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở, mùa của những khởi đầu mới. Tương tự như vậy ở các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan,
  6. Campuhia lễ hội nông nghiệp thường được mở đầu mùa gieo cấy và cuối vụ thu hoạch như hội “Khun khấu” (của Lào), hội Rakna (của Thái Lan), hội Chôl chnăm thmây (của Campuchia) Không chỉ ở các lễ hội nông nghiệp, trong tín ngưỡng, người Hàn Quốc tin rằng nước có những sức mạnh thần bí, có khả năng tránh được tai họa của thiên nhiên. Vào đầu năm mới, những người dân của một vài vùng thuộc tỉnh Sholla phía Bắc thường tạo ra một cái đèn dầu và thắp đèn sáng, đặt trong giếng làng và cầu cho năm nay không có gì tai biến. Có những vùng khác lại tổ chức nghi lễ như “Saemkut” là những nghi lễ của đạo Shaman cho rằng nước giếng có tính chất linh thiêng, mỗi một nguồn nước biểu hiện cho sự dồi dào may mắn. Nghi lễ này được tổ chức ngay tại giếng làng và thường được coi như những nghi lễ chính thống của chúa trời bảo hộ, giám mệnh cho xóm làng, cho con người. Trong lễ “SSitkut”, nước dùng để loại bỏ sự không trong sạch và những nhơ nhuốc của cơ thể, tâm hồn người chết mới có thể được siêu thoát nơi thiên đàng. Cũng như “Pujong kut”, nghi lễ “Pujong kosi” là nghi lễ báo hiệu sự hành hình, mục đích của nó là tẩy uế nơi diễn ra nghi lễ để tạo thành nơi linh thiêng. Khi thực hiện lễ “Pujong kosi”, thường người ta chuẩn bị một bát nước trong, hoặc là đặt ở nơi đó một mẩu than hay một quả ớt để đuổi đi những thần ác. Khi nghi lễ được tiến hành, một đạo sĩ Shaman tay cầm một cái bát hay vỏ bầu khô chứa nước vừa nhảy múa vừa hát vừa vảy nước phép lên mặt đất, rửa những bụi trần, đánh đuổi những cái xấu xa. Họ coi là nước “hộ mệnh”, có một quyền lực siêu nhiên vì nó rửa tội cho người chết, rửa đi những nhơ bẩn, ô uế nơi diễn ra nghi lễ. Những nghi lễ này cuối cùng là tắm sạch cơ thể cho người và cho linh hồn của họ. Trong những nghi lễ này, nước được người dân coi như một sức mạnh thần bí, nó có thể tẩy rửa những uế tạp cả về thể xác lẫn tinh thần. Vì vậy, đối với họ, không có gì lọt vào nơi thánh thần mà chưa được tẩy rửa. Với những cư dân nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam, Hàn Quốc, lễ nghi nông nghiệp được diễn ra ở hầu khắp các công đoạn của việc trồng trọt và hoa màu, nhất là với canh tác nương rẫy. Họ đặt mọi ước vọng vào sự sinh sản, sinh sôi dồi dào của cây trồng và liên tưởng nó với một lực lượng siêu nhiên nào đó, coi đó như là nguồn gốc của mọi
  7. sự sinh sản của giống loài. Vì thế, lễ hội chính là phương tiện để truyền tải ước vọng của người nông dân, là biểu tượng nhằm hiện thực hóa thế giới ý niệm về đời sống tâm linh bằng những nghi thức, những hoạt động để con người giao tiếp với thần linh. 4. Biểu tượng nước trong dòng chảy văn hóa Người Việt Nam phần lớn mới biết đến Hàn Quốc như là một cường quốc kinh tế trong khu vực và trên thế giới, còn về các truyền thống văn hóa - một yếu tố quan trọng để Hàn Quốc trở thành “con rồng Châu Á” thì lại chưa được biết nhiều. Cũng như vậy, người Hàn Quốc chỉ mới biết một Việt Nam anh hùng, kiên cường trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và còn ít biết đến một Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy trầm tích văn hóa Hàn Quốc ghi lại nhiều dấu vết về nhân chủng và đặc điểm văn hóa chung, gần với nhóm cư dân vùng núi Antai, nhưng xét trên tổng thể, cư dân gốc ở bán đảo Triều Tiên cũng như cư dân gốc Việt đều là những nhóm cư dân nông nghiệp, lấy ruộng đất và nghề nông làm bản vị. Do đó, hai dân tộc đều thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp và mang đậm đà đặc trưng của loại hình văn hóa này. Nước là một quyền năng, một giá trị. Nước là nguồn sống tự nhiên quan trọng bậc nhất của loài người. Chính vì thế mà những dòng sông lớn trên thế giới luôn luôn là khởi nguyên của các nền văn minh lớn. Đối với người Việt Nam và Hàn Quốc, những con người quen nếp sống dựa vào thiên nhiên, nước càng trở nên thiêng liêng bởi nước là sự sống. Sự sùng bái nước là một hành vi mang tính cộng đồng và đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng. Nước mặc nhiên trở thành một biểu tượng mang tính giá trị, mang một quyền năng, một sức mạnh đặc biệt đối với đời sống con người. Đọc thơ ca dân gian của các dân tộc ít người Việt Nam, chúng ta càng thấm thía sức ám ảnh của biểu tượng nước trong tâm thức dân gian. Những con người miền núi quen sống giữa thiên nhiên gửi gắm những suy tưởng, những tình cảm vào biểu tượng nước. Sự đồng điệu trong cách cảm, cách nghĩ này cho thấy nước là biểu tượng lớn của văn hoá dân gian các dân tộc ít người. Những câu ca dao dân gian của người Tày thường mượn biểu tượng nước mà định giá tình cảm. Nước được xem như là một giá trị
  8. đã định hình, là cái hiển nhiên, mặc định. Nó là cái cớ vin vào cho sự khẳng định tình cảm vững bền của đôi lứa yêu nhau: - Thương nhau đựng sọt nước vơi Không thương nước đựng cong rồi cũng khô. - Thương nhau nước đựng vào sàng Không thương nước đựng trong cang còn rò. (Ca dao tình yêu, Tày, tr.652) Không chỉ nhấn mạnh vào tính thuần nhất của nước để biểu thị sự chung thuỷ, vĩnh hằng, câu ca dao trên lại nhấn mạnh vào khả năng biến chất của nước để nói lên sức mạnh chuyển dời của tình cảm. Không đơn thuần biểu thị cho tình cảm, nước được nhìn nhận rộng hơn, sâu hơn, bao trùm mọi giá trị, mọi thành quả trong đời sống con người. Nó gói trọn tất cả mọi hy vọng, thất vọng, ngậm ngùi của con người. Trong lối suy tư này, nước trở thành một biểu tượng gần gũi - đại diện cho những giá trị, những thành quả thiết thực của đời sống con người. Từ một góc độ khác, biểu tượng nước lại được thiêng liêng hóa, trở thành một mạch nguồn linh diệu của tình cảm. Trong thẳm sâu tâm thức mỗi con người, nước là nguồn cội, nước là những gì thanh khiết, trong sáng. Hẳn là tác giả dân gian cũng đã ướm chọn những giá trị vĩnh hằng ấy của biểu tượng nước để thể hiện nỗi khát khao yêu đương của những trái tim đang thổn thức. Nước được quan niệm là số phận, là định mệnh. Đặc tính về sự trôi chảy liên tục của nước khiến người ta thường liên tưởng đến dòng đời, đến số phận. Trong văn học, nước xuất hiện với ý nghĩa là sự ám ảnh về số phận, về định mệnh. Nước chảy hay là số mệnh đang trôi? Dường như đó là tất cả mọi nỗi sầu thương, đau đớn của con người. Nước còn được xem như là cội nguồn. Nó trở thành biểu tượng cho mọi sự khởi nguyên: để thành con của mẹ, thành người của làng, thành người của muôn nơi, con người đều phải trải nghiệm cùng với nước. Chủ đích lấy nước làm biểu tượng xuyên suốt trong văn học đã khai thác đến tận cùng biểu tượng này dưới mạch nghĩa là nguồn cội. Dù là ở trạng thái nào, đơn độc hay dàn trải, biểu tượng nước trong văn học, văn hóa là biểu tượng được lựa chọn bởi một cá tính nghệ thuật cá biệt.
  9. 5. Biểu tượng nước trong cuộc sống hằng ngày Văn minh lúa nước đã ảnh hưởng trực tiếp và mãnh liệt đến lối sống, tư duy, tình cảm của những cư dân nông nghiệp nói chung và người Việt Nam, Hàn Quốc nói riêng. Chính đời sống, nếp sinh hoạt của những cư dân làm nông nghiệp đặc thù đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của họ. Và có thể nói, nước là một phần trong các ý niệm tâm linh đó Nước là một yếu tố không thể thiếu được trong cuộc sống. Ở đâu có nước, ở đó có con người có cuộc sống và ngược lại ở đâu có con người tất nhiên ở đó có nước. Hàn Quốc, đất nước nằm trên khu vực Đông Bắc lục địa châu Á có địa hình phong phú với khoảng hơn 70% diện tích lãnh thổ là núi non và có số lượng sông suối tương đối lớn đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế và lối sống dân cư. Hàn Quốc từ khi còn là nền văn hóa du mục cho đến khi chuyển sang nền văn hóa nông nghiệp và hiện nay là văn minh công nghiệp thì yếu tố nước luôn có vai trò quan trọng, nó đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân. Họ coi nước là hiện thân sức mạnh thần bí, là nguồn lực mà cuộc sống con người lệ thuộc. Biểu tượng cho sự thịnh vượng và phồn thinh cho một quốc gia - đó là nguồn lực của cuộc sống chính nó đã tạo nên nền văn hóa. Từ xa xưa, đối với các cư dân nông nghiệp như Hàn Quốc và Việt Nam, nguồn nước là nơi người dân dùng để lấy nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày và sản xuất. Chính vì vậy, giếng đã trở thành nơi hết sức quan trọng, nó được người dân bảo vệ và hết sức tôn thờ. Xuất phát từ tầm quan trọng đó mà trong cuộc sống người dân đã tồn tại các quan điểm khác nhau về giếng và nguồn. Người Hàn Quốc coi trọng nước có ý nghĩa trong cuộc sống, họ cho rằng sự tồn tại của con người phụ thuộc vào khả năng của nước. Trong dân gian đã có những câu hát về sức mạnh của nước như “Yonho chon-ga” (rồng bay), một tập thơ nói về trận lũ lụt thời Yisong - gye, hay tập thơ nói về trận lũ lụt thời Choson gợi lên sức mạnh vô bờ của nước. Ngoài ra còn có những ca khúc nêu rõ tầm quan trọng của nước trong tín ngưỡng truyền thống:
  10. “Suối nguồn thì sâu Bất chấp hạn hán, nước dâng lên Như là dòng sông Thắng biển cả ” Thời xa xưa, người Hàn Quốc thường so sánh sự linh thiêng giữa giếng và nguồn nước, và cũng từ đó người ta tin rằng đó là nơi những con rồng đẻ những quả trứng. Tồn tại quan niệm cho rằng ban đêm rồng sẽ từ bầu trời bay xuống trái đất, lặn vào giếng và để lại trứng ở đó. Nếu ai trong số phụ nữ là người đầu tiên múc nước ở giếng sau đó nấu cơm bằng nước này thì sự giàu có và phong lưu sẽ đến với gia đình đó cả năm. Người đầu tiên múc nước ở giếng sẽ để lại trên mặt nước một cọng cơm như là báo rằng nước “hạnh phúc” đã được lấy đi rồi. Trong nông thôn Hàn Quốc còn tồn tại một số quan niệm là nước giếng đem đến may mắn cho họ. Người Hàn Quốc không muốn cho ai nước vào buổi chiều tối vì người ta sợ rằng may mắn sẽ ra đi cùng với nước. Tập tục này phổ biến ở các tỉnh Chunthon Bắc và Nam. Với người Hàn Quốc, nước được múc từ giếng từ lúc rạng đông được gọi là “Chonghwasu”. Người ta tin rằng nó chứa đựng những quyền lực đặc biệt, nhất là khi nó được sử dụng trong việc cầu nguyện hay làm thuốc. Nó được sử dụng như một đồ cúng tổ tiên, một bát “Chonghwasu” được xem như có giá tị tinh túy hơn các loại nước khác. Cũng bởi lý do này mà người ta tin rằng hạnh phúc của họ là do sự có mặt của bát nước này. Ngày đầu tiên của tháng hai âm lịch, những người dân của vùng Golsong gun tỉnh Hy song sung thường tập trung xung quanh bát nước “Chonghwasu” để cầu nguyện cho mùa màng tốt tươi. Nước này mang ý nghĩa là nước của nông nghiệp (Wóngamul). Trong tâm khảm người Hàn, nước chứa đựng tính nguyên thủy huyền thoại và tính tượng trưng. Theo truyền thuyết Tangun - huyền thoại về những trận lũ lụt ngày xưa - tổ tiên của người Hàn Quốc là Hwanung từ trên trời bước xuống đất và xuất hiện ở dưới “Shindasu” - một cây linh thiêng nằm trên đỉnh T’aeback, đi theo là vị thần mưa. Họ coi
  11. nước là một nhân tố sáng tạo ra vũ trụ, ra con người và họ là do các đấng tự nhiên sáng tạo ra. Nước tham gia vào cuộc sống của con người nhưng nó không chỉ mang đến sự sống, sự thuận tiện mà còn mang đến những khó khăn trở ngại. Đó là những thiên tai do nước mang đến, trận lũ lụt dưới thời vua Packche năm 116 trước Công nguyên, nước lũ dâng cao gây nhiều thiệt hại lớn, nhà cửa bị phá hủy và hầu hết những cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Năm 589, dưới thời vua Shilla, một cơn lũ khác ập tới và gây thiệt hại rất nghiêm trọng, khoảng 30.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 200 người chết. Do những thiệt hại mà nước gây ra như vậy nên từ xa xưa người dân Hàn Quốc đã luôn tìm cách chế ngự nước nhằm phục vụ cho cuộc sống của mình. Thế nhưng những cố gắng của con người chỉ phần nào giảm bớt được những thiệt hại mà thôi. Do đó, đối với người Hàn Quốc, nước có một sức mạnh thần kỳ, nó mang trong mình những điều kỳ vỹ mà họ luôn tôn thờ nó. Từ đó, nảy sinh những quan điểm, tập tục tín ngưỡng xung quanh môi trường nước. Ở nông thôn Việt Nam, ta thấy bất kỳ làng nào ta cũng thấy cây đa, bến nước, sân đình, đây là ba vật biểu hiện tính cộng đồng, là nơi diễn ra các sinh hoạt hàng ngày cũng như các hoạt động khác. Điều này ta cũng bắt gặp ở nông thôn Hàn Quốc. Trong một ngôi làng, dưới bóng cây cổ thụ là nơi được yêu thích nhất, nhất là đối với những người phụ nữ, hàng ngày họ ra đây truyện trò, giặt giũ, lấy nước Khi xưa nó là nơi hẹn hò của những người yêu nhau, ngày ấy các thiếu nữ không được ra khỏi nhà từ lúc hoàng hôn buông xuống, chỉ với lý do là đi lấy nước thì họ mới có giây phút được ở bên cạnh người mình yêu. Ở Việt Nam, nơi có nền tảng là nền nông nghiệp lúa nước, ngay từ thuở hồng hoang, Rồng- vị thần thiêng liêng của nước, đã được xem là đối tượng được tôn kính số 1- Rồng là Cha của tất cả, hay nói cách khác, từ nước mà có con người. Trong tín ngưỡng dân gian cũng có tục thờ Mẫu Thoại - người mẹ của các nguồn nước. Trong cổ tích, nước thiêng ở suối tiên có thể khiến con người trở nên xinh đẹp (Ai mua hành tôi) Tuy nhiên, với người Việt Nam, nước cũng là đối tượng của sự sợ hãi. Nước có thể là một vị thần phá hoại mùa màng (qua hình ảnh Thuỷ Tinh), nước cũng có thể làm chết người (qua biến thể nước sôi trong Tấm Cám). Nỗi sợ hãi nước đi đôi với niềm tôn kính ăn sâu
  12. vào tâm thức cộng đồng, tạo nên những vị thần sông mà con người hàng năm phải thờ cúng, gọi là thần Hà Bá. KẾT LUẬN Văn hóa Hàn Quốc nói chung đối với người Việt Nam vẫn còn nhiều mới mẻ. Việc so sánh và đối chiếu văn hóa hai dân tộc để từ đó nhận định về tính tương đồng văn hóa là một vấn đề rất lớn và phức tạp. Sự tương đồng văn hóa bước đầu được đánh giá và giải thích bởi những yếu tố chung về hoàn cảnh địa lý, lịch sử, nền văn hóa nông nghiệp. Tìm hiểu biểu tượng “nước” ở Việt Nam và Hàn Quốc trong dòng chảy chung của Đông Á dưới góc độ riêng, thông qua việc xem xét các lễ hội nông nghiệp trong vùng, chúng ta nhận thấy được những nét đặc trưng và khác biệt của văn hóa hai nước. Nghiên cứu và so sánh biểu tượng nước của hai dân tộc, chúng tôi hy vọng có thể đáp ứng một phần yêu cầu tìm hiểu về hai nước và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc tiến thêm những bước mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Jean Chevailier & Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng. 2. Phạm Đức Dương (1994), “Tiếp xúc, giao lưu và phát triển văn hóa: Quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và thế giới”, Nghiên cứu Đông Nam Á , số (4). 3. Lê Chí Quế (1995), “Về mối quan hệ loại hình văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc”, Nghiên cứu Đông Nam Á , số (3). 4. Vũ Anh Tú (2008), “Tín ngưỡng phồn thực Việt Nam trong dòng cháy văn hóa Đông Nam Á qua các lễ hội nông nghiệp”, Nghiên cứu Đông Nam Á, số (9). [i] TS, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế [ii] PhD., Hue Teacher's Training College
  13. Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam - Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.